Phật giáo trong biến đổi xã hội Hàn Quốc

phat giao han quoc

Minh Thạnh

Tiếp tục loạt bài giới thiệu Phật giáo trong biến đổi xã hội ở một số quốc gia, trong bài này, chúng tôi giới thiệu Phật giáo trong biến đổi xã hội ở Hàn Quốc, căn cứ vào công trình nghiên cứu “Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về những biến đổi xã hội”, chủ biên TS Trần Thị Nhung, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013.

Nếu như Phật giáo trong biến đổi xã hội Trung Quốc là sự suy giảm và thất thế trước sự phát triển của đạo Tin Lành và diễn biến thế tục hóa của chính đạo Phật, Phật giáo trong biến đổi xã hội Nhật Bản là sự vỡ vụn tổ chức, suy thoái trước sự phát triển của các tôn giáo mới, thì Phật giáo Hàn Quốc đã diễn biến thiểu số hóa trước sự phát triển của đạo Tin Lành.

Tình trạng thiểu số hóa của Phật giáo Hàn Quốc biểu hiện một cách rõ ràng hơn so với Phật giáo Trung Quốc cũng như Phật giáo Nhật Bản.

So với đạo Tin Lành và Thiên chúa La Mã, ở Hàn Quốc, Phật giáo gia tăng chậm. So sánh với riêng đạo Tin Lành, hoặc Thiên chúa giáo La Mã, Phật giáo Hàn Quốc vẫn có số tín đồ đông nhất ở Hàn Quốc. Nhưng so sánh Phật giáo với Cơ đốc giáo nói chung, Phật giáo Hàn Quốc đã là tôn giáo có số tín đồ đứng hàng thứ hai so với tổng số số lượng tín đồ các tôn giáo trong Cơ đốc giáo (chủ yếu là các phái Tin Lành và Thiên Chúa giáo La Mã).

Điều này tương tự như tình trạng ở Việt Nam, vì theo thống kê 2009 của cơ quan chức năng nhà nước, thì tổng số tín đồ Thiên Chúa giáo La Mã và các giáo phái Tin Lành có khai báo đã gần với số tín đồ Phật giáo trong thống kê. Nếu xét cả số tín đồ Tin Lành không khai báo (ẩn lậu, giáo hội tư gia) và mức tăng tín đồ của các tôn giáo (như Tin Lành được ghi nhận là có số tăng bất thường), thì Phật giáo Việt Nam đã trở thành tôn giáo thiểu số, đứng hàng thứ hai ở Việt Nam.

Dưới đây là phần trích từ công trình nghiên cứu nói trên (từ trang 73): “Tại Hàn Quốc, Tin Lành phát triển vượt trội và tín đồ tôn giáo trong xã hội gia tăng. Hàn Quốc thực sự bước vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhanh chóng thu được kết quả rõ rệt từ những năm 1979. Đồng thời với quá trình này, xã hội Hàn Quốc cũng diễn ra những biến chuyển mạnh mẽ. Số dân nông thôn kéo ra các thành phố tăng đột biến, riêng số dân thành phố Seoul đông tới chục triệu người.

Sự biến phát triển mạnh mẽ và những rủi ro trong lĩnh vực kinh tế, việc di cư ồ ạt và tập trung dân cư ở thành phố, sự khó khăn trong đời sống thường nhật của hàng vạn con người mới ra thành phố lập nghiệp… đã lại một lần nữa tạo điều kiện cho các tôn giáo, nhất là đạo Tin Lành Hàn Quốc phát triển. Số người đi lễ nhà thờ tăng lên, lại chỉ tập trung ở một số nhà thờ trong thành phố đã khiến cho nhà thờ quá tải.

Thực tế cho thấy, đạo Tin Lành Hàn Quốc có sự phát triển đột biến cả về số lượng, quy mô nhà thờ và nội dung hoạt động tôn giáo. Một loạt các nhà thờ lớn được xây dựng, các chức sắc tôn giáo được đào tạo gấp và Hiệp hội phát triển đạo Tin Lành Hàn Quốc được thành lập. Các cuộc vận động với quy mô lớn được khởi xướng trong toàn quốc như Một triệu tín đồ, hàng vạn nhà thờ hướng về chúa… đã khiến cho nhiều tín đồ cũng như một bộ phận người Hàn Quốc ngỡ rằng “Thời đại ngày nay là thời đại của đạo Tin Lành”. Theo thống kê trong Niên giám tôn giáo Hàn Quốc, ngay từ năm 1977, Hàn Quốc có 5.001.491 tín đồ Tin Lành, 23.526 chức sắc (gồm cả mục sư và giáo sĩ) và 19.457 nhà thờ. Nếu đối chiếu tương quan các số liệu thống kê của các tôn giáo khác cùng thời điểm (Phật giáo: số chùa: 7.416; chức sắc: 23.015; tín đồ: 12.906.851. Thiên chúa giáo: số nhà thờ: 2.308; Chức sắc: 4.130; tín đồ: 1.093.829) có thể thấy Tin Lành đã trở thành một trong ba tôn giáo lớn của Hàn Quốc (Phật giáo, Tin Lành và Công giáo).

Đến năm 1990, đạo Tin Lành ở Hàn Quốc đã phát triển mạnh cả về số lượng tín đồ lẫn tổ chức và vươn lên vị trí thứ hai trong số các tôn giáo lớn, cụ thể như sau: 1) Phật giáo: số chùa: 9.231; chức sắc: 25.205; tín đồ: 20.696.948. 2) Tin Lành: số nhà thờ: 34.407; chức sắc 58.288; tín đồ: 11.888.374. 3) Thiên chúa giáo: số nhà thờ: 844; chức sắc: 7.640; tín đồ: 2.632.990. Số liệu trên cho thấy, đạo Tin Lành tiếp tục phát triển rất mạnh, tuy số tín đồ vẫn đứng sau Phật giáo nhưng đã tăng gấp đôi chỉ sau hơn chục năm, đặc biệt là số nhà thờ tăng thêm 14.950 cơ sở.

Để rõ hơn quá trình phát triển của đạo Tin Lành qua các giai đoạn từ 1985 cho đến thời gian gần đây, xin tham khảo bảng 5:

Bảng 5. Phân bố dân số tôn giáo của Hàn Quốc (1985-1995-2005-2011)

 

Tôn giáo/Năm

 

 

Không  tôn giáo

Đạo Tin Lành

Thiên chúa giáo

Phật giáo

Nho giáo

Các tôn giáo khác

 

1985

23.216.356

6.489.282

1.865.397

8.059.624

483.366

305.627

1995

21.953.315

8.760.336

2.950.730

10.321.012

210.927

357.390

2005

21.865.160

8.616.438

5.146.147

10.726.463

104.575

582.651

2011

 

8.760.000

 

 

 

 

Nguồn: Tổng điều tra dân số và số liệu thống kê theo các năm.

Qua số liệu thống kê cho thấy đạo Tin Lành có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 1985-1995. Giai đoạn 1995 đến 2011, số lượng tín đồ vẫn tiếp tục tăng từ 8.616.438 người lên 8.760.000 người mặc dù tỉ lệ tín đồ Tin Lành so với tổng tín đồ các tôn giáo thì có sự giảm sút (từ 19,7% năm 1995 xuống 18,4% năm 2005 và 18,1% năm 2001). Nguyên nhân là trong những năm gần đây, một số tôn giáo truyền thống có xu hướng hồi phục trở lại dựa vào việc phát triển số lượng tín đồ từ những người vốn không theo tôn giáo nào. Mặc dù vậy, hiện nay, đạo Tin Lành ở Hàn Quốc vẫn là một tôn giáo có vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, đạo Tin Lành ở Hàn Quốc mang tính nhập thế cao, có sức ảnh hưởng mạnh đến xã hội và văn hóa Hàn Quốc.

Như đã đề cập trên, trong những thập niên gần đây, có hiện tượng tín đồ tôn giáo ở Hàn Quốc ngày một gia tăng. Theo số liệu thống kê, năm 1985, xã hội Hàn Quốc có tới hơn một nửa dân số  (57,4%) được biết không theo tôn giáo nào. Tuy nhiên, trong các năm sau, con số này ngày một thu hẹp, cụ thể năm 1995, tỉ lệ người không theo tôn giáo nào là 49,3% đến năm 2005, con số này giảm còn 46,7%. Trong những năm vừa qua, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng qua khảo sát thực trạng của các tôn giáo của Hàn Quốc cho thấy, thực tế này vẫn đang tiếp tục phát triển.”

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle