Giấc ngủ lý trí

giac ngu

GIẤC NGỦ CỦA LÝ TRÍ

 

Đặng Công Hanh

 

"Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò"

(Trần Tế Xương)

 

· Các dấu ấn lịch sử

Có thể thấy rằng, sau sự suy tàn của hai nền văn minh Hy-Lạp và La-Mã, thì kể từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 10, lục địa Âu Châu chìm đắm trong thời kỳ mà các sử gia gọi là đen tối (ténèbres). Kiến thức rực rỡ của hai nền văn minh Hy-Lạp và La-Mã nói trên đã bị cất giữ trong những tu viện Công giáo. Châu Âu lúc bấy giờ đang bị ngự trị bởi quan niệm tôn giáo có nguồn gốc Trung Đông này cho rằng thế gian là tạm bợ và còn có thế giới khác vĩnh hằng gọi là Vương quốc của các Tầng Trời (Rayaume des Cieux).

Vào khoảng thế kỷ thứ 11 các nhà học thuật Châu Âu bắt đầu khám phá lại các tài liệu cũ của nền văn minh Hy-Lạp trong đó có các kiến giải của Aristote để tìm lại nền văn minh truyền thống của mình. Họ bắt đầu nhận định rằng thế gian có những thực tại riêng của nó, vận hành theo qui luật riêng mà có thể hiểu được qua cảm quan và qua khả năng suy luận của lý trí. Từ đó khởi sinh ra sự đối đầu giữa hai đức tin: một phía là tin tồn tại một thiên quốc (royaume céleste) có thể biết được qua đức tin và sự mặc khải, phía khác tin vào một địa quốc (royaume terestre) có thể nhận hiểu bằng ngũ quan và lý trí.

Vào thế kỷ thứ 13, Thomas d' Aquin đưa ra một quan điểm có tính cách tổng hợp hai quan niệm nói trên trong một lý thuyết về vũ trụ: Trái đất nằm ở vị trí trung tâm, bao quanh bởi 9 vòng cầu là nơi các hành di động và ở vòng cầu thứ 10 ở rất xa trái đất, bất động, là nơi ngự trị của Thiên Chúa. Trong 9 vòng có 1 vòng cầu của Mặt trăng di động; 8 vòng cầu kia được xem là ổn định; trái đất được cấu thành bằng đất, nước, khí và lửa gọi là địa quốc.

Tổng hợp đề của Thomas d' Aquin trở thành nền tảng tư tưởng của Châu Âu thời Trung cổ. Và cùng lúc đó, các nhà thông thái khác đã khám phá được trong kho tư liệu của Aristote một số nghịch lý quan trọng. Ba thế kỷ sau đó, các nghịch lý này trở thành mầm mống làm sụp đổ toàn bộ hệ thống tư tưởng thời Trung cổ. Một nghịch lý rất phổ biến: "Theo Aristote, mọi vật đều phải rơi với các vận tốc khác nhau tùy theo trọng lượng của vật đó" vào thời kỳ này người ta phát biểu định luật: vật càng nặng càng rơi nhanh hơn, vì chúng tiến về vị trí của chúng ở trung tâm vũ trụ.

Thế kỷ thứ 16, tức sau 3 thế kỷ, Galilée kiểm nghiệm định luật này bằng cách cho nhiều viên bi có độ lớn như nhau, có trọng lượng khác nhau, lăn trên cùng một mặt phẳng nghiêng thì thấy tất cả đều lăn với cùng một vận tốc - thế là định luật trên bị phủ định.

Galilée còn thiết kế một viễn vọng kính quan sát Mộc tinh, thấy được các vệ tinh của nó luôn luôn thay đổi vị trí. Kết quả quan sát thực nghiệm này trở thành mô hình nền tảng về sự vận hành của các thiên thể. Như thế là các thành phần của Thiên quốc bị đặt thành nghi vấn.

Galilée mất năm 1642, cũng vào năm này Newton ra đời. Với bộ óc thiên tài của mình, Newton khám phá rằng Trái đất vận hành cùng một qui luật với sự vận hành của Thiên giới chung quanh mặt trời. Thế giới của Newton, các hành tinh vận động tự nhiên một cách cơ học, theo vài định luật nền tảng được viết dưới dạng các phương trình toán học. Như vậy, cùng với Galilée, Newton đã phủ nhận vai trò của một Thiên chúa và một linh hồn vĩnh cửu cần thiết tham dự vào sự vận hành đó.

Quan điểm xác định của hệ thống tư tưởng Galilée và Newton thống trị mãi đến cuối thế kỷ 19, đã mang lại nhiều thành công cho nhân loại. Có thể kể ra, từ cách nhìn cơ học và tự động của Newton mà Charles Darwin xây dựng nên lý thuyết tiến hóa của mình.

Quan điểm chủ đạo của ông cho rằng, trong một thời khoảng có thể rất dài, những sinh vật đơn giản, thô sơ, tự động phát triển mà không cần đến sự can thiệp dẫn dắt của sức mạnh thần bí để trở thành những sinh vật phức tạp ngày càng tỏ ra thông thái như hiện nay. Như vậy, sự tạo thành con người không có bóng dáng của Thiên Chúa và từ đó xuất hiện sự đối đầu dai dẳng giữa những tín đồ trung kiên Ki-tô-giáo và những người có lòng tin thuyết tiến hóa hay có quan điểm khoa học.

Có thể nói, sau khi Galilée mất đi, đến thời kỳ Newton, khoa học phát triển không ngừng. Phương pháp khoa học được đề cao và người ta tin rằng với sự trợ giúp của khoa học, nhân loại sẽ mau chóng được khai sáng. Phong trào khai sáng (Enlightenment) rộng tỏa khắp Châu Âu và Bắc Mỹ tạo nên thời đại Ánh sáng của phương Tây thế kỷ 18.

Thuật ngữ thời đại Ánh sáng nói lên một nội dung trọn vẹn tư tưởng rằng khoa học sẽ giúp nhân loại cải thiện đời sống vật chất và đồng thời chuyển hóa được sự tối tăm dốt nát, mê tín và các định kiến lạc hậu mà các thế lực chuyên chế của vua chúa và nhà thờ đã duy trì từ quá khứ. Sự phát triển và tiến bộ là chiều hướng tất yếu của lịch sử.

Những người Châu Âu và người Mỹ đều là hậu duệ của những thế hệ đã tạo nên giấc mơ vĩ đại của Thế kỷ Ánh sáng, giấc mơ tin rằng con người có thể cải tạo được, và xã hội sẽ tốt đẹp hơn nhờ trí thức và giáo dục. Họ tin rằng có thể xóa bỏ được thái cực nghèo khổ và bất công. Công chúng được giáo dục tốt, được thông tin, đầy đủ, một nền dân chủ thực sẽ trở thành hiện thực khoa học và công nghệ được xem là có khả năng giải quyết mọi vấn đề tồn tại của xã hội bằng sức mạnh của tri thức khoa học, bằng khả năng dự báo tương lai thông qua toán học.

Thời kỳ này có hai tên tuổi lớn với hai tuyên ngôn về phương pháp nghiên cứu khoa học được giải thoát khỏi các giả danh tùy tiện hay mê tín đó là Francis Bacon (1561 - 1626)René Descartes (1596 - 1650). Bacon nhấn mạnh tầm quan trọng của các sự kiện quan sát như là khởi điểm của mọi khoa học và lý thuyết chỉ đáng tin cậy trong một chừng mực được dẫn xuất từ những sự kiện  quan sát đó. Người ta gọi cách tư duy này là "phép qui nạp Bacon". Ngược lại, Descartes chú trọng đến hệ thống diễn dịch chặt chẽ và không chứa đựng mâu thuẫn nội tại cho lý thuyết. Ông đề cao sự mở rộng cấu trúc của trí tuệ kiểu Euclide bằng cách đưa thêm các tiên đề, định nghĩa và giả thiết mang tính hiển nhiên tự thân (self - evident) rồi từ đó suy ra các hệ quả.

Về phía Newton, một phần có ảnh hưởng kiểu qui nạp Bacon, mặt khác có chịu ảnh hưởng phương pháp luận của Descartes ở một chừng mực, để sáng tạo nên phương pháp riêng của mình. Chẳng hạn, ông đã đưa thêm các tiên đề, các định nghĩa và giả thiết mang tính động lực học vào lý thuyết chuyển động và lực hấp dẫn của mình theo chỉ dẫn của Descartes. Vì thế mà các triết gia về khoa học gọi là "phương pháp diễn dịch - giả thuyết" có một hình thức thích đáng của lý thuyết được xem như một hệ thống toán học, ông cũng tin rằng, mọi hiện tượng với vật lý học cũng có thể khảo sát bằng một hệ thống như vậy. Kể từ năm 1740, thì hầu như không còn ai nghi ngờ sự đúng đắn trong quan điểm của Newton nữa.

Tuy vậy, có thể thấy rằng sự tin tưởng này có phần nào bị giản lược quá mức dưới góc độ củng cố về sự có thật của một thế giới hoàn toàn khách quan chỉ bao hàm có không gian, thời gian tuyệt đối và những hạt vật chất. Khoa học trở thành một đức tin chủ đạo, trước nhất tại Tây phương rồi lan rộng ra toàn thế giới. Hơn thế nữa, có bộ phận đông đảo còn tin rằng khoa học thực sự có khả năng tìm thấy chân lý của thế giới thực tại. Đức tin này vẫn còn tiếp diễn ở trình độ đại chúng và cả ở bộ phận không nhỏ trong giới học thuật cho đến ngày nay.

*

* *

Thế nhưng, thực tiễn lịch sử thế giới sau đó không lâu đã không xác nhận niềm lạc quan thơ ngây đó và đã có không ít nhà tư tưởng thế kỷ 20 đã phê phán phong trào Khai sáng với nhiều góc độ khác nhau. Đa số họ cho rằng: khoa học là sự nghiệp dẫn ta đến gần mục đích nào đó mà tự nhiên đặt ra một cách tiên thiên. Nhưng liệu có hay không một mục đích như thế?

Sự băn khoăn được củng cố khi Darwin đã công bố công trình về học thuyết tiến hóa năm 1859. Điều gây choáng váng trong học thuyết không ở chuyện loài người hình thành từ loài khỉ mà ở chỗ khẳng định sự tiến hóa không có mục đích đặt trước bởi Thượng đế, mà chỉ là sự lọc lựa tự nhiên và cạnh tranh sinh tồn, đơn thuần vì mục đích sống sót. Sự phát triển của khoa học cũng mang dáng dấp tương tự. Vậy thế giới phải trở nên như thế nào để khoa học tồn tại và để con người có thể nhận thức được nó? Liệu con người còn tôn vinh quá cao, với sự kỳ vọng quá lớn đối với tri thức khoa học trước các tri thức tín ngưỡng khác hay không?

Thực tiễn trong những năm sau này, hai cuộc thế chiến đã nổ ra cùng với nhiều cuộc xung đột vũ trang khác, những cuộc đàn áp và thanh trừng sắc tộc, chiến tranh vi trùng, chiến tranh hóa học, sự tàn phá môi trường và mối đe dọa hủy diệt của vũ khí hạt nhân. Các cuộc tranh chấp vẫn tiếp tục giải quyết bằng bạo lực ở một thể loại chiến tranh với sự hỗ trợ của công nghệ mới như tên lửa và điện tử để gieo rắc cái chết từ xa.

Phải chăng, sự tiến hóa của nhân loại theo hướng lầm lạc đến mức loài người có thể tự hủy diệt chính mình và môi trường nuôi dưỡng mình. Có thể chăng tri thức phát triển quá nhanh để đến lúc phải tự vấn, và lo âu về những công nghệ do mình tạo ra. Vậy thì có phương cách nào cứu vãn cái giấc mơ của Thế kỷ Ánh sáng lúc này đang hóa thân thành một cơn ác mộng?

Thực sự đã đến lúc chúng ta nên dừng lại trong chốc lát và lùi lại để ngắm bức tranh toàn cảnh của xã hội, của thế giới, của vũ trụ. Nếu quan sát nền văn hóa của nhân loại với nghệ thuật và âm nhạc, với tôn giáo và tâm lý học, chúng ta sẽ thấy khái niệm tiến bộ bấy lâu nay vẫn chủ yếu dựa vào tiến bộ vật chất, một thể dạng tiến bộ làm cho kinh nghiệm của ta về thế giới trở nên thô thiển và nghèo nàn, đã ăn sâu vào tư duy của xã hội Tây phương.

· Đâu là căn nguyên

Đi tìm một căn nguyên hành xử của con người như vậy phải xoay hướng  qua các nhà tâm lý học và các nhà nghiên cứu thần kinh. Bậc trí giả lớn có nhiều đóng góp là Sigmund Freud. Ông là bác sĩ về thần kinh người Áo, cha đẻ ngành Phân tâm học (Psychoanalysis), sau này trở thành Chủ nghĩa Freud (Freudianism) với phát kiến đề xuất hai bản năng gốc là bản năng tình dục (libido) và bản năng chết (pulsion de mort), xem đó là nguyên động lực chi phối tiến trình lịch sử nhân loại.

Ông cho rằng cấu trúc nhân tính hay ngã tính của con người gồm 3 phần: Bản năng (Id), ngã tính (ego) và siêu ngã tính (superego).

+ Bản năng (Id), là cội nguồn nhân tính, nơi tích lũy nguồn năng lượng và cung cấp năng lực hoạt động cho ý thức (ego) và siêu thức (superego). Bản năng có hai thể dạng:

a/ Bản năng tình dục (libido) là loại năng lực chi phối nội tâm, vừa phát triển tình dục lành mạnh, vừa mở rộng cho đến các hoạt động khoa học, mỹ thuật cá nhân, là xung năng của tình yêu, vừa là căn nguyên của bệnh lý.

b/ Bản năng chết (pulsion de mort) thể hiện ở mức độ gia tăng năng lượng trong bản năng (Id) đến cực độ như giận dữ, tức tối... làm tăng áp huyết, ngất xỉu, tai biến... Và xu thế muốn chết là xu thế tìm giải quyết trạng thái đó bằng cách quay về trạng thái vô tri vô giác của cái chết.

+ Ý nghĩa tự ngã (ego), luôn luôn chịu sai sử bởi bản năng (Id) mà  hướng chính là mọi hình thức của nhu cầu, khát vọng, dục vọng, tham muốn giao tiếp với thế giới thực tại khách quan. Ý thức chính là bản năng khát vọng sống của tự ngã (cái tôi). Ý thức luôn luôn bị khống chế bởi qui ước khuôn mẫu của xã hội, làm thành dấu ấn trong vô thức (inconcient). Cái "tôi" của mỗi cá thể luôn luôn bị phá vỡ bởi mâu thuẫn, xung đột của bản năng dục vọng và sự kiềm chế của ý thức cộng đồng xã hội.

Sigmund Freud lập luận rằng lý trí, cái vốn được xem là nền tảng chắc chắn của xã hội có nề nếp trật tự, thực ra chỉ là bề nổi của một đại dương vô thức mênh mông, một tầng tâm lý chìm sâu bên dưới, ẩn giấu những khát vọng điên cuồng và những bốc đồng thôi thúc. Chính sức mạnh của vô thức này thường xuyên đe dọa bùng nổ trong cuộc sống tỉnh thức con người.

+ Siêu ngã (Superego), còn gọi là siêu thức, nó vượt lên trên bản năng tình dục (sexuality) và ý thức tự ngã để duy trì giá trị truyền thống và các lý tưởng đạo đức xã hội. Nó tác dụng kiềm chế sự thúc đẩy của khát vọng dục tính (sexual desire)  nhưng mặt khác thôi thúc ý thức bảo trì các giá trị đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Nói cách siêu thức là ý thức vươn lên hoàn thiện của đời sống.

Vào thời kỳ này còn có một số nhà tâm lý khác như Gustav Jung, H.Mead, Erich Fromm... tuy có những quan điểm phần nào khác nhau nhưng không lớn lắm. Tuy nhiên có sự nhìn nhận ở xã hội Tây phương là lý thuyết của Freud và Jung xem như những dấu ấn vàng son trong lịch sử tâm lý học hiện đại. Đại thể, có thể rút ra một số nét chung nổi bật:

1/ Tất cả lý thuyết tâm lý Tây phương đều quay quanh chủ điểm "khát vọng sống" dù cho có nhiều biểu đạt các tên gọi khác nhau, tất cả đều nói lên tiếng nói dục vọng của nhân tính, cội nguồn của khổ đau và hạnh phúc.

2/ Đều thừa nhận cái nhân tính tồn tại như một ngã thể (ego) hay một thực thể (entity) độc lập và vĩnh cửu. Quan niệm hạnh phúc là sự thỏa mãn các nhu cầu của đời sống tâm lý và vật lý. Do đó, hạnh phúc luôn luôn mang tính tạm thời và không ngừng thay đổi theo sự thôi thúc của nhu cầu và dục vọng. Rõ ràng, đó chỉ là thứ hạnh phúc mong manh xây dựng trên cơ cấu bất định của thế giới tâm lý và vật lý.

3/ Lý thuyết tâm lý phương Tây nhận diện ra khát vọng, dục vọng, tham muốn là một sự thật về bản chất của ý thức tự ngã hay nhân tính. Đồng thời nhận ra cái mâu thuẫn nội tại của nhân tính ở mặt mong muốn hạnh phúc bình yên, mặt kia là sự thiêu đốt bởi dục vọng thấp hèn - nghĩa là mâu thuẫn giữa khát vọng của tự ngã và ý thức xã hội, ý thức đạo lý. Và cũng do con người với ý thức tự ngã cho rằng đây là Tôi, đây là cái của Tôi, và chấp thủ bám víu vào cái Tôi, cái tự ngã của tôi, nghĩ rằng đó là thường tại vĩnh hằng, làm cho con người rơi vào khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Đó chính là sự khủng hoảng của con tim và lý trí.

4/ Cả 3 tác giả  From, Jung, Freud đều lấy Vô Thức làm nền móng, mà bên trên là cơ đồ kiến trúc của ý thức. Freud thì đó là nơi tập hợp những đen tối xấu xa. Còn nền móng Vô thức của Jung thì là kho chứa những khôn ngoan sáng suốt.

Tuy nhiên khi đối mặt với các vấn đề như khát vọng tình dục, khát vọng yêu thương, khát vọng của ý thức... thì hướng giải quyết chỉ là đáp ứng "nhu cầu" tức là chiều theo tiếng gọi của "ý thức - tự ngã".

· Quan điểm của Phật học

Bối cảnh toàn cầu cho thấy nền văn minh của nhân loại hiện nay đang rơi vào khủng hoảng. Các nước văn minh tiên tiến đang tập trung phát triển kỹ nghệ nặng, đặc biệt là đại kỹ nghệ, các nước đang phát triển thì đang trên đường công nghệ hóa - hiện đại hóa. Tất cả đều tập trung vào phát triển kinh tế có nghĩa là quan tâm đến sản phẩm và lợi tức, lãng quên sự phát triển một hướng sống tâm linh và đạo đức.

Hướng phát triển này tất yếu ràng buộc với tâm tham áichấp thủ của con người, hậu quả nó mang lại cho thế giới nóng lên các cuộc tranh chấp, vũ lực, các cuộc khủng hoảng xã hội, đạo đức và môi sinh... có nguy có đưa đến thảm họa hủy diệt.

Khủng hoảng cơ bản nhất của cá nhân và xã hội chính là khủng hoảng của chính tư duy của cá nhân. Tư duy là tác nhân của hành động. Do tà tư duy khởi lên thì các tà nghiệp xuất hiện, làm khủng hoảng tâm thức con người. Tư duy được xem như là thước đo của hiện hữu, là phương tiện tìm kiếm chân lý và hạnh phúc. Mặt khác, chính tư duy đã gắn cho sự vật hiện tượng một tự ngã (self) tưởng tượng, trong khi đó sự vật hiện tượng không có tự ngã đó. Thế cho nên tư duy con người tạo ra một thế giới tưởng tượng làm cho người chìm sâu vào bóng tối của tư duy.

Con đường tư duy của phương Tây khác hẳn với tư duy phương Đông ở chỗ: phương Tây nhấn mạnh các tri thức về cuộc đời, phương Đông chú trọng đến sự chứng ngộ sự thật về cuộc đời. Aristote, một triết gia lớn của Hy Lạp diễn tả có 3 nguyên lý cơ bản của tư duy:

- Nguyên lý đồng nhất: một vật là A thì luôn luôn là A.

- Nguyên lý phi mâu thuẫn: Một vật gọi là A có khi gọi là , nhưng không thể vừa gọi là A, vừa gọi là .

- Nguyên lý triệt tam: Một vật có thể lúc này được gọi là A, khi khác gọi là B, nhưng không hề gọi là nửa A và nửa B.

Ba nguyên lý này giả định rằng mọi hiện hữu đều có ngã tính cố định, trong khi đời sống thật thì mọi hiện hữu thay đổi bằng sát na.  Đây chính là lỗ hổng.

Hầu hết các lý thuyết tâm lý đều tập trung xoay quanh thực thể ngã tính (self) như là điểm trung tâm. Điều này góp phần tạo nên sự phát triển cho tri thức con người, nhưng nó cũng tạo ra không ít nghịch lý trong việc xây dựng đời sống hạnh phúc.

Bởi vì, tính chất của ngã tính là chấp thủ (attachment) và khát vọng (desire), nó diễn tiến trong sự phân biệt thế giới thực tại khách quan thành giới hiện hữu của sai biệt. Và mỗi sự vật hiện tượng đều được ý thức tự ngã áp đặt lên một bản sắc cá biệt. Hẳn đây là thế giới của giả tưởng sai lầm (false imagination).

Với tư duy hữu ngã, con người thấy sự vật có một ngã tính thường hằng và chấp thủ nó, che mờ tâm thức khiến không thấy được thực tại như nó là: Thấy như thế gọi là "điên đảo kiến". Vì vậy con đường giải quyết khủng hoảng tư duy là đi ra khỏi "điên đảo kiến" mà phải thấy sự thật "Duyên khởi" có mặt khắp nơi vạn hữu như Đức Phật dạy: "Cái này có mặt thì cái kia có mặt, cái này sinh thì cái kia sinh". Cái thế giới mà chúng ta đón nhận, theo sự thật Duyên khởi, thật ra là thế giới của lòng khát ái, của Ái thủ và Vô minh mà không phải thế giới chân thật, bởi vì nó đã bị bóp méo, bị biến dạng bởi sự can thiệp của tình cảm, của tri thức sai biệt tức là sự can thiệp của ái, của thủ và vô minh .

Trước viễn cảnh của thực tại các nền văn minh nhân loại hiện nay đang rơi vào khủng hoảng của sự mất cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Đối với các nước công nghệ siêu cường thì căn bệnh trầm kha không phải là kinh tế, mà chính là "stress" một sự khủng hoảng tâm lý thời đại. Ngược lại, các nước kém phát triển thì căn bệnh khủng hoảng bao gồm cả hai mặt: khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tâm lý.

Nếu sự phát triển chỉ dựa vào thu nhập kinh tế và tiền tệ có nghĩa là dựa vào khát vọng làm giàu, tôn vinh sự bảo thủ hay nói theo ngôn ngữ Duy thức Phật học là tham ái và chấp thủ thì tất yếu sẽ gặp phải khổ đau, bất hạnh và tuyệt vọng.

Vì vậy, trước viễn cảnh những khủng hoảng mà khủng hoảng sâu đậm nhất là khủng hoảng tâm lý qua hội chứng stress thời dại, nên các giá trị của sự sống của con người cần phải xét lại. Đức Phật dạy rằng: "Các hành vô thường, các pháp là vô ngã". Sự vật, hiện tượng là hành. Hành là những pháp do tập hợp mà có. Vì vô thường nên cũng là Vô ngã. Vô ngã là không có một linh hồn bất diệt, thường hằng. Đây là tia nắng rực rỡ, khả dĩ soi sáng và giải quyết các vấn đề hiện đại của con người. Đây là lời kêu gọi đánh thức con người đi ra khỏi cơn mộng mê về một tự ngã sai lầm, huyễn hoặc, rồi từ đó vươn lên đời sống minh triết của thực tại Vô ngã. Con đường đi đến thực tại vô ngã đòi hỏi con người một nỗ lực cao nhất, ý thức trách nhiệm cao nhất và một tinh thần bi - trí - dũng cao nhất.

Tóm lại, bắt đầu từ ý thức (consciousness) của mỗi con người. Nếu nhận thức được thực tại, thấy được thực tại, hiểu rõ được chân lý thì có thể biến đổi được thế gian này, làm cho nó tồn tại hay làm cho nó hủy diệt. Đó chính là nói rằng: Ma hay Phật cũng đều do tâm mà ra.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1/ Thích Chơn Thiện: Lý thuyết nhân tính (Luận án Tiến sĩ Phật giáo)

                                    NXB. Phương Đông - 2009

2/ Huyền Trang :  Thành Duy Thức: Tuệ Sĩ dịch và chú giải

                   NXB. Phương Đông - 2009

3/ Thích Tâm Thiện: Tâm lý học Phật giáo

NXB. Thành phố HCM năm 2000

4/ William F.Lawhead: Triết học phương Tây

NXB. Tự điển Bách khoa - 2012.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle