Hoài niệm ân sư

hoai niem an su

Đặng Công Hanh

Trong ý nghĩa thâm sâu của Phật giáo, nhân duyên vận hành như một mạng lưới trùng trùng không thể nghĩ bàn được. Thế cho nên, trong cuộc hành trình vô tận của mình, cơ duyên đưa đẩy tiếp cận được với Đại Đức Thích Minh Tuấn, đang là Hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề, nay là Hòa Thượng Viện chủ Thiền Viện Bồ Đề, như một phép mầu, một dấu ấn chuyển hướng quan trọng trong đời sống của tôi mà cho đến tận giờ phút này tôi vẫn chứng nghiệm được như vậy trên lẽ vô thường.
Câu chuyện thế này: Sau nhiều năm bươn chải cơm áo và học hành, tôi chưa có dịp về thăm gia đình ở vùng quê nhiều điêu linh dâu biển bởi chiến tranh. Năm đó, vào dịp hè 1969, sau khi vượt qua các kiểm tra tối thiểu chương trình sau đại học, đồng thời vừa xây dựng xong đề cương theo hướng dẫn nghiên cứu của một vị giáo sư tại Đại học Khoa học. Tôi quyết định về thăm gia đình, để hưởng một chút thảnh thơi, một chút hương vị đầm ấm của dư âm thuở ấu thơ.

Về đây, trở về mái nhà của tuổi thơ dữ dội, chứng nhân của mối oan khiên nào đó do bàn tay của định mệnh mang trong bản chất tồn tại của nó, hay do thói trào lộng của thời gian. Về đây, tôi muốn hàn huyên tâm sự với song thân để nghe nói kể chuyện vật đổi sao dời trong những ngày tháng đong đưa trên vực thẳm của dọa đày, của long đong sinh kế mà những năm tháng trước đây, tầm mắt tôi bị vây phủ bởi những lớp bụi mù, nhuốm màu cuồng vọng của tuổi thanh xuân, chỉ biết mong mỏi đem cái hùng tâm tráng khí của mình ra thi thố:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất.
Phải có danh gì với núi sông”
Nguyễn Công Trứ

không để cho thân và danh cùng mục nát với cỏ cây. Cái tâm sự giang hồ đại
hải như thế cứ theo gió mà cuốn đi trên bước đường xuôi ngược. Quả thật:

“Một chiếc dép nghìn trùng, thấp thoáng nắng mai
nghiêng cửa động
Đôi cánh non trên vạn nẻo, mịt mù nước cuộn
đuổi trời mây”
(Sư Thiện Chiếu – Tuệ Sỹ dịch)

Bây giờ ngồi đây, dối diện với hiện thực, bên ngọn đèn dầu hiu hắt, tâm thể tịch liêu. Trong suy nghĩ bình dị về đời sống, mà trong sâu thẳm tận cùng của sự bình dị ấy ẩn chứa tình yêu đang gặm nhấm tâm tư, với bao xót xa ray rứt, cháy âm thầm trong sự sống đang trôi đi thật lặng lẽ. Ước vọng dù thành hay không thành cũng chỉ dừng lại là ước vọng. Phải đợi đến lúc bị bức bách kỳ cùng khổ lụy, mới thấy được cái đam mê cuồng si của mình nó như thế nào. Có phải chăng:

“Ta ngó mãi những chiều về trở lại
Mang những gì về trong cõi trăm năm”
(Bùi Giáng)

Trở lại Đà Nẵng, với một số hồ sơ chứng nhận năng lực chuyên môn mang theo, trong tâm trạng e dè và ngại ngùng, tôi khởi tâm đi xin dạy học tại Trường Công nghệ và Trường Bồ Đề.
Vào một buổi sáng đầu tháng 7, chưa đến ngày khai giảng năm học, nên Trường Bồ Đề còn thưa thớt học sinh ra vào.Tôi đến văn phòng thì gặp ngay Thầy Giám học và Thầy Hiệu trưởng, cả hai vị đều là tu sĩ còn trẻ đang bàn bạc điều gì đấy. Dù đang tuổi trưởng thành, nhưng cốt cách hẳn còn nông nổi hình hài trong thời kỳ mọt sách vừa nửa tỉnh nửa quê, đứng khép nép giữ im lặng đợi chờ hai vị kết hồi đàm đạo.
Sau cùng, tôi được tiếp xúc ngồi đối diện với hai vị để được bày tỏ nguyện vọng và trình hồ sơ. Thầy Hiệu trưởng chỉ đảo mắt lướt qua và chuyển cho Thầy Giám học đọc kỷ hơn. Thầy Hiệu trưởng, quay qua hỏi han một cách chậm rãi nhưng lôi cuốn về tình cảm khi hỏi về gia đình, về quê quán, về sinh hoạt học hành, kế sinh nhai thời sinh viên xa quê tại Sài Gòn. Tôi lo lắng, bồn chồn nhất khi Thầy nói đến phần lớn những người còn trẻ chưa có kinh nghiệm rất dễ gặp khó khăn khi truyền đạt kiến thức cho học sinh. Một dấu hỏi vội xuất hiện trong đầu có phải chăng đây là lý do để nhà trường từ chối sự hợp tác. Về điểm này, tôi có phần tự thị về các sở học rộng rãi của mình trong quá trình học tập và kinh nghiệm dạy kèm tư gia trong kế sinh nhai đã nhiều năm thời đi học. Tôi đã thành thật trình bày với Thầy Hiệu trưởng ý kiến như thế. Thầy mỉm cười bao dung trước sự bảo vệ có phần hợp lý và vừa khi Thầy Giám học tỏ vẽ ủng hộ sau khi đọc kỷ lý lịch khoa học, Cuối cùng, nhà trường thuận tình cho tôi hợp tác.

Tôi xin kiếu từ và bày tỏ lòng cảm ơn với hai Thầy. Ra khỏi cổng trường, ghé vào quán nước giải khát và tự thưởng cho mình vài điếu thuốc. Lúc này, tâm trí đã giảm nhẹ sự rộn ràng và chìm dần vào thế giới im lặng đuổi bắt ảo ảnh qua những ý tưởng thoạt đến, thoạt đi, trong viễn tưởng của thị giác, nhưng cũng rất thực, như từ giọt nắng mai đọng lại trên vòm lá cây bên kia đường.

Trong thế giới hiện thực, hàng ngày vẫn giao tiếp với mọi người, những con người mà “gót danh lợi bùn pha sắc xám” với đủ hơn thiệt, thị phi phù phiếm. Nay có duyên lành, tiếp xúc với hai vị tu sĩ trong lớp áo mô phạm văn hóa mà giá trị nhân sinh được thẩm định là cao thượng, thánh thiện, gạt bỏ những lớp phù hoa, dứt đi những sóng gió, bi thương, hùng tráng của kiếp nhân sinh, để nhìn xuyên qua và nhìn sâu hơn vào tính thể của tồn tại: Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyển bào ảnh. Như thấy được, ngoài cái lẽ sống phù du, ảo ảnh của hạnh phúc, còn có những phương trời cao rộng, còn có con đường chí thiện mà chưa có nhiều người bước theo hướng đó.
Đối với tôi hay với nhiều người, hình ảnh đó quá cao xa, nhìn lâu choáng ngợp, lại cảm thấy mình chỉ là con người yếu đuối trước sức mạnh bao dung của long vị tha.

Tự thâm tâm của mình còn vướng bận bởi động lực của khát vọng chinh phục. Chinh phục tình yêu, chinh phục danh vọng, địa vị, như kẻ chạy vất vưởng tìm nước trong sa mạc. Rốt cuộc là tự đọa đày tâm trí, làm khổ ải hình hài của mình:

Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ.
Dẫm bàn chân lăn cát sỏi cùng trôi”
(Tuệ Sỹ)

Hồi tưởng lại, những năm sau đó, Thầy Hiệu trưởng quá rất bận rộn, một phần gánh vác sinh hoạt Phật sự của Tỉnh giáo hội, một phần quán xuyến 18 cơ sở giáo dục thuộc hệ thống Trường Bồ Đề toàn tỉnh. Có lẽ trong thời gian này, Thầy có thuận cảnh để phô diễn và khẳng định được phẩm chất của cao quý của mình. Cũng từ đó phát hiện qua những giá trị sai biệt và tiến tới những giá trị tâm linh phổ quát, đó là thuận tự trong quá trình tu dưỡng để khai phóng tâm tư, trên con đường “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa độ chúng sinh”, mà Thầy thành tựu trang nghiêm bản hoài tu sĩ của mình.
Vì vậy tôi chỉ còn có dịp gặp Thầy trong các lần họp Hội đồng nhà trường hay họa hoằng thấy Thầy đi ngang qua cửa lớp học trong phong thái bình dị, ung dung thanh thoát từ ái như mọi thời. Thời gian cứ trôi dần lặng lẽ như thế cho đến biến cổ lịch sử nằm 1975, một biến cố làm thay đổi xã hội trong chiều sâu lẫn chiều rộng, từ phố thị ồn ào đến chốn Thiền môn tỉnh tịch. Tính thể của tồn tại được ném vào dòng chảy thời gian, thời thế như bóng câu, đến rồi đi, cái đọng lại như là tồn tại của bóng mờ quá khứ

“Nhìn nắng đọng sân chùa
Khách có biết mấy lần dâu bể”
(Tuệ Sỹ)

Có lẽ, đối với Thầy, tất cả chuyện trầm luân sinh tử, kể cả đến chuyện tu hành qua các giai đoạn, cho đến chứng quả đều chỉ là giấc chiêm bao. Cái thấy rốt ráo chính xác nhất là cái thấy “như huyển” của Đại thừa và đó là cái thấy soi đường giác ngộ. Thế nên, toàn thể thân xác, mạng sống, lạc thú ở đời, các hiện tượng trong sinh tử cũng như Niết bàn đều là mộng, đều là hư ảo.
Trước bối cảnh như vậy, sự đời thường có những cơn bể dâu kỳ lạ không tránh khỏi. Lựa chọn khung cảnh nhỏ hẹp của gia đình làm nơi trú ẩn tinh thần tỏ ra phù hợp đối với nhiều người, trong đó có tôi. Đời sống như thế đã đưa tới các đam mê cuồng si khác mà đến tuổi tri thiên mệnh vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của đau khổ là gì, cứ tưởng như mình đang uống từng giọt nước cam lồ ngưng tụ từ những giọt mồ hôi nóng bỏng, chạy săn đuổi bóng dáng một mùa xuân vĩnh cửu?

“Sương với bóng bay về trên cỏ nội
Bủa mịt mờ ảo mộng lạnh bốn bên”
(Bùi Giáng)

Cũng từ dạo ấy, tôi ít có dịp diện kiến với Thầy, vì trong thời gian này Thầy đang dồn tất cả tâm lực, vượt qua mọi trở ngại của định kiến phi lý, cái phi lý của chiến tranh bủa rộng thành bóng tối. Mặt khác, động lực phát tâm cầu Phật thừa là do nhận định rằng, nỗi khổ là của tất cả thế gian chứ không riêng mình, mà ba nhân tố có tính quyết định đưa đến Phật thừa là Bồ – đề tâm, Bồ tát hạnh và Bồ tát nguyện.
Từ hạnh nguyện như thế, Thầy nỗ lực miệt mài cùng các đệ tử, tìm mọi phương cách xây dựng nên một cơ sở tu tập và hoằng pháp dù là rất đơn sơ trong những năm đầu, với tên gọi “Thiền Viện Bồ Đề Đà Nẵng”. Cũng từ nơi đây đã có nhiều tăng sĩ đi học ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và nước ngoài, trở về giảng Pháp. Thiền Viện đặt trọng tâm khai mở, đánh thức và phát triển tiềm năng giác ngộ, khơi dậy những đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả va loại trừ các tâm niệm xấu ác, tham lam, sân hận, si mê trong những kỳ chúng đồ tu tập Bát Quan Trai Giới, để vun trồng thiện căn, nâng dần phẩm giá mình lên. Bởi vì, Phật pháp không lìa khỏi thế gian. Điều này có nghĩa Phật pháp chính là sự sống, hiểu Phật pháp là hiểu lẽ sống của mình.
Lý tưởng của các nhà tu sĩ Đại thừa, không chỉ học hỏi Chánh pháp từ kinh điển mà còn học hỏi từ những sự thể trong cuộc sống thường nhật. Để có thể được như vậy, phải trải qua những thời gian đào luyện tâm linh, sao cho tâm trí sẵn sàng mở rộng như Kinh Phổ hiền Hạnh nguyện dạy “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng”, Tâm nguyện (Bồ đề tâm) thì không lúc nào cùng tận, nếu không như thế, thì hương vị của Chánh pháp vẫn chỉ dừng lại là hương vị cô liêu của sự sống. Hương vị của Chánh pháp là gì? Chính là dòng suối mát và ngọt chảy trong sự sống, rửa sạch tất cả uế trược của cuộc đời, tất cả náo động tạp loạn, mọi tranh chấp thế tục của sự sống. Và cốt tủy của Bồ đề tâm là vô trú như kinh đã dạy “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” có nghĩa là hãy không trú, không vướng, mà phát Bồ đề tâm.
Cả hàng chục năm sau đó, Thiền viện Bồ Đề vẫn còn khoát lên mình một chiếc áo đơn sơ chỉ đủ sức chống đỡ với mưa dầm, nắng quái và trơ gan cùng tuế nguyệt. Nhưng Thầy viện chủ cùng với các đệ tử non trẻ cũng đã gây dựng nên một thế giới tỉnh lặng cho chính mình. Nhưng không phải để cho người đời đến thưởng ngoạn giải trí theo cái đẹp của đời trong con mắt thế gian, mà chính là sự mầu nhiệm của tỉnh lặng để khơi dậy sự xã ly vọng tưởng, khơi dậy những khả năng tốt lành đang bị che khuất bởi vô minh phiền não. Bởi vì chính mỗi người đã để cho Phật tính ngủ quên mà đời ta trở thành một mớ hỗn mang đau khổ.
Dù biết rằng hình thức phô diễn chỉ là phương tiện tùy cơ duyên, nó phát khởi lên từ cảm hứng của thực tại, vì qua đó, người ta sẽ thấy một cách như thực, đâu là tiếng nói của thực tại và đâu là tiếng nói của lòng người. Như thế, thực tế ở đây tức là niềm khát vọng sâu xa đang ẩn kín trong lòng các tăng chúng, phật tử và những ai qui ngưỡng Đạo Phật.
Thế là, ngày 01 tháng 01 năm 2002, Thầy Viện chủ Thiền Viện Bồ Đề phát nguyện qua Tâm thư gởi chư Tôn Đức và toàn thể Phật tử về việc xây dựng ngôi Bảo Tháp thờ 10 ngàn Đức Phật, có 9 tầng cao 45 mét, để cầu Âm siêu Dương thái. Tâm thư có viết “mong mỗi gia đình, mỗi Phật tử trong và ngoài nước phát tâm cúng dường ít nhất một vị Phật thờ trong Bảo Tháp để góp phần công đức cầu nguyện cho gia đình mình”.

Địa chỉ liên hệ:
– Thượng tọa Viện chủ, Trưởng Ban. Nay là Hòa Thượng đã quá cố
– Đạo hữu Quảng Lợi, Phó Thường trực. Nay là Đại Đức Thanh Đức.
Công trình xây dựng Bảo Tháp được hoàn thiện năm 2007. Tiếp theo sau là công trình xây dựng tòa Chánh điện, tượng đài Quan Thế Âm và những công trình khác đang dần dần hoàn thiện nay mai.
Thiền viện Bồ Đề Đà Nẵng, trước ngày Hòa Thượng Viện chủ từ bỏ thế giới này, nay đã hóa thân thành một công trình văn hóa Phật giáo thật trang nghiêm, một dấu ấn lý tưởng hành động của Bồ tát đạo, một công trình để lại cho thế gian được mô tả là “Chẳng khác nào như sự tích lũy của bao nhiêu dấu chân của cánh chim bay giữa bầu trời cao rộng” (Tuệ Sỹ)

*
* *

Tất cả mọi hiện hữu thế gian đều do tương quan, và y trên đó mà sinh khởi, thế nhưng từ trong sâu thẳm của nó sự đời vẫn có những cơn biển dâu kỳ lạ. Một biến cố đau buồn chợt đến, nhà tôi đột ngột lìa bỏ thế giới này bởi tai nạn vào một đêm mưa tầm tả, khi vừa hội ngộ chóng vánh tại sân bay sau một chuyến đi xa dài ngày trở về của tôi.
Được tin muộn sau một tuần tang lễ, Thầy báo qua điện thoại đến viếng thắp nhang theo một nghi thức nhà Phật. Thầy gọi tôi ngồi đối diện để kể lại các chi tiết biểu hiện của nhà tôi mà những người thân mô tả lại trước ngày vĩnh biệt.
Giữ im lặng chốc lát, Thầy chậm rãi: “Lẽ ra cô nhà đã ra đi trước sớm hơn nhưng vì duyên nợ nên chờ thầy về để chia tay”. Tôi rất bàng hoàng, xúc động và thật kinh ngạc. Nguyện ghi tạc trong tâm trí và nỗi nhớ điều này suốt những ngày còn lại của đời sống mình.
Từ đó, tôi luôn luôn cảm nhận như có một động lực thôi thúc suy tư về lẽ sống. Sống phải biết mục đích sống, tại sao mình sống, tại sao mình chết. Sống cả cuộc đời, lam lũ tất bật, may mắn thì làm vua chúa, cuối cùng chẳng biết đi về đâu? Theo khuyên bảo của Thầy, ngoài công việc giảng dạy, tôi dành thời gian còn lại cho việc tu học, đến Thiền Viện để gần gũi với các tăng chúng, làm duyên cho việc nghiên cứu Phật pháp và thanh lọc thân tâm, không quên bỏ mục đích tối thượng của mình.

Kính lạy Thầy!
Ngồi viết những dòng hồi tưởng trên đây, sau gần 45 năm có thiện duyên với Thầy, lòng con thật bùi ngùi ray rứt, biết đã vĩnh viễn không còn gặp được Thầy. Mặc dù qua kinh luận Đại thừa con hiểu được rằng: Chết là tướng gián đoạn của hành. Sinh là tướng nối tiếp của hành, điều đó khẳng định sống và chết là những hiện tượng tiếp nối như những cơn sóng đại dương.
Con còn nhớ rất rõ, trong lúc sinh thời, trước Đạo tràng Bồ Đề, Thầy thường dạy rằng: Tứ đại giai không – Ngũ uẩn phi hữu, Ý nghĩa của sự vô thường, khổ đau và giả tạo đang đè nặng lên kiếp người. Đến thân tứ đại cũng giả hợp như cây cỏ hoa lá vệ đường thì chắc gì cái vô thường, khổ ải kia của kiếp nhân sinh lại không là mộng tưởng. Rõ ràng, đây không phải là suy luận triết học mà là dưỡng chất cho sự tồn tại của mỗi cá thể trần gian và do đó cũng là ý nghĩa của đời sống.
Một số lần hiếm hoi hầu chuyện cùng Thầy, Thầy có ý nhắc nhở con, lúc đang còn trôi nỗi chạy đuổi theo ảo ảnh, hiểu thêm về lẽ sống đạo lý rằng: Tất cả các Pháp đều do ái mà hoại, do xả mà thường. Sau những lần như thế, Thầy thường đưa mắt nhìn vào xa xăm, chìm sâu vào im lặng, như đang trầm tư một điều gì đấy. Con thầm hiểu được thâm ý của Thầy, thế nhưng để tỉnh ngộ được chân lý vi diệu đó không phải là điều sớm muộn đối với những ai, trong đó có con, còn đang thả nổi cuộc đời mình như thuyền buông lỏng cho nước cuốn đi với hàng trăm niệm tưởng có – không. Phải chăng, tựa hồ như kẻ dong ruổi tìm trầm mà lạc lối rừng sâu, rất khó bước ra khỏi bóng đêm của rừng rậm với chính bằng đôi mắt của mình. Bạch Thầy, phải chăng như thế không?

Kính lạy Thầy!
Bây giờ Thầy đang ở một nơi nào đó trong cõi gió trăng mênh mông của Pháp giới. Chỉ biết rằng, nơi đây, Thiền viện Bồ Đề chỉ còn di ảnh của Thầy, thật trang nghiêm, hiền hòa đôn hậu, đặt thờ tự nơi Chánh điện, nhưng dễ mấy ai qua đó, nhìn thấu trong đôi mắt của Thầy, thấy được bóng dáng của huyễn mộng phù sinh.
Kính mong Thầy chứng giám lòng thành kính nơi con với tâm nguyện gìn giữ những lời khuyên bảo trong tâm trí về công hạnh nuôi trồng thiện căn để cảm nhận được Phật pháp vi diệu, đưa mình đến đời sống cao hơn, thấy mình được gần Thánh đạo hơn, và để trong mắt nhìn được thế giới này chỉ tồn tại như hạt sương trên đầu ngọn cỏ mà không còn e ngại rằng sẽ có điều gì nhầm lẫn.

Kính lạy Thầy.


Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác