Thiền và thơ tương thông

thien

THIỀN VÀ THƠ TƯƠNG THÔNG

Hồ Sĩ Hiệp

 

Phật giáo và thơ có ảnh hưởng lớn đến văn hóa phương Đông từ lâu đời. Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, cuối thời Tây Hán truyền nhập Trung Quốc, sau đó truyền đến Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á khác trong đó có Việt Nam. Bắt đầu từ thế kỷ XIX, Phật giáo phát triển đến các nước Âu – Mỹ. Cùng với các tôn giáo Nho, Lão của Trung Quốc, Thần đạo của Nhật Bản, Phật giáo là tôn giáo chính ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh, tinh thần của các nước phương Đông. Triết lý cơ bản của Phật giáo là nhân sinh, đại từ đại bi, gạt bỏ mọi thù hằn, ngu muội và khổ đau để con người đạt tới sự toàn mỹ vĩnh hằng bất tận.

Nếu Phật giáo là tôn giáo tâm linh, thì thơ là hình thái nghệ thuật cao quý phản ảnh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, cảm xúc mạnh mẽ của con người bằng ngôn ngữ hàm súc giàu hình ảnh và có nhịp điệu. Nói đến thơ của nhân loại phải nói đến thơ cổ điển phương Đông. Nếu Ấn Độ là quê hương Phật giáo thì quốc gia này cũng là cái nôi của những áng sử thi trường ca bất hủ như Mahabharata và “Ramâyna, rất giàu tính nhân văn, nghệ thuật. Kinh thi, thơ Đường, thơ Tống với các đại thi hào như Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Thức, Lục Du của nền thơ cổ điển Trung Quốc rực rỡ trên bầu trời “triệu ngàn năm mà mới tựa hôm qua” (thơ Tế Hanh). Kho tàng thơ Hai Ku của xứ sở Hoa Anh Đào Nhật Bản vẫn là những viên ngọc quý. Trong các nước Đông Nam Á Việt Nam được coi là một quốc gia văn hiến có nền thơ phong phú với ca dao-dân ca, thơ thời Lý-Trần, thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát và kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Phương Đông là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng Phật giáo và thơ. Mặc dù là tôn giáo ngoại lai từ Ấn Độ đến Trung Quốc, nhưng nó nhanh chóng trở thành một tôn giáo được xã hội đón nhận.

Đến thời Ngụy, Tấn và Nam Bắc triều, Phật giáo đã nhận thấy tác dụng to lớn của thơ trong đời sống xã hội và có thể cùng với Tăng nhân tuyên truyền đạo pháp, lợi dụng thể tài thơ để biểu dương những triết lý tiến bộ, hữu ích của Phật giáo. Thơ thời Ngụy, Tấn và Nam Bắc triều phát triển nhất là thơ sơn thủy điền viên của Đào Uyên Minh. Thơ ông đã được nhiều Tăng nhân đồng cảm vì hình ảnh nước biếc non xanh gần gũi với cảnh thiền tự sơn lâm cùng cốc. Thời kỳ này có một số Tăng nhân có tâm hồn dạt dào cảm xúc và giỏi thơ đã sáng tác nhiều thi phẩm thấm đượm sắc thái Phật thiền. Tiêu biểu trong số Tăng nhân, thi sĩ thời Ngụy, Tấn là Chí Tuần, Tuệ Viễn và Huệ Hưu. Tác phẩm của họ tuy là thơ tả cảnh, trữ tình, triết lý Phật giáo nhưng vẫn sinh động, giàu hình tượng và ngôn từ bình dị, tự nhiên. Tác phẩm của các thi tăng góp phần chuẩn bị con đường phồn vinh, phát triển của thơ Đường sau đó. Đến thời Đường thơ trữ tình đạt đến thời đại “hoàng kim”, “một đi không trở lại” (nhất khứ bất phục phản), trong đó có phần đóng góp đáng kể của thơ Thiền.

Trong gần 300 năm của thơ Đường (618 - 907) tác giả và tác phẩm của thi tăng có một vị trí đáng ghi nhận. Các thi tăng và cũng là các thi nhân tiêu biểu của thơ đời Đường là Vương Phàm Chí, Hàn Sơn, Thập Đắc, Vô Khả, Hạo Nhiên và Tề Kỷ. Họ đều có vị trí trên thi đàn thời bấy giờ. Hai thi tăng Hàn Sơn và Thập Nhất khi đến trụ trì ngôi chùa ở ngoại thành Cô Tô (thuộc tỉnh Giang Tô) đã thu hút rất nhiều dân chúng và người mộ đạo Phật thập phương. Ngôi chùa ấy được mang tên là chùa Hàn Sơn (Hàn Sơn tự) và đã được nhà thơ Trương Kế nhắc đến trong bài thơ nổi tiếng Phong kiều dạ bạc với hai câu thơ lưu truyền “Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” (Thuyền ai đậu bến Cô Tô, nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn – Tản Đà dịch). Theo Toàn Đường thi thì thi nhân đời Đường có gần 2.300 người, trong đó có 100 người là thi tăng. Toàn Đường thi có 900 quyển thì có 46 quyển là thơ Thiền. Sách Đường âm quỳ giám (quyển 8) chép rằng thời Trung Văn Đường có rất nhiều Phật đồ giỏi thơ, họ “Lưng đeo hòm nhỏ, ôm sách bút, cắp biển vượt sông, độc hành ở giữa chốn sơn lâm”.

Tăng nhân đời Đường yêu thơ và thấy thơ hữu ích, tương đồng mà tìm đến thơ, đọc thơ, bình thơ sáng tác thơ mà trở thành thi tăng. Ngược lại, trong số hàng nghìn thi nhân của đời Đường vì mộ đạo, tìm thấy những giá trị sâu sắc của Phật giáo mà gắn bó và làm thơ bày tỏ nỗi lòng của mình với cửa Thiền, Phật đạo. Bạch Cư Dị và Vương Duy là hai trường hợp tiêu biểu đó. Vương Duy – chủ xướng của phái thơ “Sơn thủy điền viên” trở thành “Thi Phật”. Bạch Cư Dị - thi sĩ, làm quan hơn bốn mươi năm, chịu ảnh hưởng của đạo Nho, cuối đời cáo quan trở về trùng tu chùa và đi tu, lấy hiệu là “Hương Sơn cư sĩ”, với tâm niệm sâu sắc của mình là “Bình thường tâm là đạo”.

Ở Việt Nam, thời kỳ Lý-Trần, Phật giáo thịnh hành và thơ cũng rất rực rỡ. Mối liên hệ giữa Thiền và thơ của hai thời kỳ này thịnh đạt chưa từng có. Mặc dù Phật giáo là tôn giáo ngoại lai, nước Đại Việt chịu ảnh hưởng Phật giáo của Ấn Độ qua con đường truyền nhập từ Trung Quốc, và thơ của nước ta thời đó cũng phát triển sau và chịu ảnh hưởng của thơ ca cổ điển Trung Quốc nhất là thơ Đường, nhưng thơ ca thời Lý-Trần vẫn có đặc điểm dân tộc rõ nét. Điểm nổi bật của Phật giáo thời Lý-Trần là các vị vua anh minh như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Trần Nhân Tông đều là những người sùng đạo, yêu thơ, khuyến khích việc truyền bá giáo lý Phật giáo và tỏ lòng ái mộ thơ ca. Đó là nguyên nhân làm cho thơ Thiền thời Lý-Trần phong phú, phát triển.

Mặc dù không phải là những thi nhân nổi tiếng có nhiều thi phẩm nhưng một số thi tăng thời Lý-Trần rất yêu thơ, thích làm thơ và để lại những tác phẩm có giá trị về nội dung, nghệ thuật và rất được đời sau truyền tụng. Đó là Thiền sư Vạn Hạnh, từng học thông Tam giáo và say mê đạo Phật. Ông để lại một số thi phẩm có giá trị, trong đó có bài Thi đệ tử, tuy ngắn nhưng chứa đựng triết lý Phật giáo sâu sắc. Mãn Giác Thiền sư, người ham học, thông hiểu Nho-Phật, trước khi đi tu vì rất nổi tiếng nên được vua Lý Nhân Tông tuyển vào cung. Ông để lại nhiều thi phẩm, trong đó Cáo tật thị chúng có thể coi là một kiệt tác của thơ Thiền thời Lý-Trần.

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

Mạc vi xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở

Sự việc đuổi nhau đi qua trước mắt

Tuổi già theo đến từ trên đầu

Đừng bảo rằng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua trước sân một cành mai).

Hồ Sĩ Hiệp dịch

Phật giáo và thơ ca có mối quan hệ mật thiết. Tăng nhân dùng hình thức thơ ca để biểu đạt tư tưởng, tình cảm với cấu trúc hình tượng nghệ thuật. Mặt khác, Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông, thông qua sự ảnh hưởng của sĩ đại phu phản ảnh trong sáng tác từ đó mà cấu thành cảnh quan văn học độc đáo. Từ những thực tế, mối quan hệ giữa Thiền ca và thơ có thể nêu lên mối tương thông được biểu hiện qua mấy đặc điểm nổi bật sau:

+ Tương thông về tâm hồn tình cảm: Trước hết, qua thơ Đường (Trung Quốc) và thơ Lý – Trần (Việt Nam) cũng như trường thi sử ca (Ấn Độ), thơ Hai Ku (Nhật Bản), có thể thấy giữa Thiền và thơ đều rất chú trọng đến sự giác ngộ, nhận thức của thế giới nội tâm con người. Bản thể của Thiền là triết học chủ quan quan hóa cao độ, hoàn cảnh do “Tâm” mà có, vạn vật do “Tâm” mà sinh ra, đó là khuynh hướng cơ bản của nó. Sách Cổ tôn túc ngữ lục (quyển 3) có câu: “Tâm sinh thì mọi loại pháp sinh, tâm diệt thì mọi loại pháp diệt”. Thơ ca cũng như các nghệ thuật khác đều rất coi trọng đến “Tính linh” và “Tâm linh”, phát huy cá tính, nhân tính của con người. Thi tăng đời Tống là Thiện Trung trong sách Triết Giang ký hành tập cú thi nói rằng: “Thiền, là tâm tuệ vậy; thơ, là tâm chí vậy… Nói về Thiền tức là Thiền, nói về thơ là thơ”. Đứng trước sự vật, cảnh vật, con người, nhất là phong cảnh thiên nhiên, điểm giống nhau là dù Tăng nhân, thi tăng hay thi nhân đều có cảm xúc, rung cảm và cảm thấy trong trái tim mình đều có sự khuấy động mãnh liệt và thúc bách bản thân mỗi người phải diễn tả bằng ngôn từ thi ca. Nếu nói: “Thơ ca là quy luật của tâm hồn, trái tim, cảm xúc” thì Thiền cũng xuất phát từ quy luật đó. Thơ của thi nhân, thơ của thi tăng Đường-Tống Trung Quốc, thơ Lý-Trần của Việt Nam và những áng sử thi bất hủ của Ấn Độ đều là minh chứng hùng hồn rằng đã nói đến thơ ca và Phật, Thiền là nói đến con người nhân sinh. Mà nói đến con người là nói đến tâm hồn, trí tuệ, tâm linh và cảm xúc.

+ Tương thông về ngôn ngữ. Sự tương thông này có tính đặc thù và cũng không có lĩnh vực triết học, nghệ thuật nào có thể có được. Cảnh giới cao nhất của Thiền là gạt bỏ tất cả mọi ngôn ngữ. Nếu như mọi ánh mắt và mọi động tác không thể làm cho con người khởi tấm lòng Thiền và cảm xúc thơ, không “khai ngộ”, sáng mắt sáng lòng thì không có sản phẩm tinh thần tinh túy. Nói như thế để khẳng định rằng Thiền và thơ không thể tách rời ngôn ngữ. Ngôn ngữ của Thiền là thứ ngôn ngữ tinh chọn, đa nghĩa và mang tính logic cao. Nếu mất tính quy phạm, chuẩn ngữ thì ngôn ngữ ấy sẽ vô dụng và vô nghĩa. Dân gian nói “Khẩu Phật” là để chỉ ngôn từ được chắt lọc từ ngôn ngữ của nhà Phật khi nói và viết. Trong cuộc sống, dù là đạo hay đời, đều phải coi trọng ngôn ngữ. Dân gian Trung Quốc có nói: “Chết ở dưới câu nói” (Tử ư cú hạ). Dân gian Việt Nam có nhiều câu nói thâm thúy về “học ăn học nói”, chính là xuất phát từ sự nhận thức về tác dụng của ngôn ngữ trong đời sống và thơ. Phật giáo là tôn giáo đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn nên ngôn ngữ của Phật Thiền là ngôn ngữ tinh tế và chuẩn xác về mặt triết học. Ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ hàm xúc, giàu hình tượng, thâm thúy sâu xa. Đọc thơ Thiền, nhất là thơ sơn thủy điền viên rất dễ dàng nhận thấy mặt tương thông - tương thông về mặt ngôn ngữ. Ngôn ngữ của Thiền là ngôn ngữ mang tính logic và triết học cao. Ngôn ngữ của thơ là ngôn ngữ nghệ thuật có giá trị biểu cảm lớn. Ngày nay, qua hàng nghìn năm đọc lại thơ ca cổ điển và thơ Thiền phương Đông, rất dễ nhận thấy rằng sự tương thông về mặt ngôn ngữ là rất lớn. Ngôn ngữ Thiền đã đi vào thơ và ngược lại ngôn ngữ của thơ đã xuất hiện trong giáo lý và Thiền học. Thi tăng và thi nhân đã đồng hành về tâm hồn, nhận thức và sự tương thông, tương cảm về mặt ngôn ngữ và thi pháp.

+ Tương thông về thủ pháp sáng tác: Về phương thức tuyên truyền và thủ pháp sáng tác Thiền và thơ đều đặc biệt chú ý đến thủ pháp tỷ dụ, tượng trưng, vận dụng ngôn ngữ và bản thân nó có sự liên hệ tương hỗ với nhau. Thiền và thơ đều cần thiết ở sự linh hoạt, thích ứng với mọi hoàn cảnh nhưng phải giỏi ở việc vận dụng thủ pháp nghệ thuật tỷ dụ, tượng trưng mới thực sự là sự biểu hiện cao nhất của trí tuệ. Sách Cảnh Đức truyện ký lục (quyển 6) có nói “Xanh xanh ở trúc xanh, tận cùng là pháp thân, thơm thơm màu vàng, chẳng phải Niết-bàn” (thanh thanh thúy trúc, tôn thị pháp thân, úc úc hoàng hoa, vô thị Niết-bàn). Đó chính là đặc điểm tư duy của Thiền tông mà thủ pháp nghệ thuật của thơ đã học tập và vận dụng trong sáng tác.

Thiền và thơ có cơ chế tương thông nhưng thơ chịu ảnh hưởng của Thiền là rất lớn, và xuyên suốt từ ngàn năm nay ở phương Đông. Mối tương thông này chủ yếu là biểu hiện ở phương thức “Dĩ Thiền nhập thi” (lấy Thiền đưa vào thơ). Đó tức là nói Thiền mang đến cho thơ vừa là “không linh” vừa là “tư lý”. “Không linh” được hiểu là tâm linh, linh hồn, còn “Tư lý” có nghĩa ý nghĩ, suy lý, suy tư, tưởng tượng. Sự tương thông và có thể nói là sự cống hiến to lớn của Thiền học với thơ cổ điển phương Đông đó là kho tàng thuật ngữ, khái niệm triết học Phật giáo. Thơ mang đến cho Thiền học thi tứ, thi pháp và thi liệu vô tận, thì ngược lại Thiền học cung cấp cho thơ một khối lượng vô cùng to lớn về khái niệm thuật ngữ Phật học, như: “Diệu ngộ”, “Cảnh giới”, “Bão tham”, “Hoạt pháp”, “Giác ngộ”, “Đốn ngộ”, “Từ-bi-hỉ-xả” v.v… Ngày nay, nếu nghiên cứu, phê bình và sáng tác thơ mà không hiểu giáo lý, kiến thức Thiền học thì là thiếu sót lớn, không sâu sắc và sẽ rất mờ nhạt. Sáng tác của hai thi hào Vương Duy và Bạch Cư Dị đời Đường là một bài học lớn cho nhận thức về sự tương thông ấy của Thiền và thơ. Trái lại các thi tăng, Tăng nhân không thấu hiểu, am tường và vận dụng đặc trưng của thi pháp và nguồn cảm hứng vô tận của thơ Đường-Tống, sử thi Ấn Độ và thơ ca cổ điển Việt Nam, Nhật Bản thì không thấy hết giá trị to lớn của giáo lý Phật giáo và tinh hoa của thơ mà các bậc tiền nhân đã để lại.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác