Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không

duong khong lo



Nguyễn Đại Đồng

 

Tên tuổi của Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không - hai vị danh tăng thời Lý đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực và thời gian của các học giả, các nhà nghiên cứu ngót 1.000 năm nay. Đã có sự nhầm lẫn đan xen giữa hai vị trên về các vấn đề sau:

1. Dương Không Lộ là nhân vật có thật hay là huyền thoại trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

2. Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai người khác nhau hay là một.

3. Ai là người có công xây dựng chùa Thần Quang.

4. Ai là người chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông.

5. Ai là người làm “An Nam tứ đại khí”.

6. Ai là tổ nghề đúc đồng Việt Nam.

Chúng tôi đã khảo sát những nguồn thông tin hiện có sau đây để tiến hành giải mã các vấn đề trên.

I. Các nguồn thông tin tư liệu được khảo sát 

1.1.      Những tư liệu chép tay lưu giữ tại chùa

Hiện ở chùa Keo xã Dũng Nhuệ, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình còn lưu trữ một tài liệu chép tay bằng chữ Hán, được xem là những thư tịch cổ về chùa Keo1.

1.1.1. Tài liệu chép tay thứ nhất có tiêu đề “Không Lộ thiền sư ký ngữ lục” chép: Sư họ Dương, tên Không Lộ, húy là Minh Không, theo nghiệp nhà làm nghề chài lưới. Sau bỏ nghề đi tu theo phái Đà La Ni. Ngài đã vân du sang Trung Quốc, quyên giáo đồng của nhà Tống, dùng pháp thuật thu cả kho đồng mà túi chưa đầy, ngả nón tu lờ làm thuyền, làm phép rút đất, mang đồng vượt biển về nước đúc tượng chùa Quỳnh Lâm, chuông chùa Phả Lại và vạc Phổ Minh. Khi vua Lý Thần Tông 21 tuổi bị mắc bệnh lạ, tâm thần hoảng loạn, kêu như tiếng hổ gầm, mình mẩy mọc đầy lông, các danh y trong thiên hạ đều bó tay, triều đình nghe trong nước có sư Minh Không chữa được bệnh cho vua nên sai người đi tìm. Đoàn quan quân đến chùa Keo gặp ông lão đánh lưới trên sông bèn hỏi thăm Dương Không Lộ. Khi vào đến chùa đã thấy ông lão đánh cá ở đó và nhận mình là Không Lộ. Sư mời cơm quan quân bằng một niêu nhỏ, nhưng cả 40 người ăn no mà vẫn chưa hết. Buổi tối, sư cho thuyền nhổ neo, thuyền đi như bay và sáng hôm sau đã về tới kinh đô. Sau khi chữa khỏi bệnh, vua phong cho Không Lộ là đại pháp sư kiêm Quốc sư. Sau khi tịch, thân thể sư biến thành khúc gỗ trầm hương. Ngoài hai chùa Keo, Quốc sư còn được thờ ở nhiều chùa khác. Những nơi có dấu chân của Ngài đi qua đều có đền thờ và được suy tôn là tổ nghề rèn, nghề đúc đồng, nghề đan tre nứa.

1.1.2.  Tài liệu chép tay thứ hai hiện vẫn được bảo quản cẩn thận ở chùa Keo có tên là: “Trùng san Thần Quang tự Phật tổ ban hành thiền uyển ngũ lục tất yếu”. Cuốn sách này ghi lại toàn bộ các nhà sư danh tiếng ở nước ta thuộc phái Tam tông mà Tổ sư là Thiền sư Vô Ngôn Thông tu ở chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Về sư Không Lộ, sách chép ông thuộc đời thứ 9 và là học trò một vị đồng học với vua Lý Thái Tông, tu ở chùa Nghiêm Quang2.

1.1.3. Bản chép tay Thánh Tổ thực lục do cư sĩ Xích Đằng Nguyễn Thụ dịch năm 2005 theo bản của Lạc Thiện Đường khắc năm 19193. Trang đầu sách ghi rõ: “Đại pháp thiền sư, tính Nguyễn, húy Chí Thành, hiệu Không Lộ, biệt hiệu Minh Không. Sắc phong “Đại giác thông tuệ, Viên tĩnh đoan túc, Dực bảo trung hưng Phúc thần”. Ngài sinh năm Thái Ninh thứ 5 tức Bính Thìn 1076 đời vua Lý Nhân Tông, tại chùa Hưng Long (tục gọi chùa Tôn) ở xã Hán Lý, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, Quê cha ở Điềm Xá huyện Gia Viễn, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; quê mẹ ở xã Lại Trì huyện Trực Định, tỉnh Thái Bình. Ngài đi tu cùng Giác Hải và là bạn Từ Đạo Hạnh. Năm 1120 ba người tìm đường sang Tây Trúc học đạo, đắc pháp Lục trí thần thông; năm 1121, ngài trở về Dũng Nghĩa, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình dựng chùa Thần Quang. Ngài sang Trung Quốc xin đồng về nước đúc Tứ khí:

Một là pho tượng Quỳnh Lâm,

Hai: chuông Phả Lại nguyên âm còn truyền.

Thứ ba: cây tháp Báo Thiên,

Thứ tư: minh đỉnh để miền Nam Trung.

Ngài chữa bệnh sợ tiếng tắc kè kêu của vua Lý Nhân Tông (1072-1128) ở điện Hưng Long, được vua thưởng 1.000 cân vàng và cấp điền 500 mẫu làm ruộng hương đèn cho chùa, lại sắc phong Quốc sư; sau lại vào cung chữa khỏi bệnh vua hóa hổ cho vua Lý Thần Tông (1128-1138) được vua thưởng 1.000 cân vàng và 1.000 mẫu ruộng làm tự điền, vĩnh viễn không phải nộp thuế. Ngài mất ngày 3 tháng 6 năm Giáp Tuất (1154) ở vùng vạn chài Giao Thủy, nay là xã Nghĩa Xã, Nam Định, thọ 79 tuổi. Năm Mậu Ngọ 1918, triều đình cho xây sửa thánh tháp ở bản tự và dựng bia ghi sự tích ở đó.

Sách sai nhầm nhiều chỗ (như ngày sinh, ngày mất, tên họ) vì đã tập hợp mọi sự tích vào một người là đức Thánh Tổ Không Lộ biệt hiệu Minh Không, húy là Nguyễn Chí Thành.

1.1.4. Sách Thánh Tổ chiếu lục, chữ Nôm, viết theo thể diễn ca song thất lục bát, kể chuyện Minh Không “Vốn trung linh người dòng Nguyễn tộc” cùng Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Giác Hải đi tầm sư học đạo:

Phẩm tiên lại gặp bạn tiên,

Ba ông dạo bước thẳng miền Tây Thiên.

Các diễn biến vua hóa hổ - điềm báo - sang Trung Quốc xin đồng về làm tứ khí đúng như các tình tiết mà thư tịch cổ đã nêu. Sách cho rằng chỉ có một người trở thành Quốc sư, đó là Nguyễn Minh Không. Quan điểm này trùng với tác giả sách Truyện đức Lý Quốc sư4

1.1.5. Sách Quốc sư bảo lục, chữ Hán.

Năm 1984, tại địa bàn xã Vũ Tây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: Chúng tôi đã sưu tầm được một quyển sách chữ Hán chép tay, giấy bản khổ 21x12cm, gồm 28 tờ, được chép chữ trong 48 trang, trung bình mỗi trang 170 chữ. Nội dung sách gồm hai phần5:

Phần thứ nhất, tên sách đề chính giữa bốn chữ to: “Quốc sư bảo lục”. Phía trên phải đề “Hoàng triều Bảo Đại tam niên, Mậu Thìn, mạnh thu, phụng sao”. Phía trái đề: “Lại Trì xã phụng tự”.

1. Lý triều quốc sư tích lục, gồm 10 trang. Lạc khoản có ghi “Bính Thìn khoa đồng tiến sĩ, Tuần phủ trí sĩ Thiện Đình Đặng Hy Long tiên sinh khảo lục”. Phía dưới bên trái viết bốn chữ nhỏ: “Quán Hành Thiện xã”.

2. Phụ lục Minh Không thiền sư sự tích, gồm 6 trang.

3. Thiện Đình tuần phủ Đặng tiên sinh khảo bạt, gồm 6 trang.

Phần thứ hai của cuốn sách cũng gồm ba bài:

1. Quốc sư sự tích ký ngữ lục, gồm 17 trang.

2. Đạo Hạnh biệt truyện, gồm 5 trang.

3. Từ điển khảo đính, gồm 4 trang

Nhìn vào bố cục cuốn sách, chúng ta thấy phần đầu gồm 22 trang, là sách của Đặng Xuân Bảng, hiệu Hy Long, được một nhà Nho người làng Lại Trì sao chép lại năm 1928. Phần thứ hai gồm 26 trang, là phần do người sao chép ấy biên soạn, gồm sự tích của các vị thánh thờ ở Đình Am, sự tích của Từ Đạo Hạnh và một bài khảo đính.

Phần sách của Đặng Xuân Bảng đã phân biệt rõ sự tích hai vị cao tăng triều Lý, đại lược như sau:

1. Dương Không Lộ, huý Minh Nghiêm, người làng Giao Thuỷ, huyện Hải Thanh, đạo hiệu Không Lộ, làm nghề đánh cá; mẹ họ Nguyễn, người làng Hán Lý, Hải Dương. Dương Không Lộ sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ bảy đời Lý Thái Tổ (1016). Sư tịch ngày 6 tháng 3 năm Giáp Tuất, niên hiệu Hội Phong thứ ba, đời Lý Nhân Tông (1094), thọ 79 tuổi. Năm 42 tuổi, theo học Thảo Đường thiền sư. Năm 44 tuổi, tu ở chùa Hà Trạch. Bạn cùng sư Giác Hải, sau về tu ở chùa Diên Phúc. Năm 46 tuổi, dựng chùa Nghiêm Quang. Năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất, đời Lý Thánh Tông (1066), Không Lộ cùng Giác Hải trừ được hai con tắc kè kêu ở điện Liên Mộng. Không Lộ được vua thưởng 1.000 lạng bạc, 500 khoảnh ruộng và phong làm Quốc sư. Giác Hải được phong quốc tính.

2. Nguyễn Minh Không huý Chí Thành, đạo hiệu Minh Không, quê làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng, phủ Trường Yên, sinh năm Bính Ngọ (1066), niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất, đời Lý Thánh Tông (1054-1072). Minh Không tu ở chùa Quốc Thanh, theo học Từ Đạo Hạnh 40 năm. Sau lại tu ở chùa Diên Phúc. Sư tịch ngày 1 tháng 8 năm Đại Định thứ hai, đời Lý Anh Tông (1141), thọ 76 tuổi.

Năm Bính Thìn, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ tư, đời Lý Thần Tông (1136). Minh Không chữa khỏi bệnh hóa hổ cho Lý Thần Tông, được phong quốc sư.

Nội dung bài Bạt của Đặng Xuân Bảng trình bày như sau:

“Chùa làng ta phụng sự đức Không Lộ. Khi còn thiếu thời, tôi thường hỏi về sự tích đức thánh, các bậc cố lão nói rằng: Dương Không Lộ biệt hiệu là Minh Không. Tôi lấy làm ngờ, nhân đến chùa xem Thiền lục thì thấy có hai tập, một là Tiền lục nói rằng: đức Không Lộ họ Dương huý Minh Nghiêm, quán huyện Hải Thanh; một tập là Hậu lục nói rằng: đức Không Lộ họ Nguyễn huý Chí Thành, quán làng Đàm Xá, biệt hiệu Minh Không. Tôi càng ngờ, khi xem sách Chích quái của ông Vũ Quỳnh, tôi thấy sự tích Thánh tổ hợp với Tiền lục, nhưng lại ngờ rằng hoặc là Hậu lục đã có khảo cứu chăng, nên chưa dám tin là đúng. Sau tôi đi du ngoạn các nơi, thường hỏi thánh tích và đã được đọc vài chục bản. Cho nên tôi đã khảo cứu từ Lĩnh Nam chích quái đến Quốc sử biên niên thì Không Lộ họ Dương, Minh Không họ Nguyễn. Họ không giống nhau. Không Lộ húy Minh Nghiêm, Minh Không húy Chí Thành. Tên không giống nhau. Không Lộ quán ở Hải Thanh, Minh Không quán ở Đàm Xá. Quán chỉ cũng khác. Không Lộ sinh năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ bảy (1016) đời Lý Thái Tổ, Minh Không sinh năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1066) đời Lý Thánh Tông. Không Lộ tịch năm Giáp Tuất, niên hiệu Hội Phong thứ ba (1094) đời Lý Nhân Tông; Minh Không tịch năm Tân Dậu, niên hiệu Đại Định thứ hai (1141) đời Lý Anh Tông. Khi sinh cách nhau 52 năm, khi tịch cách nhau 48 năm. Ngày sinh, ngày tịch cũng không giống nhau. Như thế thì Tiền lục là đúng mà Hậu lục là sai. Các bậc cố lão làng ta mới chỉ xem sách hậu lục mà chưa khảo sách Tiền Lục. Có lẽ điều mà sách Hậu lục nhầm lẫn chùa Diên Phúc nguyên là nơi Không Lộ tu hành mà cũng là nơi Minh Không về sau tu ở đấy. Thời gian tu hành của hai sư trước sau khác nhau, nhưng pháp thuật, đều linh hiển ở đời, cho nên sách Hậu lục chép nhầm cũng tại cớ đó.

Sở dĩ triều Lý sùng Phật giáo là do vua Lý Thái Tổ phong cho sư Vạn Hạnh làm Quốc sư, cho nên thời đó các vị cao tăng xuất hiện nhiều, vào các đời Thái Tông, Nhân Tông, Thần Tông, có Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Khô Đầu, Tam muội đều có pháp thuật linh ứng, mà Không Lộ thì pháp thuật hơn cả. Sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng đời nhà Minh chép về hơn 20 vị cao tăng nước ta, cũng lấy Không Lộ đứng đầu, còn các vị khác thì pháp thuật cũng có sự cao thấp khác nhau.

Chùa ta thờ đức Không Lộ tới 700 năm nay rồi. Làng ta cứ đời đời thờ phụng mà truyền lại những điều quái đản như thế của sách nhà chùa. Ở nơi có hàng trăm, hàng nghìn năm văn hiến, sao lại còn giữ mãi cái thuyết sai khác đến như vậy!

Còn nói đến An Nam tứ khí như tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, xét trong sử làm vào năm thứ ba niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình (1056) đời Lý Thánh Tông. Xây chùa Sùng Khánh, dựng tháp quý Đại Thắng Tư Thiên vào đời Lý Nhân Tông, trùng tu, đúc chuông lớn đặt trong chùa, chuông đánh không kêu, đem bỏ ra ruộng, ruộng sinh sản nhiều rùa, nên gọi là chuông Quy Điền. Tháp Đại Thắng Tư Thiên tức tháp Báo Thiên, nay thuộc phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương. Chuông Quy Điền nay thuộc thôn Thanh Bảo, huyện Vĩnh Thuận (đều thuộc Hà Nội).

Tượng Phật Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh do Minh Không đúc. Còn tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền là những vật triều Lý đã được ghi rõ ràng trong quốc sử, Chuông Phả Lại do Không Lộ đúc. Chùa thời Không Lộ, mà Minh Không phụng sự, đều bị lầm lẫn vậy. Không Lộ cùng với Giác Hải, Đạo Hạnh hoặc là bạn của nhau, hay không phải bạn, nhưng đều là người đồng thời. Ba người pháp thuật cao thấp khác nhau là bạn cùng thời với nhau chăng, thực khó mà quyết đoán được. Đến như các việc trừ tắc kè, chữa bệnh hóa hổ đều là những điều quái đản, nhưng đó là pháp thuật của đạo Tiên hay đạo Thích cũng chưa hẳn hoàn toàn không có, người tin truyền đi, điều tin, người nghi truyền đi đều nghi, sự việc còn đấy, chưa bàn hết được”.

Một vấn đề nữa là: Sách Quốc sư bảo lục của Đặng Xuân Bảng đã được biên soạn vào thời gian nào?

Tìm đọc sách Thánh tổ hành thực diễn âm ca của Đặng Xuân Bảng, kí hiệu VHv.2380 trong kho sách Hán Nôm do Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý hiện nay, chúng ta thấy sách ghi rõ: Viết vào tháng 10 năm Mậu Tuất, niên hiệu Thành Thái, tức tháng 11 năm 1898. Sách này được viết bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát, có chú thích tỉ mỉ bằng chữ Hán. Nội dung sách hoàn toàn giống sự tích Dương Không Lộ đã được thuật ở trên. Do đó, chúng ta có thể biết được rằng các tác giả đã biên soạn sách Quốc sư bảo lục muộn nhất vào tháng 11 năm 1898, nghĩa là thời gian trước khi diễn âm sách Thánh tổ hành thực diễn âm ca.

Phần thứ hai của quyển sách mới sưu tầm do một nhà Nho giấu tên nguời làng Lại Trì viết, đã sao chép lại sự tích Không Lộ thờ ở Đinh Am và sự tích Từ Đạo Hạnh, rồi phát biểu ý kiến của mình trong bài Từ điển khảo đính ở cuối quyển sách. Nội dung ý kiến của tác giả chủ yếu là nhất trí với sự khảo cứu của Đặng Xuân Bảng trong bài Bạt đã trình bày ở trên. Căn cứ vào nội dung và thời điểm ra đời, quyển sách mới sưu tầm nói trên đã giúp chúng ta thêm một bằng chứng mới để góp phần làm sáng tỏ vấn đề sự tích Không Lộ và Minh Không bị lầm lẫn lâu nay6.

            1.2. Tư liệu bia ký

1.2.1. Bia ký ở chùa Keo ở tỉnh Thái Bình nói tới Dương Không Lộ không nhiều. Quan trọng hơn cả là tấm bia hiện ở phía trước tòa Phụ quốc tức Hậu cung. Bia hình vuông được khắc chữ ở cả 4 mặt có niên hiệu Chính Hòa thứ 10 (1689) ghi: “Chùa này thờ ông Không Lộ rất linh thiêng, được vua nhà Lý cấp ruộng ngàn mẫu”.

1.2.2. Bia lưu giữ tại chùa La Vân ở xã Quỳnh Vân, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình được dựng vào năm Đức Long thứ 5 (1633) do sư Khuông Đạo Vũ trụ trì chùa La Vân soạn có nhắc đến thiền sư Dương Không Lộ, cho rằng: “Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là một”.

1.2.3. Bia dựng năm Tự Đức thứ 8 (1855) tại chùa Quán Sứ, Hà Nội có ghi: Thiền sư (Minh Không) là người tinh thông pháp thuật, pháp môn kỳ quái không sao lường hết được. Có khi ngài theo cây tích trượng bay về chốn đế đô, có nơi lại mây bay dạo chơi núi Thiên Thai, không sao đoán biết được. Ngài từng dừng lại chùa Hà Trạch, có làm bài thơ Ngôn hoài….

Thiền sư đã từng chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông. Vua Thần Tông sinh ra vua Anh Tông. Vua Anh Tông sinh ra vua Cao Tông. Vua Cao Tông sinh ra vua Huệ Tông. Trải qua bốn đời vua dài mấy chục năm, ngài có nhiều công lao với triều đình, với nhân dân ta. Năm Thiên Chương Bảo Tự thứ 4 (1136) triều đình ban cho ngài làm Quốc sư, hưởng lộc mấy trăm hộ.

Ngài là người tài giỏi mà cũng là bậc thần giỏi, còn việc hóa hổ kia tưởng cũng chẳng cần bàn thêm7

            1.3. Những truyền thuyết dân gian

            Xung quanh thân thế, sự tích thiền sư Không Lộ còn có một khối lượng lớn tư liệu gấp nhiều lần những tư liệu đã nêu.  Đó là những truyền thuyết dân gian mà ta có thể gặp ở nhiều nơi trên khắp đồng bằng Bắc Bộ nay, đơn cử:

1.3.1. Tại chùa Am ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có thờ một chiếc vỏ trấu. Tương truyền, lúc sinh thời Không Lộ qua lại đó và chiếc vỏ trấu từ lâu đã trở thành biểu tượng sự ghi nhớ công ơn “người anh hùng” đã có công khai sáng ra vùng đồng bằng trồng lúa.

            1.3.2. Ở vùng Trực Ninh, Nam Định có ngôi chùa Lương Hàn, ở cửa biển Thần Phú (Ninh Bình)8 có chùa Hàn có thờ Không Lộ. Dân hai vùng này còn lưu truyền sự tích Không Lộ đã dùng nón “Tu lờ” làm thuyền chở đồng đi giết quái vật (ngư công) mang lại sự bình yên cho biển cả và nhân dân. Cho đến những năm gần đây, hàng năm chùa Lương Hàn vẫn tổ chức đua chải và diễn trò “cướp ông Mó” (quái vật xưa).

1.3.3. Phiến đá ở làng Khang Cù

            Khang Cù có sự cũng hay,

         Đá xanh một phiến lấy ngay bắc cầu.

         Rộng, dài, dầy nhẵn trước sau,

         Giữa thông một lỗ, tựa hầu quẩy đi.

Thôn Khang Cù, xã Đồng Trung, huyện Trực Định, tỉnh Thái Bình có phiến đá dài 8 thước, rộng 4 thước. Ở xã Thạch Cầu, huyện Nam Trực, Nam Định cũng có một hòn đá dạng như vậy. Tục truyền dấu đục (giữa thông một lỗ) là của Thánh Minh Không để xỏ đòn gánh, gánh về bắc cầu cho dân.

1.3.4. Chùa Hàm Long ở sơn phận xã Lam Sơn, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh có tháp đá cao 1 trượng. Phía Đông núi có hốc đá nước chảy không bao giờ cạn. Tương truyền đấy là chỗ tu hành của Dương Không Lộ.

1.3.5. Ở Bắc Giang còn một làng làm nghề rèn nổi tiếng. Đó là làng Đức Thắng (thị trấn huyện Hiệp Hòa) có tục lệ là: Hàng năm, những người thợ rèn tổ chức một “hội chợ thủ công” để bán sản phẩm của mình làm ra. Mở đầu cho hội chợ hấp dẫn này là một nghi thức tế lễ Dương Không Lộ rất long trọng9.

            1.4. Những tài liệu, thư tịch cổ

            Ngoài những nguồn tư liệu vừa trình bày ở trên, về sự tích thiến sư Không Lộ còn ghi được lại trong một số tài liệu thư tịch cổ.

1.4.1. Trước hết phải nhắc tới Thiền uyển tập anh10 (TUTA) cuốn sử Phật giáo cổ nhất chép “Thiền sư Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang họ Dương quê Hải Thanh (Nam Định), nhà mấy đời làm nghề đánh cá. Sư chuyên chú tu trì pháp môn Đà-la-ni. Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065) đời Lý Thánh Tông, sư cùng Giác Hải đi vân du cõi ngoài, dấu kín tung tích, đến chùa Hà Trạch… một lòng chuyên chú tu tập thiền định. Rồi sư thấy tâm thần tai mắt ngày càng sáng láng thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ… Sau sư về bản quán dựng chùa trụ trì. …”. Ngày 3 tháng 6 năm Ất Hợi niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10 (1119) sư thị tịch... Vua Lý Nhân Tông cho sửa sang mở rộng chùa Nghiêm Quang (1167 đổi là chùa Thần Quang), miễn tô thuế cho 20 hộ để đèn hương phụng thờ.

 Trong sách chép Không Lộ thuộc đời thứ 9 thiền phái Vô Ngôn Thông và đời thứ 2 thiền phái Thảo Đường, không thấy chép về hiện tượng sư Không Lộ chữa khỏi bệnh sợ tiếng kêu tắc kè cho vua Lý Nhân Tông được vua phong làm Quốc sư. Trong khi đó ở phần chép về thiền sư Giác Hải ở chùa Diên Phúc làng Hải Thanh, có nói rõ rằng Giác Hải và Thông Huyền chữa bệnh cho vua Lý Nhân Tông khỏi sợ tiếng kêu của hai con tắc kè, nhân một chuyến đi vãng cảnh của vua và hai vị thiền sư.

Ở trang 212 sách có chú thích: “Tiếp đây TUTA (bản Vĩnh Thịnh) (1715) chép truyện Quốc sư Minh Không (Nguyễn Chí Thành 1066-1141), trụ trì chùa Quốc Thanh, phủ Trường Yên, quê ở hương Điềm Xá, châu Đại Hoàng (nay thuộc huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Trong truyền thuyết dân gian và một số thư tịch cổ có sự trình bày lẫn lộn giữa hai thiền sư Minh Không và Không Lộ. Ngay cả sắc phong của triều đình, từ triều Cảnh Thịnh trở về trước cũng chép gộp 4 chữ “Minh Không Không Lộ”, cho rằng đó là vị thiền sư đã khởi dựng chùa Thần Quang (chùa Keo Dưới, ở xã Vũ Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình nay), đến đời Nguyễn mới bỏ hai chữ Minh Không.

Tại đây TUTA (bản Vĩnh Thịnh) cũng chép việc Quốc sư Minh Không chữa bệnh hóa hổ cho Lý Thần Tông, tương tự như trong Lĩnh Nam chích quái, lại có những đối thoại xa lạ với Phật giáo, ngờ do người in bản in Vĩnh Thịnh thu nạp vào một cách thiếu cân nhắc. Vì lý do đó, chúng tôi tạm lược bỏ truyện Minh Không, không đưa vào bản dịch này.

1.4.2. Sách Đại Việt sử ký toàn thư11 (gọi tắt là Toàn Thư), thế kỷ XV.

Phần Kỷ nhà Lý, không có chỗ nào chép riêng về Dương Không Lộ, chỉ thấy có 3 đoạn chép về thiền sư Nguyễn Minh Không:

+ Tân Hợi, năm thứ 4 (1131) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 1). Tháng 5. Dựng nhà cho Đại sư Minh Không.

+ Bính Thìn, năm thứ 4 (1136). Tháng 3. Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư. Tha phú dịch cho vài trăm hộ. (Tục truyền rằng khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc và thần chú giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không và dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh nặng thì đến chữa ngay. Tức là việc này).

+ Tân Dậu, Đại Định năm thứ 2 (1141) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 11). Mùa thu. tháng 8, quốc sư Minh Không chết (sư người xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, rất linh ứng, phòng khi có thủy hạn tai hại gì, cầu đảo đều nghiệm cả. Nay hai chùa Giao Thủy và Phả Lại (tức chùa Keo trên và chùa Keo dưới, xưa đều thuộc hương Giao Thủy. Nay chùa Keo trên thuộc huyện Vũ Thư Thái Bình, chùa Keo dưới thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định) đều tô tượng để thờ.   

Cũng trong Toàn thư có một đoạn đáng quan tâm: “Ất Mão, năm thứ 3 (1135) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 5). Tháng 6, Chi hậu thư gia là Lý Xương và Quán Đinh Tăng là Nguyễn Minh đều dâng chim sẻ trắng”. Theo TUTA, chùa Quán Đình ở núi Không Lộ (trang 83).

1.4.3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục12

Tập 1 trang 371 viết: Bính Thìn, năm thứ 4 (1136). (Tống, năm Thiệu Hưng thứ 6). Nhà vua có tật, thầy thuốc chữa không công hiệu; Minh Không chữa khỏi; được ban hiệu Quốc sư. Lại miễn tô dịch cho vài trăm hộ để cho Minh Không được quyền sử dụng.

Lời chua – Minh Không: Người huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, làm sư chùa Giao Thủy (Tức chùa Keo thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).

1.4.4. Sách An Nam chí của Lê Tắc13 thế kỷ XIII

Quyển thứ XV chép mục Không Lộ và Giác Hải: Hai nhà sư thường vào Trung Quốc, xin đồng để đúc chuông, lúc về có thần nhân ủng hộ, thuyền đi một buổi chiều về đến quê hương, đúc hai cái chuông, một cái lớn, một cái nhỏ, treo ở chùa núi Phả Lại, mỗi lúc đánh, tiếng vọng rất xa, tiếng đồn đến Trung Quốc. Chưa được bao lâu, cái chuông lớn chạy vào khe Bài Nam, mưa lớn, nước dâng lên trôi đi mất. Nhà sư sợ cái nhỏ cũng đi theo, bèn lấy sắt đóng lại, nay đương còn. (Tục truyền Không Lộ có tài bay lên không trung, Giác Hải có tài lặn xuống nước).

1.4.5. Sách Đại Nam nhất thống chí 14 thế kỷ XIX

1.4.5.1. Quyển XIV, tỉnh Ninh Bình

Mục Đền miếu: “Đền Nguyễn Minh Không: Hai xã Đàm Xá và Điềm Xá cùng thờ. Thần là người xã Điềm Xá, họ Nguyễn tên tục là Chí Thành. Xét ngoại truyện chép Chí Thành đi học lĩnh hội được tâm ấn của Từ Đạo Hạnh, lấy hiệu là Minh Không thiền sư trụ trì chùa Quốc Thanh, đời Hội Tường Đại Khánh (1110-1119) triều Lý Nhân Tông, Từ Đạo Hạnh sắp mất, dặn lại Minh Không rằng: ‘Sau này thầy ở ngôi vua, khó trốn được nợ trần, cần được đệ tử cứu chữa’. Sau Lý Thần Tông mắc bệnh, hóa thành hình cọp, bấy giờ đồng dao có câu rằng: ‘Dục y lý cửu trùng, tu cầu Nguyễn Minh Không’, nghĩa là muốn chữa bệnh vua nhà Lý, phải tìm Nguyễn Minh Không. Khi mời đến, nhà sư nói về tiền nhân cho nhà vua nghe, vua tỉnh ngộ. Minh Không bèn nấu vạc dầu sôi rồi vốc dầu vào bàn tay vẩy khắp thân thể vua. Nhà vua khỏi bệnh, phong làm Quốc sư cho ăn lộc mấy trăm hộ. Đến năm Đại Định thứ 2 (1141), nhà sư mất, người địa phương lập đền thờ. Trước đền có cây đèn bằng đá, cao phỏng 1 thước, tương truyền đấy là cây đèn nhà sư dùng để tụng kinh. Nay các chùa ở Giao Thủy và Phả Lại đều tô tượng phụng thờ”.

1.4.5.2. Quyển XVI, tỉnh Nam Định

Mục Đền, miếu: “Đền Thiền sư Không Lộ: các xã Hành Thiện, Dũng Nhuệ, Hộ Xá, Tương Đông huyện Giao Thủy và xã Lộng Khê huyện Phụ Dực (nay thuộc tỉnh Thái Bình) đều có đền thờ Thiền sư họ Dương hiệu là Không Lộ”.

“Đền thiền sư Minh Không ở xã Cổ Đam, huyên Ý Yên. Thiền sư họ Nguyễn, tên là Chí Thành, người xã Đàm Xá, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình”.

Mục Chùa quán: “Chùa Thần Quang trước là Nghiêm Quang, ở xã Dũng Nhuệ, huyện Giao Thủy, quy mô rộng rãi, là nơi trụ trì của Dương Không Lộ, nay vẫn hiển linh, phàm cầu đảo về việc thủy hạn tai thương đều được nghiệm”.

Mục Tăng: “Thiền sư Không Lộ: Thiền sư họ Dương, hiệu là Không Lộ; người Thanh Hải (An Nam chí chép là người huyện Giao Thủy). Đời ông cha làm nghề chài lưới, thiền sư bỏ nghề ấy mà học đạo Thiền, làm bạn với thiền sư Giác Hải, trụ trì chùa Hà Trạch, tinh thông pháp thuật, bay lên không trung, đi trên mặt nước, hàng phục được long hổ, kỳ quái khó lường. Tịch ở đời Hội Tường Đại Khánh triều Lý, vua Lý tha thuế cho 20 hộ để lấy tiền đèn hương phụng thờ (sự tích chép trong Lĩnh Nam chích quái).

1.4.5.3. Quyển XVII, tỉnh Hải Dương

Mục Đền miếu: “Đền Minh Không thiền sư: Ở xã Hán Lý, huyện Vĩnh Lại (nay thuộc huyện Bình Giang). Thiền sư họ Nguyễn, tự là Chí Thành, người huyện Gia Viễn. Lúc trẻ kết bạn với Từ Đạo Hạnh, thụ giới ở chùa Vân Mộng. Sau làm Tăng ở triều Lý Nhân Tông, Thần Tông mắc bệnh nhà sư chữa khỏi, vua phong làm Quốc sư. Tương truyền nhà sư siêu hóa ở núi Tam Viên xã Hán Lý, dấu cũ vẫn còn”.

Mục Chùa quán: “Chùa Dương Nham ở động núi xã Dương Nham, huyện Giáp Sơn, gian giữa thờ Phật, bên tả thờ tượng Không Lộ, Đạo Hạnh và Huyền Quang, bên hữu thờ tượng Trần Anh Tông. Phong cảnh trong động âm u đẹp đẽ, bài thơ của Lê Thánh Tông khắc vào đá nay vẫn còn.

Chùa Hưng Long ở xã Hán Lý, huyện Vĩnh Lại (nay là huyện Ninh Giang). Trước chùa có sông Cửu Khúc. Tương truyền quê mẹ thiền sư Không Lộ ở đây, nhân dựng chùa ở đấy. Thiền sư Không Lộ với hai thiền sư Đạt Man và Đạo Hạnh đồng thời kết nghĩa anh em. Ba người cùng ở với nhau, tu hành ở đây. Sau khi các thiền sư tịch, tỏ rõ pháp lực, có thể đạp mây cỡi gió, cầu đảo thường được linh ứng, dân xã tô 3 pho tượng để thờ.

“Chùa Quỳnh Lâm: Ở một quả gò bằng trong núi Quỳnh Lâm, xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, do thiền sư đời Lý là Nguyễn Minh Không lập, đúc tượng đồng để trong  

chùa (tượng này là một trong tứ khí của An Nam).

1.4.5.4. Quyển XXI, tỉnh Sơn Tây

Núi Không Lộ thuộc huyện Thạch Thất, trên núi có chùa Lạc Lâm, là chỗ thiền sư Không Lộ trút xác hóa kiếp.

Theo TUTA, chùa Quán Đình ở núi Không Lộ (trang 83). Như thế, liệu chùa Quán Đình còn có tên là chùa Lạc Lâm (núi Thầy) nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội?

 1.4.6. Sách “Nam ông mộng lục”15 thế kỷ XV

Mục “Sự thần dị của Minh Không” chép: “Ở hương Giao Thủy, nước Giao Chỉ có chùa Không Lộ. Ngày xưa có một vị sư họ Nguyễn, tên là Minh Không, khoảng năm Trị Bình đời Tống xuất gia đến chùa này, có đức hạnh và rất nổi tiếng…” Đoạn cuối cùng trong trang sách này chép việc thiền sư chữa bệnh cho thái tử (sau này lên ngôi vua hiệu Lý Thần Tông). Ban thưởng các thứ đều không nhận. Vua phong cho hiệu “Thần tăng” và nhân đó, lấy hai chữ Không Lộ để đặt tên chùa của nhà sư.

1.4.7. Sách Lĩnh Nam chích quái16 thế kỷ XV

Có riêng hai truyện: 1- Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không; 2- Truyện Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải, nói rõ Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ là hai người, với hai mối quan hệ khác biệt: “Xưa ở làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng, đất Trường Yên có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không quốc sư, lúc ít tuổi đi du học, gặp Đạo Hạnh, được truyền đạo hơn mười năm” còn “Thiền sư Không Lộ ở chùa Nghiêm Quang, huyện Hải Thanh là người họ Dương ở đây… thường cùng Giác Hải là đạo hữu”. Sách còn cho biết: Nguyễn Minh Không chữa bệnh cuồng loạn cho Lý Thần Tông, được phong Quốc sư “Năm Tân Sửu, niên hiệu Thái Bình thứ 22, Minh Không tạ thế, thọ 76 tuổi”. Dương Không Lộ “có thể bay lên không, đi trên băng giá, bắt được hổ phải phục, bắt được rồng phải giáng”, “Ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 10 thì chết” .

1.4.8. Tuy nhiên, trong sách Tân đính Lĩnh Nam chích quái17, Vũ Quỳnh lại viết khác hẳn: Ở hồi 23 “Từ Đạo Hạnh kết bạn với một người tên là Nguyễn Chí Thành, người Đàm Xá, phủ Trường Yên, trụ trì ở am quán Quốc Thanh (có khi gọi là Ngọc Thanh, nay thuộc vùng Ngọc Hà trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) lấy hiệu là Minh Không thiền sư. Ông cho quân lính ăn cơm chay có phép “vơi đâu lại đầy đấy” và dùng phép rút ngắn thời gian về Thăng Long chữa khỏi bệnh “khắp người mọc lông” của vua Lý Thần Tông tháng 3 năm 1136, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ 4.

 Ở hồi 24, viết về “Đầu đà họ Dương chính trực làm nên” kể rằng, Dương Không Lộ lúc đầu tu Phật có tên là Dương Khổng Lồ, làm nghề đánh cá. Sau cùng một người bạn cùng làng là Giác Hải đi tu ở chùa Hà Trạch. Không Lộ có tài “đúc chuông nặn tượng” nón thành thuyền, lấy gậy làm chèo chở hàng trăm tạ đồng về đúc đồ thờ quý; được gọi là “An Nam tứ khí”. Đó là:

Đỉnh Phổ Minh, tháp Báo Thiên,

Chuông chùa Phả lại, tượng chùa Quỳnh Lâm.

1.4.9. Lý Tế Xuyên, trong Việt điện u linh18 thế kỷ XIV

Sách có truyện Sự tích đại thánh Từ Đạo Hạnh viết về Minh Không rất vắn tắt: Đạo Hạnh làm bạn với Minh Không và Giác Hải, ba người tìm đường sang nước Ấn Độ bên Tây Thiên học đạo. Xong, về nước, Minh Không và Giác Hải về Giao Thủy, Đạo Hạnh về chùa Thiên Phúc ở Sơn Tây. Năm Bính Thìn (1136), Lý Thần Tông bệnh nặng. Sứ giả triều đình xuống Giao Thủy, Nam Định đón Minh Không và Giác Hải về kinh đô, chữa khỏi bệnh hóa hổ cho vua.

Sách đã nhầm Minh Không khi viết quê ông ở Giao Thủy. Và, là bạn với Từ Đạo Hạnh và Giác Hải.

1.5. Các công trình khảo cứu thế kỷ XX

 1.5.1. Cư sĩ Đinh Gia Thuyết trong bài diễn thuyết tại chùa Sơn Thủy (Non Nước), thị xã Nỉnh Bình19 nói: “Đức Khổng Lồ họ Dương húy là Minh Nghiêm, pháp hiệu Thông Huyền quê Hải Thanh, Giao Thủy, Xuân Trường, Nam Định, sinh năm Bính Thìn (1009) hơn Minh Không 57 tuổi. (Ngài) làm nghề đánh cá bến sông Đàm Khánh, cửa bể Thần Phù. Bây giờ chân núi Đàm Khánh thuộc huyện Yên Mô còn có chỗ gọi là “Đó Khổng Lồ” tức di tích của ngài để lại. Năm 20 tuổi, ngài bỏ nghề đánh cá đi tu thường tụng Đà-la-ni môn. Sư cụ Thảo Đường là thầy dạy ngài… Ngài tu ở chùa Diên Phúc làng Hộ Xá, Giao Thủy, Nam Định nhưng thường vân du các nơi danh lam cổ sắc như chùa Lạc Lâm Sơn Tây, Dương Nham Hải Dương, Phả Lại Bắc Ninh, chùa Tường Đông và Lộng Khê Nam Định. Sau lập ngôi chùa Nghiêm Quang ở làng Dũng Nhuệ, Giao Thủy, được vua ban 500 mẫu tự điền, phong làm Phù Vân Quốc sư. Ngài mất năm Giáp Tuất (1092), niên hiệu Hội Phong thứ 1, thọ 79 tuổi. Có tượng thờ ở chùa Viên Quang (Diên Phúc). Giác Hải, Đạo Hạnh là bạn học. Từ Đạo Hạnh là anh cả, Không Lộ là anh thứ, Giác Hải là em thứ 3 và họ rủ nhau đi Tây Trúc.

Bài viết kể về Nguyễn Minh Không 11 tuổi được Từ Đạo Hạnh đón về nuôi dạy. Rồi ngài chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông vào năm Canh Tuất (1129) và cho rằng Nguyễn Minh Không là người đúc Tứ đại khí. Nguyễn Minh Không mất ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (Lý Anh Tông 1140) thọ 76 tuổi.     

1.5.2. Thiều Chửu trong Lịch sử chư tổ thờ tại chùa Quán Sứ20 viết: Ngài họ Nguyễn, tên húy là Chí Thành, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Ngọ (1066), tại làng Điềm Xá (Điềm Giang), phủ Trường Yên, Nam Định (nay là thôn Quốc Thanh, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Năm 11 tuổi, ngài từ biệt song thân, dốc lòng xuất gia tu Phật. Sang Thiên Trúc học đạo với một vị Sa-môn, học được phép Lục trí thần thông, rồi về nước dựng chùa Diên Phúc chuyên tâm làm yếu quyết tu hành trì chú Đại bi. Thiều Chửu kể các tình tiết như Minh Không sang Trung Hoa xin đồng về nước đúc tứ đại khí; năm vua Lý Thần Tông 21 tuổi bị bệnh “hóa hổ” triều đình phải vời ngài về kinh sư chữa khỏi bệnh cho nhà vua. Vua vô cùng cảm kích, hậu tạ ngài 1.000 cân vàng và 1.000 mẫu ruộng để hương hỏa cho chùa, vĩnh viễn không phải nộp thuế, lại phong làm Quốc sư. Minh Không viên tịch năm Tân Dậu niên hiệu Đại Định thứ 2 (1141). Thiều Chửu nhận xét: “Thiền sư Minh Không không những là một bậc cao tăng giỏi nghề thuốc, một nhà giáo mô phạm mà còn là người tạo ra Đại Nam tứ đại khí, có công khôi phục lại nghề đúc đồng của tổ tiên ta xưa. Bởi vậy chùa Quán Sứ có tượng thờ Thiền sư.

Ở đây, Thiều Chửu đã sai khi nói “Thiền sư năm 11 tuổi từ biệt song thân xuất gia (trong khi Minh Không 10 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ) và tình tiết Minh Không sang Thiên Trúc học đạo.

1.5.3. Phạm Đức Duật và Bùi Duy Lan trong tác phẩm Chùa Keo do Sở Văn hóa thông tin tỉnh Thái Bình ấn hành năm 1985, đã căn cứ vào một số tài liệu và sách Quốc sư bảo lục mà khẳng định:

+ Không Lộ là đạo hiệu của một nhà sư có thật ở thời Lý.

+ Không Lộ và Minh Không là hai người khác nhau. Không Lộ ở thế hệ trước, cùng với Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Còn Minh Không ở thế hệ sau và là học trò của Từ Đạo Hạnh.

+ Nguyên nhân dẫn đến sự lầm lẫn giữa Không Lộ và Minh Không vì sự tích hai nhà sư này, có những điểm tương tự như nhau:

a)      Cả hai người được nhà Lý phong làm Quốc sư. Không Lộ chữa bệnh sợ tiếng tắc kè của Lý Nhân Tông (1128-1138).

b)      Cả hai người được nhà Lý phong làm Quốc sư.

c)      Minh Không cũng tu ở chùa Diên Phúc (sau đổi là Viên Quang) nơi mà Không Lộ và Giác Hải, trước đã từng tu. 

Quan điểm của 2 tác giả trên đã giành được sự chú ý và đồng tình của nhiều người trong lĩnh vực nghiên cứu.

1.5.4. Trần Quốc Thịnh trong sách Quần thể văn hóa Phả Lại Đại Phúc viết: Khi dân Phả Lại lập Minh Không làm Thành hoàng làng tức sinh thời ngài hiển Thánh, nghĩa là Tiền Phật hậu Thánh, ngài đã chuyển từ tu xuất gia sang tu tại gia”. Điều này chỉ giúp sức cho việc lý giải việc Minh Không là nhà sư mà lại được dân lập là Thành hoàng. Trên thực tế, Phật giáo Việt Nam cực thịnh ở thời Lý-Trần, rồi qua Lê, Mạc, Nguyễn có Tam giáo đồng nguyên, thì hiện tượng trộn vào nhau đó, không phải là cá biệt. Vả lại, việc thờ Thành hoàng làng ở Phả Lại còn dính đến dòng họ Nguyễn Đại Phúc. Câu chuyện Nguyễn Minh Không được thờ làm Thành hoàng ở Phả Lại nằm trong tín ngưỡng dân gian, nhằm tôn vinh một nhà sư nổi tiếng…   

1.5.5. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận21 cho rằng: Thiền sư Minh Không thuộc thế hệ thứ 13 dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi (trang 139); Thiền sư Không Lộ thuộc thế hệ thứ 10 thiền phái Vô Ngôn Thông. Rõ ràng là hai người khác nhau, nhưng ở trang 215 ông lại viết: Thiền sư Không Lộ đã từng là bạn với các thiền sư Giác Hải và Đạo Hạnh, đã từng đi Ấn Độ, và đắc “lục trí thần thông”. Ông họ Nguyễn, tên là Chí Thành, cũng có tên là Minh Không, và được sắc phong là Quốc sư sau khi đã dùng pháp thuật chữa lành bệnh cho vua Lý Thần Tông…

Tục truyền Không Lộ đã có công trong sự tạo thành bốn tác phẩm nghệ thuật lớn thời Lý gọi là Tứ đại khí: tháp chùa Báo Thiên, tượng Phật A Di Đà chùa Quỳnh Lâm, đỉnh chuông (?) Phổ Minh và chuông chùa Phả Lại….

Thiền sư Không Lộ mất vào năm 1141, hiện còn được thờ ở đền Lý Quốc Sư, huyện Thọ Xương, Hà Nội. 

            1.5.6. Lê Mạnh Thát trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập III, chương V tựa đề Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông có mục Quốc sư Minh Không dài 20 trang và cả chương VI nói về Dương Không Lộ và Giác Hải22.

Lê Mạnh Thát cho rằng Minh Không là học trò Từ Đạo Hạnh, giỏi nghề thuốc chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông và được phong Quốc sư. Ông mất tại núi Tam Viên xã Hán Lý, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương vào tháng 8 năm Tân Dậu, Đại Định thứ 2 (1141). Xã Hán Lý này là quê mẹ Minh Không, nên có dựng chùa Hưng Long ở đó.   

            Ở chương VI, Lê Mạnh Thát khẳng định Không Lộ họ Dương quê ở Hải Thanh, Nam Định dòng dõi làm nghề chài. Sau bỏ nghề chài hướng theo Phật trì tụng Đà-la-ni môn. Khoảng từ 1059-1065 cùng đạo hữu là Giác Hải vân du đến chùa Hà Trạch nương thân. Sư thuộc thế hệ thứ 9 dòng thiền Vô Ngôn Thông và thế hệ thứ 2 thiền phái Thảo Đường. Sau sư về quê dựng chùa. Mất ngày mồng 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi Hội Tường Đại Khánh thứ 10 (1119). Theo Lê Mạnh Thát, Không Lộ là vị thiền sư có nhiều phẩm chất phi thường: “bay lên không, đi trên nước, làm cọp nép, kêu rồng xuống, muôn quái nghìn kỳ người không lường nổi”. Ông là nhà luyện kim đúc đồng (đúc chuông chùa Phả Lại) và một nhà thơ nổi tiếng với bài kệ Ngôn hoài.

Cũng trong cuốn sách này, Lê Mạnh Thát cho biết: Khi đưa TUTA làm quyển thượng của bộ Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục tờ 20a6-22b1, (Phúc Điền) An Thiền (1858) mới đưa truyền thuyết này (tức truyện Không Lộ và Giác Hải của Lê Thực (Lê Tắc) trong An Nam chí lược vào thế cho truyện Không Lộ của TUTA. Nó không những kết hợp Không Lộ với Giác Hải, mà còn cả với Từ Đạo Hạnh và Minh Không, cho Không Lộ có tên là Nguyễn Chí Thành, mà theo TUTA thì đó là tên họ ngoài đời của thiền sư Minh Không… Rõ ràng là một hỗn hợp khá lộn xộn việc làm của ba người khác nhau vào một. Đó là chuyện đi xin đồng của Không Lộ theo truyền thuyết, mà đã nổi tiếng từ thế kỷ XIV, như An Nam chí lược15 tờ 147 đã ghi lại trên, với chuyện Giác Hải cùng Thông Huyền làm rơi hai con ễnh ương và chuyện chữa bệnh vua Lý Thần Tông của Minh Không.

1.5.7. Hòa thượng Thích Thanh Từ, trong sách Thiền sư Việt Nam,23 cho rằng Minh Không (1076-1141, đời thứ 13, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi) và Không Lộ (?-1119) là hai thiền sư khác nhau ở thời Lý. Sách viết: Sư (Minh Không) tên  Nguyễn Chí Thành, sinh ngày 14  tháng 8 năm Bính Thìn (1076) tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định, thường cùng với Giác Hải, Đạo Hạnh làm bạn thân. Năm 29 tuổi, Sư cùng hai vị ấy sang Thiên Trúc học đạo với thầy Sa-môn, được phép Lục trí thần. Trở về quê, Sư tạo ngôi chùa Diên Phước, ở đó chuyên trì chú Đại bi. Sư là người sang Trung Quốc xin đồng: “Về nước, Sư đến chùa Quỳnh Lâm huyện Đông Triều tỉnh Hải Dương đúc một tượng Phật A Di Đà thật cao lớn. Tại kinh đô nơi tháp Báo Thiên, Sư đúc một cái đỉnh. Ở Phả Lại, sư đúc một quả đại hồng chung. Tại Minh Đảnh, Sư đúc một cái vạc. Phần còn dư, Sư đem về quê chùa làng đúc một đại hồng chung nặng 3.300 cân, và đúc một đại hồng chung ở chùa Diên Phước Giao Thủy nặng 3.000 cân. Sư và Giác Hải trừ bỏ hai con chim cáp đậu kêu to tiếng vang như sấm ở mái điện Hưng Long làm vua Lý Nhân Tông lo buồn chẳng vui.

Năm vua Lý Thần Tông 21 tuổi, bị bệnh hóa cọp, Sư chữa khỏi bệnh cho vua.

Ở đây, sách viết sai về quê hương của thiền sư Minh Không. Sách cho rằng Minh Không là bạn với Từ Đạo Hạnh và Giác Hải từng sang Tây Trúc học đạo; đưa tình tiết Minh Không và Giác Hải vào điện Hưng Long loại trừ hai con ễnh ương cho vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Hòa thượng cho rằng Minh Không là người tạo Tứ đại khí.  

            1.5.8. Nguyễn Bá Lăng trong cuốn Kiến trúc Phật giáo Việt Nam cho rằng hai vị thiền sư Minh Không và Không Lộ là một. Ông viết: “Chùa Keo tên chữ là Thần Quang tự… là cảnh chùa do thiền sư Nguyễn Minh Không tức Không Lộ lập ra từ khoảng đầu thế kỷ XII”.

            1.5.9. Tháng 6 năm 1975, Sở Văn hoá và Thông tin Thái Bình xuất bản cuốn Chùa Keo của Đỗ Văn Ninh và Trịnh Cao Tưởng. Hai ông cho rằng “Thiền sư Không Lộ có thể là nhân vật lịch sử. Việc phân biệt Không Lộ, Minh Không là một hay hai người khác nhau thì các tác giả này chưa thể quyết đoán được. “Có thể coi thiền sư Không Lộ là một nhân vật có thật trong lịch sử? Nhưng lòng ngưỡng mộ vị thiền sư của nhân dân khi khoa học chưa phát triển, khi tôn giáo hãy còn là lẽ sống hàng ngày, đã thêu dệt cho sự tích những điều thần bí thì sự tích trở thành truyền thuyết. Đời truyền đời về sau, sự tích Không Lộ trở thành một Phật thoại ly kỳ. Cái cốt lõi lịch sử chỉ còn là đôi nét ẩn sâu trong cái vỏ hoang đường nhưng vô cùng lý thú. Chuyện về vị Quốc sư triều Lý có thể đúng sai khó bề khảo đính”.24

            1.6. Ý kiến của các nhà nghiên cứu gần đây

            1.6.1. PGS.Tiến sĩ Trương Sĩ Hùng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á trong bài Không Lộ-Minh Không thiền sư thời Lý viết: “Dương Không Lộ - Nguyễn Minh Không là hai hay một con người cụ thể, thì vai trò các ông đối với nhân dân trong đời sống tâm linh nhuốm màu Phật giáo đã trở thành biểu tượng đậm nét” Ông cho rằng: “Rất nhiều bài vở, bia ký ghi chép về hành trạng, công tích… nhưng rồi mỗi tác giả lại đặt ra một nghi vấn có lý”. Theo ông: Dương Không Lộ trong lịch sử nghiên cứu Phật giáo và văn hóa Việt Nam, cho đến nay vẫn còn hai giả thiết. Song, dù muốn hay không, khi đề cập đến xã hội Đại Việt thời Lý, nhất định không thể bỏ qua hiện tượng này. Về thiền sư Minh Không, Trương Sĩ Hùng cho biết: “Gần đây, theo tư liệu sưu tầm của ông Lê Xuân Quang thì: ‘Nguyễn Minh Không có đền thờ ở núi Dương Sơn giữa ngã ba sông Kỳ, thôn Lạc Khoái, xã Gia Lạc (nay thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Sư quê ở làng Điềm Xá (cùng huyện). Câu đối:

Điềm Xá chung linh sinh Nguyễn Thánh

Hoa Lư dục tú xuất Đinh hoàng

Tạm dịch:

Làng Điềm Xá anh linh sinh Nguyễn Thánh

Đất Hoa Lư khí tốt hiện Đinh vương.

Tiến sĩ họ Trương viết: Với ông, Nguyễn Minh Không là hiện thân quyền lực linh thiêng của Phật giáo hưng thịnh thời Lý, là thầy thuốc tài ba bậc nhất, là ngư dân gắn bó với thôn dã Đại Việt, là thiền sư tài cao đức trọng, là bậc thánh, bậc tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Trương Sĩ Hùng cho rằng, Nguyễn Minh Không, Dương Không Lộ, Dương Minh Nguyên… chỉ là tính danh, một con ngườì với những địa danh kinh lịch của chính nhân vật lịch sử văn hóa.

1.6.2. Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hương - Phụ trách Khoa Bảo tồn bảo tàng, Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội trong bài Về các lớp văn hóa trong sự tích thánh Dương Không Lộ cho rằng: “Có thể coi Dương Không Lộ là một mô-típ độc đáo trong nền văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ nói chung và vùng Keo nói riêng. Không Lộ vốn là một nhân vật được xây dựng từ những mảnh vụn huyền thoại, được lịch sử hóa để trở thành một ông Không Lộ - có yếu tố của một anh hùng văn hóa… Khi Phật giáo vào Việt Nam, một lần nữa mô-típ huyền thoại đó lại được chịu ảnh hưởng của lớp văn hóa Phật giáo, để người anh hùng Không Lộ trở thành thiền sư Không Lộ - một nhà sư có phép thuật luôn giúp dân giúp nước”. Bài báo viết: “Thiền sư Dương Không Lộ… vốn có lẽ không có thật trở thành một thiền sư thuộc thế hệ thứ 9 của dòng thiền Vô Ngôn Thông với tiểu sử hành trạng rõ ràng và được nhân dân tôn vinh trở thành một vị Thánh được thờ phụng ở nhiều nơi, có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân vùng Thái Bình, Nam Định, cho đến tận ngày nay”. 

1.6.3. Sách Chùa Việt Nam tiêu biểu25, do Đỗ Hoài Tuyên chủ biên năm 2011 viết:   

“Chùa Keo (Thái Bình) ngoài thờ Phật còn thờ Không Lộ thiền sư, người đã khai sáng ngôi chùa Keo gốc (Nghiêm Quang tự). Theo cuốn “Trùng san Thần Quang tự Phật Tổ bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu” thì: Thiền sư người ở Hải Thanh, Giao Thủy, Nam Định. Xuất thân từ nghề chài lưới nhưng rất giỏi văn chương và mộ đạo Phật từ rất sớm. Thiền sư kết giao cùng 2 Thiền sư là Từ Đạo Hạnh và Giác Hải. Ông là một thiền sư lớn của triều, đồng thời là một danh y tài giỏi xuất chúng. Ông đã chữa khỏi bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông. Thiền sư cũng là người sáng tạo nghề đúc đồng (ông Tổ nghề đúc đồng”.  Rõ ràng, nếu là Không Lộ thiền sư, ngài viên tịch năm 1119 thì không thể là người chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông năm 1136.

Đáng tiếc, ở mục chùa Phổ Minh cuốn sách đã sai khi viết: Chùa Phổ Minh nổi tiếng khắp Đại Việt hàng ngàn năm với Vạc Phổ Minh một trong “An Nam tứ đại kim khí”, do Thiền sư Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh xây dựng, vạc nặng 13 tấn (nay không còn).   

II. Giải mã về Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không

Như vậy, câu chuyện về Không Lộ - Minh Không đã kéo dài ngót 1.000 năm trong sương mờ lịch sử, cho đến thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, công cuộc tìm hiểu về hiện tượng văn hóa này vẫn được tiếp tục. Tuy nhiên, qua khảo sát các nguồn thông tin nói trên nói trên gồm 6 tài liệu chép tay, 3 bia ký, 5 truyền thuyết dân gian, 9 thư tịch cổ, 9 công trình nghiên cứu ở thế kỷ XX và 3 nghiên cứu ở đầu thế kỷ XXI, bằng phương pháp so sánh loại trừ các nguồn tư liệu, tài liệu khác và đi điền dã những nơi thờ hai vị, căn bản dựa vào các cuốn chính sử, chúng tôi lần lượt giải mã các vấn đề sau:

2.1. Dương Không Lộ là nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam

Ngài họ Dương húy Minh Nghiêm, sinh năm 1016, quê Hải Thanh, Giao Thủy, Nam Định. Đời ông cha làm nghề đánh cá. Sau, ngài bỏ nghề ấy đi tu, chuyên chú tu trì pháp môn Đà-la-ni. Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059-1065) đời Lý Thánh Tông, sư cùng Giác Hải đi vân du cõi ngoài, dấu kín tung tích, đến chùa Hà Trạch… một lòng chuyên chú tu tập thiền định. Sư đắc “lục trí thần thông” có thể “bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ”. Có thể Không Lộ (cùng Giác Hải) sang Trung Quốc xin đồng về đúc chuông chùa Phả Lại. Không Lộ và Giác Hải từng lên kinh thành chữa bệnh cho vua Lý Nhân Tông khỏi sợ tiếng kêu của hai con tắc kè. Cuối đời, sư về bản quán dựng chùa Nghiêm Quang (sau đổi tên là Thần Quang) trụ trì. Sư thị tịch năm Hội Phong thứ 2 (1094)26. Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) cho sửa sang mở rộng chùa Nghiêm Quang, miễn tô thuế cho 20 hộ để đèn hương phụng thờ. Năm 1167 chùa Nghiêm Quang đổi tên là Thần Quang.

Dương Không Lộ là thế hệ thứ 9 dòng thiền Vô Ngôn Thông. Ngài cũng là thế hệ thứ 2 thiền phái Thảo Đường (cùng thiền sư Giác Hải là nối pháp tự của cư sĩ Ngộ Xá ở hương Bảo Tài, huyện Long Chương. Ngộ Xá cùng Lý Thánh Tông hoàng đế và thiền sư Bát Nhã là ba vị đều nối pháp của thiền sư Thảo Đường).

Không có chuyện sư cùng Từ Đạo Hạnh và Giác Hải đi Tây Trúc học đạo, cũng không có chuyện Không Lộ chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông và được ban hiệu Quốc sư.

2.2. Thiền sư Minh Không

Ngài họ Nguyễn, tên là Chí Thành, sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Ngọ (1066), quê xã Điềm Xá, phủ Trường Yên (nay thuộc thôn Quốc Thanh, xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).

Năm 11 tuổi, ngài từ biệt song thân dốc lòng xuất gia tu Phật, cầu đạo với thiền sư Từ Đạo Hạnh được thầy khen tài giỏi thông minh và ấn chứng sau sẽ trở thành bậc “Pháp khí” trong Thiền môn, ban pháp danh Minh Không, thế hệ thứ 13 dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi.

Không chỉ là bậc Đại sư thông tuệ Phật pháp, được giới Tăng-già ngưỡng vọng, danh tiếng ngài còn vang xa và được nhà vua kính trọng; tháng 5 năm Tân Hợi (1131) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 1) đích thân vua Lý Thần Tông sai dựng nhà cho ngài. Minh Không là người chữa khỏi bệnh “hóa hổ” của vua Lý Thần Tông năm Bính Thìn (1136), được vua ban thưởng hậu và phong làm Quốc sư. Tha phú dịch cho vài trăm hộ.

Mùa thu tháng 8 năm Tân Dậu, niên hiệu Đại Định thứ 2 (1141) (Tống Thiệu Hưng năm thứ 11), Minh Không viên tịch tại núi Tam Viên xã Hán Lý, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương nơi quê mẹ ngài .   

Như vậy, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai nhân vật có thật trong lịch sử thời Lý. Không Lộ thuộc thế hệ trước Minh Không. Họ là hai người khác nhau về tên họ, tuổi tác, quê quán và hành trạng cũng như ngày mất.

2.3. Ai là người chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông

Thiền sư Nguyễn Minh Không là người chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông năm 1136. Ghi nhớ công ơn ngài, vua Lý Anh Tông (1138-1175) và nhân dân đã lập đền thờ ngài tại đền Tiên Thị (nguyên là ngôi nhà vua Thần Tông ban cho ngài khi lên kinh đô chữa bệnh cho vua). Trải qua gần 9 thế kỷ, nhân dân vẫn hương khói phụng thờ, cầu đảo linh ứng.

Năm 1930, Hòa thượng Thanh Định tự Quang Huy đến trụ trì đã tôn trí thêm tượng Phật, Bồ-tát và đổi đền thành chùa Lý Triều Quốc Sư, nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội).

2.4. Ai là người có công xây dựng chùa Thần Quang

Theo sách “Không Lộ Thiền sư ký ngữ lục” thì: Năm 1061 thiền sư Không Lộ về dựng chùa Nghiêm Quang tại quê nhà tại làng Giao Thủy (tên Nôm là làng Keo) ở hữu ngạn sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Nam Định. Năm 1167 đổi tên là Thần Quang tự. Đến năm 1611, trong một trận đại hồng thủy nước sông dâng cao ngập hết cả làng làm xói mòn bờ đê, đã cuốn trôi làng mạc, nhà cửa và cả ngôi chùa Nghiêm Quang. Khi nước rút, một bộ phận người dân di dời đi nơi khác lập làng mới là làng Hành Cung (sau đổi là Hành Thiện) rồi xây một ngôi chùa mới là chùa Keo Hành Thiện (chùa Keo Dưới), nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Một bộ phận dân cư khác di dời sang khu vực tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ, (nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) tỉnh Thái Bình. Từ 1630-1632, bà Lại Thị Ngọc Lễ (vợ viên hoạn quan nổi tiếng lúc bấy giờ là Hoàng Nhân Dũng) đứng đầu việc vận động quyên góp tiền của để dựng một ngôi chùa Keo mới đặt tên là Thần Quang tự (chùa Keo Trên).

Như vậy, người có công xây dựng chùa Nghiêm Quang là thiền sư Dương Không Lộ, tới năm 1167 đổi tên là chùa Thần Quang (ta gọi là chùa Thần Quang gốc). Chùa Keo Dưới hay chùa Keo Hành Thiện mãi sang thế kỷ XVII mới được dựng.

Người có công xây dựng chùa Thần Quang (còn gọi là chùa Keo Trên) ở huyện Vũ Thư, Thái Bình năm 1630-1632 là bà Lại Thị Ngọc Lễ.    

2.5. Ai là người làm “An Nam tứ đại khí”

Để xác định điều này, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu Thiên Nam Tứ đại khi hay An Nam Tứ đại khí gồm những gì, niên đại tạo tác và năm bị phá hủy, từ đó đối chiếu với hành trạng của Không Lộ hoặc Minh Không để xác định ai là tác giả của “đại khí”.

            2.5.1. Tượng Phật ở chùa Quỳnh Lâm (Đệ nhất Tứ đại khí)

            Trước tiên phải khẳng định đây là tượng Phật Di Lặc mà nhiều sách cho rằng Nguyễn Minh Không là người đúc tượng này. Tượng cao tới 6 trượng xấp xỉ 20m. Chính vì chiều cao, độ lớn của tượng và điện chứa tượng nên tục truyền rằng, đứng phía Nam huyện Ðông Triều, cách chùa Quỳnh Lâm ước chừng 10 dặm, vẫn còn thấy nóc điện che sát đầu pho tượng. Trong dân gian còn lưu truyền câu ca:

Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Ðông

(....) Tháp cao chín đợt màu mây ám

 Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng

Trước điện thông reo cùng trúc hóa

Trong am khánh đá với chuông đồng...

Chắc hẳn trong câu ca này hàm ý đến tòa điện đặt pho tượng khổng lồ trên.

Sau đó không rõ tượng mất khi nào, có thể tượng bị quân Minh phá hủy để đúc súng đạn cùng với ba đại khí khác năm 1426-1427.

Ý kiến khác cho rằng, tượng bị mất từ khi quân Nguyên Mông sang xâm chiếm nước ta vào thế kỷ XIII, bởi vì sau đó Đệ nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa cho đúc một pho tượng Di Lặc cao 1 trượng 6 thước (4,28m) vào năm 1327, đặt tại chùa Quỳnh Lâm.

Sách Đại Nam Nhất thống chí quyển XVII, Tỉnh Hải Dương viết: Chùa Quỳnh Lâm trong núi Quỳnh Lâm, xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, do thiền sư đời Lý là Nguyễn Minh Không lập, đúc tượng đồng để trong chùa (tượng này là một trong Tứ khí của An Nam).

Vậy, thiền sư Nguyễn Minh Không là người tạo tượng Phật Di Lặc – đệ tam Tứ đại khí ở chùa Quỳnh Lâm.

2.5.2. Đỉnh tháp Báo Thiên (Đệ nhị Tứ đại khí)

            Tháng giêng năm Đinh Dậu (1057), vua Lý Thánh Tông (1054-1072) cho xây tháp Đại Thắng Tư Thiên trong khuôn viên chùa Sùng Khánh Báo Thiên tại thôn Tiên Thị, phường Báo Thiên, kinh thành Thăng Long nên thường gọi là tháp Báo Thiên. Tháp cao mấy chục trượng gồm 12 tầng. Đỉnh (hay chóp tháp, chỏm tháp, có thể coi là tầng thứ 13) đúc toàn bằng đồng. Đối chiếu về thời gian thì lúc đó Nguyễn Minh Không chưa ra đời (ngài sinh năm 1066), nên người làm Đệ nhị Tứ đại khí này là Dương Không Lộ, phù hợp với nhiều ý kiến cho rằng: “Tương truyền do thiền sư Dương Không Lộ vẽ kiểu và trông coi việc đúc”.

            2.5.3. Chuông Quy Điền (Đại khí thứ ba)

Chuông Quy Điền được đúc trong lần sửa lại chùa Diên Hựu (Một Cột) ở khinh thành Thăng Long vào tháng 2 năm Canh Thân (1080) đời Lý Nhân Tông. Để đúc quả chuông này, vua Lý Nhân Tông đã cho sử dụng đến 12 ngàn cân đồng (tương đương với 7,3 tấn) đồng. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho là đã thành khí, không nên tiêu hủy27, nhà vua bèn sai người vần ra khu ruộng sau chùa. Vì khu ruộng này thấp trũng, có nhiều rùa đến ở, nên có tên là Quy Điền (Ruộng Rùa), nhân đó gọi là chuông Quy Điền28.

Tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), chuông Quy Điền bị Tổng binh Vương Thông (nhà Minh) cho phá hủy để chế súng đạn.

Năm 1080, thiền sư Minh Không mới 14 tuổi, chưa thể làm được việc này, vậy người tạo chuông Quy Điền – đệ tam tứ đại khí là thiền sư Dương Không Lộ. 

            2.5.4. Vạc chùa Phổ Minh (Đệ tứ Tứ đại khí)

            Theo bài minh trên bia chùa Phổ Minh thì chùa ở xã Tức Mạc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định nay là phường Vương Lộc, ngoại thành Nam Định. Chùa còn có tên là chùa Tháp, được xây dựng từ thời Lý. Xưa, chùa có chiếc vạc (còn gọi là đỉnh, lư hương) bằng đồng.

Tương truyền, miệng vạc dày và rộng đến nỗi hai người có thể chạy nhảy và đi lại trên đó. Phía ngoài vạc có hình rồng quấn xung quanh và hình chim đang bay, tượng trưng cho “con Lạc cháu Hồng”. Đầu vạc chim ngẩng lên hướng vào lòng vạc, trên thành khuyết 100 lỗ hình quả trứng, trong mỗi lỗ đặt một tượng rồng vàng (ngụ ý để thu linh khí của “bọc trứng trăm con” của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Trên vạc có khắc tên các vị vua từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân… cho đến Lý Thánh Tông với ý đồ nhờ vào hồng đức của các bậc tiên đế phù giúp cho “quốc thái dân an”29.

            Vạc chỉ ghi đến đời Lý Thánh Tông đã giúp chúng ta khẳng định, vạc chùa Phổ Minh được đúc vào thời Lý Thánh Tông (1054-1072), người đúc là thiền sư Dương Không Lộ (1016-1094). Vì lúc đó, thiền sư Minh Không mới 5-6 tuổi.30

Giặc Minh đã phá đỉnh để đúc súng đạn năm 1426.

Như vậy trong Thiên Nam Tứ đại khí thì thiền sư Dương Không Lộ tạo tác 3 đại khí, thiền sư Nguyễn Minh Không tạo đại khí thứ tư là tượng Phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm.

2.6. Ai là Tổ nghề đúc đồng

Tổ tiên ta đã biết đúc trống đồng Đông Sơn trước Không Lộ và Minh Không hàng ngàn năm. Khi làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên, vua Lý Thánh Tông đã cấp 1 vạn 2 nghìn cân đồng cho thợ đúc chuông đồng treo ở chùa, vì vậy có thể gọi Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là những người tiếp tục phát triển nghề đúc đồng nước ta lên mức cao hơn và tinh xảo hơn.

Với việc tạo 3 trong 4 Tứ đại khí của Đại Việt, có thể gọi thiền sư Dương Không Lộ là nhà luyện kim đồng lớn nhất nước ta trong thời Lý.

Thay lời kết

Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không vốn là hai nhà sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam mà nhiều sử sách có nhắc tới. Song, do hoàn cảnh, thời đại, tên tuổi, truyền thuyết… về hai nhà sư này còn có nhiều điểm gần giống nhau, và hơn nữa do sự sao chép nhầm lẫn trong một số cuốn sách Hán Nôm, khiến cho một số nhà nghiên cứu bấy lâu nay có bị nhầm lẫn, lẫn lộn.

Chúng tôi đã giải mã những tồn nghi về hai thiền sư nổi tiếng thời Lý là Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Do tài liệu còn thiếu, trình độ lại hạn hẹp, chúng tôi rất mong nhận được sự chỉ giáo của quý vị bạn đọc xa gần để vấn đề được sáng tỏ và chính xác hơn.

Nguyễn Đại Đồng

Tài liệu tham khảo

1. Bản chép tay: Bùi Tử Căn, Thánh Tổ thực lục, cư sĩ Xích Đằng Nguyễn Thụ dịch năm 2005 theo bản của 2. Lạc Thiện Đường khắc năm 1919.

3. Đinh Gia Thuyết, Một vị Thánh Tăng của Ninh Bình, báo  Đuốc tuệ số 75, ra ngày 15-12-1937.

4. Thiều Chửu, Lịch sử Chư tổ thờ tại chùa Quán Sứ, NXB.Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1949.

5. Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Trịnh Đình Rư dịch, Đinh Gia Khánh hiệu đính, NXB.Văn Học tái bản có sửa chữa, 1971.

6. Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tường, Chùa Keo, Ty Văn hóa thông tin Thái Bình xuất bản 1974.

7. Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 1+2 năm 1984.

8. Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, Thiền uyển tập anh, NXB.Văn Học, 1990.

9. Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, NXB.Văn Học, 1993.

10. Vũ Quỳnh-Kiều Phú, Tân đính Lĩnh Nam chích quái, NXB.Khoa học xã hội, 1993.

11. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Văn Học 1994.

12. Nguyễn Văn Tân, Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam, NXB.Văn hóa Thông tin, 1998.

13. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6 năm 2000.

14. Trần Quốc Thịnh, Quần thể văn hóa Phả Lại Đại Phúc, NXB.Văn hóa Dân tộc, 2000.

15. Hồ Nguyên Trừng, Nam ông mộng lục, NXB.Văn Học, 2001.

16. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập III, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.

17. Lê Tắc, An Nam chí lược, NXB.Thuận Hóa và Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2002.

19. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB.Văn hóa Thông tin, 2004.

20. Tạp chí Di sản văn hóa số 2 (11) năm 2005.

21. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Phan Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB.Thuận Hóa, 2006.

22. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, do Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp dịch, NXB.Giáo Dục, 2007.

23. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, NXB.Tôn Giáo tái bản, 2010.

24. Đỗ Hoài Tuyên (chủ biên), Chùa Việt Nam tiêu biểu, NXB.Tôn Giáo, năm 2011.

 

 

 

 

 



1 Dẫn theo bài của Phạm Thị Thu Hương đăng trên tạp chí Di sản văn hóa số 2 (11) năm 2005.

2 Dẫn theo bài của Phạm Đức Duật đăng trên tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm sô 1+2 ra năm 1984. Trong bài Thăm chùa Keo của Trần Huy Bá và Trương Chính đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 9 năm 1971, đoạn nói về một số tài liệu nhà chùa còn giữ được, hai tác giả đã giới thiệu ba cuốn sách chép tay: Không Lộ thiền sư ký ngữ lục, Thánh tổ thực lục diễn ca và Địa bạ chùa Keo. Trừ sách Địa bạ liệt kê những người cúng ruộng vào chùa, chúng tôi thấy cần chú ý hai cuốn sách còn lại.

Về sách Không Lộ thiền sư ký ngữ lục. Các tác giả lược thuật rằng: vị thiền sư này người Hải Thanh, họ Dương, pháp hiệu là Minh Không, làm nghề đánh cá, sau bỏ nghề đi tu, đắc đạo, có pháp thuật, có thể bay trên không, đi trên mặt nước, bắt long hổ phải quy phục, v.v… Đời Lý Thái Tông, năm Minh Đạo thứ nhất (1041), giúp nhà vua đánh được Chiêm Thành. Năm Bính Thìn (1136), đời Lý Nhân Tông, nhà vua bị bệnh hổ hoá. Lương y khắp nước chữa không khỏi. Sau cho sứ giả đến chùa nhà sư về cúng. Cuối cùng nhà sư chữa khỏi bệnh cho nhà vua. Nhà vua sắc phong Đại Pháp, kiêm Quốc sư, ban ruộng hàng vạn khoảnh. Sự tích ngày 3 tháng 6 năm Kỷ hợi. Chính vị thiền sư này được Lý Anh Tông (1138 - 1175) cho lập đền thờ ở Thăng Long, gọi là đền Lý Quốc Sư.

Về sách Thánh tổ thực lục diễn ca. Các tác giả bài báo lược thuật rằng: “Sách này nói Không Lộ họ Nguyễn, người làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ An Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tiểu sử có nhiều chỗ hoang đường, chúng tôi lược bớt. Phần lớn giống như Vũ Quỳnh kể trong Lĩnh Nam trích quái, kể cả chuyện đi sang Trung Quốc được vua Trung Quốc cho đồng, bỏ tất cả mấy kho đồng vào một cái túi nhỏ, thả nón xuống sông làm thuyền đi về Nam Hải. Cũng vì vậy, Minh Không còn được coi là ông tổ nghề đúc ở nước ta, thờ ở đình Ngũ Xá và chùa tổ ông ở phố Lò Đúc”.

Như thế, về tên, họ, quê quán và sự tích Không Lộ qua hai quyển sách trên có nhiều điểm sai khác rất cơ bản.

3 Theo Tiểu dẫn, cuốn sách do ông Bùi Tử Căn thủ từ đền Trần soạn, được các ông Lã Trọng Khảo tú tài ở xã Ngọc Giả giúp hoàn thành bản thảo, sau lại được cư sĩ Đào Nguyên Vũ Tử Chúng người xã Trà Bắc huyện Giao Thủy giúp kê cứu cổ lục và chú giải. Năm 1918, Bùi Tử Căn đến nhờ Cử nhân khoa Qúy Mão (1903) là Hàn lâm viện Kiểm thảo Vũ Ngọc Đỉnh người xã Thạch Cầu, huyện Nam Trực, Nam Định phủ chính, rồi khắc bản in.

4 Dẫn theo Trương Sĩ Hùng: Trần Quốc Thịnh, Quần thể văn hóa Phả Lại Đại Phúc, NXB.Văn hóa Dân tộc, 2000.

5 Phạm Đức Duật, bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 1+2 ra năm 1984. Năm 1985, Tý Văn hóa thông tin Thái Bình xuất bản sách Chùa Keo của Bùi Duy Lan và Phạm Đức Duật, có giới thiệu Quốc sư bảo lục của Đặng Xuân Bảng.

6 Phạm Đức Duật bài đăng trên tạp chí Hán Nôm số 1+2 năm 1984.

7 Thiều Chửu, Lịch sử chư tổ thờ tại chùa Quán Sứ, NXB.Đuốc tuệ, Hà Nội, 1949.

8 Cửa Thần Phù là tên một địa danh lịch sử xa xưa gắn với nhiều truyền thuyết, hiện chỉ còn là vùng đất nằm ở hai bên cửa biển cũ nay đã lùi sâu trong đất liền hơn 10 km. Trước đây khu vực này thuộc tỉnh Ninh Bình, dưới thời Nguyễn, một phần được tách về tỉnh Thanh Hóa. Cửa biển Thần Phù hiện thuộc ranh giới giữa 2 xã Yên Lâm, Yên Mô, Ninh Bình và Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa.

9 Dẫn theo Phạm Thị Thu Hương (tạp chí Di sản văn hóa số 2 năm 2005) và Trương Sỹ Hùng (tạp chí Nghiên cứu Phật học số 6 năm 2000).

10 Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, Thiền uyển tập anh, NXB.Văn Học, 1990.

11 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB.Văn hóa Thông tin, 2004.

12 Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thong giám cương mục, do Hoa Bằng, Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp dịch, NXB Giáo dục, 2007.

13 Lê Tắc, An Nam chí lược, NXB Thuận Hóa và Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2002. Lê Mạnh Thát trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2002 viết rằng tác giả An Nam chí lược là Lê Thực.   

14 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Phan Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Thuận Hóa, 2006.

15 Hồ Nguyên Trừng, Nam ông mộng lục, NXB.Văn Học, 2001.

16 Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, NXB.Văn Học, 1993.

17 Vũ Quỳnh-Kiều Phú, Tân đính Lĩnh Nam chích quái, NXB.Khoa học xã hội, 1993.

18 Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Trịnh Đình Rư dịch, Đinh Gia Khánh hiệu đính, NXB.Văn Học tái bản có sửa chữa, 1971.

19 Đinh Gia Thuyết, Một vị Thánh Tăng của Ninh Bình, báo Đuốc tuệ số 75, ra ngày 15-12-1937.

20 Thiều Chửu, Lịch sử chư tổ thờ tại chùa Quán Sứ, Đuốc Tuệ, 1949.

21 Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học 1994.

22 Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập III, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.

23 Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, NXB.Tôn Giáo tái bản, 2010.

24 Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tường, Chùa Keo, Ty Văn hóa thông tin Thái Bình xuất bản 1974.

25 Đỗ Hoài Tuyên (chủ biên), Chùa Việt Nam tiêu biểu, NXB.Tôn Giáo, năm 2011.

26 Thiền uyển tập anh không ghi năm sinh của Không Lộ mà chỉ ghi năm mất của ngài là 1119. Chúng tôi dựa vào cuốn “Quốc sư bảo lục” của Tiến sĩ Đặng Xuân Bản, người đồng hương với thiền sư Dương Không Lộ.

27 Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB.Văn hóa thông tin, 2004.

28 Nguyễn Văn Tân, Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam, NXB.Văn hóa Thông tin, 1998, thì cho rằng, lúc đầu chuông có tên là Giác Thế. Đúc xong, vì quá nặng không có chỗ treo, buộc phải để úp xuống đất và sau khi được vần ra ruộng có nhiều rùa, thì mới có tên chuông là Quy Điền. Nói chuông nặng không treo được là không đúng vì: Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì: Năm Bính Thân (1056) vua Lý Thánh Tông làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên, phát 1 vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông lớn, vua thân làm bài văn  minh, treo ở chùa này.

29 Đỗ Hoài Tuyên (chủ biên), Chùa Việt Nam tiêu biểu, NXB.Tôn Giáo, 2011.

30 Tuy nhiên trong bài Phổ Minh tự ký của một tác giả đời sau chép phụ ở cuốn sách Ức Trai thi tập của Nguyễn Trái thời Lê Thái Tông (1433-1442) thì chiếc vạc này được đúc vào thời Trần Nhân Tông (1279-1293): vạc sâu 4 thước, rộng 10 thước, nặng 6.150 cân.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác