Nhất thừa (一乘) trong các A-hàm Hán ngữ: Ánh sáng mới về một vấn đề cũ nơi Nikāya Pāli

nhat thua

Nhất thừa (一乘) trong các A-hàm Hán ngữ: Ánh sáng mới về một vấn đề cũ nơi Nikāya Pāli

Jan Nattier – Nguyên Hiệp dịch

Giới thiệu

Một trong những khái niệm nổi tiếng nhất trong văn học Phật giáo Đông Á là khái niệm “nhất thừa”. Theo khái niệm này, thường được sử dụng nơi những kinh sách Ấn Độ là ekayāna và ở nơi những kinh sách Đông Á là nhất thừa (Hán: 一乘; Nhật: Ichijō), Đức Phật đã dạy những đệ tử của mình ba con đường riêng đưa đến giác ngộ: con đường đưa đến quả vị A-la-hán, con đường đưa đến Bích Chi Phật, và con đường đưa đến Phật quả. Tuy nhiên, việc có nhiều con đường này chỉ là một “phương tiện thiện xảo” mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sử dụng để đưa tất cả những đệ tử của mình đến đích Phật quả duy nhất. Niết-bàn của A-la-hán hay của Bích Chi Phật chỉ là một phương tiện, một “điểm dừng chân nghỉ ngơi” trên con đường đi đến đích cuối cùng. Xem xét về phương diện con đường, điều này hàm ý rằng Bồ-tát thừa không chỉ là con đường cao nhất và xứng đáng nhất (một quan điểm được chấp nhận trong tất cả những kinh điển Đại thừa Ấn Độ) mà còn là con đường chân thật duy nhất.[1] Tất cả những giáo pháp liên quan đến những thừa khác chỉ là những phương tiện tạm thời mà Đức Phật trao cho những đệ tử mà họ chưa sẵn lòng nghe về Phật quả cuối cùng của họ. Con đường Bồ-tát, nói tóm lại, được miêu tả như con đường phổ quát, bao gồm tất cả mọi Phật tử cho dù họ có nhận thức điều đó hay không.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khái niệm này không hề phổ biến trong giới Phật tử Đại thừa Ấn Độ.[2] Ngược lại, vào thời kỳ hình thành Đại thừa – tức là vào thời điểm khi một số Phật tử đầu tiên chủ trương quan điểm rằng các Phật tử có thể chọn trở thành một vị Phật thay vì một A-la-hán – quan điểm ba thừa riêng biệt dường như phổ biến. Phần nào ngạc nhiên, có bằng chứng rằng quan điểm này vẫn là tiêu chuẩn ở nơi những gì có thể được miêu tả là Phật giáo Đại thừa “dòng chính” ở Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Ví dụ, học thuyết “chủng tính” (gotra, chủng tộc/thị tộc) nổi tiếng của Duy thức tông (Yogācāra) rõ ràng hàm ý những con đường khác nhau – và những đích đến thật sự khác nhau – cho những người có những khả năng tâm linh khác nhau. Cho đến thế kỷ VIII, học giả Tịch Thiên (Śāntideva) của Trung quán tông (Mādhyamika) vẫn công nhận tính giá trị của những chọn lựa khác nhau cho dù ông mô tả chi tiết cách thực hành theo con đường Bồ-tát.[3] Như vậy, sự thực hành Đại thừa không thể đánh đồng với việc chấp nhận quan điểm “nhất thừa”. Sự thực, lịch sử sơ kỳ của Đại thừa ở Ấn Độ – và có lẽ trước đó nữa – được mô tả như là “thời kỳ tam thừa”.[4]

Cuối cùng, tư tưởng “nhất thừa” trở nên được biết rộng rãi (nếu không muốn nói được chấp nhận chung) ở Ấn Độ. Câu hỏi về khi nào, và trong những phạm vi nào, nó đã đạt được vị trí một quan điểm chính thống chắc hẳn cần phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, điều chắc chắn là rằng quan điểm về một thừa duy nhất đưa đến Phật quả nhanh chóng đạt được sự chấp nhận rộng rãi ở Đông Á, mà ở đó nó trở thành một trong những khái niệm trọng tâm nơi tư tưởng Phật giáo Trung Quốc. Không quá ngạc nhiên, một tìm kiếm bằng máy tính hai từ “nhất thừa” (一乘) ở nơi kinh tạng Phật giáo Hán ngữ đã đưa ra một số lượng lớn các trường hợp; một tìm kiếm ban đầu nơi phiên bản kinh tạng điện tử Taishō hiện nay (tập 1-55 và 85) đã mang lại trên 6.400 trường hợp.[5]

Tuy nhiên, những trường hợp này không hề được phân bổ đều trong kinh tạng. Từ một xem xét theo niên đại, cho thấy rõ rằng không có trường hợp nhất thừa nào có thể được tìm thấy trong những bản kinh được dịch trước thời Trúc Pháp Hộ (竺法護/Dharmarakṣa, 265-309 TL).[6] Trường hợp duy nhất của hai từ nhấtthừa đi cùng với nhau ở nơi bản dịch trước Trúc Pháp Hộ là ở nơi bản dịch Bồ-tát bổn tập kinh (菩薩本業經, T281) của Chi Khiêm, ở đó tên của một trong các vị Phật trong mười phương được gọi là Nhất Thừa Độ (一乘度, 10.447a2). Tuy nhiên, một sự so sánh với những phiên bản của cùng bản kinh cho thấy rằng điều này có thể không phải là cách diễn đạt nguyên thủy của Chi Khiêm, mà thực sự là kết quả của một sự chỉnh sửa trong khâu biên chép. (Trong mọi trường hợp, không hề có sự thảo luận về khái niệm “nhất thừa” ở trong suốt bản kinh). Kiểu phân bổ này cho thấy khả năng rằng chính Trúc Pháp Hộ là người đầu tiên giới thiệu nhất thừa như là từ tương đương của từ Sanskrit (hay Prakrit) ekayāna. Ngoài ra, có thể chỉ vào thời của Trúc Pháp Hộ – tức là vào cuối thế kỷ III TL – việc tìm kiếm một thuật ngữ cho từ ekayāna trở nên cần thiết, vì không chỉ riêng từ nhất thừa mà chính quan điểm về một thừa duy nhất dường như vắng mặt nơi những kinh sách được dịch sang Hán ngữ trước thời kỳ này.[7]

Tuy nhiên, gây chú ý hơn sự bất đối xứng thời gian này là một sự bất đối xứng địa lý. Nếu chúng ta một mặt thực hiện những tìm kiếm riêng nơi những tập của ấn bản Taishō mà chúng chính yếu bao gồm những bản dịch những kinh sách Ấn Độ, và mặt khác chính yếu là những tác phẩm Đông Á, một vấn đề gây chú ý xuất hiện: phần lớn những trường hợp nhất thừa là ở nơi những bộ luận và những luận giải được sáng tác ở Đông Á hơn là ở nơi những bản văn được dịch từ những nguyên tác Ấn Độ.[8] Điều này cho thấy rằng không có gì khó khăn để tìm ra một chứng cứ văn bản cụ thể cho những gì mà những học giả đã nghi ngờ suốt một thời gian dài: rằng khái niệm “nhất thừa” đóng một vai trò nổi bật ở Đông Á hơn nhiều ở Ấn Độ.

Những kiểu cách phân bổ thuật ngữ nhất thừa ở trong kinh tạng Hán ngữ cần được nghiên cứu cặn kẽ trong tương lai. Tuy nhiên, những gì tôi muốn tập trung ở nơi bài viết này lại là một điều khác mà nó đã xuất hiện ở nơi những kết quả tìm kiếm này: sự thật rằng, một số ít, nhưng ý nghĩa, những trường hợp về thuật ngữ nhất thừa được tìm thấy ở nơi phần kinh tạng bao gồm những kinh không thuộc Đại thừa, tức là nơi những kinh A-hàm (āgama).

Những trường hợp ở nơi A-hàm

Kinh tạng Hán ngữ như chúng ta có – tức là ấn bản Taishō được sử dụng rộng rãi, được các học giả trích dẫn phổ biến nhất và hiện cũng có mặt ấn bản điện tử CBETA – là một sản phẩm học thuật của Nhật Bản vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.[9] Trước thời kỳ này, tiêu chuẩn ở Đông Á là đặt văn học Bát-nhã (Prajñāpāramitā) lên hàng đầu, và như vậy đặt quyền ưu tiên vào các kinh Đại thừa. Một sự sắp xếp như vậy được phản ánh ở nơi một phạm vi rộng lớn những bản viết tay truyền thống và những bản kinh được in ấn, và nó vẫn còn được lưu giữ ở nơi những ấn bản hiện đại chẳng hạn như ấn bản Hàn Quốc[10] và Trung Quốc.[11] Tuy nhiên, đầu thế kỷ XX, Nhật Bản với một nhận thức mới, đã trao quyền ưu tiên cho nguồn văn học Phật giáo phi Đại thừa được lưu giữ bằng tiếng Pāli, và điều này dường như muốn nói rõ rằng kinh tạng nên được sắp xếp theo trình tự phát triển lịch sử của nó. Như vậy, những tập đầu tiên của ấn bản Taishō được dành cho những bản dịch Hán ngữ những kinh không thuộc Đại thừa, bắt đầu với các bộ A-hàm được lưu giữ bằng Hán ngữ cùng với những bản dịch các kinh riêng lẽ liên quan đến chúng (tập 1-2) và những phân loại Jātaka, Avadana, cùng những tác phẩm viết về tiểu sử Đức Phật (tập 3-4).[12]

Để tìm thuật ngữ nhất thừa (一乘) ở nơi một sự sắp xếp như vậy, khá ngạc nhiên, là có không dưới 30 trường hợp trong hai tập đầu của ấn bản Taishō. Một số ít trong này có thể lập tức được gạt sang một bên; ví dụ, một trường hợp chỉ đề cập đến một chiếc xe ngựa thông thường mà không có hàm ý triết học nào.[13] Chín trường hợp khác xuất hiện ở nơi bản kinh có tiêu đề Ương-quật-ma-la kinh (央掘魔羅經, Aṅgulimāla sūtra), một bản kinh mà ở đó vị tướng cướp sát nhân khét tiếng Aṅgulimāla xuất hiện như một nhân vật chính.[14] Mặc dù những người biên tập Taishō xác nhận nó là một phiên bản của kinh Aṅgulimāla được tìm thầy trong Trung bộ Pāli (MN 86), mà nó lại được đồng nhất với những bản kinh tương tự được tìm thấy nơi Tạp A-hàm (T99 [1077], T100 [16] và Tăng nhất A-hàm (T125[38.6]) Hán ngữ,[15] thì rõ ràng đây là một tác phẩm khác nhiều – sự thực, đây là một bản kinh Đại thừa tán dương “nhất thừa” bằng những thuật ngữ mà chúng hoàn toàn nằm ở nơi kinh Pháp hoa. Nói cách khác, sự có mặt của thuật ngữ nhất thừa ở đây không cho chúng ta biết bất cứ điều gì về việc sử dụng cụm tự ekayāna ở trong một bản kinh A-hàm; khác hơn, nó là kết quả của việc liệt kê danh mục sai của những người biên tập Taishō.[16]

Trong số 20 trường hợp còn lại của cụm từ nhất thừa ở nơi phần A-hàm của ấn bản Taishō, chiếm phần lớn – một tổng số 17 trường hợp, nằm ở nơi 6 bản kinh khác nhau – là ở nơi phiên bản Tạp A-hàm (Saṁyuktāgama) do Guṇabhadra (求那跋陀羅/Câu-na-bạt-đà-la, 435-443 TL) dịch.[17] Do đó tôi sẽ tập trung vào danh sách những trường hợp này ở đây, dành bản kinh có chứa ba trường hợp còn lại (một bản dịch đời Tống kinh Janarṣabha)[18] cho phần thảo luận vắn tắt bên dưới.

Nhất thừa (đạo)/ 一 乘 (道) trong kinh Tạp A-hàm (T99)

Bản dịch Tạp A-hàm của Guṇabhadra là bộ A-hàm Hán ngữ duy nhất mà ở đó thuật ngữ nhất thừa xuất hiện. Trong cả 17 trường hợp, theo sau nhất thừa là chữ đạo (道, con đường), khiến cho thấy rõ rằng ba chữ này được phối hợp cùng với nhau. Tạm dừng thảo luận ý nghĩa chính xác của nhất thừa đạo ở nơi những ngữ cảnh này, tôi sẽ chỉ dịch cụm từ Hán ngữ này theo nghĩa đen là “con đường một cỗ xe”.

(1) Kinh số 561

Trong kinh này A-nan nói với một vị Bà-la-môn như sau:

如來, 應, 等正覺, 所知, 所見, 說四如意足, 以一乘道淨眾生,滅苦惱,斷憂悲。何等為四?/ Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác, Sở tri, Sở kiến, thuyết tứ như ý túc, dĩ nhất thừa đạo tịnh chúng sanh, diệt khổ não, đoạn ưu bi, hà đẳng vi tứ? (2.147b1-3).

Như Lai, Bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, Bậc được biết, Bậc được thấy [sic],[19] dạy tứ như ý túc, và dùng con đường một cỗ xe [này mà] thanh tịnh chúng sanh, giúp diệt trừ khổ đau và phiền não, đoạn tận ưu phiền và bi ai. Thế nào là bốn?

Bản kinh sau đó tiếp tục liệt kê bốn như ý túc (Ÿddhipāda), mà nó được đưa ra (ở trong phiên bản kinh này) là mong muốn (欲, chanda), tinh tấn (精進, vīrya), tâm (心, citta) và tư duy (思惟, mīmāṁsā). Mỗi trong bốn chi phần này lần lượt được miêu tả là bao hàm định (定, samādhi) và đoạn (斷, prahāṇa). Tuy nhiên, tại sao bản kinh lại đề cập đến những thực hành này như là “con đường một cỗ xe” vẫn còn chưa rõ, và bản kinh Pāli tương ứng – mà nó thiếu từ tương ứng với cụm từ này – không thể đưa ra sự hỗ trợ nào.[20]

(2) Kinh số 563

Ở đây A-nan nói với một vị khách đến viếng, Abhaya người Licchavī, là một đệ tử của vị đạo sư Kỳ-na Mahāvīra: 如來, 應, 等正覺, 所知, 所見, 說三種離熾然, 清淨超出道, 以一乘道淨眾生, 離憂悲、越苦惱, 得真如法, 何等為三?/ Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác, Sở tri, Sở kiến, thuyết tam chủng ly xí nhiên, thanh tịnh siêu xuất đạo, dĩ nhất thừa đạo tịnh chúng sanh, ly ưu bi, diệt khổ não, đắc chân như pháp, hà đẳng vi tam? (2.147c12-15)

Nhìn qua, đoạn văn phần nào khó hiểu này cho thấy muốn nói điều như sau:

Như Lai, Bậc A-la-hán, Đẳng chánh giác, Bậc được biết, Bậc được thấy [sic], dạy ba loại giúp từ bỏ sự thiêu đốt, thanh tịnh con đường siêu thế. Ngài dùng con đường một cỗ xe này thanh tịnh chúng sanh, đoạn trừ lo âu phiền muộn của họ, khiến họ vượt thoát khổ đau phiền não, và đạt được pháp chân như.[21] Thế nào là ba?

A-nan tiếp tục giải thích rằng ba sự thực hành được đề cập là giới (ở đây cụ thể được đồng nhất với prātimokṣa), an trú nơi tứ thiền (jhāna) và hiểu rõ Tứ Thánh đế. Cụm từ nhất thừa đạo xuất hiện hai lần nơi những dòng theo sau (147c20-21 và 148a1), cả hai lần nơi đoạn lập lại như vậy. Tuy nhiên, lần này bản Pāli tương ứng đưa ra một đoạn khá gần giống.

Tisso kho imā Abhaya nijjarā visuddhiyo tena bhagavatā jānatā passatā arahatā sammāsambudhhena sammadakkhātā sattānaṁ visuddhiyā sokapariddavānaṁ samatikkamāya dukkhadomanassānaṁ atthagamāya ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikiriyāya. Katamā tisso.[22]

Abhaya, có ba pháp thanh tịnh giúp đoạn trừ nhiệt não được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác chơn chánh tuyên thuyết, khiến chúng sanh thanh tịnh, khiến vượt thoát sầu bi, khiến chấm dứt khổ ưu, khiến đạt được chánh lý, khiến chứng được Niết-bàn. Thế nào là ba?[23]

Ba thực hành này sau đó được liệt kê (với khác biệt ở phần thứ ba mà từ đó được tìm thấy nơi bản Hán ngữ): giới, an trú nơi tứ thiền, và biết sự đoạn trừ các lậu hoặc (āsava) nhờ vào giải thoát tâm (cetovimutti) và giải thoát kiến (paññāvimutti).

Bản Pāli giúp giải thích tại sao bản dịch của Guṇabhadra lại quá khó hiểu, vì nó chỉ ra khả năng nhầm lẫn giữa những từ tương ứng Prakrit của từ Sanskrit √jiva (đốt nóng, thiêu đốt) (hoặc √jvar [bị sốt, khổ từ cơn đau thiêu đốt]) và nir√jṝ (đoạn diệt/trừ), cũng như có thể có một nhầm lẫn nữa giữa những hình thức Prakrit mà chúng giống với từ Pāli sammadakkhātā (chơn chánh tuyên bố) và samatikkanta (vượt qua hay thoát khỏi). Tuy nhiên, nó không thể giúp làm sáng tỏ nghĩa của nhất thừa đạo trong bản dịch của Guṇabhadra, vì bản Pāli không có cụm từ tương ứng này.

(3) Kinh số 550

Một đoạn tương tự xuất hiện ở đầu bản kinh này, ở đó Tôn giả Mahākatyāyana nói với một nhóm Tỳ-kheo như sau:

佛、世尊、如來、應、等正覺,所知,所見,說於法出苦處,昇於勝處。說一乘道淨諸眾生,離諸惱苦,憂悲悉滅,得真如法, 何等為六?/ Phật, Thế Tôn, Ứng, Đẳng chánh giác, Sở tri, Sở kiến, thuyết ư pháp xuất khổ xứ, thăng ư thắng xứ. Thuyết nhất thừa đạo tịnh chư chúng sanh, ly chư não khổ, ưu bi tất diệt, đắc chơn như pháp. Hà đẳng vi lục? (2.143b20-23)

Phật, Thế Tôn, Như Lai, Bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, Bậc được biết, Bậc được thấy [sic], dạy một pháp khiến [chúng sanh] thoát khỏi cõi khổ và tiến đến nơi thù thằng. Ngài dạy con đường một cỗ xe khiến thanh tịnh chúng sanh, khiến họ thoát khỏi mọi khổ não, đoạn diệt mọi ưu bi, và chứng đắc pháp chân như. Thế nào là sáu?

Bản kinh sau đó tiếp tục liệt kê chi tiết sáu anusmŸti (六念/lục niệm), đó là nhớ nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng, giới, thí và thiên, lần lượt đề cập đến mỗi chi phần trong chúng với việc sử dụng cùng ngôn ngữ.[24] Lần nữa, bản Pāli tương ứng cũng không có đoạn tương đương chứa cụm từ nhất thừa đạo.[25] Tuy nhiên, nó có tuyên bố là nó liên quan đến sáu thực hành mà lần lượt nhờ vào mỗi trong sáu pháp này mà “một số người được thanh tịnh” (ekacce sattā visujjhanti).

Tuy nhiên, ở trường hợp này, việc trợ giúp lại đến từ một nguồn ngoài mong đợi, vì trong số những bản viết tay chưa được công bố ở nơi bộ Schøyen có một tờ đơn từ một phiên bản Sankrit của kinh Kātyāyana mà nó chứa một phần tương ứng của đoạn này. Phần của đoạn văn liên quan đến việc thảo luận của chúng tôi, để cho tiện, là theo bản được tái tạo lại của Harrison (với những chữ nghiêng được thêm vào như ở trong những trường hợp trước), là như sau:[26]

ṣaØ ime āyuṣmaṃtas tena bhagavatā jānatā paśyatā tathāgatenārhatā samyaksaṃbuddhena saṃbādhe avakāśe viśeṣādhugamā ākhyātā ekāyano mārgaḥ satvānāṃ viśuddhaye śo kaparidravāṇāṃ samatikkramāya duḥkhadaurmanasyānām astagamāya nyāyasya dharmasyādhigamāya katame ṣaṭ| (r1-2).

Đoạn này có thể tạm dịch như sau:

Bậc Tôn Quý, Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, đã tuyên bố ở một nơi đông đúc[27] sáu phương pháp cao quy này [như] một con đường nhất thừa giúp cho việc thanh tịnh chúng sanh, vướt thoát ưu bi, đoạn trừ khổ não, và chứng đạt được chánh lý của Pháp. Vậy những gì là sáu?

Giống như nơi bản dịch của Guṇabhadra, bản kinh tiếp tục liệt kê ra sáu niệm (anusmŸti). Và với bản Sanskrit tương ứng này, giờ trở nên rõ ràng rằng nhất thừa trong cụm từ nhất thừa đạo hẳn được dùng như một sự chuyển dịch từ từ ekāyana, một thuật ngữ mà sự tương đồng của nó với từ Sanskrit ekayāna (nhất thừa) là rõ ràng.

(4) Kinh số 1189

Ngay cho dù không có thông tin mà đoạn Sanskrit này cung cấp, đoạn liên quan đến một con đường mà nó có thể thanh tịnh chúng sanh, đoạn trừ ưu bi và v.v…, có thể đã có một âm vọng quen thuộc đối với những chuyên gia Pāli, vì việc sử dụng nổi tiếng nhất thuật ngữ ekāyana nơi bản Pāli là đặc biệt ở nơi một đoạn lập lại nhiều lần như vậy, ở đó nó được sử dụng để giới thiệu bốn chi phần của việc thực hành chánh niệm (sattipatthāna). Những trường hợp nổi tiếng nhất là ở nơi những phiên bản của kinh Sattipaṭṭhāna (kinh Niệm xứ) được tìm thấy trong Trường bộ Trung bộ,[28] nhưng đoạn lập lại ấy, sử dụng cùng cách diễn đạt ấy, cũng được tìm thấy nơi Tương ưng bộ Pāli.[29]

Ekāyano ’yaṁ maggo sattānaṁ visuddhiyā sokapariddavānaṁ samatikkamāya dukkhadomanassānaṁ atthaṅgamāya ñāyassa adhigamāya nibbānassa sacchikiriyāya yadidaṁ cattāro sattipaṭṭhānā.

Đây là con đường ekāyana đưa đến sự thanh tịnh chúng sanh, vướt thoát ưu bi, đoạn trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết-bàn – đó là Bốn niệm xứ (smŸtyupasthāna).

Đoạn này có một đoạn tương ứng nơi bản dịch của Guṇabhadra, ở đó nơi bản kinh số 1189 có ba trường hợp còn lại của từ nhất thừa, bắt đầu với trường hợp sau, có thể được tìm thấy. Ở đây, Đức Phật vừa mới giác ngộ có suy nghĩ như sau:

有一乘道能淨衆生, 度諸憂悲, 滅除苦惱, 得真如法, 謂四念處/ Hữu nhất thừa đạo năng tịnh chúng sanh, độ chư ưu bi, diệt trừ khổ não, đắc chân như pháp, vị Tứ niệm xứ. (2.322a29-b3)

Có một con đường nhất thừa có thể thanh tịnh chúng sanh, có thể giải thoát những nỗi ưu bi và diệt trừ nỗi khổ não của họ, [và khiến cho họ] đạt được pháp chân như, [con đường này] được gọi là Bốn niệm xứ.

Như ở trong phiên bản Pāli, mỗi trong Bốn niệm xứ lần lượt được liệt kê, mà sau đó Phạm Thiên xuất hiện xác nhận những suy nghĩ của Đức Phật, nói lời tán thành của mình bằng cả văn xuôi và kệ tụng và sử dụng cụm từ nhất thừa đạo trong cả hai lần (2.322b13 và 16).

(5) Kinh số 535 và 607

Ba trường hợp còn lại của nhất thừa đạo nơi bản dịch Tạp A-hàm của Guṇabhadra – hai ở trong bản kinh số 535 và một trong bản kinh số 607 – cả hai xuất hiện ở nơi những ngữ cảnh liên quan đến Bốn niệm xứ, mặc dù không có trường hợp nào trong hai trường hợp này có bản Pāli tương ứng chứa đựng từ ekāyana.[30] Bởi vì cách diễn đạt rất giống với những trường hợp được nêu ra ở trên, và bởi vì chúng không đưa ra bất kỳ thông tin ngữ cảnh mới nào về việc sử dụng thuật ngữ này, chúng ta không cần đưa ra trích dẫn đầy đủ ở đây.

Tóm lại, nơi bản dịch Tạp A-hàm của Guṇabhadra chúng ta có thể xác định ba kinh mà ở đó thuật ngữ cơ bản ekayāna mārga được sử dụng có liên quan đến Bốn niệm xứ, và ba kinh mà ở đó nó đề cập đến những thực hành khác.

Nhất thừa chánh pháp (一乘正法) ở trong Janarṣabhasūtra (T9, 人仙經/Nhân tiên kinh)

Guṇabhadra là dịch giả duy nhất của một bộ A-hàm trọn vẹn đã dịch ekāyana sang Hán ngữ bằng việc sử dụng thuật ngữ nhất thừa, nhưng điều gần giống vậy cũng xảy ra nơi một bản kinh khác, một bản kinh được dịch như một tác phẩm độc lập hơn năm trăm năm sau thời của Guṇabhadra. Ba trường hợp còn lại của nhất thừa nơi bộ A-hàm của ấn bản Taishō tất cả xuất hiện ở nơi phiên bản Jānarṣabhasūtra (Pāli: Janavasabha-sutta) được Pháp Hiền (法賢) dịch vào năm 998 TL. Tuy nhiên ở đây chúng ta không thấy nhất thừa đạo mà thấy nhất thừa chánh pháp (一乘正法), một cụm từ mà nó không cho thấy rõ ngữ cảnh mà ở đó nó xuất hiện, nên chúng ta có thể mạo muội giải thích rằng đây có thể là một sự chuyển dịch ekāyana cộng với hình thức saddharma nào đó. Tuy nhiên, tất cả ba trường hợp của nhất thừa chánh pháp ở bản kinh này được đặt ở nơi đoạn văn được thấy ở trên: rằng có một “con đường nhất thừa” mà nó đưa đến việc thanh tịnh chúng sanh v.v… Trường hợp đầu là như sau:

如來、應供、正等正覺, 宣說一乘正法令諸眾生遠離憂, 悲, 苦, 惱, 皆得清淨, 證真實理/ Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng chánh giác, tuyên thuyết nhất thừa chánh pháp linh chư chúng sanh viễn ly ưu, bi, khổ, não, giai đắc thanh tịnh, chứng chân thật lý. (1.215c16-18)

Như Lai, Bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, đã tuyên thuyết pháp chân thật nhất thừa mà nó khiến chúng sanh xa rời ưu bi, khổ não, khiến đều được thanh tịnh và chứng được lý chân thật.

Bản kinh tiếp tục giới thiệu việc tu tập ba pháp khác nhau (1.215c19ff). Đoạn kinh này xuất hiện thêm hai lần, một lần ở nơi một thảo luận về Bốn niệm xứ (216a10-11), và lần cuối liên quan đến những chi phần khác nhau của Bát Thánh đạo (216a20).[31]

Bản kinh có một bản Pāli tương ứng, nhưng phiên bản Pāli không có sự xuất hiện từ ekāyana.[32] Ở nơi phiên bản Tạp A-hàm của Guṇabhadra, nơi bản kinh được dịch tách biệt này (tức là được truyền bá riêng lẽ, chứ không phải như một phần của bộ A-hàm), từ ekāyana không giới hạn đối với ngữ cảnh Bốn niệm xứ, mà được sử dụng liên quan đến nhiều thực hành khác nhau mà chúng được gộp thành từng nhóm.

Nhất thừa và ekāyana: vấn đề dịch thuật

Với một sự giống nhau rõ ràng như vậy giữa thuật ngữ ekāyanaekayāna, có thể kết luận rằng việc dịch từ ekāyana thành “nhất thừa” của Guṇabhadra hoàn toàn là một sai lầm. Đây là vấn đề – và cho dù có bất kỳ ý nghĩa nào mà ở đó nó có thể được xem là một sự dịch đúng sẽ được thảo luận bên dưới – nhưng công việc của chúng tôi trở nên phức tạp bởi sự thật rằng nghĩa của từ ekāyana thì ít rõ ràng. Hầu hết những dịch giả dịch kinh điển Pāli người phương Tây đã xem cụm từ ekāyana magga theo một nghĩa rất loại trừ; khi nó được F. L. Woodward dịch là “the one sole way/con đường duy nhất”,[33] T. W. và C. A. F. Rhys Davids dịch là “the one and only path/con đường độc và duy nhất”,[34] và cả I. B. Horner và Maurice Walshe dịch là “this one way/con đường độc nhất này”.[35] Ngôn ngữ của những cách dịch này dường như mâu thuẫn, vì tuyên bố rằng bất cứ điều nào đó có thể là “phương tiện duy nhất đưa đến giải thoát” dường như gần với luận thuyết của Thiên Chúa giáo chính thống hơn là từ lời của Đức Phật. Sự thực, Đức Phật được thể hiện nơi kinh điển Pāli và những kinh điển sơ kỳ khác nói chung đặt lời dạy của Ngài theo ngữ cảnh để thích hợp với nhu cầu của người nghe hơn là đưa ra một đề xuất chung cho loài người. Vậy nhưng, chính thuật ngữ này đã tạo cảm hứng cho một số người hiện đại hóa Phật giáo trong thế kỷ XX đi đến tuyên bố – dựa vào thẩm quyền của kinh Tứ niệm xứ – rằng tu tập thiền Minh sát (vipassanā) là “điều cần thiết” [duy nhất] cho việc chứng đắc Niết-bàn.[36]

Những tác phẩm tham khảo tiêu chuẩn dường như ủng hộ “the sole way” như một sự dịch khả dĩ từ ekāyana, vì Critical Pāli Dictionary định nghĩa nó là “a single (= unique) road/ một con đường duy nhất”, cũng như “a road for one person (= narrow, lonely, solitary road)/ một con đường dành cho một người duy nhất”, hay “a road going to one place only/ con đường đưa đến một nơi duy nhất” (632b). Pāli-English Dictionary của Hội Pāli Text Society cũng bao gồm quan điểm về một con đường độc nhất nơi phần thảo luận của nó, định nghĩa thuật ngữ này là “leading to one goal, direct way or leading to the goal as the one & only way (magga)/ dẫn đến đích duy nhất, con đường trực tiếp hay sự dẫn đến đích như là con đường [magga] độc nhất và duy nhất” (159b).

Tuy nhiên, đây không phải là khả năng duy nhất. Một giải pháp khác được Bhikkhu Bodhi chọn nơi bản dịch tiếng Anh của ông về phiên bản kinh Satipaṭṭhāna được tìm thấy nơi Trung bộ kinh, mà nó được thực hiện trên cơ sở của một bản dịch chưa được công bố của Tỳ-kheo Ñāṇamoli. Tỳ-kheo Bodhi dịch cụm từ ekāyano maggo là “the direct path/con đường trực tiếp/thẳng” (Middhle Length Discourses, tr.145 và 155). Ông biện luận một cách mạnh mẽ rằng nó không có nghĩa là con đường “duy nhất” hay “độc nhất”. Ông cho chúng ta biết, Tỳ-kheo Ñāṇamoli đã dịch ekāyano maggo là “con đường đi theo một chiều”.[37] Rồi sau đó, nơi bản dịch Saṁyuttanikāya của mình, Tỳ-kheo Bodhi đã dịch chính cụm từ ấy là “the one-way path/ con đường một chiều” (Connected Discourses, tập 2, tr.1627 và n.123 và tr.1915-1916).

Dường như rằng “con đường trực tiếp” hay “con đường đi theo một hướng duy nhất” là một cách dịch hợp lý – sự thực, có lẽ việc dịch khả dĩ duy nhất của cụm từ này ở nơi một ngữ cảnh khác, ở đó nó được sử dụng nơi kinh Mahāsīhanāda thuộc Trung bộ trong một thảo luận về những thú hướng tái sanh khác nhau. Nơi một thảo luận mở rộng về khả năng của mình có thể nhìn thấy những số phận tương lai của chúng sanh, Đức Phật nói rằng Ngài quán sát một người đang hướng thẳng đến (paṇidhāya) đời sống kế tiếp của vị ấy “theo một con đường ekāyana” (ekāyanena maggena).

Nhưng có phải đây là sự dịch tốt nhất nghĩa của từ ekāyana ở nơi ngữ cảnh thảo luận của kinh Satipaṭṭhana về bốn đối tượng của thực hành chánh niệm? Về điều này Tỳ-khoe Bodhi đã nói như sau:

Mặc dù không có cơ sở kinh điển hay luận giải cho quan điểm này, có thể khẳng định rằng satipaṭṭhana được gọi là ekāyana magga, con đường trực tiếp, để phân biệt nó với phương pháp đạt lấy thiền định mà nó phát triển ngang qua các thiền (jhāna) hay các phạm trú (brahmavihāra). Trong khi các phạm trú có thể đưa đến Niết-bàn, chúng không phải đều luôn như vậy mà có thể dẫn đến sự chệch hướng, nhưng ngược lại satipaṭṭhāna luôn đưa đến mục đích cuối cùng.[38]

Mặc dù nói rằng ông thích cách dịch này hơn, Tỳ-kheo Bodhi cũng nói rõ rằng ông không thể tìm thấy tiền lệ ở nơi những nguồn truyền thống. Đây là một trường hợp trung thực về mặt học thuật đáng ngưỡng mộ. Sự thực, ông cũng đưa vào nơi sự thảo luận của mình một giải thích đầy đủ về nội dung của đoạn văn liên quan từ luận giải của Buddhaghosa về kinh Trung bộ, ở đó ekāyana magga được giải thích là “một con đường duy nhất, không phải một con đường bị phân chia; như một con đường chỉ có một người đi, không có một người đi cùng; và như một con đường đưa đến một đích duy nhất, Niết-bàn”. (sđd)

Một thảo luận thậm chí chi tiết hơn về những ý nghĩa của ekāyana ở nơi Pāli ngữ được tìm thấy nơi The Buddhist Path to Awakening của Rupert Gethin (tr.59-66), mà Tỳ-kheo Bodhi trích dẫn ở nơi bản dịch Saṁyuktāgama của ông (tr.1916, n. 123). Nơi những gì cho đến nay được coi là sự xem xét thấu đáo nhất về thuật ngữ này, Gethin tóm tắt năm cách hiểu cơ bản thuật ngữ được tìm thấy nơi những luận giải Pāli trong ngữ cảnh của Bốn niệm xứ (satipaṭṭhāna):

(i) một con đường đơn (tức là con đường không có ngã rẻ);

(ii) một con đường cô độc (tức là con đường chỉ có một người đi);

(iii) con đường tốt đẹp nhất;

(iv) một con đường được tìm thấy ở một nơi duy nhất (nơi ngữ cảnh hiện tại, được giải thích là hàm chỉ cho Pháp và Luật của Phật); và

(v) một con đường dẫn đến một nơi duy nhất (tức Niết-bàn).

Sau khi tìm hiểu bốn trường hợp ekāyana khác nơi kinh điển Pāli (một ở trong kinh Mahāsīhanāda vừa được đề cập ở trên, và ba trong những bài kệ Jātaka), Gethin kết luận rằng “rõ ràng và chính xác là không ở đâu nghĩa ‘một và chỉ một’ là nghĩa thích hợp, và trong hầu hết mọi trường hợp là không rõ ràng.” Như vậy, theo lời của Gethin, sẽ là “phần nào vô lý” khi chọn cách lý giải này ở nơi ngữ cảnh Bốn niệm xứ (satipaṭṭhāna).

Một trong những khó khăn trong việc cố gắng tìm ra một ý nghĩa rõ ràng về từ ekāyana là sự thật rằng nó là một thuật ngữ hiếm ở trong Pāli ngữ, với phần lớn các trường hợp là ở nơi đoạn kinh mà nó đi cùng với việc thảo luận về Bốn niệm xứ (smŸtyupasthāna; Pāli: satipaṭṭhāna). Điều này khiến ta gặp khó khăn khi sử dụng một trong những công cụ chính của nhà ngôn ngữ học – một sự phân tích ngữ cảnh mà ở đó từ hay cụm từ được sử dụng – để làm sáng tỏ ý nghĩa của nó.

Chính ở đây mà những bản kinh Hán ngữ có thể là sự trợ giúp to lớn nhất, vì như chúng ta đã thấy, truy tìm những trường hợp thuật ngữ nhất thừa nơi bản dịch Tạp A-hàm (Saṁyuktāgama) của Guṇabhadra cho phép chúng ta xác định việc sử dụng thuật ngữ ekāyana ở trong những ngữ cảnh ở bên ngoài sự thảo luận thực hành Tứ niệm xứ. Khắc ghi điều này, và cũng nhằm vào việc xem xét cách nhiều dịch giả Hán ngữ hiểu thuật ngữ này, chúng ta có thể xem xét tóm tắt những sự dịch khác về ekāyana mārga ở trong những bộ A-hàm Hán ngữ.

Ekāyana mārga ở nơi những bản kinh A-hàm khác

Không có bản kinh nào khác ở nơi những bộ A-hàm của ấn bản Taishō sử dụng thuật ngữ nhất thừa để dịch thuật ngữ ekāyana. Tuy nhiên, sự thật là ekāyana thường xuyên xuất hiện nơi một đoạn lập lại nhiều lần được sử dụng để miêu tả Bốn niệm xứ (smŸtyupasthāna), và điều này có nghĩa rằng chúng ta cũng có thể sử dụng những bản dịch Hán ngữ khác nhau về Bốn niệm xứ để xác định những cách dịch Hán ngữ khác về ekāyana mārga. Những trích dẫn sau là kết quả của việc áp dụng phương pháp này (để giữ sự thảo luận này trong một phạm vi dễ sử dụng, xin giới hạn ở nơi các bộ A-hàm được tìm thấy ở các tập 1 và 2 của ấn bản Taishō).

(1) Trung A-hàm của Gautama Saṁghadeva (T26, 中阿含經, Madhyamāgama): (hữu) nhất đạo (有) 一道

Nơi bản Trung A-hàm do Gautama Saṁghadeva (瞿曇僧伽提婆) dịch vào năm 397-398 TL, bốn smŸtyupasthāna thường được dịch sang Hán ngữ là Tứ niệm xứ (四念處). Bằng việc tìm kiếm cụm từ này, chúng ta có thể nhanh chóng xác định trường hợp của từ ekāyana. Nơi bản kinh số 98, Niệm xứ kinh (念處經; tương ứng với kinh Satipaṭṭhāna tiếng Pāli trong Trung bộ 10), chúng ta thấy ekāyana mārga chỉ được dịch là nhất đạo (一道), xuất hiện nơi cụm từ “hữu nhất đạo…” (có một con đường…)[39]

Bằng việc lần lượt tìm (有) 一道, chúng ta có thể xác định trường hợp khác của thuật ngữ này trong một ngữ cảnh khác. Ở nơi kinh số 189, Thánh đạo kinh (聖道經; được những người biên tập Taishō xác nhận là tương đương với Trung bộ 117, kinh Mahācattārīsaka), nó được áp dụng cho “thánh chánh định” (samyaksamādhi, 聖正定) cùng với bảy chi phần (七支) khác của Bát Thánh đạo.[40] Tuy nhiên, trong trường hợp này bản kinh Pāli tương ứng không có từ tương đương ekāyana. Như vậy chúng ta thấy rằng, trái ngược với bản Pāli, nhưng giống với bản dịch Tạp A-hàm của Guṇabhadra, việc xem xét lại Trung A-hàm về việc sử dụng thuật ngữ ekāyana cho thấy nó không giới hạn nơi những ngữ cảnh liên quan đến Bốn niệm xứ.

(2) Bản dịch Saṁyuktāgama khuyết danh (T100, 别譯雜阿含經): 唯有 一道/Duy hữu nhất đạo

Một bản kinh khác mà ở đó bốn smŸtyupasthāna được gọi là Tứ niệm xứ (四念處) là một bản dịch khuyết danh một phần Tạp A-hàm, được cho được thực hiện vào thời kỳ Tam Tần (三秦, 352-431TL). Bằng việc tìm kiếm những trường hợp của cụm từ này, chúng ta có thể xác định thêm ba trường hợp của từ ekāyana, ở đây được thể hiện nơi thuật ngữ thậm chí mang tính loại trừ hơn là duy hữu nhất đạo (chỉ có một con đường). Cả ba được tìm thấy nơi bản kinh số 102, một bản kinh tương đương với T99 (1189) nơi bản dịch Tạp A-hàm của Guṇabhadra, mà nó lần lượt có một bản tương đương ở nơi Tương ưng bộ tiếng Pāli,[41] và cả ba đề cập đến Bốn niệm xứ.[42] Tôi không thể tìm ra được bất kỳ những trường hợp ekāyana nào khác ở trong bộ kinh này; như vậy nơi sự xem xét lại này, chúng ta có một dạng các trường hợp mà nó giống với điều được tìm thấy nơi bản Pāli.[43]

(3) Một bản dịch cổ xưa về một tuyển tập các bản kinh Tạp A-hàm, có thể được quy cho An Thế Cao (T101, 雜阿含經): 道一挈/Đạo nhất khiết

Bản dịch Hán ngữ cổ nhất về bốn smŸtyupasthāna là Tứ ý chỉ (四意止), một sự phiên dịch mà nó đã xuất hiện nơi những tác phẩm của An Thế Cao (安世髙, 148-170). Truy tìm những trường hợp của cụm từ này khắp những tác phẩm của ông,[44] chúng ta có thể nhận ra cách dịch khác về ekāyana mārga, mặc dù là một sự chuyển dịch ít thông dụng nhất: ở đây từ ngữ diễn đạt là đạo nhất khiết (道一挈). Không chỉ riêng vấn đề thuật ngữ mà ngay trật tự từ cũng khác thường – trong cả hai trường hợp từ đạo (道) đứng trước cụm từ bổ nghĩa cho nó. Bản kinh khá lý thú (nhưng cũng gây nhiều khó khăn) và xứng đáng đưa ra hai trích đoạn đầy đủ ở đây:

人道一挈令行者從憂, 懣,苦, 不可薏能行度滅亦到正法. 何等為正法? 為四意正/ Nhân đạo nhất khiết linh hành giả tùng ưu, muộn, khổ, bất khả ý năng hành độ diệt diệc đáo Chánh pháp. Hà đẳng vi Chánh pháp? Vi tứ ý chánh. (2.494a19-21)

Nếu một người thực hành con đường mà nó đưa đến một nơi duy nhất, thì nó khiến cho người thực hành có thể thoát khỏi ưu sầu, phiền muộn, khổ đau, khó chịu, và đạt được Chánh pháp. Chánh pháp là gì? Đó là bốn ý chỉ (smŸtyupasthāna).

道一挈得清淨. 令得離憂. 懣,苦, 不可薏,能行度滅, 能到正法, 能到四意正/ Đạo nhất khiết đắc thanh tịnh. Linh đắc ly ưu, muộn, khổ, bất khả ý, năng hành độ diệt, năng đáo chánh pháp, năng đáo tứ ý chánh. (2.494b4-6)

Con đường đưa đến một nơi duy nhất khiến (chúng sanh) đạt được sự thanh tịnh, khiến vượt qua ưu sầu, phiền muộn, khổ đau và khó chịu, khiến họ có thể đạt được giải thoát,[45] và khiến họ có thể đạt được Bốn ý chỉ.

Đây là trường hợp duy nhất của từ ekāyana ở nơi tác phẩm của An Thế Cao, và bởi vì nó xuất hiện nơi sự nối kết với Bốn niệm xứ, nó không cung cấp bất kỳ thông tin mới nào về những ngữ cảnh mà ở đó từ này được sử dụng. Tuy nhiên, sự phiên dịch thì khác thường, và có thể là sự phiên dịch duy nhất mà nó phản ánh một sự hiểu về con đường như là “chỉ đưa đến một nơi duy nhất”, tức là chỉ đi đến một điểm.

(4) Tăng nhất A-hàm được quy cho Gautama Saṁghadeva (T125, 增壹阿含經, Ekottarāgma): 一入道/Nhất nhập đạo[46]

Trong bản kinh này – theo truyền thống, nhưng chắc chắn sai, được quy cho Gautama Saṁghadeva[47] –  chúng ta lại tìm thấy Bốn niệm xứ (smŸtyupasthāna) được dịch là Tứ ý chỉ (四意止), việc sử dụng từ ngữ diễn đạt được An Thế Cao tạo nên. Sự thực, đây là vấn đề điển hình của Tăng nhất A-hàm, vì trong tất cả bốn bộ A-hàm Hán ngữ, từ vựng và thể loại của nó là cổ xưa nhất. Từ việc sử dụng thuật ngữ phiên dịch này, chúng tôi có thể xác định lại một trường hợp thuật ngữ ekāyana.

Trái ngược với những bản kinh mà chúng ta đã xem xét từ nãy giờ, ở đây chúng ta tìm thấy một sự dịch từ nguyên hoàn toàn theo nghĩa đen, đó là nhất nhập đạo (一入道). Rõ ràng, dịch giả đã dịch ekāyana như là bao gồm eka (một) cùng với một hình thức của ā + √yā được hiểu là “đi vào”. Nguồn gốc từ nguyên ấy được phản ánh nơi việc sử dụng rộng rãi bản dịch sơ thời sáu āyatana (sáu giác quan) là lục nhập (六入). “Con đường một lối vào” là gì có thể không rõ ràng ngay được, và có lẽ vì lý do này mà ở đây chúng ta cũng tìm thấy, lần đầu tiên, một sự thảo luận về nghĩa của thuật ngữ này, mà nó có lẽ là một lời chú giải được thêm vào trong quá trình phiên dịch:

云何名爲一入? 所謂專一心,是爲一入. 云何為道?所謂賢聖八品道/ Vân hà danh vi nhất nhập? Sở vị chuyên nhất tâm, thị vi nhất nhập. Vân hà vi đạo? Sở vị hiền thánh bát phẩm đạo. (2.568a4-6)

“Một lối vào” là gì? “Một lối vào” có nghĩa là “nhất tâm”.

“Con đường” là gì? Đó là Bát Thánh đạo.

Đây là trường hợp duy nhất về thuật ngữ ekāyana ở nơi Tăng nhất A-hàm, và như vậy chúng ta có một trường hợp khác về một bộ A-hàm mà ở đó thuật ngữ này xuất hiện chỉ ở nơi sự nối kết với Bốn niệm xứ (smŸtyupasthāna).

Ekāyana nơi ngữ cảnh: chứng cứ Hán ngữ và Pāli ngữ

Một xem xét những trường hợp của từ ekāyana ở nơi những bản dịch Hán ngữ cung cấp cho chúng ta chứng cứ mới về hai loại: thứ nhất, chúng ta có thể thấy ekāyana mārga đã được dịch sang Hán ngữ bằng nhiều cách khác nhau; và thứ hai, bây giờ chúng ta có một danh mục mở rộng các ngữ cảnh mà ở đó thuật ngữ này xuất hiện. Những sự chuyển dịch mà chúng tôi có thể xác định được là như sau:

(1) Nhất thừa đạo (一乘道, con đường một cỗ xe) ở nơi Tạp A-hàm của Guṇabhadra.

(2) Nhất đạo (一道, một con đường [duy nhất]) ở nơi bản dịch Trung A-hàm của Gautama Saṁghadeva.

(3) Duy [hữu] nhất đạo (唯[]一道, chỉ có một con đường [duy nhất]) ở nơi bản dịch Tạp A-hàm khuyết danh.

(4) Nhất nhập đạo (一入道, con đường [độc] một lối vào) nơi bản dịch Tăng nhất A-hàm được quy cho Gautama Saṁghadeva.

(5) Đạo nhất khiết (道一挈, con đường [mà nó] dẫn đến một nơi [duy nhất]) ở nơi tuyển tập Tạp A-hàm mà nó có thể là công trình của An Thế Cao.

Trong số những cách dịch này, ít nhất có hai sự chuyển dịch mà chúng đưa ra một cách hiểu thuật ngữ có tính loại trừ: nhất đạo (一道, một con đường [duy nhất]) gợi nhắc bản dịch Anh ngữ của I. B. Horner và Maurice Walshe (this one way, con đường duy nhất này), trong khi duy hữu nhất đạo (唯有一道, chỉ có một con đường [duy nhất]) phản ánh cách dùng từ của ông và bà Rhys Davids (the one and only path, con đường độc và duy nhất). Một cách hiểu tương tự có thể được phản ánh nơi việc dịch nhất nhập đạo (一入道, con đường [độc] một lối vào), mặc dù có thể rằng dịch giả chỉ đang sao chép một cách máy móc những gì mình tin là từ nguyên của thuật ngữ này. Sự dịch cổ xưa nhất, đạo nhất khiết (道一挈) thì khó giải thích, nhưng việc giải thích hợp lý nhất có thể là “một con đường mà nó đưa đến một nơi duy nhất” – tức là, con đường mà nó chỉ dẫn đến một nơi. Nếu điều này là đúng, nó sẽ tương thích với cách hiểu của Tỳ-kheo Bodhi về thuật ngữ này mà nó có nghĩa là một “con đường trực tiếp” hay “con đường một chiều”.

Vậy thì nhất thừa đạo (con đường một cỗ xe) của Guṇabhadra, điều khởi đầu cho việc nghiên cứu của chúng ta, có nghĩa gì? Để hiểu cách dịch này, chúng ta cần mở rộng khung tham chiếu của chúng ta theo một chiều hướng khác, đó là bao gồm những bản dịch khác do Guṇabhadra thực hiện. Bằng việc làm như vậy chúng ta lập tức thấy rằng thuật ngữ nhất thừa (一乘) xuất hiện nơi những công trình khác của chính dịch giả này, và ở nơi những ngữ cảnh mà ở đó chúng ta có thể hoàn toàn chắc chắn rằng thuật ngữ cơ sở Ấn Độ là ekayāna (nhất thừa). Ví dụ, đây là trường hợp nơi bản dịch của ông về kinh Śrīmālādevīsiṁhanāda (T353, 勝鬘師子吼一乘大方便方廣經/ Thắng Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh), ở đó thuật ngữ này xuất hiện 13 lần (ngoài trường hợp ở nơi chính tiêu đề bản kinh). Nó cũng xuất hiện, lại rõ ràng ở nơi nghĩa “nhất thừa”, ở nơi một bản kinh mà chúng ta đã bắt gặp ở trên: Aṅgulimāla-sūtra (T120, 央掘魔羅經), mà trong thực tế là một bản dịch khác của Guṇadhabra. Như vậy, trong khi chúng ta có thể mạo muội làm rõ nghĩa phiên dịch từ ekāyana của Guṇabhadra như muốn nói điều gì đó như là “một con đường hẹp” (tức là một con đường chỉ đủ rộng cho một chiếc xe ngựa đi), có vẻ như nhiều khả năng rằng cảm giác đầu tiên của chúng tôi về việc chọn lựa của ông là đúng: rằng việc dịch ekāyananhất thừa đạo chỉ là một sự nhầm lẫn. Bị ảnh hưởng bởi sự tiếp xúc với thuật ngữ ekayāna ở trong những bản kinh Đại thừa, và có lẽ vì không quen thuộc với từ rất hiếm ekāyana, Guṇabhadra có thể đã nghĩ rằng bản kinh gốc của ông bị nhầm lẫn và sửa nó thành ekayāna, và sau đó dịch sang Hán ngữ là nhất thừa.

Những nguồn Hán ngữ cũng có thể giúp chúng ta bằng việc cung cấp một phạm vi mở rộng những nguồn tài liệu mà ở đó thể thức ekāyana xuất hiện. Nhiều nhất trong đó, không ngạc nhiên, là những trường hợp trong việc nối kết với Bốn niệm xứ (smŸtyupasthāna), mà chúng ta đã thấy ở nơi ba trong số những bản kinh Tạp A-hàm do Guṇabhadra (T99 [535, 607, và 1189]) dịch, cũng như ở nơi Trung A-hàm do Gautama Saṁghadeva (T26 [98]) dịch, một bản dịch Tạp A-hàm khuyết danh (T100 [102]), một hợp tuyển Tạp A-hàm cổ xưa có thể do An Thế Cao thực hiện (T101), và bản dịch Tăng nhất A-hàm của một dịch giả không rõ ràng (T125[12.1]), cũng như ở nơi một bản kinh thuộc Trường A-hàm được dịch riêng lẽ, kinh Janarṣabha (T9). Tất nhiên, đây cũng là ngữ cảnh duy nhất mà ở đó thuật ngữ ekāyana xuất hiện trong những kinh Pāli (DN 22, NM10, và SN v.167-168). Tuy nhiên, những A-hàm Hán ngữ cũng cung cấp một số những trường hợp khác. Ở đây thuật ngữ xuất hiện trong sự nối kết với Bốn như ý túc (Ÿddhipāda, T99[561]), với ba thực hành cụ thể là giới, tứ thiền, và hiểu rõ Tứ Thánh đế (T99[563]), Bát Thánh đạo (T9 và T26[189], với một sự tập trung vào samyaksamādhi ở nơi Bát Thánh đạo), một bộ ba giáo pháp (T9), và sáu niệm/tùy quán (anusmŸti, T99[550]), cái sau cùng có một sự tương ứng ở nơi đoạn Sanskrit. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thêm một tham khảo từ Pāli, vì như Gethin đã chỉ ra, ở nơi Niddesa (một trong hai luận giải được đưa vào trong tạng Pāli), thuật ngữ ekāyana được áp dụng không chỉ đối với Bốn niệm xứ (satipātthāna), mà đối với mỗi trong bảy nhóm thuộc 37 phẩm trợ đạo (bodhipakkhiyā dhamma).[48] Như vậy ở đây chúng ta thấy thuật ngữ cũng được áp dụng cho những chi phần mà chúng ta thấy đề cập trong những nguồn khác, chẳng hạn như Bốn như ý túc (Ÿddhipāda, Pāli: iddhipāda) và Bát Thánh đạo.

Trong việc xem xét những cách dịch ekāyana được những dịch giả Hán ngữ và Anh ngữ đưa ra – đặc biệt những người đã sử dụng thuật ngữ để biện luận rằng thực hành Tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna) là “điều duy nhất cần có” để đạt giải thoát – điều đáng chú ý là rằng không có một ngữ cảnh của việc sử dụng thuật ngữ này mà ở đó việc thực hành được nói đến là duy nhất. Ngược lại, sau khi nói rằng Đức Phật đã dạy một ekāyana mārga mà nó có thể thanh tịnh chúng sanh v.v…, ở đó thường đi theo một câu hỏi: “Và những gì là ba (hoặc bốn, hoặc năm, hoặc sáu)?” Một danh mục một nhóm các thực hành – không chỉ là một thực hành duy nhất – đi theo sau đó.

Như vậy, căn cứ vào những ngữ cảnh này, rõ ràng rằng việc xem thuật ngữ ekāyana (ít nhất ở nơi ngữ cảnh ekāyana mārga mà chúng ta quan tâm) có nghĩa là con đường “độc nhất” hay “duy nhất” là không chỉ cố chấp, như Gethin đã nói, mà hoàn toàn sai lầm. Việc dịch ekāyana mārga là con đường “trực tiếp”, hay con đường đưa đến một đích duy nhất (như đề xuất bởi Tỳ-kheo Ñāṇamoli và Tỳ-kheo Bodhi) thì không phải là không khả dĩ, nhưng có thể có sự dịch khác mà nó sát với thể thức sử dụng của từ này hơn. Và ở đây chúng ta không cần phải quay lại những luận giải của Buddhaghosa – mà niên đại gần một ngàn năm sau thời Đức Phật, và như vậy có lẽ ít nhất vài thế kỷ sau khi các bộ kinh được kiết tập – mà tìm đến việc sử dụng thuật ngữ này ở nơi nhiều nguồn tài liệu cùng thời với Phật giáo hơn. Ở phương diện này, những bản văn không thuộc Phật giáo có niên đại tương đương với thời kỳ đầu Phật giáo có thể giúp phản chiếu những ý nghĩa của thuật ngữ này ở nơi những kinh Pāli và Prakrit hơn những luận giải Phật giáo được sáng tác nhiều thế kỷ về sau. Không cần tìm đến những nguồn chuyên sâu để tìm một giải pháp, vì ngay ở nơi một tác phẩm tham khảo có sẵn, Sanskrit-English Dictionary của Monier William, chúng ta tìm thấy một vài gợi ý. Ở đây, mục từ ekāyana bao gồm những định nghĩa chẳng hạn như “con đường hẹp” và “con đường duy nhất”, nhưng nó cũng đưa ra hai sự dịch khả dĩ khác: “một nơi hội họp” hay “nơi tập họp của hội” (ở trong Śatapathabrāhmaṇa), và “nhập làm một” hay “hợp nhất” (ở trong Mahābhārata Chandogya Upaniṣad). Sự thực, nghĩa sớm nhất của thuật ngữ này, như được chứng nhận trong văn học Veda, liên quan đến chỗ hợp lưu của những con sông; và nghĩa “chỗ hợp lưu hay điểm hợp nhất” này thậm chí được xem như là hình thức gốc và đi đến được sử dụng như một tính từ cùng với từ mārga.[49] Trong khi một vài sử dụng thuật ngữ ekāyana ở nơi nghĩa con đường duy nhất (con đường hẹp hay độc nhất) dường như được xác nhận ở nơi văn học không thuộc Phật giáo, ý nghĩa cơ bản của thuật ngữ này là sự kết hợp những yếu tố nguyên thủy vốn tách rời.

Tôi cho rằng chính nghĩa thứ hai cho biết việc sử dụng thuật ngữ ekāyana ở nơi đoạn kinh, ở đó nó xuất hiện lập đi lập lại trong những thảo luận về những thực hành được gộp thành từng nhóm. Trong ngữ cảnh ấy, việc dịch tốt nhất cụm từ ekāyana maggo có thể là con đường “hợp nhất” hay con đường “tích hợp”, tức là một con đường bao gồm một sự kết hợp nhiều sự thực hành. Sự thật rằng thuật ngữ ekāyana rõ ràng cũng có nghĩa là “trực tiếp, đi thẳng đến đích” ở trong một số bản kinh, và điều này có thể đã trao cho thuật ngữ này nhiều ý nghĩa: có những nhóm thực hành khác nhau không chỉ được hợp nhất, mà chúng còn đưa ta thẳng đến đích.

Kết luận

Qua việc truy nguyên những trường hợp của thuật ngữ nhất thừa (一乘) ở trong các bộ A-hàm của kinh tạng Hán ngữ, chúng ta không xác định chứng cứ ban đầu cho quan điểm “nhất thừa” trong những bản kinh không thuộc Đại thừa. Trái lại, chúng ta đã nhận ra một sự dịch sai thuật ngữ Ấn Độ ekāyana-mārga thành nhất thừa đạo. Tuy nhiên, chứng cứ này bất ngờ có hữu ích khi đưa chúng ta đến một phạm vi các trường hợp của thể thức ekāyana ở nơi những ngữ cảnh cả tương đồng và dị biệt với những thể thức được tìm thấy nơi những bản kinh Pāli. Kết quả là, chúng ta có thể nói rằng thuật ngữ khó hiểu ekāyana được sử dụng ở nơi những đoạn lập lại nhiều lần này không mang ý nghĩa một sự thực hành duy nhất hay độc nhất, mà đề cập đến những nhóm thực hành mà chúng xuất hiện như một tập hợp thống nhất.

Ngoài ra, góp phần cho một cách hiểu về thuật ngữ Sanskrit và Prakrit ekāyana, những tài liệu Hán ngữ được xem xét nơi bài viết này cũng có thể cung cấp thêm chứng cứ về quá trình truyền bá kinh Phật ở Ấn Độ. Một thuật ngữ mà nó có thể vốn liên quan đến một bản kinh duy nhất (hầu như có khả năng là một phiên bản của kinh Satipaṭṭhāna) có thể sau đó được những người thuyết giảng thêm vào như một lời chú giải ở nơi một dòng truyền thừa (chẳng hạn Nhất thiết hữu bộ) mà không phải ở nơi nơi những dòng truyền thừa khác (chẳng hạn Theravāda) khi nhận xét về những bản kinh được ghi nhớ khác mà chúng thảo luận về những nhóm thực hành tương tự.

Tất nhiên, không có nguồn nào được thảo luận ở trên nói bất kỳ điều gì về “nhất thừa” theo nghĩa lâu nay được hiểu  – tức là, quan điểm rằng trong trong khi Đức Phật dạy ba con đường khác nhau đưa đến giác ngộ, chỉ có Bồ-tát đạo là chân thật. Tuy nhiên, những nghiên cứu trong tương lai của những học giả khác đối với những trường hợp nhất thừa nơi kinh tạng Hán ngữ có thể hướng chúng ta chú ý đến những bản dịch kinh Hán ngữ khác (hiện không được xem xét nơi ngữ cảnh này) mà ở đó quan điểm này thực sự xuất hiện. Kinh điển Phật giáo thì mênh mông, và mặc dù những vị tiền bối đã có những đóng góp đồ sộ và giá trị về mặt học thuật, vẫn còn nhiều điều cần phải làm./.

 

Nguồn: Annual Report of The International Research Institute for Advanced Buddhology (ARIRIAB), Vol. X (March 2007), Soka University, Nhật Bản, tr. 181-200.


 

[1] Tôi sẽ không cố gắng giải quyết ở đây vấn đề phức tạp là có phải “Nhất thừa” giống với Bồ-tát thừa hay không (tức là một trong ba thừa), hay là khác với nó (tức là khác với bất kỳ một trong ba thừa), điều đã làm hao tốn quá nhiều bút mực ở Đông Á. Một nghiên cứu đầy đủ về những cách hiểu nhất thừa ở Ấn Độ cũng sẽ bao gồm việc giải thích nhất thừa được tìm thấy trong những bản văn như Mahāyānasūtrālaṁkāra (ví dụ, XI.53) và có lẽ cũng ở trong Saṁdhinirmocara-sūtra, mà theo đó nó không phải những giáo thuyết về ba thừa mà về chính nhất thừa, trình bày một “phương tiện thiện xảo” (upāya) nơi công việc của Đức Phật. Một sự giải thích như vậy, theo quan điểm của tôi, không trình bày một sự hiểu cụ thể về ý nghĩa ekayāna, mà phần nào là một phương cách phòng thủ - tức là, một nỗ lực cắt xén tầm quan trọng của nó bằng việc giảm nó xuống thành chân lý tương đối hơn là chân lý tối hậu.

[2] Về một miêu tả vắn tắt, xem Nattier, A Few Good Men, tr. 174-176.

[3] Xem Śikṣāsamuccaya II.9, ở đó Tịch Thiên mô tả thính chúng của ông như là những người thuộc về chủng tộc Phật (Buddhagotra). Tất nhiên, thuật ngữ Buddhagotra là một trong năm gotra của truyền thống Duy thức, một sự sử dụng mà nó có thể hầu như xa lạ với Tịch Thiên.

[4] Cụm từ thích hợp này được Gil Fronsdal tạo ra.

[5] Việc tìm kiếm được thực hiện với việc sử dụng ấn bản CBETA, 20/4/2003.

[6] Làm cơ sở cho việc nghiên cứu này, tôi đã sử dụng danh mục những bản dịch của tôi mà một cách đáng tin cậy nó có thể được quy cho thời kỳ trước Trúc Pháp Hộ, cùng với danh mục những bản dịch của Trúc Pháp Hộ được đưa ra nơi luận án tiến sĩ của Daniel J. Boucher (Boucher 1996), tr. 259-291.

[7] Đoạn này được dựa trên việc đọc của tôi về những tác phẩm của An Huyền (安玄) và Nghiêm Phật Điều (严佛调), Tri Dao (知瑤) (nếu thực sự T630 là một bản văn thời Hán, mà tôi có một vài nghi ngờ về nó), Khang Mạnh Tường, và Chi Khiêm, và về sự định giá của Paul Harrison đối với nội dung của những tác phẩm của Lokakṣena. Tất nhiên, nơi những tác phẩm của An Thế Cao – mà chúng cho thấy nội dung hoàn toàn không phải Đại thừa – không có gì ngạc nhiên rằng không có thuật ngữ cũng không có khái niệm này xuất hiện.

[8] Các tập 1-24 và 27-29, mà chúng chính yếu bao gồm những bản kinh Ấn Độ được dịch – bao gồm các bản kinh (cả văn học A-hàm và các kinh sách Đại thừa), các Jātaka, Avadāna, Tantra, Vinaya, và những tác phẩm A-tỳ-đàm – tạo nên một tổng số 513 trường hợp (bao gồm “sai số”). Nơi một sự tương phản sâu sắc đối với tương đối ít một số trường hợp ở trong 27 tập này, tập 58 (bao gồm những bản văn từ Đôn Hoàng, một số trong chúng là những bản dịch thực sự những bản văn Ấn Độ nhưng nhiều trong chúng là những luận giải Trung Quốc hay những bản kinh bản địa) chính nó tạo thành 231 trường hợp. 18 tập còn lại (tập 25-26 và 30-55, bao gồm những luận giải, lịch sử, và những tác phẩm khác, đa số được sáng tác ở Đông Á) đưa ra 5.736 trường hợp.

Tất nhiên, một sự tìm kiếm bằng máy tính như vậy không thể mong đợi xác định được tất cả những thảo luận về quan điểm “nhất thừa” trong những bản dịch Hán ngữ. Quan điểm về một con đường duy nhất đưa đến giác ngộ tất nhiên có thể được tiếp tục nơi việc sử dụng những thuật ngữ khác, vì vậy hầu như chắc chắn rằng một việc tìm kiếm chỉ tập trung vào thuật ngữ nhất thừa (一乘) sẽ bỏ qua việc xác định một số đoạn có liên quan. Tuy nhiên, bởi vì việc dịch ekayāna thành nhất thừa đã trở thành tiêu chuẩn vào một giai đoạn rất sớm trong lịch sử dịch thuật kinh Phật sang Hán ngữ (vì không có sự dịch nào khác từng thay thế việc sử dụng được Trúc Pháp Hộ giới thiệu), dường như có khả năng rằng một sự tìm kiếm hai chữ Hán này, ít nhất, xác nhận đại đa số các trường hợp mà ở đó một dịch giả Hán ngữ đang làm việc từ một nguyên tác ngôn ngữ Ấn Độ có chứa thuật ngữ ekayāna.

[9] Về một thảo luận rõ ràng về những phiên bản kinh tạng Phật giáo được tạo ra ở Nhật Bản và những mục đích tôn giáo, học thuật và chính trị của những người biên soạn, xem Vita 2001.

[10] Về một danh mục có thể truy cập nội dung của kinh tạng này, cùng với một Phụ lục danh mục so sánh đối chiếu ấn bản Taishō, Nanjio, Tōhoku (Derge) và Hàn Quốc, xem, Lancaster và Park 1979. Một xem xét sơ bộ danh mục những tương ứng giữa ấn bản Nanjio và Hàn Quốc (tr.679ff) đã đưa ra chứng cứ rằng, vào thời ấn bản Nanjio, chuỗi truyền thống, bắt đầu với văn học Bát-nhã, được giữ lại. Ngược lại, nơi hầu hết những ấn bản kinh tạng Tây Tạng, Vinaya được đặt đầu tiên, theo sau bởi các kinh Đại thừa (lại bắt đầu với các kinh Bát-nhã); ví dụ, đây là chuỗi được theo trong ấn bản Stog Palace, Narthang, Derge, và Urga. Tuy nhiên, ấn bản Peking là một ngoại lệ đáng chú ý; ở đây các tantra được đặt ở đầu, theo sau là các kinh Đại thừa (lại bắt đầu với văn học Bát-nhã), với Vinaya đưa về phía sau. Kinh tạng Mông Cổ, mà nó cho thấy đã được dựa trên lần in thứ hai ấn bản Peking (“P2”, một phiên bản nắm giữ một vị trí trung gian giữa ấn bản P1 được lưu trữ trong thư viện Harvard-Yenching và ấn bản P3 mà nó đáp ứng như cơ sở cho ấn bản Ōtani), cũng theo ấn bản Peking trong việc chấp nhận vị trí cao quý của tantra.

[11] Xem Trung Hoa Đại tạng kinh (中華大藏經) được xuất bản ở Bắc Kinh (1984-1988). Về một thảo luận thấu đáo lịch sử những ấn bản kinh tạng được thực hiện ở Trung Quốc và mối liên hệ của chúng với nhau (cũng như với các ấn bản Hàn Quốc và Nhật Bản), xem Zacchetti 2005, tr.74-142.

[12] Những phân bổ này (được đặt cơ sở trên tiêu đề được tìm thấy nơi chính những tập Taishō) thì ít đầy đủ hơn, ví dụ, đối với các tập 3 và 4 chứa đựng những bộ kinh chẳng hạn như DharmapadaArthavargīya (Pāli: Aṭṭhakavagga) mà chúng không thuộc về phân loại Jātaka Avadāna. Ngoài ra, sự phân bổ khéo léo này cũng cho thấy là không đúng bởi sự có mặt của một số bản kinh mà chúng rõ ràng không thuộc ở đây (chẳng hạn, KaruṇāpuṇØarīka, một bản kinh Đại thừa mà nó xuất hiện như là bản kinh số 159, tập 3).

[13] Đại bát Niết-bàn kinh (Mahāparinirvāṇasūtra, 大般涅槃经), được Pháp Hiển (法顯) dịch vào đầu thế kỷ V TL: 雪山之中有八萬四千白象之寶,而王所乘,不過一象;雖有八萬四千駿馬,而王所騎. 不過一匹。雖有八萬四千七寶之車. 雖有八萬四千七寶之車. 而王常駕,不過一乘 (T7, 1.202c27-203a1).

[14] Nhất thừa xuất hiện tại 2.530a8-9 (此乘是大乘/說名無礙智/一乘一歸依/佛第一義依。), và lại ở tại 532b4, 9, 11, và c29; 535c13, 536a12, 537b16, và 541c15.

[15] Xem Taishō vol. 2, tr. 280, n. 6.

[16] Tất nhiên, điều này không phải để nói rằng không có bất kỳ sự nối kết nào giữa các kinh A-hàm và các kinh Đại thừa; sự thực nó hoàn toàn thông thường đối với những chữ được biết nơi những bản kinh sơ kỳ để cho thấy – nêu ra những học thuyết hoàn toàn khác, là chắc chắn – ở nơi những kinh Đại thừa, và vì những tài liệu tường thuật được tìm thấy nơi những nguồn kinh điển sơ kỳ tái xuất hiện trong những kinh Đại thừa. Có thể như vậy, ở nơi cả độ dài và nội dung học thuyết, rõ ràng rằng Ương-quật-ma-la kinh không nên được xem là một phiên bản của bản kinh Pāli hay những bản kinh A-hàm Hán ngữ mà ở đó Aṅgulimāla là nhân vật chính, mà thay vì vậy là một bản kinh độc lập mà những tác giả của nó xem những truyền thống sớm hơn liên quan đến Aṅgulimāla như là điểm khởi đầu của họ.

[17] Mặc dù bản kinh được quy cho Guṇabhadra, nó cho thấy rằng (như ở nơi quá nhiều trường hợp) vai trò của “tăng sĩ nước ngoài” trong trường hợp này là vai trò của người tụng đọc bản kinh, trong khi những người phụ tá (Bảo Vân/寳雲 và Bồ Đề Pháp Dũng/菩提法勇) đã thực hiện cộng việc phiên dịch thực sự. Xem Glass 2006, tr.20-21.

[18] Bản kinh được nói đến là T9, Nhân tiên kinh (人仙經), được Pháp Hiền/ 法賢 dịch vào năm 994 TL (Xem bên dưới).

[19] Người ta sẽ nghĩ ở đây, ở nơi thể thức kinh điển tiêu chuẩn này, là “bậc biết, bậc thấy” (tham chiếu Pāli jānatā passatā ở trong phiên bản Pāli của bản kinh số 563 được trích bên dưới). Tuy nhiên, Guṇabhadra luôn dịch cụm từ này theo một cách thức mà phân tích về mặt ngữ pháp như một thể bị động.

[20] Tham khảo Saṁyuktanikāya Pāli, tập 5, tr.271-273 (Iddhipāda-saṁyuttam, LI §15 Brāhmaṇa) và bản dịch Anh ngữ nơi Connected Discourses (Bodhi, 2000), tr.1732-1734.

[21] Nơi bản dịch của Guṇabhadra mà chúng ta có, cụm từ 得真如法/đắc chân như pháp thường được thay thế bằng 得如實法/đắc như thật pháp. Mặc dù thuật ngữ 真如 về sau được sử dụng như một sự chuyển dịch thuật ngữ tathatā (chẳng hạn, nơi những công trình của Huyền Trang, ở đó nó xuất hiện hàng ngàn lần), điều này dường như không được sử dụng theo nghĩa đó ở đây.

[22] Aṅguttaranikāya, vol.1, p. 221.5-9 (iii, §74).

[23] Bản kinh này chính nó không có một tiêu đề riêng.

[24] Như vậy, cụm từ nhất thừa đạo xuất hiện với một tổng số bảy lần trong kinh này (2.143b22, c3, 11 và 24; 144a5, 14 và 25).

[25] Tham khảo Aṅguttaranikāya Pāli, tập 3, tr.312-314 (Anuttariya-vagga, §XXV) và bản dịch Anh ngữ ở nơi Gradual Sayings, tập 3, tr.223. Bản kinh này không có một tiêu đề riêng.

[26] Tôi xin cám ơn Paul Harrison vì việc phiên chữ và tái tạo sơ bộ bản văn trong khi bài viết này được chuẩn bị.

[27] “Ở một nơi đông đúc” được dịch từ cụm từ saṁbādhe avakāśe, một cụm từ khó hiểu mà nó cho thấy là kết quả của một sự phân tích sai từ gốc avakāśādhigama (đạt đến nơi rộng rãi/ đạt được sự tự do) mà nó xảy ra khi tính ngữ viśeṣa (cao quý) được thêm vào trong quá trình truyền bá bản kinh. Tham chiếu đoạn Pāli tương đương, mà nó là: bhagavatā… sambādhe okāsādhigamo anubuddho (Đức Thế Tôn… đã chứng ngộ và đạt được sự tự tại không bị bó buộc (AN III.315, dòng 22-23). Việc ghép sambādha (đông đúc, gò bó; thường liên quan đến đời sống của người tại gia) với avakāśā (Pāli okāsa; nơi rộng rãi; liên quan đến đời sống của người xuất gia) xuất hiện thường xuyền nơi cả những bản kinh Sanskrit và Pāli. Tuy nhiên ở đây, thuật ngữ dường như được sử dụng ở một nghĩa chung hơn, với sambādha đề cập đến những hoàn cảnh đời sống đông đúc nơi saṁsāra, tuy nhiên bên trong đó Đức Phật có thể khám phá một con đường tự do (okāsa).

[28] Xem DN 22, ii.290 và 315, và MN 10, 1.55-56 và 63.

[29] Xem SN v.167-168 (Satipaṭṭhāna-saṁyuttam, XL VII, § 18, Brahmā) và tham chiếu bản dịch tiếng Anh Connected Discourses (Bodhi 2000), tr. 1647-1648).

[30] Xem kinh số 535 (ở đó nhất thừa xuất hiện tại 2.139a20 và b6; về những bản kinh tương ứng bằng Pāli ngữ xem SN v.294-296 và 296-297, và tham chiếu bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Bodhi 2000, tr.1750-1752 và 1752-1753) và kinh số 607 (với nhất thừa ở tại 171a10; về phiên bản Pāli xem SN v.173-174 và tham chiếu Bodhi, 2000, tr.1651-1652).

[31] Xem 1.216a10-12, 善說菩提一乘正法. 令諸眾生感得清淨. 憂悲苦惱. 證妙法理. Và 20-22, 示一乘法. 令諸眾生感得清淨. 離憂悲苦. 證妙法理.

[32] Xem Janavasabha-sutta, DN 18.

[33] Trong The Book of the Kindred Sayings, Vol. V, pp. 147 và 148. Ở nơi khác trong cùng cuốn sách ông dịch nó là “the sole way” (tr.119-120).

[34] Xem bản dịch Dīghanikāya của họ ở nơi Dialogues of the Buddha, vol.2, tr.327 và 346.

[35] Xem bản dịch Majjhimakāya nơi Middhle Length Sayings của I. B. Horner, vol. 1, tr. 71 và 82; và bản dịch Dīghanikāya nơi Thus Have I Heard của Maurice Walshe, tr. 335 và 350.

[36] Về một phát biểu nhấn mạnh quan điểm này, xem Nyanaponika Thera, The Heart of Buddhist Meditation, bản có sửa đổi (New York: Samuel Weiser, 1962), tr.1962), tr. 85. Quan điểm này đã đạt được vị trí chính thống trong nhiều cộng đồng Theravāda, bất chấp sự thật rằng không có sự ủng hộ kinh điển nào cho điều đó (ngoài thuật ngữ ekāyana ở trong chính kinh Satipaṭṭhāna, nếu nó được giải thích ở nơi nghĩa riêng này).

[37] Middhle Length Discourses, tr. 1188, n. 135. Thật thú vị, Tỳ-kheo Bodhi giữ lại bản dịch gốc của Ñāṇamoli về ekāyana magga như là “một con đường mà nó chỉ đi theo một chiều” ở trong Mahāsīhamāda-sutta (Middhle Length Discourses, tr. 170-172).

[38] Middhle Lenghth Discourses, tr.1188, n. 135. Cũng xem thảo luận của ông ở nơi Connected Discourses, tr.1915-1916, n. 123, ở đó ông đề xuất rằng “có lẽ phương pháp chánh niệm đang làm cho trái ngược với những loại thiền khác mà chúng không phải luôn dẫn thẳng đến mục đích”.

[39] Xem 1.582b9-11: 有 一道淨衆生, 渡憂畏, 滅苦惱, 斷啼哭,得正法,謂四念處.

[40] Bản kinh đọc đầy đủ: 有 一道念衆生得清淨, 離愁, 慼啼哭, 滅憂苦懊惱,便得如法,謂:聖正定有習, 、有助,亦復有具而有七支,於聖正定說習、說助,亦復說具,云何為七?正見、正志、正語、正業、正命、正方便、正念。(1.735c1-5).

[41] Xem ở trên. Như ở trong những bộ Tạp A-hàm khác (bao gồm bản Pāli), những bản kinh riêng lẽ ở trong T100 không có tiêu đề.

[42] Từ ngữ chính xác là như sau: (Đức Phật vừa mới giác ngộ nghĩ): 唯有 一道.能淨衆生. 便離苦惱. 亦能除滅不善惡業,獲正法利,所言法者,即四念處.(2.410b12-14); và (Phạm thiên nói với Đức Phật): 誠如世尊心之所念. 唯有 一道. 能淨眾生. 乃至得免憂悲苦惱 (2.410b26-28); và (tiếp tục cuộc trò chuyện của Phạm Thiên ở nơi kệ tụng): 欲求遠離苦/唯有此一道 (410cl) và 唯願說一道/ 愍濟諸眾生 (410c7).

[43] Tuy nhiên, miêu tả này chỉ nên được xem là tạm thời, bởi vì bản dịch về một Saṁyuktāgama không đầy đủ.

[44] Một trở ngại lớn được đặt ra bởi sự thật rằng phần lớn những bản kinh được gán cho An Thế Cao ở nơi những danh mục kinh cuối thời trung cổ (và sau đó, bởi những người biên tập Taishō) thì đã được quy cho ông một cách sai lầm. Một sự thảo luận mở rộng về vấn đề này, cùng với một danh mục những bản kinh mà chúng có thể được quy cho An Thế Cao với sự xác tín (bao gồm những bản viết tay mới tìm thấy tại chùa Kongōji ở Nhật Bản), sẽ được trình bày ở nơi bài viết sắp tới của Nattier. Trong khi chờ đợi, xem Zurcher 1991, cụ thể tr. 298.

[45] Lưu ý thể thức đảo ngược ở đây (度滅 thay vì thể thức thông thường là 滅度). Thể thức đảo ngược này xuất hiện nơi hai bản dịch khác của An Thế Cao (T13, 1.236c3 và 240a10) và T14 (1.24a20), và ở nơi một vài bản kinh khác ở trong CBETA. Như vậy nó có thể được xem là một dấu điểm chỉ của hoạt động phiên dịch của An Thế Cao, và do đó như một sự bổ sung – trong việc thêm vào chứng cứ quan trọng được sưu tập gần đây của Paul Harrison (Harrison 2002) – cho quan điểm rằng tuyển tập Tạp A-hàm này là tác phẩm của An Thế Cao. Về thể thức đảo ngược nơi những bản dịch thời Hán, xem Zurcher 1979, cụ thể tr.180.

[46] Xin cám ơn Paul Harrison vì đưa ra những trường hợp của thuật ngữ này đáp lại sự quan tâm của tôi.

[47] Sai lầm, tức là, nếu việc quy Trung A-hàm (T26) cho Gautama Saṁghadeva là đúng. Tôi trước hết trở nên nghi ngờ về việc quy Tăng nhất A-hàm (T125) cho Gautama Saṁghadeva khi tôi nhận thấy rằng nó thường xuất hiện – không giống như bất kỳ bộ A-hàm nào khác – ở nơi những tìm kiếm những thuật ngữ phiên dịch cổ xưa được sử dụng vào đầu thế kỷ III TL nơi những tác phẩm của Chi Khiêm. Một sự so sánh với bộ A-hàm khác được quy cho Gautama Saṁghadeva, Trung A-hàm (T26, Madhyamāgama), nhanh chóng làm rõ rằng hai tác phẩm này hoàn toàn không thể được thực hiện bởi cùng một người. Chỉ chọn một ít trường hợp đại diện: những bản kinh riêng lẽ ở nơi T125 bắt đầu với thể thức giới thiệu cũ văn như thị (聞如是/ [tôi] nghe như sau), được giới thiệu bởi An Thế Cao và được duy trì trong việc sử dụng chung cho đến thời Cưu-ma-la-thập (Kumārajiva; người có thể chịu trách nhiệm cho việc giới thiệu cách dịch tiêu chuẩn ngày nay là như thị ngã văn (如是我聞/như vậy tôi nghe). T26, ngược lại, sử dụng một thể thức dịch mà nó không bao giờ có được sự chấp nhận rộng rãi, ngã văn như thị (我聞如是/tôi nghe như sau). Để cho biết địa điểm Đức Phật thuyết kinh nơi phần mở đầu của mỗi bản kinh, T125 sử dụng tại (在), trong khi T26 sử dụng du (遊). Để dịch thuật ngữ Jetavana, T26 sử dụng Thắng lâm (勝林, 132 trường hợp) trong khi T125 dùng Kỳ thụ (秖樹, 378 trường hợp); không có trường hợp Thắng lâm nào ở nơi T25 hay Kỳ thụ ở nơi T26. Đối với sáu căn/giác quan (āyatana), T125 sử dục lục nhập (六入); tuy nhiên, cụm từ này không bao giờ xuất hiện nơi T26, ở đó lục xứ (六處, mà nó không hề xuất hiện nơi T125) được sử dụng thay thế. Tôi đã chứng minh những khác nhau nơi việc xem xét tên gọi của mười hai phần kinh (aṅga) ở nơi hai bộ kinh này (xem những biểu đồ ở nơi Nattier 2004, tr. 193-194), và ở trên chúng ta đã thấy rằng T26 đã dịch ekāyana mārganhất đạo (一道), trong khi T125 sử dụng nhất nhập đạo (一入道). Những trường hợp có thể tăng lên rất nhiều, nhưng tình trạng chung của vấn đề là hoàn toàn rõ ràng: những khác nhau giữa hai bản kinh là quá lớn để không thể giảng giải đơn giản bằng việc thừa nhận rằng dịch giả đã đổi ý qua thời gian, hoặc thậm chí rằng những khác nhau là do việc nhập liệu của những ban phiên dịch khác nhau.

[48] Gethin 2001, tr.59.

[49] Xin cám ơn Klaus Konrad vì đã cung cấp thông tin này.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác