Huyền thoại về dấu chân Phật

HUYỀN THOẠI VỀ DẤU CHÂN PHẬT

HUYỀN THOẠI VỀ DẤU CHÂN PHẬT

Dấu chân Phật là những dấu vết/in hằn một phần hay cả bàn chân của Đức Phật Gautama. Dấu chân Phật có hai dạng: Một là tự nhiên, như được tìm thấy trên đá; hai là được tạo tác nhân tạo(1). Phần lớn trong số những dấu vết “tự nhiên” được thừa nhận không phải là dấu chân thực sự của Đức Phật, nhưng các bản sao hoặc biểu trưng của chúng, có thể được coi là cetiya (di vật Phật giáo) và cũng là một hình thức phi hình tướng và biểu trưng cho Đức Phật buổi đầu(2)

I. Dấu chân trong tín niệm Hindu

Trong tiếng Phạn pāda là từ để chỉ “chân”, với ý nghĩa xuất phát từ “bước, sải chân, dấu chân, dấu vết; in vết, đánh dấu/ghi dấu”. Thuật ngữ này được ứng dụng rộng rãi, bao gồm bất kỳ một phần nào trong tổng thể hoặc bất kỳ sự phân chia nhỏ hơn nói chung. Bên cạnh đó, pāda cũng là thuật ngữ để chỉ đơn vị đo lường tính theo chiều dài của một bước chân (giống như một sải tay). Như một thước đo chiều dài, một pada đến 12 hoặc 15 bề ngang/bề rộng của ngón tay, hoặc 1/2 hay 1/3 hoặc 3/7 của một prakrama.

Trong ngữ pháp tiếng Phạn, một pada là bất kỳ từ ngữ nào có nhiều biến tố (danh từ hoặc động từ).

Những địa danh được tôn kính với “các dấu chân” (pāda, cũng là pādamudrā) của vị thần Hindu(3)

Một số địa điểm ở Ấn Độ đã trở thành những nơi hành hương mang dấu chân của  vị thần Vishnu. Trong thần thoại Hindu, vũ trụ/vạn vật đâm chồi/nảy lộc từ giấc mơ của thần Vishnu, và bất cứ khi nào vạn vật hỗn loạn, các vị thần, hoặc một trong nhiều hiện thân, những trận đánh của các lực lượng hỗn mang. Trong những trận đánh đó, thần thường bước trên mặt đất, và để lại dấu ấn của mình.

Trong các dấu chân nổi tiếng được phát lộ thì ngôi đền Vishnupada Mandir là một điện thờ cổ xưa ở Gaya, Ấn Độ. Đó là một ngôi đền Hindu, dành riêng cho vị chúa tể Vishnu. Ngôi đền này nằm dọc theo con sông Falgu, được ghi dấu bởi một dấu chân của Vishnu gọi là Dharmasila, lõm sâu vào khối đá bazan. 

Nguồn gốc của những dấu chân này không được đề cập trong lịch sử. Bao quanh bởi một khung bạc, các dấu chân thường được các tín đồ dâng cúng hoa và thức ăn. Dấu chân của thần Vishnu được các tín đồ coi là một trục mundi (trục thế giới) cho các vùng/khu vực, và ngôi đền như là điểm hội tụ của trời, đất, và địa ngục. Những người không theo Hindu giáo và những người thuộc tầng lớp thấp bị ngăn cấm không cho đi vào điện thờ cho đến khi thành lập nhà nước Ấn Độ  đương thời.

Truyền thuyết kể rằng: Con quỷ Gayasura/A-tu-la, đã thực hành sám hối cùng cực và có được đặc ân mà bất cứ ai nhìn thấy nó sẽ đạt được sự giải thoát (moksha). Nếu sự giải thoát đạt được thông qua đức hạnh chính đáng trong cuộc đời của một con người, thì giờ đây, mọi người có được nó một cách dễ dàng. Để ngăn chặn những kẻ vô đạo đức có được sự giải thoát, thần Vishnu đã yêu cầu Gayasura đi vào bên dưới lòng đất và để làm được như vậy thần đã đặt chân phải lên đầu của A-tu-la này. Sau khi đẩy Gayasura xuống dưới bề mặt của đất, dấu chân của thần Vishnu vẫn còn lưu lại trên mặt đất như chúng ta đã thấy ngày nay. Dấu chân này gồm chín biểu tượng khác nhau như Shankam/pháp loa, Chakram/luân xa và Gadham/chùy. Đây được cho là những vũ khí của thần Vishnu. Gayasura khi bị đẩy xuống đất đã thỉnh cầu thức ăn. Vị chúa tể Vishnu đã ban cho nó một ân huệ mà mỗi ngày đều sẽ có người dâng thức ăn cho nó. Bất cứ ai làm như vậy, linh hồn của họ sẽ được lên thượng giới. Và người ta xác tín rằng ngày mà Gayasura không có thức ăn, con quỷ sẽ đi ra khỏi lòng đất. Nên mỗi ngày, người dân từ những vùng miền khác nhau của Ấn Độ sẽ đến đây để cầu nguyện sức khỏe, sự hạnh phúc, thịnh vượng cho người quá vãng và dâng cúng thức ăn cho Gayasura(4)

Những dấu chân khác của thần Vishnu cũng được tìm thấy ở Guwahati, thủ phủ nhà nước Assam của Ấn Độ. Theo truyền thuyết, vị chúa tể Vishnu đã chiến đấu với một con vua quỷ tên Narakasur ở nơi đây. Và vào giữa trận đánh, thần đã để lại dấu chân ở phía sau một hòn đá. Như với những nơi nổi tiếng tương tự, vào một ngày trong năm những người hành hương sẽ lũ lượt đổ xô đến đây để dâng cúng vật phẩm cho tổ tiên. Các vật phẩm này có ý nghĩa để giải thoát cho các linh hồn theo chu kỳ của sự tái sinh.

Một dấu chân khác có thể được tìm thấy ở Hardwarmiền bắc Ấn Độ. Nó được tìm thấy trên các Hari-ki-Pairi ghat, đó là một trong những bước chân ướt được những người hành hương tạo ra để hình thành con đường  đi tới con sông Hằng. Các ghat (nơi ven sông có từng bậc đi dần xuống nước để tắm theo nghi thức tôn giáo/tín ngưỡng Ấn Độ hoặc nơi gần chỗ hỏa táng người chết) tọa lạc trên bờ sông phía Tây của thượng nguồn kênh đào con sông Hằng. Một nơi khác cũng được đề cập  dấu chân của vị thần là ngôi mộ Humayun ở New Delhi(5).

Ngoài ra, có một số nơi ở Ấn Độ và Sri Lanka, người ta tin rằng thần Shiva đã để lại dấu chân của thần, chủ yếu là trên các tảng đá. Những dấu chân khác đều tản mác khắp các vùng miền của Ấn Độ như:

- Dấu chân tại ngọn đồi Thiruvannamalai, Tamil Nadu: Có một câu nói rằng thần Shiva đầu tiên đã nhón chân, đặt một chân của mình từ Kailash và chân kia lên trên đỉnh của ngọn đồi Parvatha gần Thiruvannamalai nhưng vị chúa tể cảm thấy ngọn đồi không phải là vùng đất chắc chắn và rắn rỏi để đặt bàn chân còn lại nên chọn ngọn đồi vững chắc của Thivuvannamalai - (Pancha Boodha Sthalam Agni) nơi đây đã hình thành một trung tâm hành hương nổi tiếng thế giới hiện nay. 

- Để chứng minh điều này, có một dấu chân của thần Shiva mà chúng ta cảm thấy thật sự tuyệt vời. Đó là dấu chân tại đỉnh Adam, Sri Lanka. Đỉnh núi Adam (cũng gọi là Sri Pada; tiếng Sri Lanka là Samanalakanda -  “Ngọn núi bướm”, và cũng là “Sri Paadaya”; Tamil Sivanolipatha Malai), là một ngọn núi hình nón cao 2.243m nằm ở trung tâm Sri Lanka. Với Sri Pada, nghĩa là “dấu chân thiêng liêng”, một dấu vết được tạo nên trên đá dài 1,8m gần đỉnh, khi mà trong truyền thống Phật giáo đó là dấu chân Đức Phật, còn theo truyền thống Hindu là dấu chân thần Shiva mà trong truyền thống Hồi giáo và Kitô giáo là của Adam, hoặc Thánh Thomas. Ngọn núi nằm ở những đoạn phía Nam của cao nguyên trung tâm, thuộc quận Ratnapura, tỉnh Sabaragamuwa - nằm cách thành phố Ratnapura khoảng 40km về phía Đông bắc. 

- Đền Rudrapada nằm ở phần phía Đông Tezpur thuộc quận Sonitpur của Assam. Ngôi đền này nằm trên bờ sông Brahmaputra và được dành riêng cho vị chúa tể Shiva. Thần Shiva tại ngôi đền này được tôn thờ trong hình thức Rudra và các tín đồ tin rằng một hòn đá trong đền thờ in dấu bàn chân trái của thần Shiva. Theo một truyền thuyết, ngôi đền này được xây dựng ở nơi thần Shiva đã cho thấy cuộc đời thực của thần liên quan đến nhà vua Bana. Siva Singa đã xây dựng ngôi đền vào năm 1730 và Mahashivaratri là lễ hội chính được tổ chức ở nơi đây.

- Dấu chân của thần Shiva tại Naag Mandir, Ranchi: Đây là một ngôi đền hùng vĩ và thu hút đông đảo tín đồ của vị chúa tể Shankara, một cái tên khác của thần Shiva được đặt trên ngọn đồi ở phía Tây của Ranchi. Đền thờ thần Shiva nằm trên đỉnh đồi cũng được gọi là Pahari Mandir. Ở dưới chân đồi là hồ Ranchi. Nhiều loài cây cối khác nhau tạo thêm vẻ đẹp cho ngọn đồi đặc biệt trong mùa mưa. Các ngôi đền bao gồm đền thờ thần Shiva, Nahakaal mandir, Kali mandir, Vishwanath mandir, Hanumar mandir, Durga mandir và Naag mandir. Chỉ trong căn phòng mở rộng của ngôi đền thờ thần Shiva ở đó hiện diện Naag Mandir. Tại đó, dấu chân của thần Shiva là điểm hấp dẫn chính đối với những người hành hương và du khách tham quan.

II. Dấu chân trong tín niệm Phật giáo

Dấu chân của Đức Phật còn được gọi là Phật túc thạch, Phật túc tích/Phật tích, Phật cước thạch (Phạn: Buddhapada, Nhật: Bussoku). Trong Phật giáo, pāda là thuật ngữ để chỉ cho dấu chân Đức Phật. Dấu chân của Đức Phật biểu trưng cho sự hiện diện, hình ảnh của Ngài, và biểu tượng này đã phát triển vài thế kỷ sau khi Đức Phật qua đời. 

Xét về mặt biểu trưng, những dấu chân của Đức Phật theo con đường từ vô hình tướng đến các hình tượng bắt đầu từ các biểu trưng như pháp luân và chuyển biến đến việc tạo tác nên các bức tượng về đức Phật. Các dấu chân này mang ý nghĩa là để nhắc nhở rằng Đức Phật đã hiện diện trên trái đất và để lại một “con đường” tâm linh để chúng sinh theo đuổi. Dấu chân này đặc biệt vì chúng là những di tích duy nhất mang đến sự hiện diện vật chất của Đức Phật trên trái đất khi chúng là vết lún/chỗ lõm thực sự tồn tại trên mặt đất(6)

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, truyền thuyết về Đức Phật, chúng ta được biết là: ngay khi sinh ra, Ngài đã đo vũ trụ, bước đi bảy bước theo mỗi hướng trong không gian; truyền thuyết về Vishnu nói là thần đã đo vũ trụ bằng ba bước đi, một bước tương ứng với mặt đất, bước thứ hai với thế giới trung gian và bước thứ ba với trời; đôi khi người ta cũng cho là ba bước đó tương ứng với ba vị trí của mặt trời mọc, ở thiên đỉnh và lặn. Do đó, ở Á Đông, người ta tôn thờ vô số những VishnupadaBuddhapada, và ít hơn là các Civapada. Đó là dấu vết của Thượng Đế, của Bồ-tát (Bodhisattava) in trên cõi đời này. Khi in dấu bàn chân của mình, không phải là để nói rằng ta ở đây, ta ở nơi đây, đôi khi điều này được xác nhận bằng lời ghi bên trong dấu chân, nói lên ý muốn của thần linh là luôn luôn có mặt. Tuy nhiên, người ta cũng nói là Đức Phật và các vị Bồ-tát không để lại dấu tích, không thể tìm được…, nên nói một cách tượng trưng, là dõi theo trong cuộc săn tìm tinh thần(7).

Ngoài ra, trong các dạng thể hiện phi thân thể/hình tướng của Đức Phật, vết chân cũng ứng với đất, với thế giới trung gian và cái lọng với trời.

Những dấu chân Phật được sùng bái trong mọi nền văn hóa Phật giáo, đặc biệt là ở Sri Lanka và những quốc gia theo Phật giáo Nam truyền, vì Đức Phật lịch sử là chủ thể chính cho sự thờ phượng trong truyền thống này. Mặc dù Đức Phật lịch sử chưa từng viếng thăm những vùng đất này ở châu Á, nhưng các tín đồ Phật giáo tin là Ngài đã viếng thăm vài nơi trong một tiền kiếp nào đó, khiến cho những nơi này trở nên thiêng liêng. Những dấu chân thường được khắc vào đá, và được bảo vệ bên trong một mái vòm che phủ đặc biệt. Theo Vinaya sutra, những dấu hiệu trên gót chân của Đức Phật được tạo ra từ nước mắt của người đàn bà tội lỗi Amrapati và những người khác khóc lóc bên gót chân Phật, trước sự bất bình của các môn đệ.

Dấu chân Phật có rất nhiều ở khắp châu Á, với niên đại từ nhiều thời kỳ khác nhau. Tác giả người Nhật Motoji Niwa (丹羽基二/Niwa Motoji), người đã dành nhiều năm lần theo những dấu chân của Đức Phật ở nhiều quốc gia châu Á, ước tính rằng ông đã tìm thấy hơn 3.000 dấu chân như vậy, trong đó có khoảng 300 dấu chân ở Nhật Bản và hơn 1.000 dấu chân ở Sri Lanka(8). Chúng thường mang những dấu hiệu phân biệt, như một Pháp luân/Dharmachakra ở trung tâm bàn chân, hoặc là những dấu hiệu riêng của Đức Phật hay 32, 108 hoặc 132 dấu hiệu cát tường của Đức Phật được chạm khắc hoặc vẽ trên dấu chân, đôi khi theo mẫu thức ô đen trắng. Những dấu chân này được sơ đồ hóa theo quy ước, trình bày các ngón chân với độ dài bằng nhau, và được khắc sâu vào đá. Trên nhiều dấu chân thường có bảy biểu tượng cát tường, được gọi là bảy hiện tướng, đó là: 1/Pháp luân, biểu thị những lời dạy của Đức Phật; 2/Vương miện, biểu thị tính tối cao vô thượng của Đức Phật so với chư thần; 3/Ốc biển/pháp loa gợi ý việc hoằng pháp; 4/Bảo bình, biểu thị vô thượng trí của Đức Phật; 5/Con cá, hàm ý tự do thoát khỏi những giới hạn; 6/Một pháp khí tượng trưng sức mạnh thiêng liêng của học thuyết và 7/Những ngọn lửa, biểu thị sức tỏa sáng của Đức Phật. Nhiều dấu chân cũng mang mô-típ chữ vạn (Swastika).

Dấu chân như một đối tượng điêu khắc có một lịch sử lâu đời xuất phát từ những minh họa đầu tiên được thực hiện ở Ấn Độ. Chúng được tạo tác trong suốt thời kỳ tiền Hy Lạp-Phật giáo của nghệ thuật Phật giáo tại Sanchi, Bharhut, và những nơi khác ở Ấn Độ. Vào thời sơ kỳ Phật giáo ở Ấn Độ, vì tôn kính nên tín đồ không dám tạc chạm tượng Đức Phật mà chỉ khắc tạo những hình ảnh tượng trưng cho Đức Phật như pháp luân, cây Bồ-đề, tháp, tòa cao và dấu chân Đức Phật để lễ bái thờ phụng. Trước sự phát triển các hình tượng của Đức Phật vào những thế kỷ đầu TL, thì hiện diện của Đức Phật được chỉ ra trong điêu khắc đá bằng nhiều biểu tượng vô hình tướng (an-iconic/non figural symbols) kể cả lọng tán, pháp luân và dấu chân Phật từ Ấn Độ về Trung Quốc vào thế kỷ thứ bảy.

Theo truyền thuyết Phật giáo, không lâu trước khi sắp viên tịch và nhập Niết-bàn, Đức Phật lịch sử đã đi đến Kushinara và đứng trên một tảng đá, quay mặt về phương Nam. Người ta cho là Ngài đã lưu lại dấu chân in hằn vào mặt đá như một di vật cho hậu thế(9). Ngày nay, tại cửa tháp Bharhut ở Ấn Độ có bức phù điêu Tam đạo bảo giai đồ khắc dấu chân Phật có hình bánh xe pháp luân. Ngoài ra, một trong những biểu thị danh tiếng nhất về dấu chân Đức Phật là cặp bàn chân khắc vào đá ở Bodhgaya. Những bản sao dấu chân của Đức Phật cũng được đặt tại những đền chùa quan trọng như là một đối tượng để kính ngưỡng, nên các tín đồ thường làm các bản rập để mang về nhà thờ kính. Sau đó, truyền thống tạo tác dấu chân trở nên nổi bật ở Sri Lanka, Campuchia, Miến Điện và Thái Lan…(10)

Một vết lún trên đỉnh Sri Padaya/Sri Pada ở Sri Lanka là một trong những dấu chân Phật lớn nhất và nổi tiếng nhất. Theo Mahavamsa, biên niên sử vĩ đại của Sri Lanka, ngọn núi Sri Pada (còn được gọi là Sumanakuta, Samangira, Samantha Kuta Samanala Kanda) đã lưu giữ dấu vết về bàn chân trái, mà Phật tử Sri Lanka tin rằng là của Đức Phật, trong chuyến viếng thăm lần thứ ba đến Kelaniya, cách đây 2580 năm trước. Dấu chân như một thánh tích giá trị để sùng kính như một biểu tượng để thờ phượng khi không có Đức Phật theo lời thỉnh cầu của người Phật tử - vị thần Sumana Saman là người bảo hộ nhân từ của họ. Thần Sumana Saman đã ở đó khi Đức Phật đến viếng thăm hòn đảo này lần đầu tiên. Thần đã trở thành một bậc Dự lưu (sotapanna) sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp. Đức Phật đã ban cho thần một nhúm tóc mà thần đã cất trong bảo tháp ở Mahiyangana. Thần Saman được biết đến như Bồ-tát Phổ Hiền ở vùng Đông Á. Ngoài ra, truyền thuyết Phật giáo cho là trong suốt cuộc đời của mình, Đức Phật đã bay đến Sri Lanka và để lại dấu chân của Ngài trên đó để cho thấy tầm quan trọng của Sri Lanka là sự bất diệt của các giáo lý của ngài, và cũng để lại dấu chân trên tất cả các vùng đất nơi giáo lý của Đức Phật sẽ được tiếp nhận. 

Người ta tin rằng người đầu tiên phát hiện ra dấu chân thiêng liêng đó là nhà vua Walagamba (104-76 trước TL) trong khi ông tha hương trong vùng núi hoang dã này. Theo truyền thuyết địa phương, ông đã được dẫn đến đỉnh núi bởi một vị thần trong lốt một con hươu. Sau đó, không chỉ những người hành hương thông thường mà cả hoàng tộc cũng tỏ lòng tôn kính đến dấu ấn của Đức Phật từ thời cổ đại. Mùa hành hương để đến Sri Pada bắt đầu hàng năm vào ngày trăng rằm poya trong tháng mười hai và kết thúc vào ngày Vesak poya của tháng năm. Trong suốt thời gian sáu tháng này, hàng ngàn người hành hương lên núi để chiêm bái và đảnh lễ dấu chân Phật trên đỉnh núi này(11) .

Tại Thái Lan, quan trọng nhất là các dấu chân “tự nhiên” trên đá tại Phra Phutthabat ở miền Trung Thái Lan. Wat Phra Phutthabat (tiếng Tháiวัด พระพุทธบาท) là một ngôi chùa Phật giáo ở SaraburiThái Lan. Đây là một trong những ngôi chùa Phật giáo lâu đời nhất ở Thái Lan, được xây dựng trên núi, chủ yếu bao quanh bởi rừng rậm. Nó nằm ở quận Phra Phutthabat, cách thành phố Saraburi 28km. Tên của ngôi chùa có nghĩa là “ngôi chùa của dấu chân Phật”, bởi vì nó chứa đựng vết lõm lớn tự nhiên trong đá được cho là dấu chân của Đức Phật. Kích thước của dấu chân rộng khoảng 53cm, dài152cm và sâu 28cm. Dấu chân được bao bọc bởi một khung viền bằng vàng để trang trí. Bên trong khung, dấu chân Phật được phủ những lớp lá vàng, tiền xu và tiền giấy do các tín đồ và khách viếng thăm đặt vào.

Ngôi chùa Phra Phutthabat được xây dựng vào năm 1624 bởi  nhà vua Songtham của Ayutthaya, sau khi một người thợ săn tên Pram Bun tìm thấy một vết lõm lớn trong đá, giống như dấu chân khổng lồ, gần ngọn đồi Suwan Banpot hoặc Satchaphanthakhiri. Người thợ săn đã đến báo tin cho nhà vua, và người đã ra lệnh cho công nhân xây dựng một mondop (một tòa nhà hoặc ngôi đền hình vuông hay chữ thập, thường có mái nhọn được xây dựng trong một ngôi chùa hay một khu phức hợp đền chùa ở Thái Lan, thường chứa đựng các kinh sách và di vật Phật giáo linh thiêng) tạm thời để che phủ cho dấu chân, mà về sau nó đã trở thành một ngôi chùa.

Bunnoowaat sutra kể về các chuyến phi hành của Đức Phật đến đỉnh của ngọn núi Suwanbanphot, và cách Ngài đã để lại dấu chân của mình. Người ta tin rằng có năm dấu chân của Đức Phật ở những nơi khác nhau bao gồm cả ngôi chùa Phra Phutthabat. Một số người tin rằng việc thờ cúng dấu chân, rải và rắc nước, hoặc đặt các lá vàng lên những dấu chân Phật sẽ được thanh tẩy tội lỗi, mang lại sự thành công trong cuộc sống, hay hạnh phúc vĩnh hằng. 

Lễ hội Dấu chân thiêng liêng được tổ chức tại ngôi chùa hai lần trong một năm, thường là vào tháng Hai và tháng Ba. Vào lễ hội này, nhiều Phật tử và du khách đến thăm viếng để kính lễ dấu chân của Đức Phật và tham gia vào các hoạt động tại lối vào ngôi chùa(12).

Ở Trung Quốc, suốt đời nhà Đường, việc phát hiện một dấu chân lớn của Đức Phật ở Trịnh Châu (Chengzhou) đã khiến hoàng hậu Võ Tắc Thiên mở đầu một triều đại mới vào năm đó, năm 701 Tây lịch, bắt đầu thời đại Đại Túc (Dazu) (13) .

Theo mục Hoa Thị Thành, Ma-kiệt-đà quốc, Đại Đường Tây Vực ký 8, tại nước Ma-kiệt-đà Phật có lưu lại dấu chân, bề dài khoảng gần 20cm, mỗi bàn chân đều có luân tướng, 10 ngón đều có hoa văn.

Chùa Thiên Thai trên các ngọn đồi phía Tây gần Bắc Kinh, Trung Quốc còn bảo lưu một hòn đá mang dấu chân Phật, được gọi là Đá chân Phật.

Trong di phẩm của A-ma-la-bà-đề (Phạn: Amaravati), mới khai quật được, dưới bàn chân Phật có khắc hình bánh xe. Ngoài ra còn có hình Tam bảo chương, hình chữ Vạn. Trong đó, loại hình bàn chân Phật có hình bánh xe là kiểu xưa; còn hình Tam bảo, hình chữ Vạn là những kiểu vẽ sau này, được thấy qua các tranh vẽ của Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay.

Tại Trung Quốc vào đời Đường có rất nhiều tranh Phật túc thạch theo kiểu của Ấn Độ do ông Vương Huyền Sách vẽ. Ngoài ra còn có Phật túc đồ của ngài Huyền Trang mang về(14).

Ở Nhật Bản, những dấu chân đó cũng được lồng vào những mẫu thiết kế của các bản in lưu niệm để người tín đồ mang đến dâng cúng nơi đền chùa. Trong một vài hình tượng Phật nằm ở Đông Nam Á, bàn chân ngài được khắc lõm với những dấu hiệu giống những dấu trên các dấu chân Phật.

Ở Việt Nam, các dấu chân Phật hiện diện ở chùa Am Vãi (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn), chùa Yên Mã (xã Bắc Lùng), chùa Hang Non (xã Khám Lạng, huyện Lục Nam), thuộc tỉnh Bắc Giang là những ví dụ. Nhưng những dấu chân Phật này đôi khi bị dân gian lẫn lộn, đánh đồng với dấu chân của các vị tiên hay dấu chân của ông khổng lồ…(15)

Về mặt lịch sử, sự tôn kính bàn chân của các bậc thầy/quân sư hay vị thần là phổ biến vào Ấn Độ cổ đại, một người cúi gập đầu tại hoặc dưới chân họ là một cử chỉ của nghi thức biểu thị một hệ thống cấp bậc. Như cetiya, dấu chân của Đức Phật được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Một số là uddesika, các di vật tiêu biểu/tượng trưng, và những loại khác là paribhogika, những di vật sử dụng hoặc tiếp xúc, và đôi khi saririka, như thể chúng không chỉ là dấu chân mà là bàn chân thực của Đức Phật. Một số mô tả về dấu chân có thể biểu thị các sự kiện trong cuộc đời của Đức Phật, nhưng những dấu chân khác có thể là thể hiện những tín đồ thờ phụng tại các điện thờ dấu chân này. 

Để rõ ràng: một dấu chân của Đức Phật là một hình ảnh lõm của một bàn chân (hoặc cả hai bàn chân), được tin rằng đã được Đức Phật để lại trên trái đất với chủ định đánh dấu nơi Ngài đã đi qua ở một vị trí cụ thể. Những hình ảnh về bàn chân của Đức Phật là những hình ảnh lồi biểu trưng cho lòng bàn chân thực sự, với tất cả các đặc tính của chúng. Theo chiều kích ba chiều truyền thống của cetiya, chúng ta có thể giả định rằng hình thức đầu tiên của hình ảnh về bàn chân Đức Phật - một hình lõm - là một loại yếu tố pāribhogika, vì nó được kết nối không thể tách rời với chính Như Lai/Tathāgata. Hai là, nó có thể được coi là một yếu tố uddissaka, bởi vì nó đã được sáng tạo ra bởi một hoặc các nghệ nhân tận tâm tạo tác để tưởng niệm Đức Phật, lấy nó làm mẫu hình như một dấu chân thực sự. Nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ về nhóm thứ hai này, như là một “pāribhogika như phỏng đoán”, được ghi nhận chính xác bởi Chutiwongs(16)

Nói tóm lại, việc tôn thờ dấu chân có một bề dày lịch sử hết sức xa xưa. Truyền thống này được các tín đồ Phật giáo tiếp tục kế thừa với những nội dung phong phú mang ý nghĩa sâu sắc nhằm nối kết các cộng đồng Phật tử với công đức hoằng hóa của Đức Phật, nối kết cái thực với biểu tượng thiêng liêng làm thiêng hóa cho những vùng đất.

HUỲNH THANH BÌNH

 

Chú thích:

(1)       Stratton, Carol (2003). Buddhist Sculpture of Northern Thailand. Serindia xb, tr.301-302.

(2)                   Strong, John S. (2004). Relics of the Buddha (Phật giáo: Một chuỗi xuất bản của Đại học Princeton). Đại học Princeton xb, tr. 85-87. 

(3)                   Theo:

- Anna Dallapiccola, Dictionary of Hindu Lore and Legend. 

- Charles Rockwell Lanman (1884). A Sanskrit reader: with vocabulary and notes, Parts 1-2. Ginn, Heath, tr.189.

(4)                   Bhoothalingam, Mathuram (2016). S., Manjula (biên tập). Temples of India Myths and Legends. New Delhi: xuất bản bởi Tổ chức, Bộ Thông Tin và, Chính phủ Ấn Độ, tr.92-93. 

(5)                   Wilson, H. H (1864). The Vishnu Purana: A System of Hindu Mythology and Tradition Trubner & Co xb.

(6)                   Prasopchingchana, Sarunya (2013). “History and Cultural Heritage: Past and Future”. International Journal on Humanistic Ideology (Tạp chí quốc tế nghiên cứu về tư tưởng, ý thức hệ chủ nghĩa nhân văn).

(7)                   Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. NXB.Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997, tr.52-54.

(8)                   Theo:

- Niwa, Motoji (1992). Zusetsu sekai no bussokuseki: bussokuseki kara mita Bukkyō 図説世界の仏足: 仏足石から見た仏  [Buddha's footprints, pictures and explanations: Buddhism as seen through the footprints of Buddha] (in Japanese and English). Meicho Shuppan xb, tr.5. 

-  “Footprints of the Buddha”. Buddha Dharma Education Association (Liên hiệp Nghiên cứu Phật Pháp). 2008. Retrieved 2008-05-11.

(9)                   Theo:

- Meher McArthur. Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo. NXB.Mỹ Thuật, 2005, tr.165-167.

- Louis Frédéric. Tranh tượng & thần phổ Phật giáo. NXB.Mỹ Thuật, 2005, tr.121

(10)                 Xem:

- Cicuzza, Claudio (2011). A Mirror Reflecting the Entire World. The Pāli Buddhapādamagala or “Auspicious signs on the Buddha’s feet”. Critical edition with English Translation, Materials for the Study of the Tripiaka, tập VI, Lumbini International Research Institute (Học viện nghiên cứu quốc tế Lumbini), Bangkok and Lumbini, tr.xxi.

- Nandana Chutiwongs (1990). “The Buddha’s Footprints”, Ancient Ceylon 10, tr.60.

- Paul Mus (2002). Barabudur (Indira Gandhi National Centre for the Arts/Trung tâm nghệ thuật quốc gia Indira Gandhi). Alexander McDonald (dịch). Sterling xb, India, tr.67. 

(11)                Xem:

- Ricci, Ronit (2011). literature, conversion, and the arabic cosmopolis of south and southeast asia. Đại học Chicago xb, tr.136. 

- Dunn, Ross E. (2005) [1986]. The Adventures of Ibn Battuta. Đại học California xb, tr.242-243. 

- Chisolm, Hugh (1910). The Encyclopædia Britannica (tập 5). Đại học xb, tr.778.

- Skeen, William (1870). Adam's Peak: Legendary, Traditional, and Historic Notices of the Samanala and Srí Páda. Colombo, Ceylon: W.L.H. Skeen xb.

(12)                Thomas John Hudak (1988). Organizational Principles in Thai "Phannánaa" PassagesBulletin of the School of Oriental and African Studies/Tập san nghiên cứu Đông phương và châu Phi, Đại học London. 51 (1): 96-117. 

(13)                Niwa, Motoji (1992). Sđd.

(14)                Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 6: NGH, NH, O, PH; tr. 5529-5530.

(15)                Nguyễn Quang Ân, Ngô Văn Trụ chủ biên. Địa chí Bắc Giang. Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang và Trung tâm UNESCO xb, 2006, tr.322.

(16)                Theo:

- Nandana Chutiwongs (1990). Sđd.

- Cicuzza, Claudio (2011). Sđd.

 

Chú thích hình:

F1: Dấu chân Đức Phật tại lối vào ngôi chùa Seema Malaka, Colombo, Sri Lanka

F2: Điêu khắc đá thể hiện việc thờ cúng dấu chân Đức Phật xa xưa, Bảo tàng Khảo cổ học Amaravati, Andhra Pradesh, Ấn Độ

F3: Dấu chân Đức Phật, thế kỷ I, Gandhāra

F4: Dấu chân Đức Phật tại tháp Phật giáo Amaravati, Andhra Pradesh, Ấn Độ. Hiện vật Bảo tàng Anh

F5: Dấu chân Đức Phật, thế kỷ II, trưng bày nghệ thuật Đại học Yale

F6: Dấu chân Đức Phật, thế kỷ XVII-XVIII, Miến Điện. Hiện vật Bảo tàng Quốc gia Úc

F7: Dấu chân Đức Phật tại ngôi chùa Zhenjue, Bắc Kinh, Trung Quốc

F8: Tượng Phật nằm tại ngôi chùa Nanzo-in, Nhật Bản

F9: Tượng Phật nằm tại ngôi chùa Mya Tha Lyaung, Bago, Miến Điện

F10, F11, F12: Một số tranh vẽ thể hiện dấu chân Đức Phật

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác