Từ ốc thiêng shankha đến pháp loa của nhà Phật

tu oc

TỪ ỐC THIÊNG SHANKHA ĐẾN PHÁP LOA CỦA NHÀ PHẬT

HUỲNH THANH BÌNH

 

Shankha là chiếc vỏ ốc xà cừ có chức năng nghi lễ và tín ngưỡng quan trọng không chỉ trong Hindu giáo mà cả Phật giáo. Ốc shankha này xuất hiện từ thời Veda, có mặt trong hầu hết các nghi lễ Hindu, sau đó trở thành pháp loa, biểu tượng cát tường trong hầu hết các tông phái Phật giáo.

I. Ốc thiêng shankha trong Hindu giáo

Ốc xà cừ/shankha trong tín niệm Hindu được các nhà khoa học cho rằng đó là vỏ của một loài ốc biển lớn - Turbinella pyrum (động vật lớp chân bụng thuộc họ Turbinellidae), đôi khi cũng được gọi là chank. Đây là loại ốc biển chuyên ăn mồi sống, được tìm thấy ở Ấn Độ Dương và các vùng biển lân cận. Vỏ ốc này có bề mặt cứng chắc, sáng bóng giống như sứ.

Tổng thể phần thân chính của vỏ ốc có dạng thuôn hoặc hình nón. Ở dạng thuôn, nó phồng lên ở phần giữa, nhưng thon nhọn dần về mỗi phần cuối. Phần trên xoắn lại, trong khi phần dưới bị xoắn và bóp nhọn. Giống như tất cả các loại vỏ ốc khác, khi con ốc chết, phần thịt thối rửa đi để lại những chiếc vỏ trống rỗng. Mặt trong của vỏ ốc vô cùng sáng bóng, nhưng bề mặt bên ngoài cho thấy sự thâm nhiễm và tác động của môi trường.[1]

Trong Hindu giáo, vỏ ốc xà cừ bóng sáng, trắng, mịn với đầu nhọn và nặng là loại vỏ ốc được coi là quý giá nhất.[2]

Hindu giáo buổi đầu phân chia ốc xà cừ thành hai giống khác nhau, ốc xà cừ có chiếc vỏ dày hơn phồng lên được cho là giống đực hay purusha, còn những chiếc vỏ ốc mỏng manh được cho là con cái hay shankhini. Ngoài ra, ốc xà cừ cũng được phân chia theo bốn đẳng cấp của xã hội Hindu: Ốc xà cừ trắng trơn biểu trưng cho đẳng cấp thầy tư tế Bà-la-môn, ốc xà cừ đỏ biểu thị cho đẳng cấp chiến binh hay kshatriya, ốc xà cừ vàng đại diện cho đẳng cấp thương nhân hoặc vaishya và ốc xà cừ xám mờ chỉ cho những người lao động tay chân hay shudra.

Bên cạnh đó, dựa trên chiều xoắn cuộn tự nhiên của vỏ ốc mà ốc xà cừ/shankha được chia thành hai loại:

- Dakshinavarta shankha: Đây là dạng thức rất hiếm có, ở đó vỏ ốc cuộn/quấn hoặc xoắn/vặn về bên phải.

Trong Hindu giáo, một Dakshinavarta shankha biểu trưng cho không gian vô tận và được nối kết với thần Vishnu. 

Các Dakshinavarta shankha cũng được tin rằng đây là nơi trú ngụ của vị nữ thần giàu có Lakshmi - người phối ngẫu của thần Vishnu, và do đó loại ốc xà cừ này được coi là lý tưởng để làm thuốc chữa bệnh. Nó là một loại vỏ ốc rất hiếm từ Ấn Độ Dương. Loại ốc xà cừ này có từ ba đến bảy vòng xoắn có thể nhìn thấy trên phần thân mở rộng, trên chóp đuôi nhọn của con ốc và có cấu trúc đặc biệt bên trong. Xoắn ốc về bên phải của loại ốc này phản ánh chuyển động của các hành tinh. 

Varaha Purana kể rằng tắm với Dakshinavarta shankha sẽ giải thoát con người khỏi tội lỗi. Skanda Purana thuật lại rằng thần Vishnu tắm với shankha để giải thoát khỏi mọi tội lỗi từ bảy kiếp trước. Một Dakshinavarta shankha được coi là một “viên ngọc” quý hiếm hoặc ratna và được tô điểm với những đặc tính tuyệt vời. Người ta cũng tin rằng nó ban cho tuổi thọ, sự nổi tiếng và giàu có tương ứng với độ lấp lánh, độ sáng trắng và độ lớn của chúng. Thậm chí một shankha có khiếm khuyết, khuôn đúc trong vàng được tin là để khôi phục lại những ưu điểm/đặc tính của nó. Dakshinavarta được xem là vật cát tường dùng trong các nghi lễ. Chóp ốc được cưa để tạo hình miệng kèn, và hơi sẽ đi qua những vòng xoắn ốc xoay về bên phải để tạo nên âm thanh biểu trưng cho sự chân chính, đúng đắn hoặc khẳng định “xoay về bên phải” (Phạn: dakshina) của Pháp.

- Vamavarta shankha: Đây là dạng thức rất thông thường của các loài, vỏ ốc cuộn/quấn hoặc xoắn/vặn về bên trái.

Các Vamavarta shankha biểu trưng cho sự đảo ngược của các định luật tự nhiên và được liên kết với thần Shiva.[3]

1. Vỏ ốc xà cừ shankha là một vật dụng tạo ra âm thanh (giống như tù và) được biết đến sớm nhất, và những yếu tố khác đều đến sau đó, vì vậy đây được xem là yếu tố nguyên bản. Nó cũng được nhận biết với chính yếu tố này.[4]

Người ta khoan một lỗ gần đỉnh/chóp của vỏ ốc xà cừ để tạo ra một loại kèn hoặc nhạc khí hơi. Khi luồng không khí được thổi qua cái lỗ này, không khí sẽ di chuyển theo những vòng xoắn ốc bên trong của shankha, tạo nên âm vực to, sắc, rít lên nghe chói tai. Âm thanh này chính là lý do khiến cho shankha được sử dụng để làm kèn chiến, triệu tập/kêu gọi người trợ giúp và đồng môn/bè bạn. Vỏ ốc xà cừ tiếp tục được sử dụng trong các trận đánh trong một khoảng thời gian dài, mà âm thanh nó tạo ra được gọi là shankanad

Một chiếc kèn vỏ ốc xà cừ có thể hoàn toàn được sử dụng mà không có bất cứ sự tác động nào làm thay đổi chính chiếc vỏ ốc, hoặc “một ống thổi được thêm vào bằng cách phá vỡ một điểm trên vỏ (với những vỏ ốc xà cừ thổi ở phần cuối) hoặc khoan một lỗ nhỏ ở phần thân (với các vỏ ốc xả cừ thổi ở mặt bên). Ống thổi gỗ, tre, hoặc thậm chí là kim loại có thể được chèn vào phần cuối của vỏ ốc.”[5] Ống thổi được sử dụng để tạo ra nhịp điệu từ chuỗi hòa âm. Một lỗ tạo âm có thể được thêm vào để thay đổi tần số cơ bản nhưng trên toàn cầu, điều này cực kỳ hiếm,[6] do đó phần lớn các vỏ ốc xà cừ đều được để tự nhiên khi thổi.

Ở Ấn Độ, loại ốc này được đề cập đầu tiên trong Artharvaveda, vào khoảng một ngàn năm trước Tây lịch[7] shankha được thổi, “để tuyên bố sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác. Trong... Mahabharata, vị Chúa tể Krishna đã từng thổi vỏ ốc xà cừ để tuyên bố bắt đầu và kết thúc trận chiến. Nó cũng được coi là biểu tượng của... Nữ thần Lakshmi.”[8]

Chiếc kèn nghi lễ từ vỏ ốc xà cừ được sử dụng như một đối tượng nghi lễ quan trọng của Hindu giáo, một phần của thực hành tín ngưỡng, ví dụ như tịnh hóa puja. Tiếng kèn chank vang lên trong lúc thờ phượng tại những điểm cụ thể, đi cùng tiếng chuông và ca hát. Vì nó là một vật cát tường nên thường được thổi trong một Lakshmi puja, đặc biệt là trong nghi lễ Hindu aarti, khi ánh sáng được dâng lên các vị thần tại đền thờ hoặc tại gia.

Ngoài ra, âm thanh của ốc xà cừ được cho là để xua đuổi những linh hồn ma quỷ. Âm thanh của shankha tượng trưng cho âm Om thiêng liêng. Thần Vishnu giữ ốc xà cừ biểu trưng cho thần như là một vị thần của âm thanh. Đồng thời, shankha được dùng như một lễ vật tạ ơn và bùa chú để tránh xa những nguy hiểm từ biển cả. 

Shankha cũng được sử dụng để đựng nước tắm cho tranh tượng của các vị thần, đặc biệt là Thần Vishnu, và cho nghi lễ tẩy uế. Với những mục đích này, người ta không khoan lỗ, hoặc mặc cho kẽ hở đã có sẵn hay hiếm hoi các vòng xoắn ốc bên trong được khoan thành năm lỗ để biểu thị năm lỗ miệng.[9]

Brahma Vaivarta Purana khẳng định rằng shankha là nơi cư trú của cả Nữ thần Lakshmi và Thần Vishnu, và tắm từ nước dẫn qua một vỏ ốc xà cừ shankha được xem như tắm cùng một lúc với cả nước thánh. Sankha Sadma Purana cho rằng tắm cho một tranh tượng Thần Vishnu với sữa bò bằng với công đức thực hiện một triệu yajnas (lửa hiến tế), và tắm Thần Vishnu với con sông Hằng giải phóng con người khỏi chu kỳ sinh tử. Cổ sự này tiếp tục nói rằng “Chỉ cần nhìn con ốc xà cừ (shankha) là đã xua tan tất cả mọi tội lỗi như Mặt Trời xua tan sương mù, mà chẳng cần một nghi lễ thờ cúng nào cả.”[10] Padma Purana khẳng định kết quả tương tự của việc tắm Thần Vishnu bằng nước sông Hằng, sữa, và tiếp tục bổ sung làm như vậy sẽ tránh được những điều xấu xa/hiểm độc. Đổ nước từ một shankha trên đầu của chính mình trước tranh tượng Thần Vishnu tương đương với việc tắm trong nước con sông Hằng thiêng liêng.[11]

Có quan điểm cho rằng, Shankha bắt nguồn từ nước mà bản thân nước là biểu trưng cho sự màu mỡ/khả năng sinh sản, nên nó cũng được nhìn nhận như là biểu tượng cho khả năng sinh sản của người phụ nữ. 

2. Trong công thức thuốc chữa bệnh Ayurveda, shankha được dùng để điều trị nhiều chứng bệnh. Là vỏ ốc xà cừ xám tro, được biết trong tiếng Phạn như shankha bhasma, được chuẩn bị bằng cách ngâm vỏ ốc vào trong nước cốt chanh và nung trong nồi kim loại, 10 đến 12 lần, và cuối cùng biến nó thành bột tro. Shankha bhasma chứa canxi, sắt và magiê được coi là giảm axít trong dạ dày và tiêu hóa. 

Một viên thuốc hợp chất shankavati cũng được bào chế để dùng cho chứng khó tiêu. Trong trường hợp này, trình tự tiếp theo là trộn shankha bhasma với tro hạt me, năm phần muối (panchlavana), asafoetida/cây a quỳ, amoni clorua, tiêu, carui/mào, caraway/cây carum, gừng, tiêu dài, thủy ngân tinh và aconit/cây phụ tử theo tỷ lệ cụ thể. Sau đó nghiền/tán trong nước ép chanh tạo nên một khối lượng thuốc. Nó được kê đơn cho bệnh vata (hô hấp) và pitta (mật), cũng như mang lại sắc đẹp và sức khỏe.[12]

3. Trong hình tượng và mỹ thuật Hindu, shankha là một trong những thuộc tính chính của Thần Vishnu. Hình ảnh Thần Vishnu, trong tư thế ngồi hoặc đứng, cho thấy Thần thường cầm shankha ở tay trái trên, trong khi chakra sudarshana (dĩa chakra), gada (gậy/chùy) và padma (hoa sen) tương ứng ở tay phải trên, tay trái dưới và tay phải dưới.

Các hóa thân của thần Vishnu như Matsya (cá), Kurma (rùa), Varaha (lợn lòi đực) và Narasimha/Narasingha (người-sư tử) cũng được thể hiện cầm shankha, cùng với các thuộc tính khác của Thần Vishnu. Krishna - hiện thân của Vishnu được mô tả sở hữu một shankha gọi là Panchajanya. Các hình thức bản địa/địa phương của Thần Vishnu như Jagannath và Vithoba cũng có hình tượng nắm giữ shankha. Bên cạnh Thần Vishnu, các vị thần khác cũng thấy thể hiện nắm giữ shankha. Bao gồm Thần mặt trời Surya, Indra - vị vua cõi trời và Thần Mưa, Thần chiến tranh Kartikeya, Nữ thần Vaishnavi [13] và vị Nữ thần chiến binh Durga [14]. Tương tự, các bức tượng Gaja Lakshmi cho thấy Nữ thần Lakshmi đang cầm một shankha trên tay phải và hoa sen ở tay khác.

Đôi khi, shankha của Vishnu được nhân cách hóa như Ayudhapurusha “vũ khí-người đàn ông” trong điêu khắc và được thể hiện như một người đàn ông đứng bên cạnh Thần Vishnu hoặc hóa thân của Thần[15]. Nhân vật thuộc cấp này được gọi là Shankhapurusha, người được mô tả đang cầm một shankha trong cả hai tay. Các cột trụ, tường, gopuras (tháp), tầng hầm và những nơi khác của đền thờ, điêu khắc thể hiện shankha và chakra/luân xa - biểu tượng của Thần Vishnu [16]. Thành phố Puri, còn được gọi là Shankha-kshetra, đôi khi được thể hiện như một shankha hoặc ốc xà cừ trong mỹ thuật với ngôi đền Jagannath ở trung tâm.[17]

Shaligram là các hình tượng đá hóa thạch đặc biệt được tìm thấy ở sông Gandaki thuộc Nepal. Chúng như là đại diện của Thần Vishnu và người Hindu tôn thờ. Các shaligrama - trong đó biểu thị các dấu hiệu của một shanka, chakra/đĩa, gada/chùy và padma/hoa sen sắp xếp theo thứ tự cụ thể - được tôn thờ như Keshava. Đây là hai mươi bốn loại của bốn biểu tượng được định rõ cho Shaligrama cũng được thờ cúng theo các hình tượng của Thần Vishnu với những cái tên khác nhau. Trong số đó, bên cạnh Keshava, bốn tên gọi khác cho các hình tượng được tôn thờ với shankha ở trên tay là: Madhusudanah, Damodara, Balarama và Vamana.[18]

4. Trong Brahma Purana Vaivarta, có một truyền thuyết Hindu gợi nhớ việc tạo nên những con ốc xà cừ: Thần Shiva ném cây đinh ba về phía các A-tu-la/Asura, thiêu rụi chúng ngay lập tức. Tro của chúng bay ra biển tạo nên những con ốc xà cừ.

Shankha được tin rằng là người anh/em trai của Lakshmi khi cả hai đều được sinh ra từ biển cả. Có một truyền thuyết miêu tả một A-tu-la tên Shankhasura, kẻ đã bị giết chết bởi hóa thân cá của Thần Vishnu-Matsya.[19]

Trong sử thi Hindu Ramayana và Mahabharata, biểu tượng shankha được chấp nhận rộng rãi. Trong sử thi Ramayana, Lakshmana, Bharata và Shatrughna được coi là một phần hóa thân tương ứng của Sheshanaga, Sudarshana Chakra và Shankha, trong khi Rama, người anh lớn, được coi là một trong mười hiện thân của Thần Vishnu.[20]

Ở cuộc chiến trong Mahabharata, Krishna là Arjuna, người đánh xe của hoàng tử Pandava và một nhân vật chính của sử thi, đã lặp lại nhiều lần lời tuyên chiến của Panchajanya. Panchajanya trong tiếng Phạn có nghĩa là “kiểm soát được năm lớp chúng sinh”.[21] Cả năm anh em nhà Pandava đều được miêu tả sở hữu những shankha của riêng mình. Yudhishthira, Bhima, Arjuna, Nakula và Sahadeva được mô tả sở hữu các shankha có tên lần lượt là Ananta-Vijaya, Poundra-Khadga, Devadatta, Sughosha và Mani-pushpaka.[22]

Vị thần bảo tồn, Vishnu, được cho là nắm giữ một ốc xà cừ đặc biệt, Panchajanya, biểu trưng cho cuộc sống, vì nó đã đi ra khỏi vùng nước tạo nên sự sống. Có một câu chuyện thú vị đằng sau nguồn gốc của một “shankha” hoặc vỏ ốc xà cừ. Theo thần thoại Hindu, các Deva (chư thiên) và Asura (quỷ) đã quyết định khuấy động đại dương/biển sữa để có được thuốc trường sinh. Thuốc trường sinh này được biết đến như “Amrita” mang lại sự bất tử. Tất cả các vị thần ở một bên và những con quỷ ở đầu bên kia bắt đầu kéo rắn Ananta lay động ngọn núi Sumeru khuấy tung biển sữa để sản sinh ra một số thứ từ đại dương. Một trong những thứ đầu tiên xuất hiện là chất độc gây chết người được gọi là Halahala.

Mọi người đều sợ hãi vì chất độc quá mạnh có thể phá hủy toàn bộ sự sáng tạo. Vì vậy họ đã thỉnh cầu vị Chúa tể Shiva che chở, bảo vệ, và Thần đã nuốt hết chất độc đó để bảo vệ vũ trụ khỏi sự phá hủy. Thần Shiva ngậm chất độc trong miệng nhưng không nuốt nó. Sau đó, một số vật khác lần lượt văng ra khỏi đại dương như Nữ thần Lakshmi (vị nữ thần của sự thịnh vượng và sắc đẹp), nữ thần rượu vang, Mặt Trăng, những người con gái thần thánh xinh đẹp như Rambha và Menakha, con ngựa trắng bảy đầu Uchhaishravas, ngọc Kaustubha, cây cõi trời Parijata, con bò màu mỡ Surabhi, con voi trắng Airavata, cánh cung hùng mạnh Dhanus và nhiều vật khác. “Shankha” hay vỏ ốc xà cừ cũng là một trong những vật thể thần thánh thu được từ biển sữa.

5. Do sự liên kết của shankha với nước, nên rắn thần Nāga thường được gọi tên theo những shankha. Danh sách các Nāga trong MahabharataHarivamsha và Bhagavat Purana bao gồm những cái tên như Shankha, Mahashankha, Shankhapala và Shankachuda. Hai Nāga cuối cùng cũng được đề cập trong những truyện kể về kinh Bổn sanh/Jataka và Jimutavahana.[23] 

II. Ốc thiêng Pháp loa trong Phật giáo

Trong Phật giáo, vỏ ốc xà cừ được hợp nhất thành một trong tám biểu tượng cát tường, còn được gọi là Ashtamangala/Bát bửu. Ốc xà cừ trắng được thể hiện thẳng đứng thường với một dây lụa len qua ở phần dưới. Ốc xà cừ xoắn về bên phải được biểu thị với chiếc miệng cong và rỗng quay về bên phải, được thể hiện nằm ngang để chứa nước thơm hay dầu thơm. Ngoài ra, như một trì vật cầm tay, ốc xà cừ thường được nắm giữ trong bàn tay của các vị thần.[24]

1. Vỏ ốc xà cừ từ xưa đã là một loại nhạc khí trong các nghi thức của Phật giáo, còn gọi là Pháp loa/Bảo loa (Phạn: Dharma-Sanhha; Hán âm: Thương-khư; Hán dịch: Kha, Bối, Lãi bối). Vì vỏ ốc xà cừ to mà dày cứng, khi thổi âm thanh vang đi xa kéo dài, có sức xuyên thấu rất mạnh, hùng dũng, cho nên dùng pháp loa để dụ cho giáo pháp của Đức Phật.[25]

Kinh Phật có chép rằng: Khi Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, âm thanh chấn động bốn phương, như âm thanh của ốc biển, gọi là “diệu âm cát tường”. Vỏ ốc biển trắng xoắn về bên phải (dung gyas 'khyil), biểu thị âm thanh thanh tao, sâu, du dương, thâm nhập và lan tràn của Phật giáo, đánh thức các môn đệ từ giấc ngủ sâu của sự vô minh và thúc giục họ đạt tới phúc lạc cho chính mình và cho những người khác. Tương truyền có thể trước khi Phật Tổ đăng đàn, dùng để thông báo với các đệ tử, khiến họ trở về đúng vị trí của mình, im lặng lắng nghe thuyết pháp. Vì thế mà trong Phật giáo thời kỳ đầu, ốc biển được xem là vật tượng trưng để tuyên giảng giáo nghĩa Phật giáo, tượng trưng cho Phật-đà hướng đến mười phương hoằng truyền Phật pháp không chút sợ hãi, đe dọa tất cả tà ma tinh quái, đồng thời tượng trưng cho Tam giới thù thắng, đem sự thắng lợi và niềm hân hoan để khẳng định sự thống trị của Phật pháp.[26]

Thiên thủ kinh nói: “Nếu muốn kêu gọi tất cả các chư thiên thiện thần thì dùng tay bảo loa”. Phẩm Thế gian thành tựu trong Bất không quyến sách kinh cũng chép: “Chúng sinh nếu nghe được âm thanh của bảo loa thì có thể giảm được tội nặng hoặc vãng sinh về cõi Tây phương Cực lạc”.

Trong Tự phẩm quyển 1 của Pháp hoa kinh có nói: “Nay Phật Thế Tôn, muốn nói đại pháp, rời đại pháp vũ, thổi đại pháp loa, đánh đại pháp cổ, diễn đại pháp nghĩa”.

Dùng làm pháp khí cầm tay, ốc biển thường được cầm trong tay các vị thần linh. Trôn ốc của ốc biển tự nhiên thường xoáy về bên trái. Ốc biển trắng xoáy phải (chakravatna) do rất hiếm thấy nên được xem là vật cát tường trong các nghi thức Phật giáo. Pháp loa còn là một pháp khí quan trọng của phái Tu Nghiệm Đạo ở Nhật Bản. Lúc tu hành trong núi, thổi pháp loa để tránh thú dữ đuổi theo.[27] Trong Mật giáo, pháp loa là vật cầm tay của Thiên Thủ Quan Âm. Ở Tây Tạng và Nepal, nhiều vỏ sò/ốc được trang trí bằng các hoa văn kim khí và cẩn bảo ngọc.

Các chư tôn có mối liên hệ với loài ốc này là Vô Lượng Âm Thanh Phật Đỉnh, dùng pháp loa làm trì vật lại dùng pháp loa làm hình Tam muội da. Hình thân của vị Tôn giả này có sắc vàng, tay trái cầm hoa sen, trên có loa bối. Như Lai Thương Bồ-tát, cũng gọi là Như Lai Pháp Loa Bồ-tát thường xuất hiện trong hình tướng tay trái cầm hoa sen, trên có loa bối.[28]

Câu chuyện cuộc đời Phật Di Lặc - tranh vẽ trên vải theo nghệ thuật thanka, đời Thanh, lưu giữ ở Tây Tạng: Bức thanka này mô tả câu chuyện cuộc đời Đức Phật Di Lặc. Ở đây Phật Di Lặc với sắc thân màu trắng, hai tay kết ấn Thuyết pháp, mỗi tay cầm một bông hoa sen, trên hoa sen bên phải có một con ốc biển màu trắng, bên trái là bảo bình, xung quanh vẽ quá trình giáng sinh, trưởng thành, tu Phật, chứng ngộ, thuyết pháp. Trong Phật giáo Tạng truyền, ốc biển xoáy phải được xem là vật cát tường, tượng trưng cho Phật pháp truyền bá đến mười phương.

Ốc biển cát tường biểu trưng cho “Phật ngữ”. Hướng đặt: đặt vuông góc, làm vật cầm tay, biểu thị dùng tâm của Phật pháp hàng phục ngoại đạo. Miệng ốc hướng lên trên, là vật chứa hương cúng, bên trong đựng hương liệu thể lỏng.[29]

2. Ngoài ra, để nói đến tóc trên đầu xoắn lại xoay về phía hữu giống như trôn ốc, là 1 trong 32 tướng tốt, 1 trong 80 vẻ đẹp của Đức Phật, người ta gọi là Loa phát, còn gọi là Phát lễ, Lễ phát. Do đó, tượng Đức Thích Tôn đời sau phần nhiều được tạo theo hình dạng này. Trong các tượng Phật hiện tồn ở Ấn Độ, đặc biệt ở Trung Ấn, đa phần tượng Phật đều có tóc hình tựa trôn ốc; ngoại trừ di vật còn lại của nước Kiện Đà La phía Bắc Ấn Độ cho thấy tóc được thể hiện ở thể dạng lượn sóng. Những tượng Phật Thích Ca và Phật Di Đà của Tông Hiển giáo và Mật giáo ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… thông thường là hình tóc xoắn. Phật A Súc (Bảo Tràng), Phật Bảo Sanh (Khai Phu Hoa) cũng có tóc dạng xoắn này.

Bên cạnh đó, tiền thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng được cho là Loa kế tiên nhân. Theo luận Đại trí độ 17, thuở xưa, Đức Thích Ca là vị tiên nhân có tên Thượng Xà Lê. Vì có búi tóc hình xoắn ốc trên đỉnh đầu nên được gọi là Loa Kế tiên nhân. Vị tiên này thường hành đệ tứ thiền, hơi thở ra vào đã ngừng, ngồi dưới cội cây sừng sững bất động. Chim nhìn thấy cho là khúc gỗ, liền làm tổ, đẻ trứng trong búi tóc. Về sau, vị tiên này xuất định muốn bước đi, nhưng biết trên đỉnh đầu mình có một ổ trứng chim đang ấp liền tự suy nghĩ: “Nếu ta đứng dậy đi làm động, chim mẹ sẽ bay mất, trứng sẽ bị ung thối”. Nghĩ xong Ông liền nhập định trở lại, đợi đến khi trứng nở chim con bay đi ông mới xuất định.

Hay vị Phạm Thiên Vương có búi tóc hình xoắn ốc trên đỉnh đầu cũng được gọi là Loa Kế Phạm vương hay Loa Kế Phạm. Vị này đã từng cùng Tôn giả Xá Lợi Phất vấn đáp tại hội Duy Ma. Kinh Tâm giới quán pháp, thượng (Đại 45, 823 thượng) ghi: “Đức như Loa Kế Phạm Vương có năng lực thấy Tây phương”.[30]

Những lọn tóc xoắn cuộn trên đầu của Phật xoắn về bên phải tương tự như xoắn ốc xoay phải của loại ốc này phản ánh chuyển động của các hành tinh. Ngoài ra, lọn tóc trắng dài cuộn xoắn giữa lông mày của Đức Phật và vòng xoắn của rốn Ngài cũng được so sánh giống như loại ốc xà cừ shankha này.[31]

3. Ở Nhật Bản, loại kèn vỏ ốc xà cừ lớn được gọi là Horagai  (hay Jinkai), lần đầu tiên được đề cập vào thời Heian (794-1185 TL), sau đó cùng với sự lan truyền của Phật giáo phổ biến khắp châu Á.[32]

Kèn vỏ ốc horagai hay gọi tắt là hora của Nhật Bản có thể tạo ra ba hoặc năm nốt nhạc có cao độ khác nhau là do sử dụng một miệng kèn bằng đồng hoặc gỗ được gắn vào đỉnh chóp nhọn của vỏ ốc. Khi có băng giá (thường gặp ở các vùng núi của Nhật Bản), môi có thể bị đóng băng trên bề mặt kim loại, do đó, các miệng kèn bằng gỗ hoặc tre được dùng thay thế.

Vỏ ốc xà cừ được sử dụng bởi các Tăng sĩ Phật giáo cho mục đích tín ngưỡng. Việc sử dụng vỏ ốc xà cừ đã có từ ít nhất một ngàn năm về trước, và ngày nay vẫn được sử dụng cho một số lễ nghi như omizutori (vẽ nước), một phần thuộc nghi lễ Shuni-e tại chùa Đông Đại (Tōdai-ji) ở Nara. Mỗi phái Shugendō đều có các giai điệu thổi từ vỏ ốc xà cừ của riêng mình. Hora đặc biệt liên quan đến Yamabushi, chiến binh tu sĩ khổ hạnh  thuộc truyền thống Shugendō. Yamabushi đã sử dụng kèn vỏ ốc để báo hiệu sự hiện diện (hoặc di chuyển) của họ với nhau qua các ngọn núi và đi cùng việc tụng đọc kinh tạng. Bên cạnh đó, các Tăng sĩ Phật giáo Chân Ngôn cũng thực hành một nghi thức homa, đôi khi bao gồm đánh trống và thổi horagai.[33]

Ngoài ra, vỏ ốc với tên gọi là jinkai/“vỏ ốc chiến tranh”, là một công cụ truyền phát tín hiệu được sử dụng bởi các chiến binh samurai trong chiến tranh thời phong kiến ​​Nhật Bản.[34] Một con ốc xà cừ lớn sẽ được sử dụng và gắn với miệng thổi bằng đồng (hoặc bằng gỗ). Nó được giữ trong một chiếc giỏ lưới và được thổi bằng một tổ hợp “nốt” khác nhau để báo hiệu cho quân đội tấn công, rút ​​lui hoặc thay đổi chiến thuật, giống như cách sử dụng tù và hoặc kèn trôm-pét ở các nước phương Tây. Những người lính kèn này được gọi là kai yaku.

Các Jinkai cho chức năng tương tự như trống và chuông trong tín hiệu tập hợp đội hình quân sự, thiết lập một nhịp điệu cho hành quân, tạo nên sự hào hùng để khuyến khích các binh lính và gây bối rối khi đối phương phải suy nghĩ về số lương quân số phải đủ lớn đến dường nào để có thể thổi kèn tạo nên các âm thanh lớn như vậy. Nhiều daimyō (lãnh chúa phong kiến) tranh thủ yamabushi để phục vụ như kai yaku, do đã có sự trải nghiệm của bản thân với nhạc cụ này.

Ở Hàn Quốc, nagak (cũng gọi là nasora, hoặc godong) là một vỏ ốc lớn chơi nhạc như một chiếc sừng trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Nó chỉ tạo nên một âm đơn và được sử dụng chủ yếu trong âm nhạc diễu hành quân sự gọi là daechwita.

Ở Tây Tạng, “Vỏ ốc xà cừ là một trong số nhiều kèn trôm-pét mà nó đóng một phần trong âm nhạc đền chùa độc đáo của Tây Tạng, được biết đến với tên gọi “Dung-Dkar”. Như một cây kèn trôm-pét tự nhiên đến từ các vùng nước, vỏ ốc xà cừ được tin rằng có quyền năng ma thuật với những cơn mưa/trận mưa đá. Do đó, mép/cạnh của nó [miệng ốc] thường được trang trí với rồng và mây”.[35]

 


 

Chú thích:

[1] Nadkarni, K. M. (1994). Dr. K. M. Nadkarni's Indian Materia medica. Turbinella Rapa; or Xanchus Pyrum or Gastropoda, Class: Molusca. Popular Prakashan xb, tr.164–165. 

[2] Aiyar V.AK. Symbolism In Hinduism. Chinmaya Mission xb, tr.283–286. 

[3] Xem:

-          Mookerji, Bhudeb (1998). The wealth of Indian alchemy & its medicinal uses: being an... Shankh. Sri Satguru xb, tr.195. 

-          Thottam, Dr. P.J. (2005). Modernising AyurvedaShankh. Sura Books xb. tr.38-39. Tái bản 2009.

-          Jansen, Eva Rudy (1993). The Book of Hindu Imagery: Gods, Manifestations and Their Meaning. Diever: Binkey Kok xb. tr.144.

-          Aiyar V.AK. Sđd.

-          Robert Beer (2003). The handbook of Tibetan Buddhist symbols. Shambhala xb, tr.9-11, 24, 33, 172.

[4]  Xem:

-          Krishna, Nanditha (1980). The art and iconography of Vishnu-Narayana. Shankh. D.B. Taraporevala xb; tr.31, 36 và 39.

-           Nayak, B. U.; N. C. Ghosh; Shikaripur Ranganatha Rao (1992). New Trends in Indian Art and Archaeology. Shankha. Aditya Prakashan xb, tr.512-513.

[5]  Herbert, Trevor và Wallace, John biên tập (1997). The Cambridge Companion to Brass Instruments. Đại học Cambridge xb, tr.11-3.

[6] Braun, Joachim (2002). Music in Ancient Israel/Palestine: Archaeological, Written, and Comparative Sources, tr.181. Cites Hedley (1922) cho lời khẳng định. Wm. B. Eerdmans. 

[7] Herbert, Trevor và Wallace, John biên tập (1997). Sđd.

[8] Dutta, Madhumita (2008). Let's Know: Music and Musical Instruments of India. Star xb, tr.18. 

[9] Xem:

-          Rajendralala Mitra (2006). Indo-aryans. Read Books xb, tr.285-288.

-           Avtar, Ram (1983). Musical instruments of India: history and development. Shankh. Pankaj xb, tr.41, 42.

[10] Aiyar V.AK. Sđd.

[11] Rajendralala Mitra (2006). Sđd.

[12] Xem:

-          Nadkarni, K. M. (1994). Sđd.

-          Lakshmi Chandra Mishra (2004). Scientific basis for Ayurvedic therapies. CRC xb, tr.96. 

-          Aiyar V.AK. Sđd.

[13] Jansen, Eva Rudy (1993). Sđd, tr.66-67, 126, 131.

[14] Helle Bundgaard, Nordic Institute of Asian Studies (1999). Indian art worlds in contention. Routledge xb, tr.183, 58. 

[15] Rao, T. A. Gopinatha (1985). Elements of Hindu iconography. Motilal Banarsidass xb, tái bản 2016.

[16] Dallapiccola, Anna Libera; Anila Verghese (1998). Sculpture at Vijayanagara: iconography and style. Shankh. Manohar xb & phát hành cho  Học viện Hoa Kỳ về nghiên cứu Ấn Độ; tr.44, 58. 

[17] Helle Bundgaard, Nordic Institute of Asian Studies (1999). Sđd.

[18] Rao, T. A. Gopinatha (1985). Sđd, tr.231-232.

[19] B. A. Gupte (1994). Hindu holidays and ceremonials. Học vụ châu Á xb, tr.xx. 

[20] Naidu, S. Shankar Raju; Kampar, Tulasīdāsa (1971). A comparative study of Kamba Ramayanam and Tulasi Ramayan. Shank. Đại học Madras xb, tr.44,148.

[21] Xem:

-          Avtar, Ram (1983). Musical instruments of India: history and development. Shankh. Pankaj xb, tr.41, 42.

-          Robert Beer (2003). Sđd, tr.9-11.

[22] Aiyar V.AK. Sđd.

[23] Vogel, J. (2005). Indian Serpent Lore Or the Nagas in Hindu Legend and Art. Kessinger Publishing xb, tr.215-16. 

[24] Robert Beer (2003). Sđd., tr. 9-11.

[25] Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 6: NGH, NH, O, PH; tr.5336.

[26] Nặc Bố Vượng Điển (2011). Pháp khí Mật Tông. NXB.Hồng Đức, tr.210-211, 269-270, 721.

[27] Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd., tr.5336.

[28] Nặc Bố Vượng Điển (2011). Sđd., tr.721.

[29] Nặc Bố Vượng Điển (2011). Sđd., tr.210-211.

[30] Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 5: L, M, N, NG; tr.3760, 3761.

[31] Thottam, Dr. P.J. (2005). Sđd.

[32] Herbert, Trevor và Wallace, John biên tập (1997). The Cambridge Companion to Brass Instruments. Đại học Cambridge xb, tr.11-13.

[33] Stephen Grover Covell (2005). Japanese Temple Buddhism: Worldliness in a Religion of Renunciation. Đại học Hawaii xb, tr.2-4.

[34] Stephen Turnbull (2007). Warriors of Medieval Japan, Osprey xb, tr.106.

[35] Olson, Eleanor (1969). Bài luận trong The Art of Tibet của Pratapaditya Pal, tr.43. Asia Society/Xã hội châu Á. Dẫn trong LACMA, Pal, và Richard (1983), tr.236.

 

Chú thích hình:

S1 đến S8: Pháp loa.

S9: Án thờ trang trí hình tượng Pháp loa.

S10: Bồ Tát Phổ Hiền nắm giữ pháp loa, tượng đồng, nghệ thuật đương đại.

S11: Dakini/Không hành nữ (?), cuối thế kỷ XVIII, Tây Tạng với một tay cầm Bát bửu. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Mỹ.

S12: Pháp loa trong bộ Bát bửu.

S13, S14, S15: Một số nghệ phẩm ốc xà cừ.

S16, S17: Kèn Dung-dkar, Tây Tạng.

S18: Shankha, Ấn Độ, thế kỷ 19. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, Mỹ.

S19: Kèn horagai, Nhật Bản.

S20: Kèn nagak, Hàn Quốc.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác