Từ tín niệm về ngạ quỷ đến kinh Vu lan bồn

tu tin niem

TỪ TÍN NIỆM VỀ NGẠ QUỶ ĐẾN  KINH VU LAN BỒN

 

Preta (tiếng Phạn: प्रेत) là tên Phạn ngữ chỉ cho một loại linh thể siêu nhiên - được miêu tả trong Ấn Độ giáo, Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, Việt Nam - phải chịu đựng những đau khổ nhiều hơn loài người, đặc biệt là mức độ khắc nghiệt cùng cực của đói khát. Chúng có nguồn gốc từ các tôn giáo Ấn Độ và thâm nhập vào các tôn giáo Đông Á thông qua con đường truyền bá của Phật giáo. Khởi nguyên, quỷ đói ghi chép trong Petavatthu/Ngạ quỷ sự, về sau có nhiều sự biến đổi. Những miêu tả dưới đây chủ yếu được áp dụng trong những ngữ cảnh hẹp hơn.

I. Ngạ quỷ trong tín niệm Hindu

Preta[1] được xác tín là do sự dối trá, đồi bại, lừa lọc, đố kỵ hay tham lam trong kiếp trước mà phải đầu thai làm quỷ đói. Như là kết quả của nghiệp báo, họ phải gánh chịu khổ sở bởi sự đói khát tột độ với sự nếm trải một thứ chất liệu hoặc vật thể cá biệt. Theo truyền thống, những chất và vật thể đó là ghê tởm, chẳng hạn như xác chết hoặc phân, mặc dù trong những câu chuyện gần đây hơn, nó có thể là bất cứ thứ gì, nhưng đó là thứ kỳ quái.

Về tên gọi, thuật ngữ Phạn preta có nghĩa là “người quá cố, quá vãng, người chết”; từ pra-ita, nghĩa đen là “đã ra đi, đã qua đời”. Trong tiếng Phạn cổ, thuật ngữ này đề cập đến linh hồn của bất kỳ người chết nào, nhưng đặc biệt trước khi các nghi thức tang lễ được cử hành, không những được thực hiện kỹ lưỡng hơn đối với một yêu ma hay quỷ. Thuật ngữ Phạn ngữ này tiếp tục được Phật giáo sử dụng để miêu tả một trong lục đạo luân hồi. Thuật ngữ Hán-Việt gọi là “ngạ quỷ”, nghĩa đen là “ma đói”, do đó đây không phải là nghĩa đen của thuật ngữ tiếng Phạn này.

Về hình tướng, preta là linh thể vô hình trong mắt người, nhưng một số người tin rằng có thể nhận thức được chúng trong một số trạng thái tinh thần nào đó. Chúng được mô tả giống con người, nhưng da teo tóp như xác ướp, tay chân khẳng khiu, bụng phình to và dài, cổ nhỏ. Diện mạo này ẩn dụ cho trạng thái tinh thần của họ: ham muốn vô độ, biểu thị bởi cái bụng khổng lồ; nhưng có một khả năng rất hạn chế để đáp ứng sự háu ăn đó, biểu trưng bởi chiếc cổ bé tí.

Preta sống ở những nơi hoang vu, sa mạc của cõi đất, và khác biệt nhau tùy theo nghiệp báo kiếp trước của họ. Một số chúng có thể ăn được một ít, nhưng rất khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn hoặc đồ uống. Một số khác, có thể tìm thấy vật ăn, thức uống, nhưng lại rất khó khăn để nuốt được chúng. Lại một số khác khi có món ăn, đồ uống thì tất thảy vật thực này bốc cháy thành lửa khi họ cố nuốt chúng. Một số trường hợp khác, có thể tìm thấy một thứ gì đó có thể ăn hoặc uống được, nhưng khi nuốt lấy thì các vật thực trở nên khô quắt và héo tàn đi trước mắt họ. Kết quả là chúng luôn ở trong tình trạng đói khát.

Ngoài sự đói khát, preta chịu đựng những đau khổ vì nóng và lạnh; thậm chí ngay cả mặt trăng cũng làm chúng cháy xém vào ngày hè; trong khi đó, mặt trời làm đóng băng những preta vào mùa đông.

Những đau đớn của preta có phần tương tự với những người sống trong địa ngục, và hai loại chúng sinh này rất dễ bị nhầm lẫn. Sự khác biệt đơn giản nhất là những chúng sinh trong địa ngục bị giới hạn trong thế giới âm ty, trong khi các preta được tự do di chuyển nơi này nơi nọ.

Về mối quan hệ giữa preta với con người, preta thường được xem là ít gây hại đến tính mạng con người, ngoại trừ khao khát mãnh liệt của chúng hướng trực tiếp đến sự tồn tại, chẳng hạn như máu. Tuy nhiên, trong một vài truyền thống, các preta cố gắng ngăn cản người khác thỏa mãn ham muốn của chính bản thân họ bằng các phép thuật, ảo giác, hay sự ngụy trang/trá hình. Chúng cũng trở nên vô hình hoặc biến hóa làm khuôn mặt trở nên quái dị khiến con người khiếp sợ.

Trong Hindu giáo, preta là những chúng sinh có thật. Chúng là một dạng, thân thể chỉ là gió/không khí và Akasha (không trung hay vật chất tối hoặc không gian), hai trong số năm nguyên tố cấu thành chính yếu của trái đất hay các hành tinh bất kỳ nào khác - tức đất, nước, lửa, gió và không. Chúng có những hình thức khác nhau tùy theo karma/nghiệp của các kiếp trước, nơi linh hồn sinh ra trong hình thể tương tự các hình dạng con người hoặc các hình thức của những thực thể hữu tình, nhưng với sự khác biệt duy nhất là không sở đắc từ một đến ba các nguyên tố. Trong Hindu giáo, một atma hay linh hồn được hạn định để tái sanh sau khi chết của một thân xác gồm năm hay nhiều hơn năm nguyên tố. Một linh hồn phù du là tinh khiết và sự tồn tại của nó có thể so sánh với một Deva (thiên) nhưng trong hình thức cuối cùng của sự sinh thành thể chất. Các yếu tố, ngoại trừ Akasha được xác định là thành phần phổ biến trong toàn vũ trụ và việc đảm bảo bốn nguyên tố là thuộc tính phổ biến của các hành tinh, tinh tú hoặc những nơi chốn của sự sinh ra. Đây là lý do mà Preta không thể ăn hoặc uống những phần còn lại của ba nguyên tố (đất, lửa, và nước) do đó không tiêu hóa hoặc tiếp nhận lượng vật chất có thể cung cấp cho chúng.

II. Ngạ quỷ trong tín niệm Phật giáo[2]

Ngạ quỷ, Phạn: Preta, Pitr; Pāli: Peta. Hán âm: Tiết-lệ-đa, Bế-lệ-đa, Tỷ-lễ-đa, Tỷ-lợi-đa, Di-lệ-đa, Bế-đa-ty-đế-lê. Còn gọi: Quỷ đạo, Quỷ thú, Ngạ quỷ đạo. Đây là loài quỷ thường chịu khổ đói khát, do đời trước tạo nhiều nghiệp ác, nhiều tham dục. Một trong 3 đường, 1 trong 5 loài, 1 trong 6 đường, 1 trong 10 cõi (thế giới của loài ngạ quỷ - Ngạ quỷ giới). Cõi quỷ đói (ngạ quỷ) là một trong lục đạo của cõi Dục giới Phật giáo.

Đôi khi Ngạ quỷ còn được gọi là Diệm khẩu, còn gọi: Diễm khẩu, Diện nhiên. Tên một loại quỷ đói, thân thể khô gầy, cổ nhỏ như cây kim, miệng phun ra lửa. Vì đời trước keo kiệt bỏn xẻn nên có quả báo này. Mặt khác, theo luận Đại trí độ 30, loại quỷ không có oai đức thường bị đói khát là Ngạ quỷ, loại quỷ có oai đức hay hưởng thụ dục lạc là Tệ quỷ.

1.      Kinh tạng chính đề cập về ngạ quỷ

Theo kinh Hoa nghiêm, những hành động độc ác sẽ khiến cho linh hồn được tái sinh vào một trong sáu cảnh giới khác biệt. Mức độ cao nhất của hành động độc ác này sẽ làm cho linh hồn được tái sinh như một cư dân của địa ngục, mức độ thấp hơn của hành vi gian ác sẽ khiến cho linh hồn tái sinh thành súc vật, và mức thấp nhất sẽ khiến cho linh hồn tái sinh như một quỷ đói. Theo truyền thống, hành động xấu xa dẫn đến việc trở thành một quỷ đói là giết người, trộm cắp và gian dâm. Sự ham muốn, tham lam, giận dữ và vô minh đều là những nhân tố khiến cho linh hồn tái sinh làm quỷ đói bởi vì chúng là động cơ để con người có các hành động xấu xa.

Ngạ quỷ báo ứng kinh (dịch vào đời Đông Tấn, 317-420), thuật về việc Tôn giả Mục-kiền-liên giảng nói cho các loài ngạ quỷ nghe về những nghiệp nhân của chúng. Bản dịch khác của kinh này là kinh Quỷ vấn Mục Liên, 1 quyển do ngài An Thê Cao dịch vào đời Hậu Hán.

Ngạ quỷ sự (Pāli: Peta-vatthu), xuất hiện sau Đức Phật nhập diệt khoảng 200 năm. Nội dung kinh này thuật lại cảnh giới, nghiệp nhân và sự giải thoát của ngạ quỷ. Sách chú giải kinh này có Chân đế đăng (Pāli: Paramattha-dipani) và bản Nhật dịch của ngài Cung Điền Lăng Đạo.

2.      Ngạ quỷ đạo, còn gọi ngạ quỷ thú, là loài ngạ quỷ, một trong năm loài hoặc sáu loài.

Trong loài Ngạ quỷ có những loài có oai lực lớn như Dạ-xoa, La-sát… cho nên tân dịch là quỷ, bỏ chữ ngạ. Nhưng phần nhiều những kinh luận cựu dịch đều gọi ngạ quỷ, bởi trong loài quỷ thì ngạ quỷ đông nhất.

Theo Đại thừa nghĩa chương 8, phần cuối, sở dĩ gọi là ngạ quỷ bởi vì loại này thường bị đói khát (ngạ) và mọi người thấy chúng đều sợ (quỷ). Loài quỷ này gầy ốm xấu xí, cả năm không được ăn uống, hoặc ở đáy biển, hoặc ở núi rừng, vui ít khổ nhiều mà lại sống lâu. Do xưa kia tham lam ganh ghét, dối trá mọi người nên bị đọa vào loài này.

3.      Ngạ quỷ trụ xứ

Về nơi ở của loài ngạ quỷ, các kinh luận phần nhiều cho rằng cõi Diêm-ma (Phạn: Yama-loka) là chỗ ở chính của loài ngạ quỷ, hoặc cho rằng Tiết-lệ-đa (Phạn: Preta-loka) là thế giới ngạ quỷ, do vua Diêm-ma là chúa tể.

Kinh Chánh pháp niệm xứ nêu lên 2 chỗ ở của loài ngạ quỷ: 1. Trong nhân gian, nơi mồ mả, hang động, núi non ở thế gian. 2. Trong thế giới ngạ quỷ, tức ở dưới cõi Diêm-phù-đề 500 do-tuần, chu vi 3 vạn 6 ngàn do-tuần.

Luận Đại Tỳ-bà-sa 172, ngoại trừ chỗ ở chính là cõi Diêm-ma, ngạ quỷ còn ở 2 nơi trong Nam Thiệm Bộ châu: 1. Núi rừng cung điện, chỗ thanh tịnh, là nơi ở của loài ngạ quỷ oai đức. 2. Nơi tạp uế không thanh tịnh, là nơi ở của loài ngạ quỷ không có oai đức.

Theo luận Thuận chánh lý 31, thì ngạ quỷ thành ở phía Tây Nam Thiệm Bộ châu có 500 nơi, trong đó có 2 nơi là chỗ ở của ngạ quỷ, mỗi nơi đều có 250 thành, một nơi dành cho loài ngạ quỷ có oai đức, một nơi dành cho loài ngạ quỷ không có oai đức.

4.      Các loại ngạ quỷ

Xét về tên gọi theo kinh Chánh pháp niệm xứ 16 thì có 36 loài như: Ca-bà-ly (hoạt thân ngạ quỷ), Kiền-đà (thực khí ngạ quỷ), Bà-la-ba-xoa (thực tiểu nhi ngạ quỷ), A-thác-tỳ (khoáng dã ngạ quỷ), Ma-la-ca-da (sát thân ngạ quỷ)…

Xét theo của cải sở hữu thì luận Thuận chánh lý 31 nêu ra 3 loài ngạ quỷ: 1. Ngạ quỷ không của cải: Gồm 3 loại: ngạ quỷ miệng lửa, ngạ quỷ miệng kim, ngạ quỷ miệng thối. Loại ngạ quỷ này hoàn toàn không có thức ăn, thường bị đói khát; nếu gặp được thức ăn, khi đưa đến miệng cũng biến thành lửa đỏ, không ăn được. 2. Ngạ quỷ ít của cải gồm 3 loại: ngạ qủy lông kim, ngạ quỷ bướu cổ, ngạ quỷ lông thối. Loại ngạ quỷ này chuyên ăn máu mủ. 3. Ngạ quỷ nhiều của cải gồm 3 loại: ngạ quỷ hy từ, ngạ quỷ hy khí, ngạ quỷ đại thế. Loại ngạ quỷ này ăn thức ăn thừa của người hoặc vật. Hai loài ngạ quỷ ít của cải và nhiều của cải còn gọi là ngạ quỷ có của cải (Hữu tài ngạ quỷ).

Ngoài ra còn có những sự phân chia khác, như luận Du-già sư địa cho rằng có 3 loại: ngạ quỷ do ngoại cảnh làm chướng ngại việc ăn uống, ngạ quỷ do nội thân làm chướng ngại việc ăn uống và loại ngạ quỷ ăn uống không bị chướng ngại.

Theo A-tỳ-đàm tâm luận 8, ngạ quỷ có loại do hóa sanh, có loại do thai sanh.

Ngoài ra còn thấy đề cập đến loài ngạ quỷ thực tử, một loại ngạ quỷ ăn thịt con. Theo kinh Bách duyên, xưa có một vị phu nhân vì ganh tị với người thiếp đang có thai, bí mật hạ độc khiến cho thai bị hư, khi bị tra xét lại thề rằng (Đại 4, 266 hạ): Nếu tôi thực sự làm hư thai bà thì sau khi chết tôi sẽ làm ngạ quỷ, trong một ngày một đêm sinh ra 500 người con, sanh ra liền ăn thịt, nhưng không bao giờ no cả. Sau đó, quả nhiên phu nhân này sanh vào loài ngạ quỷ, trong một ngày sinh ra 500 đứa con, sinh ra bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, mà không thể nào no được.

Bên cạnh đó, những kinh luật khác gọi quỷ này với ba tên khác nhau: 1. Kinh Niết-bàn gọi là Khoáng dã quỷ. 2. Kinh Nhị Diệm Khẩu gọi là Diệm Khẩu quỷ. 3. Luật Tỳ-nại-da gọi là Ha-lợi-đế mẫu, đều do Như Lai khéo dùng phương tiện quyền xảo biến hiện ra.

Ngoài ra, thế gian gọi trẻ con tham ăn là ngạ quỷ, gọi những kẻ dâm dục là Sắc ngạ quỷ, gọi những kẻ giàu có mà bỏn xẻn là Hữu tài ngạ quỷ.

5.      Thọ mạng và kích thước

Về thọ mạng của ngạ quỷ hoặc cho rằng dài nhất là tám vạn bốn ngàn năm, ngắn nhất thì không định được, hoặc cho rằng năm ngàn năm ở nhân gian là một ngày đêm trong loài quỷ.

Còn Pháp uyển châu lâm 6 ghi: Thân ngạ quỷ cao nhất là một do tuần, nhỏ nhất như đứa bé cao ba tấc.

6.      Ngạ quỷ nghiệp ác nghiệp dẫn sinh vào đường ngạ quỷ.

Kinh Nghiệp báo sai biệt ghi, có 10 thứ nghiệp khiến chúng sinh thọ báo ngạ quỷ: 1. Thân tạo nghiệp ác nhẹ, 2. Miệng tạo nghiệp ác nhẹ, 3. Ý tạo nghiệp ác nhẹ, 4. Khởi lòng tham nhiều, 5. Khởi lòng ác tham, 6. Ghen tỵ, 7. Tà kiến, 8. Mến tiếc của cải lúc lâm chung, 9. Chết do đói, 10. Chết do khát.

Mười nghiệp ác tạo ra ngạ quỷ nghiệp là: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ý ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, tham dục, sân nhuế, tà kiến. Có thể chia làm 3 phẩm:

1.      Thượng phẩm: Nghĩa là trong lúc định làm, đang làm, đã làm việc ác mà không có tâm hối cải.

2.      Trung phẩm: Đã làm mà biết hối cải.

3.      Hạ phẩm: Lúc đang làm mà biết hối cải. Ngạ quỷ nghiệp thuộc về phẩm này.

Đại thừa nghĩa chương 7 (Đại 44, 610 hạ) ghi: “Tạo mười ác nghiệp, thượng ác sinh địa ngục, trung ác sinh súc sanh, hạ ác sanh ngạ quỷ”.

Ngoài ra, Ngạ quỉ nhân cũng để chỉ nghiệp nhân dẫn đến quả báo ngạ quỷ. Có hai loại: 1. Nghiệp nhân chung: Tức ngoài các nghiệp ác như phá luật nghi, phạm giới Bồ-tát, hủy Phật Niết-bàn…, còn các tạp nghiệp khác như muốn nổi tiếng, hoặc không có đức mà muốn sánh với bậc hiền thánh, hoặc khởi thập ác bực hạ. 2. Nghiệp nhân riêng: Được ghi rõ trong các kinh Ngạ quỷ báo ứng, Lục đạo luân hồi, Phật thuyết quỷ vấn Mục Liên.

Theo kinh Ngạ quỷ báo ứng, trong các loài ngạ quỷ ở địa ngục, có loài thường bị khổ về đau đầu, là do lúc làm người lấy gậy đánh vào đầu chúng sanh, có loại toàn thân phỏng lửa đau đớn, là do từng lấy lửa thiêu đốt chúng sanh, có loại ăn hoài mà không no, là do không cho chúng sinh ăn uống.

7.      Ngạ quỷ tam chướng

Có ba chướng ngại về sự ăn uống của ngạ quỷ. Theo luận Du-già sư địa 4, ba chướng là: 1. Ngoại chướng: Chướng ngại do các thức ăn uống biến thành máu mủ, khiến ngạ quỷ không thể dùng được. 2. Nội chướng: Chướng ngại từ thân của ngạ quỷ là cổ họng nhỏ như kim, miệng như cây đuốc, bụng lớn như trống, dù được thức ăn nhưng không thể nuốt được. 3. Không chướng: Tuy không bị chướng ngại bởi những thức ăn uống và tự thân, nhưng bị nghiệp lực chiêu cảm nên thức ăn uống cháy đỏ thành than, cũng phải chịu cái khổ đói khát.

8.      Ngạ quỉ ái, tên khác của dục ái, là một trong hai thứ ái. Bởi chúng sinh yêu mến vợ con, tham nhiễm năm dục không khác gì loài ngạ quỷ, cho nên gọi là Ngạ quỷ ái. Kinh Đại bát Niết-bàn 5 (bản Bắc) (Đại 12, 394 trung) ghi: “Ái có 2 thứ: Ngạ quỷ ái và Pháp ái. Người chân giải thoát xa lìa Ngạ quỷ ái, thương xót chúng sanh nên có Pháp ái”.

III. Lễ nghi ngạ quỷ

1. Thí ngạ quỷ hội [3], còn gọi: Thí ngạ quỷ thực, Thí thực hội, Thủy lục hội, My Sơn thủy hội, Minh Dương hội; gọi tắt: Thí ngạ quỷ. Pháp hội cúng thí ngạ quỷ đôi khi còn được nói đến là Diệm khẩu, còn gọi: Phóng diệm khẩu.

Pháp sự thí thực cho ngạ quỷ được cử hành căn cứ theo kinh Cứu bạt Diệm khẩu ngạ quỷ đà-la-ni. Trong pháp hội này đối tượng thí thực chủ yếu là loài ngạ quỷ. Đây là một Phật sự để siêu độ loài ngạ quỷ cũng như để tưởng niệm người đã chết. Pháp sự này được khởi đi từ câu chuyện: Ngài A-nan nhập định trong rừng, thấy một ngạ quỷ (tên là Diệm Khẩu), hình dạng khô gầy, sắc mặt hung ác, đầu tóc rối bù, móng vuốt bén nhọn, bụng lớn như núi, cổ nhỏ như kim, phun lửa trước mặt. Ngài A-nan kinh hãi hỏi lý do. Ngạ quỷ bảo vì đời trước tâm keo kiệt, bỏn xẻn, tham lam không biết đủ, sau khi chết phải đọa trong đường ngạ quỷ, biến thành thân hình như thế này và chịu đã nhiều năm.

Ngạ quỷ lại nói với ngài A-nan rằng, ba ngày sau mạng ngài sẽ hết và sẽ bị đọa vào loại ngạ quỷ này… Ngài A-nan sợ hãi, vội vàng đến trước Phật cầu xin cứu độ. Đức Phật bèn nói kinh Diệm khẩu và pháp thí thực cho A-nan nghe, nghĩa là nếu như ông có thể bố thí thức uống ăn cho hằng hà sa ngạ quỷ và các tiên nhân, thì không những chẳng đọa vào đường ấy, mà còn kéo dài tuổi thọ. Các quỷ thần thường đến ủng hộ, gặp được sự an lành.

Cũng theo kinh này, khi hành pháp thí, người cúng dùng tay trái cầm chung nước nhỏ, cho vào đó một ít cơm, bún hoặc bánh, tay phải bắt ấn, tụng chú bảy biến, kế tụng danh hiệu của Như Lai: Đa Bảo, Diệu Sắc Thân, Quảng Bác Thân, Ly Bố Úy, sau đó khảy móng tay bảy lần, rồi đổ lên trên đất sạch.

Khởi đi từ tín niệm này, pháp thí thực ngạ quỷ càng ngày càng phổ biến trong hoạt động nghi lễ nhà Phật và trở thành một pháp sự quan trọng.

Lợi sanh chí trong Thích môn chánh thống 4 (Vạn tục 130, 401 hạ) ghi: Pháp thí thực tất cả trời, người đều không biết, chỉ có Đức Như Lai vì đại bi phủ che tất cả, bất nhẫn trước nỗi khổ đói khát mà tất cả hàm linh phải chịu, nên Ngài mượn duyên khởi Diện Nhiên quỷ vương, sai Tôn giả A-nan tụng chú vào một nắm thức ăn rồi bố thí cho quỷ này. Hiện nay việc cúng thí thông hành trong giới xuất gia, tại gia gọi là Thí ngạ quỷ thực.

Những tác phẩm nói về cúng thí ngạ quỷ, đầu tiên có Thích thị yếu lãm của ngài Đạo Thành, về sau có ngài Tuân Thức đời Tống soạn Thí thực pháp, ngài Nhân Nhạc soạn Thí thực tu tri. Sau đời Nam Tống có cư sĩ Như Như Nhan Bính cũng soạn Thí thực văn, ngài Thạch Chi Tông Hiểu soạn Thí thực thông lãm, đời Nguyên có ngài Trung Phong Minh Bản soạn Khai cam lộ môn

Điều thất nguyệt, chương Nguyệt phân tu tri, sắc tu Bách Trượng thanh quy 7 (Đại 48, 1155 thượng) ghi: “Ngày rằm giải chế, vào buổi chiều lập hội Vu lan bồn tụng kinh thí thực”.

Người đời sau căn cứ vào Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi tăng ích khoa nghi mà chia làm 2 phần Kính cúng và Bi thí:

1. Kính cúng chia làm bảy mục: Thăng tòa, Nhập định, Sái tịnh, Quy y, Đạo tràng quán, Hiến mạn-đồ-la và Phổ cúng dường.

2. Bi thí chia làm 6 hạng mục: Nhập định, Triệu thỉnh, Hiển thí thực, Diệt chướng, Mật thí, và Hồi hướng.

Khi hành pháp thí này, nên chọn vào giờ Tuất và giờ Hợi (buổi chiều khoảng từ 7 giờ đến 11 giờ khuya), bởi vì qua giờ này thì quỷ thần không thể ăn được.

2. Vu Lan hội [4]

Đối với Phật tử Phật giáo Đại thừa, tháng Bảy âm lịch là một tháng vui mừng. Ngày mười lăm tháng Bảy thường được biết đến là ngày Tự tứ của chư Tăng và đó cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu. Nguồn gốc của ngày Tự tứ có thể tìm thấy trong các kinh sách khác nhau. Khi Đức Phật còn tại thế, các môn đệ của Ngài thiền định trong các khu rừng rậm của Ấn Độ trong suốt mùa mưa của những tháng mùa hạ - gọi là An cư kiết hạ. Sau ba tháng, vào ngày mười lăm tháng Bảy, họ từ các khu rừng trở về cử hành lễ kết thúc kỳ tu và báo cáo việc tu tập của mình cho Đức Phật. Trong kinh Ullambana, Đức Phật đã chỉ dẫn cho đệ tử Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana) về việc làm thế nào để có thể giải thoát cho mẹ, người đã tái sinh vào một cảnh giới thấp hơn, bằng cách dâng thực phẩm cúng dường lên Tằng đoàn vào ngày mười lăm tháng Bảy. Lễ Vu lan bắt nguồn trực tiếp từ đó. Song tín niệm về “Ullambana”, nghĩa là “giải đảo huyền”, tức giải thoát khỏi hình phạt treo ngược, được thấy đề cập trong sử thi Ấn Độ cổ đại là Mahabharata, mà nó bao gồm câu chuyện về một nhà tu hành khổ hạnh thấy tổ tiên của ông bị treo ngược trong luyện ngục vì ông không lập gia đình và không có người nối dõi để thừa kế. Câu chuyện Phật giáo nói về việc cứu mẹ khỏi hình phạt ở địa ngục có hai dị bản. Một là, ở Petavatthu, thuộc kinh tạng Pāli, kể rằng đệ tử của Đức Phật là Sariputta/Xá-lợi-phất đã cứu mẹ khỏi hình phạt ở địa ngục. Câu chuyện được kể là xảy ra trong thời Đức Phật tại thế, nhưng niên đại chính xác có lẽ là thế kỷ thứ III TL. Hai là, trong kinh Vu lan bồn (Ullambana sutra) của Phật giáo Đại thừa cũng có kể lại câu chuyện này, nhưng thay vì Sariputta lại là Moggallana/Mục-kiền-liên. Bản kinh được dịch sang Hán ngữ vào thời Tây Tấn (266-313). Trong kinh này, Mục-kiền-liên đã hỏi Đức Phật làm cách nào để cứu mẹ đang bị đọa làm ngạ quỷ dưới địa ngục. Truyện kể rằng, Mục-kiền-liên khi sử dụng “thiên nhãn thông” của mình quán sát, đã thấy sự đau khổ của mẹ, và thỉnh cầu Đức Phật cứu giúp. Nhưng Đức Phật đã giải thích rằng “chỉ riêng thần lực của Mục-liên không thể làm bất cứ điều gì”, vì tội lỗi của mẹ ông vô cùng sâu nặng. Thay vào đó, vào ngày mười lăm tháng Bảy, ông hãy sửa soạn “những thứ thuần khiết nhất, tốt lành nhất thế giới” và dâng cúng chúng cho các chư Tăng, vào thời điểm quan trọng nhất trong năm là cuối mùa An cư kiết hạ. Lễ Vu lan bồn được nối kết với việc dâng cúng thức ăn đồ uống và tế tự vong hồn của tổ tiên quá vãng, nhằm giúp họ không trở thành “ngạ quỷ/quỷ đói”. Đây là sự hòa hợp tín niệm Phật giáo với những ý niệm về lòng hiếu thảo của người Trung Hoa.

Những câu chuyện về sự trừng phạt và quả báo nghiệp bắt nguồn từ tín niệm ngạ quỷ trên đến đời nhà Đường phát triển mạnh mẽ. Mục-liên là một đề tài phổ biến trong các bài giảng chư Tăng. Họ thường sử dụng tranh vẽ và tụng ca để thuyết giảng, làm phong phú thêm câu chuyện về Mục-liên với nhiều biến thể và khiến nó phổ biến khắp Trung Quốc. Các dị bản thư tịch của những câu chuyện này là biến văn hay truyền kỳ, trong đó có một số lượng lớn được lưu giữ trong thư viện hang động ở Đôn Hoàng.

Văn bản đầy đủ và quan trọng nhất được phát hiện tại Đôn Hoàng là “Mục-kiền-liên/Maudgalyāyana”: Sự biến đổi văn bản về Mục-kiền-liên/Mahamaudgalyāyana giải cứu mẹ từ âm ty, gồm những hình vẽ, một cuộn giấy, và lời nói đầu. Trong văn bản này, tên gốc của Mục-liên/Mulian có nghĩa đen là “Củ cải”, hay “Cây củ cải”, biệt danh điển hình của người Trung Quốc, và mẹ của ông là bà Thanh Đề.

Trước khi Mục-liên xuất gia, chàng đi ra nước ngoài để buôn bán và đưa cho mẹ mình tiền để cúng dường thức ăn cho chư Tăng và những người ăn mày. Nhưng người mẹ keo kiệt đã giấu số tiền này đi. Chẳng bao lâu, sau khi Mục-liên trở về, mẹ ngài qua đời và Ngọc Hoàng phán xét rằng bà nên được chuyển cho Diêm vương/Yama, người cai trị thế giới âm ty, và đọa xuống tầng địa ngục thấp nhất vì sự dối trá ích kỷ. Mục-liên sau đó xuất gia và sử dụng thần lực của mình để đi đến cõi trời. Ở đó cha ngài, người đã siêu sinh lên cõi trời đã nói cho ngài biết rằng mẹ ngài đang đau đớn cùng cực trong Avīci/A-tỳ địa ngục. Nghe vậy, Mục-liên bèn đi xuống địa ngục thăm mẹ. Trên đường đi, ngài gặp quỷ đầu trâu đang buộc những kẻ phạm tôi băng qua dòng sông đi đến địa ngục và ôm chặt lấy cột đồng nóng đốt cháy ngực họ. Nhưng tại thời điểm khi Mục-liên tìm thấy mẹ mình, bà bị đóng đinh với bốn mươi chín cây đinh sắt. Ngài đã tìm đến Đức Phật thỉnh cầu sự giúp đỡ và được ban cho một chiếc gậy để đập vỡ các bức tường và giải phóng các tù nhân ở địa ngục từ tầng thấp đến tầng cao hơn, nhưng mẹ ngài vẫn không được giải thoát. Mẹ Mục-liên tiếp tục tái sinh làm quỷ đói. Cổ bà quá nhỏ nên không bao giờ được ăn no. Mục-liên cố gắng gửi thức ăn đến cho mẹ bằng cách đặt nó lên bàn thờ tổ tiên, nhưng những thức ăn này bùng cháy thành lửa khi nó vừa đến miệng bà. Để giải cứu mẹ khỏi sự đau khổ này, Đức Phật đã chỉ dạy Mục-liên và tất cả những người con hiếu thảo thực hiện một buổi lễ lớn vào ngày 15 tháng Bảy, là thời điểm chư Tăng kết thúc kỳ An cư kiết hạ. Khi đó mẹ Mục-liên tái sinh một lần nữa, và lần này bà làm một con chó đen. Mục-liên tụng kinh trong bảy ngày bảy đêm và mẹ ông được tái sinh trở lại làm người. Cuối cùng bà đã sinh về cõi trời.

Đạo làm con được thể hiện sinh động trong dị bản này. Mẹ của Mục-liên gọi ngài là “người con trai hiếu thảo”, khi Mục-liên “nghẹn ngào với những giọt nước mắt tuôn rơi như mưa”. Như trong kinh Vu lan bồn, bà chỉ có thể sám hối tội lỗi bằng công đức của nhiều vị Tăng, chứ không phải riêng một vị Tăng nào. Mục-liên, người con đức hạnh, nói rằng điều quan trọng nhất là “tình cảm yêu thương cha mẹ của một người và sự hết mực ân cần của người ấy”. 

Những câu chuyện đôi khi sử dụng tính chất phàm tục. Khi mẹ của Mục-liên tái sinh làm một con chó mực, Mục-liên tìm kiếm bà và bà thừa nhận rằng bà sống khá hơn so với khi làm ngạ quỷ. Là một con chó, bà nói: “Ta có thể đi hay ở, ngồi hay nằm nghỉ theo mình muốn. Nếu ta đói, ta luôn có thể ăn phân người trong nhà xí; nếu ta khát, ta luôn có thể làm dịu cơn khát nơi máng xối/máng nước. Vào buổi sáng, ta được nghe ông chủ cầu nguyện Tam bảo gia hộ; vào buổi chiều tối, ta được nghe vợ ông đọc các kinh văn cao quý. Làm một con chó và phải chấp nhận sự dơ bẩn, ô uế là trả một cái giá rất nhỏ so với địa ngục”.

Trong một dị bản khác, “Truyền thuyết về Mục-liên”, Mẹ của Mục-liên - bà Thanh Đề, đã từng rất sùng đạo, nhưng sau khi người chồng qua đời, bà đã chọn hiến tế động vật để ăn thịt, sử dụng bạo lực và đáng nguyền rủa. Sau khi bà chết, Ngọc Hoàng xét tội, đọa bà xuống âm ty. Yama/Diêm vương, người cai trị thế giới âm ty, phái yêu ma đưa bà đi, và bà đã nói dối họ và con trai của mình rằng bà đã không ăn thịt hay làm bất kỳ điều gì sai trái. Các yêu ma sau đó cũng đưa bà đi.

Các biến thể sau này sử dụng câu chuyện của Mục-liên cho các mục đích khác nhau. Vào thế kỷ XIII, trong kinh Huyết bồn, mẹ Mục Liên phải bơi trong một hồ máu và uống máu, là quả báo bà phải chịu vì để máu kinh nguyệt của mình chảy vào chỗ lấy nước của dân làng.

Ngoài các kinh văn, tác phẩm nhạc kịch dân gian “Mục Liên giải cứu mẹ” được gọi là “Những vở nhạc kịch vĩ đại của tất cả tôn giáo Trung Hoa”, thường thể hiện cho lễ cúng cô hồn vào ngày mười lăm tháng Bảy âm lịch. Màn biểu diễn “thể hiện những bí ẩn về cái chết và sự tái sinh trong những cảnh giới có tác động to lớn đến khán giả” và đã truyền thông điệp về giá trị tôn giáo và đạo đức cho cộng đồng, mặc dù không phải luôn luôn trong hình thức chính thống. Câu chuyện cũng trở thành một phần chuẩn mực của các tang lễ của Phật giáo, đặc biệt là ở vùng nông thôn, cho đến cuối thế kỷ XX. Truyền thuyết này theo đà phổ truyền của Phật giáo Đại thừa đã lan truyền nhanh chóng đến các vùng khác của Đông Á, và là một trong những áng văn sớm nhất được viết ra trong văn học Hàn Quốc ,Việt Nam và Nhật Bản

HUỲNH THANH BÌNH

Chú thích hình:

A1: Mục Liên đối mặt với mẹ. Tranh cuộn Kyoto, Nhật Bản, cuối thế kỷ XII.

A2: Lãnh địa của quỷ đói và việc cúng tế. Tranh cuộn Nhật Bản hiện lưu giữ tại Bảo tàng Kyoto.

A3: Tranh cuộn ngạ quỷ. Bảo tàng Kyoto, Nhật bản, cuối thế kỷ XII.

A4, A5, A6, A7: Gaki zoshi - Tranh cuộn ngạ quỷ. Bảo tàng Tokyo, Nhật Bản, thời kỳ Heian, thế kỷ XII.

A8: Ngạ quỷ. Tranh vẽ Miến Điện.

A9: Lãnh địa của ngạ quỷ. Tranh thangka Tây Tạng.

A10: Tranh vẽ Mục-liên và mẹ.

A11: Tranh vẽ Mục-liên và mẹ, thế kỷ XIX.

 

Chú thích:


 

[1] Theo:

-       Firth, Shirley (2005). End of Life: A Hindu View, The Lancet xb.

-       Sharma, H.R (2009). Funeral Pyres Report, Đại học Benares Hindu xb.

-       J.L. Shastri/Ban học giả (1982). Garuda Purana, Motilal Banarsidass xb.

-       Ernest Wood (1911). Garuda Purana, S.V. Subrahmanyam xb.

-       Monier-Williams, Monier M. (1990). A Sanskrit-English dictionary, Motilal Banarsidass xb.

[2] Theo:

-      Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 5: L-M-N-NG, tr.4357-4361.

-      Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2: C-CH-D, tr.621.

[3] Theo:

-        Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 9: TH, tr.8136.

-        Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2: C-CH-D, tr.621.

[4] Theo:

-        Teiser, Stephen F (1988). The Ghost Festival in Medieval China, Đại học Princeton xb, tr.6-9, 114.

-        Waley, Arthur (1960). “Mu Lien Rescues His Mother from Hell”, những câu chuyện từ động Đôn Hoàng, Allen and unwin xb, tr.216-235 .

-        Langer, Rita (2007). Buddhist Rituals of Death and Rebirth: Contemporary Sri Lankan Practice and Its Origins, Routledge xb, tr.276.

-        Bandō, Shōjun biên tập (2005). “The Ullambana Sutra (Taishō tập 16, số 685)”, Trung tâm Dịch thuật và Nghiên cứu Phật giáo Numata xb, tr.17-44.

-        Mair, Victor H. (1989). T'ang Transformation Texts, Đại học Harvard xb, tr.17-18.

-        Guo, Qitao (2005). Ritual Opera and Mercantile Lineage: The Confucian Transformation of Popular Culture in Late Imperial Huizhou, đại học Stanford University xb, tr.91-96.

-        Williams, C.A.S. (1941). Chinese Symbolism and Art Motifs, Kelly & Walsh xb, tái bản bởi Dover, 1976, tr.455.

-        Johnson, David (2000). “Mulian Rescues His Mother”, đại học Columbia xb, tr.93-104. 

-        Cole, Alan (2013). “The Passion of Mulian's Mother: Narrative Blood and Maternal Sacrifices in Chinese Buddhism”, Suny xb, tr.119, 129-130.

-        Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 10: U-V-X-Y, tr.9182-9184.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác