Mary Foster - Nữ Hộ pháp thời hiện đại

MARY FOSTER - NỮ HỘ PHÁP THỜI HI

MARY FOSTER - NỮ HỘ PHÁP THỜI HIỆN ĐẠI

Thích nữ Như Bổn

 

Trong cuộc sống, để có được sự thành công, ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân thì cần phải có sự trợ duyên của rất nhiều yếu tố khác. Cũng như một ngọn lửa không thể lan rộng và duy trì nếu như không có người tiếp thêm nhiên liệu.

Nếu như Anagarika Dharmapala (1864-1933) là người thắp lên ngọn đuốc phục hưng Phật giáo vào thế kỷ XIX để soi rọi cho thế giới biết đến giá trị của Phật giáo, cũng như sự cần thiết phải khôi phục lại một tôn giáo đã bị lãng quên ngay chính quê hương sản sinh ra nó, thì người đã tiếp thêm nhiên liệu để ánh sáng ấy được duy trì, lan tỏa và có thể chống chọi với những cơn gió nghịch cảnh đó chính là bà Mary Foster.

Mary Elizabeth Mikahala Robinson Foster sinh ngày 21 tháng 9 năm 1844 ở Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ. Cha của Foster là một thợ đóng tàu người Anh tên là John James Robinson. Mẹ là Kaikilani Rebecca Prever, hậu duệ của vua Kamehameha I - Đại đế Hawaii1

Mary Foster là chị cả của bốn người em (ba gái: Victoria Kathleen Robinson Ward, Bathsheba Maria Kulamanu Robinson Allen, Lucy Hannah Robinson McWayne; và một trai: Mark Prever Robinson).

Mary Foster lớn lên trong giới hoàng gia, là bạn thân của nữ hoàng Liliuokalani, người đứng đầu đảo Hawaii. Em trai của Foster là Mark Prever Robinson, từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của nữ hoàng Liliuokalani. Năm 1893, khi nữ hoàng Liliuokalani bị lính Mỹ lật đổ và bị giam cầm tại cung điện Iolani, Foster là một trong hai người được phép đến thăm nữ hoàng trong thời gian bị giam cầm.

Năm 16 tuổi, Mary Foster kết hôn với Thomas R. Foster, chủ của một ngân hàng giàu có ở Bắc Mỹ. Năm 1889, trong một chuyến đi tới San Francisco, Thomas bị bệnh và qua đời, khiến cho Mary Foster trở thành góa phụ ở tuổi 45 khi chưa có một người con nào nối dõi. Sự ra đi của người chồng Thomas đã khiến cho Mary Foster vô cùng đau đớn. Bà phải mất rất nhiều thời gian bằng những chuyến du lịch xa nhà mới có thể quên đi nỗi đau và sự mất mát trong cuộc đời. Tuy nhiên, những chuyến đi đó đã đem đến cho Foster mục đích mới khi gặp ngài Anagarika Dharmapala, một người Phật tử Sri Lanka.

Họ gặp nhau trên tàu S.S.Oceanic tại bến cảng Honolulu khi Dharmapala đang trên đường rời hội nghị tôn giáo thế giới ở Chicago trở về Tích Lan vào ngày 18 tháng 10 năm 1893. Gặp Dharmapala, bà Foster đã tâm sự với ông về nỗi đau khi chồng qua đời và người bạn thân bị giam cầm tra khảo. Những nỗi đau đó đã khiến tính khí của bà Foster luôn nóng nảy không kiểm soát được, và bà đã nhờ Dharmapala cho lời khuyên làm thế nào để có thể khắc phục những điều ấy. Là một Phật tử thực hành thiền định, Dharmapala đã tư vấn cho bà Foster phương pháp thiền chánh niệm gọi là Vipassana và hướng dẫn cho bà thực hành quán niệm rằng: “tôi sẽ tốt, tôi sẽ kiềm chế cơn giận dữ đang tăng lên”2. Hãy thực hành ý niệm ấy và lặp lại chúng như một công thức. Dharmapala còn đọc một số câu thơ nổi tiếng nói về “Sự giận dữ” từ Visuddhi Magga (Thanh tịnh đạo) của ngài Buddhaghosa. Ngoài ra, Dharmapala cũng tâm sự với bà Foster về những ấp ủ của mình và những việc ông đang làm cho phong trào phục hưng Phật giáo. Với những lời khuyên mà Dharmapala tư vấn cho bà Foster, nó không chỉ đem lại thành công trong việc chinh phục tính khí thất thường của Foster mà còn khiến bà có ấn tượng sâu sắc về những phẩm chất của Dharmapala, và bà đã nhận tài trợ cho hoạt động phục hưng Phật giáo của Dharmapala.

Biết được các dự án và những việc đã và đang làm cho Phật giáo của Dharmapala thông qua Tạp chí Maha Bodhi, bà Foster đã gửi tiền đóng góp hàng năm cho Dharmapala để duy trì hoạt động của Hội Maha Bodhi. Số tiền đó lên đến nửa triệu đô-la.

Tháng 1 năm 1901, Dharmapala đã mua ba lô đất từ Zamindar để mở một trường học miễn phí ở Sarnath từ số tiền đóng góp của bà Foster. Ngôi trường này được hoàn thành và đi vào hoạt động bắt đầu từ tháng 6 năm 1904.

Tháng 8 năm 1902, khi đang ở Los Angeles, California, Dharmapala đã viết thư cho bà Foster kêu gọi giúp đỡ xây dựng trường nông nghiệp tại Sarnath và giúp đỡ cho những trẻ em mù chữ ở miền Bắc Ấn Độ. Ngày 16 tháng 10 năm 1902, bà Forter đã gửi cho Dharmapala một lá thư và kèm theo 500 đô-la, và quỹ Trường Công nghiệp Foster ngay lập tức được thành lập3.

Ngày 3 tháng 1 năm 1903, bà Foster lại gửi thêm 3.000 đô-la để giúp Dharmapala mở Trường Công nghiệp Foster. Dharmapala đã dùng số tiền đó mua những dụng cụ nông nghiệp cần thiết từ Montgomery, Chicago rồi phân phối chúng đến Calcutta, đồng thời thành lập Trường Công nghiệp Foster ở Hamath vào tháng 6 năm 1904 dưới sự hướng dẫn của giảng viên nông nghiệp Hoa Kỳ do Ủy ban Boston chọn.

Năm 1906, khi biết tin cha của Dharmapala qua đời, bà Foster đã đề nghị nhận Dharmapala làm con nuôi. Khi đã trở thành mẹ nuôi của Dharmapala, bà Foster càng tích cực hơn trong việc hỗ trợ các hoạt động của người con nuôi cho đến cuối đời. Từ năm 1906 trở đi, hàng năm bà Foster đều gửi tiền trợ giúp cho công việc của Dharmapala. Số tiền đó được chi cho công việc giáo dục thường trực ở Ceylon.

Năm 1891, khi Dharmapala đến Calcutta, không ai biết gì về đạo Phật và cũng không có nơi để Phật tử hành hương có thể ở lại. Vì vậy, Dharmapa đã ấp ủ xây dựng ở nơi đây một ngôi chùa để Phật tử đến có chỗ lễ lạy và ở lại. Giấc mơ đó đã được thực hiện khi Bộ trưởng Giáo dục đồng ý cấp đất cho Hội Maha Bodhi tại hai thánh tích của Phật giáo với điều kiện phải xây dựng hai Vihara (tịnh xá, chùa), một ở Calcutta và một ở Samath, Banaras. Vì vậy, chùa Dharmarajika Chaitya đã được khởi công xây dựng và hoàn thành vào tháng 12 năm 1920 trong khuôn viên trường cao đẳng ở Calcutta dưới sự hỗ trợ đóng góp của rất nhiều người, trong đó bà Foster ủng hộ 65.123 rupee; em trai út của Dharmapala là Tiến sĩ C.A.Hawavitame và bạn là ông N.D.S.Silva ủng hộ 4.000 rupee; quốc vương của Baroda (miền Tây Ấn Độ) ủng hộ 10.000 rupee, và ông G.D.Birla ủng hộ 5.000 rupee4.

Từ năm 1902 đến 1913, bà Foster đã đóng góp 3.000 rupee mỗi năm cho Hội Maha Bodhi, phần lớn trong số đó được sử dụng để mua một ấn phẩm in ấn và để duy trì công việc giáo dục của hiệp hội tại Ceylon.

Năm 1913, Dharmapala đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt tới Hawaii để cám ơn sự hỗ trợ vô điệu kiện mà bà Foster đã cống hiến cho sự hồi sinh của Phật giáo. Trước khi Dharmapala rời Hawaii, bà Foster đã trao cho ông 60.000 rupee để thành lập một bệnh viện miễn phí ở Colombo. Bệnh viện ấy được đặt tên là Foster Robinson Free Hospital để tưởng nhớ người cha quá cố của bà5.

Tháng 1 năm 1915, theo lời đề nghị của Dharmapala, bà Foster gửi cho Dharmapala 17.781 rupee để xây dựng chùa và các công trình ở Sarnath. Nhưng vì bị chính phủ Ấn Độ giam lỏng tại nhà trong vòng 7 năm nên Dharmapala không thể thực hiện được dự án này. Mãi đến năm 1922, chùa Mulagandhakuti ở Sarnath mới từng bước được xây dựng và hoàn thành vào năm 1927. Kinh phí xây dựng ngôi chùa này lên đến 111.000 rupee, trong đó sự đóng góp của bà Foster chiếm phần lớn.

Vào năm 1918 đến 1923, số tiền bà Foster đóng góp lên đến 100.000 đô-la; và số tiền này đã được Dharmapala đầu tư cẩn thận để đảm bảo sự tiếp tục cho công việc của ông6.

Năm 1926, Dharmapala đến London và thấy sự cần thiết của việc thành lập Hội Maha Bodhi ở nơi này. Tuy nhiên lúc này bà Foster đang ở San Francisco, do vậy Dharmapala đã thân chinh đến nơi để tìm kiếm sự giúp đỡ từ bà. Bà Foster đã nói với Dharmapala rằng: “Tôi có tiền, tôi muốn làm điều tốt, nhưng tôi không biết cách tốt nhất để làm điều tốt đó. Vì vậy, tôi giao phó lý tưởng của mình cho cậu và thông qua việc làm của cậu để đạt được mục đích”7. Do đó, trước khi Dharmapala rời San Francisco, bà Foster hứa sẽ đóng góp 900 rupee mỗi tháng cho The London Mission (Hội truyền giáo London).

Những đóng góp của bà Foster không chỉ ở Ấn Độ, Tích Lan mà còn ở Hawaii. Bà đã hiến đất dọc theo xa lộ Pali để xây dựng Honpa Hongwanji, ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Honolulu, và ủng hộ trường trung học Hongwanji. Bà còn thành lập học bổng tại trường Kamehameha, giúp bệnh nhân nghèo tại bệnh viện Kapiolani, mua đất từ các nhà đầu tư nước ngoài để cho người Hawaii bản xứ ở. Trước khi qua đời vào năm 1930, bà đã để lại ngôi nhà và gia sản của mình cho thành phố Honolulu để làm Vườn thực vật Foster. Trong khu vườn này có một cây bồ đề do Dharmapala chiết từ cây bồ đề ở Anuradhapura, Sri Lanka (cây bồ đề ở Anuradhapura lại có nguồn gốc từ cây bồ đề ở Bodha Gaya) mang đến trồng.

Việc hộ pháp cuối cùng của Mary Foster trước khi qua đời là để lại cho Dharmapala khoản tiền 50.000 đô-la để ông cải thiện trường học và bệnh viện Foster. Điều này được bà ghi rõ trong di chúc như sau: “Nhằm hỗ trợ cho ngài Anagarika Dharmapala trong việc duy trì các cơ sở (trường học, bệnh viện) ở Ấn Độ và Tích Lan, tôi để lại cho Anagarika Dharmapala tổng số tiền là 50.000 đô-la để trao tặng, hoặc thêm vào khoản tài trợ của các trường học và bệnh viện. Số tiền nói trên sẽ được gửi đến ngài Anagarika Dharmapala hoặc cho người kế nhiệm của ngài ấy. Sau khi số tiền đã được trao tặng cho quý ngài như như được nêu, người thừa hành của tôi sẽ không tham dự vào việc sử dụng số tiền 50.000 đô-la nói trên”8.

Chúng ta không thể đưa ra những con số chi tiết, cụ thể về những đóng góp của bà Foster cho Hội Maha Bodhi, các công trình phúc lợi cũng như sự nghiệp phục hưng Phật giáo. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một điều rằng, nhờ sự giúp đỡ của bà Foster mà Hội Maha Bodhi mới có được một tòa nhà của riêng mình ở Calcutta để làm trụ sở chính, cũng như một vài ngôi chùa ở các thánh tích mới được dựng lên và những công trình phúc lợi được mở ra để giúp cho người nghèo ở Ấn Độ và Sri Lanka. Với tất cả những đóng góp của mình cho Phật giáo, bà Mary Foster xứng đáng được gọi là Visakha thời hiện đại.

 

Chú thích

(1). Maha Sthavira Sangharakshita, Flame in Darkness - The life and saying of Anagarika Dharmapala, Triratna Grantha Mala, Parnakuti Society, Yerawada, Pune, 1980, tr.116.

(2). Sđd., tr.116.

(3). Dr. Kahawatte Siri Sumedha Thero, Anagarika Dharmapala: The Lion of Lanka, Second Asoka in India, Mulagandha Kuti Vihara, Sarnath, Indian, 2006, tr.132.

(4). Sđd., tr.134.

(5). Maha Sthavira Sangharakshita, Flame in Darkness - The life and saying of Anagarika Dharmapala, Triratna Grantha Mala, Parnakuti Society, Yerawada, Pune, 1980, tr.118.

(6). Sđd., tr.120.

(7). Sđd., tr.122.

 (8). Anagarika Dharmapala, Great Personalities, The Maha Bodhi Centenary Volume 1891-199, 1907, tr.44.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác