Bức tranh trên cát.

buc tranh

Sáng nay tôi tìm thấy một quyển sách có một tựa đề rất lạ, tình cờ giở đọc vài trang, trong ấy có một câu truyện khá thú vị. Có một anh chàng rất yêu nghệ thuật, nhất là tranh vẽ. Một ngày nọ anh đứng trên một bờ đá, nhìn xuống phía dưới là bãi biển cát trắng. Xa xa, anh thấy có một người đàn ông đang cắm cúi vẽ một bức tranh trên cát. Người ấy vẽ hình của một gương mặt, nhưng với một cái nhìn lập thể, như là nó được nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau, cùng một lúc. Giống như là một bức tranh của Picasso!
 

    Nghĩ đến đó, anh ta cố gắng nhìn kỹ lại người hoạ sĩ đang vẽ. Tim anh như ngừng đập, người ấy chính là nhà danh họa Picasso. Mỗi ngày anh vẫn thường đi dạo trên lối đi này, và anh biết chỉ vài giờ nữa thôi, thuỷ triều sẽ dâng lên, và bức tranh kia của Picasso sẽ bị sóng cuốn xoá tan đi. Anh phải làm gì bây giờ đây? Anh biết mình phải bảo vệ bức tranh vô giá trên cát ấy, nhưng bằng cách nào đây?

    Anh đâu thể ngăn được nước thuỷ triều đang lên! Anh cũng đâu có thì giờ để xây một bức tường bảo vệ nó! Hay là anh chạy về nhà, lấy một chiếc máy ảnh để chụp lại bức tranh ấy, nhưng rồi nó cũng chỉ là một phóng ảnh của bức tranh nguyên thuỷ mà thôi. Mà cho dù anh có làm việc ấy đi chăng nữa, chưa chắc gì khi anh trở lại, bức tranh ấy vẫn chưa bị sóng xóa tan đi. Hay là việc mà anh có thể làm bây giờ, là ngắm nhìn bức tranh có một không hai đó, thưởng thức cái hay và đẹp của nó, cho đến khi nào con nước đến mang nó đi. Đứng yên đó, anh không biết mình nên mừng vui hay buồn tiếc.

    Bạn nghĩ sao, anh ta nên mừng vui hay tiếc nuối? Thật ra thì chúng ta cũng đâu có khác gì mấy với anh chàng ấy đâu bạn nhỉ! Trong một ngày nghỉ, ngồi nơi góc phòng nhỏ trong một quán sách cà phê, tôi cũng đang nhìn ngắm một bức tranh đẹp của cuộc sống, với ý thức rất rõ rằng thuỷ triều đang lên, và tất cả rồi cũng chỉ là còn lại trong ký ức! Trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng đối diện với những hoàn cảnh như anh chàng ấy, có biết bao nhiêu những hình ảnh mà ta muốn lưu giữ mãi, và cũng có biết bao nhiêu những phiền muộn, mà ta cứ tưởng rằng chúng sẽ không bao giờ đổi thay. Nhưng tất cả rồi cũng phai mờ, tan biến, cho dù đó là một hạnh phúc hay khổ đau.

 

 

    Tôi nghe kể về Aldous Huxley, ông  là một nhà văn và cũng là một triết gia người Anh rất nổi tiếng của thế kỷ 20. Thời gian ngắn trước khi ông mất, có người đến phỏng vấn và hỏi ông rằng, ông đã học được gì từ cuộc sống của mình, từ những vị thầy và các đạo sư mà ông đã có dịp tiếp xúc? Ông thinh lặng một hồi rồi đáp, "Tất cả chỉ tóm lại có bây nhiêu thôi: 'Learning to be kind'. "  Ta hãy sống sao để mình tử tế với người chung quanh hơn, có từ tâm hơn, biết đối xử với nhau bằng tình người hơn.

    Trong một khóa tu học, một chị có chia sẻ với chúng tôi về một bài thơ của bác chị viết,

"Trăm năm trước thì ta chưa có

Trăm năm sau có cũng như không

Cuộc đời sắc sắc không không

Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi"

 

    Cuộc đời này dù có hay không gì thì chúng ta vẫn cần có một tình thương. Dù cuộc sống có biến đổi đến đâu thì tình thương vẫn sẽ còn tồn tại mãi, bỡi vì nó là chân thật. Cái gì chân thật thì không bao giờ bị mất mát. Tình thương có một năng lượng mang lại hạnh phúc, nó ôm ấp và chuyển hóa hết mọi khổ đau cho dầu có to tát đến đâu!

    Chúng ta cũng như anh chàng trong câu truyện bức tranh trên cát của Picasso, đối diện với một cuộc sống đầy những đổi thay, có cố nắm bắt hay trốn tránh thì cũng chỉ mang lại cho mình thêm những muộn phiền không cần thiết. Cuộc đời này rồi vẫn sẽ tiếp tục có những nắng mưa, những ngày họp mặt, những buổi chia tay, những ngày lễ hội đông vui, hay những đêm dài lo âu, và cũng có những bất ngờ mà ta không bao giờ đoán trước được…  Nhưng giữa những biến đổi ấy bao giờ cũng có một cái gì rất chân thật và sẽ không bao giờ mất đi, đó là một tình thương phải không bạn!

Nguyễn Duy Nhiên

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác