Quán Tâm

QUÁN TÂM

QUÁN TÂM

Thích Trung Hữu

 

Khi nói đến “tu người ta thường nhắc đến chữ tu tâm, tức là tu cái tâm của mình. Tuy nhiên, tu tâm cũng có nhiều khía cạnh, cấp độ khác nhau, từ cạn đến sâu, từ nghĩa thông thường như tu tâm dưỡng tánh cho đến việc quán tâm để đạt đến giác ngộ giải thoát.

Hòa thượng Thích Thiền Tâm có viết hai quyển sách, là quyển Tu tâm và quyển Dưỡng tánh, để dạy người ta sửa đổi những tâm ác, những thói hư tật xấu (tu tâm) và nuôi dưỡng, bồi dưỡng và phát triển những đức tính thiện lành, tốt đẹp đã có nơi mình (dưỡng tánh). Tham lam, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, ngã mạn, ganh tỵ, lười biếng, nóng giận... là những tính xấu ác cần nên từ bỏ. Còn những đức tính tốt đẹp như chân thật, khiêm nhường, rộng lượng, vị tha, yêu thương con người và động vật, hay có lòng giúp đỡ người có hoàn khó khăn... là những đức tính tốt nên nuôi dưỡng và phát triển cho ngày càng lớn hơn. Trong cuộc sống không thiếu những người từng làm điều xấu ác, nhưng sau khi có duyên gặp Phật pháp, họ liền “hồi đầu thị ngạn”, “phóng hạ đồ đao”, bỏ hết những thói hư tật xấu và tích cực làm việc thiện, trở thành một người “Tạt nhật dạ xoa tâm, kim triêu Bồ-tát diện”, lấy việc giúp đỡ người khác làm ý nghĩa đời sống của mình.

Những người như trên được gọi là người tốt trong xã hội, và xã hội rất cần những người như thế để giúp đỡ và xoa dịu nỗi đau cho những người bất hạnh khác, góp phần ổn định và tạo nên một xã hội nhân văn đầy tình người. Đối với một người bình thường hay một Phật tử thì như thế là tốt rồi, tuy nhiên đối với người xuất gia thì bao nhiêu đó chưa đủ. Người xuất gia ở chùa không chỉ làm một người tốt bình thường mà còn phải là người có đời sống tâm linh sâu sắc, vượt lên những giới hạn của phàm phu để chứng nhập vào dòng Thánh. Mà muốn được như vậy thì người tu không chỉ làm từ thiện, không chỉ nghiên cứu kinh sách để giảng dạy mà còn phải đi sâu vào nội tâm của mình, đem cả thân tâm của mình ra để mà tu tập. Nói cách khác, nếu bạn muốn chứng đạt thì bạn không chỉ làm những việc bên ngoài mà bạn phải biết quán tâm. Nếu bạn không biết quán tâm, không thực hành quán tâm, chưa từng trở về và sống với tâm mình thì bạn chưa gọi là tu gì cả. Chưa biết quán tâm tức là chưa biết đường lối, cách thức tu, chưa biết cửa vào đạo vậy. Tu mà không quán tâm lại mong được giác ngộ thì chư Tổ gọi đó là lấy cát mong nấu thành cơm. Gạo nấu mới thành cơm chứ cát thì dù nấu cho đến ngàn năm cũng không thể thành cơm được, không thể ăn được.

Quán Tâm con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn”. Đức Phật nói “con đường độc nhất” khi đề cập đến thiền Tứ niệm xứ, nhưng ta không nên hiểu một cách máy móc, hạn hẹp là chỉ có thiền Tứ niệm xứ mới là con đường độc nhất. Thiền không phải là một pháp môn cụ thể, riêng biệt nào mà thiền là bất cứ điều gì có xu hướng hướng hướng vào tâm, vào bên trong của chúng ta, là ý thức về thực tại của thân tâm một cách chánh niệm và đầy hiểu biết. Dù cho bạn có tu pháp môn này hay pháp môn kia, nhưng nếu pháp môn đó không gắn liền với tâm, xa rời tâm thì pháp môn đó sẽ không thể nào đưa đến giác ngộ và giải thoát; ngược lại pháp môn nào đặt dưới sự quán chiếu của tâm thì đó là pháp môn đúng đắn mà Đức Phật đã dạy, có thể đưa đến Niết-bàn. Chính vì điều này mà có người đã định nghĩa chữ “ngoại đạo” là đạo hướng ra ngoài, là ngoài tâm mà tu, thiết nghĩ cũng quá đúng. Dù bạn mang hình thức Phật giáo nhưng nếu ngoài tâm mà tu thì bạn vẫn là ngoại đạo ở trong Phật Pháp mà thôi.

Trong Khóa hư lục của vua Trần Thái Tông có một bài kệ như thế này:

Tỷ trước chư hương, thiệt tham vị

Nhãn manh chúng sắc, nhĩ văn thanh

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách

Nhật viễn gia hương vạn lý trình.

Nghĩa là:

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng

Mắt theo hình sắc, mũi theo hương

Lênh đênh làm khách phong trần mãi

Ngày hết, quê xa vạn dặm đường.

Bài kệ này đã nói lên một cách chính xác và sâu sắc triết lý cũng như phương pháp tu của Phật giáo, rằng tu là hướng vào trong chứ không phải chạy theo bên ngoài. Hướng vào trong mới là con đường trở về nguồn cội, còn chạy ra bên ngoài thì càng chạy càng xa chân tâm bản tánh của mình. Xa đến nỗi quên cả đường về. Rồi năm này qua năm khác, đến gần cuối cuộc đời mà vẫn là kẻ lạc loài nơi đất khách của ngũ dục lục trần, còn ngôi nhà tâm linh của mình thì ở đâu đó rất xa.

Đến đây thiết tưởng cũng cần nói qua một chút về tâm là gì và quán tâm là như thế nào. Tâm tức là chân tâm của mình, là Phật tính, là tánh biết, là bản lai diện mục... Trong Phật pháp, tâm có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo tông phái, pháp môn, nhưng đều có đặc tính là “thường tịch quang”, tức là cái biết thường hằng và thanh tịnh. Tình cảm, cảm xúc và suy nghĩ thì khi có khi không, còn cái biết ấy thì lúc nào cũng có mặt. Nó lúc nào cũng có nhưng chúng ta không nhận ra để sống với nó mà chỉ sống với tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ, là những thứ do duyên hợp và rất vô thường. Tu chính là nhận ra và sống với cái tâm thường biết đó. Thấy được cái tâm đó gọi là kiến đạo, sống với cái tâm đó là tu đạo, và khi đã trở thành một với cái tâm đó gọi là chứng đạo. Đó là nói về chữ tâm, còn quán tâm là như thế nào? Là dùng tâm ấy để nhận biết những gì khởi lên như tư tưởng, suy nghĩ, cảm xúc... Khi chúng khởi lên ta biết chúng khởi lên, khi chúng hiện diện ta biết chúng đang hiện diện, và khi chúng biến mất ta biết chúng đã biến mất. Khi những cái đó biến mất rồi thì cái tánh biết đó vẫn còn. Cái tánh biết đó như một người quan sát lúc nào cũng có mặt để quan sát các hiện tượng khởi lên. Chỉ quan sát thôi chứ không chạy theo, quan sát một cách tỉnh táo. Và trong khi quan sát như vậy, ta vẫn không rời chân tâm hay tánh biết của mình.

Khi chúng ta tham, chúng ta biết là mình có tâm tham và (lầm tưởng) cho rằng lý trí ta biết; thế nhưng khi lý trí biết thì cái gì biết là lý trí biết? Hẳn nhiên lý trí không thể tự biết nó đang biết. Phải có cái gì khác biết lý trí đang biết. Cái đó chính là tánh biết sn có nơi mọi chúng sinh. Những thứ mà con người sử dụng trong cuộc sống như tâm lý, tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, tư duy, sáng tạo… đều có nguồn gốc từ tánh biết ấy, dưới tác động của ngoại duyên. Lấy ví dụ như sự sáng tạo của con người. Con người sáng tạo ra nghệ thuật hay sáng chế ra các thứ từ vật dụng hàng ngày cho đến bom nguyên tử, con người (lầm tưởng) rằng đó là do lý trí, nhưng thật ra không phải. Lý trí chỉ là sự tập hợp những học hỏi, kinh nghiệm. Vậy sự sáng tạo có phải do cảm xúc? Cảm xúc thuộc về tình cảm, không có khả năng nhận thức thì làm sao sáng tạo, phát minh được. Lý trí và cảm xúc, hay sự kết hợp của chúng đều không có khả năng sáng tạo. Lý trí không khác gì cái máy nếu như không có nền tảng là tánh biết. Sự kết hợp giữa lý trí, cảm xúc dưới nền tảng của tánh biết nữa mới phát sinh sự sáng tạo. Tánh biết ấy luôn luôn chi phối, tác động lên con người nhưng con người không biết. Con người tưởng đâu tất cả chỉ là do những gì họ học hỏi được.

Người càng sống được với tánh biết thì càng trở nên thông thái, bởi vì trong tánh biết có đủ tất cả. Lục Tổ Huệ năng sau khi đại ngộ đã thốt lên rằng“Chẳng ngờ tự tánh xưa nay vốn tự đầy đủ”. Đối với Đức Phật, những gì Đức Phật dạy là do Ngài tự biết chứ đâu phải do kiến thức Ngài học từ trước từ người khác. Ai hỏi cái gì Đức Phật cũng trả lời được, mà những lời Ngài nói ra đều phù hợp với chân lý. Tổ Huệ Năng không đọc, học kinh điển nhưng ai hỏi nghĩa lý kinh điển ngài đều giải thích rõ ràng, mà những lời giải thích của ngài lại còn đúng hơn, còn hay hơn những người được gọi là chuyên gia về kinh điển nữa. Ví như pháp sư Ấn Tông, một người chuyên về kinh Niết-bàn, sau khi gặp Huệ Năng và nghe Tổ giảng giải đã rất thán phục và thừa nhận với Tổ rằng: “Tôi giảng kinh ví như ngói gạch, nhân giả luận nghĩa ví như vàng ròng”. Sở dĩ như thế là vì những gì pháp sư Ấn Tông giảng là do học được, mà cái học được từ bên ngoài thì có khi trúng, khi trật, cũng như bị pha tạp với thành kiến của phàm phu; còn những gì Lục Tổ giảng là xuất phát từ tâm giác ngộ, là vàng nguyên khối. Mới hay chân tâm bản tánh chỉ là một, khi trở về với chân tâm bản tánh đó rồi thì “Tâm - Phật - chúng sinh, tam vô sai biệt”, “Phật Phật đạo đồng”. Chính vì điều này mà tôi nghĩ rằng, nếu tâm mình thanh tịnh thì mình sẽ suy nghĩ giống như Phật, còn tâm mình mà không thanh tịnh, còn tham sân si thì dù mình có học kinh điển gọi là uyên bác tới đâu đi nữa cũng không thể nào hiểu đúng ý nghĩa chân thật của kinh được.

Mối quan hệ giữa tánh biết và các hiện tượng tâm lý, tinh thần là mối quan hệ giữa nước và sóng. Sóng được hình thành từ nước dưới tác động của gió. Sóng là nước nhưng sóng không giống như nước. Sóng không giống như nước nhưng sóng cũng chính là nước. Người ngộ đạo là người trong khi hoạt động với sóng nhưng vẫn sống với tánh nước của sóng. Tuy an trú trong tánh nước nhưng vẫn tùy duyên theo sự thay đổi của sóng. Một ví dụ khác là vàng và đồ trang sức. Vàng thì nguyên khối nhưng đồ trang sức thì có đủ các loại như cà rá, nhẫn, dây chuyền hay các đồ vật khác... Cho nên ở nơi chân lý tuyệt đối không có những khái niệm nhị nguyên như thiện ác, nam nữ, thánh phàm... Vàng thì chỉ là vàng thôi chứ đâu có ai nói vàng đực, vàng cái; nhưng khi làm ra đồ vật thì người ta có thể tạo ra đủ các hiện tượng. Người chưa giác ngộ thì sống với đồ trang sức, còn người giác ngộ thì sống với tánh vàng của những đồ vật đó. Đồ trang sức thì thay đổi còn tánh vàng thì muôn đời vẫn vậy. Đó là lý do tại sao phàm phu thì đau khổ trước sự sinh diệt, đổi thay của vạn pháp, còn bậc giác ngộ thì không. Bởi vì họ không sống với sóng và đồ trang sức mà họ sống với nước và vàng, cho nên giữa muôn ngàn biến đổi họ vẫn như như bất động.

Khi chúng ta thường xuyên sống với chân tâm của mình cũng như biết quán tâm như thế, cuộc sống của ta sẽ dần dần thay đổi một cách tốt đẹp. Ta sẽ trở nên bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn, thấy và nhận định sự việc một cách khách quan và đúng với bản chất của sự vật, sự việc, những thói quen không tốt trước đây ta cố gắng bỏ mà không bỏ được thì giờ chúng dần dần không còn nữa, ta cũng không còn cảm thấy cô đơn khi ở một mình nữa... Đó là những tác dụng trước mắt của người biết quay lại sống với chính mình mà người nào thực hành đều có thể nhận ra. Còn tác dụng cuối cùng của nó chính là giác ngộ. Giác ngộ không thể tìm trong kinh sách mà chỉ có thể tìm nơi thân tâm của mình, bởi vì đơn giản giác ngộ là giác ngộ cái tâm này chứ không phải cái gì khác bên ngoài.

Và trong vũ trụ này cũng chỉ có loài người mới có đủ tố chất tốt nhất để quán tâm và giác ngộ. Các loài thực vật thì vô tri vô giác. Các loài động vật có tri giác nhưng không đủ nhận thức về thân và tâm của chúng. Một số loài động vật sống và hoạt động như một cái máy, không hề ý thức được sự tồn tại, hiện hữu của bản thân. Ví dụ như con chó nhìn vào gương thấy cái bóng của nó nhưng nó tưởng đâu đó là một con chó khác chứ không phải là cái bóng của nó. Hay thỉnh thoảng ta thấy con rắn cắn và ăn cái đuôi của nó, vì nó tưởng đó là con mồi chứ không phải là một bộ phận của thân nó. Điều đó chứng tỏ con chó và con rắn không ý thức về sự tồn tại của chúng. Con người thì phát triển rất cao, không chỉ ý thức về sự hiện hữu của mình mà còn ý thức được mình có một cái tâm cũng như khả năng sử dụng cái tâm đó để làm việc, tu tập. So sánh một chút như thế để thấy rằng con người được sinh ra không chỉ để sống một cuộc sống bình thường như các loài khác mà còn để phát triển tâm linh. Và phát triển tâm linh là nhân cách cao nhất của con người. Cho nên không lạ gì trong suốt hàng ngàn năm lịch sử nhân loại, không hiếm những người đã từ bỏ sự hưởng thụ thế gian để dấn thân vào con đường tâm linh và Đức Phật là một trong những người như thế vậy.

Nhìn lại Phật giáo (Việt Nam) hiện nay, ta thấy rằng đa phần Tăng Ni ngày nay hoạt động hướng ngoại nhiều hơn là tu tập để giác ngộ. Những việc làm để phục vụ xã hội, cưu mang những người bất hạnh không phải là không cần thiết, nhưng thử nghĩ xem, nếu đi tu chỉ là để nấu cơm cho các bệnh viện thì có uổng phí một đời tu quá không? Bỏ thế gian để đi tu thì phải đạt được cái gì hơn thế gian mới xứng đáng chứ. Một người bình thường ngoài đời, học xong lớp 12 rồi vào đại học, rồi đi làm công chức nhà nước hoặc công tác xã hội, rồi thành gia lập thất thì gọi là người thành đạt, có công danh sự nghiệp. Một người tu cũng vậy, học xong lớp 12 rồi vào đại học Phật giáo, rồi ra làm việc Giáo hội hoặc làm công tác xã hội, có duyên thì được trụ trì một ngôi chùa thì gọi là người thành tựu đạo nghiệp. Vậy thì giữa sự nghiệp thế gian và đạo nghiệp trong đạo có gì khác nhau? Nếu đạo nghiệp được hiểu theo nghĩa đó thì danh xưng tuy khác nhau mà tính chất không có gì khác, vẫn phấn đấu để thăng quan tiến chức, vẫn hoạt động để hơn người khác. Chỉ khác là người đời có gia đình còn người tu thì độc thân. Mà nếu vậy thì đạo nghiệp của người tu thua sự nghiệp của người thế gian rồi. Vì người thế gian có thể hưởng tất cả các thứ dục lạc, còn người tu thì không. Như vậy đi tu có ích lợi gì đâu. Không những không đạt được mục đích cao thượng mà ngay cả những hưởng thụ bình thường của đời người cũng không có. Như vậy là mất cả chì lẫn chài rồi.

Có lần có người thấy tôi được Phật tử cúng dường thì nói rằng đi tu sướng quá, được cái này cái kia. Tôi liền nói rằng nếu muốn được cái này cái kia thì tôi không đi tu. Vì ở trong chùa dù có hưởng thụ vật chất thì cũng làm sao bằng người đời cho được. Nếu muốn hưởng thụ vật chất thì ở ngoài đời hưởng thụ đầy đủ và dễ dàng hơn. Đi tu chính là để tìm những giá trị cao thượng hơn, chân thật hơn; chứ nếu người đời ông nọ bà kia mình cũng bà kia ông nọ, người đời nhà cửa đất đai mình cũng đất đai nhà cửa thì có hơn họ gì đâu. Mà nói thật, người đời gọi là đại gia nghe còn được, còn có chút tự hào vì đó cũng là biểu hiện phần nào của sự thành đạt, chứ người tu mà gọi là đại gia nghe có gì đó sai sai, vì người tu được cho là người không sở hữu mà sao lại có nhiều tài sản vậy? Hơn nữa người tu dù có tiền thì cũng là do người ta cúng chứ đâu phải do tự mình làm ra, thì có gì mà tự hào. Người đời được khen giàu thì tự hào chứ người tu mà khen giàu thì chính là một sự mỉa mai. Rồi một đời luống qua, mấy mươi năm ở chùa cũng vẫn là một phàm phu, vẫn trôi lăn trong sinh tử luân hồi như bao nhiêu giám đốc, đại gia khác. Coi như một kiếp ở chùa không được gì cả.

Nhiều người nói rằng tu thời đại ngày nay không thể giác ngộ, chứng quả. Có lẽ là vậy. Nhưng sao ta không đặt câu hỏi và nghiêm túc tìm câu trả lời là tại sao lại như vậy? Và nếu tu không thể giác ngộ thì đi tu là ta theo đuỗi cái gì, tìm cầu cái chi trên con đường mà mình đang đi? Tôi nghĩ rằng, có lý tưởng, mục tiêu đúng dù không thành tựu được vẫn tốt hơn là không có lý tưởng hoặc mục tiêu sai. Nếu ta đặt mục tiêu giác ngộ thì giác ngộ là điều quan trọng nhất đối với ta và do đó ta sẽ không quan trọng những thứ khác. Nhưng nếu mục tiêu giác ngộ không có thì ta sẽ chạy theo những mục tiêu khác, ta sẽ quan trọng những thứ khác, lấy những thứ khác để tô điểm cuộc đời mình, và chúng ta sẽ biến Phật giáo thành một tổ chức xã hội nào đó chứ không còn là con đường giác ngộ của Đức Phật ngày xưa nữa. Nhưng than ôi, trong Phật giáo ngày nay có mấy người lấy giác ngộ làm mục tiêu của đời mình?

Trên đây là những trình bày về tâm và quán tâm trong sự tu tập. Đây chỉ là kiến giải của cá nhân người viết. Nó có thể đúng mà cũng có thể sai, chỉ là nêu ra để mọi người cùng tham khảo mà thôi.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác