Ngộ tâm này rồi, tu như thế nào?

ngo tam nay roi

Ngộ tâm này rồi, tu như thế nào?

Chân Hiền Tâm

Đó là câu hỏi được nêu ra trong cuốn Nguồn thiền.

Nguyên văn của đoạn đó như sau:

Hỏi: Ngộ tâm này rồi, tu như thế nào? Lại y nơi phần giáo tướng nói ban đầu mà tọa thiền chăng?[1]

Đáp: Đây có hai ý. Nếu người hôn trầm nặng nề, không thể sách phát, trạo cử lăng xăng không thể đè dẹp, tham sân mãnh liệt gặp cảnh khó dằn, thì dùng các thứ phương tiện trong giáo trước đây, tùy bệnh điều phục. Nếu người phiền não mỏng yếu, huệ giải sáng bén, thì y bổn tông, bổn giáo mà nhất hạnh tam muội[2].    

Như vậy, bài viết này được khai triển trong cái duyên là tu thiền, nên nói đến việc ngộ tâm, thấy tánh. Với Tịnh độ tông được truyền thừa từ Đại sư Ấn Quang, đó là hai pháp Chuyên niệm Phật tự lực và tự tha đều niệm. Tuy pháp thực hành có khác nhưng cả hai đều lấy việc ngộ tâm làm chính, là ngộ ra tự tánh A Di Đà của mình, không đặt nặng vấn đề vãng sinh Cực lạc như pháp Chuyên niệm Phật tha lực. Đó là chỗ gặp nhau giữa Thiền và Tịnh trong bài viết này.

Giải thích phần câu hỏi

Ngộ tâm này là nhận ra mình cùng các loài đều có tánh Phật như chư Phật. Dù hiện tại tâm thức và thân phần có khác, nhưng tánh Phật vẫn hằng hữu nơi chúng sinh. Đó gọi là ngộ tâm này.

Ngộ này có hai:

1. Tin mình có sẵn tánh ấy, chỉ do vô minh mà trôi lăn trong sinh tử, cũng do vô minh mà không sử dụng được đức tướng và trí tuệ của Như Lai dù vẫn đủ tất cả. Nếu chịu tu hành, phá bỏ vô minh, mỗi người sẽ sống được với tánh Phật của mình. Tuy chỉ mới là tin, vẫn gọi là ngộ tâm ấy. Đây gọi là giải ngộ, là nhận ra được nhờ sự hiểu biết hay học hỏi.

2. Trực nhận được Phật tánh ấy là thấy được tánh Phật ấy như thấy trái cam trong lòng bàn tay, như thật sự biết cái ngọt của đường là thế nào, không chỉ nghe đường ngọt rồi tin mà chưa nếm qua. Nhị tổ Pháp Loa diễn tả chỗ thấy này như sau: “Thấy tánh, không phải có tánh để thấy. Nói thấy là thấy chỗ không thể thấy mà thấy. Cho nên, nói thấy là thấy mà không phải thấy, là chân tánh hiện. Tánh thấy vô sinh…”[3]. Ngộ này gọi là triệt ngộ. Trực nghiệm được cội nguồn tột cùng của tất cả pháp nên nói là “triệt”. Nhà thiền gọi là kiến tánh, là thấy được tánh Phật của chính mình. Cũng là chỗ mà người xưa nói: Đốn ngộ tuy đồng Phật/ Bao đời tập khí sâu/ Gió dừng sóng còn dậy/ Lý hiện niệm còn xâm”. Triệt ngộ rồi vẫn còn phải tiêu trừ tập khí, nên dù kiến tánh rồi vẫn còn phải tu.

Phần giáo tướng nói ban đầu chỉ cho phần giáo thứ nhất trong ba giáo nói trong Nguồn thiền.

Tổ Tông Mật phân giáo thành ba loại. Một, giáo mật ý y tánh nói tướng. Hai, giáo mật ý phá tướng nói tánh. Ba, giáo hiển bày chân tâm tức tánh. Trong ba giáo này chỉ có phần giáo đầu là nhấn mạnh đến tướng, dù phần tướng này được y tánh nói ra, nhưng tánh lúc đó vẫn thuộc mật. Hai phần giáo sau, một là phá tướng hiển tánh, hai là chỉ thẳng tánh ấy. Vì thế, “Phần giáo tướng nói ban đầu” là chỉ cho phần giáo thứ nhất, là phần giáo còn nói ở mặt tướng, chưa nói đến tánh. Phần giáo này có ba. Một, nói về nhân quả trời người. Hai, nói dứt mê diệt khổ. Ba, nói dùng thức phá cảnh.

- Giáo nhân quả trời người nói về nghiệp báo thiện ác không hề sai lệch. Khuyên bố thí, trì giới, thiền định, v.v. để được quả lành, không đọa vào các đường dữ.

- Giáo dứt mê diệt khổ nói về ba cõi không an đều khổ như trong nhà lửa, nói chúng sinh do năm uẩn kết hợp, không có chủ thể, niệm niệm sinh diệt dời đổi, chỉ do chúng sinh chấp có ta, khởi phát tham, sân, si, gây quả tạo nghiệp, luân hồi sinh tử không dứt, v.v. Phần này đề cập đến Tứ quả, khuyên người dứt tập, tu đạo, chứng diệt, là chứng ngã không chân như.

- Giáo dùng thức phá cảnh nói đến tàng thức, là cội gốc từ đó có căn, thân và thế giới chúng sinh, nói đến bảy thức, đến nhị không, tu quán Duy thức, khuyên hành Lục độ ba-la-mật, chứng ngã không và pháp không chân như, thành tựu thân pháp tánh đại Niết-bàn.

Vì câu hỏi có liên quan đến việc ngộ tâm, nên trong ba phần giáo trên, không chỉ y vào phần giáo có cái quả trời người hay chứng được ngã không chân như mà tu, mà phải y vào phần giáo “Dùng thức phá cảnh” mà tu, mới được chỗ tương ưng. Phần giáo này tương ưng với tông “Dứt vọng tu tâm” của thiền môn[4]. Đó là lời dạy của Tổ Khuê Phong trong cuốn Nguồn thiền.

Giải thích phần trả lời

Câu hỏi chỉ đề cập đến phần giáo thứ nhất, tương ưng với tông “Dứt vọng tu tâm” trong thiền môn, nhưng câu trả lời bao gồm luôn tông thứ ba là “Chỉ thẳng tâm tánh”. Về sự bao gồm cả ba tông thì về lý cũng tương ưng với ba giáo, không chỉ dừng ở phần giáo đầu. Đây là mặt tùy duyên của pháp. Về lý tuy đều ngộ ra tâm này nhưng về sự thì việc tu có sai khác, tất cả là do căn cơ của chúng sinh không đồng. Ngay cả việc ngộ tâm cũng có sai khác. Ngộ do tin khác với ngộ do trực chứng. Ngay cả khi trực chứng rồi thì sự giác biết nơi mỗi chúng sinh cũng không đồng, nên câu trả lời phân thành hai ý. 

Hai ý này tương ưng với hai hạng chúng sinh. Một là hạng chúng sinh phiền não tham sân còn nhiều. Hai là hạng chúng sinh phiền não đã nhạt mỏng. Tương ưng với hai loại ngộ tâm là giải ngộ và triệt ngộ đã được giải thích ở trước.

Đối trị tham, sân, hôn trầm, trạo cử

Tham sân là bệnh của hầu hết người đời, chỉ là ít hay nhiều. Trạo cửhôn trầm không phải người đời không có, chỉ là lúc phát khởi công phu tu hành mới biết đến chúng.

Tham là trạng thái không biết đủ, thứ gì cũng muốn, không phải của mình mà cũng muốn dành, v.v. Tham ái, tham tài, tham dục, v.v. Rất nhiều thứ để tham.

Sân là trạng thái hừng hực hiển lên trong tâm khi gặp việc không vừa ý. Có thứ bùng phát ra ngoài. Có thứ thầm kín bên trong. Những thứ này nếu còn lực mạnh, tức đủ duyên liền phát khởi, khởi rồi không dừng được, thì phải dùng pháp đối trị điều phục.

Trong kinh luận Phật giáo thấy có nhiều thứ nghịch nhau, như lúc nói tu, lúc nói không tu, lúc nói tạo phước, lúc nói chiêu tội, v.v. Tuệ Trung Thượng Sĩ nói với Trần Nhân Tông: “Trì giới cùng nhẫn nhục, chiêu tội chẳng chiêu phước”[5], trong khi kinh luận đa phần đều nói phải giữ giới cùng nhẫn nhục. Lục độ ba-la-mật của Bồ-tát vẫn hiển rõ bố thí, trì giới, nhẫn nhục. Có nhiều thứ ngược nhau như thế là do căn cơ của chúng sinh có nhiều hạng, mà mục đích cuối cùng của Phật giáo là làm sao để chúng sinh không còn chấp. Chỉ khi hết chấp, dù là chấp thiện, thì mới thật sự hết khổ, mới có thể ngộ nhập được Niết-bàn vô trụ của tự thân. Vì hai nhân duyên đó mà người còn tham sân thì phải tu, phải áp dụng pháp đối trị, điều phục cho đến khi nào tham sân không còn lực sai dẫn mình. Tham sân hết lực tung hoành thì pháp đối trị cũng phải dừng, nếu không lại vướng vào cái gọi là chấp pháp. Đó là lý do tại sao thấy có những trái nghịch xảy ra trong Phật giáo. Chẳng qua là thuận với duyên khởi mà lập giáo, nên thấy giáo có nhiều loại, có khi trái nhau.

Người tu nếu không biết dụng pháp đúng duyên của mình, việc tu hành sẽ ngưng trệ. Tham sân còn thì nhất định phải có pháp đối trị. Tham thứ gì thì phải đối trị thứ đó. Như tham tiền thì phải tỉnh giác thấy được lòng tham của mình, phải tránh các duyên có dính lứu đến tiền, khiến lòng tham khởi lên, phải cương quyết làm những việc trái lại, như bố thí, cúng dường, v.v. để dứt lòng tham. Nói đối trị là như thế, là dùng thứ đối nghịch với nó mà trị nó.

Vì sao dùng pháp đối trị trị nó? Vì tham sân, v.v. bản chất của chúng là vọng. Gọi là vọng vì gốc của chúng là không, chỉ do chúng sinh không tỉnh nên đã huân tập chúng trong nhiều đời, khiến chúng thành có lực dẫn mình theo nó. Chính vì lực này mà đủ duyên mình liền khởi tâm. Mỗi khi khởi tâm thì thân nghiệp và khẩu nghiệp liền thành tựu. Ít người biết dừng khi tâm mới vừa khởi, chính là do lực khởi mình đã huân tập trong nhiều đời. Huân tập có nghĩa là lặp đi, lặp lại. Phật dùng chữ tập để nói về việc đó. Tập là tích tụ, gom góp, tích chứa. Vì sự tích chứa này mà vọng thành có lực. Phật gọi là lực nghiệp. Giờ tu là để tiêu trừ lực này, không phải tiêu trừ vọng. Vọng rồi không cần trừ. Vọng, nhưng do lực này mà mọi thứ bên ngoài đều thành thật với mình, vọng tưởng cũng thành thật với mình. Vì thế phải tu, phải đối trị cho mất cái lực này. Lực này mất thì vọng tự hiện nguyên hình là vọng. Lúc này sự giác biết của mình đã có lực. Giác có lực thì vọng mất lực.

Muốn thấy được lực này có thể kiểm nghiệm không khó. Hãy lựa ra một thói quen thường nhật của mình, như đọc báo, tụng kinh, v.v. và dừng nó lại trong vài ngày hoặc dài ngày hơn. Sẽ xuất hiện trạng thái trống vắng, khó chịu, thúc đẩy mình trở lại với thói quen thường nhật đó. Sự thúc đẩy đó chính là lực của thói quen. Chúng sinh không thể tự tại được với các pháp là do phần lực đã huân tập này. Thiếu là thấy khó chịu, trống vắng. Muốn tự tại với các pháp nhất quyết phải giải quyết sạch phần thói quen này, bằng cách dùng pháp đối trị. Nhẫn nhịn dùng đối trị sân nhuế; bố thí, biết đủ dùng đối trị xan tham; khởi niệm thì dùng cái không khởi mà đối trị, v.v.

Hôn trầm là tình trạng nặng nề, u ám của tâm. Tọa thiền mà tâm mù mù mờ mờ, không tỉnh sáng, ngủ gật, v.v. thì đều là tình trạng của hôn trầm. Pháp sư Tịnh Không dạy, nếu là loại hôn trầm nhẹ thì dùng việc kinh hành đối trị, nặng thì lễ Phật. Nếu lễ Phật mà vẫn ngủ thì phải chấn chỉnh tinh thần, phải phát đại thệ nguyện, nguyện độ chúng sinh, nguyện liễu thoát sinh tử, nguyện thành Phật đạo. Ngài nói: “Phàm là người thành tựu, không gì khác là nguyện lực đang thúc đẩy họ, họ mới có thể dũng mãnh tinh tấn…[6]. Đại sư Huyền Giác cũng nói: “Hôn trầm tán loạn này đều do chính mình lập chí không vững, lòng tin đạo không thiết tha mà đến như thế”. Vì thế, cần chấn chỉnh tinh thần. Tổ Tư Vấn của Báo Giác Ngộ còn khuyên, trong đời sống thường nhật, cần phải thiết lập đời sống quân bình, làm việc vừa sức, ngủ đủ giấc, không ăn quá no, không uống rượu bia, tọa thiền nơi thoáng mát, đủ dưỡng khí, giữ tư thế lưng thẳng mà thư giản. Quan trọng là nên duy trì sự chú tâm vào một đề mục, v.v. Thiền căn bản cũng nói đến việc điều hòa ăn uống và ngủ nghỉ này. Đây là điều khá quan trọng đối với việc tọa thiền. Ăn no quá, ăn ít quá, ăn những vật không thuận với cơ thể, v.v. đều khiến tâm thức hôn mê, bệnh tật phát sinh.

Hôn trầm cũng là loại nghiệp báo không tốt của người tu, nên sám hối cũng là một trong các pháp trị hôn trầm.

Thiền sư Từ Minh, khi đến Hà Đông tham học với Thiền sư Phần Dương, trời rất lạnh, mọi người đều kinh sợ thối lui, chỉ còn ông ở lại. Ban đêm tọa thiền ma ngủ hiện, ông lấy dùi chích vào đùi khiến ma ngủ biến mất.

Thiền sư Tịnh Lâm, sau khi nghỉ giảng để tu tập thiền định, thường bị ma ngủ quấy rầy. Ông cố sức trấn tỉnh, nhưng chỉ được một lúc lại mơ màng hồi nào không hay. Gần chỗ ông có một cây đại thụ, cành vươn ra giữa hố đá sâu. Muốn đuổi ma ngủ ông bèn lên đó ngồi. Vì sợ lơ đễnh thì nát thây nên không dám ngủ. Nhờ đó trị được con ma ngủ.

Thiền sư Độc Phong Thiện Thiền mỗi khi ngồi thiền thường hay ngủ, vì vậy ông chỉ đứng mà không ngồi nữa, nhưng khi đứng lại dựa vách ngủ quên. Thức giấc, ông lập thệ nguyện không nương vách. Thế rồi thân thể mệt mỏi, mí mắt chỉ muốn sụp xuống. Ông khóc lóc, lễ Phật, sám hối, tìm đủ cách đánh đuổi ma ngủ. Một đêm nghe tiếng chuông vang, ông thấy thân tâm hốt nhiên vắng lặng, không còn chỗ nương tựa.       

Đó là cách đối trị nghiệp hôn trầm của chư vị thiền sư[7]. Các ngài làm được vậy là vì chí đạo của các ngài vững vàng, lòng tin đạo quá thiết tha.                    

Trạo cử là chỉ cho sự loạn động của ba nghiệp.

Thiền căn bản nói diêu động có ba thứ. Diêu động là từ khác chỉ cho trạo cử. Đó là thân diêu động, miệng diêu động và tâm diêu động. Thân diêu động nên ít chịu ngồi yên, thích chạy rong, đùa giỡn, lăng xăng. Miệng diêu động thì ưa ca hát, tranh cãi phải quấy, nói những việc vô ích. Tâm diêu động thì tâm tình phóng túng, ý nghĩ lăng xăng, suy nghĩ văn chương, các điều xét nghĩ xấu ác. Muốn trị trạo cử thì phải đặt tâm vào đề mục thiền quán.

Để đối trị trạo cử,

Với thân, phải tập ngồi yên, bớt đi, bớt đùa, bớt lăng xăng. Lúc đầu thì phải bớt như thế. Kinh luận dạy Phật tử thân ngồi ngay ngắn tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật là để đối trị bệnh diêu động ở thân.

Với miệng phải tập ít nói, không ca hát, không tranh cãi, không nói lời vô ích. Kinh luận dạy niệm Phật, tụng kinh, còn nhà thiền nói để miệng lên mốc như chiếc quạt mùa đông, là để đối trị bệnh diêu động ở miệng.

Với tâm, muốn dừng trạo cử thì phải có pháp đối trị trong phạm vi của tâm. Tâm không yên là do các vọng niệm liên tục hiện khởi trong tâm, từ chủng tử đến hiện hành. Luận Đại thừa khởi tín gọi nó là thức tương tục. Sao gọi là tương tục? Vì niệm này nối tiếp niệm kia liên tục, không dừng nghĩ. Tâm muốn yên phải dứt cho được dòng tương tục này.

Có nhiều cách giúp dứt dòng tương tục. Kinh luận dạy nhiều pháp môn tất cả đều nhắm vào mục đích này. Quy tắc chung là đưa vọng niệm về không, hoặc đưa đa niệm về nhất niệm. Không hoặc nhất niệm chưa phải là chỗ rốt ráo, nhưng đó là điều kiện cần để cái gọi là “Đốn ngộ đồng chư Phật” xuất hiện. Luận Đại thừa khởi tín đưa ra hai pháp giúp dứt dòng tương tục. Đó là pháp Chỉ - Quán và Niệm Phật.

Chỉ là dừng lại. Quán là thấy biết. Thấy hay biết có vọng niệm hiện khởi trong tâm liền dừng lại, không để nó tương tục, là đang hành Chỉ - Quán. Miên mật như thế thì có lúc nhận được tin tức.

Nói nghe đơn giản nhưng khi thực hành thì không dễ, vì lực của dòng vọng niệm khá mạnh. Phải nói là rất mạnh. Vì thế cổ đức có thêm nhiều pháp hỗ trợ giúp việc hành thiền được nhẹ hơn, lực giác tăng, lực vọng niệm giảm. Như pháp Sổ tức hay Tùy tức của Đại sư Trí Khải, pháp chú tâm vào một điểm ngoài cơ thể hay trong cơ thể v.v., tất cả đều nhằm mục đích diệt trừ dần cái lực của dòng vọng niệm.

Ngày mới tập thiền, tôi ứng dụng pháp Biết vọng không theo của Hòa thượng Trúc Lâm dạy, cũng là một dạng của Chỉ - Quán. Tuy biết vọng, vọng liền dừng, chẳng cần thêm động tác nào khác, nhưng dừng không bao lâu đã bị vọng dẫn đi lúc nào không biết. Vì lực của nó quá mạnh, sự giác biết của mình yếu, khó nhận ra nó kịp thời để giác, giác rồi cũng không thể giữ sự tỉnh giác dài hơn. Để giải quyết việc này, tôi đã ngồi lì trong phòng từ ngày này sang ngày khác, chỉ một việc tập trung vào đầu hai que đan len, hy vọng lực của cái biết tăng lên. Mấy tháng sau, ý nguyện đạt được ít nhiều. Tuy vậy, nửa người bên phải đơ, không nhấc cánh tay lên được. Ít hoạt động nên nó như thế. Một thời gian sau thì trở lại bình thường.                 

Trong Tư quy tập, Tổ Ấn Quang dạy: “Pháp trì danh, hạ thủ công phu dễ nhất mà thành công mau nhất. Nếu thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm được liên tục thì ngay đời này sẽ chứng được niệm Phật tam muội. Khi lâm chung nhất định vãng sinh thượng phẩm. Dù căn cơ có hạ liệt, chưa chứng được tam muội mà dùng tín nguyện trì danh hiệu Phật như con nhớ mẹ không gián đoạn, đến khi lâm chung, cảm ứng đạo giao, nương nhờ từ lực của Phật theo nghiệp vãng sinh. Nếu chí tâm trì niệm, niệm đến toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm, không niệm mà niệm, niệm mà không niệm, tâm Phật cả hai cùng rõ rệt, rồi cả hai cùng mất, thì diệu lý thật tướng chân thể hiển lộ. Ngay đó Tây phương hoàn toàn tròn sáng. Đây là trì danh mà thâm đạt thật tướng, chẳng phải dùng quán mà tự thấy Tây phương. Nhiếp cơ rất rộng, lợi ích rất nhiều, rất hợp với kẻ độn căn thời mạt pháp[8]. Diệu lý thật tướng chân thể hiển lộ, nhà thiền gọi là kiến tánh, là cái nhân mà hành giả phải có, mới có thể đạt được cái quả là Niết-bàn Phật. Trong hai cái ngộ, nó thuộc về triệt ngộ, là ngộ do chứng, không chỉ do tin.

Trì danh hiệu Phật với cách như thế là dùng nhất niệm trừ đa niệm. Công phu miên mật thì nhất niệm ấy vỡ ra, tự tánh Di Đà sẽ hiện tiền. Đại sư Hàm Thị nói: “Dùng tâm niệm Phật, niệm Phật tự tâm, tâm Phật đều quên, đồng pháp giới tính[9].     

Nhất hạnh tam muội

Nhất hạnh là một hạnh. Tam muội là chánh định. Có một hạnh mà nhờ nó hành giả có thể đạt được chánh định, pháp đó gọi là nhất hạnh tam muội.

Lục Tổ dạy Đại chúng: “Nhất hạnh tam muội là đối với tất cả chỗ, đi đứng ngồi nằm thường hành một trực tâm… Tâm đừng làm chuyện xiểm khúc, miệng chỉ nói trực, miệng nói nhất hạnh tam muội mà không hành trực tâm. Còn hành trực tâm thì đối với tất cả chỗ, chớ có chấp trước. Người mê chấp pháp tướng, chấp hạnh tam muội, chỉ nói ngồi không động, tâm vọng không khởi tức là nhất hạnh tam muội. Người khởi hiểu thế ấy là đồng với vô tình, trở lại thành nhân duyên chướng đạo”. Muốn thực hành một hạnh mà nhờ nó ta được chánh định thì phải hành trực tâm. Trực tâm là đối với tất cả chỗ không có tâm chấp trước. Việc này phải được thực hành không chỉ khi tọa thiền mà cả với các tướng còn lại là đi, đứng, nằm, tức là trong tất cả thời. Vì không chấp trước trong tất cả thời, với tất cả nơi, nên không tướng nào được chấp trước, dù là ngồi hay đứng. Cũng không chấp trước vào động hay tịnh. Nên nói, không nên giữ chặt cái tâm không khởi cho đó là nhất hạnh tam muội.

Đây chỉ nói đến tướng ngồi và tướng không khởi, vì đó là chỗ mà mọi hành giả tu thiền đều phải thực hành và quy hướng. Tọa thiền là pháp đầu tiên giúp hành giả an định được thân tâm. Vọng tưởng không khởi nghĩa là lực vọng tưởng đã được hàng phục. Tuy vậy, do lực vọng khởi mạnh mà phải dùng cái “không khởi” để đối trị. Đó là phương tiện chẳng phải cứu cánh. Đối trị xong mà vẫn giữ chặt pháp ấy thì liền rơi vào chấp trước. Tâm đã chấp trước, dù là trước không, thì cũng đã có chỗ trụ, trong khi chân thể vốn vô trụ. Như người ngồi thuyền đến bờ kia, khi đến bờ lại không chịu rời thuyền, không thể nào lên bờ. Vì cớ sự đó mà Lục Tổ phá tướng không khởi và tướng ngồi, là bảo người phải rời thuyền để lên bờ. Chẳng phải cho việc hành giả phá bỏ lực khởi của dòng vọng tưởng là sai. Bác đây là bác sự chấp trước, bác việc dùng pháp không đúng duyên.             

Chấp là nắm giữ. Trước là dính mắc. Hành trực tâm là không nắm giữ cũng không dính mắc. Do dính mắc mà chúng ta muốn nắm giữ. Không muốn nắm giữ nữa mà buông không được là do dính mắc. Dính mắc này liên quan mật thiết đến phần Tập nói trong Tứ đế. Tập này nếu được điều phục tốt thì được gọi là “phiền não mỏng yếu, huệ giải sáng bén”. Phải là hạng này mới có thể tu nhất hạnh tam muội, còn lại đều phải dùng pháp đối trị. Nói chi tiết hơn, thứ gì là thói quen hay tập nghiệp của mình, tức lực khởi còn mạnh, thì phải có pháp đối trị. Không phải thói quen thì không cần pháp đối trị.    

Xiểm khúc là quanh co. Tâm không quanh co thì cũng được gọi là trực tâm. Không quanh co nói đây không mang nghĩa gian dối mà thấy nghe không chính xác. Cảnh là a, qua tâm mình thành b, thì gọi là quanh chẳng phải thẳng. Cái quanh này xuất hiện là do tâm chất đầy sở tri và phiền não. Nguyễn Du nói, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Đó là do phiền não chướng mà ra. Phiền não chướng khiến cái nhìn của mình thành lệch lạc, cảnh không còn đúng như chính nó. Ấy là quanh chẳng phải trực. Kinh Lăng-nghiêm nói: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn”. Thấy biết mà lập thấy biết là gốc của vô minh. Thấy biết các pháp mà không thấy được pháp đúng như chính nó là vì chỉ nương vào sự hiểu biết của chính mình mà nhận xét vấn đề, một sự hiểu biết được rút ra từ những kinh nghiệm và định kiến, không phải là cái nhìn của trí Bát-nhã, thấy thẳng các pháp, không qua một lăng kính nào.

Khổng Tử, một bậc hiền triết, vẫn không tránh được cái nhìn nhầm lẫn đối với môn đệ của mình, là do nương vào những sở tri từng huân tập mà luận đoán vấn đề. Do bỏ quên các duyên tạo ra vấn đề mà đánh giá vấn đề đó nên ông trở thành kẻ hồ đồ. Ông chỉ thấy Nhan Hồi hớt cơm bỏ vào miệng như một kẻ ăn vụng mà không thấy được cái duyên tạo ra hành vi đó, cũng quên mất cái duyên Nhan Hồi là môn đệ giỏi của mình. Nên dù trực tiếp thấy mọi thứ, ông vẫn không tránh được nhầm lẫn, tất cả đều do “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn”. Một sự thấy biết được y chỉ trên nền tạng của vô minh, cũng là nền tảng khiến vô minh tăng trưởng, nên nói gốc của vô minh, dù vô minh chính là gốc. Cho nên, tu hành chính là điều phục phần phiền não và sở tri của mình, để cảnh được nhìn đúng như chính nó, tâm không còn quanh co, thấy là thấy thẳng, nghe là nghe thẳng, không thông qua bất cứ một lăng kính nào, dù là lăng kính màu hồng.

Tóm lại

Ngộ có hai thứ, giải ngộ và triệt ngộ. Giải ngộ rồi cũng khởi tu mà triệt ngộ rồi cũng khởi tu.

Tu vì thế có hai thứ. Đối trị và không đối trị.

Thứ gì là tập nghiệp của mình, còn lực dẫn mình theo, mình còn dính mắc sâu đậm vào nó, v.v. thì phải dùng pháp đối trị. Không thể không đối trị mà lực dẫn có thể mất. Đó gọi là khởi tu. Một khi lực dẫn đã yếu, tâm ít dính mắc, huệ giải sáng bén thì tu mà không tu, chỉ một việc không chấp trước là xong. Đó gọi là hành nhất hạnh tam muội.

Huệ giải sáng bén không phải là học rộng hiểu nhiều mà chính là gươm trí tuệ, có thể cắt đứt phiền não và sở tri một khi chúng đủ duyên hiện khởi.

Quan trọng là rõ biết mình đang là loại hành giả nào trong hai loại hành giả đó. Biết để ứng dụng pháp cho đúng duyên. Pháp dùng không đúng duyên sẽ không có tác dụng. Không tác dụng thì có khi rước họa vào thân. Như người bệnh uống thuốc không đúng, bệnh cũ thêm nặng, có khi lại sinh thêm bệnh mới mà không biết.

Nguyện chư chúng sinh, trong đó có bản thân, hành pháp đúng duyên, luôn có thiện tri thức dẫn đường, cho đến ngày thành tựu Phật đạo mới thôi.                   


 

[1] : 悟此心已如何修之。還依初說相教中令坐禪否。

[2]: 此有二意。謂昏沈厚重難可策發。掉舉猛利不可抑伏。貪嗔熾盛觸境難制者。即用前教中種種方便隨病調伏。若煩惱微溥慧解明利。即依本宗本教一行三昧。Phần dịch Việt sử dụng bản dịch của HT.Thích Thanh Từ.

[3] Thiền sư Việt Nam - phần “Khuyên chúng thượng thừa tam học” của Tổ Pháp Loa - HT.Thích Thanh Từ.

[4] Nguồn thiền phân ba tông: Dứt vọng tu tâm; Dứt bặt không chỗ nương; Chỉ thẳng tâm tánh. 

[5] Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, HT.Thích Thanh Từ giảng giải.  

[6] Phật thuyết thập nghiệp đạo (tập 67), Pháp sư Tịnh Không.

[7] Thiền quan sách tấn - HT.Thích Thanh Từ.

[8] Đại thừa khởi tín luận, Chân Hiền Tâm dịch và giải thích.

[9] Kinh Thủ Lăng nghiêm trực chỉ, Đại sư Hàm Thị trực giải, TT.Thích Phước Hảo dịch.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác