Vợ chồng đều dễ thương

VỢ CHỒNG ĐỀU DỄ THƯƠNG

(Pháp thoại TT. Thích Thái Hòa giảng, đệ tử Nhuận Từ Nguyên, Nhuận Thuần Nguyên kính ghi)

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa đại chúng, cùng hai con: Châu Quốc Phú - pháp danh Quảng Minh và Trần Thị Ngọc Lan - pháp danh Quảng Bạch thương mến!

Hôm nay, ngày 16 tháng 3 năm Bính Tuất, tức là 13-4-2006, tất cả đại chúng và gia đình đều có mặt tại Đại Hùng Bảo Điện chùa PHƯỚC DUYÊN, để làm lễ cầu an cho việc thành hôn của hai con được tốt đẹp, và nhân đây Thầy có bài pháp thoại chia sẻ, hai con xem như đó là hành trang để sống hạnh phúc lứa đôi với nhau.

Hai con Quốc Phú và Ngọc Lan!

Hai con áp sát hai bàn tay vào trái tim của mình, hai con thở thật sâu vào, ra, vào, ra,... Sau khi tâm hai con đã yên lắng rồi, hai con hãy nhìn sâu vào trái tim của mỗi người để thấy rất rõ, trái tim này không phải là trái tim riêng của hai con mà trái tim này là của Cha mẹ hai con. Nếu không có Cha mẹ của hai con, thì hai con không bao giờ có trái tim này, và trái tim mà hai con đang mang trong mình đó là của Tổ tiên, Ông bà nội ngoại của hai con, nếu không có Tổ tiên, Ông bà nội ngoại, thì không bao giờ có cha mẹ hai con, và không có cha mẹ của hai con, thì không bao giờ có trái tim của hai con. Nên, các con phải nhìn sâu vào trái tim của mình, để thấy trong đó có mặt của Cha mẹ, có mặt của Tổ tiên, Ông bà nội ngoại của mình, không những vậy, mà trong trái tim của hai con, còn có sự hiện diện của mọi người và mọi loài nữa.

Vì vậy, hai con có một trái tim rất quý báu, một trái tim được truyền thừa từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bởi vậy, trong giờ phút nầy hai con phải tiếp xúc cho được trái tim của mình, và đem trái tim cao quý đó mà hiến tặng cho nhau, để cùng nhau xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Nếu hai con để cho trái tim của mình bị thương tích, thì các con tạo ra thế hệ tương lai cũng bị thương tích, đồng thời cũng làm cho trái tim cha mẹ, ông bà nội ngoại hai con cũng bị thương tích. Do vậy, hai con phải luôn nhìn sâu vào trái tim mình để chăm sóc!

Hai con thương mến!

Trong đời có bốn hạng người làm vợ chồng với nhau:

Hạng thứ nhất: Chồng dễ thương mà vợ không dễ thương.

Hạng thứ hai: Vợ dễ thương mà chồng không dễ thương.

Hạng thứ ba: Vợ không dễ thương mà chồng cũng không dễ thương.

Hạng thứ tư: Vợ dễ thương và chồng cũng dễ thương.

Chồng Dễ Thương Mà Vợ Không Dễ Thương:

Người chồng đời này dễ thương mà người vợ không dễ thương là bởi vì người chồng đời trước mắc nợ bà vợ nên đời này bà vợ không dễ thương là để đòi nợ người chồng. Nếu người chồng là một phật tử biết tu học, thì sẵn sàng trả nợ cho vợ mình, mà không khởi tâm thù hận, oán trách. Nhờ người chồng có tâm biết rõ nhân quả nghiệp báo như vậy, cho nên ôm được cái không dễ thương của vợ mình mà từ từ hóa giải được, và đưa người vợ đi về với nẻo dễ thương, đó là một người chồng thông minh.

Vợ Dễ Thương Mà Chồng Không Dễ Thương:

Tại sao vợ dễ thương, nhưng chồng không dễ thương, mà vẫn sống với nhau, vẫn sinh con nở cháu. Nếu trong đời sống lứa đôi mà vợ dễ thương, nhưng chồng không dễ thương, có nghĩa là người vợ đã mắc nợ người chồng này từ nhiều đời, nhiều kiếp trước. Nên, nay trở lại làm vợ chồng, để người chồng có cơ hội làm khổ đau cho bà vợ, hết làm khổ đau kiểu này lại làm khổ đau kiểu khác. Do vì mắc nợ nhau, nên họ đến với nhau qua hình thức vợ chồng để đòi nợ, đòi nợ kiểu này không được thì người ta đòi nợ kiểu khác. Cho nên, nếu bà vợ là một nữ Phật tử biết tu học sẽ mỉm cười, sẵn sàng trả nợ và ôm cái không dễ thương của chồng vào trong trái tim của mình bằng chất liệu từ bi, chất liệu của trí tuệ, chất liệu của hỷ xả và bao dung, thì người chồng từ từ sẽ dễ thương và sự mắc nợ của người vợ đối với người chồng sẽ được hóa giải. Từ đó, vợ chồng sẽ đi tới với nhau sống trọn hạnh phúc, an lạc và làm chỗ nương tựa cho con cháu của mình. Đó là một nữ Phật tử làm một người vợ thông minh.

Người Vợ Không Dễ Thương Và Người Chồng Cũng Không Dễ Thương:

Trong một gia đình người vợ không dễ thương, mà người chồng cũng không dễ thương, gia đình này tức khắc trở thành địa ngục. Nhưng, tại sao sống trong tình trạng ông ăn chả bà ăn nem như vậy, sống trong tình trạng không có gì dễ thương với nhau như vậy, mà họ phải làm vợ chồng để sống với nhau, họ ly dị nhau không được, mà ly thân cũng không xong?

Là bởi vì hai người đó, trong nhiều đời kiếp về trước đã tạo ra nhiều nỗi oan khiên cho nhau, về mặt tình cảm, về mặt tài sản..., nên đời nầy gặp nhau làm vợ chồng để gây đau khổ cho nhau.

Có thể người vợ từng là một nhà vua và người chồng từng là một nhà vua đã có những hành xử không đàng hoàng đối với các quan đại thần.

Hoặc là người vợ, người chồng trước đó từng là những nhà trí thức, những nhà giàu có, nhưng đối xử với nhau không đúng đắn, tạo ra oan nghiệt và cuối cùng, họ phải gặp nhau trong đời này, để tạo ra khổ đau cho nhau. Họ gặp nhau dưới một sự chằng chịt ân ái, mà không chấm dứt được, cho nên vợ làm khổ chồng và chồng làm khổ vợ, tạo ra một cảnh gia đình địa ngục mà mình phải ở trong đó, phải sinh hoạt trong đó, phải ăn uống trong đó, phải khóc và cười ở trong đó... Sở dĩ như vậy là do nhiều đời, nhiều kiếp đã tạo oan khiên với nhau và đã mắc nợ nhau!

Trong hoàn cảnh như vậy mà gặp được các bậc thiện hữu tri thức, gặp được thầy hiền, bạn tốt hướng dẫn, chỉ bày cho nhân quả nghiệp báo của con người ở trong thế gian và mỗi người khi đã nhận ra được tác nhân và khổ quả, tự ăn năn, tự trách lại những sai lầm của mình, mà nỗ lực sám hối, giải trừ tất cả những oan nghiệp đó, thì vợ chồng sẽ sống lại với nhau hạnh phúc và có thể tạo ra phước đức trong đời này, làm chỗ nương tựa cho con cháu. Nhưng mà phải phước đức lắm mới gặp được thầy hiền bạn tốt, thiện hữu tri thức! Bởi vì do thương con mà chồng phải nhẫn, mà vợ cũng phải nhẫn! Vì thương con mà cha phải hy sinh những tự ái của mình, vì thương con mà mẹ phải hy sinh tự ái của mình, cho nên người con ấy là thiện hữu tri thức, có khả năng hóa giải tự ái của cha và mẹ có khả năng hóa giải những mâu thuẫn, những oán đối của cha mẹ trong hiện tại, để cha mẹ cùng đi tới với nhau thiết lập lại hạnh phúc. Nên, dù là chồng không dễ thương và vợ cũng không dễ thương, nhưng không phải là tuyệt vọng, vẫn có nhiều cơ hội để tái tạo lại hạnh phúc của gia đình.

Vợ Dễ Thương Và Chồng Cũng Dễ Thương:

Đây là cặp vợ chồng mà trong đời sống thế gian ai cũng mơ ước. Cái ước mơ này rất khó để trở thành hiện thực. Vì sống trong thế gian, được vợ thì mất chồng, được chồng thì mất vợ; được vợ, được chồng thì mất con cái, điều đó nói lên chất liệu bất toàn của thế gian; bất toàn của cuộc sống con người.

Cho nên, thật hạnh phúc và may mắn cho những ai, mà vợ chồng đều dễ thương, có nghĩa là chồng biết hy sinh cho vợ, vợ biết hy sinh cho chồng và không phải vợ chồng chỉ dễ thương ngang đó, mà sự dễ thương của vợ chồng còn đi tới một phạm vi rộng lớn hơn. Người rể sống rất dễ thương với cha mẹ và gia đình vợ và dâu sống rất hiếu đễ với cha mẹ cùng gia đình chồng. Chính cái dễ thương đó, mới bảo đảm cái dễ thương giữa vợ chồng.

Còn nếu người chồng ích kỷ, chỉ biết gia đình mình thôi, mà coi thường gia đình vợ, và vợ cũng rất ích kỷ, chỉ biết gia đình mình thôi, mà coi thường gia đình chồng, thì không thể nào tạo ra sự dễ thương giữa hai dòng họ. Cho nên, cái dễ thương giữa vợ và chồng, nó phải được bảo chứng bởi cái dễ thương mà mình đối xử với cha mẹ, dòng họ, bạn bè của hai phía. Cái dễ thương của chồng, của vợ như vậy có được trong đời này, là do họ đã có sự dễ thương với nhau nhiều đời rồi và bây giờ họ đến với nhau không phải là vì ái nghiệp, không phải là vì tình dục mà vì bản nguyện cao cả nào đó. Họ tình nguyện đến với nhau để làm vợ, làm chồng, và đời sống vợ chồng của họ như thế là rất dễ thương và nếu họ sinh con, thì con cái của họ cũng rất dễ thương, và con cái của họ cũng là con cái của bản nguyện mà không phải là con cái của ân oán, và cũng có thể họ không cần phải sinh con cái để làm tư hữu tình cảm, vì sao? Vì họ đến với nhau để làm đẹp cho nhau trong cuộc đời này, rồi tiếp tục làm đẹp cho nhau trong một lãnh vực khác, trong một cảnh giới khác nữa.

Như vậy, trong bốn hạng người đó, Quốc Phú và Ngọc Lan hãy thở thật sâu, nhắm mắt lại, nhìn vào trong tâm thức mình, để xem thử, mình là loại vợ chồng nào, trong bốn loại mà Thầy vừa nêu trên.

Hai con thương mến!

Trong bốn hạng vợ chồng ấy, thì người vợ dễ thương, người chồng không dễ thương hay người chồng dễ thương, mà người vợ không dễ thương đều có cơ hội để hoàn thiện cả.

Trường hợp thứ tư, hai đứa con phải hứa với nhau rằng, sẽ là người chồng dễ thương, người vợ dễ thương đối với nhau, sự dễ thương đó, các con phải phát khởi lên với nhau, ngay từ bây giờ, để có sự chứng minh của Tam Bảo, có sự chứng minh của Cha mẹ, có sự chứng minh của bà con, họ hàng nội ngoại hai phía, cùng tất cả quý vị thiện hữu tri thức đang có mặt hôm nay.

Hai con đứng dậy, nghe Thầy xướng, thì hai con lạy xuống một cách thành khẩn và khi nghe Thầy dừng chuông, thì đứng dậy từ từ:

"Đệ tử chúng con là Châu Quốc Phú và Trần Thị Ngọc Lan, nguyện đến với nhau, vì cảm mến công ơn Cha mẹ, Tổ tiên, Ông bà nội ngoại mà nguyện làm người chồng dễ thương, người vợ dễ thương, xin Tam Bảo chứng minh cho ước nguyện của chúng con. Trong giờ phút quý báu nầy, chúng con chí thành đảnh lễ Tam Bảo, tam bái". (hai con hãy lạy xuống)

Chất Liệu Phú Lan Và Minh Bạch:

Hỡi hai con Châu Quốc Phú - pháp danh Quảng Minh và Trần Thị Ngọc Lan - pháp danh Quảng Bạch!

Hai con hãy nhìn sâu vào tên và pháp danh của mình để có thể rút ra được chất liệu của cuộc sống và có thể tạo ra được chất liệu hạnh phúc trong đời sống lứa đôi.

Quốc Phú con!

Cha mẹ của con đặt tên cho con là Châu Quốc Phú và Thầy của con đã đặt pháp danh cho con là Quảng Minh.

Ngọc Lan con!

Cha mẹ đặt tên cho con là Trần Thị Ngọc Lan và Thầy của con đặt cho con pháp danh là Quảng Bạch.

Tên và pháp danh của hai con có một ý nghĩa và có một chất liệu rất lớn, để xác nhận rằng, hai con có một dòng dõi huyết thống và dòng dõi tâm linh.

Quốc Phú là người con trai ở trong gia đình họ Châu, có chất liệu làm giàu, không phải chỉ cho bản thân, không phải chỉ cho gia đình, không phải chỉ cho dòng họ, mà còn cho cả quốc gia và xã hội nữa. Quốc Phú làm được như vậy, thì con mới xứng đáng làm vinh quang cho dòng họ của con và đem lại ý nghĩa sâu sắc, khi cha mẹ con tạo điều kiện cho con có mặt trong cuộc đời này.

Thầy của con đã đặt cho con pháp danh Quảng Minh, Minh là sáng, là hiểu biết, Quảng là rộng lớn.

Quảng Minh là người học trò đệ tử Phật có mặt trong dòng dõi tâm linh, người học trò đó phải có một cái nhìn sáng suốt, có một sự hiểu biết sáng suốt và rộng lớn để làm đẹp cho đạo, làm đẹp cho đời.

Và con là Trần Thị Ngọc Lan, Lan là một loài hoa quý, có cốt cách trong văn hóa Việt Nam, tiêu biểu cho một con người có tâm hồn, có cốt cách cao đẹp mà cha mẹ đặt cho con. Ngọc Lan tức là hoa thơm và nó nở vào mùa xuân, cha mẹ của con khi sinh ra con và đặt tên cho con, nghĩ rằng, người con gái của mình sinh ra từ dòng dõi huyết thống, khi nó lớn lên, nó sẽ đem hương thơm cho gia đình, nó tạo ra sức sống cho gia đình, nó đem hương thơm từ gia đình tỏa ra nơi dòng họ, ở nơi xã hội và nó đem sức sống chính nó có được làm đẹp cho dòng họ, và cho cuộc đời.

Và với pháp danh Quảng Bạch, Bạch tức là Thanh Bạch, là trắng trong; Quảng là rộng lớn.

Quảng Bạch tức là người học trò sinh ra trong dòng dõi tâm linh, sinh ra trong dòng dõi Phật pháp, người học trò đó có một tâm hồn rất là trong sáng, rất là thanh bạch và rộng lớn.

Như vậy, hai con hãy nhìn sâu vào ý nghĩa tên và pháp danh của hai con thôi, hai con cũng có thể rút ra được những chất liệu làm hành trang cho cuộc sống; làm đẹp cho dòng dõi huyết thống và dòng dõi tâm linh, và hai con cũng có thể báo đáp được ân đức sâu sắc của cha mẹ, của tổ tiên, ông bà nội ngoại, của quốc gia xã hội và Tam Bảo.

Châu Quốc Phú là tiêu biểu cho một người con trai giàu có, không những giàu có về vật chất mà còn giàu có về tâm hồn, không những giàu có về tâm hồn mà còn giàu có về sự hiểu biết và đạo đức.

Và, Trần Thị Ngọc Lan là tiêu biểu cho người con gái có cốt cách, cốt cách ở đây không phải là bộ điệu mà cốt cách ở đây chính là bản chất.

Một người con trai giàu có về tâm hồn, giàu có về sự hiểu biết, giàu có về đạo đức, đi tới với người con gái có cốt cách từ bản chất, thì không có hạnh phúc nào trên thế gian này mà có thể so sánh được. Cho nên, các con phải biết nuôi dưỡng, cái giàu có của tâm hồn, giàu có của phước đức, giàu có của trí tuệ trong cái cốt cách, mà cái cốt cách đó phải biết chăm sóc sự giàu có đó.

Vì vậy, Quốc Phú và Ngọc Lan đi tới với nhau tạo ra một sự hạnh phúc rất lớn, có căn bản, và hạnh phúc căn bản này, có tiếp tục được hay không là tùy vào sự thông minh của hai con.

Pháp danh của hai con là Quảng Minh, Quảng Bạch, có nghĩa là Minh Bạch. Cuộc sống của hai con phải rõ ràng minh bạch. Nếu người chồng không sống rõ ràng minh bạch sẽ tạo ra sự nghi ngờ cho vợ và người vợ sống không rõ ràng minh bạch sẽ tạo ra sự nghi ngờ cho chồng. Một khi có sự nghi ngờ xảy ra giữa hai người, thì hạnh phúc vợ chồng khó mà bảo toàn, hạnh phúc trong đời sống vợ chồng có thể bị tan vỡ. Cho nên, hai con phải sống với nhau thật rõ ràng, minh bạch, và chính sự minh bạch đó là chất liệu của Đạo. Đạo là minh bạch. Chất liệu ấy, sẽ chăm sóc hạnh phúc cho hai con trong đời sống lứa đôi.

Như vậy, hai con thật hạnh phúc, hai con ngoài dòng dõi huyết thống còn có dòng dõi tâm linh. Dòng dõi tâm linh là để chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển cũng như nâng cao dòng dõi huyết thống.

Có những người chỉ có dòng dõi huyết thống mà không có dòng dõi tâm linh, cho nên đời sống của họ rất là bơ vơ, rất là bế tắc, mỗi khi họ gặp những biến cố xảy ra trong đời sống con người.

Bây giờ hai con có dòng dõi huyết thống và tâm linh, nên hai con có một hạnh phúc lớn, mà hạnh phúc lớn đó, đã trở thành hiện thực trong buổi lễ hôm nay.

Có những người Phật tử đi chùa rất lâu, nhưng mà tổ chức đám cưới cho con cũng không có được khung cảnh này. Bởi vì, họ không có suy nghĩ về cách này hay là họ chưa có đủ nhân duyên về vấn đề này, cho nên không thể thực hiện được như thế này. Trong lúc đó, các con lại đầy đủ nhân duyên để có được một buổi lễ đi tới hạnh phúc lứa đôi, đầy đủ cả hai chất liệu dòng dõi huyết thống và dòng dõi tâm linh, chúng đã quyện lẫn vào nhau, và nó đã nâng cao phẩm chất hạnh phúc cho nhau.

Chất Liệu Tài Xế Và Viễn Thông Cùng Nhau Có Mặt:

Trong đời sống hằng ngày: Quốc Phú là chàng tài xế và Ngọc lan là nàng phục vụ cho Bưu điện viễn thông.

Hai con hãy nhìn sâu vào nghề nghiệp của mình để thấy rằng, hạnh phúc lứa đôi của hai con đều được bảo chứng ngay ở nơi nghề nghiệp hằng ngày của mình. Cho nên, hai con phải thông minh lắm, mới có khả năng bảo toàn được tình yêu lứa đôi ngay trong nghề nghiệp của mình. Người tài xế lái xe phải biết rõ đích điểm của con đường, phải biết khúc thẳng, khúc cong của con đường, phải biết trọng tải và chất lượng của chiếc xe mà mình đang lái, người tài xế mới có thể lái xe an toàn cho mình và cho những hành khách, và từ đó mới có được lợi nhuận. Cũng vậy, trong tình yêu lứa đôi, ta phải biết đích điểm của chúng, cũng như những khúc cong, khúc thẳng của chúng, ta mới có những bước đi an toàn trong tình yêu và sẽ không xảy ra những tai nạn của tình yêu, không làm đau khổ cho bản thân hai người, không làm đau khổ cho cha mẹ hai người, không làm đau khổ cho dòng họ cùng bạn bè hai bên.

Và Ngọc Lan! Trong công việc hàng ngày của mình là bưu điện viễn thông, thì con cũng phải thấy được hạnh phúc của tình yêu trong công việc này. Mình thông tin cho những người chung quanh không chính xác, thì chỉ một lần thôi, còn lần sau không ai tin mình nữa, cuối cùng uy tín của mình không còn, nghề nghiệp của mình bị hỏng; đồng thời trong công việc này, lúc tiếp xúc với khách hàng mình phải ăn nói nhỏ nhẹ, chân tình, đúng đắn, đúng hẹn thì công việc của mình càng ngày càng có uy tín.

Trái lại, mình nói một đường, mình làm một nẻo, mình nói không chính xác thì nghề nghiệp của mình, công việc làm ăn của mình, càng ngày càng bị xuống cấp. Nên, mình muốn bảo toàn công việc của mình, thì mình phải thông tin chính xác, nói năng đúng đắn với mọi người khi họ cần tiếp xúc mình. Đối với công việc làm ăn và xã hội mà mình còn như vậy, huống chi đối với vợ chồng mà mình thông tin thiếu chính xác cho nhau, nói năng với nhau không đúng đắn, thì làm sao tạo ra hạnh phúc cho nhau trong đời sống vợ chồng được. Và phải biết rằng, vợ chồng đối xử với nhau không phải là khách qua đường, và cũng không phải liên hệ với nhau một thời gian, hay một đời, mà còn liên hệ với nhau nhiều đời nhiều kiếp nữa. Cho nên, trong đời sống vợ chồng, ta phải thông tin với nhau những gì chính xác, đúng đắn và không cần thông tin cho nhau những gì không đúng đắn.

Vậy, hai con hãy nhìn sâu vào nghề nghiệp mình, để rút ra những chất liệu sống, và phải biết nuôi dưỡng tình yêu lứa đôi bằng chất liệu ấy, Thầy tin tưởng hai con có hạnh phúc rất lớn trong đời sống hằng ngày. Bởi vì chính do nghề nghiệp chân thực, có lợi nhuận chân thực mình mới chia sẻ sự chân thực và chính xác cho nhau, điều đó khiến cho hạnh phúc lứa đôi của hai con được bảo toàn.

Giọt Nước Cam Lồ, Lòng Biết Ân Và Chiếc Nhẫn Thần:

Và để cho hai con trở thành người chồng dễ thương, người vợ dễ thương, để cho chất liệu Quốc Phú - Ngọc Lan với pháp danh Quảng Minh - Quảng Bạch nó tồn tại bên nhau và có mặt trong nhau, thì hai con phải nuôi dưỡng nó bằng chất liệu của Đạo, bằng chất liệu của niềm tin đối với Chánh pháp.

Hôm nay, trước Tam Bảo, trước đại chúng, Thầy sẽ rải nước Cam lồ trên đỉnh đầu cho hai con, để chính chất liệu của Cam lồ này, nuôi dưỡng những gì tốt đẹp trong đời sống vợ chồng của hai con, và một khi trong đời sống vợ chồng của hai con có những gì oi bức, có những gì bất như ý, có những gì không lành mạnh xảy ra, thì hai con luôn nhớ đến giọt nước Cam lồ mà Thầy đã trượng thừa uy lực của Tam Bảo, rưới xuống trên đỉnh đầu của hai con! Hai con hãy nhớ lấy chất liệu đó, mà dập tắt tất cả những gì không tốt đẹp, không tươi mát, không an lành đang xảy ra trong đời sống của hai con.

Hai con Quốc Phú và Ngọc Lan thương mến!

Trước khi hai con trao nhẫn cho nhau để thực sự có mặt nhau trong đời sống lứa đôi, hai con phải lạy cha mẹ để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với cha mẹ của mình.

Bởi vì, như trên Thầy đã nói, nếu không có cha mẹ của mình, thì không bao giờ mình có mặt, và hạnh phúc của mình nó gắn liền với hạnh phúc của cha mẹ.

Hai con đứng dậy lạy cha mẹ, để biết ơn sâu sắc đối với cha mẹ và đã được cha mẹ cho phép đi tới sống với nhau hạnh phúc trong đời sống lứa đôi, trước sự chứng minh của Tam Bảo, của hiện tiền chúng Tăng, toàn thể bà con nội ngoại, cả hai phía cùng đại chúng.

Vậy, trước cha mẹ hai con hãy nói:

"Chúng con là Châu Quốc Phú pháp danh Quảng Minh và Trần Thị Ngọc Lan pháp danh Quảng Bạch, vì cảm mến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà nguyện đi tới với nhau để thiết lập đời sống hạnh phúc lứa đôi, trên nền tảng Tam Bảo. Vậy, giờ phút quý báu này, chúng con chí thành đảnh lễ tứ thân phụ mẫu hiện tiền nhị bái".

Hai con Quốc Phú và Ngọc Lan thương mến!

Hai con đã được Tam Bảo chứng minh, đã được bà con nội ngoại và cha mẹ hai phía cho phép hai con đi tới với nhau trong đời sống lứa đôi và việc đi tới với nhau trong đời sống lứa đôi của hai con, trong giờ phút này là hoàn toàn hợp pháp; hợp pháp đối với đạo lý, hợp pháp đối với gia đình và hợp pháp đối với xã hội. Vậy, hai con phải luôn chăm sóc những điều tốt đẹp cho nhau, phải kiên trì, nhẫn nhục đối với nhau. Bởi vì sao? Vì trong tình yêu lứa đôi vị ngọt rất ít, mà chất cay đắng rất nhiều. Bởi vậy, một người Phật tử thông minh, là phải có chất liệu nhẫn nhục trong đời sống lứa đôi, để giải trừ chất cay đắng, khiến nó đi về phía ngọt ngào. Nếu không có chất liệu nhẫn nhục ở trong người, thì chất cay đắng lứa đôi càng ngày càng tăng lên, mà vị ngọt ngào càng ngày càng giảm thiểu, cho nên hai con phải biết quý trọng nhau, luôn luôn thực hành hạnh nhẫn nhục! Khi chồng nóng, thì vợ nguội; khi vợ nóng thì chồng nguội; khi vợ bực bội thì chồng phải thanh thản, an ủi, vỗ về; khi chồng bực bội, thì vợ phải thanh thản an ủi, vỗ về, chia sẻ và phải luôn luôn tương kính, tương thuận với nhau, và phải luôn luôn nhớ rằng: Chất liệu nhẫn nhục là một phép lạ đem lại hạnh phúc trong đời sống lứa đôi. Vậy, hai con hãy đeo vào cho nhau chiếc nhẫn mang chất liệu nhẫn nhục này. Khi hai con đã trao nhẫn và mang nhẫn vào cho nhau rồi, có nghĩa là trong đời sống tình yêu lứa đôi, kể từ giờ phút này, hai con đã có phép lạ để bảo vệ hạnh phúc và phép lạ đó phải được nuôi dưỡng trong sự tương kính, tương thuận với nhau - chồng phải biết tương kính, tương thuận vợ và vợ phải biết tương kính, tương thuận chồng, chính chất liệu tương kính, tương thuận đó, cũng chính là chất liệu tạo ra hạnh phúc cho nhau.

Bây giờ hai con hãy đứng đối diện nhau, khi nghe Thầy xướng, hãy lạy nhau một lạy, để tỏ lòng tương kính, tương thuận nhau trong đời sống hạnh phúc lứa đôi. Hai con hãy nói với nhau rằng:

Chúng tôi là Châu Quốc Phú pháp danh Quảng Minh; Trần Thị Ngọc Lan pháp danh Quảng Bạch, nguyện suốt đời tương kính, tương thuận nhau trong đời sống lứa đôi và hết lòng lạy nhau một lạy, trước sự chứng minh của Tam Bảo, hiện tiền cha mẹ, dòng họ nội ngoại hai bên, cũng như hết thảy thiện hữu tri thức đang hiện tiền. Vậy, hai con hãy lạy xuống.

Hai con Châu Quốc Phú pháp danh Quảng Minh và Trần Thị Ngọc Lan pháp danh Quảng Bạch!

Hai con đến với nhau không phải vì bản thân, mà vì thương cha mẹ, quý trọng dòng họ nội ngoại của mình và thương mọi người, mọi loài mà thiết lập đời sống tình yêu lứa đôi để sinh con nở cháu cho cha mẹ, dòng họ và cho thế giới con người, như vậy tình yêu lứa đôi của hai con đến với nhau thật có ý nghĩa và trong giờ phút này, các con đã làm được bao nhiêu công đức, thì các con hãy phát tâm hồi hướng cho tất cả gia đình, dòng họ nội ngoại, cùng hết thảy mọi người, mọi loài, ai cũng hướng tâm về Tam Bảo, bỏ ác làm lành, biết ăn chay niệm Phật, biết tu nhơn tích đức, thì phước đức của hai con mới được trọn vẹn và hoàn hảo. Vậy, hai con cũng như tất cả đại chúng chắp tay lại, để chúng ta cùng hồi hướng.

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle