Hoa triêu nhan TRONG THƠ HAIKU
HOA TRIÊU NHAN TRONG THƠ HAIKU
HOA TRIÊU NHAN TRONG THƠ HAIKU
Tuệ Anh
Hoa triêu nhan (tiếng Nhật: asagao) nghĩa là gương mặt ban mai. Người
Việt gọi là hoa bìm bìm. Hoa bìm bìm của người Việt là một loại hoa ít được ai
để ý tới (ngoài mấy vị thầy thuốc
Đông
y, vì cây hoa này chữa được một số bệnh). Dân gian ta có câu: “Giậu đổ bìm leo”,
như một ám chỉ vô danh cho hoa triêu nhan. Cái tên triêu nhan cũng nói lên đặc
điểm của hoa: Hoa chỉ nở nửa ngày và tàn lúc về chiều.
Đối lập với cái nhìn của người Việt, văn hóa Nhật Bản hết sức trân quý loài hoa
này. Dân tộc Nhật Bản có một bản lĩnh phi thường ẩn chứa dưới những hình thức
nhỏ bé nhất, cái gì cũng có thể nâng lên thành một nghi lễ: trà đạo, võ đạo, và
cả hoa đạo. Người Nhật sống theo tinh thần của kinh Hoa
nghiêm,
“Tam
thiên đại thiên thế giới chứa đựng trong một hạt bụi”. Hoa triêu nhan được nhân
loại xem là biểu tượng của sự khiêm nhường và tính bền bỉ, điều này dường như
hoàn toàn phù hợp với cá tính của người Nhật.
Nhắc đến Nhật Bản là nhắc đến xứ sở hoa anh đào, mặt trời mọc, áo kimono, nhắc
đến một dân tộc thấm đẫm chất thiền, mà thơ
Haiku
như là một biểu trưng. Thơ
Haiku
(Hai
cư,
Hài
cú) là một thể thơ độc đáo của Nhật Bản, ví như Đường luật của Trung Hoa hay
Lục
bát của Việt Nam, và được mệnh danh là thể thơ ngắn nhất thế giới . Nếu cho rằng
thơ hay là thơ mà tác giả chỉ làm một nửa, còn một nửa dành cho người đọc, thì
thơ
Haiku
là một đại biểu xuất sắc. Thi hào Tagor nhận xét, trong thơ
Haiku,
tác giả chỉ giới thiệu đề tài rồi tránh sang một bên, nhường chỗ cho trí tưởng
tượng của người đọc. Với những người yêu văn hóa Nhật Bản và thậm chí cả những
người chỉ có kiến thức phổ thông, thể thơ ba câu độc đáo này không còn xa lạ gì
lắm nữa. Đã có rất nhiều những câu lạc bộ thơ
Haiku
ra đời ở Việt Nam.
Đỉnh cao của thơ
Haiku
được đánh dấu bằng sự xuất hiện của nhà thơ Basho, người được cho là một thiền
sư đã kiến tánh. Tiếng nước xao trong thơ
Haiku
của Basho quả thật đã làm chấn động cả văn đàn thế giới từ
trước
đến nay:
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao.
(Con ếch)
Chúng ta biết rằng văn hóa không có cao hay thấp mà chỉ có sự khác biệt. Cũng
vậy, hoa triêu nhan từ địa vị ăn nhờ ở đậu trong mắt người Việt, thì sang văn
hóa Nhật Bản đã vươn lên ngôi nữ hoàng kiêu hãnh. Điều đó được chứng minh qua
hàng loạt bài thơ
Haiku.
Hãy khoan nhắc đến những kiệt tác của thi sĩ Basho, bài thơ đặc sắc nhất gắn
liền với hoa triêu nhan trong thơ
Haiku
có lẽ phải là bài thơ của nữ sĩ Chiyo:
A hoa triêu nhan
Dây gàu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên.
Trong tinh thần của Thiên
thai
tông, không chỉ loài hữu tình mà ngay cả loài cây cỏ cũng có khả năng giác ngộ,
tức là có Phật tánh. Bài thơ trên có thể được xem như một tuyên ngôn hùng hồn
của lòng từ bi Phật giáo và phảng phất triết lý của tông Thiên
thai.
Nhà thơ nhìn thấy sự sống, nhìn thấy cái đẹp, nhìn thấy Phật tánh trong đóa
triêu nhan nhỏ nhoi nhưng bền bỉ. Hoa triêu nhan vốn là một loại dây leo, đã
quấn vào dây gàu để nở. Trước cái đẹp, trước sự sống, nhà thơ nâng niu, trân
trọng, không nỡ làm tổn thương nên bà chọn giải pháp “xin nước nhà bên”, để sự
sống và cái đẹp được hiện hữu. Một người lỗ mãng sẽ dễ dàng bứt nhánh triêu nhan
để thuận lợi cho công việc múc nước của mình. Thực tại được mô tả như nó chính
là, không giải thích nhưng tự thân sự kiện đã nói nhiều hơn ba câu thơ ngắn
ngủi. Đây chính là tinh thần ý tại ngôn ngoại, lại cũng chính là sự vô ngôn của
Thiền và là tính nhân văn của Phật giáo. Cần phải có một nội tâm tĩnh lặng, một
tính cách dịu dàng và hơn cả là một tình thương lớn, một tấm lòng trắc ẩn lớn
mới có cách hành xử như vậy. Một đóa triêu nhan mỏng manh làm tỏa sáng một tình
thương mênh mông và cảm động.
Ngày trước khi chúng tôi học về thơ
Haiku,
thầy giáo đọc cho chúng tôi nghe hai câu đầu của một bài thơ và yêu cầu chúng
tôi làm nốt câu cuối. Hai câu đầu là:
Ruồi trên nón ta ơi
Hôm nay vào thành phố
Tất cả lũ học trò quê mùa chúng tôi đều tắc tị. Lẽ dĩ nhiên ai thuộc thơ của
Issa mới có đáp án chính xác, ấy là:
Ruồi trên nón ta ơi
Hôm nay vào thành phố
Thành dân Edo rồi.
Dưới cái nhìn của Issa, chú ruồi bé nhỏ trở thành một phần của bao la nhân loại,
cũng như khi chú chuột uống nước bên bờ sông là khoảnh khắc tiểu ngã hòa nhập
với đại ngã:
Bên dòng Sumida
Chú chuột kia uống nước
Mưa mùa xuân pha.
(Issa)
Trong thơ
Haiku,
những sự vật nhỏ nhất đều có sức nặng của nó. Thi sĩ
Haiku
Việt Nam Giác Tri (bút hiệu Huyền Tri) đã thể hiện xuất sắc đặc tính “chỉ nêu
đề tài” của thơ
Haiku:
Cẩn trọng thay
Trong giờ độ ngọ
Ruồi chắp hai tay.
Để hiểu được bài
Haiku
trên, người đọc phải có hiểu biết về nguyên tắc tri ân và chánh niệm trong khi
ăn của nhà Phật. “Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và
công phu lao tác. Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để xứng
đáng thọ nhận thức ăn này.” Dưới cái nhìn của người tu, con ruồi dường như
cũng biết tu. Có những lúc phóng dật, lòng ta xấu hổ thấy mình không bằng một
con ruồi. Hoa triêu nhan cũng là một sự vật tưởng như tầm thường, nhỏ nhoi,
nhưng vì sao lại có sức hút mãnh liệt như vậy đối với những nhà thơ
Haiku
Nhật Bản. Phải chăng vì triêu nhan cũng chính là
Haiku
(Lưu Đức Trung), hay vì sự hiện diện ngắn ngủi của hoa như thông điệp của vô
thường:
Tôi yêu đời mình
Dẫu cho còn một thoáng
Như một nhánh bìm xanh.
(Fusei)
Tuệ giác vô thường của đạo Phật là nguồn gốc bi cảm (mono no aware) trong
văn học Nhật Bản. Bi cảm không chỉ là nỗi buồn trước vô thường,
mà
cao hơn, nó là sự xúc động sâu xa trước vô thường và từ đó giúp con người sống
trọn vẹn với hiện tại. Nhánh bìm xanh ấy của thi sĩ Fusei giúp người ta thức
tỉnh trước cái mong manh của vô thường, biết trân quý khoảnh khắc hiện tại vì ý
thức được vô thường. Đời người ngắn ngủi là vậy, nên tôi hết sức trân trọng nó.
Nếu trong thơ Chiyo, hoa triêu nhan là đối tượng của lòng từ bi vô lượng, thì ở
đây lại là sứ giả của vô thường, lại cũng là sự tươi đẹp của cuộc đời.
Cảm nhận được cái đẹp của hoa mới thấy được hoa đích thực là vị Bồ-tát.
Xưa có vị thiền giả nhờ ngắm hoa anh đào nở mà ngộ đạo. Có ai đó nói rằng,
hoa là nụ cười của đất. Hoa chỉ hiển lộ khi tâm ta
thanh tịnh, ngược lại, hoa cũng giúp ta thanh lọc tâm hồn:
Đứng yên bên hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm màu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy, cúi đầu.
(Hoa thược dược
-
Quách Thoại)
Một biểu hiện nhiệm màu của hoa thược dược đủ để làm tâm hồn con người kính cẩn
đến như thế. Như hoa anh đào của người Nhật. Hoa anh đào là biểu tượng của xứ sở
mặt trời mọc nên dĩ nhiên thường xuất hiện trong thơ của người Nhật nói chung và
thơ
Haiku
nói riêng:
Nước nóng tắm rồi
Vừa xong lạy Phật
Hoa đào ta ơi.
Thân thể ta là một hiện hữu bất tịnh. Tâm hồn ta là một khối trĩu nặng phiền
não. Ta không biết mình đi đâu về đâu, như lục bình trôi riu ríu. May thay có
ánh sáng của Đức Phật soi rọi cho ta. Trước khi lễ Phật, ta tẩy rửa thân thể.
Nhưng Đức Phật thực sự trong bài thơ này không phải là pho tượng ta vừa lễ đâu.
Nước làm sạch thân, lễ Phật làm sạch tâm. Ta tẩy rửa thân thể, ta tắm gội tâm
hồn cho thanh sạch rồi mới tiếp xúc và lĩnh
hội được cái đẹp, cái đẹp ở đây là hoa anh đào, được đặt ở vị trí tối tôn. Nhưng
với ý nghĩa kiên trì và bền bỉ, đóa triêu nhan khiêm nhường mới hoàn toàn chiếm
lĩnh linh hồn của
Haiku:
Bên hoa triêu nhan
Gương mặt ai cũng
Dường như điêu tàn.
(Issa)
Issa là một hành giả Tịnh
độ.
Cùng với Basho, ông là một trong những cây đại thụ
Haiku.
Sống đời sống đầy những chuỗi sự kiện đau buồn và bi kịch, nhưng trước khi đi
vào cõi tịch diệt, Issa đã để lại những dòng
Haiku
thanh thản:
Muôn phần tri ân
Chăn tôi đầy tuyết trắng
Từ Tịnh
độ
rơi sang.
Cho nên có lẽ hoa triêu nhan của Issa cũng là một thứ hoa Mạn-đà-la
của thế giới Tây phương Cực Lạc, hoa của nội tâm thanh tịnh.
Còn Basho lại là một hành giả của Thiền tông. Sự nghiệp sáng tác của ông không
chỉ có thơ. Tác phẩm “Con đường hẹp thiên lý”
là một tuyệt tác văn xuôi xen lẫn những bài
Haiku
ghi lại cuộc lãng du cuối đời của Ba Tiêu ẩn sĩ
-
biệt danh ông tự gọi. Chuyến đi cuối cùng ấy kết thúc bằng bài
Haiku
này:
Đau yếu giữa hành trình
Chỉ còn mộng ta phiêu lãng
Trên những cánh đồng hoang.
Tên tuổi của Basho gắn liền với
Haiku.
Nhắc đến
Haiku
là nhắc đến Basho, nhắc đến thiền. Trong thời gian ở ẩn, Basho chỉ giao tế với
hoa triêu nhan:
Hoa triêu nhan ơi
Suốt ngày cổng khóa
Chỉ còn em thôi.
Basho chọn hoa triêu nhan làm tri kỷ,
người để Basho gửi gắm tâm tình:
Hoa triêu nhan ơi
Đến em rồi cũng
Chẳng là bạn tôi.
Nên Basho chỉ có vẻ cô đơn thôi mà kỳ
thật không hề cô đơn, vì lòng nhà thơ luôn hiện hữu một đóa triêu nhan bình dị
thuỷ chung.
Haiku gợi mà không tả. Sự kiện là như vậy, lĩnh hội thế nào tùy mỗi người. Như
cành hoa sen huyền thoại
Đức
Phật đưa lên trong hội Linh Sơn. Ngày nay
Haiku
đã trở nên phổ biến, triêu nhan do đó cũng trở thành phổ cập, như thiền càng
ngày càng phổ thông. Thiền không chỉ là pháp môn tu tập của Phật giáo mà còn trở
thành phương tiện để chữa bệnh, những chứng bệnh thời đại của loài người, nhất
là những bệnh tâm lý.
Chúng ta lo âu, sợ hãi, căm ghét, oán hận, cùng những chứng căng thẳng và trầm
cảm. Thành công của chúng ta phụ thuộc vào số của cải làm ra và địa vị, danh
tiếng, quyền lực mà chúng ta có. Nên đã có những người mất phương hướng, thấy
đời mình là những tháng ngày trống rỗng, mây đen mờ mịt. Khủng hoảng niềm tin và
lý
tưởng. Trong thế giới quay cuồng hỗn độn đó, cái thế giới làm Bùi Giáng phải
thốt lên:
Trần gian đáng lẽ tuyệt vời
Về sau chẳng rõ muôn đời đảo điên.
Thì chỉ có một số người, rất ít người ưa tìm khoảng lặng. Đường đời chật hẹp
người chen lấn, lối đạo thênh thang hiếm kẻ tìm, bởi vì Phật pháp là pháp khó
tin, tế nhị, sâu kín, chỉ có người trí mới có thể chứng hiểu. Điều đó đã được
Đức
Phật dạy trong kinh điển Đại thừa cũng như kinh tạng Nguyên
thủy.
Thiền là một khoảng lặng chữa lành vết thương cho tâm hồn ta. Haiku cũng là một
thứ khoảng lặng như thế. Nhật Chiêu, bậc thầy gạo cội về văn chương Nhật Bản có
nói rằng,
Haiku
không phải là thơ quý tộc vì nó đơn sơ. Nó giản dị như một đóa triêu nhan thanh
cao siêu thoát:
Ôi hoa triêu nhan
Giữa hồi kinh tụng
Nở ra huy hoàng.
(Kyoroku)
Tiếng kinh tụng như làm cho hoa triêu nhan được cứu rỗi. Đó là hoa hay là tâm
hồn nở hoa? Nếu nói như nhà thơ Huyền Tri, rằng “Thơ
là một cuộc trải nghiệm tâm linh bùng vỡ thực tại”, thì đóa triêu
nhan ở đây là hiện thân cho một cuộc bùng vỡ thực tại rất đỗi nhiệm mầu.
Còn đóa triêu nhan trong thơ Basho có khi trở thành một công án:
Ai biết khóc hay cười
Khi đến thời khô héo
Cành triêu nhan của tôi.
Trịnh Công Sơn viết, làm sao em biết bia đá không đau. Làm sao biết được. Như
người uống nước nóng lạnh tự biết. Ngoại đạo hỏi
Đức
Phật:
Sa-môn
Gautama,
Ngài
vui hay buồn?
Đức
Phật đáp,
Ta
được gì mà vui,
Ta
mất gì mà buồn. Con đường của Phật là con đường trung đạo. Phật tính của đóa
triêu nhan có lẽ sẽ nói lên rằng, khi đến thời khô héo thì tôi không khóc cũng
không cười. Vì các pháp là vậy. Dứt bặt các ý niệm.
Thiền lặng im.
Haiku lặng im.
Và triêu nhan cũng lặng im.
Tài liệu tham khảo:
1.
Nhật Chiêu, Basho và thơ Haiku, NXB.Văn
học, Hà Nội, 1994.
2.
Nhật Chiêu, Như một nhánh bìm xanh, báo Giác
Ngộ
online.
3.
Nhật Chiêu, Thơ ca Nhật Bản, NXB.Giáo
dục, Hà Nội, 1997.
4.
Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến 1868, NXB.Giáo
dục, Hà
Nội,
2000.
5.
Lâm Minh Trí, Phật tính trong thơ
Haiku
của Kobayasho Issa
(nguồn Internet).