Phật tánh trong "Phật đã thành"

Phật tánh trong "Phật đã thành"

 

Hạnh Chi

Dù không phải là Phật tử, hoặc chỉ là kẻ vô thần, có lẽ ít nhất ai cũng từng nghe được một lần câu nói: “Chúng sanh là Phật sẽ thành”.

Đây là lời xác quyết đầy từ bi của một vị giáo chủ chưa bao giờ nhận mình là giáo chủ. Sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới gốc cây Bồ-đề, Sa-môn Gotama đã tìm ra cội nguồn sâu xa tạo nên vòng sinh tử luân hồi, cột buộc bao khổ đau phiền não! Có thực sự biết khổ từ đâu mới mong diệt khổ.

 Bốn mươi chín năm sau đó, Sa-môn Gotama đã đi không ngừng nghỉ để truyền dạy cách diệt khổ. Người theo học đủ mọi tầng lớp trong xã hội, từ vua quan, trưởng giả tới dân dã nghèo hèn; từ trẻ tới già, từ trí tới ngu… một lòng tôn kính gọi Ngài là Phật, do chữ Buddha lấy nghĩa theo tiếng Magadhi là Người Tỉnh Thức; và tôn xưng Ngài là giáo chủ của một tôn giáo có tên là đạo Phật, bởi con đường Ngài chỉ dạy đưa tới sự tỉnh thức.

Nhân gian biểu tỏ lòng ngưỡng kính như thế, nhưng đức Phật thì sao? Những ai đã từng nghe câu nói “Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành” thì chẳng cần suy cạn nghĩ sâu gì cũng hiểu ngay, vì câu nói đó đơn giản quá! Đức Phật chỉ nhận mình là người đã nhìn ra những nguyên nhân của khổ đau nên đã tỉnh thức, thoát khỏi khổ đau mà thành Phật; trong khi chúng sanh cũng có đủ những hạt giống tỉnh thức, để thành Phật, nhưng vì tập khí sâu dày, chưa nhận ra thôi. Xác quyết điều này, ngụ ý đức Phật không nhận mình là giáo chủ, mà trái lại, Ngài khuyến tấn rằng Ngài và chúng sanh không khác, chỉ là sự nhận biết trước hay sau. Và người đã biết sẽ chỉ cho người chưa biết để cùng đạt tới sự giác ngộ như nhau.

Điều này nói lên bản chất của Phật giáo là Giáo dục chứ không phải là Tôn giáo. Suốt thời gian thị hiện Ta-bà, đức Thích-ca Mâu-ni đã không ngừng giảng dạy cho chúng sanh ở mọi giai cấp, mọi căn cơ từ thấp lên cao, như thứ lớp ngoài đời từ mẫu giáo lên đại học. Ngài là vị thầy không lấy học phí của bất cứ học sinh nào, chỉ nhận sự cúng dường mỗi ngày một chén cơm mà giảng dạy không ngừng nghỉ suốt bốn mươi chín năm! Nhận thức như vậy, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về bốn chữ “Chư pháp thực tướng”. Đó là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, cô đọng toàn bộ những lời Phật thuyết trong suốt hơn bốn thập niên. 

Phật tử tôn kính đức Phật là tôn kính một người Cha, một vị Thầy chứ không phải với lòng sợ hãi mù quáng như đối với thần linh!

Không một nơi nào trên trái đất này, mà chỉ có toàn điều tốt, người tốt, hoặc ngược lại, toàn điều xấu, người xấu. Tốt xấu luôn xen kẽ bên nhau như hồ sen mà đức Phật đã quán chiếu khi vừa đắc đạo. Đóa sen có cọng thấp cọng cao, lá sen có lá non lá già, bông sen có bông nở rộ, bông hàm tiếu nhưng trong mỗi đơn vị đều chứa đựng đủ bản chất của bùn, nước, nắng, gió…  Khi nghiệm ra lý duyên khởi và lẽ vô thường trong trời đất cũng là lúc đức Phật ngạc nhiên nhận diện khả năng giác ngộ, hay Phật tánh, đều có mặt và có sẵn trong mỗi chúng sanh! Ngài đã phải kêu lên: “Lạ thay! Chúng sanh nào cũng có sẵn hạt giống trí tuệ và giác ngộ, mà sao muôn ức kiếp vẫn trôi lăn trong sinh tử khổ đau?”

Vì lòng thương tưởng chúng sanh nên đức Phật đã từ chối nhập Niết-bàn khi Ma Vương tới dụ. Ngài khẳng định ở lại Ta-bà để giáo hóa những vị Phật-Sẽ-Thành. Đó là thông điệp từ bi nhất, rõ rệt nhất trong đại nguyện của một vị Phật-Đã-Thành.

Hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, chúng sanh cõi Ta-bà nhận được những gì nơi kho tàng để lại?

Kinh Duy-ma-cật có một chương giới thiệu về quốc độ Chúng Hương của đức Phật Hương Tích. Đó là một quốc độ cực kỳ trang nghiêm và thanh tịnh vì nơi đó không có hàng Thanh văn, Duyên giác mà chỉ có chúng Đại Bồ-tát ngồi nghe pháp bằng hương thơm chứ không bằng ngôn tự. Những vị Bồ-tát ở nơi lý tưởng và đẹp đẽ như vậy làm sao không sửng sốt khi nghe nói về cõi Ta-bà uế nhiễm đầy những phiền não khổ đau với muôn chúng sanh vô minh khó dạy mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã phát nguyện ở lại giáo hóa!

Không chỉ ngưỡng phục tâm đại bi của đức Phật Thích-ca mà chư Bồ-tát cõi Chúng Hương còn kinh ngạc khi trưởng giả Duy-ma-cật giãi bày là chư Bồ-tát ở cõi Ta-bà phải thành tựu tám pháp mới vượt qua những chướng ngại trên đường hoằng pháp. Trong tám pháp đó, có ba pháp đầu là căn bản, gồm:

1- Làm lợi ích chúng sanh không cầu báo đáp.

2- Chịu thay chúng sanh hết thảy khổ não và hồi hướng công đức đã làm cho chúng sanh.

3- Tâm bình đẳng với chúng sanh, khiêm hạ, vô ngại.(*)

Ấy vậy mà không thời nào không có những câu hỏi tiêu cực đầy ác ý của kẻ phàm phu, nhất là trong thời mạt pháp này. Những câu hỏi mà thực chẳng để hỏi, như: “Giáo lý Phật hay lắm! Nhiệm mầu lắm! Nhưng sau Phật Thích-ca đã có ai thành Phật thêm chưa?”

Nếu được nghe, tôi xin thưa:

- Dạ có, có nhiều lắm! Rất nhiều Phật-Đã-Thành, mà bạn không nhìn thấy đó thôi. Hãy gỡ cặp kính nghi hoặc xuống. Hãy lắng yên cái tâm phân biệt. Hãy mở rộng lòng hẹp hòi vị kỷ. Hãy hít vào không khí bình an và thở ra những oán kết hận thù. Hãy cho mà không chờ nhận. Hãy sẵn sàng vì lợi ích người mà chẳng quản nhọc nhằn. Hãy chia sẻ áo cơm khi biết có người đói lạnh. Hãy thương người như thương chính ta… Hãy tạm thử ngần ấy thôi, bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình thăng hoa, xung quanh bạn đều quá đẹp! Quá dễ thương!

Sự chuyển hóa lặng thầm nhưng kỳ diệu đó là gì vậy?

Bạn ơi! Giây phút nào bạn sống được như thế thì chính bạn đang là “Phật-Đã-Thành” đó. Chỉ tiếc là chúng ta không sống với Phật tánh đó được lâu vì tập khí tham sân si sâu dày, nên từ “Phật-Đã-Thành” ta lại nhanh chóng trở về “Phật-Sẽ-Thành”!

Nhưng xin chớ vội bi quan, vì giữ tâm thanh tịnh mà nhìn quanh, bạn sẽ cảm thấy hoan hỷ và phấn khởi. Bạn thấy gì? Có phải giữa bao cảnh huống đảo điên, bi đát, không bao giờ thiếu bóng dáng những vị phát nguyện: “Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh. Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”, đời ác ngũ trược, xin thề vào trước, những vị quên mình cứu người, chịu đói cho người no, chịu lạnh cho người ấm, chịu chết cho người sống?

Hãy nhìn kỹ, rồi bạn có can đảm nói khác đi, rằng bạn không hề thấy như thế không?
Vậy, những vị đó là ai?

Thưa bạn, tôi tin, đó là những Bồ-tát, nương theo lời dạy của đức Thích-ca Mâu-ni, tiếp nối con đường cứu độ chúng sanh, xoa dịu những khổ đau trầm thống của kiếp nhân sinh.   

Đó là Pháp Thân Phật, là những chúng sanh Đã, Đang và Sẽ thành Phật.

Nếu còn băn khoăn, có lẽ bạn nên tự hỏi ngược lại, là thế giới đảo điên này sẽ tang thương đến đâu, nếu thiếu vắng những Bồ-tát vì chúng sinh mà hành Bồ-tát hạnh?■

(*) Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết,  TT.Thích Tuệ Sỹ dịch

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle