Một bông hồng trắng

MỘT BÔNG HỒNG TRẮNG

gửi Hạnh Phương

nhân đọc “bài thơ dâng Mẹ

é NINH GIANG THU CÚC ê

 

Bằng 33 khổ thơ song thất lục bát gồm 132 câu được nhà thơ Hạnh Phương viết theo lối tự sự thuật sự là những mảng hồi ức tác giả theo bước chân của người Mẹ yêu kính từ thuở còn son giá măng tơ và dọc dài theo lộ trình làm dâu, làm vợ, làm mẹ, làm quả phụ và cuối cùng là nhắm mắt xuôi tay...

Chao ôi! Một cuộc đời, một hành trình dài dằng dặc nửa cam go khổ ải, nửa bi tráng, lấp lánh hào quang cho tương lai con trẻ, vầng hào quang thành nhân chi mỹ, sự êm ấm no đủ trong một mái nhà với áo cơm sách đèn là lực đẩy, là mục đích để mẹ dấn thân hai sương một nắng trên ruộng cạn đồng sâu, gồng gánh hai vai, mưa chan nắng táp cuối bãi đầu sông để có “Dẻo cơm một hạt đắng cay muôn phần”(Ca dao) để có bếp chiều ấm khói rạ rơm, nồng thơm mùi cà om dưa muối cho vợ chồng con cái quây quần bên bữa ăn đậm mùi thôn dã với “Khi vui câu chuyện thêm dòn, chồng chồng vợ vợ con con một nhà” (Tản Đà).

Niềm hạnh phúc giản đơn mà khó nhọc ấy tưởng vĩnh viễn ngự trị trong tổ ấm:

“Nguồn hạnh phúc xinh tươi trái ngọt

Bức tranh hoa nắn nót thợ trời

Gia đình êm ấm thảnh thơi

Cái con chồng vợ cảnh đời bình an...”

Nhưng rồi tai họa ập xuống “Cảnh đời bình an” người phụ nữ, người mẹ đảm đang, người vợ nửa chừng xuân sắc đã bị đánh mất một bảo vật, một bất hạnh lớn của đời bà là người đàn ông trụ cột, người chồng yêu kính – điểm tựa: vững vàng của cả nhà đã đột nhiên về với “non ngàn mây bạc”, “cánh hạc trời Tây” khiến cho:

Con côi mẹ góa từ đây nỗi niềm...

Một nách ba con – người phụ nữ góa bụa ấy còn phải gồng mình hứng chịu họa chiến tranh ngày ngày gieo rắc tai ương – miền quê êm ả không còn tiếng chày giã gạo đêm trăng mà chỉ còn tiếng đại bác vọng về đêm đêm giữa giấc ngủ chập chờn lo âu hoảng loạn:

“Lại thêm nỗi ngửa nghiêng chinh chiến

Nhà cửa kia lửa biến bụi tro

Con thơ bữa đói bữa no

Một thân cô quả âu lo tủi phiền...”

Niềm lo sợ đã thành sự thật, nhà tan cửa nát ngọn lửa tàn bạo của chiến tranh đã gây bao thảm họa cho hàng triệu bà mẹ trên đất nước thân yêu của chúng ta mà mẹ của nhà thơ Hạnh Phương là một điển hình.

Thân góa bụa yếm mềm gánh thêm trọng trách làm cha thay chồng khuất núi “Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân” (CPN-Đoàn Thị Điểm).

“Thanh xuân mẹ mỏi mòn héo úa

Gắng nuôi con sách vở học trò

Trưởng thành con bớt ngây ngô

Tóc xanh mẹ đã cơ hồ điểm sương.”

Bằng tất cả sự chịu thương chịu khó – một đức tính được tồn tại ngàn đời của người Mẹ Việt Nam – Mẹ đã chèo chống bươn chãi từ buổi đò đông đến chiều chợ vãn, chắt chiu gầy dựng từ không đến có, từ khó khổ đến đủ đầy:

“Thuở phên liếp gió lùa trăng lọt

Rồi đến khi đỏ chói mái son

Gia cang đạo nghĩa vuông tròn

Mẹ nuôi ba đứa chúng con nên người.”

Sự nghiệp vững vàng, con cái thành đạt – Mẹ tưởng rằng đã được mỉm cười thỏa nguyện chỉ còn việc tác thành đôi lứa cho trai nên vợ, gái nên chồng-để mẹ con bà cháu được sum vầy hôm sớm trên nền cũ nhà xưa giữa xóm làng quê cha đất tổ, giữ gìn bát nước lư hương cho ấm hồn người thiên cổ... nào ngờ theo trào lưu tiến hóa của một xã hội đang phát triển trong giai đoạn hậu chiến, theo chí tiến thủ lập nghiệp của lớp tuổi trẻ mạnh mẽ như một cơn lốc lớn đã cuốn người mẹ chân quê:

“Lần theo bước sinh tồn phương kế

Giã quê nhà gạt lệ đắng cay

Theo con cam phận từng ngày

Phương Nam đất khách dựng gầy cơ ngơi.”

Mẹ chỉ còn ôm nỗi buồn tha hương trong rừng chiều lên nắng xuống cười gượng khóc thầm:

“Nỗi thương nhớ đầy vơi ai biết

Mẹ ngày đêm da diết cực lòng

Lư hương bát nước cha ông

Dặm trường non biển khôn trông ngày về.”

Ngày xưa, xã hội Đông phương sống theo lễ giáo Khổng Mạnh: “Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du” điều ấy là luật lệ, là truyền thống từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, nhất nhất tuân thủ, không một người con nào dám bỏ nhà, bỏ cha mẹ để sang xứ khác, còn bây giờ các bậc cha mẹ cứ khăn gói gió đưa chạy theo con đến hụt hơi, trời đất ạ!

Bởi biết làm sao được khi dân số tăng vùn vụt, đất chật người đông, lũy tre làng không còn khả năng vật chất để cưu mang đùm bọc, đành đứng làm chứng nhân và đưa tiễn bao đứa con của quê hương lên đường tìm sự sống, theo gót Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tiến về phương Nam khai hoang lập ấp mưu cầu áo ấm cơm no cho mình cho người.

“Khuất khuất núi tái tê trông núi

Tuổi mẹ chừ chống gậy cậy con

Nhớ thương thương nhớ mỏi mòn

Tình quê ngàn dặm nước non vơi đầy.”

Theo con – bỏ lại đằng sau tất cả mẹ vẫn chấp nhận, bởi hạnh phúc, ấm no của con, mẹ vẫn sẵn sàng hy sinh – nước mắt chảy xuống là quy luật ngàn đời.

Mẹ của nhà thơ Hạnh Phương là thế, tất cả các bà Mẹ Việt Nam của chúng ta là thế. Mẹ ngọt ngào thơm mát như đường mía lau, như xôi nếp một, như gió mát trưa hè, như cam lồ thủy chứa đầy nhũ trấp nuôi nấng con bằng tất cả yêu thương:

Tình mẹ ta dào dạt biển đông.

Chính nhờ tấm tình yêu thương con cái dào dạt mặn nồng như nước biển đông ấy, đã cho:

“Tim con nở đóa hoa hồng

Thiên thu hình bóng mẹ không phai nhòa”.

Đúng vậy, mỗi bà Mẹ đều bất diệt trong tâm tưởng của bao đứa con, thảy thảy chúng con đều nhất tâm khấn nguyện Tam bảo hộ trì các Mẹ:

“Hiện còn tại thế

Thân tâm an ổn

Phát nguyện tu trì”

Và các bà Mẹ đã qua đời:

“Ác đạo xa lìa

Chóng thành Phật quả”     

(Kinh Báo Ân)

Mùa Vu Lan hiếu hạnh đang về - Ninh Giang Thu Cúc xin dâng nén tâm hương cầu nguyện - xin được chia vui với ai đang còn Mẹ, và tặng Hạnh Phương, tặng chúng ta những đứa con mất mẹ một bông hồng trắng cút côi...

“BÀI THƠ DÂNG MẸ” của nhà thơ Hạnh Phương là một khúc tâm ca dâng lên Từ mẫu với tất cả lòng biết ơn sâu sắc và nếu tôi không nói theo ngoa ngữ thì đó còn là khúc bi tráng ca mà Hạnh Phương đã thay mặt những đứa con để tự xưng công lao trời biển của các bà Mẹ Việt Nam vĩ đại của chúng ta. Xin cảm ơn Hạnh Phương.±

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle