Những giấc mơ chập chùng

New Page 1

Chiêu Hoàng

 

những giấc mơ chập chùng

Trong Phật giáo Mật tông, đi vào một giấc mơ là đi vào một cái chết ngắn để tái sinh một thân xác trong mơ… Rồi khi ta tỉnh mộng, là bước ra khỏi một giấc mơ có nghĩa là ta lại đi vào một cái chết ngắn khác để trở về với thân xác hiện tại.

Vậy thì một giấc mơ được lồng vào trong một giấc mơ khác thì sao? Và điều kỳ diệu nhất là trong những giấc mơ lồng vào nhau đó, có sự liên lạc rất chặt chẽ với nhau. Chính lúc đó có có phải chúng ta đang có những hóa thân chập chùng hay chăng?


Bồ-tát có những hóa thân chập chùng theo nguyện lực do từ tâm thức thanh tịnh khởi

lên từ lòng đại từ bi.

Chúng sanh cũng có những báo thân (quả báo) chập chùng theo nghiệp lực mang đầy dấu tích khổ đau…


Và…
Đôi khi, (theo sự suy tư rất chủ quan và hạn hẹp) có thể những giấc mơ đó cũng chính là những dấu vết của những kiếp xa xưa...


Mộng và thực

Anh ạ,

Em thường hay có những giấc mộng lãng đãng. Đôi khi, ở tột bờ mé, em không còn phân biệt đâu là Mộng, đâu là Thực nữa. Những lúc như thế, em thường rơi vào một trạng thái bàng hoàng. Có lẽ... Bâng khuâng thì đúng hơn. Nhớ lại tích Trang Châu xưa kia, mơ hóa thành bướm. Sáng tỉnh mộng, bâng khuâng không hiểu mình đang từ giấc Mộng trở về với Thực, hay đang từ Thực bước vào Mộng? Từ cánh bướm trở về Trang Châu hay chính cánh bướm ấy biến thành mình?

Phải thế chăng anh? Có phải mỗi người trong chúng ta vẫn đang đi từ một giấc mộng này, sang một giấc mộng khác? Mà giấc mộng nào cũng mang đầy những niềm vui, nỗi buồn, rất thật... Như sáng nay. Sau khi chấm dứt một giấc mơ trở về. Em đã rơi vào trong trạng thái tâm thức ấy. Giấc mơ thật quá anh ạ, nó êm đềm, pha thêm chút hương vị buồn bã, ngậm ngùi...


***

Em thấy mình đứng chênh vênh trên một ngọn đồi. Bầu trời đầy sao lấp lánh như những viên kim cương nạm trên một miếng nhung đen. Anh bảo:

"Coi kìa, những cánh sao sáng lunh linh như ánh mắt. Anh ước sao anh có thể hái được một ít, kết thành chuỗi cho em..."

Em nhìn anh. Khuôn mặt anh cũng có hai vì sao lung linh. Chúng ta cùng mỉm cười. Em cảm thấy tràn đầy hạnh phúc. Thời gian dường như đặc lại, ngừng trôi. Rồi bỗng anh reo lên:
"Ô kìa, sao có cánh bướm lẻ loi trong đêm thế kia? Hay để anh bắt cho em đem về ép vào trang thơ nhé?"

Nói rồi, anh buông tay, chạy theo cánh bướm chập chờn bay trước mặt...

Sương đêm rơi xuống ướt vai. Em cảm thấy lạnh và gọi anh trở về. Tiếng gọi em tan loãng trong hư không... Anh thì như ẩn, như hiện chập chùng theo cánh bướm...

"Anh ơi... Trở về thôi ... Em lạnh..."

Giọng anh mơ hồ như từ một tinh cầu xa lắc:

" Không... không... Em chờ anh tí đã. Anh sẽ cố bắt được cánh bướm cho em..."

Hai tay bắc chéo ngang vai nghe cái lạnh thấm vào từng chân tóc. Hình ảnh anh nhạt nhòa trước mặt, xa dần... xa dần... Và hình như anh cũng hóa thành cánh bướm bay đi...

Chỉ còn lại em một mình với khung trời nghiêng đổ...


Niệm chết


“Tôi sẽ hành xử thế nào nếu ngày mai tôi chết?”

Đó là câu hỏi mà nhiều ngày nay chị nghĩ đến. Cái chết. Thật hiển nhiên và chắc chắn. Nó sẽ xảy đến cho bất cứ người nào. Từ một vị vua, một thương gia, một người giàu có, quyền uy chức tước đến những kẻ bần cùng, nghèo đói, xấu xa, v.v… Một-ngày-nào-đó, tất cả, rồi cũng sẽ phải chết. Nhưng mấy ai nghĩ đến điều đó? Cái chết, đối với chúng ta thật rất xa vời. Ừ, dĩ nhiên một-ngày-nào-đó ta sẽ phải chết, nhưng Cái chết thật trừu tượng, nếu không nói, đối với riêng cá nhân mỗi người, dường như nó không hiện hữu…


Nhiều ngày nay chị đã nghĩ về cái chết khi một đạo hữu vừa từ trần. Anh chết sau Thầy nhập diệt chưa đầy một năm. Chị nghĩ đến anh, đến hơn hai năm qua anh bị bệnh và thường xuyên đối diện với cái chết. Chắc hẳn, anh đã chuẩn bị và sẵn sàng để ra đi...


Vậy đó... Mỗi sáng vừa bừng con mắt dậy, sau câu niệm quy y, chị lại tự đặt cho mình một câu hỏi: “Liệu tôi sẽ làm gì đúng nghĩa nếu ngày mai tôi chết?” Câu hỏi ấy phải là một câu hỏi nghiêm chỉnh, tận đáy lòng, một câu hỏi mà chắc chắn ta cảm nhận được rằng, ta sẽ không còn một cơ hội nào khác ngoài cái chết sẽ xảy đến, và lúc đó, ta sẽ hành xử thế nào?


Quả nhiên đó là một điều rất
khốc liệt khi ta thực sự nghĩ đến nó và từ cảm giác khốc liệt ấy nảy sinh trong tâm một sự mong muốn tu tập, một lòng yêu thương bi mẫn và sự thứ tha cho chính mình và cho người...


Đó là khung cảnh một buổi tối buồn. Chị đang đi trên một con đường hun hút dưới hai hàng cây. Chỉ có vài ánh đèn lunh linh hắt từ những căn nhà còn sáng. Chẳng hiểu lúc đó đi đâu, làm gì. Nhưng hình như chị cần phải đi, đi cho hết những nghiệp quả đang trổ….
Bỗng từ một khoảng tối sâu hoắm, một người lạ mặt nhảy xổ ra dơ cao tay với con dao dài đâm phập vào bụng. Chị thấy mình gập đôi người lại, loạng choạng, máu chảy ướt hết cả áo phần bụng và ngực trong khi bóng đen cao bay, xa chạy. Ngay lúc ấy, chị biết mình sắp chết nhưng không cảm thấy sợ hãi. Chỉ có một điều duy nhất là chị vẫn còn rất tha thiết sống, tha thiết là vì chị chợt nhận ra rằng, chị vẫn chưa chuẩn bị để ra đi. Chị vẫn còn muốn tu tập cho tâm thức chín mùi… Chưa-bao-giờ-như-lúc-này… Chị tha thiết muốn giữ lại đưọc thân người thêm một thời gian nữa để tu tập. Ôi chao! Sao giờ phút lâm chung mới bi ai, thống thiết làm sao… Một mình chị, không người thân, không có đến một lời an ủi, ở một nơi hoang vắng quạnh quẽ này, chỉ - một - mình đang đối diện với cái chết… Lúc đó, trong tâm chị hoàn toàn không có một niềm oán hận nào với người đã giết mình, mà chỉ thấy một niềm tiếc nuối vô bờ rằng lúc còn sống chị đã không dấn thân vào sự tu tập một cách nghiêm túc để đến giờ phút này thì đã quá trễ…

 

Từ đáy tầng tâm thức. Chị thấy đầu óc thật mù mịt, hình ảnh nhạt nhòa như những ánh sáng bệnh hoạn chập chờn trước mặt… Chị cố gợi lên trong tâm hình ảnh ngài Quán Âm và từ đó, câu chú của ngài bắt đầu mấp máy trên môi trong khi toàn thân đổ ập xuống đất… Chị cảm nhận dòng máu đỏ đang trào ồng ộc tuôn ra phía dưới bụng và bừng tỉnh dậy với giọt nước mắt ướt mi mà chị vẫn còn tưởng đó chính là máu mình đang chảy…


*

Ngoài khung cửa, trời đã tờ mờ sáng. Chị nằm yên lặng, giấc mơ vẫn còn bàng bạc trong tâm thức. Chị cảm động tới độ biết mình vừa ra khỏi cơn mơ nhưng chị vẫn khóc vùi, chị khóc lặng lẽ trong không gian thinh lặng giữa giờ phút giao nhau của Đêm và Ngày, giữa sự cảm nhận của Sự Sống và Cái Chết… Cho đến khi cơn xúc động lắng dần trong lúc tâm thức vẫn miên man quán niệm về cái Chết và sự vô thường của cuộc đời. Chị có cảm tưởng mình vừa được tái sinh, một kiếp sống mới vươn dần lên cùng với cái váng hồng của mặt Trời bắt đầu mọc. Bỗng nhiên, chị chợt nhận ra rằng, chẳng có gì vĩnh cửu, sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, v.v… mọi sự, mọi vật, đến rồi đi, biến-dịch-không-ngừng. Nó biến dịch theo dòng sinh tử, theo nghiệp quả của mỗi một chúng hữu tình...


Chị lại chợt nghĩ rằng, cái chết không khốc liệt như ý niệm ban đầu chị có. Nó chỉ là một hiện tượng chuyển tiếp từ kiếp này qua kiếp khác. Một cánh cửa đóng lại, thì có một cánh cửa khác lại mở ra. Mọi sự đều cứ trôi chảy một dòng. Chảy theo dòng nghiệp lực. Điều đáng quý là ta có thể chuyển đổi và làm cho đời sống ta đáng quý hơn trong những kiếp vị lai.


Nghĩ đến điều này, chị thấy mình ngưng khóc lúc nào không biết. Hơn bao giờ hết, chị cảm nhận được sự đơn giản quá sức đơn giản của cuộc đời. Nó hồn nhiên gần như chẳng có gì để bàn luận, giản đơn quá...


Giản đơn như tiếng cười hồn nhiên của một đứa trẻ….




 

Theo dòng nước trôi

 

Mộng thân của nó là một đứa bé gái bảy tuổi. Nó nằm trên một cái bè chuối khô chảy ngược dòng trên dòng sông nhỏ. Khung cảnh thật êm đềm với hai hàng cây rủ lá ven sông. Lòng con bé tràn ngập niềm vui, chân phải buông lơi xuống dòng suối mát, chân trái hơi co lại bên người. Nó cất cao tiếng hát, một điệu hát nhân gian cổ với âm thanh réo rắt, vui tươi. Hình như hai hàng cây bên đường cũng biết lắng nghe và cùng chung vui với nó.

Chiếc bè chuối vẫn trôi ngược dòng, điều kỳ diệu là chiếc bè có thể tránh những vật cản trên dòng nước trôi, một tảng đá, một đám lục bình, hay cả những nơi nước xoáy, v.v… Chiếc bè vẫn bình thản trôi đi..., trôi đi...

Tiếng hát réo rắt từ những dòng chữ tuôn ra khỏi môi, âm thanh vòng lại lọt vào tai con bé… Những âm thanh mang ý nghĩa của những con chữ đập vào tâm thức của nó nói về một niềm vui mong manh dễ vỡ của một kiếp người. Vì ý nghĩ đó làm cho nó ngừng bặt lời hát. Nó mải mê rong ruổi theo ý nghĩ vừa chợt hiện trong tâm: Vô thường...

Bè trôi thêm một đoạn nữa thì dừng lại ở một nơi thị tứ có vẻ nghèo nàn. Lúc đó trời đã về đêm. Dân cư ở đây đều có một da mặt màu chì với đôi mắt lờ đờ không có chiều sâu của tâm linh và hình như có một đời sống rất vội vã, vì ai ai cũng có một thái độ hối hả. Hối hả làm việc, hối hả ăn, hối hả chơi, hối hả ngủ nghỉ, v.v…

Con bé bước lên bờ, hoàn toàn mù mịt với một cuộc sống như thế. Trong tâm vẫn miên man nghĩ đến sự vô thường. Nó đi dọc theo dòng sông, đi qua nhiều quán hàng xiêu vẹo được dựng lên một cách sơ sài bằng những mảnh gỗ với những ngọn đèn lù mù ảm đảm. Một số chủ quán bước hẳn ra đường mời chào - nếu không nói là gần như lôi kéo khách qua đường – vào quán của mình. Nhưng chẳng ai nhìn thấy nó, chẳng ai thèm lôi kéo. Nó tựa như một người tàng hình, đi vào một thành phố nhộn nhịp, xôn xao... Nó nhìn thấy nhiều người ngồi quanh những bàn tròn, ăn uống nhồm nhoàm những thức ăn cũ, thối. Ngay bên cạnh, một thùng nước sôi lớn được người đầu bếp bỏ nhiều loại sinh vật cua, hào, ốc hến, hình như chúng đang khóc vì đau đớn. Con bé đứng yên nhìn nồi nước sôi rồi linh cảm đến hình ảnh nước đồng sôi với rất nhiều sinh linh nổi trôi khổ đau dưới địa ngục và khởi tâm thương cảm cho những sinh vật đang đau đớn chết đuối trong đó vì nóng.


Nó lại tiếp tục đi. Qua nhiều góc phố, nhiều ngôi làng ảm đạm, tối tăm. Dân cư ở đây ai ai cũng gầy ốm, bịnh hoạn. Một người đàn ông bệnh hoạn hỏi tại sao nó lại đến đây? Nó không có câu trả lời. Trong lòng thầm thầm dấy lên một niềm sợ hãi. Gã bỗng vồ lấy cánh tay của nó kéo tay áo lên. Trên cánh tay hiện lên một bông sen nhỏ màu trắng nuốt. Nó cũng không hiểu hình cánh sen đó có từ lúc nào. Nó cuống cuồng dựt cánh tay lại rồi chạy chối chết về phía trước. Nó muốn trở về nhà, muốn nhảy lên cái bè đã đưa nó đi ngược dòng trôi dạt đến đây, nhưng nó không còn nhớ đường để trở về nữa. Nó muốn khóc lớn vì sợ, càng sợ, nó càng chạy miết… Cuối cùng thì đến bên một dòng sông nước đen như nước cống. Từ bờ bên này qua bờ bên kia là một khúc cây nhỏ bắc ngang làm cầu trơn như bôi mỡ. Bằng một cử động rất máy móc, nó bước lên cầu, hình như đôi tay ôm một cái gì đó trước ngực, đôi chân lướt đi không vướng bận, chỉ một thoáng đã qua đến bờ bên kia. Chừng quay đầu lại nó mới hốt kinh run rẩy vì sợ hãi khi nhận ra rằng, dưới dòng nước đen thẫm, cả ngàn ngàn người đang kêu la, chới với ở dưới.


Hốt nhiên… Từ đáy tầng tâm thức, nó lại nghe được tiếng hát của mình.

À. Không!

Nó không hát mà đó chính là những câu chú nó đã học được từ một ngôi chùa cổ.
Nghe đâu, đó là câu chú cứu khổ, cứu nạn, đại từ, đại bi của ngài Quan Thế Âm...

***


Âm thanh câu chú dội ngược lại trong tâm thức đã vực nàng trở về. Nàng hé mắt nhìn qua hàng mi, thấy màu xanh lục của lá cùng với màu nắng lung linh đang cười đùa với gió, tựa như cuộc đời vẫn hồn nhiên xuôi chảy một dòng.



Dù biết rằng mình đã trở về với thực tại, nhưng tim nàng vẫn run lẩy bẩy vì hình ảnh khổ đau của mọi loài trong mơ rơi rớt lại vẫn còn rất rõ nét… Nàng nhận thấy mình đang liên miên tụng chú, âm thanh làm thành một vòng tròn nối từ tâm thức đưa xuống môi, vòng lên hai lỗ tai rồi trở về tâm. Nàng nhắm hờ đôi mắt, lòng dịu lại...

Nắng đang lên.

Một ngày mới lại bắt đầu.

Một Tiểu Mộng đã chấm dứt, và nàng lại bước trở về Đại Mộng của Nhân Gian.
Chia sẻ: facebooktwittergoogle