Đức Phật phải làm gì?

Tôi đã làm sai điều gì

 

Tôi đã làm sai điều gì?

 

               Quả thực là một câu tự vấn khó trả lời nhất.  Ai ai cũng đều công nhận là chẳng có một người nào toàn hảo cả- ‘nhân vô thập toàn’ - nhưng hiếm có ai tự nhận là mình sai cả.  Cái bản ngã cố hữu của chúng ta thực vênh váo, ương ngạnh và khó trị.  Nó bắt chúng ta tìm cách che dấu, tìm cách khuất lấp những sai lầm mà chúng ta đã vô tình hay cố ý phạm phải.

 

            Chương một của quyển sách này sẽ tập trung vào những khuyết điểm, cố tật và lỗi lầm của chính chúng ta.  Điều quan trọng nhất là chúng ta phải thành thật, phải trung thực với chính mình.  Những khuyết điểm sai lầm của con người như loại cỏ gấu rất khó trị, nó bắt rễ ăn sâu vào tận trong lòng đất; nếu chúng ta muốn trị tuyệt cỏ gấu để cỏ non mềm xanh mướt được mọc mạnh, mọc nhanh trên mảnh đất tâm linh thì chúng ta phải nhổ tận gốc rễ cỏ gấu chìm sâu dưới đất, chứ không phải chỉ nhổ trên bề mặt.  Nếu nhổ được tận gốc rễ thì loại cỏ gấu này sẽ chết khô héo và không thể sanh sôi nẩy nở được nữa.

 

            Phải nhổ tận gốc rễ khổ đau.  Đó là những gì Đức Phật đã thể nghiệm và khẩn thiết dạy bảo chúng ta.  Mỗi chúng ta đây sẽ tự vấn mình và sẽ tìm được trong quyển sách này một phương pháp để trị tuyệt loại cỏ gấu khổ đau sanh tử.  Một khi chúng ta tự hỏi ‘Tôi đã làm sai những gì?’ thì ánh sáng tâm linh bắt đầu soi rọi tới con đường hầm tăm tối của tâm hồn chúng ta và hướng dẫn chúng ta đi đúng đường, đúng hướng hơn về ngọn núi Chân Thiện Mỹ.  Câu hỏi đó trở thành con đường tâm linh của chúng ta và những sân hận, chán chường, trầm uất, si mê – chính tất cả những vọng hoặc đó là thầy dạy của chúng ta.


 

                        Đức Phật phải làm gì khi có kẻ thù ghét mình?

 

            Hận thù không xóa bỏ được bởi hận thù, chỉ có tình thương mới chinh phục nổi hận thù.  Đó là Chân Lý bất diệt vĩnh cửu.

 

                                                                                     Kinh Pháp Cú số 5

                       

          Chỉ vỏn vẹn có hai câu thôi mà Phật đã gói ghém thật toàn vẹn cái qui luật tâm linh thiên thu ấy.  Nhà đại thi hào La Mã Virgil xưa kia cũng đã viết “Tình thương chiến thắng tất cả.”  Phải, chỉ có tình thương chân thật mới có đủ năng lượng tha thứ và xóa bỏ được hận thù.

 

            Đương nhiên còn có những thứ mà tình thương có lẽ không thích hợp để điều phục nhưng tôi tin chắc chắn tình thương có tiềm năng hóa giải được hận thù.  Tại sao?  Bởi vì hận thù là nguy cơ đưa đến bạo lực, chiến tranh, và chỉ có tình thương là thuốc tốt chữa lành nọc độc chết người đó.

 

            Bạo lực, hận thù, bất mãn, chống đối, phản kháng . . . tất cả những tư tưởng đen tối đó như chất nhiên liệu dễ cháy làm bốc cao thêm ngọn lửa sân hận trong lòng người vốn bị vô minh ngự trị.  Trái lại, tình thương như dòng suối mát tưới tẩm và dập tắt được những ngọn lửa sân, si, và thù hận như một bản tình ca đã hát “Chỉ có tình thương xoa dịu được nỗi hận thù.”

 

            Tình thương đối diện hận thù trong một phương cách mà hận thù không tài nào lý giải được – với một cái gì đó vượt quá ngữ ngôn, vượt quá sức tưởng tượng của con người – đó chính là lòng Từ Bi.  Hận thù chỉ biết vươn dài đôi tay đầy sức mạnh bạo tàn của nó để gây tạo ra sự hủy diệt chết chóc, và làm mờ ám lương tri con người.  Chỉ có tình thương mới đủ khả năng đi xa hơn, vươn tới cao hơn trong từng hành động ứng xử, trong từng tình huống để hóa giải hận thù, xoa dịu niềm đau mất mát của vạn loại hàm linh.

 

                       

 

                                               


 

            Đức Phật phải làm gì để tránh khỏi bị thất vọng?

 

            Ta không nên trách móc lỗi lầm người khác, những gì họ đã làm xong hay còn bỏ dở dang.  Hãy tự xét chính mình, những gì ta đã làm và những gì ta còn chưa hoàn tất.

 

                                                                                                Kinh Pháp Cú 50

 

            Đức Phật rất chuẩn xác khi nêu lên nhận xét này.  Làm sao mà tôi biết được?  Chàng ca sĩ dân ca Hank Williams trước kia vẫn thường nói: “Tốt nhất chúng ta không nên nhiều chuyện, chỏ mũi vào công việc của người khác. Chúng ta chỉ nên lo phận mình, những chuyện của chính mình mà thôi.”

 

            Đúng vậy, tôi cũng nghĩ như thế.  Sống tỉnh thức không phải là điều dễ dàng.  Nó đòi hỏi sự chú tâm miên mật, không lơi lỏng; đó là điểm cốt yếu.  Chúng ta nên quan tâm đến việc của chính mình.  Chỏ mũi, xen lời vào chuyện của người khác chỉ tổ gây thêm rối rắm cho họ và cho cả chính mình mà thôi.

 

            Lời khuyên trên không có nghĩa rằng chúng ta sống ích kỷ, mặc kệ mọi người, chẳng thèm để tâm tới những việc xấu xa, phi đạo đức.  Nên nhớ kỹ là Đức Phật đã dạy rằng: “Phải bỏ cái Tôi, cái bản ngã của chúng ta qua một bên khi tiếp xúc với người.”  Vì thế chúng ta có trách nhiệm với chính những hành vi lời nói của chúng ta khi giao tiếp, và nhất là khi phẩm bình một ai, một việc gì.  Chúng ta cần luôn luôn thận trọng cân nhắc từng hành xử của chúng ta, luôn tự vấn lòng mình có lỗi hay không có lỗi, và không nên chỉ trích bới móc lỗi lầm của người khác. 

 

            Muốn được như thế, chúng ta cần phải luôn tỉnh thức cảnh giác, nhất là khi lối hành xử của chúng ta còn vương mang ít nhiều tự ngã.

 

 

 

Đức Phật phải làm gì khi bị đau ốm?

 

 

 

            Chúng sanh bệnh nên Bồ Tát bệnh.

            Phật quán chiếu sâu xa rằng thân mệnh con người vốn do nhân duyên giả hợp mà thành nên phải chịu vô thường, khổ, không, vô ngã.  Đó là sự quán chiếu đầy trí tuệ.  Tuy nhiên dù cho thịt nát xương tan, Phật vẫn phát đại bi tâm trụ lại chốn trần gian này sau khi thành đạo,cốt để truyền bá giáo lý giải thoát giác ngộ cho chúng sanh, chứ không mong cầu giải thoát riêng mình vì nhàm chán khổ đau sanh tử.

 

                                                                                                  Kinh Duy Ma Cật 5

 

            Đúng vậy, ngay chính Đức Phật cũng phải chấp nhận qui luật vô thường đó.  Vì thế một khi chúng ta giáp mặt những khổ đau, khúc mắc, rắc rối của đời sống, chúng ta đang đối diện với bài học đời cơ bản.  Đó là tất cả những gì chúng ta thấy, tất cả những gì chúng ta sờ nắm được, ngay cả bản thân chúng ta đây, cuối cùng đều phù du, vô thường, không bền chắc.

 

            Thân xác chúng ta đây không bao giờ hoàn hảo cả.  Nó luôn bị bệnh tật doanh vây, và mặc dù nó cố gắng hết sức trung thành tận tụy với chúng ta đi nữa, cuối cùng nó cũng phải rời bỏ chúng ta mà đi thôi.  Chúng ta nên tiếp đãi bệnh tật như một phần đời sự sống, một phần đời của thân xác chúng ta; vả lại chúng ta không chấp nhận sự thật phũ phàng đó cũng không được.  Tất cả chúng sinh hữu tình đều phải chịu chung một qui luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử.  Không chối bỏ được, không phủ nhận được, không trốn chạy được.

 

            Nói như thế không có nghĩa là chúng ta chào thua bệnh tật – lẽ dĩ nhiên Đức Phật không bao giờ dạy chúng ta tiêu cực như vậy.  Chúng ta phải tìm phương cách chiến đấu chữa trị bệnh tật chứ, không phải cho riêng mình mà cho hạnh phúc của vạn loại chúng sinh khác, có nghĩa là chúng ta chống lại và chiến đấu trong trí tuệ, trong phát minh.  Chúng ta cần tìm cách điều phục, chế ngự và hóa giải bệnh tật chứ không trốn chạy hay bi quan, tiêu cực, tuyệt vọng vì những căn bệnh tất yếu của con người.

 

            Ở phương Tây, những người Âu Mỹ thường bị ám ảnh bởi bệnh hoạn và cái chết; vì thế những bác sĩ, những khoa học gia luôn tìm kiếm những phương cách kéo dài mạng sống con người càng lâu càng tốt.  Có thể họ cũng đã thành công một vài phương diện nào đó nhưng rồi sao?  Cuối cùng ngay chính bản thân các bác sĩ, các khoa học gia đó rồi cũng phải từ giã cõi đời thôi, và biết đâu họ cũng có thể chết trong uất ức, trong tiếc nuối, trong bi thương hay nhớ nhung sầu thảm. 

 

Vì thế nếu chúng ta sống khác thì khi chết, chúng ta cũng sẽ chết khác, có nghĩa là quan niệm sống và chết của người trí và người mê rất khác nhau.  Nếu chúng ta trực ngộ được ý nghĩa vô thường của kiếp nhân sinh thì chúng ta sẽ không quá bi thiết hay thác loạn thần trí khi xuôi tay về cõi vô cùng.

 

 

 

 

 

                                     
                        Đức Phật phải làm gì về việc nói dối?

 

            Trong một vài trường hợp bất đắc dĩ nào đó, vị Bồ Tát có thể giết, có thể ăn cắp hay uống các chất men say nhưng vị Bồ Tát đó không được nói dối.  Sự cố ý nói dối sẽ bóp méo sự thật và gây nguy hại vô cùng ngay trong đời này và những đời sau.

 

                                                                                           Kinh Bản Sanh 431

 

            Quả thực là khó tưởng tượng nổi một vị Phật lại có thể sát sanh, trộm cắp hay nghiện rượu, ma túy, có phải không?  Tuy nhiên trong vài trường hợp bất đắc dĩ nào đó, qua những câu truyện tiền thân của Phật trong Kinh Bản Sanh Bản Sự, chúng ta thấy trãi qua vô lượng vô số kiếp, khi thực hành hạnh Bồ Tát, Phật đã thị hiện ứng hoạt những hành vi kể trên nhưng không phải vì tư dục thỏa mãn mà chính để cứu độ chuyển hóa kẻ khác khỏi ma lực của vô minh và thần chết, thí dụ như trong tích truyện Bồ Tát đã phải giết những tên cướp để cứu nguy cho nhóm người vô tội trên một con thuyền sang sông.

 

            Với hạnh nguyện lợi tha, vị Bồ Tát đó sẵn sàng làm tất cả và cũng sẵn sàng chấp nhận quả báo về phần riêng mình, chỉ cốt sao giúp tha nhân được sống hạnh phúc và an lạc, duy chỉ một điều là Phật không được nói dối.  Phật không được nói dối dù nói dối để làm vừa lòng người khác.

 

            Tại sao?  Vì nói dối là bóp méo sự thật, bưng bít sự thật khiến người ta hoang mang mờ mịt, dù sự nói dối đó có hiệu quả trong một giai đoạn ngắn nào đó, nhưng về sau sẽ tác hại lâu dài. Một vị Bồ Tát không được nói dối, và chúng ta đây cũng vậy.

 

            Hãy nhớ kỹ là: Thuốc đắng giã tật, lời thật mích lòng.  Nói thật, nói thẳng có thể sẽ gây khó chịu, bất mãn cho người khác nhưng chắc chắn sẽ không tạo hậu quả xấu lâu dài về sau, như Mark Twain đã nói: “Thật dễ dàng khi anh nói sự thậtVì saoVì sau đó anh không cần phải nhớ gì cảSự thật luôn luôn là sự thật, dù anh có nằm mộng hay bị vặn vẹo tra hỏi đủ điều đủ cách, anh vẫn luôn luôn nói đúng những gì anh đã nói, không cần phải nhớ những gì mình đã nói dối để cho ăn khớp với nhau.

 

 

                                               

                                     
            Đức Phật phải làm gì khi đối diện với những khủng hoảng?

 

            Hãy quăng bỏ ngay cái tánh lãnh đạm hững hờ hay dáng vẻ đau khổ, tiều tụy tội nghiệp của bạn đi, và hành động gấp!  Người trí tuệ chứng tỏ năng lực của mình trước nguy cơ, giải quyết mọi vấn đề nan giải bằng tất cả sự khôn khéo, sáng suốt của mình, dù gặp phải bất cứ một trường hợp nào, một nan đề nào.

 

                                                                                            Kinh Bản Sanh 14.11

           

            “Tỉnh dậy đi!”  Phật hét to lên. “Ngươi có quyền hành động và trách nhiệm phải hoàn thành.  Kẻ khôn ngoan sẽ chứng tỏ tài năng của mình trong bất cứ tình huống nào.”  Đức Phật đã hét vang như sấm nổ vào tai những kẻ mông muội ngớ ngẩn đang luống cuống không biết phải xử trí thế nào trên cùng một chiếc thuyền với Phật bị gặp cướp.  Mặc dù gặp nguy hiểm và phải cần hành động xử trí gấp, tất cả những kẻ đồng hành trên chiếc tàu đều sợ hãi, bàng hoàng, và có kẻ còn bàng quan vô sự như không có gì dính líu đến họ.  Tại sao vậy?  Thật là kỳ lạ, khó tin.

 

            Người ta có thể trở thành thụ động, ngớ ngẩn khi đối diện với nguy hiểm.  Đúng vậy, trường hợp như thế xảy ra rất thường, và có nhiều nguyên do, nhưng nguyên do gần nhất chính là chúng ta tự nghi ngờ bản thân mình.  Chúng ta cũng không tin vào những bạn đồng hành với chúng ta.  Chúng ta bỏ rơi hy vọng.  Đó là một khuynh hướng, một trạng thái tự nhiên, và hầu hết chúng ta đây đều sống trọn cuộc đời mình như vậy: nghi ngờ, do dự, không tin, buông xuôi, thụ động.

 

            Thật buồn xiết bao khi chúng ta buông xuôi như vậy – không một chút dũng khí nào, không một chút năng lực nào, không một tia hy vọng, không một hành động cỏn con nào – chấp nhận thất bại hoàn toàn trước khi vào cuộc chiến – thực sự đó là một sự thảm bại tệ bạc nhất, vì chúng ta đã đánh mất chính mình.  Đức Phật đã hết sức khuyến khích chúng ta phải tỉnh thức trước thực tế và phải hành động; nếu được như vậy thì sự thành công mới tỏa rạng.


 

                        Đức Phật phải làm gì khi bị nản lòng thất chí?

 

            Khi gặp bất cứ chuyện gì khiến tôi (Frank) bị thất bại, nản lòng hay thất chí, tôi trở nên rất khó chịu, lỗ mãng thậm chí hung hăng, thô bạo.  Vô phước cho ai chạm trán phải tôi lúc đó.  Những lúc đó tôi chỉ muốn phát tác ra cho bằng hết cơn phẫn uất, bực bội điên khùng trong tôi ra, tôi muốn đấm vỡ hay đập đổ, phá nát hết những gì trước mặt tôi cho hả giận, nhưng tiếc thay, sau cơn giận tức điên khùng đó, hậu quả càng trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng giải quyết được gì.  Bạn có như tôi hay quen biết người nào giống như vậy không?

 

            Chúng ta cần phải chú tâm suy nghĩ thật sâu sắc về những lời dạy trí tuệ của Phật.  Đúng là khi giận tức hay nản chí ngả lòng, chúng ta cần phải tránh xa mọi người nhưng điều đó thực ra vẫn chưa đủ.  Chúng ta vẫn cảm thấy luồng khí sân hận tỏa ra từ trong nội tâm mình và có thể chúng ta sẽ bị thương thê thảm vì chính luồng hận khí đó (ví dụ như chúng ta lái xe điên cuồng trên xa lộ hay nốc rượu vào rồi phóng xe bạt mạng).

 

            Chúng ta cần phải giải mã, chuyển hóa những cảm giác nản chí, ngả lòng tiêu cực đó.  Chúng ta cần tự vấn lòng mình, cần phải nhìn sâu vào vấn đề, cần phải nắm chắc tánh nóng nảy không kiên nhẫn của chúng ta, chúng ta cần thẩm triệt thật sâu, thật chắc, thật kỹ, thật vững cội rễ tư tưởng và trạng thái tâm hồn của chúng ta như mọi vấn đề hiện tượng xung quanh cuộc sống của mình.

 

                        Tại sao chúng ta tiêu cực, dễ nản chí đến thế?

                        Tại sao chúng ta dễ bị khuất phục như vậy?

                        Chúng ta có thể vượt qua được không?

 

            Nếu chúng ta có thể bình tâm lại suy xét vấn đề thì, mặc dù sự nản lòng buồn khổ vẫn còn đó, chưa tan biến hết, chúng ta cũng đã sáng suốt trở lại và chịu lắng tai nghe những góp ý hay khuyên răn của người khác để tìm một giải pháp tốt đẹp hơn để thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai.


 

 

                  Đức Phật phải làm gì khi gặp những tên khùng xa lộ?

 

            Những ai có thể kềm chế, điều ngự được cơn tức giận đang bùng nổ trong lòng như người nài cầm dây cương buộc ngựa điều khiển được ngựa kéo xe đi đến mọi nơi tùy ý, như người cầm tay lái chiếc xe đi thẳng đường đúng hướng muốn đi thì những người đó là những người lái xe giỏi, nài ngựa hay; nếu không thì chỉ là những người cầm dây cương hay cầm tay lái thật lỏng lẽo hờ hững.

 

                                                                                                Kinh Pháp Cú 222

 

            Ở thế kỷ 21 này, con người bị lửa sân hận chi phối đàn áp mãnh liệt gấp ngàn lần thời Phật còn tại thế.  Ở các nước Tây Phương, khi ẩn náu trong khoảng không gian bít bùng của chiếc xe, người ta dễ dàng bùng nổ cơn tức giận trong lòng ra cho hả cơn uất ức, ví dụ như người ta sập mạnh cửa xe, người ta đập tay lái hay rú ga, sang số xe thật đột ngột, bạo động, v.v.  Họ cho là họ có quyền trút những cơn tức tối sân hận ra trong xe vì cái xe hơi đó là xe riêng của họ, họ có quyền làm tất cả những gì họ muốn, và họ cảm thấy an toàn hơn khi xả được cơn sân hận phẩn uất đó ra trong chiếc xe.

 

             Tuy nhiên các bạn hãy nhớ kỹ là những chiếc xe cũng chính là những vũ khí giết người ghê gớm một khi chúng ta xả tay ga phóng xe ra đường trong cơn tức giận.  Chỉ cần một tích tắc sơ ý thôi là tai nạn thảm khốc xảy ra liền – và không phải chỉ có riêng chúng ta lái xe khi tức giận mà chắc chắn cũng có biết bao nhiêu người khác cũng đang lái xe trong cơn tức giận như chúng ta vậy, và những chiếc xe được lái trong cơn điên cuồng đó biết đâu cũng đang nhắm thẳng chúng ta mà lao tới.

 

            Hãy nhớ lại những gì Đức Phật dạy.  Ngài nhắc nhở chúng ta là sự điều phục chế ngự tâm trí thực sự không phải là chúng ta lạng lách xe một cách tài giỏi ngon lành khi đường phố bị kẹt xe hay chạy bon bon trên xa lộ không đèn . . . Sự điều ngự thực sự nằm trong tâm trí, và nó lèo lái chúng ta thoát khỏi được sự khủng bố của cơn sân hận.  Chúng ta phải lái cuộc đời chúng ta như lái xe vậy – và lái xe trong bình tĩnh, trong điều hòa, trong chế ngự.

 

            Tôi nghe nói là có một cách rất hay để biết rõ về bản tánh của một người, thí dụ như chúng ta muốn tìm hiểu về ông thầy tâm linh của chúng ta.  Chúng ta hãy thử nghiệm vị đạo sư đó bằng cách đi chung xe với vị ấy, và hãy để chính vị ấy lái xe.  Chúng ta sẽ thấy ngay bản chất của vị thầy hướng dẫn tâm linh đó bộc lộ ra như thế nào khi ông ta lái xe:  có trầm tĩnh không, có nhẫn nại không khi gặp đèn đỏ hay chạy lạng lách, vượt qua mặt các xe khác . . . Qua cách thử nghiệm đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy cái bản ngã, nhân cách thực sự của một vị đạo sư như thế nào, của một người như thế nào.

 

            Chúc các bạn sáng suốt tự điều phục chiếc xe tâm linh của mình.

 

 

 

 

                                               
                        Đức Phật phải làm gì khi cảm thấy chán nản?

 

            Nếu anh chán nản một việc thì anh sẽ chán nản tất cả.

 

                                                             Thiền sư Đạo An (Lời hướng dẫn tu đạo)

 

            Sự chán nản nằm ngay trong cá tánh của chúng ta chứ không phải ở xã hội hay thế giới này.  Tôi nghe nói: “Nếu anh chán nản một việc gì thì chính anh đã tạo ra sự chán nản đó!”  Hãy suy nghĩ về câu nói này.

 

            Một khi chúng ta chán ngán mỏi mệt, chúng ta thường có khuynh hướng làm người khác chán nản theo chúng ta, bởi vì chúng ta là nhân tố gây tạo ra sự chán nản và luồng ảnh hưởng đó.  Không phải xã hội hay thế giới chung quanh chúng ta khiến chúng ta chán nản mệt mỏi như vậy, mà chính chúng ta đã làm cho môi trường sống chung quanh mình đậm nét thê lương bi thảm vì tâm hồn u ám trì trệ của mình.  Đó chính là lời Phật dạy.

 

            Như thế, một khi chúng ta thấy sự chán nản xâm chiếm tâm hồn mình, hãy dừng lại mọi việc và nhìn sâu vào chính mình, quán chiếu lấy mình và tự hỏi: “Tại sao tôi lại kéo lê đời mình trong sự chán chường như vậy?  Thật uổng phí những phút giây sống còn lại của cuộc đời.”

 

            Nếu chúng ta tự trả lời được câu hỏi trên, chúng ta sẽ tự cứu sống lấy mình và thế giới sẽ trở về lại với sự sung mãn, vui tươi như tự thuở nào.  Sự chán nản sẽ không bao giờ đánh gục được chúng ta nữa.

 

                                               

                                                    
                           Đức Phật phải làm gì khi sợ sẽ bị thất bại?

 

            Ta có đầy đủ năng lực và can đảm để cứu độ thế giới này không?             Hãy nhớ kỹ tất cả những gì Phật đã nghe, Phật đã nói đi nói lại và giải quyết.

            Đức Phật khẳng định: Ta sẽ giảng giải chân lý vì hạnh phúc an lạc cho chúng sinh muôn loại.

 

                                                   Huyền thoại về cuộc đời Đức Phật 15. 81- 82

 

            Thật khó mà tưởng tượng Đức Phật cũng có những nỗi băn khoăn, nhất là sau khi Ngài đã thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.  Nhưng các bạn cũng cần phải nhớ lại rằng Phật cũng là một con người, và một con người, thì trước khi họ chứng đắc, cũng có khi khơi lên những tự vấn nghi ngờ, băn khoăn. 

 

            Xưa kia, Như Lai đã từng suy tư đến lý tưởng vĩ đại của Ngài- cứu độ thế giới và tất cả chúng sinh – và chính Phật cũng đã có lần tự hỏi mình: “Liệu ta có đầy đủ năng lực để hoàn thành sứ mạng vĩ đại này chăng?” Phật dũng mãnh tự trả lời có, và rồi từ đó Phật dốc tâm đi trọn con đường đã chọn và hoàn mãn công cuộc giáo hóa chúng sinh của Ngài.

 

            Chúng ta đây cũng vậy.  Mỗi khi chúng ta chạm trán với những khó khăn, thử thách bức xúc gay cấn nhất, ngay cả những lúc chúng ta cho là mình đúng, mình phải đi chăng nữa – đặc biệt là khi chúng ta tự cho là mình đúng, mình phải – chúng ta cũng cần nên tự vấn lại cái cảm hứng vĩ đại và cái khả năng nhỏ bé của chúng ta trước.  Như Đức Phật, chúng ta phải quăng bỏ đi ‘cái gì cũng biết’ của chúng ta, chúng ta phải tìm cho ra đáp án hoàn bị nhất, và cũng như Phật, chúng ta phải dấn thân dũng mãnh vào bổn phận và con đường lý tưởng đã chọn của mình.

 

            Con đường lý tưởng của chúng ta có thể không giống như Đức Phật, nhưng nó là bổn phận, là trách nhiệm của chúng ta phải hoàn thành, phải hoàn thành nghiêm chỉnh với trọn vẹn lương tâm. Đó chính là Chân Lý cuộc sống.

 

        

Nguyên tác:  What would Buddha do?

 

Tác giả:       Franz  Metcalf

 

Người dịch:   Thích nữ Minh Tâm

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác