Quốc tự xứ Huế, một cái nhìn

Quoc tu xu Hue

Quốc tự xứ Huế, một cái nhìn

 

 

Viết bởi Trần Tiến Đạt   

 

Với lịch sử hình thành và phát triển trên 7 thế kỷ (1305 – nay) có thể khẳng định rằng Thuận Hóa – Phú Xuân là vùng đất có bề dày lịch sử. Song song với quá trình hình thành và phát triển, mảnh đất này đã để lại trong kho tàng văn hóa dân tộc những tài sản vô cùng to lớn, đó là những giá trị vật thể và phi vật thể. Tiêu biểu một phần cho những giá trị đó là những ngôi Quốc Tự cổ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, đó là Thiên Mụ, Thánh Duyên, Diệu Đế và Giác Hoàng Quốc Tự (riêng chùa Giác Hoàng đã bị sụp đổ hoàn toàn do chiến tranh).


TỔNG QUAN VỀ KIẾN TRÚC CHÙA HUẾ 


Đặc điểm chung của kiến trúc chùa Huế nói chung và các ngôi Quốc Tự nói riêng là không, xây cất tốn kém, không đồ sộ quy mô lớn như những ngôi chùa ở miền Bắc, nhưng ngược lại những ngôi chùa trên mảnh đất thần kinh này lại toát lên được nét tinh tế đến ngỡ ngàng. Nếp chùa Huế về cơ bản vẫn tiếp nối truyền thống ngôi chùa Việt Nam, nhưng tinh tế hơn, ít rườm rà và không phô trương. Ngôi chùa về thực chất là những ngôi nhà Rường(1)  bình dị, với những không gian xung quanh tỏa bóng mát. Kết cấu kiến trúc mỗi ngôi Quốc Tự có một đặc trưng riêng, có thể theo kiểu chữ Nhất (
) như chùa Thiên Mụ, hoặc theo một bố cục hài hòa cân đối có sự đối xứng cho từng công trình như chùa Diệu Đế, hoặc tạo cho mình một kiểu thức riêng “không giống ai” như chùa Thánh Duyên. Chính điện các ngôi chùa thường có 3-5 gian, 2 chái, cắt mái hai tầng, nội thất bình dị không trang trí sặc sỡ. Tiền đường thường làm theo kiểu “trùng lương” (hay Trùng thềm điệp ốc)(2) – mô típ kiến trúc đặc trưng của chùa Huế. Nóc chùa thường trình bày với các motip “Lưỡng long chầu mặt nguyệt”, “Lưỡng long chầu pháp luân”... Mái lợp ngói Âm Dương có màu ảnh hưởng kiến trúc cung đình triều Nguyễn(3). Với những đề tài, mô típ thuần Phật giáo đã làm cho các ngôi chùa xứ Huế có nhiều sắc thái độc đáo.

CHÙA THIÊN MỤ

 
(Linh Mụ tự)


Khi nói đến chùa Huế nhất định phải nhắc đến ngôi chùa nổi tiếng nhất mảnh đất Thần kinh này – chùa Thiên  Mụ. Đây là ngôi chùa gắn liền với sự kiện của chúa Nguyễn Hoàng – vị chúa đầu tiên mở mang bờ cõi, gây dựng cơ nghiệp cho nhà Nguyễn sau này. Chùa Thiên Mụ chính thức thành lập vào năm Tân Sửu (1601), chùa tọa lạc trên ngọn đồi Hà Khê, về phía tả ngạn sông Hương cách kinh thành khoảng 5km theo hướng Tây. Đây được xem như một trong những ngôi quốc tự cổ nhất xứ Huế. Theo đà hưng thịnh và phát triển của Phật giáo Đàng Trong, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) chùa được xây dựng lại quy mô hơn với việc trùng tu lại các công trình lớn như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp... Đến thời các vua Nguyễn (1802 – 1945), đặc biệt dưới thời vua Thiệu Trị (1841 – 1847) chùa được xây dựng lại quy mô hơn nữa với việc xây dựng thêm các công trình có giá trị về mặt kiến trúc như hai Bi Đình (nhà để bia đá), Phước Duyên bảo tháp, đình Hương Nguyện, v.v...

Trong khuôn viên chùa là một vườn hoa quả được chăm sóc vun trồng hàng ngày, cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu – vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho hoạt động ích đạo giúp đời.

Với cảnh đẹp tự nhiên và quy mô được mở rộng ngay từ thời đó chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Chùa Thiên Mụ được xếp vào một trong hai mươi cảnh đẹp nhất xứ Thần Kinh với bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” do vua Thiệu Trị sáng tác và được ghi vào bia đá dựng ở cổng chùa. Qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ, ngoài những công trình kiến trúc như tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Quán Âm,... cùng bia đá chuông đồng, chùa Thiên Mụ còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá không chỉ về mặt lịch sử mà còn cả về nghệ thuật. Những bức tượng Hộ Pháp, tượng Nhị Thập Thiên Vương,... hay những hoành phi câu đối đều ghi dấu ấn thời kỳ lịch sử vàng son của chùa.

Một trong những điểm nhấn về kiến trúc chùa Thiên Mụ đó là bảo tháp Phước Duyên. Tháp được xây dựng vào năm 1844 dưới thời vua Thiệu Trị. Đây được xem là một trong những công trình lớn nhất của chùa và gây được sự chú ý đặc biệt với khách thập phương khi đến thăm chùa. Sở dĩ như vậy vì đây là công trình đã tận dụng tối đa không gian về kiến trúc, vị trí của tháp đối với toàn bộ cảnh chùa thực là một vị trí đắc địa. Nếu xích ra một chút tháp sẽ soi bóng xuống dòng sông rõ hơn, như vậy thì đối với toàn cảnh kiến trúc của chùa sẽ thiếu cân đối. Nếu xích vào một chút thì phần trống bên ngoài quá nhiều và tháp sẽ không soi bóng xuống sông Hương được. Nói chung, bảo tháp Phước Duyên là một kiến trúc văn hóa dung hợp được hai nguồn văn hóa Trung Quốc và Champa để sáng tạo ra một nét độc đáo riêng cho văn hóa Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX.

Chùa Thiên Mụ là niềm tự hào của người dân xứ Huế và là một ngôi Quốc Tự nổi tiếng của nước ta. Hòa quyện với phong cảnh miền núi Ngự sông Hương chùa Thiên Mụ đã đi vào tâm thức của người dân bản xứ, gắn bó với Huế và là bộ phận không thể tách rời của Huế.

“Dạ thưa xứ Huế bây chừ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” - Bùi Giáng


CHÙA THÁNH DUYÊN



Cùng với chùa Thiên Mụ, chùa Thánh Duyên cũng là một trong những ngôi Quốc Tự nổi tiếng của xứ thần kinh thời đó. Chùa chính thức được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng (1820 – 1840).


Năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835) vua tuần du về Mỹ Am Sơn xem phong cảnh chùa và cực tích, vua đã cho đổi tên thành Thúy Hoa Sơn. Năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836) vua hạ chỉ vào mùa thu ngày tốt đào móng làm chùa mới trên dấu tích cũ, đặt tên là Thánh Duyên Tự và làm câu đối khắc ở chùa. Công việc làm trong sáu tháng, đến tháng Giêng năm 1837 thì công việc hoàn thành. Đến tháng 3 năm này thì nhà Vua và Hoàng Thái Hậu về thăm chùa và dự lễ khánh thành. Tại đây ngài đã ngự chế văn bia, làm thơ câu đối và cho khắc đá như sau:


“Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh, hữu thị thánh phương khai Phật pháp chi sùng thâm.
Duyên bổn hữu Nhân, Nhân  bổn hữu Duyên, thị hữu nhân nãi khuếch thiện duyên chi quảng bị”.

Chữ đầu và hai chữ ở vị trí thứ tám của hai vế đối là hiệu của chùa Thánh Duyên. Duyên khởi khai biến, Thánh Duyên Quốc Tự ở núi Thúy Vân là như vậy.

Chùa Thánh Duyên tọa lạc trên một ngọn núi nhỏ có tên là Thúy Vân nổi lên giữa đầm nước mặn Cao Đôi mà người ta thường gọi là đầm Cầu Hai ở gần cửa biển Tư Dung – tức là của biển Tư Hiền hiện nay. Núi thuộc chi nhánh Hải Vân Sơn, hệ Trường Sơn chạy ra gần biển cho nên cảnh trí ở đây có đủ trời mây, núi nước, đầm phá rất nên thơ.

Chùa có kiến trúc hai tầng mái. Trên đầu nóc có trang trí hình rồng ở hai đầu chầu vào đám mây hóa thành mặt nạ ở giữa. Bên dưới thiết bàn thờ, chùa còn rất nhiều tượng cổ có giá trị cao. Cách thờ tự của chùa Thánh Duyên có tính cách đặc thù, không trình bày theo kiểu truyền thống chùa Huế. Trừ hai khoảng hẹp của hai chái đầu, thì khoảng rộng thờ tự chiếm cả ba gian giữa. Gian chính ở giữa thiết bàn thờ Phật, hai gian tả hữu lại có những bàn thờ ở trong cùng (phía trái nhìn vào) ở bên trước (phía phải). Hai bên có hai dãy sập để tôn trí thờ Thập Điện Minh Vương. Mỗi bên sát vách thờ năm Tượng, tiếp đến vào trong thì thờ hai dãy tượng Thập Bát La Hán, mỗi bên chín tượng, dãy bên trái có tượng Bồ Đề Đạt Ma tọa thiền, đổi qua bên phải có Địa Tạng cầm tích trượng ngồi trên con Thanh Sư. Vị trí hai tượng này ở giữa hai dãy tượng nói trên.

Kiến trúc bên ngoài thì về phía bên tay trái còn có một ngôi nhà nhỏ làm cầu nối nhà chùa và nhà để bia “Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ bát vận” bên sau nhà này là nhà bếp. Vào đầu thế kỷ XXI có cuộc đại kiến ngôi Quốc Tự ở vùng thắng cảnh rất đẹp này. Người ta đã xây dựng mới ngôi nhà này thành ngôi Tăng Xá và Khách Xá rất khang trang; kể cả thiền trù cũng vậy. Nhưng vẫn theo cách kiến trúc cổ, tuyệt đối hài hòa với toàn bộ kiến trúc nhà cửa, cây cối và cảnh trí thiên nhiên nơi đây.

Công trình kiến trúc tiêu biểu cho Thánh Duyên Quốc Tự là ngôi tháp Điều Ngự. Cùng với tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ, đây được xem là ngôi tháp tận dụng tối đa không gian xung quanh, lên tầng thứ ba của tháp mà nhìn ra bốn hướng, ta thấy cảnh núi Thúy Vân đẹp lạ lùng. Nhất là nhìn về hướng biển Đông, nước biển có màu xanh đậm nổi bật trên nền màu xanh da trời trên cao và màu xanh của cây lá thiên nhiên quanh vùng, thật là những màu sắc hiếm nơi nào có. Nhìn về phía đầm Cầu Hai: rớ chài, sáo, nò,… màu đà nổi bật trên màu nước lấp lánh ánh mặt trời; thuyền chài của như dân nhỏ bé tới lui trong vùng nước lợ trông thật đẹp mắt. Xa hơn là núi Trường Sơn uốn lượn, màu xanh của làng xóm liên tiếp nhau không dứt, quả là một bức tranh sơn thủy hữu tình, ngoạn mục, vừa thơ, vừa họa mà ở tầng cao của Đại Từ tháp đã cho con người thưởng ngoạn không bao giờ biết chán!


Với vị trí đắc địa có một không hai như vậy tháp Điều Ngự đã tạo ra nét riêng biệt so với toàn bộ kiến trúc của chùa cũng như các công trình kiến trúc nổi tiếng của xứ Thần Kinh.

CHÙA DIỆU ĐẾ


Cùng với chùa Thiên Mụ, chùa Thánh Duyên, chùa Diệu Đế là một trong ba ngôi Quốc Tự còn lại khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ngôi chùa này gắn liền với một sự kiện quan trọng, đó là nơi ra đời của Hoàng tử Miên Tông, con vua Minh Mạng.
Sau khi lên ngôi (1844) vua Thiệu Trị đã cho hạ lệnh biến nơi ở của mình thành ngôi chùa và đặt tên là Diệu Đế tự. Lý do nhà vua đặt tên chùa là Diệu Đế? Trong bài văn bia hiện nay còn ở bi đình phía phải từ trong nhìn ra nhà vua đã giải thích như sau: “Thẻ ngọc sách vàng ghi những yếu thuật tốt đẹp khúc đầu: long chương phụng triện làm rõ cái lý lưỡng toàn diệu hóa ở diệu nguyên, phát rõ chân như ở mật để cho nên gọi chung là chùa Diệu Đế vậy”.


Kiến trúc chùa Diều Đế vào thời đó rất khác với chùa Huế, không theo kiểu chữ Nhất của chùa Thiên Mụ, cũng không theo chữ Môn hay chữ Phẩm như một số ngôi chùa khác mà xây dựng theo kết cấu với bố cục hài hòa đối xứng cho từng công trình kiến trúc.

Kiến trúc đại thể thì quanh chùa có bốn phía đều xây thành. Những thành hiện nay vẫn còn dấu tích, quanh bốn phía thành có tất cả sáu cửa. Mặt trước có 3 cửa, bên trên có cơi lầu trong đó có thờ Hộ Pháp tức là vị thần bảo vệ Phật pháp, hai bên tả hữu đều có cửa ra vào. Hiện nay tất cả các cửa đều đang còn, nhưng không phải là lối kiến trúc ngày xưa. Chính giữa đoạn thành của chùa hiện nay có một cửa gọi là Tả Môn, đối diện qua phía chùa Ông có một cửa gọi là Hữu Môn. Hiện nay Tả, Hữu Môn đều không còn, Bắc Môn còn nhưng đã xây bít.


Bên trong vườn chùa được chia làm ba phần, có nhiều đoạn thành ngăn cách, qua tam quan lầu thì phần ngoài hết là Trung Đình treo cái chuông lớn được tạo vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đối diện qua bên phải có Bi Đình là nhà chứa bia khắc thơ ngự chế của nhà vua, Trung Đình, Bi Đình với Đại Hồng Trung và tấm bia Thạch Bi vẫn còn với nhiều nét chạm trổ và nhiều hoa văn rất đặc biệt.


Phần thành thứ nhất có lẽ ngang hoặc ngoài một chút đối với hai đoạn thành hiện nay, thành cũng chia làm hai đoạn. Chính giữa là trung đạo có cửa để đi vào phần thứ hai của chùa. Chính giữa thành bên tả, hữu là Chung Lâu tức là lầu chuông để quả chuông bên tả tiền đường chùa, chuông này cũng được tạo vào năm Thiệu Trị thứ sáu. Giữa đoạn thành bên hữu có cổ lâu tức là lầu trống, hiện nay trống ấy không còn và đã được thay bằng cái trống khác.


Vào đến phần trong của chùa thì phải qua một bức tường có ba cửa. Cửa chính thẳng với trung đạo từ trước ra sau, hai cửa tả, hữu  thẳng sau lưng ngôi nhà cát tường từ thất và trí huệ tịnh xá qua cửa chính của bức tường này là đến ngôi Đại Giáp Điện là thủ cái ý “Lập phạn cung khai phát Bồ Đề tâm mà giáo hóa muôn loài, giúp phương tiện lớn để giác ngộ chúng sanh” như trong chính bài văn bia nhà vua ngự chế. Đặc biệt trước đây chùa Diệu Đế có tôn chỉ một bảo tháp bằng ngà được chạm trổ rất mỹ thuật.


Thành phố Huế cổ kính nằm bên bờ sông Hương, nơi tồn tại một thời gian dài của chế độ quân chủ phong kiến cuối cùng của Việt Nam (1802-1945). Cũng một thời là kinh đô Phật Giáo của Việt Nam. Phật giáo truyền vào vùng đất này ngay những ngày đầu mới mở mang nhưng thực sự hưng thịnh phải đến khi các chúa Nguyễn chọn nơi đây làm chỗ dừng chân kiến tạo thủ phủ của xứ Đàng Trong. Nơi đây đã lâu các thiền sư Việt Nam kế tục để cho các dòng thiền phát triển đến ngày nay. Một điều lý thú là lịch sử mở mang và xây dựng xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn được mở đầu bằng việc xây dựng công trình chùa Thiên Mụ, với huyền thoại mang ý nghĩa là công trình “Quy tụ linh khí, để cầu phúc, để cầu lộc, giúp nước”.


Một trong những yếu tố tạo cho Huế cái vinh dự là kinh đô của Phật giáo là trên mảnh đất không rộng, người không đông này có một số lượng chùa chiền nhiều nhất so với bất kỳ một địa danh nào trên đất nước Việt Nam. Không kể đến các niệm Phật đường, các chùa khuôn hội, hiện nay ở Huế còn lưu giữ được nhiều ngôi chùa cổ, trong đó có hàng chục tổ đình và hầu hết giữ được nét cổ kính của kiến trúc Á Đông và Việt Nam. Chùa Huế là một mảng kiến trúc quan trọng đã cùng với quần thể kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian tạo cho Huế có dáng vẻ riêng biệt (chẳng nơi nào có được), cái đẹp như tranh họa đồ giữa non nước xanh biếc, thơ mộng, hữu tình.


Các ngôi chùa Huế rải cả khắp trong và ngoài kinh thành, mỗi ngôi chùa tọa lạc trên khung cảnh thiên nhiên yên tĩnh, siêu thoát. Mỗi khu vườn chùa là một vũ trụ thu nhỏ đượm tính triết lý nhà Phật và triết lý văn hóa phương Đông.


Chùa Huế thuộc hẳn phạm trù văn hóa vật thể của xứ Huế. Chùa Huế có một phong cách mang mang tự tại. Các ngôi chùa núi phần nhiều có kiến trúc, cấu trúc vườn chùa và cảnh trí thiên nhiên không khác nhau là mấy.


Tất cả đã gần như tương đồng với nhau trong một đại khối tinh thần từ bi đạo hạnh. Cốt cách thiền phong và môi trường thiên nhiên trong lành, đầy bóng cây xanh, sạch sẽ, đã tạo cho chùa Huế có phong cách trầm lắng, tĩnh mịch thanh thản vô biên.

Chùa Huế, đặc biệt là các ngôi Quốc Tự vẫn giữ được kiến trúc, nét đặc trưng vốn có như ngày xưa.■



Chú thích

(1) Nhà rường: một loại kiến trúc đặc trường ở Huế.
(2) Trùng thềm điệp ốc: Nhà một nền nhưng có hai mái.
(3) Màu đặc trưng: Thanh lưu ly (màu xanh), Hoàng lưu ly (màu vàng) là hai màu chủ đạo trong trang trí các công trình kiến trúc dưới triều Nguyễn.

Tài liệu tham khảo:
1. Phan Thuận An (2007), Kiến trúc Cố đô, NXB Thuận Hóa.
2. Hà Xuân Dương (2000), Kiến trúc chùa Thiên Mụ, NXB Đà Nẵng.
3. Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp phật giáo ở xứ Huế, NXB Văn hóa thông tin.

Nguồn Tập San Pháp Luân 77

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác