Đỉnh cô liêu kỳ nhiệm: ĐẾN (C.I)

ĐỈNH CÔ LIÊU KỲ NHIỆM

 

The Wisdom of Solitude

 Jane Dobisz

Người dịch

Thích nữ Minh Tâm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đến

 

1. Anh đi đâu đó?

 

 

Phật là tâm anh

            Đường đạo không dấu

            Đừng nhọc công tìm

            Anh muốn xuôi Nam

            Nhưng chân hướng Bắc

            Bao giờ tới Nam?

                                                (Thiền sư Ryokan)

 

Cái chòi gỗ nhỏ xíu đó nằm chơ vơ tẻ lạnh giữa vùng núi rừng hoang vắng. Tuyết bao phủ trắng xóa mặt đất dầy đến cả hai tấc. Bây giờ là giữa tháng Giêng. Hai người bạn của tôi giúp chuyển tất cả những thực phẩm dự trữ cần thiết cho hết mùa đông, và sau khi thấy tôi an ổn hoàn toàn trong căn chòi, họlui xe lại nhanh như chớp vừa nói vói lại: ‘Tạm biệt nghen! Hẹn gặp lại vào tháng Năm! Chúc bạn ăn ở khỏe mạnh ngon lành!’

Bản nhạc rốc (rock ‘n’roll) phát ra từ máy thâu thanh trong xe của họ vang lên vui nhộn và từ từ yếu dần đi rồi tắt hẳn khi họ lái xe dọc xuôi theo con đường dơ bẩn dài ba dặm hướng về ‘cái nôi văn minh nhân loại.’

Trời tối dần. Gió rít mạnh hơn. Tôi cảm thấy đói bụng. Nếu muốn uống một tách trà, phải đun sôi nước. Muốn đun sôi nước thì phải nhóm lửa. Tôi phải làm gì đây? Tôi đang nghĩ gì đây?

Tôi mang theo 25 cân gạo, năm cân đậu đỏ, hai cân rưỡi đậu nành, năm cân hạt hướng dương, bốn thùng bột sữa đường nhỏ, một túi trái cây khô, hai bịch lớn trà xanh, và một túi bơ đậu phọng. Đây là tất cả lương thực cho một trăm ngày. Tôi sẽ không ra khỏi cánh rừng này cho đến tận mùa xuân và cũng sẽ không có một ai đến thăm viếng tôi cả.

Ngộ nhỡ có điều gì bất ổn xảy ra, tôi sẽ kêu gọi cầu cứu với ai đây, thế nào? Nếu có một tên điên khùng nào thấy tôi ở một mình, cửa lại không có khóa thì tôi sẽ làm gì, sẽ ra sao? Thôi, tôi không muốn suy nghĩ tiếp nữa. Khi sửa soạn lương thực nhập thất, để tỏ vẻ ta đây ngon lành hơn những người đã từng nhập thất trước tôi, tôi đã không mang theo cà phê, chỉ có đường và sữa bột. Giờ mới thấy là không thoải mái gì khi thiếu cà phê để có thể tỉnh táo lâu hơn. Quả thực là ghiền cái gì khổ cái nấy, có cái gì thì ràng buộc cái nấy.

Cái chòi gỗ này xây cất theo hình chữ L, rộng độ khoảng 150 bộ vuông. Chẳng có một cái gì trong chòi ngoài một cái bếp bằng sắt nấu củi, một cái giường cũ nhỏ, vài ngăn kệ gắn vào vách, một cái ghế gỗ màu xanh, và một cái bàn gỗ ọp ẹp kê ở đầu góc chòi. Sàn nhà và bốn bức vách đều làm bằng gỗ thông. Cái bồn nước rửa chén cũ kỹ đong đưa chẳng nối vào một ống dẫn nước nào cả. Tôi thắc mắc ‘như vậy thì để cái bồn rửa chén đó làm gì nhỉ? nhìn kỹ lại thì thấy nó chỉ là một cái chậu sành lớn thủng lỗ ở đáy. Tôi lại thấy có một cái thùng bằng nhựa trắng dưới ống cống. Ngoài kia ở cổng ra vào chỏng chơ một đống củi, một cái nồi mạ kền, một cái vại bằng nhựa đỏ độ năm thùng nước, vài dụng cụ lặt vặt và một cái búa. Muốn lấy nước thì tôi phải đi xách nước ở một cái giếng cách căn chòi độ một phần tư dặm.

Đấy là quang cảnh nơi nhập thất của tôi.

Tôi gắn thời khóa tu tập lên vách bằng một cái kim gút nhỏ:

 

·        3 giờ 15 sáng --------------------------thức dậy

·        3 giờ 20 -------------------------------- 300 lễ

·        4 giờ ------------------------------------ uống trà

·        4 giờ 15 -------------------------------- thiền tọa

·        4 giờ 45 -------------------------------- thiền hành

·        4 giờ 55 ------------------------------- thiền tọa

·        5 giờ 30 ------------------------------- thiền hành

·        5 giờ 40 -------------------------------- thiền tọa

·        6 giờ 10 -------------------------------- thiền hành

·        6 giờ 20 ------------------------------ thiền tọa

·        6 giờ 50 ------------------------------- tụng kinh

·        7 giờ 40 ------------------------------- điểm tâm

·        8 giờ ----------------------------------- làm việc

·        9 giờ 30 ------------------------------- nghỉ giải lao

·        10 giờ ---------------------------------- 300 lễ

·        10 giờ 30 -------------------------------- uống trà

·        10 giờ 40 --------------------------------- thiền tọa

·        11 giờ 10 ------------------------------ thiền hành

·        11 giờ 20 -------------------------------- thiền tọa

·        11 giờ 50 ------------------------------- thiền hành

·        12 giờ ------------------------------------ ăn trưa

·        12 giờ 20 ----------------------------- nghỉ giải lao

·        13 giờ (01 giờ trưa) -------------------- 200 lễ

·        13 giờ 30 ------------------------------ thiền tọa

·        14 giờ ---------------------------------- thiền hành

·        14 giờ 20 ------------------------------ thiền tọa

·        14 giờ 50 ------------------------------- thiền hành

·        15 giờ ------------------------------------ thiền tọa

·        15 giờ 30 ------------------------------- thiền hành

·        15 giờ 40 -------------------------------- thiền tọa

·        16 giờ 10 ------------------- thiền hành một tiếng

·        17 giờ 15 ------------------- uống trà nghỉ giải lao 

·        18 giờ ------------------------------------ 200 lễ

·        18 giờ 30 -------------------------------- tụng kinh

·        19 giờ 30 -------------------------------- thiền tọa

·        20 giờ ---------------------------------- thiền hành

·        20 giờ 10 -------------------------------- thiền tọa

·        20 giờ 40 ------------------------------ thiền hành

·        20 giờ 50 ------------------------------ thiền tọa

·        21 giờ 20 ------------------------------- tụng kinh

·        21 giờ 30 -------------------------------- ngủ

 

Thời khóa tu tập gắt gao khi nhập thất là điểm then chốt của kinh nghiệm hành thiền. Thời gian thiền tọa, thiền hành, tụng kinh, làm việc hay ăn uống nghỉ ngơi, v.v... tất cả đều phải điều độ cân bằng với nhau. Tôi sẽ chính thức tu tập y theo thời khóa đó vào sáng sớm mai lúc 3 giờ 15. Tôi đưa mắt nhìn cái thời khóa sít sao như tập lính đó một lúc lâu. Liệu tôi có thể thực hành đúng đắn nghiêm chỉnh theo cái thời khóa mà chính tôi tự soạn ra đó không nhỉ? Phải thức dậy sớm quá và suốt ngày cứ đứng lên rồi lại lễ xuống, đi tới rồi lại đi lui ròng rã cả ba tháng trời và không có một ai kiểm soát tôi cả?

Tôi đã soạn xong mọi thứ. Tôi cũng chẳng mang nhiều quần áo gì cả, chỉ vài bộ quần áo ngủ, áo lót, quần áo làm việc và đôi giày ủng cao cổ. Tôi dồn hết số quần áo đó trên ngăn vách kế giường ngủ và đặt một tượng Phật gỗ trên bàn, hai cây nến, một bát nhang và một chén nước nhỏ. Tôi kiểm tra lại đèn bin và chỉnh lại đồng hồ báo thức, và cuối cùng tôi ngồi xuống, hít thở những hơi dài thật sâu như cố xua đuổi đi sự quá tĩnh mịch của núi rừng và ngay chính sự cô liêu trong lòng đang đè nặng lên tôi. Tôi vừa khoan khoái vừa sợ hãi, vừa cảm thấy an ổn vừa bất an, vừa nhớ nhà vừa nhẹ gánh... những cảm giác mâu thuẫn đó đối kháng kịch liệt trong tôi.

Và đêm đầu tiên đó, khi chuồi mình lọt vào trong túi ngủ, tôi đã nhẩm tính, ‘Một đêm qua, còn 99 đêm dài nữa...’ Cố nhắm mắt tìm giấc ngủ, tôi mong sao những đốm lửa đừng nổ văng tung tóe và bắt lửa vào gỗ hay cái túi ngủ này biến tôi thành con heo quay trước khi tôi có thể tu tập được một chút gì đó. Lăn qua trở lại với tâm niệm bất an đó, tôi lại tự nhủ, ‘Hay là mình ngồi dậy tạt nước tắt lửa cho chắc ăn? Nhưng rồi sáng sớm mai lại mất công ra ngoài tìm củi và loay hoay nhóm lửa lại thật khó khăn khi bếp bị ướt sủng nước?’... Tôi lại tự hỏi, ‘Những dân bản xứ gốc Mỹ ngày xưa đã làm thế nào để giữ bếp lửa của họ cháy suốt ngày đêm trước khi phát minh ra điện lực được nhỉ? Họ đã làm gì để giữ cho trẻ con được ấm áp nếu bếp lửa nguội tàn? Nói một cách khác, nếu họ cứ để lửa cháy hoài không tắt thì liệu tàn lửa có bay tung tóe và có thể, biết đâu, cũng đã có vài người bị thiêu sống?...

Và rồi một mình trong căn chòi vắng lạnh, tôi cứ miên man suy nghĩ lung tung hết chuyện này sang chuyện khác. Tôi sanh ra và trưởng thành tại những đô thị lớn sầm uất tiện nghi nên không rành rẽ lắm phải nhóm lửa thế nào, phải chẻ củi thế nào? Tôi nghĩ mình cần phải học hỏi nhiều lắm và quả tình thật trống vắng cô đơn làm sao cái đêm nhập thất đầu tiên đó.

Quả thực thật vắng vẻ cô liêu cảnh trí nơi đây nhất là vào buổi chiều tối, tuy nhiên tôi cũng vẫn xin cám ơn thượng đế đã cho tôi cơ hội hiếm có này vì tôi vẫn còn quá trẻ để tìm hiểu và học hỏi. Tôi rất kiên cường, phấn khích và tò mò để khai phá thêm nhiều điều mới lạ. Người ta nên thực thi tất cả những ước mơ hay hoài bão, mục đích lý tưởng khi còn trẻ. Nếu không đến tuổi già, người ta dễ viện dẫn nhiều lý do để rút lui vào vỏ sò của chính mình để sống an nhàn hơn, ích kỷ hơn và hèn nhát yếu đuối hơn.

 

         

2. Báo thức

 

T

hiệt đúng khi người ta đặt tên nó là ‘báo thức.’ Giật nẩy mình vì những tiếng chuông đồng hồ báo thức reng inh ỏi điếc tai, toàn thân tôi rần rật theo lượng máu lưu thông tuôn chảy mạnh hơn sau cái cử động bất thần đó.

Lửa đã tắt ngúm tự bao giờ nhưng ít nhất ra cũng còn may mắn là căn chòi không bị bốc cháy. Vẫn co quắp nằm im trong túi ngủ, xâu chuỗi tràng ở bàn tay phải, tôi cựa quậy cố gắng bắt mình ngồi dậy kiết ấn niệm thần chú như tôi đã từng thực tập nhưng lập tức hàng loạt những câu hỏi lăng xăng ùa vỡ: ‘Tôi đang ở đâu đây? Cái đèn bin đâu rồi? Tối quá, tôi không thấy gì hết...’

Vẫn chưa ngồi dậy được, tôi tê liệt bất động toàn thân trong cơn trốt xoáy của những tư tưởng mâu thuẫn lùng bùng trong đầu óc: ‘Ôi chao, hôm nay là ngày đầu tiên, vả lại cũng chẳng có ai kiểm soát canh chừng dòm ngó gì mình cả, mặc kệ không sao, ta cứ ngủ thêm một chút nữa và sẽ dậy lúc 9 giờ... vẫn còn sớm chán... ừ, đúng đấy, rồi ngày mai ta thực hành theo thời khóa cũng còn chán rộng thời gian, lo gì mà gấp gáp... tu hành mà, dục tốc bất đạt... thiền là an nhiên, từ từ... hừm hừm, dậy sớm quá, mệt lắm...’

Chỉ ló đầu ra khỏi cái túi ngủ, trong bóng tối dầy dặc, tôi chẳng thấy gì cả ngoài cái bóng đêm. Tuy cố nằm yên nhắm mắt, tôi vẫn không tài nào ru mình trở lại giấc ngủ được. Có một tiếng nói vô hình nào đó cứ vang lên rõ mồn một trong đầu tôi: ‘Ngồi dậy đi, đồ lười biếng! Nếu ngươi ngủ nướng lại ngay trong buổi sáng đầu tiên thì công trình nhập thất tu tập của ngươi kể như xôi hỏng bỏng không. Mất hết, tiêu tùng hết một cách vô ích. Ngươi sẽ không gặt hái được một chút thành quả gì! Dậy ngay, dậy ngay!!’

Trăn qua trở lại, bịt tai giả điếc, nằm vật nằm vạ đủ kiểu, rốt cuộc không xong, tôi tung chân ra khỏi cái túi ngủ mềm mại ấm áp và rùng mình quơ tay chân vài cái cho bớt lạnh khi chân tôi chạm vào sàn gỗ lạnh buốt của căn chòi. Vẫn chưa định hướng rõ rệt, tôi sờ soạng trong bóng tối, va đầu vào những ngăn kệ đồ vật trên vách nhưng rồi cuối cùng tôi cũng tìm thấy được bao diêm.

Răng đánh bò cạp, tay run lẩy bẩy vì lạnh cóng, tôi quẹt hết mấy cây diêm mới thắp nổi ngọn nến. Tôi tìm thấy một cái đèn dầu hôi cũ còn đầy dầu và đốt đèn. Bây giờ bước kế tiếp là phải nhóm lửa.

Tôi đã quên béng hết từ đêm qua, không biết phải vặn cái chốt lò sưởi sang trái hay sang phải đây? Tôi vo một tờ giấy báo cũ và quẹt diêm châm lửa. Khói bay mù mịt cả căn chòi và phả đầy vào mặt mũi tôi. Cuối cùng rồi cũng xong, lò sưởi nóng lên và khói đã cuốn hút theo đường ống khói, không xông hắt vào mặt tôi nữa. Ngồi co gối trước lò sưởi bập bùng, tôi hơ tay chân cho ấm người lại và lắng nghe tiếng nổ tích tách của ngọn lửa.

Một ngày mới bắt đầu. Tôi đã thắng được tôi phút ban đầu khổ luyện nhập thất. Nếu tôi cứ nghĩ ngợi suy diễn quá nhiều nào là tôi sẽ phải sống một mình ở khu rừng vắng vẻ này cả đến 100 ngày, nào là tôi phải dậy sớm lúc 3 giờ sáng hay tại sao tôi phải sì sụp lễ lạy, kinh hành, ngồi thiền hay tại sao và tại sao... thì chắc chắn tôi sẽ a lê hấp cuốn gói giã từ căn chòi kinh khiếp này và trở về phố thị ngay lập tức.

Tu tập thiền không phải là mớ lý thuyết suông hay ngồi lim dim gật gà gật gưỡng tìm định nghĩa thiền là gì? Ai là người xương minh? Năng lực ra sao? Có ý nghĩa cụ thể thế nào? v.v… và v.v... Sự thực hành thiền hoàn toàn khác hẳn. Bạn phải sống thực tỉnh thức trong từng phút giây hiện tại. Bạn có thể tụng kinh, niệm chú, lần chuỗi hay cứ ngồi an nhiên thụ hưởng sự ấm áp đang lan nhẹ trên làn da thể xác bạn... nhưng cái quan trọng nhất là phải tỉnh thức sống trong từng phút giây hiện tại.

Bạn không nhất thiết phải ngồi kiết già hay bán già; bạn không bắt buộc phải ngồi im không cục cựa cả mấy tiếng đồng hồ như để lập công với Phật hay khoe khoang với bất cứ ai; bạn cũng không cần phải bắt mình quán tưởng có hay không, vô niệm vô trụ, v.v... Thiền đơn giản là tư duy, tư duy trong tỉnh thức, trong chánh niệm – vì thế bạn có thể thiền trong tư thế nào cũng được miễn sao giúp cho bạn an nhiên, thoải mái, không mệt mỏi, không đau đớn, không chán nản. Bạn có thể thiền tọa (ngồi tư duy), thiền hành (đi tư duy), thiền trụ (đứng tư duy) hay thậm chí thiền ngọa (nằm tư duy), cốt yếu là chánh niệm tỉnh giác, và nếu có buồn ngủ thì cũng ngủ trong tư duy.

Vì thế đừng tìm hiểu định nghĩa hay phân tích lôi thôi gì cả. Bạn phải xăn tay áo lên thực hành liền. Bây giờ bạn muốn lễ Phật, lễ đi! Thế thôi!

 

3. Đứng lên, lễ xuống

 

‘Thiền sư, tại sao chúng ta phải lễ lạy vậy? Chúng ta lễ lạy ai?’

‘Ngươi không lễ lạy ai bên ngoài hết. Khi ngươi lễ, chính là cái tiểu ngã của ngươi lễ cái Chân Ngã của ngươi – có vậy thôi!’

                                                (Thiền sư Seung Sahn)

 

            Đứng lên. Lễ xuống.

            Đứng lên. Lễ xuống.

            Đứng lên. Lễ xuống.

Vẫn còn ngái ngủ, tôi tự nhủ thầm, ‘Cố lễ cho xong đi!’ vừa liếc trộm cái giường ngủ. Cái túi ngủ ấm áp mềm mại kia sao hấp dẫn mời mọc khêu gợi quá! Những vọng niệm lại chạy lăng xăng loạn xạ trong tâm trí tôi, ‘Tốt hơn sao không lễ Phật khi trời sáng hơn một chút nhỉ, còn tối quá... có cần sửa lại cái thời khóa dễ sợ đó không?’

Tôi cố gắng dùng hết nghị lực xua đuổi cơn buồn ngủ và sự lười biếng thể xác và chú tâm lễ lạy – tuy nhiên bây giờ tôi mới thấm hiểu từ từ hai chữ ‘nghịch lưu – ngược dòng.’ Càng cố bắt mình tu tập thì sự lười biếng mệt mỏi càng mạnh mẽ hơn cứ dìm tôi xuống.

            Đứng lên. Lễ xuống.

            Đứng lên. Lễ xuống.

            Đứng lên. Lễ xuống. 100, 101... 110... 120...

Chao ôi, sao mệt quá! Lễ mãi mà vẫn chưa tới con số 300. Mỗi lần lễ xuống một lạy, tôi lần một hạt ở xâu chuỗi để tính đếm vừa tiếp tục niệm thần chú vừa lễ lạy... 200... 210... 220... Sự vận động nhịp nhàng và âm thanh niệm chú dần dần giúp tôi tỉnh táo và xua đuổi hẳn được lớp mây mù vọng niệm cứ vây hãm tâm trí tôi.

Người Âu Mỹ chúng tôi không hề lễ lạy ai hay một cái gì cả. Chẳng lễ Chúa, không lễ Phật, cũng chưa hề lễ cha mẹ hay chắp tay vái chào nhau. Ở đây, chúng tôi tự cho là dân chủ và mọi người đều bình đẳng ngang nhau – nhưng ở phương Đông, người ta lễ lạy chào hỏi nhau. Đó là một dấu hiệu, một cử chỉ biểu lộ lòng tôn kính, quy ngưỡng một tôn giáo; sự chào hỏi lễ phép của người nhỏ tuổi chào hỏi bậc trưởng thượng, một pháp môn tu tập hay đơn giản hơn nữa là một cơ hội để dừng lại những lăng xăng rối loạn của thân tâm.

Lễ lạy là một hành động của tiểu ngã chào đại ngã

Cái tiểu ngã của chúng ta là ‘tôi, cho tôi, cái của tôi,’ như là một đơn vị tách rời biệt lập cũng như khi người ta nói ‘Tôi là Jane, tôi là một bà mẹ’ hay ‘Tôi là Bob, tôi là một bác sĩ.’ Chân Ngã thì không có một ý niệm phân biệt chia chẽ nào bởi vì nó vốn luôn hiện hữu trước những ý nghĩ hay tư tưởng phân biệt chấp mắc như nước trăm sông luôn chảy xuôi về biển cả hay cây xanh cứ mọc xanh um, xanh um mãi lên theo thời gian; cái Chân Ngã của chúng sanh đơn giản không dơ, không sạch, không tăng, không giảm, không thêm, không bớt, không phân biệt, không vướng mắc hay chất chứa một ý niệm nào.

Khi chúng ta lễ, chúng ta không lễ lạy một đối tượng nào ngoài chính chân tánh của chúng ta. Mỗi một lễ lạy là một nhân duyên, một cơ hội tốt giúp chúng ta tỉnh thức lọt ra khỏi vùng ảo giác đã khiến chúng ta không hòa nhập được vào đại địa sơn hà. Tất cả là một, một là tất cả. Tiểu ngã hòa nhập vào đại ngã – Chân tánh không tách rời vọng trần – Phiền não tức Bồ Đề. Ngay tại thế giới Sa Bà đầy khổ đau giả tạm này, chúng ta thể nhập Niết Bàn đại lạc.

Mỗi một xúc chạm vật lý của đôi lòng bàn tay xuống mặt chiếu hay đầu gối chạm xuống mặt đất và cất mình đứng lên, chúng ta không vọng khởi ‘có người đang lễ lạy, có đối tượng được lễ lạy, có pháp môn sám hối lễ bái... chỉ đơn thuần lễ và lễ. Năng – sở câu không; bỉ- nhân, ngã- thử bặt dứt; ta- người đều mất dấu.

Thiền sư Seung Sahn còn nói thêm rằng ‘Lễ lạy sám hối là pháp môn nhanh nhất giúp tiêu trừ nghiệp chướng.’ Có đôi lần tôi nghĩ thiền sư Seung Sahn đã quyết định ứng dụng pháp môn lễ lạy này ở một cấp độ cao khi ngài truyền bá giảng dạy pháp môn thiền ở phương Tây. Trong suốt hơn 20 năm, thiền sư đã kiên trì hành pháp sám hối mỗi ngày không sai dịch bất luận đau ốm, mệt mỏi hay đang di chuyển trên xe lửa hoặc tạm ngụ trong khách sạn, v.v mỗi ngày thiền sư lễ hơn 1000 lễ, không thay đổi. Thực sự chỉ nhìn thiền sư lễ Phật, chúng ta cũng nhận thấy đó là một bài học tu tập tinh cần.

Còn tôi, trẻ hơn và mạnh hơn thiền sư nhiều, thế mà chỉ sau có 300 lễ, đầu óc tôi choáng váng, hai đầu gối run lẩy bẩy đứng không vững, phải lê bước vịn vào bàn ghế mới đứng lên đi được. Thời khóa tu tập của tôi quả là một ông thầy khắc nghiệt, và Chúa ôi! chỉ mới là một việc thứ nhất của ngày đầu tiên!

Khát nước, tôi khát nước quá, chao ôi, tách trà sao mà ngon thế!!

 

4. Ba cân gai sợi

 

‘Một ngày kia, thiền sư Dong Sahn đang nhắc nhắc mấy cân gai sợi lên cân thử ở ngoài chợ thì có một vị tăng đi ngang qua hỏi : ‘Phật là gì?’

Thiền sư đáp liền không do dự: ‘Ba cân gai sợi.’

 

T

ôi rót trà ra tách từ cái ấm cũ bằng sắt. Mặc dù hương vị trà rất thơm, rất nồng đậm, tôi vẫn tự trách than thở : ‘Nếu là cà phê thì quá tuyệt!’

Đưa mắt nhìn chung quanh căn chòi trong ánh sáng mờ nhạt chập chờn của cây nến, tôi không biết nên lý tưởng hóa cho đây là một chốn an nhàn thoải mái như cảnh tiên bồng hạ giới hay đau khổ cảm thán rằng, ‘ Sao trống vắng lạnh lẽo như bãi tha ma thế này?’ tuy nhiên với bản tánh hồn nhiên lạc quan, tôi tự cho đây là ‘cõi thiên thai’ và bắt đầu ngồi xuống trong tư thế thiền tọa thực hành công việc thứ hai của thời khóa. Chưa đầy năm phút, tâm trí tôi bắt đầu đi hoang.

Tôi niệm thần chú buộc tâm tôi trở lại.

Nó lại vùng vẫy đòi đi.

Tôi lại niệm thần chú lớn hơn, buộc tâm lại.

Nó lại cưỡng chống lại, mạnh hơn.

Tôi buộc lại... Nó đòi đi... Tôi buộc lại... Nó đòi đi...

Thật quả là ngu xuẩn, có phải không? Quả là ngu xuẩn khi có một người đang cố sức day tay mắm miệng để tự lôi kéo mình trở về trở về trong khi họ thực ‘vốn đã có mặt tự thuở nào, vốn đã trở về tự khi nào.’

Tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi thực tập tu thiền tại một khóa tu khoảng độ hai chục người. Chúng tôi được chỉ dẫn phương cách ‘phải diệt trừ cái Tôi đáng ghét.’ Đúng lý ra thì tôi phải lẳng lặng ngồi yên chú tâm vào sự thực tập xả ngã: nào là để lưỡi chạm vào nóc họng, nào là theo dõi hơi thở ra, hơi thở vào đếm 1, 2, 3, ... nào là lưng phải thẳng, mắt nhắm hờ, v.v... v.v... thì tôi cứ nhấp nha nhấp nhổm không yên, bụng dạ tôi cứ sôi sùng sục như có lửa đốt. Hết liếc mắt nhìn cái đồng hồ quái quỉ tích tắc tích tắc chạy chậm rì chậm rịt như con vịt bầu lạch bạch, tôi lại cau có rủa thầm cái lão thầy hướng dẫn đang ngồi lim dim trước mặt, hai chân lão bắt tréo kiết già, bộ mặt thản nhiên như không hề quan tâm đến thời gian gì cả. Suýt nữa là tôi hét lớn tướng vào mặt lão : ‘Rung chuông đi, rung chuông đi, lão già dớ dẩn kia!!’ Trời ơi, đau chân quá, mỏi lưng quá...’

Tôi ngắm nhìn gương mặt các thiền sinh ngồi chung quanh tôi. Có lẽ họ nhập Niết Bàn thiệt đấy! Sao họ ngồi yên được lâu thế nhỉ? Riêng tôi chẳng tập trung tâm trí được chút nào cả, chỉ thấy đau nhừ cả hai bắp chân và lưng thì mỏi cứng. Quả tình thực hành thiền không dễ như tôi tưởng tượng.

Thực là buồn cười, có phải không? Có thể không riêng gì cá nhân tôi mà các bạn cũng vậy. Chúng ta đã tìm kiếm sục sạo hết thiền đường này sang trung tâm nọ, nào là những chùa chiền hay các động thất xa xôi, cốt yếu ghi tên cho bằng được vào một khóa tu thiền nào đó và cầu mong mau chóng đạt được ngay một kết quả hoặc hy vọng hão huyền sẽ được một sự linh ứng phép lạ nào đó điểm hóa cho, nhưng khi ghi danh vào khóa tu thì lại ngồi vái van cầu nguyện cho mau mau kết thúc giờ thực tập để leo lên xe về nhà ngủ một giấc cho đã đời, xả hết toàn thân cho giản gân giản cốt hay ăn uống cho sướng miệng...

Tôi nhớ đến Joseph Golstein, một người hướng dẫn thực tập thiền Minh Sát đã so sánh thiền tập như phương pháp luyện chó. Con chó nhỏ kia là tâm thức của chúng ta. Con chó không chịu ngồi yên, nó chạy hết bên này lại chụp bắt qua bên kia, khịt khịt hết góc nọ lại sủa ăng ẳng bờ rào kia. Chúng ta bắt nó nằm im chỉ mới được có năm phút thôi thì nó lại nhổm đầu ngóc cổ phóng đi ; chúng ta lại suỵt suỵt bắt nó nằm im, nó lại ngóc cổ, cứ thế mà lăng xăng loạn động không dừng.

Chúng ta đang tu tập quán sổ tức. Hơi thở vào đếm 1, hơi thở ra đếm 2, hơi thở vào đếm 3, hơi thở ra đếm 4,... nhưng con chó vọng thức đã chạy tuốt qua Los Angeles rồi hay đang hào hứng nhớ trận đá banh hôm qua hoặc một lô công việc, các thứ cần thiết chưa làm xong, v.v... Tâm thức chúng ta như con ngựa hoang phi cuồng điên trên đồng vắng, như con khỉ chuyền cành, như con trâu điên dẫm đạp lúa mạ người... Chúng ta đừng lo sợ, hãy cứ an nhiên nắm bắt hơi thở lại, một... hai... ba... bốn... Từ từ theo sự kiên định tu tập miên mật, con ngựa hoang hay con trâu dại đó sẽ quày đầu lại nghe theo lệnh của chúng ta.

Có nhiều phương pháp được áp dụng tùy theo trình độ căn cơ từng người. Chúng ta có thể tu thiền minh sát, quán sổ tức, niệm thần chú, quán tưởng hình ảnh Phật hay một công án thoại đầu... bất luận pháp môn nào cũng được – điểm then chốt là chúng ta không chấp thủ, không tham đắm, không bám víu, không phân biệt như chư Phật Tổ đã dạy : ‘Không sợ vọng khởi, chỉ sợ giác chậm.’

 

5. Cửa Không

 

‘Đường Đạo vốn không cửa

Sao anh lọt được qua?’

                                                (Thiền sư Seung Sahn)

 

C

ách tốt nhất muốn đun sôi nước là anh phải để cái ấm nước nằm yên trên bếp, vặn lửa lớn lên và để đó cho đến khi nước sôi. Nếu anh cứ nhắc ấm lên nhắc ấm xuống, để nó nguội lạnh đi rồi lại đặt nó lên bếp lửa trở lại thì không bao giờ nước sôi được.

Cũng vậy, khi thực hành nhập thất là phải hâm nóng bầu nhiệt huyết, lòng quyết tâm, không bao giờ để nó bị nguội lạnh cả, luôn luôn đề cao cảnh giác, chánh niệm tỉnh thức trong tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày như đi đứng, lễ bái, ăn uống hay làm việc – nhất nhất miên mật không lơi lỏng, không gián đoạn. Mỗi một hành động là một chi phần quan trọng trong sự hành trì tu tập.

Bây giờ là đến phần thiền hành. Đi chỉ để mà đi, không nhắm đến và cũng chẳng có mục tiêu gì ngoài phần chú tâm trên từng bước chân đi. Đứng thẳng trên cái gối nệm, lễ xuống một cái và bước chậm rãi khoan thai tới lui, lui tới dọc ngang căn chòi, tôi an trú tâm trên từng gót chân xúc chạm mặt sàn gỗ ấm áp, miệng vẫn tiếp tục niệm chú. Căn chòi rất nhỏ hẹp, vì thế cứ độ mươi bước là tôi phải quay gót bước trở lại dọc ngang, ngang dọc mười phút thiền hành.

Không phải luôn luôn được dễ dàng miên mật tỉnh giác khi thiền hành đâu. Nhiều vị thầy hướng dẫn thiền đã nói, khi thiền hành, chúng ta nên quán tưởng rằng mỗi bước chân là mỗi bước đầu tiên hay bước cuối cùng trong đời. Tư duy như thế sẽ giúp hành giả cẩn trọng hơn, nâng niu hơn từng bước chân – từng bước chân, từng bước hoa sen nở – trân trọng từng bước chân, trân trọng từng khoảnh khắc thời gian còn lại sống ở đời. Đó là những giây phút sống thật rất quí báu cho chúng ta.

Thiền giúp chúng ta khám phá và nhận chân rằng tất cả những gì chúng ta muốn đều hiện hữu ngay trước mắt chúng ta nếu chúng ta sớm biết quày đầu lại và nhận ra. Ông Herb, người hàng xóm 82 tuổi của tôi đã lãnh hội được chân lý đó. Ông Herb đau nặng và phải nằm viện cả đến 13 tuần lễ. Ông ta phải giải phẫu đến hai lần rất nặng và suýt chết. Sau đó, ông Herb rất yếu sức đến nỗi không ngồi dậy được nhưng ông ta không để mình bị bệnh tật khuất phục. Một thời gian rất ngắn sau lần giải phẫu thứ hai, ông đã từ từ hồi phục lại sức khỏe và gắng gượng hết sức ngồi dậy, cố đứng vững trên hai chân. Môt ngày kia, khi tôi vào bệnh viện thăm ông, tôi thấy ông Herb phấn khởi, mắt sáng rỡ lạ thường, khích động nói với tôi rằng, ‘Hôm nay tôi bước đi được rồi! Tôi đã đi 240 bước – 240 bước!’

‘Chú tâm trên từng bước thiền hành!’ Tôi tự nhủ, ‘Hãy niệm thần chú. Hãy đặt bước chân này trước bước chân kia thật cẩn trọng và bước đi. Hãy vượt qua đường Đạo không cửa – Đạo lộ vô môn.’

Rồi thì sao?

            Thấy trời xanh, chỉ trời xanh

            Thấy cây xanh, chỉ cây xanh.

            Thế thôi.

 

6. Cá gỗ

 

            Anh nói mãi về thực phẩm nhưng không ăn...

 thì đói vẫn hoàn đói

            Anh nói nhiều về trang phục nhưng không mặc...

thì sao khỏi rét lạnh cóng xương?

Ăn cơm vào no bụng

            Mặc áo vào ấm thân,

            Sự lý đương nhiên như trời xanh, cây xanh

            Hãy bặt nghĩ suy, dứt vọng niệm,

            Cứ để vạn vật nhậm vận chuyển xoay

            Như đói ăn, khát uống, mệt ngủ khì,

            Anh sẽ gặp được Phật tại tâm

            Không phải bên ngoài,

            Không phải kiếm tìm nhọc công vô ích!

(trích trong thi phẩm ‘Nhìn từ núi lạnh’ của thiền sĩ Han Shan)

 

T

rước khi tụng kinh, tôi thắp nến và một cây nhang, lễ Phật và ngồi xuống cầm cái mõ lên. Cái mõ này làm bằng gỗ có hình dáng một cái đầu cá tròn, rỗng ruột bên trong. Khi chúng ta gõ lên cái đầu mõ bằng một cái dùi gỗ, chúng ta nghe có âm thanh phát ra ‘cốc, cốc, cốc.’

Tùy theo từng quốc độ, các bộ kinh tụng sẽ được chuyển sang từng âm ngữ khác nhau và âm thanh vần điệu của thổ ngữ rất quan trọng trong việc truyền đạt rung cảm đến tận lòng người.

Đương lúc tụng kinh, tâm trí tôi có khi nghĩ ngợi rong ruỗi lang thang, lung tung vớ vẩn nhưng nhờ vào tiếng mõ đều đặn và lời kinh tiếng kệ, tôi dần thúc liễm được con khỉ ý thức của tôi vào một chỗ. Với sự toàn lực chú tâm trên từng chữ một của bài kinh, chúng ta sẽ không để hở một chỗ trống nào để con khỉ vọng thức đó có thể sút chuồng chạy nhảy ra ngoài.

Cũng như thiền, tụng kinh là một phương tiện giúp hành giả thâu nhiếp lục căn thanh tịnh. Mắt nhìn chữ, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, thân ngồi yên, ý nhiếp phục theo lời kinh nhịp chuông tiếng mõ, sáu căn an định, sáu trần không vương, sáu thức không tác ý. Pháp môn tụng kinh thực cũng là một phương pháp vi diệu trong tám vạn bốn ngàn pháp môn phương tiện của Phật.

Có nhiều câu truyện thần thoại kể về thần lực tụng kinh theo truyền thống Phật Giáo, và trong số những câu truyện thần kỳ đó có một truyện nổi tiếng kể về sự tích cái mõ. Kể rằng : ‘Ngày xưa, xưa lắm ở Trung quốc, có một vị quan đi dạo thuyền cảnh hồ thu cùng với gia đình ông ta. Trong khi cả nhà đang hân hoan ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên, gió mơn man dìu dịu, lá đỏ vàng nghiêng mình soi bóng trên mặt nước hồ thu phẳng lặng trong suốt thì đứa con gái bé út nhất của vị quan đã té rớt xuống hồ mà không ai hay. Khi phát giác ra sự mất tích của đứa bé, cả gia đình hốt hoảng cho người mò xuống hồ tìm kiếm nhưng dù cả một đám thợ lặn tài giỏi nhất vùng sông mò lặn tận đáy hồ cả ngày trời cũng không tài nào kiếm được xác đứa bé gái ấy ở đâu cả. Quá đau khổ ân hận, gia đình vị quan trở về nhà và lên chùa tìm gặp một vị sư pháp hiệu là Chung San Poep Sa hỏi xin nghi thức cầu siêu tế độ vong linh đứa bé.

Người mẹ thổn thức nghẹn ngào nói : ‘Chúng con không thể tìm thấy xác con gái của chúng con để tẩn liệm được.’

Thương cảm, Sư Chung San Poep Sa bèn nhập đại định và lập tức thấy rõ ràng nơi đứa bé gái đó hiện đang ẩn náu. Sư nói với người nhà vị quan hãy ra chợ tìm mua cho bằng được con cá lớn nhất chợ mang về. Tuy ngơ ngác chẳng hiểu gì, vị quan cung kính vâng nghe theo lời nhà sư và sai người đi mau. Quả nhiên khi người hầu ra chợ thì thấy có một con cá kình thật lớn mới bị lưới bắt. Họ mua về và theo lời nhà sư chỉ dẫn, họ đã rạch bụng cá và moi thấy đứa bé gái vẫn còn sống đang nằm trong bụng cá.

Từ ngày đó, gia đình vị quan cảm tạ ân cứu độ của Phật Trời và không bao giờ ăn cá nữa.’

Đó là ý nghĩa vì sao cái mõ có hình dáng con cá miệng ngoác mở rộng nhưng bụng thì rỗng ruột : ‘Đứa bé vẫn còn sống!’ Do đó mỗi khi chúng ta tụng kinh gõ mõ, chúng ta quán tưởng rằng chúng ta đã cứu độ tất cả chúng sinh đều thoát ly sanh tử. Chúng ta có thể tìm thấy ‘đứa bé đã bị mất tích dụ cho bản tâm thanh tịnh sẵn có của mọi chúng sanh.’

Tôi cầm mõ lên và tụng :

‘Khi ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực hành sâu xa Bát Nhã Ba La Mật Đa thì soi chiếu thấy ngũ uẩn đều không, vượt ra khỏi tất cả khổ ách...’

Từng chữ, từng chữ một, từng câu kinh, từng câu kinh một, rõ ràng, khoan thai, đều đặn.

Tất cả ngôn ngữ là một.

Tất cả âm thanh là một.

 

7. Hãy rửa chén đi!

 

‘Một vị tăng hỏi thiền sư Joju : ‘Con đây vừa nhập thiền viện. Kính xin Thiền sư chỉ dạy cho con!’

Thiền Sư Joju hỏi: ‘Ngươi ăn sáng chưa?’

Vị tăng trả lời: ‘Dạ, con ăn rồi.’

Thiền sư Joju nói liền: ‘Vậy ngươi hãy rửa chén đi!’

Vị tăng hoát nhiên ngộ đạo.

Ngộ cái gì vậy?

                                                 Công án Mu Mun

 

T

ụng kinh xong rồi, tôi chuẩn bị dùng điểm tâm. Bụng đói sôi sùng sục vì đã nhịn ăn từ chiều tối hôm qua, tôi múc một tô lớn gạo và đậu nành trộn chung nấu với bơ đậu phụng. Tôi muốn để dành muối vì muối có thể giữ được lâu hơn .

Mặc dù cách nấu cơm đó hơi lạ đời nhưng tôi lại ăn rất ngon miệng vì mùi thơm béo ngậy của gạo, đậu nành và đậu phọng hòa tan lại với nhau. Quả tình khi đói thì ăn cái gì cũng thấy ngon cả. Người ta nên ăn ít, ngủ ít và khi cần cũng nên nhịn ăn bớt đi, không nên chìu theo sự đòi hỏi của thể xác phàm tục này; nếu làm được như thế thì khi có miếng cơm ăn, người ta sẽ biết trân trọng quí báu ân sủng của đất trời hơn. Tôi bắt đầu cảm thấy thấm hiểu nhiều hơn nếp sống thanh đạm của các nhà sư.

Trong kinh Bát Nhãcâu : ‘Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc,’ có nghĩa là vạn sự vạn hữu đều thay đổi vô thường. Ví dụ như cây cổ thụ kia sống đã trăm năm qua, nó từ một hạt giống mọc thành cây con, rồi cây lớn, tàn đi, hạt rớt xuống lại nẩy mầm thành cây con... cứ thế mà hình dáng, màu sắc thay đổi chuyển hóa không dừng nghỉ. Như thế không phải cứng ngắc cố định là thân cây cổ thụ thì luôn mãi là cây cổ thụ mà đó là sự chuyển hóa biến di biến dịch của hiện tượng vạn hữu vũ trụ mà chúng ta tạm dùng cái danh từ ‘cây’ để diễn đạt miêu tả một sự vật vậy thôi.

Có một thiền ngữ là ‘Sắc tức là Sắc, Không tức là Không,’ câu này ngụ ý ‘bình thường tâm thị đạo’ và hành giả không nên chấp trước dính mắc vào Không. Hãy nhìn vạn vật y như chúng đương là – như thị, như thị – như thị thể, như thị tánh, như thị tướng... như thị bản mạt cứu cánh. Vạn hữu vũ trụ đang ở trước mắt anh. Cây xanh, mặt trời đỏ, gió mát, lửa nóng, v.v...

Có gì cao siêu, vĩ đại đâu để phải tốn hao cả một đời gắng công gắng sức đi tìm hiểu ‘Sắc Không, Không Sắc’ hơn là cứ an nhiên tọa thị, khoái hoạt ăn cơm trong thiền định, uống nước trong thiền định, ngủ trong thiền định, đi đứng làm việc trong thiền định?

Có một vị tăng trong khóa học thiền của chúng tôi tại Đại Hàn tên là Mu Sang Sunim, một ngày kia, đã đi thăm viếng Trung Tâm Thiền Palma ở thành phố Palma de Mallorca, Tây Ban Nha. Mọi người, ở thiền viện này, đều biết là Mu Sang Sunim rất thích uống cà phê và ăn bánh ngọt. Một hôm, viện chủ của trung tâm Palma mời Mu Sang Sunim đến uống cà phê tại một quán cà phê ngoài phố.

Khi dĩa bánh ngọt được mang ra, Mu Sang Sunim thản nhiên chỉ tay vào chiếc bánh, cười nụ nói, ‘Sắc’ rồi chỉ vào bụng mình nói, ‘Không.’ Mọi người không ai hiểu Mu Sang Sunim định nói gì. Thế rồi sau khi ăn sạch cái bánh ngọt, Mu Sang Sunim chỉ vào cái dĩa nói, ‘Không’ rồi lại chỉ vào bụng mình nói, ‘Sắc.’

Mọi người ồ lên cười rộ, gật gù.

Cái chén cơm của tôi đã hết. Tôi tráng cái chén với nước trà cho sạch nhẵn những hạt tấm nhỏ xíu còn dính trong chén và tôi uống trọn tất cả cặn cơm đó. Vạn hữu trong vũ trụ vật lý này đến rồi đi, trụ rồi hoại nhưng những gì còn lại đều không ‘sắc’ cũng chẳng không ‘không.’ Chỉ là một sự biến thiên chuyển hóa trong mọi hình thái và thời gian.

Đó là cái gì vậy?

Tại sao mỗi ngày chúng ta phải ăn cơm?

Một thiền sinh đã hỏi Sư Phụ tôi, ‘Tại sao mỗi ngày Sư phải độ cơm?’

Sư Phụ tôi đã trả lời, ‘Ta ăn vì ngươi đó!’

Thiền sinh không hiểu.

Phụ tôi nói, ‘Nếu ta không ăn, ta không thể độ ngươi!’

Chỉ có vậy thôi!

            Bồ Tát bịnh vì chúng sanh bịnh.

            Bồ Tát ăn để độ chúng sanh.

 

8. Ân huệ

 

‘Có người đã hỏi thiền sư Joju, ‘Khi nào hành giả có thể lãnh thọ được ân huệ?’

Joju trả lời, ‘Ngươi thọ nhận ân huệ ở đâu?

(Thiền ngữ)

 

Đ

ã đến giờ làm việc rồi. Bó người cứng ngắc trong cái áo len dầy cộm nặng chình chịch và một cái áo vét khoác ngoài, tôi mang găng tay, buộc dây giày và khệnh khạng bước ra ngoài sân chẻ củi. Một người bạn đã cho tôi mượn một cái cưa bằng sắt. Tôi chưa hề sử dụng loại cưa này bao giờ.

Cũng vẫn còn một phần tư củi đã chẻ sẵn, chất đống phơi khô ngoài vách chòi và cũng còn rất nhiều khúc cây dài chưa đẵn và cần phải chẻ ra làm ba, làm tư mới đun được. Rừng cây này thật bao la và khoáng đạt quá! Hôm nay trời trong xanh, ấm áp hơn. Thiên nhiên đẹp khôn tả! Nếu bạn đến New England vào mùa đông – tôi đoan chắc bạn sẽ yêu thích cảnh vật ở miền này ngay -trời xanh, cây xanh, tuyết trắng.

Tôi lựa cái cây nhỏ nhất và kéo nó đến ván ngựa để cưa. Cưa, cưa, cưa... tôi thở phì phò như đầu tàu xe lửa, trời ơi, mới cưa chỉ có mươi phút mà cánh tay tôi đã rã rời rệu rạo như cọng bún thiu. Cái lưỡi cưa cùn quá, càng cưa mạnh, nó càng bật ra ngoài. Choáng váng mặt mày, tôi nghĩ chắc phải mất nhiều thì giờ lắm mới cưa đứt nổi khúc cây này. Một tiếng rưỡi đồng hồ sau, trời ơi, ‘cái cảm giác hân hoan sung sướng được trãi qua mùa đông tuyết rơi tuyệt vời thơ mộng lãng mạn ở New England’ bay biến mất ráo, chỉ còn thấy có mệt lả và thất vọng. Tôi cưa chỉ được có hai khúc củi. Ngồi phịch xuống đất thở dốc, tôi nghĩ một là phải cưa cho nhanh lên nữa, bằng không thì phải đun củi ít thôi, ráng chịu lạnh để dành củi nếu không thì chẳng sống hết nổi qua mùa đông giá rét này.

Tôi lại sực nhớ đến bài thần chú. Thế là như có một thần lực vô hình trợ giúp sáng suốt hơn, tôi nghĩ cứ cố gắng hết sức mình cưa được bao nhiêu gỗ thì cứ cưa, đừng nhọc công lo nghĩ còn củi hay hết củi gì cả. Thực sự năng lực thần chú giúp tôi tỉnh táo mạnh mẽ khác thường hơn bất cứ loại thuốc nào.

Bước kế tiếp là phải đi xách nước. Cái giếng nước cách đây một phần tư dặm đường ở khoảng đất trống rộng gần một cái hồ đã đóng băng hết phân nửa, và tôi thấy có một cái nhà kho nho nhỏ và hai căn chòi của Joe và Terry Havens, chủ nhân của khu rừng này. Hai căn chòi đó, vào mùa đông, không có ai ở cả.

Cái giếng, xây bằng đá mài, rất sâu, sâu lắm. Mặt giếng được đóng lại bằng một tấm ván tròn dầy có tay cầm. Tay quay thùng nước rất chắc chắn và sợi giây thừng quấn vào thùng nước thật to. Nội nhìn cái thùng nước và sợi giây thừng là tôi muốn nhào đầu xuống giếng rồi! Nặng quá và phải biết cách thả thùng xuống giếng làm sao để mà vừa rớt xuống là nó ụp xuống múc được nước lên. Lần đầu tiên quay nước giếng, tôi lụp chụp thế nào mà thùng nước cứ xoay xoay trên mặt nước, không ụp xuống được. Cứ chồm lên thụp xuống loay hoay mãi trong bóng tối của khu rừng mặc dù lúc này đã hơn 8 giờ sáng nhưng vào mùa đông, mặt trời dường như cũng ngủ quên nên trong khu rừng, ánh sáng vẫn chưa lọt vào, tôi thoáng trông thấy cái thùng cứ xoay vòng vòng trên mặt nước, trống rỗng không có giọt nước nào cả.

Tôi chợt bâng khuâng nghĩ ngợi : ‘Ái dà, đã chưa chẻ được nhiều củi giờ lại không xách được nước thì còn ẩn cư nhập thất cái nổi gì nữa cơ chứ?’

Những tiếng nói vô hình cứ oang oang trong đầu óc tôi, dìm tắt luôn ánh sáng năng lực thần chú trong cái họng âm thanh ồm ồm quái đản của chúng. Tôi không tài nào niệm thần chú được nữa, tâm trí tôi quay cuồng chán nản, thể xác mệt nhoài rã rời.

Tôi tưởng tượng cái ngày tôi xấu hổ cụp tai che mặt ôm gói trở về nhà, không nhập thất qua được một tuần lễ chỉ vì không chẻ nổi củi và không xách nổi nước như trước kia tôi đã anh hùng huênh hoang tuyên bố nhặng xị lên! Không, không được, tôi không thể chào thua cái trở ngại cỏn con như thế được. Tôi phải làm cho bằng được. Tôi phải thắng tôi!

Cuối cùng sau nhiều lần gắng công, chiếc thùng sắt đã ngoan ngoãn ụp đầu xuống uống nước ngon lành. Tôi hăng hái quăng thùng xuống, kéo thùng lên đổ đầy năm ga-lông nước vào trong cái vại nhỏ. Thắng trận! Tôi đã thắng được tôi rồi!

Đậy nắp giếng lại cẩn thận, tôi cúi người xuống thở dốc một hồi cho đỡ mệt và kéo lê ì ạch cái vại đầy nước kia. ‘Không biết mấy người khác có thể xách cái vại nước này không nhỉ? Không lẽ ta đây lại yếu hơn họ sao? Cố lên, một, hai, ba...’

Thở hào hển, mặt đỏ như gấc, choáng váng quay cuồng, tim đập liên hồi, cuối cùng tôi cũng về tới căn chòi và ngã phịch xuống trước cổng, chịu hết nổi. Tôi đã lê được cái vại nước từ cái giếng cách đây một phần tư dặm.

9 giờ 50 sáng.

Khi bắt đầu chương trình nhập thất, tôi cứ cho rằng phần khó khăn nhất chính là phần tham thiền, lễ bái hay tụng kinh, v.v... nhưng quả thực, sự chấp tác lao nhọc xẻ củi xách nước mới là gay go nhất, nó khiến người ta dễ chán nản bỏ cuộc hơn.

Con người cần nước để uống, cần thực phẩm no bụng, cần lửa ấm thân. Đó là những nhu cầu thiết yếu của đời sống, khó thiếu được. Một cư sĩ đã nói với tôi : ‘Chức năng quan trọng cơ bản nhất của tôi là chẻ củi và xách nước!’

Bây giờ tôi thực sự đã hiểu, thực sự đã hiểu rõ.


 

9. Tịnh Độ

 

‘Ô, ngọn gió chiều thổi cuốn khói sóng lòng ta tận trời cao xanh thẳm!’

                                                (Thiền sư Ikkyu)

 

Đ

ến giờ cơm chiều rồi! Thế là sắp hết một ngày. Aùnh sáng ban mai rực rỡ của một buổi sáng đẹp trời đã nhường chỗ cho hoàng hôn hồng sậm rồi tím dần đi nhạt nhòe bóng tối hoang vu. ‘Tôi cảm thấy cô đơn quá! Cô đơn quá! Ồ, tôi đang làm gì ở đây, một mình một bóng giữa cánh rừng vắng vẻ trong độ tuổi thanh niên tràn đầy nhựa sống thế này? Đúng lý ra, tôi phải hưởng thụ tận cùng thời xuân mộng tươi thắm của tôi chứ? Phải tụ họp bạn bè cùng trang lứa đi nhẩy đầm, nghe ca nhạc, ăn uống thỏa mãn vui vẻ chứ sao lại chui rúc vào cái xó xỉnh buồn thiu này nhỉ?’

Có người đã khuyên tôi chỉ nên ăn hai buổi trong ngày mà thôi để không bị tham đắm vào ăn uống. Say mê tu thiền, tôi nghe theo lời khuyên của họ và cũng để phòng hờ xót ruột vì đói, tôi mang theo mơ khô, chà là, quả vả và mận để dùng với trà vào buổi tối, tuy nhiên muốn tự chứng tỏ là không có tham tâm, tôi mang chỉ đúng vỏn vẹn có 100 trái, mỗi trái một đêm, không dư không thiếu.

Bao bọc kỹ lưỡng trong bộ quần áo ấm dài, quàng thêm một cái chăn nhồi bông nhẹ mầu xám mượn được của một vị tu sĩ, tôi nhâm nhi từng ngụm trà nóng và nhấm nháp trái chà là khô sắc ngọt bùi như đường. Tôi nhấm nháp từng chút một, thật cẩn thận, thật lâu, càng lâu càng tốt và mút từng giọt mật ngọt của trái chà là. Đây là trái chà là lớn nhất trong bịch trái cây khô của tôi, thế mà nó biến mất thật mau trong miệng dù tôi đã cố ăn thật chậm, thật chậm để quên đi cảnh vật ảm đạm chung quanh.

Tiêu điều thật! Phải công nhận cảnh vật nơi này vào mùa đông đích thực tiêu điều, trần trụi và ảm đạm dễ sợ. Để giảm bớt đi sự hoang vu của cảnh vật chung quanh làm cho căn chòi thêm lạnh lẽo, tôi thắp hết một lượt cây đèn dầu và những cây nến, mong rằng ánh sáng sẽ xua đuổi và xóa tan đi bóng đêm si ám đang bủa vây tâm hồn tôi.

Bao phủ trong vùng ánh sáng ấm áp, tôi thì thầm tụng kinh và sau thời khóa tịnh độ, tôi trầm ngâm ngồi yên lặng, ngồi thật tĩnh lặng. Bên ngoài trời đã tối đen như mực và lạnh. Tiếng củi nổ tí tách nho nhỏ trong lò sưởi. Thật ấm áp dễ chịu. Tấm chăn bông nhỏ thật ấm. Ngọn lửa thật ấm. Căn chòi đã hết lạnh. Chim cũng đã ngừng hót ca. Không gian im lặng như tờ. Tuyết đã nuốt chửng tất cả âm thanh vào cái họng to lớn trắng toát ghê rợn của nó.

Tôi ngồi bất động như pho tượng, cả tâm trí và hơi thở như hút sâu vào màn tuyết trắng mênh mông kia.

Ánh sáng. Tuyết trắng. Hơi ấm.

Tôi hoàn toàn buông xả trong suốt hai tiếng đồng hồ thiền tọa.

Yên tĩnh. Thư thái. An nhiên.

Ngã-nhân vô tích. Phật hiện toàn chân.

 

10. Kiếm báu Kim Cang

 

Trong tâm thức ngươi có ẩn tàng kiếm báu Kim Cang. Nếu ngươi muốn triệt ngộ chính bản tâm ngươi, hãy rút kiếm báu ra và chém đứt hết tốt hay xấu, dài hay ngắn, đến hay đi, cao hay thấp, ngay cả thượng đế hay Phật Tổ...

Chém hết, chém hết tất cả.

                                    (Thiền sư Seung Sahn)

 

T

hời khóa tu tập buổi chiều đã hoàn tất. Tôi rửa mặt với nước ấm trong cái nồi đặt trên bếp củi. Cái khăn mặt dù ngửi toàn mùi khói hun nhưng vẫn cho tôi một cảm giác dễ chịu. Hàààààààà... thở phào một hơi nhẹ nhõm, tôi lắng nghe một cách thích thú tiếng động dzì dzì nho nhỏ của cái dây kéo túi ngủ. Sao mà dễ thương thế!

Chuồi thật nhanh vào trong bụng túi ngủ mềm mại ấm áp, tôi khoan khoái rùng mình duỗi thẳng tứ chi thư giãn sau một ngày dài căng thẳng hành đạo và khi giấc ngủ bắt đầu từ từ xâm chiếm, tôi thoáng nghĩ, ‘Thế là ta đã thực thi đúng các thời khóa. Ta đã thắng được ta ngày đầu tiên!’

Tôi đã thực hành đầy đủ tất cả các thời khóa do tôi tự đề soạn ra: lễ sám, thiền tọa, thiền hành, tụng kinh, ăn uống và xẻ củi xách nước. Có lúc tôi tự hào cho mình đã quyết định đúng khi chọn nhập thất ở đây; có lúc tôi lại băn khoăn về sự minh mẫn của riêng mình.

Hàng lô những vọng niệm đột khởi xuất hiện rồi biến dạng như chớp nhoáng trong tâm thức tôi, nào là: hôn trầm, thụy miên, đề kháng, rồi sự sáng tỏ tươi mát hay tĩnh lặng an nhiên của tâm trí, nhưng rồi cũng thấp thoáng những niệm bất an lo sợ, nghi ngờ, sân giận hoặc tâm tham ô đắm nhiễm, ghen tức yêu thương hay những vọng tưởng, lạnh nóng bất thường, đói khát, thèm muốn, v.v…

Tất cả những vọng tưởng điên đảo đó đều dấy động trong tâm thức người mới tu tập nhập thất. Tốt hơn hết nên để chúng cứ tự do đến đến đi đi tùy nghi; không nên dẫy dụa chống trả lại chúng hay để bị đè bẹp xuống khuất phục hoặc chạy theo tìm tòi phân tích – Là ai? Ai sai khiến? Ai nói gì? Ở đâu và phải làm gì?

Thái độ hay nhất của chúng ta là phong thái trầm tĩnh an nhiên tự tại ứng hoạt quán sát các vọng tưởng đột biến đó. Quán sát chúng thật sáng suốt, thật tỉnh thức và đầy trí tuệ. Chúng ta hãy nhìn ly trà kia! Những xác trà đang quay vòng vòng trong ly khi chúng ta rót nước vào ly. Chúng ta hãy đặt ly trà lên bàn và lặng lẽ quán sát nó. Những xác trà bây giờ, trên một mặt phẳng bất động theo qui luật xác suất, từ từ đáp nhẹ xuống đáy ly và nằm yên ở đó.

Những vọng niệm của chúng ta cũng giống như những xác trà quay cuồng dấy động trong tâm tưởng – nhưng nếu chúng ta ngồi yên lặng lẽ, chúng sẽ dần dần bớt sức công kích và nhẹ nhàng đáp xuống đáy hồ tâm thức tĩnh lặng và vô hiệu hóa. Lẽ dĩ nhiên cũng có những đau nhức tê dại của cơ bắp, của xương khớp hành hạ chúng ta không kém trong thời gian đầu chúng ta gắng sức hành trì theo các pháp môn thiền chẳng hạn nhưng rồi sẽ qua đi, sẽ quen đi.

‘Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni...’ Mí mắt tôi sụp xuống. Tôi sắp sửa bước vào giấc ngủ tỉnh thức. Tất cả mọi việc đều diễn tiến suông sẻ, tốt đẹp. Bỗng nhiên tôi nghe có tiếng sột soạt như có người cào cào cánh cửa. Cái gì vậy? Giật bắn người, trống ngực đập thùm thụp, tim tôi thót lại như muốn nhảy vọt ra ngoài, tôi tỉnh ngủ hẳn.

Chất ‘adrenaline’ (chất hormone do tuyến thượng thận sinh ra làm tăng nhịp đập của tim và kích thích hệ thống thần kinh) thật buồn cười – nó hoạt động nhậm lẹ đến nỗi chúng ta chưa kịp nghĩ tới nữa. Toàn thân tôi như căng phồng đầy chất adrenaline đó.

Soạt soạt soạt... Tiếng sột soạt đó nghe như ở bên vách, sát giường ngủ – bây giờ lại nghe như ở trên mái nhà!

Có lẽ đó là một con sóc chăng?

Không biết có phải là sóc hay không nữa?

Tôi sực nhớ là cửa không có khóa và cũng chẳng có điện thoại, tự nhiên tôi cảm thấy rờn rợn, bất an... không biết có chuyện gì hay không đây??

Đầu óc tôi rối tung lên, cơ thể như mụ đi trong cái túi ngủ, tôi suy diễn hết chuyện này qua chuyện khác rồi tôi lại cố tự trấn an, rồi lại hồi hộp lo ngay ngáy... cứ thế mà bất an, trấn an, liều mạng rồi lo sợ... thay đổi liên tiếp hành hạ tâm hồn tôi cả một hồi lâu. Chẳng thấy gì cả và cũng chẳng thấy ai cả. Tôi vẫn nằm bất động như chết trong túi ngủ trên giường nhưng thần trí mệt mỏi rã rời vì những lực đối kháng nội tâm quấy nhiễu.

Cuối cùng, một ý niệm bừng sáng lên trong tâm tưởng tôi: ‘Ngươi không thể nào vượt qua nổi một trăm ngày tu tập tại đây nếu ngươi cứ trợn mắt mắm môi suy diễn lăng nhăng. Cái gì tới sẽ tới! Ngươi không thể vượt qua sanh tử nếu ngươi không học được cách đối trị những con sóc. Nếu sống, sống trong tỉnh thức. Nếu chết thì cũng chết trong trong định tâm. Nắm giữ hơi thở lại, bình tĩnh lại, và trì chú! Trì chú và trì chú!’

‘Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni, nam mô hát ra đát ra đa ra dạ da, nam mô a rị da bà lô yết đế... . án tất điện đô mạn đa ra bạt xà dà sa bà ha... sa bà ha... sa bà ha...’

Đó là lưỡi kiếm Kim Cang của tôi. Đúng là kiếm báu Kim Cang! Và thế là tôi ngủ say một mạch trong âm thanh mầu nhiệm của thần chú đại đà la ni!

 

(Còn tiếp)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle