Vị thiền nơi đầu lưỡi

thien

Takashina Rosen

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những gì tôi sắp nói về Thiền (Zen) không phải là bài thuyết pháp chính thức mà chỉ muốn chia sẻ với những người muốn có một kiến thức chính xác về Thiền và hiểu được nó. Những học thuyết và tinh thần Thiền đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người Nhật. Món mì sợi, món dưa cải, đậu hủ và nhiều thứ hiện đang là những món ăn hằng ngày của dân tộc chúng ta hầu hết đều có nguồn gốc từ Thiền. Luật phải rửa mặt và súc miệng mỗi sáng là do thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) đặt ra từ thế kỷ 13. Nghệ thuật trà đạo và cắm hoa được phát triển trên căn bản của tinh thần Thiền. Nếu hỏi Thiền là gì thì thật khó thể trả lời. Tuy thế tôi vẫn hy vọng những người bắt đầu học thiền có thể đạt được một ít hiểu biết nào đó từ bài viết nhỏ này. Thiền sư Dogen (Đạo Nguyên) có nói trong tập Shobo Genzo (Chánh pháp nhãn tạng) rằng thực tập Thiền có nghĩa là thiền tọa. Nguồn gốc của chữ Thiền, hoặc Zen, là viết tắt của chữ Zazen. “Zazen là cánh cửa chính của đạo Phật”. Muốn đi vào đại sảnh của đạo Phật thì theo phép là mình phải đi qua cửa chính. Lén vào cửa sau xem dường như dễ hơn, nhưng chỉ khi nào đi vào bằng cửa trước với những nghi lễ cần thiết thì mình mới được chấp nhận của gia đình đó. Một khi thân thiện với gia đình ấy rồi thì mình có thể tự do đi vào bằng cửa sau hoặc cửa hông mà không gây phiền toái cho gia đình.

Đạo Phật đã được truyền vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ VI dưới triều đại Khâm Minh Thiên Hoàng (Kimmei), nhưng mới chỉ bằng một số tranh tượng Phật và những bản kinh sao chép. Đấy chưa phải là đạo Phật thật sự. Vào thế kỷ XIII, Tổ Dogen đã đến núi Tendo (Thiên đồng) ở Trung Hoa, nơi Ngài đã thọ giáo thiền sư Nyojo (Như Tịnh). Ngài đã “buông bỏ và quên mất thân tâm”, và sau khi chứng ngộ, Ngài đã trở về quê nhà và mang theo truyền thống thiền tọa chân xác.

Điều quan trọng nhất đối với thiền tọa - ý nghĩa thực sự của nó theo Tổ Đạo Nguyên - lại thường bị hiểu lầm. Có những người nghĩ rằng hành thiền tọa là để đạt đến giác ngộ (satori), và khi giác ngộ đã viên thành, thì thiền tọa không còn cần thiết nữa. Đây là loại Thiền “chờ ngộ” và nó hơi khác với loại Thiền mà sự thiền tọa tự nó đã là Phật hạnh. Với loại thiền trước, hành thiền tọa là vì mong cầu giác ngộ, và chỉ duy mục đích ấy; sau khi giác ngộ, tọa thiền không quan trọng nữa. Nhưng thiền sư Dogen nhấn mạnh rằng phương pháp và truyền thống đích thực của chư Phật và chư Tổ là khi thực tập thiền tọa tự nó đã lợi ích chứ nó không đơn thuần là phương tiện để mong cầu giác ngộ. Sự thật là khi chú tâm vào một công án, phải quăng hết toàn bộ cuộc sống mình vào việc hành tập với mục tiêu là giác ngộ. Nhưng tọa thiền theo truyền thống của chư Phật và chư Tổ là điều được gọi là Tam muội Tự thọ dụng, chứ hoàn toàn không phải tọa thiền là cách để giác ngộ. Sự thọ dụng của chư Phật và Tổ được biểu lộ rõ trong tư thế tọa thiền, đó là Phật sự và Phật đạo. Tổ Dogen đã nhấn mạnh điều này. Thiền là cảnh giới tự thọ dụng của chư Phật. Ba nghiệp thân, khẩu và ý được in dấu ấn Phật quả và biểu thị chư Phật. Thiền Tào Động là tư duy thuần tịnh trong tư thế ngồi, sự tọa thiền luôn luôn được chư Phật, Tổ hành trì, do đó nó phải được tiếp tục ngay cả khi đã giác ngộ. Không phải sự giác ngộ là không cần thiết, nhưng ai nghĩ rằng thiền tập có thể bỏ đi sau khi đã tiến đến sự giác ngộ là một điều sai lầm.

Đạo truyền thống vốn thường hằng, và tọa thiền cũng thế. Phật sự tỏa khắp vạn hữu mười phương thế giới. Ở Đông phương, năng lực tư duy đã kết tinh thành nền tảng của văn minh và khuyến khích khoa học, nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế và mọi khía cạnh văn hóa được hưng thịnh. Do đó, trong sự tọa thiền của chúng ta, hành trì và giác ngộ là một. Trong thực tập hiện tiền đã là ngộ, ở đây và bây giờ, hơn thế nữa, cả hai đều thường hằng.

Nhật Bản ngày nay nói chung có ba dòng thiền chính: Obaku (Hoằng Bá), Rinzai (Lâm Tế), và Soto (Tào Động). Dòng Hoằng Bá có bổn môn ở Uji (Vũ Trị). Có lẽ môn phái này chịu ảnh hưởng quá mạnh của người Trung Hoa, nên nó không phát triển được ở Nhật, mà chỉ có ở vài tự viện. Dòng Lâm Tế bị chia ra thành nhiều chi phái, với các Tổ đình ở Kyoto (Kinh đô), Kamakura (Liêm thương), và nhiều nơi khác. Nó đã có ảnh hưởng lớn trong sự phát triển văn học và nghệ thuật. Điều quan trọng trong phương pháp thiền tọa của môn phái này là giải công án. Vì thế nó được gọi là thiền chờ đợi giác ngộ. Công án được chiêm nghiệm hết cái này đến cái kia và giai đoạn chứng ngộ được sở đắc qua từng công án, như leo lên từng cấp của chiếc thang giác ngộ. Theo quan niệm này, chỉ sau khi giác ngộ mới có Phật quả. Dòng Tào Động có hai Tổ đình và mười lăm ngàn tự viện chi nhánh và môn phái này không bị phân chia. Thiền được gọi là “mặc chiếu”, ngược với trường phái “chờ ngộ”; giáo pháp là thuần tịnh chiêm nghiệm và không phân biệt giữa hành trì và chứng ngộ. Thiền tọa của chúng ta là ngồi như thế nào để cho dấu ấn của Phật được biểu hiện qua ba nghiệp thân, khẩu và ý của mình, và thiền tọa này chính là Phật hạnh. Đó cũng là sự hành-chứng của thiền sư Dogen, trí tuệ cao siêu nhất.

Trong thiền tập, như đã nói, có cả đọc kinh, làm việc, ăn cơm, uống nước, v.v... Ngược với quan niệm cho rằng Phật quả chỉ bắt đầu sau khi giác ngộ, là Thiền-phát khởi-từ khi-giác ngộ, đây là loại thiền Bổn chứng. Tọa thiền là Phật sự của bản ngã vốn là Phật từ khởi thỉ, vì vậy không bao giờ ngưng nghỉ. Đó là loại thiền tọa hiển lộ sự giác ngộ từ khởi thỉ hay là sự bổn chứng. Như thế cũng một chữ tham Thiền mà có bao môn phái khác biệt, chúng ta cần phải hiểu rõ. Mỗi quan điểm đều có lợi ích riêng của nó, hà tất phải xét nét phê bình nhau.

Về sự vĩ đại của công phu thiền tọa này, Ngài Dogen có nói: “Nếu tất cả chư Phật trong mười phương, vô lượng như số cát sông Hằng, đem tất cả sức mạnh và Phật trí của chư vị, cũng không thể đo lường được công đức của một người đang hành thiền.”

Tuy nhiên, khi thiền tập làm gia Tăng thiền lực dễ dàng thì cũng dễ sinh khởi chứng thiền bệnh kiêu mạn. Chúng ta thường bị lặn chìm vào trong hàng ngàn sự hoang mang của thế giới, quay cuồng vào trong vô số những thay đổi của cuộc đời. Kết quả là mình rất dễ bị lôi kéo vào những việc xảy ra; và những ai muốn tự cởi trói và được tự do thì sẽ tự tìm tới Thiền. Nhưng vì ngồi thiền trở thành một phần chính yếu trong cuộc đời họ, bấy giờ họ dễ phát sinh thiền bệnh. Khi sự quán tưởng trở thành điểm duy nhất, trong khi thiền tọa Phật có thể xuất hiện, hoặc ma, hoặc thiện thần; họ có thể cảm thấy bị rắn quấn quanh, hay nhiều hiện tượng khác xuất hiện. Lúc ấy tất cả những hiện tượng đó, cho dù là chính Phật xuất hiện để tán thán chúng ta, cũng chỉ là những chứng bệnh Thiền. Đó là những thác loạn của tọa thiền. Một điều chúng ta phải thận trọng lưu ý, đó là dù mình có thấy hình tướng Phật một cách rõ ràng, hoặc đang bị ma đuổi sau lưng mà cảm thấy sợ hãi, tất cả đều là ma sự mà thôi.

Đối với những thiền sinh nghiêm túc, tư thế ngồi là bước đầu tiên trong việc tọa thiền. Nó hơi đặc thù vì là việc tập luyện về tinh thần, trước hết tư thế của cơ thể phải được giữ thật chính xác, giống như trong sự luyện tập cơ thể chúng ta phải luôn chắc rằng mình đã tiếp cận đúng với tinh thần “thể thao”, phải làm đúng điều đó trước tiên. Vì vậy, trong thiền tọa, chúng ta phải nhìn thấy thân thể được đặt ngồi đúng tư thế. Thiền sư Dogen đã mô tả điều này rất chi tiết trong tác phẩm Fukan Zazen-gi (Phổ khuyến tọa thiền nghi).

Về chỗ ngồi, ta trải một tấm chiếu dày, rồi đặt trên đó một chiếc bồ đoàn nhỏ để ngồi. Nếu như không có bồ đoàn ta cũng có thể dùng một cái gối thường. Nửa thân sau bàn tọa được đặt trên bồ đoàn thì chỗ ngồi được vững chắc. Có hai tư thế ngồi chính là kiết già và bán già. Tên gọi tùy theo cách mình đặt hai chân. Trong tư thế ngồi kiết già, hai chân đan vào nhau bằng cách đặt bàn chân phải lên đùi trái, rồi đặt bàn chân trái lên đùi phải. Bàn tay phải để ngửa được đặt trên chân trái, bàn tay trái cũng để ngửa được đặt trên bàn tay phải. Hai đầu ngón tay cái có thể đụng nhau. Giữ xương sống thẳng đứng, không nghiêng về bên trái hoặc phải, không bổ về trước hoặc ngã ra sau, sao cho hai lỗ tai thẳng một đường với hai vai và mũi thẳng một đường với đan điền. Đây là thế ngồi thiền chính xác. Lưỡi chạm vào hàm trên, miệng khép và mắt hé mở. Hơi thở phải được tự nhiên và có thể nhận biết khi thở ra vào qua hai cánh mũi. Bằng cách này thì thân của ta được an lắng cho buổi thiền tọa.

Còn trong tư thế bán già, chỉ bàn chân trái được đặt lên đùi phải. Tuy nhiên, để thay đổi, mình có thể đặt bàn chân trái xuống và để bàn chân phải lên đùi trái. Tọa thiền nghi chỉ đề nghị tư thế đặt chân trái lên đùi phải, nhưng đối với những thiền sinh thì cả hai cách đều được trong tư thế ngồi bán già. Đối với tư thế ngồi kiết già cũng vậy.

Những người mới thực tập có thể ngồi bán già, dần dần tiến tới ngồi kiết già. Những người thường mặc Âu phục và quen ngồi ghế sẽ cảm thấy khó ngồi kiết già, có thể ngồi trên chân theo kiểu Nhật, hoặc cũng có thể ngồi thiền ngay trên ghế. Mọi người nên chọn tư thế nào thích hợp cho mình.

Theo truyền thống tư thế con người được phân ra bốn loại: đi, đứng, ngồi và nằm. Người ta có thể hỏi tại sao Thiền chỉ nói về ngồi. Về điều này, Tổ sư Dogen dạy: Trong bốn tư thế, tại sao tư thế ngồi được cho là thích hợp với thiền quán và giác ngộ? Nên biết rằng từ xưa tất cả chư Phật đã theo cách luyện tập này để đạt tới giác ngộ. Nếu đòi cho một lý do, thì lý do thật giản dị: đó là phương pháp của chư Phật, và ta không nên hỏi gì thêm. Chư Tổ đã ca ngợi phương pháp này như một cửa ngỏ đưa đến an lạc và hạnh phúc. Và phương pháp này không phải đã được một hoặc hai vị Phật thực hành, mà là phương pháp của tất cả chư Phật và chư Tổ.

Với người đã chứng ngộ và đạt tới mức thiền định vững vàng thì không cần thiết phải kẹt vào việc đi, đứng, nằm và ngồi, nhưng nhìn chung tư thế ngồi cho đúng, và kiểu ngồi kiết già là phương pháp phù hợp – vì vậy chư thầy, Tổ trong quá khứ đã noi theo gương của đức Phật Thích Ca, và đã để lại cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm của họ.

Đức Phật muốn dạy chúng ta điều gì? Có phải là sự thông thái? Có phải là tri thức hàn lâm? Hay mục đích của Ngài là khuyến khích chúng ta đọc kinh, thực hành khổ hạnh và khắc kỷ? Sự thật là không phải vậy. Ngài chỉ đơn giản muốn chỉ dạy tất cả chúng sanh biết cách đặt để thân tâm mình cho đúng chỗ. Cách để làm việc này được nói đến trong Zazen-gi là: “Nghĩ điều không thể nghĩ. Làm sao nghĩ được điều không thể nghĩ? Sống không dấy niệm-đó là bí quyết của thiền”. Không dấy niệm là đối tượng của thiền tập; việc kiểm soát thân và tâm chỉ là phương pháp để đạt đến điều này. Khi thân và tâm đã được kiểm chế, ý niệm không còn, trí thức sẽ phát sanh, thứ trí tuệ viên mãn của Phật, việc đọc kinh, dấn thân, khổ hạnh và khắc kỷ. Có những người quá nóng vội đã cho rằng việc đọc kinh, dấn thân hoặc khắc kỷ tuy có giá trị của chúng, nhưng không phải là thiền truyền thống do đại sư Dogen truyền đạt.

Sống không dấy niệm nghĩa là gì? Định sinh động của hết thảy chư Phật chính là trạng thái không khởi niệm ấy. Nói nôm na, người ta có thể nghĩ vật này giống cái cây hoặc tảng đá, nhưng nó hoàn toàn không phải thế. Nó không thể được lãnh hội bằng tri thức thông thường của chúng ta; mà ta cũng không thể hiểu nó bằng vô thức. Ta chỉ có thể hiểu nó qua kinh nghiệm của chính chúng ta về nó.

Những người sơ cơ, khi nghe nói bí quyết của thiền là không một khởi niệm, không thể sở đắc bằng tri thức, cũng không bằng vô thức, không thể hiểu đó là gì và rất hoang mang. Giờ đây, thay vì băn khoăn tìm cách nắm bắt nó, hoặc cố gắng để hiểu hay phân tích nó, thì điều cốt yếu là hãy thực hiện một cú nhảy cương quyết vào cái chết, buông bỏ thân xác và cả chính cuộc sống của mình. Có nghĩa là chặt đứt hết tất cả mọi vọng tưởng phân biệt ngay tận nguồn gốc của chúng. Nếu chúng ta tiếp tục chặt đứt tận gốc rễ chúng thì sự giải thoát khỏi mọi dấy niệm tự khắc sẽ đến, có nghĩa là bổn chứng đã hiện khởi, hay còn gọi là giác ngộ. Một cổ nhân đã nói: “Trong thiền việc quan trọng là dừng lại dòng biến động của tâm”. Điều này có nghĩa là dừng lại những tác động của tri thức duy nghiệm của chúng ta, một mớ những ý nghĩ, ý tưởng, và quan niệm. Đại sư Dogen lại nói: “Cắt đứt dấy niệm bằng công năng của thiền định. Chỉ cần như vậy, ai cũng có thể đạt được Đạo”. Đạt Đạo là nhận ra tâm Phật vốn là chân tánh của chính chúng ta. Hào quang tâm Phật tỏa ra từ chính tâm mình; lòng từ bi khởi nguồn từ tâm Phật có trong mỗi chúng ta. Từ đó ta biết rằng trang nghiêm của Phật cũng là trang nghiêm tự có nơi mỗi người.

Học thuyết về nghiệp là một khía cạnh của đạo Phật. Theo học thuyết này, toàn bộ thế giới hiện tượng mà chúng ta đang thấy biết được xem như hệ quả của những ý nghĩ, lời nói, hành động trước đó của cá nhân cũng như tất cả chúng sanh, là nhân tạo tác. Thực ra toàn bộ thế giới hiện tượng được kinh nghiệm tùy theo nghiệp của ta. Ba hình thức nghiệp, thân, khẩu và ý nghiệp, đều có thể bị chi phối dưới tác động của trí hay tâm. Và tâm này có là tâm Phật hay không chính là nguyên nhân quyết định quả lành hay dữ cho chúng ta. Nếu chúng ta chỉ coi trọng bản ngã của mình mà không đoạn trừ dấy niệm thì tâm Phật không hiển lộ.

Nan giải thực sự của thiền tập là làm sao dừng lại dòng biến động của tâm, đoạn trừ các dấy niệm. Khoảng 2500 năm trước, tại Kushinara, Ấn độ, đức Thế Tôn, Phật Thích-ca-mâu-ni, trước khi diệt độ đã dạy những lời cuối cùng về tâm và các căn cho các đệ tử: “Các người phải làm chủ tâm mình.” Tâm đây không phải là tâm Phật, mà là tâm tự ngã của phàm phu luôn sống vọng động với nó. Có loài tắc kè hoa nào có thể sánh với tài biến hóa của tâm nguời? Mới hạnh phúc vui cười đó, thoắt cái lại u sầu, rồi lại giận dữ vì một chuyện nào đó; rồi muốn ăn, muốn ngủ, muốn cầu nguyện xong lại muốn phỉ báng... Trong cái gọi là chuyện thị phi của các bà sự tán loạn của tâm trở nên hiển nhiên một cách ồn ào như lời nói vậy. Nói cho cùng có thể nó không quá tệ như vậy, nhưng từ đó lại có thể nảy sinh những điều đáng sợ như trộm cắp, giết người - tất cả những biến tướng của cái tâm vị kỷ. Đó là lý do tại sao trong trường phái Duy Thức của Phật giáo, mọi sự biến đổi đều được gọi là biến hóa của tâm thức.

Tâm ta tự bản chất không tốt cũng không xấu, có người cho là tốt có người cho là xấu, trong cái nhìn của cổ nhân nó chẳng là cả hai. Dù nó thế nào, tâm chúng ta trong một ngày hoạt động không ngừng nghỉ đã trải qua vô vàn thay đổi và biến hóa, tốt cũng như xấu. Lý trí và đạo đức nhắc nhỡ chúng ta phải hết sức cẩn thận đừng để lạc vào tà đạo, và nỗ lực gìn giữ cổ xe của đời mình luôn trên chánh đạo. Một thi nhân xưa đã nói: “Khi bạn cảm thấy bị nó lôi kéo, đừng thả lỏng dây cương của con ngựa non của tâm, kẻo nó lạc vào ác đạo.” Tâm của con người căn bản là tự do. Người ta nói điều quan trọng là luôn giữ nó đúng hướng, nhưng thiền không bàn về một hướng đạo đức như thế. Chỉ có một vấn đề là Phật tâm, cái thúc đẩy chúng ta đến bước vượt tối hậu để chấm dứt dòng biến động của lý trí và đoạn trừ dấy niệm. Một lần và mãi mãi, chúng ta phải cắt đứt sự tác động của lý trí vốn là cái tôi tiềm ẩn nơi phát sanh mọi bất thiện.

Đạo Phật dạy tâm con người có hai phương diện: tâm thanh tịnh và tâm bất tịnh. Nhưng tâm tự nó không là cả hai; nó chỉ được phân loại như vậy tùy theo tác động của nó. Tâm thanh tịnh là bản tánh thanh tịnh vốn có của chúng ta, không khác với Phật tâm. Ngược lại là tâm bất tịnh cái khiến chúng ta điên đảo ngày đêm, cái tâm vị kỷ vì ảo tưởng, cái tâm bị tham dục khống chế. Vì tính ích kỷ, tâm tham dục này không an, mà chúng ta luôn bị phiền não; tâm này hoàn toàn khinh xuất, mãi mãi dẫn đưa con người vào đường lầm lạc.

Trên căn bản, chân tâm, hay chân tánh của chúng ta, vốn thanh tịnh và vô hạn, như mặt trăng sáng tỏ trên bầu trời xanh. Vào một lúc nào vô thức, nó bị nhiễm ô bởi khát ái và trở thành tâm bất tịnh, một cái gì không thật của chúng ta mà chỉ đến về sau. Cái đến sau dần chiếm ưu thế và che lấp chân tâm, cũng như người ái thiếp lấn át chánh thất. Báo chí thường đăng tải những vụ sụp đổ của các đại công ty do các nhà quản lý đã lường gạt, lấn quyền chủ và sử dụng tiền cho riêng anh ta. Chính bằng cách này chúng ta đã tự phó thác mình cho những hoạt náo của cái tâm mê lầm đầy khát ái, đến nỗi người chủ thật sự, Phật tâm trong ta, không thể hiển lộ. Những ý tưởng của tâm bất tịnh luôn điên đảo, vì nó nhìn thấy thực tại theo chiều đảo ngược. Chính danh thủ phạm của sự mê lầm này được đức Phật gọi là “ngũ tặc”. Năm căn này - mắt, tai, mũi, lưỡi và thân đã vướng vào mọi trần cảnh đầy cám dỗ rồi dẫn truyền chúng đến tâm bất tịnh để thỏa mãn nó. Bởi lý do đó, chúng được gọi là căn, cũng như gốc rễ cây dẫn truyền nhựa cây đến các cành lá để nuôi sống nó. Tất nhiên tác dụng của các căn không tự nhiên là độc hại; tác động thực sự của chúng không xấu. Chúng chỉ bị lạm dụng bởi cái tâm bất tịnh và bị hướng vào những chiều hướng xấu. Trong những lời dạy cuối cùng của đức Phật, Ngài đã nói: “Năm căn này lấy Tâm làm chủ”. Vì vậy bản chất suy đồi của tâm bất tịnh được ví như loài rắn độc hoặc dã thú. Nó lôi cuốn cuộc đời đáng lẽ hướng về Phật là chân tánh của chúng ta. Nằm ngay trong lòng ngực ta là con rắn độc đang thở ra ngọn lửa tam độc, đem đến cho chúng ta toàn khổ đau và phiền não.

Để thoát khỏi tâm bất tịnh xấu xa này cho ánh hào quang thuần tịnh từ chân tâm trong chúng ta có thể rọi sáng, năm căn phải được đoạn trừ. Bởi vậy mới nói ta cần phải đoạn trừ dấy niệm. Bằng cách nào? Có nhiều phương pháp, nhưng phương pháp của thiền là tĩnh tọa. Với cách ngồi này thì toàn thân ta sẽ được tiếp dưỡng. Sau đó ta tham thiền, buông bỏ dần thân và tâm. Bấy giờ, những mê lầm từ tâm bất tịnh sẽ không ngừng trổi dậy. Chúng ta nên biến những mê lầm này, cái nọ tiếp nối cái kia, thành công án để quán chiếu: Dấy niệm này, rốt ráo, là gì? Nó đã đến từ đâu? Với ngọn giáo của thiền quán, chúng ta xâm nhập vào tận nguồn gốc của những ảo tưởng liên tiếp ấy.

Khi chúng ta thực tập thiền tọa theo cách này đều đặn và có tiến bộ trong tư duy, tư duy tự nó ngày càng sâu sắc và viên mãn hơn, cho đến lúc không còn chỗ cho những ảo tưởng kia xuất đầu lộ diện nữa. Hành trì thì vô hạn, và đường vào chứng nghiệm chân lý cũng vô hạn; để cuối cùng lộ diện tự tánh huy hoàng là nơi hành trì cũng chính là giác ngộ. Điều ấy được gọi là nhìn thấy ‘chân diện mục’ của mình; và ngay trong đời này, rất nhiều người trong chúng ta có thể thành tựu được. Sự hành trì như mô tả không có gì giả tạo cả, nhưng sự dễ dàng của nó có thể bị lầm lẫn, và hầu hết chư vị tiền bối đều đã khó nhọc trải qua. Có rất nhiều châm ngôn về vấn đề này, như là, “Sau khi thắng hàng trăm trận chiến, giờ đây tôi sống tuổi già trong niềm đại bình an” hoặc “Đã bao lần vì lợi ích các ngươi mà ta vào hang rồng nơi tàng trữ báu vật!

Còn có một phương pháp khác. Đầu tiên cũng cùng cách tiếp dưỡng toàn bộ cơ thể, rồi chúng ta cần khổ với một công án do vị thầy trao cho. Chữ “” của thiền sư Joshu (Triệu Châu),Cây tùng trước sân”, “Chân diện mục”, “Tiếng vỗ của một bàn tay”- công án nào cũng được. Vấn đề là sử dụng công án trong thiền tập phải với tất cả sức mạnh của ý chí chúng ta, chuyên chú vào đó không chút xao lãng. Nếu có một mảy may biện biệt trong việc tham cứu này, toàn bộ công phu sẽ sụp đổ. Chẳng hạn như, ta đang quán chiếu về tiếng vỗ của một bàn tay. Dù ta cố hiểu nó bằng trí năng phân biệt, ta sẽ không bao giờ hiểu được. Cũng có thể ta cho rằng mình đã hiểu, nhưng đó chẳng qua là cái hiểu bằng tâm phân biệt bất tịnh, luôn nghĩ về “Tôi”, “của tôi” hay “tôi làm”. Tham thiền là cắt đứt tận gốc cái tâm luôn nghĩ “Tôi hiểu nó”, để vào chỗ không còn sự biện biệt bất tịnh; và ai còn hài lòng với cái hiểu của trí năng là còn xa cách cứu cánh thiền. Chúng ta đã được bảo hãy nghe tiếng vỗ của một bàn tay, mà một bàn tay làm sao vỗ thành tiếng, thì đương nhiên bằng biện biệt và phân tích cũng không thể hiểu được. Điều cốt yếu là toàn bộ thân và tâm của ta phải thẩm nhập vào công án và đừng để bất cứ ý niệm nào khác hiện khởi, sao cho không những trong thời gian tham thiền mà cả khi đi, đứng, ngồi, nằm... vẫn tiếp tục thiền quán không gián đoạn. Viện chủ Reiun (Linh Vân), nhìn thấy hoa đào nở, hốt nhiên giác ngộ, còn thiền sư Kyogen (Hương Nghiêm) khi nghe tiếng gãy của một cây tre. Mỗi chúng ta theo nghiệp của mình, mà đất trời bùng vỡ trong khoảnh khắc, như cánh cửa đập đã được mở ra, và bất chợt chúng ta thành tựu an lạc với dòng đời vô hạn.

Việt dịch: Nguyên Châu

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle