Quốc Ân Tự - Gạch nối quá khứ và hiện tại

dau an

 

Nguyễn Tiến Đạt

Thành Phố Huế nằm ở giữa so với hai đầu đất nước, so với các địa phương khác Huế được thiên nhiên cực kỳ ưu đãi, ở đây hội tụ đầy đủ những yếu tố kỳ thú của thiên nhiên từ sông, núi, ao, hồ… đến biển cả, đàm phá bao la. Trong đó nổi bật lên là hình ảnh sông Hương - núi Ngự, hình ảnh đó đã đi sâu vào trong thơ ca:

Dạ thưa xứ Huế bây chừ


Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương


- Bùi Giáng -

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi mà lịch sử cũng mang lại cho vùng đất này số phận đặc biệt. Vốn chỉ là “Phên dậu” của nước Đại Việt, Huế đã trở thành Thủ Phủ của xứ đàng trong dưới thời các Chúa Nguyễn (1558 - 1788), rồi trở thành kinh đô của cả nước dười thời Tây Sơn (1788 - 1801) và dưới thời 13 vị vua nhà Nguyễn (1802 - 1945).

Thiên nhiên, lịch sử cộng thêm với yếu tố con người nơi đây đã tạo nên cho Huế một diện mạo mới, một sức sống mới với rất nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, Huế còn được coi là trung tâm Phật giáo của cả nước, chính vì thế mà văn hóa Phật giáo cũng đã nhanh chóng ăn sâu vào tiềm thức người dân nơi đây. Những giá trị văn hóa Phật giáo đó không chỉ thể hiện ở dạng vô hình, mà nó còn hiện hữu ở những dạng cụ thể - đó là những ngôi chùa.

Không ở đâu mà mật độ chùa chiền lại “dày” như ở Huế, theo thống kê chưa đầy đủ thì trên mảnh đất Cố Đô này có tới hơn 200 ngôi chùa trong đó riêng Thành Phố Huế có tới 99 ngôi chùa. Đến Huế, nếu chỉ dành thời gian để vãng chùa thôi cũng mất hàng tháng trời. Ít nhất du khách phải thiết lập hai lộ trình: một, dành cho những ngôi chùa lớn nổi tiếng bắt đầu từ chùa Từ Đàm - trung tâm Giáo hội Phật giáo miền Trung nằm trên đường Sư Liễu Quán, xuôi đường Điện Biên Phủ thăm chùa Báo Quốc, và sau đó vượt sang bờ Bắc ngược đường Kim Long, ghé chùa Thiên Mụ. Hai, là một lộ trình khách dích dắc và bối rối hơn dành cho những ngôi chùa tạm gọi là nhỏ, nhưng rất đặc sắc, chỉ có thổ công mới chỉ được đường đi như chùa Từ Hiếu, Tây Thiên, Quốc Ân,…

Chùa Quốc Ân (寺恩國) là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng và lâu đời bậc nhất tại cố đô Huế. Hiện tại chùa Quốc Ân vẫn còn bảo lưu nhiều dấu ấn văn hóa Phật giáo trong các thời kỳ từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và Huế ngày nay. Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, do tổ sư Tạ Nguyên Thiều khai sơn vào khoảng những năm 1682-1684 với tên ban đầu là thảo am Vĩnh Ân. Chùa là ngôi Tổ đình đầu tiên của phái thiền Lâm Tế từ Trung Quốc truyền sang.

* Lịch sử xây dựng Chùa

Lịch sử xây dựng Chùa gắn liền với cuộc đời tổ sư Nguyên Thiều. Sư Nguyên Thiều là người được chúa Nguyễn Phúc Thái trọng vọng, năm 1689, Chúa cho miễn thuế đất và đổi hiệu chùa là Quốc Ân và ban tấm biển “Sắc tứ Quốc Ân Tự”.

Chùa trải qua nhiều lần trùng tu theo sự thăng trầm của lịch sử. Vào năm 1786 chiến sự giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn nổ ra, chùa Quốc Ân bị tàn phá rất nặng nề, ngôi tháp Phổ Đồng đã bị phá hủy hoàn toàn. Chùa chỉ lưu giữ được một số bia ký, văn khế và một số tượng khí, pháp khí. Đến năm 1806, khi Long Thành Thái trưởng công chúa cúng 300 quan tiền, chùa bắt đầu tu sửa.

Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), khi Hòa thượng Mật Hoằng dâng sớ xin trùng tu chùa Quốc Ân, vua cấp 500 quan tiền và các vật dụng. Trong đợt trùng tu này, chùa xây dựng lại chánh điện, chú tạo lại tôn tượng Phật A Di Đà, tổ đường và long vị chư Tổ...

Năm 1851, Hòa thượng Từ Hòa - Liễu Triệt tiếp tục trùng tu và dựng cổng tam quan. Sau đó ít lâu, chùa được Thái trưởng công chúa cúng dường 400 quan tiền để hòa thượng Liễu Chơn tu tạo tượng Phật Thích Ca và Di Lặc...

Từ đó theo thời gian Chùa đã được trùng tu, tôn tạo lại nhiều lần. Mặc dù như thế nhưng những mô típ nguyên bản, nguyên gốc hay nói khác đi cái “Thần thái” của ngôi Chùa vần còn được lưu giữ.

* Đôi nét về Tổ Sư Nguyên Thiều - Vị Tổ Sư đã sáng lập ra ngôi Chùa

Tổ sư Nguyên Thiều, pháp tự là Hoán Bích, người ở Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc sang hoằng hóa ở Việt Nam vào năm 1665 ở tại phủ Quy Ninh (nay là Bình Định) lập chùa Thập Tháp - Di Đà.

Vào khoảng năm 1682-1684, dưới thời chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) sư Nguyên Thiều ra Phú Xuân ở xứ Thuận Hóa, sư chọn chân đồi Hòn Thiên (chân núi Bân), phía trái núi Ngự Bình để dựng chùa Vĩnh Ân và tháp Phổ Đồng. Chúa Nguyễn Phúc Tần đóng góp ngân khoản xây chùa.

Năm 1687 sư được chúa Nguyễn Phúc Thái cử về Trung Quốc để rước cao tăng sang truyền giới cho chư tăng Đại Việt. Ngài đã mời Thạch Liêm Hoà Thượng (Thích Đại Sán) sang mở giới đàn ở chùa Tuyền Lâm và chùa Thiên Mụ. Sư cũng thỉnh một số tượng Phật và đồ pháp khí từ Trung Quốc.

Năm 1695 sư Nguyên Thiều đã được cử làm trú trì chùa Phổ Thành ở làng Hà Trung, nay thuộc xã Vinh Hà, huyện Phú Lộc. Tại đây sư đã thiết trí một tượng Quan Âm bằng đá thỉnh từ Trung Quốc, nay vẫn còn. Thiền sư tịch năm Mậu Thân (1728).

* Kiến trúc chùa Quốc Ân

Về mặt kiến trúc hàn lâm (chính thống), chùa Huế mang đậm nét bản sắc văn hoá Đông phương, nhưng dù được xây dựng theo hình gì, cấu trúc chung của một ngôi chùa Huế thường bắt đầu bằng tam quan. Tiếp đó là tiền đường để tiếp khách. Chánh điện là nơi tụng niệm. Hậu tổ - thờ vị khai sơn và các bậc hậu bối. Hai nhà tả - hữu, dành cho việc

trọng đại. Trường thất - dành cho vị trú trì chùa và tăng xá - nơi ở của các thầy. Ngoài ra còn có thiền đường - dành cho thiền hạnh một nơi không thể thiếu dù là chốn tu hành đó là tịnh trù - nhà bếp.

Nằm trong mô típ kiến trúc chung đó, chùa Quốc Ân cũng được kiến trú theo lối chữa “Khẩu”. Dãy nhà phía Đông là nhà khách và nhà ăn; dãy đối diện ở phía Tây Nam là Tăng Xá. Bên sau là nhà thờ Linh. Quanh vườn Chùa có khoảng 09 Tháp và nhiều ngôi mộ. Những tháp cổ này rất có giá trị về mặt lịch sử. Đọc các Long Vị (có tổng cộng 27 cái) ở chùa Quốc Ân người ta thấy có ba dòng kệ. Trước hết là các ngài theo dòng kệ của ngài Siêu Bạch có chữ Minh, Thiệt, Tế, Liễu… đứng trước. Có các ngài theo dòng kệ của Nguyên Thiều có chữ Thành, Phật, Tổ, Tiên, Minh, Như, Hồng…  chen lẫn nhau. Những người có chữ Tế ở trước thì hoặc là đệ tử của ngài Minh Hằng Định Nhiên hoặc là đệ tử của ngài Minh Vật Nhất Tri. Không có ngài nào của dòng kệ Liễu Quán vào trụ trì ở đây.

Khuôn viên chùa rộng khoảng 5.000m2, trong đó diện tích xây dựng khoảng 550m2. Từ bên ngoài vào ta thấy cổng Tam Quan - được làm theo lối tam quan mở với 4 trụ cột chia làm ba lối đi, mỗi trụ cột có một vế câu đối, bên trên đề ba chữ 寺恩國 (Quốc Ân Tự), đi vào một sân thấp rộng. Lên đến sân chùa cao hơn thì ngoài hết ở bên phải người đi vào là bi đình trong đó có tấm bai Quốc Ân, đối diện phía bên trái là bia giống như thế nhưng không có chữ. Cạnh bia là hai cái Am ở hai bên xây bằng gạch để thờ Thánh Mẫu và Ngũ Hành.  Đến khu chính điện, đây là một ngôi nhà làm theo mô típ truyền thống với 3 gian 2 chái và được xây dựng theo lối kiến trúc “Trùng thềm điệp ốc” - đây là ảnh hưởng theo lối kiến trúc Cung Đình nhà Nguyễn với cách cấu tạo gồm 2 nhà những chung một thềm (nền), trong đó mái sau của nhà trước và mái trước của nhà sau được nối với nhau bằng một hệ thống trần “Thừa lưu” hạ thấp uốn công như hình “Mai cua”. Trong điện Phật còn có bốn vế hai câu đối thếp vàng của Thiên Túng Đạo Nhân ngự đền, bên trên là biển hiệu đề “Sắc Tứ Quốc Ân Tự”. Sát vách trong, sau lưng khám có biển đề bốn chữ “Linh Thứu Cao Phong”, không đẹp bằng bức hoành cùng bốn chữa ấy, nhưng chính chúa Nguyễn Phúc Chu viết hiện treo ở tiền đường chùa Thiên Mụ. Long khám chạm trổ rất đẹp, tượng Phật thờ có ba lớp, trên cao có ba pho tượng Tam Thế (quá khứ, hiện tại và vị lai Phật). Lớp giữa thì ở giữa có tượng Thích Ca lớn tay bắt ấn Tam Muội, bên trái người đứng lễ có tượng Chuẩn Đề có nhiều tay, bên phải có tượng Quan Âm. Phía trước hết có ba tượng đồng, hai bên có hai tượng giấy lồng kính quay mặt lại với nhau.

Gian trên thờ Đại Tạng, gian dưới thờ Quan Thánh. Mỗi bàn thờ đều có hai vế đối. Phái sau là nhà thờ tổ, bàn chính giữa có một Tiếu Tượng rất lớn và năm Long Vị để trong Long khám. Hai bên, mỗi bàn thờ đều có hai hàng Long Vị. Hàng trong cao hơn, mỗi bên có năm bài vị cổ trình bày đơn giản, hàng ngoài thấp hơn, mỗi bên có sáu Long Vị chạm trổ tỉ mỉ.

Chùa hiện lưu giữ được nhiều tượng khí và pháp khí xưa quý từ thời khai sơn cho đến nay. Đó là bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca được chú tạo vào khoảng năm 1851. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có hoa văn rất đẹp đúc từ thời Minh Mạng và nhiều pháp bảo, pháp khí khác như đại hồng chung, bia ký...

Thay lời kết

Ngày nay, đến chiêm bái tham quan chùa Quốc Ân, chúng ta như đi vào một bảo tàng thu nhỏ trưng bày thờ tự nhiều tượng khí, pháp khí mang những dấu ấn văn hóa đặc trưng của Phật giáo xứ Đàng Trong nói chung và xứ Thuận Hóa nói riêng. Cũng chính vì lẽ đó, ngày 8-10-1993 UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định số 1046 bảo vệ chùa Quốc Ân.■

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác