Kiến trúc chùa Huế

Trần Tiến Đạt

 

                Trần Tiến Đạt

 

chùa Từ Hiếu-Huế

 

 

Nối tiếp dòng lịch sử về Phật giáo xứ Huế. Huế không chỉ được biết đến như là một thành phố cổ kính, nơi lưu giữ lại những dấu ấn văn hóa cuối cùng của triều đại phong kiến nước ta – triều đại nhà Nguyễn (1802 – 1945) với những đền đài, lăng tẩm, hay dấu ấn ẩm thực cung đình… mà Huế còn được biết đến là trung tâm Phật giáo của cả nước. Điều đó được minh chứng qua hơn 200 ngôi chùa và Niệm Phật đường tọa lạc trên một diện tích chưa đầy 5.054 km2, hay còn được thể hiện qua những món ăn chay, cung cách thờ Phật trong những ngôi nhà ở Huế,… Nói tóm lại “ngôi chùa Huế” cũng trở đã trở thành một “sản phẩm” đặc trưng cho mỗi du khách khi đến thăm Huế. Nhưng khác với những địa phương khác do những yếu tố về thời tiết, khí hậu và ảnh hưởng cùa lối kiến trúc cung đình mà những ngôi chùa Huế mang một phong cách kiến trúc đặc trưng nhưng không tách rời với lối kiến trúc chung của những ngôi chùa trên cả nước. Để có được cái nhìn tổng thể về vấn đề này, chúng ta cùng đi sâu vào tìm hiểu “Kiến trúc chùa Huế”.

 

Vài nét về Phật giáo Huế

Phật giáo Huế khởi nguyên từ thời vua Trần Nhân Tông, thế kỷ XIV gắn liền với sự kiện vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Rí làm đồ sính lễ kết hôn với công chúa Huyền Trân (năm 1306). Từ đây, nhà Trần đã tiếp nhận và di dân vào khai khẩn đất đai với nguồn tư tưởng nhập thế của Phật giáo làm chủ đạo. Rồi từ chính nơi mảnh đất này, Huế trở thành trung tâm duy trì nền văn hóa từ Thăng Long vào đồng thời làm bàn đạp để phát triển văn hóa Việt đi về phương Nam.

Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ (năm 1558), ông đã cho trùng tu xây dựng chùa Thiên Mụ tại đồi Hà Khê vào năm 1601, để làm trung tâm tu học, nuôi dưỡng tâm linh cho nhân dân ở Đàng Trong và vai trò Phật giáo Huế được được khẳng định một cách rõ rệt, mở đầu một thời kỳ phát triển mạnh sau các thời đại Lý, Trần. Đồng thời, Phật giáo cũng được sử dụng làm vai trò thu phục nhâm tâm xuyên suốt về sau.

Dưới thời các vua Nguyễn, Phật giáo hưng thịnh với nhiều chùa chiền được trùng tu, xây dựng với tư tưởng chính thống “cư Nho, mộ Thích”. Để đến nay, Phật giáo Huế đang ngày một phát triển rộng khắp trên tinh thần, nội dung của Phật giáo Đại thừa cực kỳ rõ nét, làm nên những đặc điểm riêng trong sự kết hợp, dung hòa các tông phái: Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, Luật tông và Giáo tông. Trong mỗi một tông phái là sự kết hợp của nhiều tông phái bằng một tương uyên chặt chẽ, định hình bản sắc Phật giáo Huế với sự nổi bật của hai tông phái ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong Phật giáo mà còn trong cả những người dân Huế: Tư tưởng Thiền tông và Tịnh độ tông của thiền phái Liễu Quán.

 

Đôi dòng lịch sử về chùa Huế

         Chùa Huế dưới thời chúa Nguyễn đã được xuất hiện nhiều thêm kể từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Chùa ở Huế phát triển mạnh trong khoảng thời gian vua Gia Long đến Duy Tân trị vì. Trong khoảng thời gian này, ngoài việc trùng tu, tái thiết và sửa chữa, nhiều chùa mới đã được xây thêm và đến nay, Huế là nơi có mật độ chùa chiền cao với trên một trăm ngôi chùa lớn nhỏ.

Đề cập đến những ngôi chùa Huế trong lịch sử, sách Ô châu cận lục của Dương Văn An ở mục “Phong tục tổng luận” có kể nhiều chùa nhưng đa số là ở Tiên Bình (Quảng Bình ngày nay). Tại Thuận Hóa (bấy giờ là Quảng Trị  Thừa Thiên-Huế hiện nay) thì chỉ nói đến chùa Dã Độ làng Dã Độ, huyện Triệu Phong ngày nay, chùa Thiên Mỗ ở phía nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, chùa Sùng Hóa ở làng Triêm Ân, huyện Tư Vinh là một quốc tự, chùa Tư Khách ở cửa Tư Khách (tức là cửa Tư Dung, nay là cửa Tư Hiền). Tất cả đều được tác giả dùng hai chữ chùa xưa hay chùa cổ. Các chùa lớn thời này đã có đặt một chức quan coi giữ chùa gọi là Tự chính, không thấy nói đến các nhà sư, cách tu hành và không có tăng trú trì như về sau...

Năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa và các chúa Nguyễn tiếp theo muốn xây dựng một xứ Ðàng Trong biệt lập với triều đình vua Lê - chúa Trịnh ở phía Bắc, thì các hoạt động văn hóa xã hội được thúc đẩy và chùa được xây dựng nhiều để làm chỗ sinh hoạt tinh thần. Năm Tân Sửu (1601), Nguyễn Hoàng cho sửa chùa Thiên Mụ và năm sau (1602), chúa cho sửa chùa Sùng Hóa và mở hội Đại pháp ở chùa này. Khi nhà Trịnh tiến chiếm Phú Xuân và nhất là thời Tây Sơn, Phật giáo xứ Thuận Hóa rơi vào tình trạng đồi phế. Mãi đến khi Gia Long lên ngôi trở về sau, các chùa ở vùng Thuận Hóa mới lần hồi được sửa sang và trùng hưng.

Kể từ thời vua Gia long (1802) cho đến Duy Tân (1916) chùa chiền ở vùng Huế phát triển mạnh. Ngoài việc trùng tu, tái thiết và sửa chữa nhiều chùa cổ, vua còn cho xây dựng thêm, như chùa Giác Hoàng (dựng năm Minh Mạng thứ hai - 1821) mà vua Thiệu Trị có làm bài thơ “Giác Hoàng Phạn ngữ” để ca ngợi tiếng tụng kinh ở chùa này. Đến ngày 14-6-1885, chùa bị triệt bỏ, hiện còn dấu tích là Tam Tòa.

Một số ngôi chùa lớn ở Huế được xây dựng, lần lượt theo thời gian có thể kể đến là: Thiên Mụ (1601), Báo Quốc (1674), Từ Ðàm (1683), Thuyền Tôn (1709), Từ Hiếu (1843), Diệu Ðế (1844), Phước Thọ Am (1831), Trúc Lâm (1909)...

 

Kiến trúc chùa Huế

*Những nét kiến trúc riêng của chùa Huế

Dù rằng, trên căn bản kết cấu rường nhà truyền thống phổ biến của kiến trúc Huế, nhưng sự đa dạng về nguồn gốc hình thành là một trong những nguyên nhân chi phối đến sự phong phú trong phong cách kiến trúc lẫn cấu trúc của chùa Huế.

Trong và sau thời kỳ Chấn hưng Phật giáo, sự phong phú này còn được bổ sung bằng mẫu hình kiến trúc chùa khuôn hội với sự lấn át của tính năng vật liệu mới, lẫn sự mở rộng cần thiết của không gian sử dụng. Trong đối sánh trên phạm vi vùng miền, có thể xem sự đa dạng về nguồn gốc là một trong những đặc trưng riêng có của chùa Huế.

Những nét đặc trưng của chùa Huế được thể hiện trên những góc độ sau:

1. Kiểu dạng của kiến trúc, lẫn tổ hợp kiến trúc:

Tổ hợp kiến trúc phổ biến của chùa Huế thường bao gồm nhiều đơn nguyên dàn trải trên một mặt bằng nhất định, theo chiều rộng không gian và ít chú trọng đến chiều cao không gian, hay chiều cao vật lý. Với kiểu kiến trúc này, ngôi chùa thường mang lại cảm giác dung hòa và “ẩn mình” vào thiên nhiên, sự khẳng định trong trục đứng không gian, chỉ dừng lại ở các tháp tổ, hoặc phù đồ, với chiều cao cũng rất khiêm tốn, và vẫn không thoát khỏi quy luật “thiên - nhân tương dữ”. Điều này hoàn toàn khác với kiến trúc của những ngôi chùa mới hiện nay, khi chiều cao không gian thường được tận dụng triệt để nhằm nâng tầm vị thế lẫn quy mô.

Những ngôi chùa Huế truyền thống thường có lối cấu trúc theo kiểu chữ Nhất (), chữ Đinh (), chữ Công (), chữ Khẩu (), hay nội Công - ngoại Quốc (), v.v. Trong đó, kiểu kiến trúc chữ Khẩu là phổ biến và ấn định rất nhiều đặc trưng.

Hầu hết lối vào của những ngôi chùa đều bắt đầu bằng một con đường nhỏ, hoặc là một xóm vắng, len lỏi qua các đồi thông (chùa Từ Hiếu, Thuyền Tôn v.v.); qua những rặng trúc lưa thưa (chùa Trúc Lâm, Tra Am, Hồng Ân, Kim Tiên v.v.); hoặc đơn giản chỉ bước lên một số bậc cấp không quá cao (chùa Từ Ðàm, Diệu Ðế, Ðông Thuyền, Thiền Lâm, Vạn Phước v.v.). Lối chính vào chùa thường đi qua cổng tam quan, không quá đồ sộ, mà thường khiêm tốn, thanh thoát, nhẹ nhàng. Tam quan chùa Huế thường được sử dụng trong những ngày lễ hội, còn lại hầu hết các chùa vẫn có những lối ngõ bình dị, quen thuộc, ấm áp, đi thẳng vào tăng xá hay tịnh trù.

Kiểu nhiều lối vào như thế, về mặt ý nghĩa sâu xa, cũng gợi lên ý niệm về nhiều pháp môn có thể dẫn dắt tín đồ tùy duyên đến với Đạo pháp. Ngay giữa tam quan là trục chánh đạo dẫn vào tiền đường và chánh điện, ngang qua khoảng sân phía bên ngoài của chùa. Được kiến trúc trên dạng vật liệu nhẹ, tồn tại trong không gian, sinh cảnh có khí hậu ẩm thấp, nguy cơ thiên tai đe dọa thường xuyên, nên đa phần ngôi chùa Huế rất dễ hư hỏng. Chính vì thế, hình ảnh và quy mô hiện nay của ngôi chùa Huế, phần lớn đều là kết quả sau cùng của những đợt trùng tu, đại trùng tu, được tiến hành trong các thập niên từ đầu đến nửa sau thế kỷ XX. Tuy nhiên, cho dù có tái thiết, thay đổi không gian, hay xây dựng bằng vật liệu hiện đại v.v... thì nhìn chung, chùa Huế vẫn giữ được nét truyền thống, phản ánh những mối quan hệ mật thiết với kiểu kiến trúc cung đình và dân gian xứ Huế, từ nội đến ngoại thất. Ngoài ra, chùa Huế cũng tiếp thu lối kiến trúc cắt mái hai tầng, tạo dáng cổ lâu, làm cho mái chùa có phần thanh thoát, nhẹ nhàng (chùa Tây Thiên, Bảo Quốc, Quốc Ân, Diệu Đế v.v.). Song song, một số ngôi chùa khác vẫn giữ nguyên quy cách truyền thống với tầng mái liền, sâu và rộng, không có tiền đường phía trước chính điện (chùa Viên Thông, Quảng Tế, Thiên Hưng v.v...).

Cách xây mái “trùng thiềm”, đỉnh nóc trình bày lưỡng long chầu bình cam lồ, hoặc chầu hỏa luân xa; các cù giao có long lân qui phụng là lối kiến trúc có ảnh hưởng các cung điện nhà vua. Nhất là khi ta nghiên cứu hình điện Thái Hòa nhìn từ xa, thì tất cả các kiến trúc khác về tiền đường và Đại Hùng Bảo Điện ở các chùa có phần giống nhau rất rõ ràng. Phần vách giữa hai mái ở cung điện trình bày thơ các nhà vua, thì phần vách giữa hai mái ở các chùa Huế lại trình bày sự tích Đức Phật.

Bên cạnh kiểu dạng kiến trúc cổ lâu, nét đặc trưng của mái chùa xứ Huế còn đọng lại ở kiểu kiến trúc “trùng thiềm-điệp ốc” với sự xuất hiện của mái vỏ cua mang chức năng kết nối giữa hai đơn nguyên, hoặc nắm giữ vai trò tiền đường nhằm mở rộng không gian sử dụng.

Trong một không gian mở, vừa có chiều sâu, vừa có chiều cao, nội điện thường được thiết trí ba gian thờ với từng án trong cao ngoài thấp. Án cao nhất ở gian giữa thường tôn trí tượng Phật tam thế: A Di Ðà, Thích Ca, Di Lặc. Dưới hàng tam thế, có thể là tượng tôn giả Ca Diếp và A Nan. Dần về trước là án tôn trí các tượng Dược sư, Thích Ca đản sanh, Chuẩn Đề; phía hai bên là Phổ Hiền, Văn Thù, Quán Âm, Thế Chí, Địa Tạng hoặc thập bát la hán, v.v. Ngoài cùng là án kinh, chuông gia trì và mõ.

Từ những mô tả, có thể thấy rằng hệ thống tượng, án thờ ở chùa Huế so với thần điện các chùa ở miền Bắc, kể cả kiểu dạng kiến trúc, đã bớt rườm rà hơn, không kết cấu thành nhiều gian như các chùa ở phía Bắc. Thực tế này cũng không ngoại trừ các ngôi quốc tự, những tổ đình danh tiếng, nơi triều đình phong kiến thường bổ nhiệm tăng cang trú trì, và là điểm hành hương của đông đảo tín đồ mộ đạo.

2. Hệ thống mô típ trang trí:

Nét dung hợp của tam giáo (Lão-Phật-Nho) trong sự nổi trội của Phật giáo.

Nguyên lai, các chùa đều thấp, dù cho xây gạch lợp ngói thì bên trong vẫn là kiến trúc sườn nhà với nhiều cột kèo bằng gỗ. Trên mái chạy đường tàu nóc và chẳng trình bày long phụng gì. Hai đầu có những hoa văn đơn giản tô nổi theo kiểu chạm lọng. Ở giữa nóc có “bầu hồ lô”, hoặc “hỏa luân xa”.

Ngoài những ngôi chùa có kiểu thức trang trí khá đơn giản trên tảng nền của bộ rường nhà truyền thống, không ít những ngôi chùa ở Huế thể hiện sự đa dạng trong đồ án trang trí, thể hiện rất rõ nét dung hợp của tam giáo đồng nguyên, vốn là tinh thần căn cốt của một thời kỳ lịch sử.

Sự lấn át của hệ thống hồi văn (chữ vạn và các biến thể, chữ T, mặt rạn v.v...), hệ đề tài mô típ trang trí thực vật (hoa, lá, quả phật thủ v.v...), hệ bát bửu Phật giáo (dấu chân Phật, Pháp luân, Cái lọng, Đuôi cá, Hoa sen, Tù và, Cái tán, Nút huyền bí) v.v., những kiểu thức mang đậm dấu ấn Nho, Lão cũng được thể hiện như đôi rồng trên đầu nóc, hoặc trên những đường quyết.

Trên những kiến trúc cổ lâu, ngoài hệ thống trang trí theo kiểu “nhất thi-nhất họa” rất đặc trưng của Huế, nhiều điển tích Phật giáo cũng được thể hiện như một cách giáo dục trực quan nhất đối với tín đồ hoặc người quan sát, chiêm ngưỡng. Trên những bức đố và tường vách, nhiều tranh vẽ với đề tài thập bát la hán, những bức thủy mặc đậm chất thiền môn.

3. Những điểm nhấn trong phong cách kiến trúc mang đậm dấu ấn/chất vùng miền:

Kiến trúc Huế, cho dù tồn tại ở mảng dân gian, cộng đồng hay cung đình, hết thảy đều gặp nhau ở những điểm tương đồng vốn đã định hình thành phong cách, mang đậm dấu ấn vùng miền: cột cao, nhỏ; bộ mái mỏng; nhẹ, thẳng, hơi vuốt lên ở đường quyết hay đầu mái bằng những hồi văn, hoặc mụt mây; chi tiết trang trí phổ biến ở những mảng chạm nông, chú trọng đến từng tiểu tiết và sự lấn át của điển tích phong kiến. Phong cách này hoàn toàn khác với đặc trưng kiến trúc ở miền Bắc với: cột thấp, to; bộ mái dày, nặng, vuốt cong đầu đao; chi tiết trang trí phổ biến ở những mảng chạm sâu, chú trọng hình khối và đầy ắp tính dân gian.

4. Mối quan hệ mang tính cộng hưởng giữa kiến trúc và thiên nhiên:

 Tổng thể kiến trúc ngôi chùa - khu vườn nhỏ, “ẩn tàng/hòa điệu” cùng thiên nhiên vùng Huế - khu vườn lớn - hình ảnh đặc trưng của một loại hình di sản kiến trúc: Bản thân kiến trúc sẽ trở về nguyên vẹn thuộc tính của một dạng cấu trúc dùng trú nắng, che mưa, nếu không đặt chúng trong một bối cảnh tương hợp, nhằm làm rõ ý nghĩa vốn có.

Tương tự, ngôi chùa với đơn thuần là những đơn nguyên kiến trúc, cho dù đó là điện Phật, tăng xá, hay tịnh trù vẫn chưa là dạng kiến trúc phản ánh đầy đủ tinh thần của Phật giáo, nếu không đặt chúng trong tổng thể của sinh canh khu vườn: vườn chùa/vườn thiền v.v... với những giá trị văn hóa đặc trưng.

Chùa Huế thuộc hẳn phạm trù văn hóa phi vật chất của xứ Huế, cho nên với trên bốn trăm ngôi chùa - kể cả chùa của Sơn môn Huế và chùa làng, chùa Khuôn, xứ Huế quả là kinh đô Phật giáo. Chùa Huế có một phong cách mang mang tự tại. Các ngôi chùa núi, phần nhiều có kiến trúc, cấu trúc vườn chùa và cảnh trí thiên nhiên không sai khác nhau là mấy. Tất cả đã gần như tương đồng với nhau trong một đại khối tinh thần Từ bi, Đạo hạnh; cốt cách thiền phong và môi trường thiên nhiên trong lành, đầy cây xanh bóng mát, nhất là sạch sẽ, chùa nào cũng sạch bóng, yên lặng đã tạo cho ngôi chùa Huế có phong cách trầm lắng, tĩnh mặc, thanh thản vô biên.

Dạng kiến trúc truyền thống với mẫu hình nhà rường phổ biến, trong khung cảnh khu vườn với sự quy hoạch đầy ngụ ý đã làm nên nét đặc trưng của chùa Huế. Khoảng cách mong manh và rất gần gũi giữa chúng (cộng đồng, Phật tử, người mộ đạo) - chùa (kiến trúc và tổng thể kiến trúc) với sinh cảnh tự nhiên vốn có nơi ngôi chùa được thiết lập đã là tất cả những gì nói lên thuộc tính của một thành phố di sản.

Cố đô Huế trông giống như một khu vườn lớn, trong đó có những khoảng không gian uy nghi, quan cách, lộng lẫy của những cung điện, đền đài, có những khoảng êm đềm, ấm cúng, thân thiết của những nếp nhà vườn, ngôi đình dân dã và cũng có cả những khoảng tĩnh tại, thanh thoát, lặng lẽ của những cảnh chùa. Ngôi chùa đó gắn liền vào tổng thể kiến trúc Huế, hài hòa như chính đạo Phật đã hòa tan vào lòng đời, lòng người xứ Huế. Tìm hiểu về những ngôi chùa Huế cũng chính là tìm về một phần quan trọng làm nên văn hóa xứ Huế.

Trong một sinh cảnh rất đặc trưng, người đến chùa không đơn thuần chỉ là tín đồ Phật tử trong mục đích hành hương lễ Phật, hoặc tìm kiếm một lời chỉ dẫn từ vị Bổn sư; mà gồm rất nhiều thành phần khác nhau. Đến với chùa Huế, họ gặp nhau ở điểm chung nhất: cần một không gian yên tĩnh ngập tràn cây xanh, để đắm chìm, hòa mình vào thiên nhiên, tránh đi tiếng ồn của đô thị hiện đại, để chiêm nghiệm và trải nghiệm.

*Quy mô kiến trúc những ngôi chùa Huế

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, bất cứ một dòng tín ngưỡng hay tôn giáo nào cũng đều có những thay đổi phù hợp với nhu cầu lẫn niềm tin của tín đồ. Có thể rằng có những điều chỉnh trong giáo lý lẫn cách thực hành tôn giáo, và phương tiện để hoằng pháp, ngôi chùa cũng có những đổi thay tương tự. Tuy nhiên, cái đổi thay ấy sẽ không có gì đáng bàn nếu chúng luôn được đối sánh hoặc tham chiếu từ mẫu hình truyền thống, bởi không phải ngẫu nhiên mà ngôi chùa Huế được hình hành với một dạng kiến trúc rất đặc thù.

Nếu để tâm quan sát, sẽ rất dễ dàng nhìn thấy sự lấn át thiên nhiên, một yếu tính vốn không thuộc về truyền thống, thể hiện khá rõ trong những kiến trúc chùa mới hiện nay khi chiều cao của kiến trúc được cải thiện nhằm giải quyết sự thoáng đãng, lẫn nhu cầu cho không gian sử dụng.

Một vấn đề xem ra rất logic: không gian rộng luôn phải gắn liền với chiều cao nhằm tạo sự đăng đối, hài hòa, nhất là khi dạng vật liệu chịu lực hiện đại thể hiện đầy đủ tính năng. Tuy nhiên, từ nét đặc thù như từng đề cập, những biểu hiện của chùa Huế khi xây mới hiện nay mang lại cảm giác đồng nhất điểm riêng với hai đầu đất nước, nói cách khác là có sự đồng hóa về phong cách kiến trúc không đáng được xiển dương.

Kiến trúc chùa mới hiện nay dần xa rời mẫu hình của nhiều ngôi chùa cổ với sự thể hiện của vật liệu hiện đại, sự thu hẹp cảnh quan và nhu cầu mở rộng không gian. Tuy rằng, việc giải quyết mặt bằng sử dụng trong những ngôi chùa truyền thống Huế vốn đã xuất hiện từ rất sớm nhằm đáp ứng nhu cầu, lẫn số lượng tín đồ hành lễ bằng lối kiến trúc trùng thiềm-điệp ốc và trần thừa lưu, dạng cấu trúc này vẫn giữ được sự ấm áp, gần gũi khi chiều cao không gian bị giới hạn, sự xuất hiện của nhiều hàng cột không mang lại cảm giác chật chội mà rất ấm cúng khi những pho tượng Tam thế, Dược sư, Phổ hiền v.v... vẫn hiển hiện trong tầm mắt người chiêm bái. Việc giải quyết không gian bằng tính năng vật liệu như hiện nay mang lại cảm giác cao lộng, phủ chụp và mang tính trấn áp của kiến trúc.

Thay lời kết

         Với lối kiến trúc đặc trưng nhưng vẫn nằm trong dòng chảy kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Việt, chùa Huế thực sự đã tạo ra một dấu ấn đậm nét đối với khách thập phương. Với nét đặc trưng đó những ngôi chùa xứ Huế không chỉ góp phần làm phong phú cho những giá trị văn hóa Huế mà nó còn là một “chốn tĩnh tâm” trong “dòng chảy cuộc sống xô bồ” đối với người dân xứ Huế, đồng thới cũng trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách mỗi khi đến thăm “xứ Huế mộng mơ”.

Nguồn: Tập san Hoằng Pháp 31

 

Tài liệu tham khảo:

1.            Hà Xuân Liêm (2007), Những chùa tháp Phật giáo ở Huế, NXB Văn Hóa Thông Tin.

2.            Phan Thuận An (2003), Kiến trúc Cố Đô, NXB Thuận Hóa

3.            Bài viết “Lễ phục tu sỹ Phật giáo Bắc Tông ở Huế”, Lê Thọ Quốc.

4.            Bài viết “Kiến trúc chùa Huế - giá trị của một di sản giữa lòng thành phố di sản”, Nguyễn Phước Bảo Đàn

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác