Trong miền
ký ức về tuổi thơ quê nhà, tôi luôn dành một phần trang trọng nhất cho quãng đời
đi sinh hoạt Gia đình Phật tử. Và dường như đó là cánh đồng kỷ niệm màu
mỡ nhất được hình thành từ niềm tin, tình thương; qua thời gian được bồi đắp
thêm phù sa màu Lam. Những hạt giống tin yêu, đoá hoa phước hạnh mà hôm nay tôi
nhận về cũng đã được gieo mầm từ buổi ấy.
ảnh minh họa
1. Thế hệ
chúng tôi được sinh ra sau ngày thống nhất đất nước; những hoang tàn đổ nát mà
chiến tranh gây ra đã được kiến thiết lại, mái chùa làng cũng nằm trong niềm an ủi ấy. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi
được sinh hoạt dưới mái ấm Gia đình Phật tử Phúc Lộc với truyền thống hơn ba
mươi năm hình thành và phát triển. Đấy chính là nền
tảng cơ bản cho chúng tôi tin tưởng gia đình và tìm đến tu học.
Mỗi buổi
chiều về, tiếng chuông vang trong thinh không và thấm vào tâm hồn trẻ thơ chúng
tôi niềm an vui. Đêm rằm hôm ấy, tôi rón rén đến chùa với bộ đồng phục
giản dị ấm áp: áo lam, quần soọc xanh. Một chút e dè ngại ngùng và lúng túng
buổi đầu đã nhanh chóng tan đi. Anh huynh trưởng dìu nắm tay
tôi đặt vào tay bạn để quây vòng tròn ngay ở sân chùa và hát ca. Chị thì đơm vào
ngực áo tôi một phù hiệu hoa sen, sửa lại sợi dât treo cho chữ “X” ngay ngắn.
Chính quý anh chị huynh trưởng đã giúp tôi hoà đồng giữa môi trường mới.
Sau hôm ấy,
lòng lại khát khao đến chùa, mong đợi những hôm rằm trăng sáng hay đêm ba mươi
gió mát để được cùng bạn bè ca hát, được đón nhận những tình cảm yêu thương mà
quý anh chị dành cho. Tôi cảm thấy mình như chú chim Oanh vũ mà gia đình Phật tử
là tổ ấm, quý anh chị là những người nâng giúp cánh bé bỏng được bay lên.
Và những bài học đầu tiên trong những buổi học Phật Pháp đã cho tôi
được thêm kiến thức về Đạo, về Đời. Chính nguồn kiến thức buổi ấy đã giúp tôi tự tin hơn, sống hoà hợp
hơn. Chúng tôi được học lịch sử Đức Thích Ca để tôn thêm niềm yêu kính
Phật. Sau này mỗi lần gặp khó khăn trên đường đời, tôi vẫn luôn lấy tấm gương
của thái tử Tất Đạt Đa để noi theo.
Mỗi lúc có chuyện xích mích với bạn thì lấy sáu phép hoà kỉnh
của ngành Oanh ra để tự nhủ với lòng mình rằng “một điều nhịn, chín điều lành”.
Nhiều hôm
chúng tôi học Phật pháp ở bên chánh điện, dưới ánh hào quang rạng rỡ của Đức
Phật. Không có bàn ghế, chúng tôi ngồi tọa bàn giữa nền nhà và lắng nghe bài
giảng. Chợt nhớ lại câu chuyện thuở đầu thế kỷ hai mươi, trong
làng có cụ thâm nho đã mở lớp học dạy chữ. Lớp học của cụ cũng không bàn
ghế, học trò ngồi bệt giữa nhà, nghe cụ gõ thước và đọc “vi nam tử thân, tận ngã
nghĩa vụ, vị chi quốc dân” (là thân nam tử, làm tròn nghĩa vụ, vì
dân vì nước). Trên mảnh làng bé nhỏ này, sự học luôn được trân trọng, khắc phục
khó khăn để tiếp cận tri thức, học Văn hoá hay học Đạo pháp đều thế cả.
2. Nhớ những
dịp lễ Phật đản ngày rằm tháng tư.
Sân chùa dựng lễ đài trang nghiêm với bốn chữ “Ta Bà Thị Hiện”.
Hoa tươi cúng phật, nhang trầm xông ngát. Gia đình phật
tử thường tổ chức hội cắm trại và buổi hát ca văn nghệ.
Dưới sự tổ chức và giúp đỡ của các anh chị huynh trưởng, lứa oanh vũ chúng tôi
đã biết cách dựng những túp trại xinh xắn dễ thương. Những bữa cơm chay
ngồi ăn quây quần quanh sân chùa rất ấm áp. Đêm lửa trại anh em
bạn bè lưu luyến, ngồi bên nhau và cùng truyền cho nhau hơi ấm tình thân. Cuối buổi thường có tiết mục Câu chuyện lửa tàn của anh Trọng Ánh.
Khi ấy tất cả im lặng, cùng nhắm mắt lại để nghe anh tâm tình.
Nhớ những
mùa Vu Lan Báo hiếu. Năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng bảy là chúng tôi lại kéo nhau lên
chùa tham dự lễ Bông hồng cài áo. Dưới trăng rằm tháng
bảy, chúng tôi ngồi thành một vòng tròn quanh sân chùa ca hát những bài về cha
mẹ. Các anh chị lớn sẽ là người dẫn trò chơi và bắt nhịp bài hát.
Một lúc sau thì đến phần cài hoa lên ngực áo, có các bác lớn tuổi cùng tham dự.
Bắt đầu
chương trình cài hoa, anh huynh trưởng gia đình Phật tử đọc tản văn về ngày lễ
vu lan của thầy Nhất Hạnh. Tất cả lắng nghe chăm chú
với niềm xúc động bồi hồi. Rồi chị trưởng ngành nữ lên ngâm
bài thơ “Mất Mẹ”. Bài thơ ngân lên trong đêm vu lan
khiến nhiều người chảy nước mắt.
Ngày xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi.
Hoàng hôn đổ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
Ở trên thềm chùa, cây hoa đã được chuẩn bị sẵn từ chiều.
Các anh huynh trưởng lấy một nhánh cây khô cắm vào chậu cát.
Các chị dùng vải xếp thành những bông hoa hồng và nơ rồi buộc lên đó.
Đứa nào ngồi dưới cũng nhắm cho mình một cái bông đẹp nhất để lát nữa lên nhận.
Các anh chị giải thích cho cách nhận hoa. Những ai còn
cha còn mẹ thì nhận bông hồng và nơ xanh; ai mất cha còn mẹ thì cài nơ trắng và
bông hồng; ai mất mẹ còn cha thì bông trắng nơ xanh và ai đã mất cả cha lẫn mẹ
thì cài bông trắng nơ trắng. Những đôi tay lần
qua cành cây tìm một bông hoa cùng chiếc nơ xinh xắn phù hợp với mình.
Nhớ về một thời oanh vũ gắn liền với bao kỷ niệm quê hương dấu yêu.
Và tôi tin rằng, những kỷ niệm ấy sẽ còn mãi. Bởi, như
một triết gia đã nói: “Người ta có thể mang một đứa trẻ ra khỏi quê hương, nhưng
không thể nào mang quê hương ra khỏi trí nhớ và tâm hồn một con người”.
Nguyên Quý (HCD)