Luận giải Triết học về đạo đức và đạo đức Phật giáo

 

Nguyễn Quang Trường *

Trịnh Khánh Sơn

 

 

Đạo đức và tôn giáo là những hình thái ý thức xã hội ra đời từ rất sớm, có bề dày lịch sử trong nền văn hóa nhân loại. Sự hiện diện của đạo đức và tôn giáo là minh chứng cho sự cầu cầu vọng của con người về một thế giới tốt đẹp.

Những luận giải triết học về đạo đức chỉ ra rằng: “Đạo đức… bao gồm những nguyên lý (đạo lý), quy tắc, chuẩn mực điều tiết hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng. Căn cứ vào những quy tắc ấy người ta đánh giá hành vi, phẩm giá của mỗi người bằng các quan niệm về thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa, nghĩa vụ, danh dự”.[1]

Sự biểu hiện của đạo đức trong đời sống thường nhật được cụ thể hóa bằng những quy tắc xử sự của con người trên hai phương diện: Thứ nhất là những ứng xử của con người với tự nhiên (còn gọi là đạo đức sinh thái), vì trong quan hệ với môi trường thiên nhiên, con người được xem là một sinh vật hữu tình, sinh tồn trong thế giới vô cùng rộng lớn và nhiều bí ẩn, là “đứa con của mẹ thiên nhiên”, được thiên nhiên đùm bọc, che chở. Theo đó, con người là một tiểu vũ trụ, là một bộ phận của giới tự nhiên, sự tồn tại và phát triển là phụ thuộc vào giới tự nhiên. Vì vậy, mỗi hành vi thái quá của con người khi tác động vào tự nhiên sẽ làm mất trạng thái thăng bằng của nó, và như thế là trái với quy luật, là phi đạo đức sinh thái, đúng như lời nhận định của giới học giả rằng: “hủy hoại tự nhiên cũng là hủy hoại chính bản thân mình”.

 

 

Sinh viên hướng về Phật pháp, ảnh chùa Hoằng Pháp

 

Thứ hai là những quy tắc ứng xử của con người với nhau trong vô số những quan hệ trong cộng đồng. Những quan hệ này có tính hai mặt, một mặt nó là điều kiện, là môi trường để con người thể hiện hành vi đạo đức của mình, mặt khác thông qua những quan hệ này mà các chuẩn tắc đạo đức cũng được kiến tạo, bồi đắp và hoàn thiện.

Pháp luật cũng là một hình thái ý thức xã hội, nhưng trong so sánh nó không giống với đạo đức. Bởi vì, nếu pháp luật điều chỉnh hành vi, thái độ ứng xử của con người trong cộng đồng bằng các quy phạm, các văn bản có tính pháp quy, mệnh lệnh, bắt buộc, thì đạo đức điều chỉnh hành vi của con người bằng nguyên tắc tự nguyện, tự giác, do sự thôi thúc của lương tâm và chịu sự chi phối của dư luận xã hội. Những chuẩn tắc đạo đức của con người mang tính bền vững, được lưu truyền lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Phạm trù đạo đức luôn mang tính lịch sử cụ thể vì mỗi thời đại đều xây dựng cho mình thể chế đạo đức khác nhau. Đạo đức cũng không phải là cái gì cao siêu, trừu tượng, khó hiểu, mà nó ra đời, tồn tại và phát triển do nhu cầu của xã hội, bởi lẽ, là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức luôn chịu sự chi phối của tồn tại xã hội. Khi tồn tại xã hội thay đổi thì đạo đức cũng thay đổi theo cho phù hợp. Mọi quy tắc đạo đức chỉ có thể được thực hiện trong xã hội, do các quan hệ xã hội quy định, điều đó có nghĩa là các quan hệ xã hội là những yếu tố không thể thiếu cho sự hình thành và phát triển các quy tắc đạo đức.

Mỗi một xã hội trong sự tồn tại của nó là rất đa dạng và phong phú, với nhiều mối quan hệ khác nhau, và mỗi quan hệ đều có chuẩn mực đạo đức riêng. Vì thế, cho đến nay đã có nhiều lý thuyết đạo đức ra đời nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử cho phù hợp, nhằm hướng đến hoàn thiện bản chất con người.

Phật giáo là một tôn giáo với mục tiêu hướng thiện, ra đời vào thế kỷ VI TCN, do Siddharta (Tất Đạt Đa – 563-483 TCN) sáng lập. Là một trong 3 tôn giáo lớn trên thế giới (cùng với đạo Thiên chúa và đạo Hồi), Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (từ những năm đầu công nguyên) bằng đường bộ và đường thủy mà các thương gia gọi đó là “con đường gió mùa” hay “con đường tơ lụa”.

Kể từ khi du nhập vào Việt Nam đến nay, Phật giáo đã sống và phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc (có lúc trở thành tư tưởng chủ đạo trong việc phát triển văn hóa tinh thần của đất nước). Bản thân Phật giáo với mục đích chống phân biệt đẳng cấp và đòi bình đẳng xã hội, ngay từ đầu đã thể hiện các nguyên tắc đạo đức của một tôn giáo (chủ thuyết).

Đạo đức và các nguyên tắc đạo đức của Phật giáo được thể hiện chủ yếu qua nhân sinh quan:

Xuất phát từ thế giới quan cho rằng, thế giới này không phải do đấng tối cao (Brahman) sáng tạo. Vũ trụ là vô cùng vô tận với vô số thế giới và được chia thành 3 cấp độ: Tiểu thiên, trung thiên và đại thiên thế giới.

Thế giới do danh và sắc tạo thành (tức vật chất và tinh thần). Bản thân con người do 5 yếu tố tạo nên (gọi là ngũ uẩn: sắc – thụ - tưởng – hành - thức). Thế giới quan (quan niệm về sự vật-hiện tượng) Phật giáo dựa trên cơ sở nhân – quả (duyên khởi).

Phật giáo cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều có nguyên nhân – nhân kết hợp với duyên thì sinh ra quả (nhân – duyên – quả), quả lại kết hợp với duyên biến thành nhân và sinh ra quả khác….. cứ thế, sự vật, hiện tượng vận động không ngừng, bất tận…

Thế giới là vô thường, vô ngã, bởi lẽ không có gì bất định, vĩnh viễn, mọi sự vật đều biến đổi, đều trôi đi như dòng sông đang chảy, kể cả tâm thức con người cũng không thể bất biến. Mọi cái chỉ thoảng qua, là tạm bợ.

Từ quan niệm về thế giới như vậy, Phật giáo đi đến giải quyết vấn đề nhân sinh quan. Đây là cơ sở để Phật giáo xây dựng và thực hiện các nguyên tắc đạo đức:

“Đời người là bể khổ”: Sự hiện hữu của con người trên thế giới này là khổ. Cái kiếp khổ của con người được Phật giáo thể hiện trong “Tứ diệu đế” gồm:

- Khổ đế (Duḥkha-satya), gồm: Sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tăng hội, sở cầu bất đắc, ngũ uẩn thạnh.

- Tập đế (Samudaya -satya), gồm các nguyên nhân gây khổ, căn bản là dục ái, hữu ái và vô hữu ái. Các tác nhân này lại do vô minh mà sinh khởi, từ đó hình thành chuỗi nhân duyên nối nhau không dứt với hành, thức, danh sắc, lục căn, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử, gọi chung là Thập nhị nhân duyên.

- Diệt đế (Nirodha-satya): Cái khổ có thể diệt được bằng cách dứt trừ mọi nguyên nhân gây khổ, cụ thể là ham muốn dục vọng.

- Đạo đế (Mārga-satya): con đường tu tập để diệt trừ đau khổ, cụ thể là Bát chính đạo (8 phương pháp để diệt khổ), bao gồm:

1. Chính kiến (Saṃyak-dṛṣti): Thấy, xem xét sự vật một cách đúng đắn, hiểu biết một cách đúng đắn.

2. Chính tư duy (Saṃyak-saṃkalpa): suy nghĩ đúng đắn

3. Chính ngữ (Saṃyak-vāc): Lời nói đúng đắn

4. Chính nghiệp (Saṃyak-karmānta): Hành vi đúng đắn

5. Chính mệnh (Saṃyak-ājiva): Mưu sinh đúng đắn

6. Chính tinh tiến (Saṃyak-vyāyāma): Cố gắng, nổ lực phấn đấu một cách đúng đắn

7. Chính niệm (Saṃyak-smṛti): Ghi nhớ, tâm niệm đúng đắn

8. Chính định (Saṃyak-samādhi): Tập trung tư tưởng một cách đúng đắn.

Tám phương pháp diệt khổ này được thực hiện đúng đắn nhờ có 3 khía cạnh tu tập đồng thời là giới, định, tuệ, cũng gọi là Tam vô lậu học. Thực hiện tám phương pháp này giúp con người giải thoát khỏi bể khổ, nhưng nó đòi hỏi mỗi người phải vượt qua chính mình bằng niềm tin và hành vi đạo đức.

Phật giáo cho rằng, nguyên nhân gây khổ là do con người không hiểu biết (vô minh) về sự vô thường, vô ngã. Vì vô minh nên “chấp ngã”; vì không hiểu được bản chất của sự vật, hiện tượng nên “vọng tưởng” và bị “dục” dẫn đường một cách mù quáng trong vòng nhân-quả, không ngừng tạo nghiệp, nên không thể thoát được khổ đau trong vòng luân hồi.

Nguyên tắc thực hiện đạo đức Phật giáo yêu cầu: Giới, định và tuệ phải đồng thời tu tập, đó là điều kiện tiên quyết để diệt dục, dứt vọng tưởng, dứt ngã chấp, đoạn tuyệt vô minh và đạt giác ngộ.

Giải thoát chính là con đường tu đưỡng đạo đức, giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít (Giới ở đây có thể được hiểu như: luân lý, đạo đức, cách cư xử, tư cách đạo đức, làm lành, lánh ác…)

Quy tắc đạo đức Phật giáo được thể hiện trong giới luật, quy định nguyên tắc ứng xử của các tu sĩ xuất gia và cư sĩ tại gia (giới luật cho hàng xuất gia gồm 227 giới cho nam – (tăng) và 348 giới cho nữ - (ni) về cuộc sống tăng đoàn). Đây là những quy phạm đạo đức giúp cho tu sĩ xuất gia vượt qua những giá trị đạo đức thông thường trong xã hội để đạt đến sự lìa bỏ ngã chấp. Giới luật chung cho cả tu sĩ xuất gia và cư sĩ tại gia cũng bao hàm cả đạo đức nhân gian, như từ, bi, hỉ, xả… là những thiện tâm hướng đến cuộc sống hòa vui, tránh tạo nghiệp ác, tích lũy nghiệp thiện, và do đó cũng bao gồm hết thảy mọi chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của thế gian.

Đối với các tín đồ là cư sĩ tại gia, quy tắc đạo đức mà Phật giáo đưa ra gồm:

- Ngũ giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.

- Thập thiện: gồm ba nghiệp thiện của thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; bốn nghiệp của khẩu: không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói thêu dệt; ba nghiệp thiện của ý: không tham dục, không ghen ghét thù hận, không si mê tà kiến.

Ngoài ra, đạo Phật còn có những chuẩn mực ứng xử có thể giúp mang lại sự hòa hợp trong cộng đồng, được gọi là Lục hòa hay Lục hòa kính, bao gồm: thân hòa cộng trú, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng sự, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân. Chư tăng khi sống trong Tăng đoàn được khuyến khích vận dụng 6 nguyên tắc này để luôn có sự hòa hợp, an ổn.

Phật giáo Đại thừa còn khuyến khích 6 pháp tu để mang lại lợi ích cho chính mình và mọi người chung quanh, dành cho cả tu sĩ xuất gia cũng như cư sĩ tại gia, gọi là Lục ba-la-mật hay Lục độ, bao gồm:

+ Bố thí: Đem phúc lợi ban tặng cho người khác.

+ Trì giới: Thực hiện đúng đắn giới luật, làm chủ hành vi thân, ngữ, ý.

+ Nhẫn nhục: Đức nhẫn nại, chấp nhận mọi hoàn cảnh.

+ Tinh tiến: Chuyên cần, không ngừng nỗ lực tu tập.

+ Thiền định: Tu tập sự an định nội tâm.

+ Trí tuệ: Tu tập phát triển trí tuệ để nhận thức đúng thật về tự tâm và ngoại cảnh.

Đối với người thế tục, Phật giáo đưa ra nhiều lời khuyên răn về đạo đức rất giá trị: “Tạp A-hàm (quyển 4, kinh 91) có ghi lời dạy về “Tứ pháp” của đức Phật đối với Uất-xà-ca trong việc mưu sinh: “Một là phương tiện đầy đủ, tức là có nghề nghiệp chính đáng; hai là bảo vệ, giữ gìn đầy đủ, tức không để mất mát, thất thoát thành quả sức lao động; ba là thiện tri thức, tức là có hiểu biết đúng đắn về các việc thiện và tránh các việc bất thiện trong làm ăn; bốn là chính mệnh đầy đủ, tức là biết làm chủ cuộc sống, không lãng phí, không bủn xỉn, biết làm phúc và cúng dường, biết chăm nom cuộc sống cho quyến thuộc, biết tích lũy cho đời nay và chuẩn bị cho đời sau.”[2]

Hoặc trong kinh “Lục phương lễ bái” có bài luân lý mà đức Phật dạy cho Thiện Sinh: “Phương đông là cha mẹ, phương nam là anh em, phương tây là vợ con, phương bắc là bạn hữu, phía dưới là nô bộc, phía trên là vị thầy tôn giáo. Các quan hệ phải có hai chiều cân đối, cùng tôn trọng nhau, vừa có nghĩa vụ, vừa có quyền lợi, không thể thiên lệch phiến diện.”[3] Đây có thể xem là phép tắc đối xử giữa người với người, trong đó lấy bản thân mình làm trung tâm.

Có thể nói rằng, đạo đức Phật giáo là một hệ đạo đức xuất thế, giá trị đạo đức Phật giáo thiên về nội tâm, phản tỉnh hơn là xử lý các quan hệ bề ngoài, cho nên Phật giáo phát huy tối đa tính tự chủ cá nhân trong việc thực hành các quy tắc đạo đức. Sự phán xét của đạo đức là nghiệp báo, hay nghiệp quả, nó điều chỉnh đạo đức của mỗi người theo quy luật nhân - quả tự vận hành. Điều đặc biệt hơn, Phật giáo là tôn giáo có khuynh hướng vô thần, không thừa nhận sự sáng tạo của một đấng siêu nhiên nào, mọi giá trị luân lý, đạo đức đều diễn ra trong thế giới nhân sinh chứ không phải do một thế lực nào chi phối. Đây là điểm ưu trội của Phật giáo so với các tôn giáo khác.

Phật giáo với các chuẩn tắc đạo đức nhân văn cao cả về đời sống con người có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội, với vô số những quan hệ ngang bằng và trên dưới. Đặc biệt trong xã hội ngày nay, khi nền kinh tế thị trường phát triển với những đặc tính của nó, đã làm cho không ít người bị cuốn theo vòng xoáy của đồng tiền mà lãng quên đi các quy tắc xử sự đạo đức, thì Phật giáo với những khung chuẩn giá trị đạo đức của mình có thể được xem như một chiếc gương trong sáng về giá trị nhân sinh, để mỗi người soi mình vào đó và nhận chân được giá trị đích thực trong quảng đời vô cùng ngắn ngủi của mình trong thế giới này.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hữu Vui (2004): Lịch sử triết học, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Doãn Chính – Vũ Quang Hà – Châu Văn Minh – Nguyễn Anh Thường (2003): Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

3. Tulku Thondup (2009): Hành trình giác ngộ, Nxb Tôn Giáo.

4. Nguyễn Duy Cẩn (2000): Nhập môn triết học Đông phương, Nxb Thanh Niên.

 

* Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Kiến trúc Đà Nẵng 

 



[1] Lê Hữu Tầng-cùng một số tác giả (1987): Từ điển Triết học giản yếu, NXB THCN, HN, tr.145.

[2] Dẫn lại theo Hoàng Thị Thơ (2002): Đạo đức Phật giáo với kinh tế thị trường, Tạp chí Triết học, Số 7, tr.30.

[3] Dẫn lại theo Hoàng Thị Thơ, sđd, tr.30.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle