Hồn quê ngày Tết

honque

 

 

Những điều này khi còn sống ở quê người ta cảm thấy không cần thiết, chỉ khi đi xa mới bị chúng “hành” như trong bài thơ Tết, nhớ thằng bạn quê của Vũ Hữu Định:

Ta đã từng lang bạt
Nên hiểu hồn quê
Ôi cái hồn quê ngày Tết
Nó cứ dật dờ hành mình dở chết
Ăn không ngon, ngủ cũng không ngon...

Tại sao hồn quê lại réo gọi vào dịp Tết? Vì đấy là lúc người ta được nghỉ ngơi, những người tha hương làm ăn có thời gian trở về đoàn tụ với gia đình, sống với tập tục “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy”.

Ngày 23 tháng Chạp, hàng triệu người lũ lượt rời bỏ các thành phố lớn để trở về với làng quê nhỏ bé, nơi phát sinh gốc gác của tổ tiên, dòng họ. Có đến sân ga, bến xe vào dịp này, nhìn cảnh người ta chen lấn giành mua một chiếc vé tàu, vé xe, mới thấy về quê ăn Tết quan trọng như thế nào.

Ngay ở sân bay, các kiều bào ở nước ngoài trở về quê hương vào dịp Tết cũng rất đông. Họ đồng cảm với nhà thơ Thi Vũ đang sống ở Pháp:

Mùa xuân nơi đất khách
Ấm mấy cũng nao người.

Nếu không được về quê ăn Tết, phải đón Xuân trên đất khách, người ta cảm thấy bứt rứt, đau buồn như nhà thơ Nguyễn Bính đón Xuân tha hương ở Huế:

Chao ôi Tết đến mà không được
Trông thấy quê hương thật não nùng!

Trong đêm giao thừa, họ tự an ủi mình như nhà thơ Vũ Hữu Định:

Thôi thì ở đâu cũng vậy
Con chim còn biết tập quen lồng
Con cá còn tập quen với chậu
Con người cũng phải tập long đong...

Nhưng hiện nay, khi kinh tế đã phát triển, một số người dân sống ở thành phố lại thích ăn Tết xa quê. Các công ty dịch vụ lữ hành đã quảng cáo các tour du lịch trong và ngoài nước, khởi hành ngay ngày mùng Một Tết. Không phải những người đi du lịch dịp Tết đã đánh mất hồn quê, mà họ chỉ muốn những ngày Tết thật sự là những ngày thư giãn sau một năm làm việc căng thẳng, vất vả.

Những việc cần làm như “mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy” họ đã làm trong Ngày của cha, Ngày của mẹ, Ngày Nhà giáo Việt Nam. Với các phương tiện điện thoại di động, internet, họ vẫn có thể gửi những lời chúc Tết đến người thân dù đang du lịch nước ngoài.

Sau một thời gian dài xa quê lập nghiệp, quê hương của một số người cũng đã đổi thay, không còn những hình ảnh như đã in trong tâm trí họ thời ấu thơ. Khi trở về quê, họ ngại phải gặp cảnh như nhà thơ đời Đường Hạ Tri Chương đã gặp trong Hồi hương ngẫu thư:

Trẻ đi, già trở lại nhà
Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu
Gặp nhau mà chẳng biết nhau
Trẻ cười hỏi: “Khách từ đâu đến làng?”.
(Trần Trọng San dịch)

Nhiều bạn trẻ sinh ở Sài Gòn, nhưng nguyên quán vẫn ghi quê của người cha ở một địa phương khác, còn trú quán ghi Sài Gòn. Nhưng đối với bạn trẻ đó, trú quán vẫn thân thương hơn nguyên quán và hồn quê của bạn trẻ đó sẽ về đâu vào dịp Tết? Về nơi có mồ mả tổ tiên hay về nơi chôn nhau cắt rốn?

Đã có người định nghĩa: “Quê hương là nơi ta đã sống, làm việc trong hạnh phúc và giúp người khác hạnh phúc”. Vậy quê hương của người đó có thể là nơi đất khách quê người.

Hồn quê nếu ta lưu giữ ở trong tâm thì không bao giờ ta phải xa quê, phải than thở như Thúy Kiều:

Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa...


ĐOÀN THẠCH BIỀN

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác