Sự thật tương đối: một cái gì đó đang còn bỏ ngỏ

su that tuong doi

(câu chuyện ngày xuân)

Đặng Công Hanh

 

"Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật

Thế cho nên tất bật đến bây giờ"

(BG)

Hai câu thơ này được trích dẫn từ một bài thơ của cố thi sĩ Bùi Giáng. Ông còn được biết đến là nhà biên khảo triết học và dịch thuật văn học nước ngoài: Anh, Đức, Pháp, Hán văn từ thập niên 60. Ông có một cuộc sống vượt quá ước lệ thế tục trong một phong cách nửa thực, nửa hư rất kỳ bí như có lần ông u hoài diễn cảm "Chợt có lúc trên đường tôi đứng lại / Ngó ngu ngơ xưa chính ở chỗ này".

Trong không khí se lạnh của tiết xuân bên tách trà còn hâm hấp nóng, tôi chợt nghe ra một điệu buồn buồn trong âm vực vang vọng từ ý thơ của ông, ghi vội một vài dòng suy tưởng làm món quà mọn đầu xuân, đồng thời như một tâm niệm trên bước chân độc hành trong cõi nhân gian mang tâm trạng của gã cùng tử chạy lang thang tìm nước trên miền sa mạc mênh mông cát trắng.

® Sự thật tương đối: một cái gì đó đang còn bỏ ngỏ

Lý thuyết lượng tử là một lĩnh vực nhỏ của vật lý nguyên tử trong ngành khoa học hiện đại. Tuy nhiên nó đã mở ra một hướng thay đổi quan trọng liên quan đến khái niệm về Thực tại. Nhưng sự thay đổi này được thể hiện trong lý thuyết lượng tử ở dạng hoàn chỉnh của nó, đã cô đọng và kết tinh các ý tưởng mới của vật lý nguyên tử. Nó không phải là sự tiếp nối của quá khứ mà là điểm gãy đứt trong cấu trúc của nền khoa học hiện đại.

Nguồn gốc của lý thuyết lượng tử được gắn liền với một hiện tượng nổi tiếng: một mẩu vật đen bất kỳ khi bị đốt nóng thì bắt đầu phát sáng, ban đầu nóng đỏ rồi nóng trắng ở nhiệt độ cao, màu sắc chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ. Thiên tài của Planck đã dẫn đến việc khám phá thiết lập một công thức toán học thật đơn giản phù hợp về mối liên hệ tổng quát giữa nhiệt và bức xạ. Định luật Planck về bức xạ nhiệt đã được phát minh như thế và ông đã nhận ra rằng công thức của ông đã chạm đến những nền tảng của sự mô tả tự nhiên và rằng một ngày nào đó những nền tảng ấy sẽ dịch chuyển từ vị trí truyền thống hiện tại đến một vị trí ổn định rộng rãi hơn. Tháng 12 năm 1900, ông công bố về giả thiết lượng tử với ý tưởng cho rằng năng lượng có thể phát ra hoặc hấp thụ theo những lượng tử năng lượng gián đoạn tương tự như từng gói năng lượng là hoàn toàn mới mẻ đối với khuôn khổ truyền thống của vật lý học.

Trong thời gian đó, Albert Einstein một thiên tài cách mạng trong các nhà vật lý đã bước qua các khái niệm cũ, sử dụng các ý tưởng mới của Planck đề xuất 2 bài toán.

- Bài toán về hiệu ứng quang điện: đó là sự phát ra các electron từ bề mặt kim loại dưới tác dụng của ánh sáng, cụ thể hơn sự phát ra các electron phụ thuộc vào tần số của ánh sáng và Einstein đã giải thích được các quan sát bằng cách diễn giải rằng ánh sáng bao gồm các lượng tử năng lượng truyền qua không gian, năng lượng có dạng E = hn [h là hằng số Planck, n là tần số ánh sáng].

- Bài toán thứ 2 về nhiệt dung của vật rắn: lý thuyết truyền thống cho rằng giá trị của nhiệt dung phù hợp với nhiệt độ cao, không phù hợp ở nhiệt độ thấp. Einstein đã giải quyết vấn nạn đó bằng giả thiết lượng tử cho các dao động đàn hồi của nguyên tử trong vật rắn.

Hai kết quả này đã phát lộ một đặc điểm rất cách mạng mang tính sâu sắc là mô tả ánh sáng có thể được giải thích bao gồm các sóng điện tử theo lý thuyết của Maxwell hoặc các lượng tử ánh sáng tức các năng lượng truyền qua không gian với tốc độ cao. Lẽ tất nhiên, Einstein thừa biết hiện tượng nhiễu xạ và giao thoa chỉ có thể giải thích được trên cơ sở của bản chất sóng. Ông không thể tranh cãi gì sự mâu thuẫn giữa hai hình trạng này của ánh sáng mà đơn giản chỉ thấy mâu thuẫn như một điều gì đó mà giới khoa học chỉ có thể hiểu sau này. Tuy vậy, các kết quả của các nhà vật lý áp dụng lý thuyết lượng tử, nhất là công trình của Bohr xây dựng một mẩu nguyên tử, mẩu này giải thích được các câu hỏi mà lý thuyết truyền thống của cơ sở Newton không giải thích thoả đáng và cũng chính vào lúc này sự mâu thuẫn đã trở nên gay gắt hơn: Làm thế nào mà cùng một bức xạ tạo ra bức tranh giao thoa (bao gồm các sóng), lại gây ra hiệu ứng quang điện (bao gồm các hạt chuyển động với vận tốc cao). Điều lạ lùng nhất của thời gian này là qua rất nhiều nghiên cứu, các nghịch lý (mâu thuẫn) của lý thuyết lượng tử đã không biến mất mà ngược lại chúng càng gây nhiều ấn tượng đáng chú ý hơn và gây nhiều tranh luận thích thú. Có thể kể đến ba nhà khoa học toán lý Bohr, Kramer, Slater đã công bố một đặc điểm quan trọng trong việc giải thích lý thuyết lượng tử đó là khái niệm "sóng xác suất". Đây là một cố gắng nhằm giải quyết các mâu thuẫn giữa hai bức tranh sóng - hạt, khái niệm này hoàn toàn xa lạ trong vật lý lý thuyết kể từ thời Newton, nó vượt qua ý nghĩa xác suất trong toán học hay trong cơ học thống kê, nó nói lên cái gì đó đứng giữa ý niệm về "một sự kiện và sự kiện thực", một loại Thực tại vật lý nằm ở giữa 2 đường biên "khả năng và thực tại".

® Sau này, khi khuôn khổ toán học của lý thuyết lượng tử được kiến thiết Max Born một tài năng toán học, đã nâng ý tưởng sóng xác suất thành một định nghĩa toán học. Nó không phải là sóng 3 chiều như sóng cơ, sóng vô tuyến mà là sóng trong không gian nhiều chiều, cho nên nó hoàn toàn là một đại lượng toán học khá trừu tượng đến nỗi lúc bấy giờ người ta còn chưa biết phải dùng hình thức luật toán học này như thế nào để mô tả một tình huống thí nghiệm. Vả chăng chỉ có những tình huống thí nghiệm có thể biểu diễn được trong hình thức luận, mới có thể xuất hiện trong thế giới tự nhiên.

® Cùng thời gian này, tháng 2 năm 1926, Schrodinger đã chứng minh rằng hình thức luận cơ học sóng của mình tương đương về mặt toán học với cơ học lượng tử mà nền tảng của cơ học đặt trên một phương trình vi phân gọi là "phương trình sóng" hay phương trình Schrodinger cho hàm số sóng của hạt và mong muốn của ông nó là sóng cơ thật, mô tả được mật độ điện tích và vật chất trong không gian, nhưng đã nhanh chóng thành ảo vọng.

® Năm 1927, với tất cả say mê và cao vọng của mình Heisenberg đã công bố "nguyên lý bất định" có nội dung: nếu đo đạc cùng một lúc vị trí vận tốc của hạt thì tích của 2 sai số của vị trí và vận tốc ít nhất bằng hằng số Planck chia cho 4p. Với nguyên lý này thế giới quan cơ học Newton bị đảo lộn. Nhanh chóng Bohr đã triển khai ý tưởng này qua "nguyên lý bổ sung" để diễn giải lý thuyết lượng tử, ông cho rằng tính nhị nguyên sóng - hạt cũng như vậy, chúng ta chỉ biết và chọn 1 trong 2 tuỳ theo thí nghiệm, cái nầy hiện ra thì cái kia mờ đi, nhưng cả hai là điều kiện cho nhau để tồn tại. Đây chính là cách giải thích lý thuyết lượng tử của trường phái Copenhagen và chính Pauli đã ca ngợi là "hừng đông của một thời đại mới bắt đầu". Ta thử tìm cái "hừng đông" nói lên điều gì?

Cách giải thích này bắt nguồn từ nghịch lý của nhị nguyên sóng - hạt: Thông thường một thí nghiệm vật lý liên quan đến hiện tượng trong cuộc sống hay các vấn đề của nguyên tử đều phải thông qua con đường vật lý cổ điển với một tổng hợp các ngôn ngữ của khái niệm để mô tả thiết kế thí nghiệm và phát biểu kết quả.

 Tuy nhiên việc áp dụng các khái niệm này bị hạn chế bởi các nguyên lý bất định, vì vậy việc để hiểu cách giải thích của trường phái Copenhagen là một công việc khó khăn

- Một là các cơ chế và kết quả quan sát được diễn đạt qua các khái niệm truyền thống.

- Hai là những điều rút ra từ quan sát trong một sự kiện nguyên tử là hàm xác suất, một biểu thức toán học mô tả về các khả năng hay tiềm năng với những phát biểu về sự hiểu biết đối với một thực tại. Điều này nói lên rằng chúng ta không thể khách quan hoàn toàn đối với kết quả quan sát, cũng như không nói lên được điều gì biểu lộ giữa quan sát lần này và lần sau đó. Như vậy những điều gì xảy ra đều phụ thuộc vào cách thức mà chúng ta quan sát nó. Rõ ràng tính chủ quan gây cho ta quá nhiều khó khăn vô vọng nếu ta tìm cách mô tả cái gì đó xảy ra giữa hai lần quan sát kế tiếp.

Về phương diện khó khăn này nay chúng ta nhớ lại ý kiến của Bohr cho rằng khi tìm kiếm một sự hài hoà trong cuộc sống, người ta không được quên rằng trong tấn kịch sinh tồn, chúng ta vừa là diễn viên vừa là tác giả kịch bản, vừa là khán giả. Điều này có thể hiểu được trong khoa học là khi chúng ta đặt ra những câu hỏi về tự nhiên bằng ngôn ngữ mà chúng ta đang có và tìm cách nhận những giải đáp từ thực nghiệm bằng những phương tiện trong tay. Do vậy cái mà ta quan sát không phải là tự nhiên tự thân mà là tự nhiên đã phơi bày trước phương pháp thăm dò được thiết kế qua dụng cụ. Việc phủ nhận thực tại khách quan của thế giới bên ngoài được hàm ý rất rõ vật trong cách giải thích của trường phái Copenhagen. Heisenberg đã tỏ ra thẳng thắn nhất và nói rõ: "Trong những thực nghiệm về các sự kiện nguyên tử chúng ta phải làm việc với các vật, các sự kiện, các hiện tượng thật như bất kỳ hiện tượng trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng bản thân các hạt sơ cấp, bản thân chúng không thật, chúng tạo nên một thế giới tiềm năng hay thế giới khả năng chứ không phải là thế giới sự vật".

Theo ông, chẳng hạn câu hỏi "electron là sóng hay hạt" tương tự như: "nước Mỹ ở trên hay ở dưới nước Pháp", câu trả lời đúng là "không ở trên cũng không ở dưới". Cả hai khía cạnh sóng và hạt đều có thể biểu hiện, nhưng không có khía cạnh nào có nghĩa nếu thiếu đi tình huống thí nghiệm thích hợp.

Ông tiếp tục cảnh báo khi sự mơ hồ và sử dụng ngôn ngữ không tương thích thì nhà vật lý phải rút lui về lược đồ toán học và sự tương quan rõ ràng của nó với các sự kiện thực nghiệm.

Bối cảnh lúc bấy giờ, con tàu lượng tử đang chuyển bánh vun vút, chỉ còn một mình Einstein cô đơn dừng lại và không ngừng nêu lên tính không đầy đủ của lý thuyết lượng tử. Vào năm 1935, cao điểm của sự phản đối được Boris Bodosky và Nathan Rosen đề xuất "Nghịch lý EPR", nghịch lý này liên quan đến ánh sáng bắt quả tang sự không đầy đủ của cơ lượng tử".

Phân rã của một hạt ánh sáng thành 2 hạt A, B. Vì lý do đối xứng A, B đi theo 2 hướng ngược nhau. Hãy đặt dụng cụ đo và kiểm tra. Nếu A đi về hướng Đông, chúng ta sẽ phát hiện B ở phía Tây. Trước khi đặt máy dò A khoát áo sóng, sóng này choáng toàn bộ không gian và tồn tại xác suất nào đó để A nằm bất cứ hướng nào. Khi đặt máy dò, A khoát áo hạt và biết mình đi về phía Đông. Điều kỳ diệu ở chỗ, trước khi bị đo A không biết đi hướng nào thì làm thế nào B điều chỉnh hành trạng của mình khi đón được hành trạng của A - trừ khi ta chấp nhận A thông báo tức thì đến B hướng chuyển động của mình. Cả 2 hạt cùng phát hiện cùng một thời điểm, điều này có nghĩa là sự truyền thông tin với một vận tốc vô hạn (lớn hơn vật tốc ánh sáng), điều mâu thuẫn với thuyết tương đối của Einstein nói rằng vận tốc ánh sáng là giới hạn sau cùng của tín hiệu. Ông kết luận rằng cơ lượng tử không đưa ra được một cách mô tả hiện thực một cách đầy đủ - và sở dĩ không có khả năng giải thích được đường đi của một hạt là vì không tính đến một số "biến ẩn". Như vậy nó bất toàn.

Gần 30 năm sau, thí nghiệm tưởng tượng EPR gần như trôi vào lãng quên, Jon Bell làm việc tại trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu đã biến nó thành giả thiết để kiểm chứng và ông đã chứng minh EPR sai và thực sự không tồn tại "biến ẩn". Phải đến năm 1980 nhà Vật lý Alain Aspect, người Pháp đã chứng minh trong mọi trường hợp thì A và B không thể truyền cho nhau các thông tin bằng ánh sáng. Ấn tượng hơn nữa, gần đây Nicolas Gisin người Thuỵ Sĩ thực hiện với khoảng cách 11 km, thì các tình trạng của A, B vẫn có tương quan nhau nhưng A và B vẫn không thể thông tin nhau bằng ánh sáng do kết quả 2 máy đo có độ chênh lệch 3 phần mười tỷ giây, với thời gian đó ánh sáng chỉ đi 9cm.

Nghịch lý EPR đi vào tận sâu thẳm của các thế gian quan khác nhau mà cả vật lý cổ điển và vật lý lượng tử đã áp đặt lên con người.

+ Theo Newton, không gian và thời gian là tuyệt đối, độc lập với quan sát viên, chúng khác biệt và tách rời nhau.

+ Theo Einstein, không gian và thời gian tương đối, giá trị của chúng phụ thuộc vào vận tốc người quan sát và lực hấp dẫn xung quanh người quan sát.

+ Cơ học lượng tử đã loại bỏ hoàn toàn ý tưởng về định xứ của không gian và nó trao cho không gian đặc tính toàn cục. Hành trạng của A và B đã từng tương tác với nhau, nhớ lại sự vướng víu quá khứ nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với nhau bằng một loại tương tác huyền bí và dù ở đâu thì 2 hạt vẫn tiếp tục là "một bộ phận của 1 thực tại".

 Rõ ràng các thí nghiệm nêu trên đã xác định vai trò của người quan sát. Trước khi đo, hạt mặc áo sóng hiện diện khắp nơi. Khi người quan sát thực hiện phép đo, lúc đó hàm số sóng bỗng triệt tiêu tại mọi điểm, hạt hiện nguyên hình chỉ tại vị trí quan sát với xác suất bằng 1. Người ta gọi hành trạng đó là sự "rút gọn" sóng hay "sụp đổ" sóng. Theo Aspect, khi 2 hạt tương tác nhau thì xuất hiện một hàm sóng mới chứa tổng thể cái khả năng của 2 hạt cho nên khi tách chúng ra thì chúng không còn được mô tả bằng 2 sóng độc lập mà chỉ bằng một sóng toàn thể. Đối với vật mô thì ta lại có một hàm sóng phức tạp hơn chứa tổng thể các khả năng tương tác của mỗi hệ. Vấn đề đang còn bỏ ngỏ cho một lời giải. Theo Niels Bohr vấn đề này không giải quyết được qua hình thức luận lý thuyết lượng tử của hàm sóng. Thế giới mô được chi phối bởi các định luật của Maxwell và Newton. Tại sao có biên giới này? Bohr phớt lờ và đưa ra một quan điểm thực dụng, ông nói "Cách mô tả thế giới tự nhiên không nhằm phát hiện "bản chất thực" của hiện tượng, mà đơn giản chỉ là khám phá nhiều nhất mối quan hệ giữa rất nhiều khía cạnh của sự tồn tại của chúng ta".

Cho đến hiện nay, đằng sau sự đồng thuận bề ngoài của các nhà khoa học, người ta nhận thấy những bất đồng nghiêm trọng về "bản chất thực" của thực tại được giấu kín cho riêng mình ở bên ngoài nghiên cứu chuyên sâu của họ. Khoa học càng phát triển thì người ta càng nhận ra rằng, trong nhiều trường hợp, lý trí không thể đi đến tận con đường. Cơ học lượng tử đã đưa ra khái niệm bất định, phi bất định, khả năng tiềm ẩn.v.v. Điều này đã được nhà toán học Kurt Godel, năm 1931 chứng minh trong "định lý bất toàn" mang tên ông. Định lý hàm ý luôn luôn tồn tại một giới hạn trong hiểu biết của chúng ta về một hệ nhất định bởi vì chúng ta là một bộ phận của hệ đó.

Định lý Godel đã phát một tín hiệu có chiều sâu và rộng về thế giới quan và rằng không bao giờ một mình khoa học có thể đưa đến "thực tại tối hậu" mà cần phải kêu gọi đến các phương thức nhận thức khác nữa đó là "con đường tâm linh".

® Con đường chiêm nghiệm và sự hiểu biết tối hậu

Khoa học liên quan đến thế giới vật chất khách quan. Nó cuốn hút chúng ta tìm kiếm và đưa ra những phát biểu chính xác về "thực tại khách quan" và nắm bắt những mối tương lẫn nhau của nó. Trái lại Phật giáo, trước hết là con đường giác ngộ, một con đường chiêm nghiệm với cái nhìn hướng về bên trong nội tâm. Trong khoa học, trí tuệ và lý trí đóng vai trò quan trọng, Phật giáo đề cao trực giác - kinh nghiệm bên trong lại giữ vai trò chủ đạo hàng đầu trong phương pháp chiêm nghiệm.

Phật giáo suy tư về bản chất của thế giới một cách sâu sắc và hiểu được bản chất thực của thế giới vật lý: tính trống không, phụ thuộc lẫn nhau để xua tan màn vô minh và mở ra con đường giác ngộ. Giác ngộ chỉ trạng thái tỉnh thức lúc con người trực nhận tính Không - bản thân nó là Không và toàn thể vũ trụ cũng là Không. Tính Không, không phải là một đối tượng để tiếp cận vì bản thân chủ thể tiếp cận cũng thuộc về nó. Tóm lại, Giác ngộ là một kinh nghiệm không thể giải bày.

Quan điểm của Phật giáo về sự phụ thuộc lẫn nhau đồng nghĩa với tính Không, đến lượt mình tính Không lại đồng nghĩa với Vô thường. Thế giới vận hành như một dòng chảy khổng lồ, các sự kiện nối tiếp nhau và liên tục tương tác thay đổi hành trạng xuất hiện và biến mất trong các vòng đời phù du vô cùng ngắn ngủi.

Triết học Phật giáo cho rằng, bất cứ điều gì thuộc phạm vi nhận thức của Tâm, đều không tồn tại trước khi Tâm nhận thức nó. Nó không hiện hữu một cách độc lập nên không thực sự hiện hữu và gọi thế giới được nhận thức là "sự thật tương đối" hay sự thật được đo lường và qui kết do Tâm thức bình thường của con người. Mọi đối tượng xuất hiện trong tâm thức khác biệt so với cách thức tồn tại thực sự của nó. Khi tâm thức cảm nhận hình dạng của chúng, chấp nhận đó là "thật" và theo đuổi một ý tưởng hoặc ý niệm nào đó thì lúc này tâm đã bị đánh lạc hướng. Vì ý niệm đó hoàn toàn bị bóp méo bởi cảm nhận về đối tương, nó mâu thuẩn với cách thức tồn tại thực sự của đối tượng. Sự khác biệt tinh vi này bắt nguồn từ sinh lực bên trong kích hoạt và đưa đẩy tâm thức về phía đối tượng bên ngoài. Sự thật "tối hậu" thì nó không phải được cấu thành, không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng và độc lập với mọi diễn dịch của con người.

Tính Không luôn luôn là nó vì nó vượt khỏi không - thời gian và nó không có hình tượng. Nó không được hiểu là phủ định của hiện hữu nên không thể nói thế giới tương đối này không hiện hữu bởi vì phủ định một cái gì đó thì trước tiên phải có cái gì đó để phủ định. Quan điểm triết lý Đạo Phật không bác bỏ hình tướng hay chức năng của sự hiện hữu ở trần gian và rằng con người có thể tận hưởng các trải nghiệm của mình nhưng những trải nghiệm đó không đồng nghĩa rằng nó "thực sự hiện hữu". Đức Phật dạy rằng chúng ta nên xem xét kinh nghiệm và cho rằng nó là một "ảo ảnh" nhất thời, tựa như một giấc mơ giữa ban ngày bởi vì khi những điều kiện và nguyên nhân cùng đến thì cái gì đó xảy ra và khi những điều kiện không còn nữa thì sự xuất hiện đó không còn.

Thế cho nên kinh nghiệm của con người trong trần gian như là một giấc mơ. Đức Phật dạy rằng sự bám chấp vào bên ngoài và xem giấc mơ như thực sự hiện hữu sự thêu dệt nên hiện hữu không thật, dựa trên các phóng chiếu của hy vọng, tưởng tượng sai lầm của tâm thức sẽ đưa đẩy con người vào vòng xoáy của khổ đau và lo lắng không cùng. Không phải cái vẻ bề ngoài của trần gian trói buộc con người mà chính sự bám chấp đã giam hãm con người. Giáo pháp của Đức Phật là phương pháp cho những sự giải thoát, đôi khi còn gọi là con đường, con đường đưa chúng ta từ vô minh đến sự vắng bật vô minh, giúp chúng ta hiểu rằng nỗi khổ đau và hoang tưởng đều có nguồn gốc là sự ảo tưởng.

Cách đây  hơn 26 thế kỷ, Thái Tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn, đang sống trong cung điện nguy nga lộng lẫy bên vợ đẹp con xinh tại thành Ca Tỳ La Vệ, hưởng cuộc  sống thật xa hoa và thanh bình. Sau ba lần Thái Tử ra khỏi thành  quan sát khi trở về Ngài đều luôn luôn nghĩ đến nỗi thống khổ của kiếp người, của chúng sinh đáng thương, khiến Ngài chẳng còn lưu luyến, ham thích gì đời sống tại cung vàng điện ngọc mà quyết tâm buông bỏ tất cả địa vị thống trị cùng mọi thứ xa hoa của đời sống đế vương, rời khỏi vương cung ra đi truy  cầu chân lý và tự do. Sau 6 năm tu khổ hạnh và 49 ngày ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề, bằng sức mạnh của trí tuệ, sức mạnh của từ bi và năng lực tinh tấn vô hạn, đã thể hội chân lý tuyệt đối tức chân lý không hư vọng của nhân sinh và qui  tắc thực tiễn đạo - chân lý, trở thành Đức Như Lai của nhân loại. Ánh chớp phát đi từ trí tuệ siêu việt của Đức Phật đã xé toạc màn sương mù bao phủ nhận thức con người về cái "Thật" nơi chốn trần gian.

Đức Phật dạy kinh nghiệm sâu sắc này trong Kinh Kim Cang

"Tất cả pháp hữu vi

như mộng, huyễn, bào, ảnh

như sương, như chớp loè

hãy quán chiếu như thế"

(Bản dịch: Thích Nhất Hạnh)

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Từ điển Phật giáo: Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu - NXB Thời Đại

2. Thành Duy Thức: Tuệ Sỹ dịch NXB Phương Đông

3. Đai Thừa Tuyệt đối luận: Nguyệt Như Tâm Viên, Đặng Hữu Trí dịch - NXB Thời Đại

4. Kim Cang: Thích Nhất Hạnh - NXB Lá Bối

5. Max Planck: Nguyễn Xuân Xanh - NXB Trí thức

6. Từ điển yêu thích bầu trời: Trịnh Xuân Thuận - NXB Trí thức

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle