Ngôi trường bên phá Tam Giang

Tác giả: Cao Huy Hóa

 

Không biết giao thương hàng hải góp phần nâng cao dân trí đến mức độ nào, nhưng người dân vùng quê tôi được tiếng là hiếu học.

Vùng xa, bên kia Phá Tam Giang

Quê tôi nằm trong dãi đất hẹp bên kia phá Tam Giang, giữa một bên là phá, một bên tựa lưng vào độn cát dài, và sau độn cát là biển. Dân cư sinh sống chủ yếu nhờ nông nghiệp, trồng lúa và các nông sản phụ, ngoài ra còn kiếm con tôm con cá trên phá Tam Giang. Trước đây, giao thương giữa miền cát xa xôi đó với thành phố Huế chủ yếu là nhờ con đò.

Con đò chở khách, nông sản và hàng hóa, cũng như đã đưa thanh thiếu niên từ quê lên tỉnh quyết chí học tập. Con đò cũng là lối mở vào văn hóa, văn minh thị thành. Sau này, chiếc máy nổ Kubota nhập khẩu từ Nhật đem lại tiện ích lớn cho giao thông và nông nghiệp, nhờ thế con đò chèo trở thành đò máy, điệu hò mất đi và thời gian trên đò còn lại khoảng 4, 5 tiếng đồng hồ. Rồi khi phương tiện xe máy trở thành phổ thông, phương tiện không chỉ là con đò dọc lâu lắc, mà là xe máy với con đò ngang qua phá Tam Giang, tuy cũng còn trắc trở và bất tiện, nhưng thời gian đi đường từ Huế về quê được giảm rất nhiều.

Không biết giao thương hàng hải này góp phần nâng cao dân trí đến mức độ nào, nhưng người dân vùng quê tôi được tiếng là hiếu học. Phải chăng nhờ thế mà những ngôi trường đã được thành lập sớm, từ tiểu học đến trung học với đủ cấp lớp, và tiếp tục phát triển sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất?

Những năm gần đây, cùng với đường sá rộng mở, tráng nhựa, nhất là những cây cầu bắc qua giữa đầm phá mênh mông, trường vùng quê có bộ mặt không thua trường thành phố, đặc biệt trường Trung học phổ thông  Tam Giang có kiến trúc đẹp, rộng rãi, khang trang. Vui nhất là thầy cô cùng với mọi người dân, chỉ cần phóng xe một mạch từ Huế về, bon bon trên đường nhựa chỉ một tiếng đồng hồ là đến nơi.

 

Phá Tam Giang - Thừa Thiên Huế

Người phương xa về thăm trường

Thời gian khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Giáo sư T. về thăm nhà đầu tiên sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Đây là thời kỳ bao cấp, lại còn hậu quả nặng nề của chiến tranh, thầy trò cũng như mọi người đều khó khăn, nhiều phụ huynh và học sinh cơ cực. Thăm lại quê hương là ngôi làng như đã nói ở trên, hồi đó cách đò trở giang, ông không quên thăm ngôi trường và có nhã ý tặng một số tiền khiêm tốn để cấp học bổng cho học trò nghèo, động viên các em vượt khó học tốt. Nhà trường đã đón nhận nghĩa tình này và chọn học sinh nhận học bổng rất chu đáo, có tác dụng tích cực đối với học sinh và phụ huynh.

Thời gian trôi qua, cuộc sống đi lên, nhiều cơ quan, đoàn thể và cá nhân đã cấp học bổng cho học sinh ngày càng nhiều, giá trị bằng tiền cũng lớn. Giáo sư T. tặng học bổng khoảng sáu, bảy năm gì đó, rồi thôi và quên. Nhưng có người vẫn không quên...

Ở bên trời Tây, bỗng nhiên một hôm Giáo sư T. tiếp nhận điện thoại, một giọng quê hương tình cảm, sau đó là hội ngộ giữa hai người chưa từng biết mặt nhau, người  kia là anh học trò cũ trường Trung học phổ thông Tam Giang, đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, là người học trò giỏi trước đây đã được học bổng của Giáo sư T. Anh học trò thổ lộ, "chính vì cháu nhận được học bổng của bác trong giai đoạn vô cùng khó khăn mà cháu quyết học cho tốt; cháu nhớ hồi đó được cầm trong tay số tiền học bổng, sao mà lớn thế!".

Giáo sư T. không nhớ cụ thể chuyện học bổng vì đó là chuyện một thời đã xa, cứ nghĩ rằng số tiền chỉ là muối bỏ biển, và không ngờ những mầm xanh của miền cát trắng lại trưởng thành như vậy. Sau này, anh học trò cũ đã đỗ tiến sĩ và có vị trí cao trong ban lãnh đạo một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội, và tình cảm bác cháu càng trở nên quý mến.

Thật không ngờ, một ngôi trường vùng xa đã sản sinh những học trò rất thành công trên đường đời, gánh vác nhiều trọng trách trong xã hội, đạt những bằng cấp cao, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, trong số đó, có những học sinh được học bổng của Giáo sư T.

Cô giáo vùng xa 27 năm

Những học trò danh giá nói trên, cũng như những học trò cũ đã ra trường, là hiện thân những kỷ niệm yêu dấu thời đi dạy của cô giáo cũ. Nghe chuyện về cô giáo, tôi giật mình: Sao có người chịu đựng đi dạy ở nơi xa xôi, cách đò trở giang, chịu mưa lũ, nắng cháy trên  đường trong thời gian dài đằng đẳng như thế, lại là một cô giáo son trẻ mới ra trường? Không lẽ cô không xin thuyên chuyển sau một thời gian 5, 7 năm? Không lẽ cô có xin mà các cấp thẩm quyền thấy khó khăn quá, phức tạp quá, không giải quyết được? Cứ nghĩ lại thời gian cô mới đi dạy vào những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước, ăn độn, ở tập thể, thiếu tiện nghi, ban đêm ánh đèn dầu leo lét, soạn bài, chấm bài, họp hành... tôi nghĩ rằng cô và các thầy cô khác gắn bó lâu năm với trường, đã dành tuổi trẻ và tình yêu đời cho quê mình.

May thay, đến năm 1998, điện mới về trường, hàng đêm mới có tivi màu, cuộc sống tiện nghi hơn, khởi sắc hơn. Cùng với điện, các phương tiện thông tin, truyền thông phát triển cùng khắp; điện thoại di động rẻ và phổ biến, Internet về tới vùng xa, máy tính trở thành công cụ thông thường trong đời sống; những tiện ích không tiền khoáng hậu đó đã làm cho văn hóa được nâng cao khắp mọi miền. Cùng với những đổi thay đó, những cây cầu qua miền đầm phá mênh mông và những con đường hiện đại  làm cho vùng xa trở nên gần, văn minh thị thành đã lan tỏa đến thôn xóm. Riêng đối với cô giáo, cây cầu làm ngắn lại khoảng cách ngôi nhà với ngôi trường, làm cho mẹ và con, vợ và chồng gần nhau, và như thế, cô giáo lại càng gần với đàn học sinh thân yêu của trường mà cô gắn bó suốt đời đi dạy. Đối với các học trò cũ của một thời bao cấp khá xa, cô là hạt nhân để các học sinh quy tụ về trường, là nhân chứng một thời không thể nào quên mà nay vẫn còn đó.

Từ một cô giáo trẻ mới ra trường chấp nhận công tác nơi vùng quê nghèo cát trắng, trong tâm trạng "chôn vùi tuổi trẻ", đến nay cô đã nhiều năm thâm niên trong nghề mà vẫn không đổi đi đâu, tôi không rõ cô có mặc cảm phải chấp nhận thực tại hay không, nhưng qua việc cô giáo và học trò cũ xây dựng quỹ học bổng cho học sinh trong vùng, tôi nghĩ cô đã làm được nhiều hơn là những bổn phận thường ngày và những tiêu chuẩn thi đua để sống trong tình thương yêu của học trò và trong tình quý mến của phụ huynh và bà con địa phương.

tuanvietnamnet

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác