Thư về xứ lạnh

Thư về xứ lạnh

 

 

Em thương!

Từng hoa tuyết đang rơi trên từng thửa ruộng bậc thang kỳ . Thiên nhiên như đang mặc cho Sapa một chiếc áo long lanh. Dòng người muôn nơi đang đổ về để ngắm nhìn cái đẹp long lanh mờ ảo ấy. Đêm  rất lạnh, từng đợt gió hun hút trên cao đang đổ thêm những bông hoa tuyết. Mặt đất đang đanh cứng với độ dày của băng… Con đường em đến trường đã trắng xóa. Trên cánh đồng, nương rẩy đang phủ đầy chiếc áo khói sương. Bầu trời xám xịt. Đêm và ngày xen lẫn. Những bếp lửa bập bùng cũng không đủ để xua đi hơi lạnh đang tăng lên… Dòng người đổ về ngày một đông, áo muôn màu khoe sắc. Họ có đầy đủ những phương tiện để thưởng ngoạn khung cảnh kỳ của thiên nhiên. Trên từng cành cây vừa trút lá đang oằn mình trong giá lạnh, trơ trọi mảnh khảnh, nhưng cũng đã khoác lên một vẻ tịch liêu trước khắc nghiệt của thiên nhiên. Người ta kịp tranh thủ khoảnh khắc này để lưu lại những nét đẹp riêng của xứ lạnh. Những nhiếp ảnh gia đang cố gắng để kịp cho ra những tác phẩm nghệ thuật ngợi ca vẻ đẹp bi tráng của mẹ thiên nhiên. Nhưng họ đến rồi đi, hay chỉ cần một khoảng khắc ngắn ngủi để thỏa mãn hiếu kỳ thưởng lãm rồi vội vàng rời khỏi vùng đất giá băng và gửi cho bạn bè trên phương tiện truyền thông về những nơi họ vừa đến để nhận lại những lời bình luận hài lòng.

Tuyết lại thêm dày, đường trơn trợt, gió lại càng mạnh thêm. Đêm qua đài lại báo thêm một đợt lạnh tăng cường, vậy là lạnh càng thêm lạnh. Bên bếp than hồng, mắt mẹ chăm chăm nhìn vào khoảng không trước mặt, từng đốm lửa lép bép hơi ấm quá yếu ớt để chống chọi với cái lạnh của đại ngàn. Chiếc áo của mùa đông năm trước như quá mỏng manh trong giá buốt, đôi tay gầy guộc run run cời than. Ngoài trời, gió vẫn rít từng cơn, tuyết lại rơi thêm mấy lớp. Em không thể đến trường. Mẹ không thể lên nương…

Hình ảnh em co ro trong những đợt gió được ai đó đưa lên trang mạng xã hội làm cho những người có trái tim rung cảm nao lòng. Em vẫn mưu sinh bằng những công việc của một nơi đón khách trăm miền đến du lịch, chiếc gùi con với những món đồ kỷ niệm như lọt thỏm trong dòng người… Cơn gió làm môi em tím tái. Chiếc áo dày như cũng chưa đủ kháng cự với cái lạnh. Chắc mẹ cũng đã tận dụng hết những gì có thể cho em nhưng dường như cũng chưa đủ ấm. Khách qua đường hình như cũng vội vã, họ đi nhanh để trở về với những căn phòng tiện nghi, những chiếc xe đóng kính cửa khi họ đã kịp ghi lại hình ảnh họ muốn, và họ cũng tranh thủ ghi lại cảnh tượng nơi quê em đang có. Em lại trở về nhà sau một ngày mưu sinh trong gió tuyết tê người. Cha đăm chiêu đến lạ, cả mấy ngày rồi không leo núi lên nương, cái chân như tù túng. Hoa màu đang tơi tả trong tuyết lạnh. Đàn bò đang cóng róng bên góc vườn. Bữa ăn chỉ quanh quẩn những thức ăn khô dự trữ cạn dần mà trời thì vần vũ với gió mưa… Mẹ đang chằm thêm mấy lớp trên chiếc áo đã sờn. Vườn tược chỉ một màu trắng xóa xoá mất dấu đôi tay của mẹ quen làm không thể nghỉ ngơi. Tuyết vẫn rơi, người vẫn đến. Đã thêm mấy tai nạn thương tâm trong giá lạnh. Mẹ càng rầu rỉ hơn. Em đã kịp nhắc mẹ lo cho đàn bò, vốn là sản nghiệp của nhà nông, nhưng khi cả nhà đang co ro thì làm sao lo cho những thành viên thân thương đó. Không biết sau cơn giá buốt, em có còn những người bạn hiền hậu trung thành đó nữa không?

 

Em thương!

Tôi vốn là người sống trong không khí ấm áp của miền Nam, xa xứ lâu lắm, trong tôi vẫn nguyên vẹn ký ức của những năm tháng tuổi thơ. Tôi cũng có những mùa đông giá buốt của những năm đất nước còn khó khăn. Tôi không thể quên những đêm đông dài với bếp lửa đốt giữa nhà. Mùi khói hăng hăng cay mắt, cả nhà chụm lại co ro. Chiếc chăn bao bố độn rơm trải thành tấm nệm nằm cũng ấm nhưng dễ bị ngứa do bụi. Chuyện đó, tôi nói với em trong giá rét này thì chắc em thông cảm được, còn lại, mấy đứa trẻ thị thành chắc tưởng mình đang kể chuyện đời xưa. Cái khổ chưa thể xa khi thiên nhiên càng cuồng nộ thêm giông bảo. Cái cơ cực chưa thoát được khi mùa vụ hoa màu đang tan nát. Công cha sức mẹ đang chôn vùi dưới giá rét. Cành đào vừa trẩy nụ cũng dường như câm nín trước giá lạnh của đêm đông, sáng vắng tiếng chim ríu rít gọi bầy, chiều im tiếng bìm bịp buồn buồn trong hoàng hôn tắt nắng.

Tôi chợt nhớ hai đứa trẻ trong Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam, ở một làng quê Bắc bộ trong tiếng còi tàu giục giả. Nỗi nhớ phố trong tháng ngày tản cư chỉ là một hoài niệm tháng ngày xa cách. Còn em, em có nơi nào để nhớ, để hoài niệm trong bước chân về trên con đường tuyết phủ? Ngôi trường em cuối bản xa xa đã vắng tiếng em cả tuần khi kỳ thi sắp tới. Thầy cô chắc cũng cam đành nhìn tuyết phủ khi bụi phấn lạnh theo hiu hắt của đông sang. Tương lai nào cho em khi nương rẫy đã thất mùa. Cái bụng chưa đủ no, làm sao đôi chân mạnh bước? Tất cả những thiệt thòi em đang gánh chịu khi trót sinh ra trên một xứ sở nhiều khó khăn. Đôi mắt em với ánh nhìn sâu lắng như đưa tôi về với những tháng năm tuổi thơ, nhưng quê tôi giá lạnh chứ  không tuyết phủ, con đường lầy lội nhưng tôi vẫn được đến trường học tập và đùa vui với bạn bè cùng lớp để quên đi cái hoàn cảnh khó khăn đang đến bên mình.

Em ạ!

Nơi xứ tôi đang ở, đêm đang vằng vặc với ánh trăng, tuy cũng có hơi sương se sắt nhưng chưa đủ cho người ta khoác thêm những chiếc áo dày, nhưng sáng mai, trời lại nắng ấm, một ngày lại bắt đầu rộn rả. Ở những nơi quán xá, người ta nhắc đến quê em tuyết đang rơi, có đôi người tiếc vì chưa được đến tận mắt ngắm nhìn, cũng có những người buột miệng, lạnh như vậy sao sống được? Trong lời nói của họ có chút cảm thông. Riêng tôi, ký ức tuổi thơ như sống lại, những đêm co ro trong giá buốt lại hiện về. Tôi chợt thấy mình đang may mắn khi ở một nơi quanh năm đầy gió ấm và không biết đến cơn gió cắt da như em. Tôi vẫn dõi mắt về nơi ấy, nhớ những lần hàm răng va cầm cập vào nhau, đêm nghe lộp độp mưa rơi trên mái tôn cũ mục. Cảnh quê heo hút trong khói nhạt từ những mái tranh nghèo. Món khoai lang luộc phơi khô đem ra rang lên cũng thành một thứ quý giá, bắp rang cũng là một món đặc sản của ngày lạnh dù nhai mỏi cả quai hàm. Quê là vậy. Tôi cũng như em lớn lên trên từng bóng mát của tàn cây và cánh đồng bạt ngàn lúa chín. Nhưng tháng ngày như vậy, nhìn quê em trong tuyết phủ nhạt nhòa tôi liên tưởng đến mầm sống của cỏ cây liệu có còn sau những ngày tuyết phủ. Trong tiết xuân đang kề cận có còn rực rở hoa mận hoa ban? Thực phẩm của nhà nhà dự trữ ngày giá tháng đông có đủ chăng khi không khí lạnh khắc nghiệt khô hanh từ phương Bắc lại theo gió tràn về trong tê tái? Điệu sáo điệu khèn có còn ngân vang khi đôi tay run run, và những tà áo Thái có còn xập xòe trong rét cắt thịt da đang vần vũ… Nhiều và thật nhiều suy nghĩ trong tôi đang hiện về khi ngày ngày thông tin đại chúng vẫn đều đặn đưa tin về miền Tây bắc thân thương. Suốt một mùa mưa qua, bão đã lấy đi biết bao nhiêu của cải của miền xuôi ruột thịt, nhân mạng cũng đã tổn thất khi nước mãi dâng cao. Bắc Nam tương trợ nhau chia ngọt xẻ bùi chưa nguôi khó khăn thì xứ lạnh của em ngập tràn trong khó khăn chồng chất.

Bấy nhiêu rồi người vẫn bám đất, vẫn yêu quê hương thắp sáng lên những niềm tin chia sẻ bằng những tương thân tương ái giữa các dân tộc anh em. Tôi thầm mong ánh nắng sớm về, làn gió ấm sớm len qua tầng mây xám xịt về trên nương rẫy. Mầm non lại trẩy trên những luống đất cho vườn mẹ thêm xanh và hoa xuân xinh xinh trên cánh rừng vừa qua giấc ngủ đông. Em lại đến trường thắp sáng thêm mơ ước của một ngày mai tươi sáng. Và mong những người hảo tâm sớm gửi đến các em những chiếc áo mới để vượt qua giá buốt cùng đón xuân mới.

Vĩnh Thi

Chia sẻ: facebooktwittergoogle