Mong  điềm lành trong mùa xuân mới

mong

 

Hình ảnh thế giới  thu nhỏ 2014

Mỗi mùa xuân đến là dịp để người ta chúc nhau, gửi đến nhau những điều ước nguyện cho một năm mới, hy vọng sẽ tốt đẹp hơn năm đã đi qua. Nhưng thật sự có những lo âu, những băn khoăn trăn trở cứ xoay vòng theo nhịp thời gian để rồi năm nay lời chúc vẫn y như năm ngoái? Thật vậy chăng? Lời chúc nào cho nhân loại mãi “an khang, thịnh vượng” khi chúng ta biết có đến 842 triệu người bị suy dinh dưỡng và 2/3 trong số họ đang sống ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương (theo FAO). Các quốc gia hiện nay đang lao vào cuộc chiến tài nguyên kể cả  lương thực và nước. Thống kê cho thấy có đến 126 quốc gia đang tham gia mua bán đất nông nghiệp trên toàn thế giới, chỉ riêng Trung Quốc cũng đã thâu tóm đất đai ở 33 nước, nhất là ở khu vực châu Phi (theo Environmental Research Letters). Biết chúc thế nào khi mà thế giới năm 2014 nổi bật ở hai khía cạnh là có nhiều biến cố và trở nên bất an hơn những năm trước. Chỉ riêng phương diện giao thông hàng không, 3 chiếc máy bay lớn rớt vì nhiều lý do chưa được làm rõ đã gây chấn động toàn cầu. Chưa nói đến những cuộc chiến tranh ở dải Gaza, ở Syria, Iraq, làm thiệt hại hàng chục nghìn sinh mạng và đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine khiến thế giới bị phân cực và rơi vào “đêm trước” của chiến tranh lạnh giữa các nước trong khối NATO và Nga .

Cũng phải kể đến những động thái bá quyền của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Hoa Đông và Biển Đông làm dậy sóng cả Đông Nam Á và Bắc Á, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và ổn định, hợp tác và phát triển ở  châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khi đó, kinh tế thế giới phục hồi tăng trưởng ở mức không được như mong đợi và dự báo. Gần như ở quốc gia nào và khu vực nào trên thế giới cũng đều thấy vấn đề tăng trưởng kinh tế năng động và bền vững chưa được giải quyết cơ bản. Giá dầu rơi tự do xuống mấp mé 50USD/thùng khiến kinh tế nhiều quốc gia sống dựa vào dầu khí chao đảo và suy thoái. Nợ công và thất nghiệp, mất cân đối về phát triển và bất công xã hội vẫn còn là những vấn đề nan giải đối với các quốc gia và khu vực. Những vấn đề chung khác của cả thế giới như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ khí hậu trái đất, an ninh mạng… vẫn còn gay gắt.

Ai cũng hiểu lúc giao mùa này năm nào cũng đầy biến động và con người trên trái đất khi nào cũng cần, và cũng phải tìm cho mình sự yên bình giữa những biến động ấy để đối phó, thích nghi với những khó khăn và tìm cách thoát ra bế tắc, kiến tạo một hướng đi tương lai tốt đẹp hơn.

Trong năm mới Ất Mùi (2015), chiều hướng biến động chung của thế giới cơ bản e rằng không khác gì nhiều so với Giáp Ngọ (2014).

Chiến lược và chính sách cụ thể của các nước lớn vẫn là những nhân tố tác động quan trọng nhất và nhiều nhất tới diễn biến tình hình thế giới trong năm tới. Tình hình thế giới tiếp tục thử thách tài năng và bản lĩnh của các lãnh đạo quốc gia, đặc biệt những quốc gia không thuộc diện nước lớn. Tỉnh táo và thực tế, chủ động và quả cảm giữa những biến động ấy để tìm hoặc gây dựng thế yên bình có lợi nhất cho đất nước mình là đòi hỏi hàng đầu đối với lãnh đạo các nước này. Chỉ như thế mới có thể nhận diện đầy đủ và kịp thời tìm thấy trong “nguy” có “cơ”, ứng phó thích hợp với mọi biến động mới, hóa giải bất lợi và xác định được lối đi qua sóng gió của thời cuộc. Chấp nhận thế giới và thời cuộc như thế để vững tâm bước vào năm mới. Chúng ta đang mong những điềm lành sẽ đến, nhưng phải biết rằng ngày nào nhân loại còn mang trong lòng mình những suy nghĩ, ham muốn hay đúng hơn là dục vọng như cũ, tâm hồn khó có bình yên.

Chờ đợi những điềm lành

Muốn thế giới bình yên, con người phải an tâm, phải bình tĩnh nhìn nhận người khác trong mối quan hệ tương tức, cộng sinh; nhìn nhận sự việc trong mối tương quan nhân-quả, duyên sinh. Chúng ta mong cầu những điềm lành đến với cuộc đời ta. Nhưng điềm lành ấy từ đâu đến? Phải chăng trong chính tâm thức của mình? Ta hãy nghe trong kinh Điềm lành Phật dạy những gì:

Bài kệ 15:

Nhất thiết vi thiên hạ                            
Kiến lập đại từ ý                            
       
Tu nhân an chúng sinh                 
       
Thị vi tối cát tường.                        
       .

Vì tất cả nhân loại vun bón tâm đại từ. Nuôi dưỡng tình

thương để đem lại an bình cho thế gian. Đó là điềm lành lớn nhất.

Nếu tất cả chúng ta, nhất là những  người có trách nhiệm, những nhà lãnh đạo các tổ chức hay quốc gia, ai cũng xem lòng mình là một cánh đồng cần ươm hạt từ bi thì chẳng bao lâu những hoa trái đại từ sẽ sinh sôi và thế giới này sẽ bình yên biết mấy!

Chúng ta hãy đọc tiếp về những điềm lành khác:

Bài kệ 13:

Thường dục ly tham dâm                     

Ngộ si sân nhuế ý                                  
Năng tập thành đạo kiến              
       
Thị vi tối cát tường.                        
       .

Biết xa lìa tham dục, sân hận và si mê. Thường tu tập để mong đạt được chánh kiến. Đó là điềm lành lớn nhất.

Đức Phật nêu rõ các dục là nguồn gốc của xung đột và chiến tranh, và do vậy Ngài dạy các đệ tử phải dùng trí tuệ và thiền định để chế ngự các dục: "Này các Tỳ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua... mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha... " (Trung bộ I, 87). Một nguyên nhân nữa của đấu tranh và xung đột là sự so sánh giữa mình và người, xem các người khác là bằng mình hay hơn mình, hay thua mình. Do vậy Đức Phật dạy:

"Bằng, thắng hay thua ta,
Như vậy đấu tranh khởi;
Cả ba không giao động,
Bằng, thắng không khởi lên".
(Tương ưng I, 15)

Hiểu rõ nguồn gốc của các cuộc chiến tranh, dù là về lãnh thổ hay kinh tế, đều sẽ đi đến diệt vong nếu kẻ tham lam muốn sử dụng bạo lực giải quyết. Cụ thể, các cuộc xâm lăng của nhà Tống, Minh, Nguyên, Thanh trong lịch sử chúng ta đều kết thúc bằng thất bại và không tránh khỏi “núi xương sông máu”(!).

Một khi chấm dứt tham, sân, nói theo kinh Pháp cú:

C.187. Sung sướng thay chúng ta sống không thù oán giữa những người thù oán. Giữa những người thù oán, ta sống không thù oán.

C.189. Sung sướng thay chúng ta sống không tham dục giữa những người tham dục! Giữa những người tham dục, ta sống không tham dục.

Còn những điềm lành nào khác?

 Bài kệ 14:

Nhược dĩ khí phi vụ                             
Năng cần tu đạo dụng                    
       
Thường sự ư khả sự                       
       
Thị vi tối cát tường.                       
       .

Biết buông bỏ những nghiệp vụ phi nghĩa. Có khả năng áp dụng đạo pháp vào đời sống hằng ngày. Biết theo đuổi một lý tưởng đáng được theo đuổi. Đó là điềm lành lớn nhất.

Lý tưởng là điều mà chúng ta đang thiếu trong cuộc sống hôm nay. Thật ra nó gần gũi như những ước mơ làm công việc thiện nguyện, giữ gìn lương tâm trong sáng, cống hiến cho sự nghiệp, hoài bão mà mình đang ấp ủ. Điều quan trọng là không làm hại ai, không gây tổn thất cho nhân sinh, cho môi trường… Thế thôi! Lý tưởng ấy có thể thực hiện theo những cách chỉ dẫn trong những bài kệ tiếp theo đây:

Bài kệ 16:

Trí giả cư thế gian                                  
Thường tập cát tường hạnh         
       
Tự trí thành tuệ kiến                     
       
Thị vị tối cát tường.                        
       .

 

Là bậc trí giả ở trong cuộc đời thường tập hạnh tạo tác những điềm lành cho đến khi chính mình thành tựu được tuệ giác lớn. Đó là điềm lành lớn nhất.

Hữu hiền trạch thiện cư                        
Thường tiên vi phúc đức              
       
Sắc thân thừa trinh chánh            
       
Thị vi tối cát tường.                       
       .

Chọn được môi trường tốt, có nhiều bạn hiền, có dịp làm những việc phúc đức, giữ lòng cho trinh bạch và chân chánh. Đó là điềm lành lớn nhất.

Bài kệ 6:
Đa văn như giới hành                     
       
Pháp luật tinh tấn học                 
       
Tu kỷ vô sở tranh                           
       
Thị vi tối cát tường.                        
       .

Học rộng biết trì giới. Siêng năng tu tập theo giáo pháp và luật nghi. Biết tu dưỡng thân tâm, không vướng vào các cuộc tranh chấp. Đó là điềm lành lớn nhất.

Bài kệ 8:
Bất mạn bất tự đại                           
       
Tri túc niệm phản phúc                  
       
Dĩ thời tụng tập kinh                      
       
Thị vi tối cát tường.                         
       .

Không kiêu mạn, không cho mình là hơn người. Biết tri túc, biết xét suy. Có thì giờ đọc tụng và thực tập kinh điển. Đó là phước đức lớn nhất.

Bài kệ 11:

Dĩ tín hữu đạo đức                                
Chánh ý hướng vô nghi                
      
Dục thoát tam ác đạo                    
       
Thị vi tối cát tường.                        
       .

Có niềm tin, có một đời sống tâm linh. Tâm ý ngay thẳng, không bị hoài nghi che lấp. Có quyết tâm lành xa ba nẻo về xấu ác. Đó là điềm lành lớn nhất.

Niềm tin vào con đường chúng ta đã chọn. Tín là một năng lượng. Khi ta có niềm tin, ta có sức mạnh và hạnh phúc. Trong đạo Phật, có năm nguồn năng lượng: tín, tấn, niệm, định và tuệ. Tam ác đạo là ba nẻo xấu ác, các nguồn năng lượng khác. Chánh ý hướng vô nghi là tâm ý ngay thẳng, hướng về sự thực tập chánh kiến. Chánh kiến tức tuệ, không còn ngờ vực, thắc mắc, không muốn đi về ba nẻo tối tăm: địa ngục, ngạ qủy và súc sanh vì trong con người có Niết-bàn, có tịnh độ nhưng cũng có cả địa ngục. Để những điềm lành này hiên thực hóa trong cuộc đời, chúng ta phải xây dựng Tịnh độ hay Niết-bàn từ tâm thức của mình, biến mình thành hạt nhân đoàn kết, biết yêu thương và kết nối mọi người trong ý nghĩa tương dung, tương tức. Phải tránh không cho khởi lên vọng tưởng, hay tà kiến. Đó là mầm mống của xung đột, rộng ra, của chiến tranh mà nếu xảy ra sẽ đem đến đau khổ vô biên cho mọi người. Chiến thắng sanh thù oán, bại trận chịu khổ đau mà kẻ thắng cũng chịu nhiều tổn thất, cho nên phương pháp hay nhất là đừng nên dùng chiến tranh để giải quyết các xung đột, phải dùng các phương pháp hòa bình để chấm dứt các bất đồng ý kiến và các xung đột. Do vậy, Phật dạy sáu pháp cần phải ghi nhớ hay sáu pháp hòa kỉnh, để xây dựng tình tương thân tương ái giữa chúng sanh, sống với nhau hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính: "Có sáu pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp nhất trí”.

Một pháp môn Đức Phật thường hay dạy để nuôi dưỡng lòng thương người thương vật cho người Phật tử là pháp môn Tứ vô lượng tâm (bốn phạm trú) được diễn tả như sau: "Vị ấy an trú, biến mãn một phương với lòng từ... lòng bi... lòng hỷ... lòng xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân. "(Trung bộ I, 38). Chính Tứ vô lượng tâm này đoạn được hiềm hận, nhờ lòng từ đoạn được lòng sân, nhờ lòng bi đoạn được hại tâm, nhờ hỷ đoạn được tâm không lạc, nhờ tâm xả đoạn được hận thù. Như vậy tâm từ của đạo Phật mở rộng đến tất cả chúng sinh, kể cả các loài côn trùng nhỏ bé, các loài cây cỏ hữu tình. Như nhà thơ Bùi Giáng bộc bạch:

Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương.

Vì ông đã hiểu:

Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại

Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.

Ngày xuân, hãy suy niệm về điềm lành lớn nhất đến cho chúng ta, cho mọi người trên đất nước, cho cả nhân gian vốn đang chịu nhiều biến cố. Điềm lành ấy khởi đi từ tâm thức của ta, xây dựng nên Tịnh độ hay Niết-bàn tùy vào tuệ giác, vào niềm tin, vào giữ gìn phạm hạnh, vào chính ta.

Trong giòng suy tưởng ấy, hãy cầu mong một mùa xuân bình yên khởi đầu cho một năm dẫu còn nhiều bất trắc, nhưng khi lòng ta bình yên, chúng ta sẽ gặp những điềm lành cao nhất!

Nguyên Cẩn

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác