Từ Nghi môn Torana đến Cổng Tam quan

nghi mon

TỪ NGHI MÔN TORANA ĐẾN

CỔNG TAM QUAN

 

Torana (Phạn: torana, từ tor, đi xuyên qua), đối với người Ấn Độ có nghĩa là cổng ra vào/cửa ngõ, thường làm từ đá hay gỗ, đánh dấu lối vào một điện thờ hay tháp Phật giáo hoặc điện thờ Hindu và Kỳ-na giáo ở lục địa Ấn Độ, Đông Nam Á và Đông Á. Những torana tiêu biểu bao gồm hai cột trụ mang hai hay ba xà ngang dài quá các cột trụ ra đều hai cạnh bên. Các torana thường được điêu khắc, chạm trổ tinh tế dày đặc từ trên xuống dưới. Bốn torana của tháp Sanchi là những ví dụ lộng lẫy và tráng lệ.

I. Torana từ Ấn Độ đến vùng Himalaya

1. Những torana được liên kết với các tháp Phật giáo như tháp ở Sanchi, cũng như các công trình kiến trúc Hindu, Kỳ-na giáo và cùng với một số kiến trúc thế tục. Những torana tượng trưng cũng có thể được tạo tác bởi hoa và thậm chí cả lá được treo trên cửa lớn và tại cổng, đặc biệt phổ biến ở Tây và Nam Ấn Độ. Chúng được xác tín rằng mang lại vận may, biểu trưng cát tường cho những dịp lễ hội và hôn lễ. Chúng cũng nhằm mục đích giáo huấn và nhắc nhớ một sự tích hay được dựng lên để đánh dấu sự chiến thắng của một vị vua.

Những bằng chứng khảo cổ học sớm nhất về torana có cùng niên đại với tháp Sanchi được đế chế Mauryan xây dựng vào thế kỷ thứ III tr.TL. Torana và kiến trúc Sanchi đã mô phỏng các công trình xây dựng bằng gỗ và gạch trên đá, là đặc điểm phổ biến trong kiến trúc Ấn Độ trước thế kỷ thứ III tr.TL. Trong kiến trúc Kalinga, chúng ta có thể thấy torana trong nhiều điện thờ xây dựng từ thế kỷ thứ VII đến XII. Điện thờ Jagannath, Puri, Rajarani và Mukteswar là một vài ví dụ về kiến trúc Kalinga có torana.

Torana cũng liên quan đến vandanamalika. Có rất nhiều kiểu torana: dvara-torana, patra-torana, ratne-torana v.v… Những kiểu thức torana này được ghi chép tường tận trong các chuyên luận về kiến trúc Ấn Độ thời Trung cổ.

Torana còn được áp dụng trong việc tạo tác tranh tượng, cho nên bên cạnh đó, thuật ngữ này còn miêu tả khung trang trí được cách điệu hóa quanh các hình tượng hội họa và điêu khắc trong mỹ thuật Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung. Torana có thể được thể hiện như cổng, cửa ngõ, khung tò vò, phía sau ngai, phần tựa lưng/lưng ghế hoặc hốc tường quanh các thần thánh, Đức Phật, Bồ-tát hay các vị pháp chủ, những bậc Tôn sư hay Thánh. Torana trang trí cũng được sử dụng để trang trí phía bên trên ô cửa của điện thờ hoặc trang trí nơi cửa sổ chùa tháp như thấy ở thung lũng Kathmandu, Nepal.

2.Torana ở Ấn Độ và mỹ thuật Tây Tạng buổi đầu

Những ví dụ về các torana trang trí của Ấn Độ khác nhau theo vùng miền và thời điểm lịch sử; điều này cho thấy không có chuẩn tắc trong cách thể hiện. Tuy việc trang trí được biểu thị khác biệt theo từng vùng miền và thời gian; song, có một vài mô hình cơ bản của torana đã phát triển và phổ biến đến các địa phương vùng Himalaya. Hình thức điển hình nhất là hốc tường và khung/cửa tò vò bên trên hình tượng trung tâm. Những kiểu thức Ấn Độ càng ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nghệ thuật điêu khắc như ngai và đài sen/liên hoa tọa của tượng thờ.

Từ torana được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác. Trong quá khứ, khung tò vò chỉ ở bên trên nhân vật hoặc mở rộng xuống từ khung tò vò ở bên trên đầu đến đế bệ trên cả hai bên của nhân vật. Tuy nhiên, torana thực sự có ba phần, được tạo tác nhằm tạo hiệu quả trực quan: 1/ Khung tò vò bên trên, 2/ Trụ cột hai bên, và 3/ Nền đế (ngai, đài sen). Những mô tả của Ấn Độ và Nepal sau này thường bao gồm các cột trụ để chống đỡ hỗ trợ cho khung tò vò. Cách tạo tác của Ấn Độ và Nepal thường có những trụ cột đỡ khung tò vò. Các thể hiện của Tây Tạng sau này, các trụ cột dần dần thay đổi và thay thế bằng mẫu thiết kế khung tò vò “sáu mẫu hình trang trí”.

Các mẫu torana Tây Tạng buổi đầu, nói chung thể hiện theo đúng nghĩa đen là phần “phía sau ngai” (Tây Tạng: gyab yol) đẹp một cách thuần khiết theo những kiểu mẫu đơn giản và đa dạng thấy ở Ấn Độ, Kashmir và Nepal. Các cột trụ ở bên sườn trở nên phổ biến và thể hiện các loại chim và sinh vật đặt trên đỉnh cột. Cửa tò vò thật sự có hình thức như hang động cách điệu hóa với các hòn đá nhiều sắc màu, đây là một dạng thức kiến trúc hay những đồ án dây leo phức tạp.

Những torana sớm, đầu thế kỷ XII, thể hiện hai con voi ở hai bên sườn của nhân vật trung tâm, với sharabha và bên trên thủy quái makara chồng lên trên nữa. Đôi khi thêm hình tượng một cậu bé đặt ở trên đỉnh… Cũng có trường hợp makara được thay thế bằng con ngỗng. Một trường hợp khác nữa, diễn ra tại thời điểm khác, garuda – vua của loài chim – được đặt ở đỉnh trung tâm. Đó là một sự biến đổi lớn. Có một số ví dụ rất phức tạp trong khi những cái khác rất đơn giản và mẫu thiết kế giống nhau.

3. Torana ở Tây Tạng sau này và mỹ thuật Phật giáo Himalaya

Ở Tây Tạng sau này và Phật giáo Himalaya, phát triển khoảng thế kỷ XVII, torana trang trí phía sau ngai, được gọi là đồ án “sáu mẫu hình trang trí”. Hình dáng nói chung giống như cổng hay khung bầu dục, đôi khi có hình chữ nhật. Ở mỗi bên sườn của torana, ở phần dưới cùng bên trái và phải là những con voi. Đỡ bên trên là sư tử (hoặc sư tử tuyết), ngựa (hay bé trai nhỏ đôi khi nắm giữ một con ốc trên một tay và tay kia đỡ bệ ngai nằm ngang). Bên trên là một makara và trên cao hơn là một naga có phần thân trên là thân người và phần dưới cùng là đuôi rắn mở rộng về phía trước. Ở trên đỉnh là chim garuda mỏ ngoạm đuôi của hai naga từ bên dưới, hoặc cắn một naga kéo thẳng ra hai phía. Đôi khi, người ta dùng một màn trướng vải lụa trang trí công phu ở bên trên torana. Rất khó để xác định rõ các yếu tố khác biệt của torana nào thuộc nhóm “sáu mẫu hình trang trí”. Có lẽ là bé trai và ngựa bay được gộp vào một trang trí. Dù sao đi nữa thì mẫu thiết kế “sáu trang trí” của torana ở Tây Tạng phát triển muộn và được thấy chủ yếu từ thế kỷ XVII trở đi(1).

Một cách tượng trưng, “sáu mẫu hình trang trí” (garuda, naga, makara, bé trai, con ngựa, sharabha - nửa sư tử nửa nai, sư tử, voi) có nhiều ý nghĩa. Theo Thubten Legshay Gyatsho, trong sách The Gateway to the Temple (1971, 1979, tr. 46) thì “sáu mẫu hình trang trí” vừa hàm nghĩa thất chướng cần phải vượt qua trên đường tu tập, lục thiện, tứ cần, thập lực, vô nhiễm và vô cầu.

II. Torana trong kiến trúc và mỹ thuật Đông Á

Có nguồn gốc từ những torana Ấn Độ là loại cổng bài phường Trung Hoa và torii Nhật Bản. Công năng của cả ba đều tương tự, nhưng chúng khác biệt do phong cách kiến trúc riêng, như có nhiều mái vòm xếp thành dãy và “nhiều cột trụ” chống đỡ. Cổng hongsal-mun của Hàn Quốc cũng có sự liên hệ đến torii Nhật Bản và những cấu trúc tương tự tồn tại ở Thái Lan. Sự trao đổi văn hóa giữa các quốc gia đó đã diễn ra từ thời xa xưa, vì vậy mà có nhiều tập quán văn hóa từ Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có liên quan.

1. Bài phường cũng được gọi là bài lâu(2), là kiến trúc khung cửa hay kết cấu cổng ra vào/cửa ngõ theo phong cách truyền thống Trung Hoa và được cho rằng có mối liên hệ với torana của Ấn Độ.

Từ bài phường có nguồn gốc là một thuật ngữ chung về hai cấp độ phân chia hành chính cao nhất và sự phân chia các thành thị Trung Hoa xưa. Phân khu lớn nhất bên trong một thành phố Trung Hoa cổ xưa là một phường, tương đương với một phường ngày nay. Mỗi phường được bao quanh bởi những bức tường rào và các cửa ngõ được đóng lại để bảo vệ vào ban đêm. Mỗi phường được chia thành một vài bài (nghĩa đen: mảnh ván, cái bảng đề chữ làm dấu hiệu hay để yết thị gọi là chiêu bài, bài thị), nó tương đương một khu phố ngày nay. Mỗi bài lần lượt là một khu vực bao gồm vài con đường trải sỏi (ngõ, đường đi, lối đi).

Hệ thống phân chia hành chính đó được phân chia và chia nhỏ ra đến mức phức tạp trong suốt triều đại nhà Đường, và tiếp diễn trong các triều đại sau đó. Ví dụ, suốt triều đại nhà Minh, Bắc Kinh được chia thành tổng cộng 36 phường. Khởi đầu, từ bài phường biểu thị cửa cổng của một phường và đánh dấu lối vào của khu nhà liên hợp hoặc một thị trấn/thị xã; nhưng vào triều đại nhà Tống, bài phường thuần là một công trình kỷ niệm được trang trí hoa mỹ.

Những bài phường Trung Hoa này được cho rằng có nguồn gốc từ cổng torana ở các điện thờ Ấn Độ cổ xưa, mặc dù nó sở đắc những đặc tính kiến trúc truyền thống Trung Hoa như mái xếp thành dãy, nhiều cột chống, và có hình dạng cổng tò vò của cổng và tháp truyền thống.

Trong suốt triều nhà Đường, nó được gọi là ô đầu môn (nghĩa đen: cổng đầu đen), bởi phần đỉnh của hai cột trụ được sơn đen. Ô đầu môn dành riêng cho cấp bậc chính quyền hay cao hơn.

Kiểu thức ô đầu môn được chuẩn hóa vào triều đại nhà Tống. Nó gồm hai cột trụ và một xà ngang tạo hình khung và hai cánh cửa. Vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh, nó được gọi là bài lâu hay bài phường, và triển khai thành cấu trúc phức tạp tinh vi hơn với nhiều cột chống và nhiều cổng, với phức hợp kiến trúc thượng tầng trên đỉnh; quy mô lớn nhất là bài lâu năm cổng-sáu cột trụ-mười một đầu hồi.

Bài phường có nhiều hình dạng. Một dạng đặt những cột gỗ lên trên nền đá, kết với những xà rầm gỗ. Kiểu loại bài phường này luôn được trang trí tuyệt đẹp, với các cột trụ thường sơn đỏ, những xà rầm chạm khắc các đồ án phức tạp và dụng cả nghệ thuật thư pháp Trung Hoa, và mái phủ với ngói/đá lát màu, hoàn chỉnh với những con vật thần thoại – giống như hoàng cung Trung Hoa. Hình thức bài phường khác là trong dạng thức của cổng có mái vòm thật sự làm bằng đá hoặc gạch; các bức tường có thể được sơn hoặc trang trí gạch men màu, đỉnh chóp của cổng tò vò được trang trí cấu kiện bằng gỗ. Còn một dạng thức bài phường khác, xây dựng chủ yếu cho các tổ chức tôn giáo và nghĩa địa, bao gồm các cột đá trắng trơn và xà rầm, không mái ngói/đá lát cũng không trang trí màu mè, nhưng được chạm khắc tinh vi, ngoài ra còn các dạng thức khác là bài phường kiểu nhà Hán: hai tháp đối xứng.

Xa xưa, những “Bài phường tiết hạnh khả phong” được ban cho những góa phụ không tái hôn cho đến khi mãn phần nhằm tán dương sự chung thủy của họ với người chồng quá vãng. Đây là loại bài phường có chức năng là công trình kỷ niệm đầy tự hào của các cộng đồng dân cư, nơi có được những tấm gương đạo đức đáng kính thời xưa, khi các chuẩn tắc “Tam tòng Tứ đức” còn được coi là giá trị hàng đầu của phụ nữ.

2. Loại cổng thiêng Torii(3) của người Nhật có nghĩa đen là “điểu cư” - nơi chim cư trú, là cổng truyền thống Nhật Bản, phổ biến nhất là ở lối vào của điện thờ Thần Đạo, nó đánh dấu một cách tượng trưng cho sự chuyển tiếp từ cõi trần tục sang chốn linh thiêng. Sự hiện diện của một torii tại lối vào thường là cách nhận biết đơn giản nhất các điện thờ Thần Đạo, và hình một torii nhỏ bé thường được biểu thị trên những bản đồ chỉ đường ở đất nước Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng cũng là cảnh tượng phổ biến tại các chùa Phật Nhật Bản, chúng dựng trên lối vào của ngôi chùa, gọi là chinjusha (tỏa vũ xã) và thường rất nhỏ.

Sự xuất hiện đầu tiên của torii ở Nhật Bản có thể muộn nhất vào giữa thời đại Heian do được đề cập trong một văn bản viết vào năm 922. Torii đá cổ xưa nhất hiện tồn được xây dựng vào thế kỷ thứ XII và thuộc về điện thờ Hachiman ở quận Yamagata. Torii gỗ cổ xưa nhất là một ryobu torri tại điện thờ Kubo Hachiman thuộc quận Yamanashi xây dựng vào năm 1535.

Torii truyền thống được làm bằng gỗ hoặc đá, nhưng ngày nay, chúng được làm bằng bê-tông và đồng đỏ, thép không gỉ hay các chất liệu khác. Chúng thường không được sơn hoặc sơn màu đỏ son với một rầm đỡ sơn đen bên trên. Những điện thờ Inari tiêu biểu có nhiều torii do sự cúng dường từ các tín đồ khi làm ăn kinh doanh phát đạt nhằm tạ ơn đến Inari, thần của sự thịnh vượng và công nghiệp. Fushimi Inari-taisha ở Kyoto có đến vài nghìn cái torii như vậy, mỗi cái đều mang tên người dâng cúng.

Torii Nhật Bản bắt nguồn từ torana Ấn Độ và đồng thời cũng tiếp thu cảm hứng từ những bài phường Trung Hoa.

Chức năng của torii nhằm để đánh dấu lối vào một không gian thiêng. Vì lý do đó, con đường dẫn đến điện thờ Thần Đạo (sando) hầu như luôn có từ một đến vài torii, do đó đây là cách dễ dàng nhất để phân biệt một điện thờ với chùa Phật. Nếu một sando đi dưới nhiều torii thì cái bên ngoài được gọi là ichi no torii (torii đầu tiên). Tiếp theo, đến gần điện thờ hơn thường được gọi là ni no torii (torii thứ hai) và san no torii (torii thứ ba). Torii khác có thể tìm thấy xa hơn bên trong điện thờ để biểu thị sự gia tăng cấp độ thiêng liêng như nó gần bên trong điện thờ (honden), hạt nhân trung tâm của điện thờ. Cũng bởi mối liên hệ mạnh mẽ giữa điện thờ Shinto và gia đình hoàng gia Nhật Bản, torii cũng được dựng trước lăng mộ của mỗi vị hoàng đế.

Có hay không sự tồn tại của torii ở Nhật Bản trước Phật giáo, hay ngược lại, đến cùng với nó, tuy nhiên đó là một câu hỏi mở. Xa xưa, torii cũng được dựng tại lối vào chùa Phật. Thậm chí ngày nay, nổi bật là ngôi chùa Shitenno-ji thuộc Osaka, do Shotoku Taishi xây dựng năm 593 và đây là ngôi quốc tự cổ xưa nhất có torii giạng chân ở một trong những lối vào (Torii gỗ nguyên bản bị cháy vào năm 1294 và sau đó được thay thế bởi một torii bằng đá). Nhiều ngôi chùa Phật giáo bao gồm một hoặc hơn các điện thờ Thần Đạo dành cho thần bảo hộ họ kami (Chinjusha), và trong trường hợp này một torii đánh dấu lối vào điện thờ. Benzaiten/Biện Tài Thiên là một vị nữ thần nguyên hợp xuất xứ từ vị thần Ấn Độ Sarasvati hợp nhất những yêu tố của cả Thần Đạo và Phật giáo. Vì lý do đó, những sảnh đường dành riêng cho nữ thần đôi khi được miêu tả sinh động với một torii trên đầu nữ thần. Sau cùng, mãi đền thời đại Meiji (1868-1912), torii thông thường được trang trí với những thẻ bài khắc kinh Phật. Sự nối kết giữa Phật giáo Nhật Bản và torii vì thế rất xa xưa và ảnh hưởng rất sâu đậm.

Yamabishi, những ẩn sĩ khổ hạnh nơi sơn lâm Nhật Bản với truyền thống lâu dài như những chiến binh hùng mạnh được phú cho quyền năng siêu nhiên, đôi khi đươc sử dụng torii làm biểu tượng cho họ. Torii đôi khi cũng được dùng như là một biểu tượng cho ngữ cảnh phi tôn giáo Nhật Bản.

Nguồn gốc của torii không xác định rõ và có một vài giả định khác nhau về chủ đề này và không một giả định nào có được sự đồng tình. Bởi vì việc sử dụng loại nghi môn phổ biến rộng khắp châu Á: những kết cấu có thể được tìm thấy trong các ví dụ ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và trong những ngôi làng Nicobarese và Shompen, các sử gia tin rằng chúng có thể là truyền thống được nhập khẩu.

Chúng có thể có nguồn gốc từ cổng torana Ấn Độ, như ở di tích Sanchi. Theo khảo hướng này, torana được Kukai, người sáng lập Phật giáo Chân Ngôn tông, sử dụng để phân chia ranh giới không gian thiêng dùng cho nghi lễ homa. Giả định này khởi lên vào thế kỷ XIX và XX do sự tương đồng trong cấu trúc và tên gọi giữa hai loại cổng. Ngày nay, có những ý kiến phản bác về cả mặt ngôn ngữ học lẫn sử học, nhưng chưa đi đến kết luận.

Các giả thuyết khác khẳng định torii có thể liên quan đến bài lâu của Trung Hoa. Những cấu trúc đó, tuy nhiên, có thể giả định rằng trong số lượng cực kỳ phong phú về hình dạng, có một vài trường hợp thật sự tương tự như một torii. Tương tự như loại cổng hongsal-mun của Hàn Quốc. Không giống bản sao Trung Hoa, hongsal-mun không khác biệt lớn về mẫu thiết kế và luôn được sơn đỏ, với “những mũi tên” ở trên nóc của cấu trúc.

Có những từ nguyên liên hệ xa gần với từ torii. Theo một trong số chúng, tên gọi bắt nguồn từ thành ngữ tori-iru (đi xuyên qua và đi vào).

Giả thuyết khác căn cứ vào tên gọi torii (điểu cư) theo nghĩa đen: cổng có nguồn gốc là một vài kiểu loại nơi trú đậu của chim. Điều này dựa trên việc sử dụng nhằm mục đích tín ngưỡng về nơi chim đậu ở châu Á, như sotdae Hàn Quốc là những cây cột với một hay nhiều con chim bằng gỗ nghỉ trên đỉnh chóp. Rất dễ tìm thấy từng nhóm tại lối vào làng mạc các cụm cột totem (vật tổ) gọi là jangseung, chúng là những bùa phù để tránh yêu ma và mang lại sự may mắn cho người dân làng. “Chỗ chim đậu” có chức năng và hình thức tương tự với sotdae cũng tồn tại trong các nền văn hóa shaman giáo ở Trung Quốc, Mông Cổ và Siberia. Mặc dù chúng không giống như torii và có chức năng khác, song “những chỗ chim đậu” này cho thấy chim, trong một vài nền văn hóa châu Á, được tin rằng có đặc tính ma thuật hay tâm linh, và do đó có thể giúp cho việc lý giải cái nghĩa đen bí ẩn của tên gọi torii: chỗ chim đậu.

Người ta cho rằng các cột sào đỡ các con chim gỗ rất giống với sotdae đã tìm thấy cũng có những con chim gỗ, và được các sử gia cho rằng vì một lý do chưa xác định nào đó đã khởi phát, tạo nên torii ngày nay. Thật lý thú, những cột sào của Nhật Bản và Hàn Quốc biểu thị các vị thần (kami/thần trong trường hợp của Nhật Bản) và hashira (trụ) là án thờ cho kami/thần.

Ở Nhật Bản, đã từ lâu đời, chim có quan hệ với cái chết, điều này có ý nghĩa nó được nảy sinh từ sự liên kết với một vài lễ nghi đám tang thời tiền sử. Các văn bản Nhật Bản cổ xưa như Kojiki và Nihon đã đề cập cách thức Yamato Takeru sau khi chết trở thành một con chim trắng và trong hình thức con chim ông đã chọn nơi chôn cất mình. Vì lý do đó, lăng mộ của ngài sau đó được gọi là shiratori misasagi (Bạch điểu lăng). Nhiều văn bản sau đó cũng thể hiện một vài mối liên hệ giữa linh hồn ngươi chết và con chim trắng, một sự liên kết phổ biến cũng thấy trong các nền văn hóa khác, có tính shaman giáo, giống như Nhật Bản. Các chủ đề về con chim từ thời kỳ Yayoi và Kofun nối kết những con chim với sự chết chóc cũng giải thích tại sao, bất chấp về tên gọi, không dấu vết hữu hình về con chim vẫn còn trong torii ngày nay: những con chim là biểu trưng cho cái chết, và trong Thần Đạo nó mang đến sự ô uế, mất tính thiêng (kegare).

Sau cùng, có thể rằng torii là một phát kiến của Nhật Bản. Torii đầu tiên có thể đã bao gồm chức năng hiện nay, song đến nay, Nhật Bản có một tập thành torii phong phú về số lượng và đa dạng, mỗi một đều là một tạo tác riêng. Tuy nhiên, tất cả torii được quy vào hai kiểu thức chính: chinmei (thần minh hệ) và myojin (minh thần hệ). Kiểu torii chinmei có đặc điểm là dầm đỡ thẳng và có phần cao hơn kiểu torri myojin. Kiểu cổng myojin và các biến thể của nó đều có dầm đỡ cong.

3. Loại nghi môn Hongsalmun(4) (Hồng tiễn môn) của Hàn Quốc được coi là có nguồn gốc từ torii của Nhật. Nó thuộc kiểu chinmei, tức hai dầm ngang thẳng, lắp vào phần trên của hai trụ tròn dựng thẳng đứng. Hongsalmun không có mái cũng không có cửa và trên đỉnh là biểu trưng cái chĩa ba và hình tượng taegeuk. Hongsalmun thường được dựng để chỉ dẫn các di tích liên quan đến Khổng giáo, như các văn miếu, lăng mộ và các học hiệu. Hongsalmun có nghĩa “Hồng Tiễn môn” bởi trên hai dầm ngang có gắn các song sắt nhọn đầu sơn màu đỏ chỉa đứng lên trời giống như những mũi tên đỏ/hồng tiễn.

III. Từ Torana đến cổng Tam quan

Tam quan (ba cửa ải) là thuật ngữ Đạo giáo chỉ tam quan trong cơ thể con người, có nhiều thuyết khác nhau(5). Đối với nhà Phật, cổng chính của tự viện có 3 cửa – gọi là tam quan hay tam môn tượng trưng cho Tam giải thoát môn (không môn, vô tướng môn, vô tác môn) bằng trí huệ, từ bi và phương tiện; hoặc tượng trưng cho 3 món Tín, Giải và Hành nên gọi là Tam môn.

Kiến trúc Tam môn có lẽ căn cứ vào luận Đại trí độ 20 (Đại 25, 207 hạ): “Thí như ngôi chùa có 3 cửa, một thân người không thể cùng một lúc vào cả 3 cửa, chỉ có thể vào một cửa mà thôi. Thật tướng các pháp là thành Niết-bàn, thành có 3 cửa: Không, Vô tướng, Vô tác”.

Tam giải thoát môn (Trini vimoksa-mukhani) gọi tắt là: Tam giải thoát, Tam thoát môn, Tam môn, chỉ cho Không môn, Vô tướng môn và Vô nguyện môn, giúp cho người tu hành được giải thoát, đến Vô dư Niết-bàn.

1. Không môn (Sunyata): Quán tất cả pháp đều không tự tánh, do nhân duyên hòa hợp mà sanh, nếu thông đạt như thế thì được tự tại với các pháp.

2. Vô tướng môn (Animitta, còn gọi: Vô tưởng môn): Đã biết tất cả pháp là không, liền quán các tướng nam, nữ, nhất dị… thật bất khả đắc. Nếu thông đạt được các pháp vô tướng như thế thì lìa tướng sai biệt và được tự tại.

3. Vô nguyện môn (Apranihita, còn gọi: Vô tác môn, Vô dục môn): Nếu biết tất cả pháp vô tướng thì không mong cầu điều gì trong 3 cõi; nếu không mong cầu thì không tạo tác các nghiệp sanh tử; nếu không có nghiệp sanh tử thì không có cái khổ quả báo và được tự tại.

Tam giải thoát môn là y theo 3 tam muội vô lậu mà vào, tam muội này giống như cánh cửa đi vào giải thoát, nên gọi là Tam giải thoát môn. Nhưng tam muội chỉ có 2 thứ là hữu lậu và vô lậu. Vì Tam giải thoát môn có các pháp đặc biệt thế gian, xuất thế gian thanh tịnh và vô lậu, cho nên là cửa vào Niết-bàn(6).

Nói chung, xuất phát từ Tam giải thoát môn nên các tự viện đều gọi cổng chùa là Tam môn hay Tam quan. Cách gọi này có tính ước lệ, thậm chí các tự viện có cổng chỉ một cửa cũng gọi tam môn/tam quan, chứ không nhất quyết có đủ 3 cửa. Nội hàm của khái niệm Tam quan/Tam môn như vậy đã biểu thị một nội dung khá xa so với Torana. Song xét về chức năng trang nghiêm chốn thờ tự hay đối tượng sùng kính và đặc điểm kiến trúc nghệ thuật, chúng ta thấy mối liên hệ ít nhiều giữa torana và tam quan, ở đây cũng cần lưu ý về mối quan hệ có phần trực tiếp hơn của kiểu thức kiến trúc bài phường/bài lâu đối với cơ cấu kiến trúc nghệ thuật cổng tam quan ở xứ ta.

HUỲNH THANH BÌNH

Chú thích:

(1) Xem: - Parul Pandya Dhar. The Torana in Indian and Southeast Asian Architecture, D K Printworld xb, 2010.

  - Ram Nath. Studies in Medieval Indian Architecture. M.D. xb, 1995.

  - Nick Edwards, Mike Ford, Devdan Sen, Beth Wooldridge, David Abram. The Rough Guide to India. Rough Guides xb, 2003.

   - A.H. Longhurst. Story Of The Stupa, 1995, tr.17.

(2) Xem:  - Ronald G. Knapp. China's old dwellings, Đại học Hawaii xb, 2000, tr. 85.

         - Simon Foster; Jen Lin-Liu; Sharon Owyang; Sherisse Pham; Beth Reiber; Lee Wing-sze . Frommer's China. Frommers xb, 2010, tr.435.

   - Joseph Needham. Science and Civilization in China, quyển 4, phần 3, tr.137-138.

(3) Xem: - Encyclopedia of Shinto, Đại học Kokugakuin.

  - Bocking, Brian (1997). A Popular Dictionary of Shinto, Routledge xb, 1997.

  - James Edward Ketelaar. Of Heretics and Martyrs in Meiji Japan, Đại học Princeton xb, 1990, tr.59.

  - Picken, Stuart. Essentials of Shinto: An Analytical Guide to Principal Teachings (Resources in Asian Philosophy and Religion), Greenwood xb, 1994, tr.148–160.

(4)  Xem: - An Illustrated Guide to Korean Culture - 233 traditional key words, Hakgojae xb. 2002, tr.186–187.

   - Guisso, Richard W. I.; Yu, Chai-Shin. Shamanism: The Spirit World of Korea. Jain xb, tr.56.

(5) Xem thêm: Lao Tử, Thịnh Lê (chủ biên). Từ điển bách khoa Nho-Phật-Đạo, NXB.Văn Học, 2001, tr.1249.

Tam quan, “Ba cửa ải”. Thuật ngữ Đạo giáo. Có nhiều thuyết. 1- Chỉ Tam quan trong cơ thể con người, hơn nữa còn chia ra làm Tiền hậu: Ấn đường là Thượng quan, Trùng lâu là Trung quan, Giáng cung là Hạ quan, đó là Tiền Tam quan. Hậu Tam quan gồm: Vĩ Lư là Thái huyền quan, Giáp tích là Lộc lư quan, Ngọc chẩm là Thiên cốc quan. Tiền Hậu tam quan này là con đường luyện đan. 2- Chỉ Nê hoàn là Thiên quan, Đan Điền là Địa quan, Giáng cung là Nhân quan. Đó là Tam quan trong thân thể con người. Như trong Hoàng đình nội cảnh kinh có câu: “Tinh khí hỗn độn ở trong Tam quan”. 3- Chỉ tai, mắt, miệng (Nhĩ, Mục, Khẩu). Như Hoài Nam Tử - Chủ thuật nói: “Mắt nhìn bậy thì dâm, tai nghe bậy thì lú, miệng nói bậy thì loại. Tam quan (ba cửa) đó không thể không giữ gìn cẩn thận”.

(6) Xem: Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 7: QU, S, T; tr.6048, 6201, 6249, 6280-628.

 

Chú thích hình:

A1: Torana tháp Sanchi, Ấn Độ

A2: Bài phường chùa Wofo, Bắc Kinh, Trung Quốc

A3: Torii, Nhật Bản

A4: Hongsalmun (Hồng tiễn môn), Hàn Quốc

A5: Cổng tam quan, chùa Hội Khánh, Bình Dương

A6: Torana trang trí phía sau tượng Phật

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác