Huyền Không: Ngôi chùa Treo kỳ thú ở Trung Quốc

huyen khong

Nguyễn Đăng


Huyền Không tự (hay còn được gọi là chùa Treo, Hanging Pagoda) tọa lạc tại Hằng sơn (恒山), cách thành phố Đại Đồng (大同) khoảng 65 km, thuộc tỉnh Sơn Tây (山西), Trung Quốc. Mặc dù Hằng sơn được xem là một trong năm ngọn núi thiêng của Đạo giáo, Huyền Không lại là một ngôi chùa Phật giáo.

Chùa Huyền Không được xây dựng hơn 1500 năm trước, và quá trình xây dựng được cho là kéo dài từ năm 471 đến năm 523dưới thời Bắc Ngụy (北魏386–535). Theo sử sách ghi chép, ngôi chùa này do một Tăng sĩ có tên là Liễu Nhiên (了然) xây dựng, và chỉ một mình ông thực hiện công trình này.Ngôi chùa được nâng cấp và mở rộng trong những triều đại về sau, đặc biệt vào các triều Đường (618-907), Nguyên (1115-1234), Minh (1368-1644), và Thanh (1644-1911). Tuy nhiên phần kiến trúc chính của chùa Huyền Không như được thấy ngày nay chính yếu được thực hiện từ những lần trùng tu vào thời Minh và Thanh. Việc trung tu gần nhất là vào năm 1900.

Treo mình bên vách núi cách mặt đất hơn 50 mét và bao gồm 40 điện thờ và phòng ốc, chùa Huyền Không được dựng trên một sàn đỡ với sự trợ giúp của các xà gỗ mà chúng được gắn chặt vào trong vách đá phía sau các ngôi điện. Người xây dựng ngôi chùa này đã chọn thuyết cơ học trong xây dựng, đục lỗ từ vách núi và cắm dầm vào trong lỗ đề làm bệ đỡ cho ngôi chùa. Nhìn từ bên ngoài, ta dễ nghĩ rằng ngôi chùa được chống đỡ bằng những cây cột gỗ mong manh dễ gãy. Thực ra, khi ngôi chùa vừa được hoàn thành, không có bất kỳ cột chống nào được sử dụng để chống đỡ ngôi chùa; và điều này khiến cho người ta không dám lên chùa.Vì vậy về sau, người cai quản chùa phải cho bổ sung thêm một số cột gỗ chống để làm yên tâm người chiêm bái. Như vậy những cột chống chỉ được sử dụng với mục đích làm yên tâm người chiêm bái chứ thực sự không phải với mục đích chống đỡ ngôi chùa.

Người ta cho rằng ở ngôi chùa này có ba điểm đặc biệt, đó là sự kỳ lạ, độ nguy hiểm và sự khéo léo trong kiến trúc. Vẫn không ai biết được vì sao nhà sưkia đã chọn vị trí như vậy để xây dựng ngôi chùa. Người ta chỉ có thể đoán rắng có thể nhà sư muốn chọn nơi này để hạn chế người thăm viếng và có một không gian yên tĩnh để tu hành với mong muốn không một tiếng gà gáy hay tiếng cho sủa nào có thể lọt đến ngôi chùa. Và cũng có giả thuyết cho rằng, nhà sư muốn xây dựng ngôi chùa như vậy để tránh những cơn lũ ở phía dưới.

Sáu ngôi điện chính của tu viện được được nối với nhau một cách tài tình bằng những chiếc cầu lót ván, lối đi và hành lang quanh co. Cũng như những ngôi chùa, con đường dẫn lên đó cũng trông khá nguy hiểm, nhưng nó có rào chắn an toàn để du khách có thể thấy yên tâm khi lên chùa.

Chùa Huyền Không lưu trữ nhiều tranh tượng cũng như những tác phẩm điêu khắc khác, được khắc chạm bằng những chất liệu khác nhau như đồng, sắt, đá, sành. Trong số những bức tượng, tượng Đức Phật Thích Ca, hộ pháp Vi Đà được đúc tạc rất sống động. Nhưng điểm gây chú ý nhất của chùa Huyền Không là sự hiện diện của những bức tượng Lão Tử, Khổng Tử và Phật Thích Ca được đặtthờ cận nhau ở trong Tam giáo đường. Việc có mặt tôn tượng của cả ba tôn giáo ở trong một ngôi chùa được giải thích khác nhau. Có giả thuyết cho rằng là do khu vực phía Bắc của Trung Quốc thường bị những người nước ngoài chiếm đống, nên người cai trị lúc bấy giờ cho thờ cả ba tôn giáo trong một ngôi chùa như là phương cách giữ sự hòa hợp của quần chúng. Cũng có sự giải thích khác là do ngôi chùa tọa lạc tại một nơi xa xôi và nó được những người du hành làm nơi dừng chân trong những cuộc hành trình của họ. Vì người du hành theo những tôn giáo khác nhau, và vì vậy những đối tượng được phụng thờ ở đây được thêm vào để đáp ứng những nhu cầu tôn giáo đó.Tuy nhiên cũng có giải thích khác rằng, việc có mặt cả ba tôn giáo ở đây đã giúp cho ngôi chùa này tồn tại đến ngày hôm nay, không bị tàn phá bởi những binh sĩ theo 3 tôn giáo khác nhau khi họ đánh chiếm vùng này, bởi vì họ nghĩ rằng giáo chủ của tôn giáo họ đang được phụng thờ ở đó.

Những danh nhân nỗi tiếng của Trung Quốc như thi nhân Lý Bạch đời nhà Đường hay văn nhân đời Minh là Từ Hà Khách đã từng viếng thăm ngôi chùa này. Lý Bạch khi đến nơi này, cảm kích trước khung cảnh hùng vĩ của danh thắng, đã đề bút với hai chữ “tráng quan” (cảnh quan hùng tráng).Năm 1982, ngôi chùa được chính quyền Trung Quốc xếp vào di sản văn hóa quan trọng cần được bảo vệ. Năm 2010, chùa Huyền Không được Tạp chí Times của Mỹ liệt vào Mười kiến trúc kỳ lạ và nguy hiểm nhất thế giới.

Trải qua hơn 2500 năm phơi mình với tuế nguyệt nhưng chùa Huyền Không vẫn an trụ vững chắc bên vách núi. Vượt ra khỏi mục đích sử dụng ban đầu của nó là làm nơi tu tập thoát ly thế giới trần tục, ngôi chùa hiện là một địa điểm du lịch hấp dẫn và kỳ thú mà nó đã lôi cuốn rất nhiều khách du lịch đến đây. Ngoài kiến trúc độc đáo với những di vật còn được lưu giữ lại, ngôi chùa còn khiến cho du khách cảm nhận một không gian văn hóa tâm linh cổ xưa và một bầu không khí yên bình khi đến nơi này.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác