Đôn Hoàng

don hoang

Đôn Hoàng

Nguyễn Đăng

 

Đôn Hoàng (敦煌), một ốc đảo nằm trên Con đường tơ lụa xưa của Trung Quốc, nay nằm ở phía Tây tỉnh Cam Túc và phía Đông sa mạc Taklamakan (塔剋拉瑪乾沙漠/ Tháp-khắc-lạp-mã-can sa mạc), là một địa danh rất quan trọng về phương diện lịch sử, với cả Phật giáo và Trung Quốc. Là một điểm dừng chân quan trọng trên những con đường thương mại nối kết Trung Quốc và Trung Á, nhưngĐôn Hoàngkhông chỉ là nơi dành cho những đoàn thương buôn dừng nghỉ, mà cũng là điểm giao thoa văn hóa, nghệ thuật và tôn giáo.

Di sản thế giới được UNESCO công nhận này xác chứng cho một ngàn năm trao đổi văn hóa và nghệ thuậtcũng như sự phát triển rực rỡ của Phật giáo. Trong mười thế kỷ (từ thế kỷ IV đến XIV), Đôn Hoàng phát triển không ngừng nhờ vào vị trí địa lý chiến lược của nó. Những hang động Mạc Cao (莫高窟), tọa lạc bên ngoài ốc đảo Đôn Hoàng 25km, trở thành một kho lưu trữnhững tư liệu về đời sống tôn giáo, nghệ thuật, kinh tế, chính trị và xã hội của vùng đất này, được minh họa qua những bích họa, những tác phẩm điêu khắc, và được phản ảnh ở nơi những vật thể và tài liệu được tìm thấy bên trong quần thể những hang động này(Về các hang động Mạc Cao, sẽ được trình bày trong một bài khác).

Trước thể kỷ III tr.TL, Đôn Hoàng là nơi sinh sống của người Nguyệt Thị (Yuezhi/月氏),Ô Tôn (Wusun/烏孫)và Hung Nô (Xiongnu/).Vào thế kỷ II tr.TL, một thanh niên người Trung Quốc có tên là Trương Khiên (张骞) đãhai lần đến nơi này và sau đó đến những vùng xa xôi khác ở phía Tây. Hành trình của ông là thuộc số những hành trình quan trọng nhất trong lịch sử, bởi vì ông đã ghi chép những thông tin có giá trị về lịch sử và địa lý của vùng đất này, đưa Trung Quốc đến khám phá châu Âu do đó khai sinh nên Con đường tơ lụa.

Đôn Hoàng được Vũ Đế Nhà Hán thiết lập như một pháo đài vào năm 111 tr.TL để mở rộng sức mạnh quân sự và vì những lợi ích thương mại. Triều đình cũng đưa người từ chính quốc đến định cư ở đây và đống quân để bảo vệ và khai phá đất đai. Từ đó về sau Đôn Hoàng trở thành một tiền đồn quan trọng. Là cửa ngõ đến Trung Á, nó cũng phát triển thành một trung tâm thương mai, nhập khẩu vào những thứ như thuốc men, đồ gia vị, rượu, thảm, gỗ trầmv.v.., và xuất khẩu lụa và đồ sứ v.v… Bởi vì thương mại mang về tài sản lớn cho Trung Quốc, một cuốc đấu tranh không hồi kết đã xảy ra giữa người Trung Quốc và những tộc người khác để kiểm soát huyết mạch kinh tế này. Nhưng bất kể ai kiểm soát khu vực này, nó luôn đầy nguy hiểm đối với những đoàn thương buôn khi họ có thể bị kẻ cướp tấn công bất cứ lúc nào hay chịu cảnh đói khát. Nhưng bất chấp những hiểm nguy, Con đường tơ lụa vẫn phát đạt.

Khi xã hội Trung Quốc hỗn loạn vào thời Nam Bắc triều (thế kỷ III-VI), Đôn Hoàng tương đối bình an và trở thành một trung tâm tỵ nạn. Thời kỳ này dân số nơi này gia tăng và triết học cũng như tôn giáo bắt đầu hưng thịnh. Một nhóm những Nho gia đã phát triển triết học của họ ở đây. Và văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là Phật giáo, cũng được truyền vào vùng đất này.

Vào thế kỷ III, ngàiTrúc Pháp Hộ(竺法護, Dharmarakṣa) người gốc Nguyệt Thị (月氏, Yuezhi),đã hành hoạt rất tích cực ở Đôn Hoàng sau khi đến Trường An và Lạc Dương. Ông là một dịch giả xuất chúng, thuyết giảng và dịch kinh Phật trong nhiều năm và có biệt danh là “Bồ-tát Đôn Hoàng”. Ngài Trúc Pháp Phong (竺法豐, Dharmakṣema), một dịch giả Phật giáo khác, cũng đã từng lưu trú ở nơi này vào thế kỷ V.Và chúng ta biết rằng, dịch giả Phật giáo quan trọng nhất thời kỳ đầu, ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) từ Kucha (Dao Tần), đã hành hoạt tại Đôn Hoàng trước khi đến Trường An. Từ đó về sau, những phái đoàn truyền đạo và những người hành hương Phật giáo trong hành trình thỉnh kinh và chiêm bái các thánh tích, cũng đã đi ngang qua đây. Những Tăng sĩ Phật giáo nỗi tiếng như Pháp Hiền và Huyền Trang đã dừng chân ở đây khi đến Ấn Độ thỉnh kinh và chiêm bái. Theo đó, một cộng đồng Phật giáo được hình thành ở Đôn Hoàng, và những kiến trúc Phật giáo như chùa, tháp, được kiến tạo. Một loại kiến trúc mới – kiến trúc chùa hang động –theo đó cũng được bắt đầu.

Hang động sớm nhất, theo ghi chép, được một vị du tăng tên là Lạc Tôn kiến tạo vào năm 366 TL. Khi đến ngọn núi này, ông bất chợt nhìn thấy những tia sắc vàng phát ra như thể hàng ngàn vị Phật xuất hiện trên vách núi. Sau đó ông khoét một cái hang và trú ở đó. Sau ông, một vị Thiền sư tên là Pháp Lương (法良) đã đục chiếc hang thứ hai gần kề hang của Lạc Tôn. Những hang động này ngày nay không thể xác định được vị trí. Những ngôi chùa đầu tiên ở đây được tin cũng do hai vị Tăng sĩ này xây dựng. Những việc xây dựng này có thể có sự hỗ trợ của những Phật tử địa phương. Bên cạnh Phật giáo, một vài tôn giáo giáo nước ngoài khác chẳng hạn như Mazdaism, phái Thiên chúa giáo Nestorian và Mani giáo, cũng đến Trung Quốc bằng Con đường tơ lụa cùng với nghệ thuật và văn chương của họ.

Giữa thế kỷ IV và VI, thời Thập lục quốc (366-439), Đôn Hoàng nằm dưới sự kiểm soát của những vị cai trị du mục. Vào năm 439, Đôn Hoàng thuộc về Bắc Ngụy. Mặc dù triều đình cho chuyển phần lớn dân chúng đến nơi khácnhằm loại bỏ đi những truyền thống du mục của họ, việc kiến tạo hang động vẫn thịnh hành và ít nhất có 32 hang động được đục vào thời này. Vào những triều đại tiếp theo là Tây Ngụy (534-556) và Bắc Chu (557-581), có nhiều sự kiện ngược đãi tôn giáo xảy ra. Tuy nhiên, do Đôn Hoàng nằm cách xa chính quốcnên những hang động Mạc Cao dường như thoát khỏi sự đàn áp này. Vô số những hang động đặc biệt được kiến tạo vào thời kỳ này.

Triều Tùy (581-618) chỉ kéo dài 37 năm nhưng nó đã thống nhất Trung Quốc và chấm dứt sự hỗn loạn xã hội. Hệ thống chính trị và văn hóa của nó đã tạo ra một nền tảng vững chắcvề sau cho triều Đường (618-907). Hai vị hoàng đế nhà Tùy là trong số những vị bảo trợ Phật giáo nhiệt thành nhất ở Trung Quốc. Phật giáo hưng thinh khắp vương quốc và vô số chùa tháp được xây dựng. Việc kiến tạo hang động đạt đến những đỉnh cao mới vào thời kỳ này.

Nghệ thuật và văn minh của Con đường tơ lụa đạt đến đỉnh điểm vinh quang nhất vào triều Đường khi đế quốc Trung Quốc đạt đến kỷ nguyên vàng son nhất trong lịch sử của nó. Vào đầu đời Đường, lãnh thổ của vương quốc được mở rộng và nó trở nên rất hùng mạnh. Hoàng đế Đại Tông (trị vì từ 627-649) củng cố sức mạnh quân sự ở khu vực Tây Hạ, nhờ đó đã bảo đảm một sự phát triển liên tục và ổn định văn hóa và kinh tế của Đôn Hoàng. Giữa những năm 781 và 847, bởi sự suy thoái của nhà Đường, Đôn Hoàng bị những người Tây Tạng (Tubo) kiểm soát và những người này cũng nhiệt huyết trong việc xây dựng chùa tháp và khắc đục các hang động.

Năm 847, một vị quan địa phương tên là Trương Nghị Triều đã tái thiết lại sự cai trị của Trung Quốc ở vùng đất này. Ông kiểm soát tất cả 11 huyện ở Tây Hạ với đội quân của mình được đặt ở Đôn Hoàng. Ông thề trung thành với triều đình nhà Đường và được phong tước hầu, tuy vậy ông vẫn củng cố sự phòng thủ để bảo đảm sự độc lập của Đôn Hoàng. Ông cũng thiết lập một hệ thống kế thứa nhưng về sau, do thiếu một vị hậu duệ, quyền lực được chuyển giao cho những người họ Cao và dòng họ này tiếp tục cai trị mãi cho đến năm 1036, trước khi phục tùng Tây Hạ (1036-1227). Để củng cố quyền lực của mình, những người họ Cao thành lập liên minh với các vương quốc xung quanh như Khotan và những vùng khác của Uyghur thông qua kết hôn. Tất cả họ ủng hộ Phật giáo và tận tâm với việc kiến tạo hang động. Họ cũng cho họa vẽ những hình ảnh gia đình của họ lên các hang động để khẳng định quyền lực chính trị của họ.

Vào cuối đời Đường, một khu vực rộng lớn của Bắc Trung Quốc chịu sự cai trị của Liêu triều (907-1125), trong khi khu vực lớn khác lại do Tây Hạ kiểm soát. Đôn Hoàng rơi vào tay những người Uyghur vào thế kỷ XII trong khoảng 50 năm, sau đó nó bị những người Tangut xâm chiếm và cuối cùng vào năm 1227, những người Mông Cổ mà họ đã thiết lập nên nhà Nguyên (1271-1368), đã kiểm soát nó.

Suốt thời kỳ này, một vài hang động vẫn được kiến tạo ở Đôn Hoàng, nhưng sớm giảm số lượng. Con đường thương mại khác là bằng đường biển được phát triển và nhà Nguyên đã chú trọng phát triển về phía Tây, khiến cho Đôn Hoàng không còn là một vị trí chiến lược. Sự cạn kiệt dần những con sông mà chúng cung cấp nước cho ốc đảo đã ảnh hưởng đến điều kiện sống ở đây. Bên cạnhđó,sự xâm chiếm của những chiến binh hồi giáo đến từ A-rập đã làm chấm dứt những hoạt động đa văn hóa. Những yếu tố này đã khiến cho Đôn Hoàng bị bỏ quên và suy tàn.

Khi Trung Quốc rơi vào thời kỳ hỗn loạn vào cuối thời nhà Thanh (1638-1911), một Đạo sĩ tên là Vương Viên Lục (王圓籙) tình cờ khám khá ra một “thư viện hang động” được bít kín vào năm 1900, mà nó chứa hơn 5.000 bản chữ viết, lụa và tranh vẻ, tranh thêu v.v… Tại sao hang động này được bít kín với nhiều di vật quý giá ở bên trong vẫn còn là một bí ẩn. Sự khám phá này đã đưa những sử gia, nhữngnhà khảo cổ học nước ngoài đến đây vào những thập niên đầu của thế kỷ XX và đưa Đôn Hoàng trở lại một trang sử mới.

Ngày nay Đôn Hoàng trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức những tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, được dạo khu chợ đêm mà ở đó ta có thể mua những món hàng hay thưởng thức những món ăn mang hương vị “Con đường tơ lụa”. Nhưng đến Đôn Hoàng, có lẽ ý nghĩa nhất là dịp để ta thưởng ngoạn những công trình kiến trúc cổ, những tác phẩm nghệ thuật cổ xưa đặc sắc, được tiếp xúc với một mảnh đất từng là điểm giao thoa về văn hóa, nghệ thuật, triết học và tôn giáo; được chứng kiến một bảo tàng thư viện Phật giáo đồ sộ, nơi lưu giữ vô số những tài liệu quý giá mà không nơi nào có được.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác