Chùa Hàn Sơn

chua han son


Nguyễn Đăng

Chùa Hàn Sơn (寒山寺) tọa lạc tại thị trấn Phong Kiều (楓橋鎮), cách thành phố Tô Châu (苏州市) 5km, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Chùa Hàn sơn vốn được gọi là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp Viện (妙利普明塔院)và về sau mới đổi thành tên gọi Hàn Sơn như ngày nay. Sự thay đổi tên gọi này liên quan đến hai vị Tăng sĩ đời Đường là Hàn Sơn (寒山) và Thập Đắc (拾得). Câu chuyện về hai vị Tăng liên hệ với việc thay đổi tên gọi ngôi chùa này được kể như sau:

Vào triều hoàng đế Trinh Quán (貞觀627 - 648) đời Đường, có hai thanh niên tên là Hàn Sơn[1] và Thập Đắc[2], và họ là bằng hữu của nhau khi còn thiếu thời. Khi lớn lên, Hàn Sơn được cha mẹ sắp xếp kết hôn với một cô gái trong vùng, tuy nhiên cô gái đó đã đem lòng yêu Thập Đắc. Khi biết được sự tình này Hàn Sơn vô cùng đau khổ, nhưng rồi nỗi đau khổ đãnhanh chóng qua đi. Sau đó Hàn Sơn viết một lá thư để lại cho Thập Đắc, nói rằng ông muốn Thập Đắc kết hôn với cô gái kia và hãy sống hạnh phúc với nhau trọn đời. Hàn Sơn sau đó đến Tô Châu xuất giađầu Phật. Sau nửa tháng không thấy bạn đâu, Thập Đắc cảm thấy lo lắng nên đến nhà Hàn Sơn tìm bạn. Ở đó ông thấy lá thư của Hàn Sơn để lại với nội dung khuyên ông nên kết hôn với cô gái kia. Thập Đắc vô cùng buồn bã và rồi lên đường tìm đến Tô Châu để gặp Hàn Sơn. Ở đó hai người bạn đã gặp lại nhau và Thập Đắc sau đó cũng xuất gia sống ở chùa Hàn Sơn cho đến hết đời. Và kể từ đó tên cũ của ngôi chùa được đổi thành Hàn Sơn theo tên gọi của vị trụ trì.

Hàn Sơn được xem là một trong mười ngôi chùa nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Chính sự nổi tiếng và vẻ đẹp của nó đã thu hút nhiều du khách cũng như giới văn nhân đến đây chiêm bái và thưởng lãm, trong đó có Trương Kế (张继) – một thi nhân đời Đường, và ông đã để lại một bài thơ bất hủ cho đến ngày nay. Phong kiều dạ bạc (枫桥夜泊) của ông là bài thơ khá quen thuộc với nhiều người. Chính bài thơ này đã giúp cho tên tuổi của Trương Kế nổi tiếng hơn, và cũng chính bài thơ này đã khiến cho nhiều người biết đến chùa Hàn Sơn hơn.

Nguyệt Lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

(Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San. - Tản Đà dịch).

Chùa Hàn sơn được xây dựng giữanăm 502-519 dưới thời nhà Lương () và được trùng tu nhiều lần trong những triều đại về sau. Giữa đời nhà Nguyên và nhà Thanh, ngôi chùa bị phá hủy năm lần nhưng sau đó nó được sửa chữa trở lại. Lần trùng tu gần nhất là vào năm 1906 và nó mang phong cách kiến trúc của triều Thanh (1644-1911). Tổng thể kiến trúc bao gồm Đại hùng bảo điện, tòa kinh các, tháp chuông, hoằng pháp đường v.v… Vào năm 1995, một ngôi tháp năm tầng được xây dựng và được đặt tên là Phổ Minh (普明寶塔), và nó trở thành một biểu tượng của quần thể này.

Trong Đại hùng bửu điện chùa Hàn Sơn có một đĩnh đồng lớn, phía trước đĩnh đồng có khắc bốn chữ “Nhất bổn chánh kinh” (一本正經) và phía sau là bốn chữ “Bách luyện thành cương” (百煉成鋼). Có một huyền thoại liên quan đến tám chữ viết này. Chuyện kể rằng những Tăng sĩ Phật giáo và Đạo sĩ tranh luận với nhau là kinh của tôn giáo nào lửa không thể thiêu cháy. Thế rồi những Tăng sĩ Phật giáo đã đặt kinh Kim cương vào trong lửa được đốt trong đĩnh đồng này nhưng quyển kinh không hề bị cháy. Do đó người ta đã khắc tám chữ này lên đĩnh đồng để ghi nhớ sự kiện này.

Giống như hầu hết mọi ngôi chùa khác ở Trung Quốc, ở chùa Hàn Sơn có một Đại hùng bửu điện và một Tàng kinh các (藏经楼). Nhưng có sự khác nhau là ở Hàn Sơn không thờ tượng Bồ-tát Quan Âm mà thay vào đó là tượng của Hàn Sơn và Thập Đắc. Phía Nam của Tàng kinh các có một tháp chuông, và ở đó treo một quả chuông hình lục giác. Tuy nhiên, quả chuông nổi tiếng như được đề cập trong bài thơ Phong kiều dạ bạccủa Trương Kế đã không còn. Quả chuông hiện tại ở chùa được đúc vào năm 1904 phỏng theo hình dạng quả chuông trước đó.

Trong Hoằng pháp đường (弘法堂) tôn trí những bức tượng đồng của những nhân vật nổi tiếng Phật giáo như tượng ngài Huyền Trang, Giám Chân (鑒真, một Tăng sĩ đời Đường, từng đến thuyết pháp ở Nhật Bản) và Không Hải (một Tăng sĩ Nhật bản, đến Trung Quốc học Phật vào thế kỷ IX. Ông từng viếng chùa Hàn Sơn khi sống ở Trung Quốc). Ngoài ra còn có nhiều di tích khác được lưu trữ ở chùa Hàn Sơn như phiến đá khắc bài thơ “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế, những bản chữ viết của một vài tri thức Trung Quốc xưa v.v…

Hàn Sơn hiện vẫn là một ngôi chùa nổi tiếng ở Trung Quốc với những sinh hoạt Phật giáo được tổ chức hàng năm tại đây. Ngoài việc chiêm bái chùa Hàn Sơn khi đến Tô Châu, ta cũng có thể thưởng thức những cảnh đẹp xung quanh Hàn Sơn như Phong Kiều, nơi thuyền của Trương Kế từng neo đậu, và ở đó ta có thể cảm nhận được đời sống thường nhật của dân chúng ở thị trấn Phong Kiều. Ta cũng có thể ngắm Đại Vận hà (大運河), một con sông/kênh đào dài nhất thế giới (1.794km ) chảy từ Bắc Kinh đến Giang Tô.

 



[1] Hàn Sơn là một Tăng sĩ sống vào đời Đường. Cuộc đời của ông không được biết nhiều và có giả thuyết cho rằng ông là một quan lại nhỏ trước khi xuất gia đầu Phật.Ngoài là một Tăng sĩ, ông còn là một thi nhân và để lại khoảng 600 bài thơ.

[2]Thập Đắc là một Tăng sĩ sống cùng thời với Hàn Sơn, cũng là một người bạn của Hàn Sơn những ít tuổi hơn. Thập Đắc sống như một vị Tăng và công quả suốt đời ở trong nhà trù chùa Quốc Thanh (国清寺) trên núi Thiên Thai. Tuy nhiên trong giai thoại về ông thì nói ông đã sống cùng chùa với Hàn Sơn. Số lượng thơ của Thập Đắc không được biết, hiện chỉ còn 49 bài, và đều là những bài thơ ngắn.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle