Bích họa về bộ Jakata quan trọng của Phật giáo Nam tông khmer Nam bộ

bich hoa ve

BÍCH HỌA VỀ BỘ MƯỜI JATAKA QUAN TRỌNG

CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER NAM BỘ

 

Kinh Bổn sanh(Jataka), hay “hợp tuyển những câu chuyện về tiền kiếp của Đức Phật”, được xem là một phần tiểu sử Đức Phật, kể lại chi tiết tiền kiếp Ngài như là một vị Bồ-tát. Chúng cấu thành tập thứ 10 của bộ Khuddaka Nikaya thuộc tạng SuttaPitaka/Pāli tạng. Những câu chuyện Jataka trở thành một phần không thể thiếu của truyền thống các nước Đông Nam Á, bao gồm cả cộng đồng Khmer Nam Bộ, thông qua những tác phẩm chạm khắc phổ biến và sau này là các tranh vẽ như để minh chứng cho điều này. Mỗi câu chuyện Jataka bao gồm một hoặc nhiều thể thơ. Có 547 chuyện kể Jataka, mỗi câu chuyện với một đức hạnh đặc trưng của Đức Phật.

547 câu chuyện Jataka Pāli thuộc về kinh sách Phật giáo Nam Ấn Độ, phân biệt với Jatakamala thuộc về kinh tạng Phật giáo Bắc Ấn Độ. Jatakamala chỉ bao gồm 34 câu chuyện kể bằng Phạn ngữ, tác giả được quy cho nhà thơ Arya Sura, pháp danh Ashvaghosha, và là người biên soạn Buddhacarita. Trong truyền thống Trung Hoa, Jatakamala được viết vào khoảng năm 960 và 1127. Mặc dù thuộc về các trường phái khác nhau, tất cả các chuyện kể Jataka đều dựa trên cơ sở từ kho truyện ngụ ngôn xa xưa phổ biến.

Ở các chánh điện/vihara của người Khmer Nam Bộ, bộ mười chuyện kể Jataka cuối cùng – tiếng Khmer gọi là Tô chiêk, được sử dụng một cách phổ biến trong nghệ thuật vẽ tranh truyện, mỗi chuyện kể thông thường sẽ chiếm một ô đơn, thể hiện một cảnh được miêu tả rõ ràng chứa đựng nội dung cốt lõi của toàn bộ câu chuyện. Nếu một vài tình tiết của một câu chuyện Jataka đơn lẻ được thể hiện, chúng cũng được gom vào một cảnh tiêu biểu trong một ô.

Mười truyện Jataka cuối cùng

Thông qua truyền thống truyền miệng, tụng đọc và những hình thức thể hiện khác, các truyệnJatakađãgóp phần hoằng hóa Phật pháp phổ biến hơn các văn bản kinh tạng khó hiểu hơn. Mười truyện Jataka cuối cùng, mỗi truyện hàm chứa các đức hạnh được tóm lược dưới đây(1). Các tên gốc của mỗi Jataka, và đính kèm tên gọi phổ biến được dân chúng thường gọi, nằm trong dấu ngoặc đơn:

Temiya Jataka (Tee Miya; Muga-pakkha); hy sinh/từ bỏ.

Mahajanaka Jataka (Manimekhala); kiên nhẫn/kiên trì.

Sama Jataka (Sovannasam); bố thí và lòng trắc ẩn.

Nimi Jataka (Nimi; Nimiriech); kiên quyết/kiên định.

Candakumara Jataka (Khandahala); cực kỳ nhẫn nại và tự chủ.

Bhuridatta Jataka (Puritoat); kính trọng người tu hành khổ hạnh.

Maha-narada-kassapa Jataka (Preah Noroot hoặc Promanarat); bổn phận/trách nhiệm đạo đức/phẩm hạnh.

Vidhurapandita Jataka (Vidura Pandit); sự hiểu biết/thông thái.

Maha-Ummagga Jataka (Mahosadha); sự hiểu biết/thông thái.

Vessantara Jataka (Vessandaa); sự cực kỳ rộng lượng.

1. Temiya Jataka

Temiya, người con trai trẻ tuổi của nhà vua xứ Benares. Hoàng tử quyết định không kế vị cha mình sau khi chứng kiến vua cha giáng những hình phạt khắt khe và thực hiện hành hình bắt buộc theo luật lệ hoàng gia. Quá kinh hãi về sự trừng trị tàn bạo mà theo vua cha là để thể hiện sự nghiêm trị. Nhằm tránh trở thành một vị vua như cha mình, hoàng tử quyết định giả vờ như câm què. Mẹ chàng và bảo mẫu ra sức nuôi dưỡng chàng với những món ăn thơm ngon và trái cây ngọt lành, hay cho chàng chơi với các thứ đồ chơi khác nhau, nhưng vẫn không biến chuyển. Rồi họ thử sử dụng lửa đốt, những con voi hoang dại, tiếng động ầm ĩ, hoặcđể cho rắn cuộn quanh người, hay đổ mật ong chokiến cắn, đưa gươm vào cổ đe dọa chặt đầu cũng như các hành động tương tự khác nhằm gây kinh hãi để khiến chàng cất lời. Lần thứ 16, họ cho những thiếu nữ xinh đẹp quyến rũ chàng, nhưng hoàng tử vẫn không hề có một chút hứng thú. Lúc này, nhà vua bắt đầu tin rằng Temiya không có khả năng thích hợp để kế vị và nghe theo lời tiên đoán bịa đặt về tại họa cho chính nhà vua và vương quốc của ngài. Vì vậy, vua chaban lệnh giết chết người con trai của mình và chôn cất ở nghĩa địa bên ngoài thị trấn. Temiya được đưa vào một cỗ xe ngựa và tất cả các món đồ trang sức vương giả trên người hoàng tử được tháo ra trước khi chàng bị giết chết. Thoát khỏi ách hoàng tộc, hoàng tử cảm thấy vô cùng thanh thản. Để thử thách sức mạnh, chàng chộp lấy cỗ xe ngựa và nâng nó lên cao chỉ với một tay. Điều này cho thấy sức mạnh/quyền năng của chàng đủ để chiến thắng tên đao phủ. Khi Temiya tiết lộ thân phận của mình là một Bồ-tát, người đao phủ đã quỳ sụp gối xuống tỏ lòng mộ đạo. Khi sự kiện này được lan truyền, vua cha và hoàng hậu cùng quần thần đến thăm chàng, với hy vọng sẽ dỗ dành hoàng tử quay trở về cung điện. Temiya chào đón họ và giải thích lý do vì sao chàng lại có những hành vi như vậy. Vua cha thừa nhận ý nguyện của chàng, trở về kinh thành nhà vua phân phát của cải và sau đó xây dựng một tu viện lớn cho những người có mong muốn tu tập thiền định để đạt đến cõi Niết-bàn.

Sự miêu tả trên bích họa

Miêu tả về câu chuyện Jataka này thấy ở nhiều chánh điện, người nghệ nhân chọn chi tiết tiêu biểu nhất là cảnh hoàng tử Temiya nâng cỗ xe ngựa chỉ với một tay khiến cho người đao phủđang đào hố chôn chàng phảikhiếp sợ. Hoàng tử Temiya trong dáng vẻ ung dung, một tay cầm lấy cáng nhấc bổng chiếc xe kéo hoàng gia chổng ngửa bánh lên trời, cùng dáng điệu một chân co đặc trưng thường thấy. Đa phần đều thể hiện hoàng tử như là thanh niên tuấn tú, hiếm hoi có nghệ nhân thể hiện trong dáng vẻ của một đứa bé trai đứng hai chân tiếp đất hay thanh niên khuỵnh một gối chống đất. Người đao phủ đôi khi được thể hiện té ngã ra đất hay run sợ đến rơi xẻng.

2.Mahajanaka Jataka

Bồ-tát, Mahajanaka, bị lưu đày khi còn là một chàng trai trẻ, quyết định khôi phục lại vương vị khi chàng biết được nguồn gốc và xuất xứ hoàng gia của mình: người con trai của nhà vua Vidhea. Trở lại quê nhà, chàng lao vào buôn bán hàng hải và bị đắm thuyền bởi chở quá nhiều hàng và di chuyển quá nhanh. Sau bảy ngày trôi nổi trên biển khơi, treo mình trên chiếc cột buồm, Mahajanaka được nữ thần biển cả Manimekhala cứu sống. Để ban thưởng cho nghị lực và sự kiên trì cùng cực của chàng, thần đã mang chàng đến vương quốc của Mithila.

Vào lúc đó, nhà vua của Mithila đang tìm kiếm người đàn ông xứng đáng để làm chồng công chúa vàthay thế ông cai quản vương quốc. Để tìm kiếm chàng trai này, các vị quan cận thần cho thả một con ngựa với cỗ xe đẹp đẽ, họ cho rằng khi con vật dừng lại trước ai thì người đó sẽ là ứng cử viên thích hợp nhất. Và điều đó đã xảy ra khi Mahajanaka chìm vào giấc ngủ say. Khi chàng thức dậy, nghe được toàn bộ câu chuyện, đã đồng ý vương vị này. Trong suốt thời gian trị vì, thấy rõ thực tế “của cải” là nguồn gốc của phiền não, chàng nhường ngai vàng cho người con trai và bắt đầu cuộc sống thiền định trong rừng, và sau đó vợ chàng cũng vào rừng tu cùng chàng.

Sự miêu tả trên bích họa

Jataka này biểu trưng đức hạnh của sự kiên nhẫn và thường được thể hiện cảnh một chiếc thuyền buồm xô lệch đang chìmdần với người, vật loi ngoi giữa biển khơichập chùng sóng nước trong khi nữ thần biển Manimekhala nâng Mahajanaka như ngất đi trên cánh tay của mình bay trên không trung. Trong một bích họa khác, Manimekhala được miêu tả bay xuống từ bầu trời đưa cánh tay hướng về Mahajanaka đang chơi vơi/ngất đi giữa biển.Cũng có nghệ nhân thể hiện nữ thần như dìu chàng trai trẻ đi trên sóng nước. Hiếm hoi là cảnh tượng nữ thần Biển ởtrong biển nước đỡ lấy Mahajanaka. Đôi khi điểm xuyến ở hậu cảnh bức tranh là người này, kẻ kia đang đu níu trên các dây văng, cột buồm hay lặn ngụp, bám víu vào những mảnh thuyền vỡ giữa biển nước với những con cá lớn đang ra sức đớp lấy.

3. Sama Jataka

Người con trai của một người thợ săn kết hôn với con gái một người thợ săn khác và cả hai đều trở hành người tu khổ hạnh. Nàng có thai mà không trải qua sự giao hợp và sinh ra một đứa con trai là Sama – hiện thân của Bồ-tát. Khi cậu bé được 16 tuổi, cha mẹ bị một con rắn tấn công, nó phun nọc độc làm mù đôi mắt của họ, vì vậy mà Sama dành hết cuộc đời mình để chăm sóc cho cha mẹ.

Một buổi chiều, Sama đến cái ao trong rừng để lấy nước cùng với hươu nai làm bạn. Quốc vương của Benares, Piliyakkha, nhắm vào chàng khi ông đang săn bắn và tin tưởng vào cái nhìn thần thánh của bản thân, nhà vua muốn lấy cậu bé như là chiến tích thể hiện với các cận thần của ông.

Nhà vua giương chiếc cung bắn đi mũi tên tẩm độc trúngvào bên sườn phải cậu bé và đầu tên đi ra bên sườn trái. Đám hươu nai hoảng sợ chạy tán loạn, nhưng Sama, mặc cho vết thương nghiêm trọng, vẫn cố gắng tiến về phía túp lều của cha mẹ. Để biện hộ, nhà vua đã nói dối rằng ngài nhắm vàonhững con hươu nai kia chứ không phải Sama. Sama không thể hiện bất cứ sự oán giận hay lên án hành động của nhà vua; thay vì vậy, mặc cho đau đớn và trước khi ngất đi, cậu bé chỉ thể hiện mối bận tâm duy nhất là sẽ không còn có thể chăm sóc cho mẹ cha được nữa. Nhà vua vô cùng ăn năn và thành khẩn hứa chính ông sẽ chăm lo cho cha mẹ chàng. Nhờ sự cầu xin của mẹ cậu, một vị thần trong tiền kiếp, Sama hồi phục một cách kỳ diệu sau khi người mẹ cầu nguyện. Cậu hoàn toàn bình phục, tại cùng thời điểm cha mẹ cậu cũng nhìn thấy lại.

Sama, hiện thân của Bồ-tát, chỉ dẫn nhà vua Piliyakkha mười bổn phận đáng kính của một quân vương: đầu tiên là trách nhiệm với cha mẹ, rồi với vợ con, bạn bè, cận thần và quân lính, thành phố và làng xã, người tu khổ hạnh và cuối cùng là các sinh vật. Nhà vua tiếp nhận lời giảng dạy và khi trở về Benares, ông đã phân phát của cải và thực hiện nhiều hoạt động từ thiện.

Sự miêu tả trên bích họa

Jataka này, phản ánh tấm gương đạo làm con tận tâm hết lòng và lòng trắc ẩnrất điển hình. Trong miêu tả trên các bích họa, chỉ là một ô tranh đơn lẻ, Sama được thể hiện trong tư thế ngồi dựa, khuôn mặt biểu thị vẻ đau đớn với một mũi tên đi xuyên qua bụng, với chiếc bình lấy nước rơi vỡ bên cạnh; nhà vua Piliyakkha đa phần được miêu tả dưới hình thức của một dạ-xoa/yaksha có màu xanh lục vì cách cư xử không đáng với phẩm chất của một vịquân vương, tay cầm cánh cung. Cảnh này có lúc được thêm thắt với những con thúvây lấy Sama hoặc té tát bỏ chạy.Bối cảnh thể hiện thường là quang cảnh rừng rậm bên bờ một con sông hay đường mòn. Đôi lúc đề tài này còn được các nghệ nhân thể hiện cảnh Sama gánh cha mẹ mù, tay lần tràng hạtngồi trong chiếc quang gánh quằng nặng trên vaibăng qua một khu rừng rậm hay trên nền hậu cảnh là diễn biến các sự việc sắp xảy tới cho Sama (bị nhà vua nhắm bắn, trúng tên bắn…).

4.Nimi Jataka

Thần Indra nhận thấy Nimi là một con người tốt, có nhiều công đức, vì vậy thần mời Nimi cưỡi cỗ xe ngựa của mình tham quan cõi trời và địa ngục. Nimi, được chở trên cỗ xe thần thánh được những con bạch mã của thần Indra kéo đi thăm địa ngục, ở đó ông chứng kiến những cảnh xử phạt dã man. Sau đó, Nimi đến thăm cõi trời, nơi ông say mê ngắm nhìn nhữngngôi đền bạc và đềnngọc tuyệt đẹp của các vị thần. Các vị thần dâng cúng hoa cho Nimi nhằm cố thuyết phục ông ở lại nơi cõi trời cùng với họ, nhưngông lại muốn quay trở về trái đất để thuyết pháp cho dân chúng cốt để họ thực hiện những điều tốt có thể xứng đáng đi lên cõi trời.

Sự miêu tả trên bích họa

Jataka này là ví dụ điển hình cho tính kiên định, và đôi khi thể hiện thành bích họa riêng biệt, không nhất thiết gắn với những câu chuyện Jataka khác. Cảnh Nimi du hành đến địa ngục được yêu thích hơn và thường chiếm một không gian lớn với nhiều ô tranh, thể hiện rất chi tiết cảnh xử phạt các tội đồ. Nhưng thường thấy nhất là cảnh Bồ Tát ngồi trong cỗ xe bay lượn trên những đám mây, thấp thoáng là những chóp mái của cung điện cõi trời lẩn khuất trong mây. Jataka này cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều miêu tả về cõi trời và địa ngục thấy ở đây đó trên các bích họa.

5.Candakumara Jataka

Khandahala, vị cận thần tham ô, ngược đãi dân chúng, tạo nên những án oan để cướp đoạt tài sản của người dân. Ông ta chi phối nhà vua của Pupphavati theo cách rất độc ác. Người con trai và vị phó vương của nhà vua – Candakumara, là những người rộng lượng và khoan hồng. Điều này tạo nên sự đố kỵtrong lòng Khandahala. Vì vậy Khandahala đã rỉ tai nhà vua rằng người dân của ngài sẽ không có hạnh phúc, để cứu rỗi họ và đi đến cõi trời, nhà vua phải lập đàn hiến tế các sinh vật và con người bao gồm cả gia đình nhà vua, vợ, con gái cùng người con trai của ngài. Khi Candakumara bị đưa lên hiến tế trên lửa, thần Indra, vua của các vị thần, đã đi xuống từ cõi trời với chiếc búa cháy rực và phá hủy mọi vật phẩm của cuộc hiến tế, đe dọa giết chết nhà vua. Candakumara khẩn cầu đám đông tha thứ cho vua cha và dung thứ cho ngài. Nhà vua sau đó nhường ngôi cho Candakumara và rời bỏ cung điện.

Sự miêu tả trên bích họa

Jataka này là đề tài rất phổ biến trong nhiều bích họa, ca tụng đức hạnh nhẫn nại cao độ và tính tự chủ. Trong việc thể hiện bích họa này, các nghệ nhân thường chọn nhiều nhất là cảnh thần Indra bay xuống từ cõi trời chặt đổ những chiếc ô nghi lễ để cứu Candakmara, trong khi chàng được thể hiện ngồi điềm tĩnh trên giàn thiêu với một người phụ nữ khóc lóc bên cạnh cùng các con thú sau bờ tường ràophía sau chàng.

6.Bhuridatta Jataka

Một lần, chim thần garuda tấn công những con rắn naga và nhổ bật rễ gốc cây đa mà naga cuộn quấn chặt vào đó. Khi garuda quay trở để trồng lại cái cây, nó hỏi vị ẩn sĩ việc sát sanh của nó có tội hay không. Nhà khổ hạnh cho rằng việc sát sinh như vậy là cần thiết để garuda tồn tại. Vì điều này garuda cho ông một câu thần chú ma thuật đầy quyền năng và một chiếc quạt giữ trước mặt khi tụng kinh. Nhà khổ hạnh không có bất cứ lý do gì để sử dụng câu thần chú và chiếc quạt, ông ban chúng cho một người Bà-la-môn huấn luyện rắn tên là Alambayana.

Một trong bốn người con trai của nữ hoàng naga là Bhuridatta, một Bồ-tát, quyết định từ bỏ cuộc sống giàu sang để thực hành khổ hạnh để tu bồi công đức. Các thiếu nữ naga hầu hạ chàng dùng các nhạc cụ tấu nên âm thanh du dương, réo rắt nhằm ngăn trở chàng đạt được mục đích, vì vậy chàng quyết định rời bỏ lên thế giới của loài người. Không xa từ cây đa lớn, chàng cuộn quấn trên chóp ổ mối. Khi Alambayana đi qua, ông sử dụng câu thần chú ma thuật của garuda để bắt lấy và sai khiến Bhuridatta biểu diễn trước đông đảo dân làng để kiếm tiền. Mặc dù rất buồn khổ nhưng Bhuridatta không hề thấy hờn giận người chủ bạo ngược.

Khi đó, mẹ và vợ của Bhuridatta không thấy chàng nơi thủy phủ liền gửi những người anh em đi tìm kiếm. Họ cải trang thành các nhà khổ hạnh, một vài người tìm kiếm trên thế giới của các vị thần, một số khác tìm kiếm trong các khu rừng rậm ở Himalaya và người lớn tuổi nhất, Sudassana, kiếm tìm trong thế giới của loài người. Họ cuối cùng tìm thấy Bhuridatta ở Benares khi chàng đang biểu diễn nơi chợ. Người chị yêu thương Bhuridatta nhất cải trang thành một con nhái và trốn trong búi tóc của Sudassana. Bhuridatta thấy người anh em của mình trong đám đông và đi tới, đặt đầu lên chân người anh em của mình và khóc. Sudassana đối đầu với Alambayana và hăm dọa hắn rằng người chị của Bhuridatta sẽ phun ba giọt nọc độc vào tay hắn nếu không chịu thả Bhuridatta ra tức thì. Alambayana vô cùng khiếp đảm và Bhuridatta, chàng hoàng tử của những naga, trong hình thức của con người, hiện ra trước đám đông với tất cả vẻ rực rỡ. Người dâncho rằng đó là vị vua của Benares và những lễ hội lớn được cử hành trước khi họ trở về vương quốc của những naga.

Sự miêu tả trên bích họa

Tôn kính sự thực hành khổ hạnh là bài học trong Jataka này, bích họa tập trung thể hiện vẻ uy nghi của naga Bhuridatta quấn chặt lấy ụ mối/đá trước người Bà-la-môn xấu xa với chiếc quạt ma thuật của garuda. Đôi khi cảnh này còn thể hiện hai người Bà-la-môn một cầm chiếc quạt thần, một ra sức nắm đuôi naga kéovà có phần hiếm hoi là cảnh naga Bhuridatta bị nắm kéo vào trong một chiếc giỏ lưới hay giỏ tre. Ngoài ra, có tranh thể hiện chỉ một người Bà-la-môn một tay cầm quạt, một tay nắm đuôi naga. 

7.Maha-narada-kassapa Jataka

Thuở nọ, Angati, đức vua của Videha, hỏi nhà hiền triết già về những bổn phận đạo đức cần phải thực hiện. Nhà hiền triết, tuy nhiên đã không chín chắn và đáp rằng những hành động trong cuộc sống được quyết định bởi số phận; do đó, con người có thể theo đuổi mong muốn và tìm kiếm những khoái lạc cho riêng mình. Nghe điều đó, nhà vua gạt bỏ những nỗ lực nhằm hoàn thiện bản thân để vui thú cùng các vũ nữ và tự cho mình được quyền sống một cuộc sống xa hoa. Người con gái đoan chính của nhà vua, Ruja, cố gắng khuyên can nhưng không có kết quả.

Ngay lúc này vị Bồ-tát, Narada, nhìn xuống cõi đất biết rõ chuyện nên quyết định giúp đỡ. Ngài hiện diện trước nhà vua như một thương gia giàu có mang một cái sào vàng treo hai cái bát vàng trên vai. Để gây ấn tượng hơn nữa, Narada xuất hiện lơ lửng trong không trung trước nhà vua và triều thần. Ngài loan báo rằng ngài là thần Brahma, xuống từ cõi trời để xử nhà vua Angati tội phải đọa vào địa ngục. Nhà vua nói ông không tin vào cõi trời hay địa ngục, và thỉnh cầu Narada cho mượn 1.000 miếng vàng. Narada nói rằng ông rất hạnh phúc khi cho một người có đạo đức vay mượn bởi sẽ rất dễ dàng thu hồi lại món nợ từ họ ở cõi trời, nhưng không bao giờ cho một người sắp vào địa ngục nơi không ai dám đến để thu hồi món nợ. Angati cuối cùng cũng chuyển biến và run sợ, thỉnh cầu Narada làm thế nào để nhà vua có thể lấy lại ý thức. Bồ-tát khuyên nhà vua nên có trách nhiệm với vương quốc của mình, bố thí cho người nghèo, kẻ đói khổ, người già và người Bà-la-môn rồi nhà vua sẽ tìm thấy con đường dẫn đến cõi trời.

Sự miêu tả trên bích họa

Đây là câu chuyện kể về những trách nhiệm đạo đức vàthường được thể hiện với sự xuất hiện của Narada bay xuống từ bầu trời, gánh hai chiếc bát vàng cân bằng trên một cái sào. Narada phần lớn được thể hiện là nữ giới. Người con gái đoan chính của nhà vua, Ruja, thường hay được thể hiện ở phía trước cha nàng cầu xin ông từ bỏ những thói tật xấu. Bối cảnh thể hiện thường là nhà vua Ruja ngồi dưới mái hiên nhà, người con gái quỳ trước vua cha ở sân, và bên trên bờ tường rào là Narada gánh hai chiếc bát vàng trên không trung. Cũng có nghệ nhân chỉ thể hiện mỗi nhà vua và Narada mà thôi. Hiếm hoi thấy miêu tả Narada sà xuống trước nhà vua mà không gánh bất cứ vật gì. Riêng báu vật mà Narada gánh thường thay đổi tùy theo người thể hiện, lúc là bát vàng, lúc lại tộ vàng, hay bình vàng hay rọ chứa đầy vàng…

8.Vidhurapandita Jataka

Xa xưa, Bồ-tát đến cõi trần là nhà hiền triết Vidhura. Ngài được biết vì khả năng nói sự thật với giọng nói ngọt ngào. Ngài trở thành người cố vấn cho nhà vua Dhananjaya ở kinh thành của Indapatta. Trong khi đó, Vimala, hoàng hậu của nhà vua naga, nghe chồng nói rằng Vidhura có khả năng giảng pháp như Đức Phật, bà nóng lòng mong mỏi được nghe Ngài thuyết pháp, cầu xin nhà vua thỉnh Vidhura đến cho bà. Sau đó, bà trở bệnh và khẩn cầu nhà vua trái tim của Vidhura để chữa bệnh. Khi người con gái của họ, công chúa naga Irandati, nói rằng cha cô không thể thỏa mãn mong muốn của hoàng hậu, bà quyết tự mình có được trái tim của Vidhura và loan báo rằng bà sẽ cưới bất kỳ ai mang đến cho mình trái tim của Bồ-tát. Chằn Punnaka, kẻ yêu si mê Irandati, cưỡi trên con ngựa thần Sindh phóng vụt đi để bắt lấy Vidhura. Để lấy được trái tim của ngài, hắn đe doa đủ điều cốt khiến Vidhura hoảng sợ để ngài chết đi vì hắn không đủ can đảm để trực tiếp giết ngài. Như để thúc đẩy Punnaka hơn nữa, Irandati thể hiện một điệu múa quyến rũ. Punnaka sau đó bảo Vidhura bám vào chiếc đuôi con ngựa thần của hắn để họ du hành từ “cuộc sống đến cõi chết”. Cố làm Vidhura sợ hãi mà chết, Punnaka khoác nhiều hình thức, như một yêu ma đáng sợ, sư tử, con voi điên, con rắn lớn và cơn gió lốc. Khi không thủ đoạn nào thành công, hắn toan tính ném nhà hiền triết từ một đỉnh núi, nhưng Vidhura yêu cầu hắn nghe ngài thuyết pháp trước khi bị giết. Khi con chằn lắng nghe, hắn chấp tay tôn kính, cải biến tâm tính càng hướng thiện theo bài giảng của Vidhura.

Sự miêu tả trên bích họa

Jataka này là ví dụ điển hình cho đức hạnh của sự cực kỳ hiểu biết. Đề tài này thường được thể hiện chằn Punnaka nắm lấy Bồ-tát bị trói tay cột chân, tạo hình tượng nằm thẳng ngang trên hai cánh tay to lớn giơ lên của chằn, đểném Bồ-tát vào vách núi hay rơi xuống vực. Đôi khi tranh này được lồng ghép hai cảnh: Punnaka ném Bồ-tát và hậu cảnh chằn Punnaka quỳ gối nghe Bồ-tát thuyết pháp. Chằn Punnaka thường được thể hiện to lớn khổng lồ hơn Bồ-tát rất nhiều. Cũng có nghệ nhân thể hiện chằn nắm lấy chân Bồ-tát liệng chàng vào vách núi đá nhưng rất hiếm thấy.Ít thấy nhất là lồng ghép ba cảnh hoàng hậu Vimala nhảy múa, chằn Punnaka ném Bồ-tát và cảnh chằn nghe Bồ-tát thuyết pháp.

9.Maha-Ummagga Jataka

Jataka này bao gồm vài ba câu chuyện đạo lý liên quan đến cuộc sống của vị Bồ-tát Mahosadha. Phần đầu tiên đề cập đến tuổi trẻ của ngài. Khi ngài được sinh ra, Indra đặt vào tay Mahosadha một bó dược thảo gọi là osadha; vì thế, đó cũng là tên gọi của ngài. Đức tính vô cùng sáng tạo đã tạo nên danh tiếng cho ngài trong toàn vương quốc Mithila và sự hiểu biết của ngài cho phép ngài phân xử các vụ kiện tụng một cách công bằng. Nghe được điều này, Videha, vua của Mithila, mong muốn nhường ngôi cho chàng, nhưng để ngăn sự đố kỵ của các cận thần, nhà vua đã đưa ra 18 câu đố nhằm thử thách sự khôn ngoan và hiểu biết của Mahosadha.

Khi Mahosadha 16 tuổi, chàng được hoàng hậu Udumbara khuyến khích tìm vợ. Giả dạng như một người thợ may khiêm tốn, chàng đi đến gia đình có một người con gái xinh đẹp và hiểu biết, Amara. Một buổi sáng, khi nàng mang cơm cho cha mình, làm công việc đồng áng, Mahosadha gặp nàng. Trong bản phóng tác của người Khmer về Jataka này tự ý thêm vào một câu đố: Amara leo lên một cái cây và ném một số trái lên cỏ, một số khác lên cát; rồi cô hỏi Mahosadha những trái đó trái nào nóng và trái nào lạnh. Chàng đáp rằng những trái trên cát là nóng bởi chúng ắt hẳn đã làm tung cát, như thế trái đó là nóng. Họ chuyện trò thông qua những câu đố mãi đến khi Mahosadha cầu hôn nàng.

Phần hai của câu chuyện kể rằng nhà vua Culani-Brahmadatta bị xúi dục tấn công Mithila theo mưu đồ xấu xa của vị cố vấn Bà-la-môn, Kevatta. Mahosadha củng cố quân đội để Mithila kháng cự lại cuộc tấn công. Để đạt được ý định cướp lấy Mithila, Culani bao vây thành phố. Để tránh sự tàn sát đẫm máu, một cuộc thi được đưa ra giữa hai vị cố vấn hoàng gia, bên thất bại phải thừa nhận người khác như là một vị vua thực sự và thần phục. Mahosadha chân thành đề nghị với Kevatta và cho Kevatta thấy những viên đá quý nhất trên mũ miện Mithila. Khi Kevatta, bị kích thích bởi sự tham lam, đã quỳ xuống lấy ngọc quý, điều này được xem như là dấu hiệu Kevatta thừa nhận sự thống trị của Videha.

Sau đó, theo lời khuyên của Kevatta, Culani giả vờ thuyết phục Videha kết hôn cùng người con gái xinh đẹp của mình. Videha, điên đảo vì yêu nên đã đồng ý. Trong lúc ấy, Mahosadha biết rằng Kevatta đã khuyên Culani giết chết chàng và Videha trong hôn lễ. Bồ-tát đến Uttarapancala và xây dựng một cung điện đẹp đẽ do mình làm chủ, với con đường hầm dài từ phòng công chúa đến bờ sông nơi những chiếc thuyền đậu ở đấy. Trong khi Kevatta chờ đợi để giết Videha trong buổi hôn lễ, Mahosadha thuyết phục công chúa, mẹ nàng, mẹ của Culani, và Videha trốn thoát theo đường hầm. Chàng xuất hiện trước Culani, Culani hiểu rõ kế hoạch giết người của mình đã thất bại, ra lệnh chặt tay, chân, mũi và tai để giết chết Bồ-tát. Tuy nhiên, khi Culani biết được rằng cung điện trống rỗng, ông nhận ra sự thông thái trong kế hoạch của Mahosadha. Bồ-tát nói với ông về những lời khuyên xấu xa của Kevatta và Kevatta bị đày đi, trong khi Culani và Videha trở thành bạn bè và sinh sống hòa bình bên cạnh nhau.

Sự miêu tả trên bích họa

Trong các bích họa, cảnh được biết đến nhiều nhất là sự giải quyết tranh luận giữa hai nhà vua, khi Mahosadha đánh lừa Kevatta để quỳ xuống lấy ngọc quý. Chi tiết tự ý thêm vào khi Mahosadha ngồi bên dưới tán tỉnh Amara đang vắt vẻo trên cây.

Ngoài các nội dung trên, câu chuyện này có một dị bản giải thích cho hình vẽ Mahosadha vung gươm lên cao, bên dưới là hai người đàn ông hoảng sợ văng ra hai bên. Câu chuyên như sau:

Mahosadha là nhà hiền triết của Vedeha của vua Mithila. Vua Culani của Kampilla, một vương quốc kình địch có một hiền triết được gọi là Kevatta. Sau nỗ lực chiến tranh xâm chiếm toàn Ấn Độ thất bại, Kevatta đã có kế hoạch tiêu diệt nhà vua Vedeha. Vì vậy mà người con gái xinh đẹp của nhà vua Culani là Pancala-candi buộc phải quyến rũ Vedeha. Mặc cho Mahosadha cảnh báo, nhà vua Vedeha bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc hành trình đến vương quốc của Culani. Bốn tháng trước khi vua Vedeha đến nơi, Mahosadha đã bắt đầu xây dựng một cung điện cách thủ đô một dặm bên ngoài thủ đô Uttara-pancala. Cung điện này có một đường hầm bí mật, nó dẫn ra sông Hằng và đến cung điện của Culani. Khi vua Vedeha đến cung điện mới của ngài, quân đội của vua Culani bao vây cung điện này. Để ứng phó với sự đe dọa này, Mahosadha đã đưa vua Vedeha đến con sông Hằng và quân đội đến cung điện của Culani bằng con đường hầm. Đội quân này đã lừa gia đình Culani đi qua đường hầm tới con sông Hằng. Nhà vua Vedeha và gia đình Culani đi thuyền đến vương quốc Mithila. Ngay sau đó, Culani biết được sự biến mất của nhà vua Vedeha và gia đình mình. Khi nhà vua Culani gặp Mahosadha, ông nhận ra rằng ông không thể làm hại chàng, bởi vì gia đình ông đã bị bắt làm con tin. Nhưng khi cả hai người đi xuyên qua đường hầm, ngay lập tức Mahosadha cầm lấy thanh kiếm mà chàng đã cất giấu ngày hôm trước. Chàng vung thanh kiếm lên và hét lên: “Thưa ngài, ai là người sở hữu tất cả các vương quốc của Ấn Độ?”. Vua Culani đáp: “Chàng, qúy ông khôn ngoan! Không cần đến tôi!”. Mahosadha nói: “Thưa ngài, đừng lo lắng. Hoàng hậu, con trai và mẹ ngài tất cả sẽ trở về. Sự trở lại của tôi là điều kiện duy nhất”. Sau đó, Mahosadha đưa kiếm cho nhà vua. Cuối cùng, hai vị vua thề hẹn về  một tình bằng hữu chân thành.

10.Vessantara Jataka

Bích họa về truyện thái tử Vessantara (Vesandon)kể về đức hạnh rộng lượng, bố thí và xả bỏ là một phần quan trọng không kém của bộ mười Jataka cuối cùng này. Câu chuyện có thể tóm gọn như sau: Thái tử luôn thực hành bố thí và không bao giờ ngừng thỏa mãn với việc bố thí này. Ngài đã ban tặng bạch tượng của hoàng gia cho vương quốc Kalinga láng giềng khi đất nước này đang bị hạn hán. Nhưng người dân vô cùng tức giận về điều đó, vì họ cho đó là con voi thiêng, điềm triệu cát tường nênđã buộc nhà vua Sanjaya phải lưu đày con trai mình. Trước khi thái tử Vessantara cùng vợ và hai người con bị lưu đày, thái tử đã bố thí hết tài sản của mình. Trên đường đi, thái tử đã ban cỗ xe cho một Bà-la-môn. Vì vậy, bốn người họ đi bộ qua khu rừng để tới núi Vamka. Jujaka, một lão già Bà-la-môn bị xúi giục bởi người vợ, đã tìm đến nơi ở của Vessantara và cầu xin hai người con của thái tử là Kanha và Jali. Hai đứa trẻ sợ hãi bỏ trốn dưới một cái ao, nhưng Vessantara đã yêu cầu các con rời ao và đi theo Jujaka. Việc bố thí này đã làm xúc động chư thiên và do đó thần Sakka đã thay hình đổi dạng để ngăn cản Vessantara bố thí vợ mình và trong khi Jujaka ngủ, bỏ mặc hai đứa trẻ giữa rừng,các chư thiên đã biến thành cha và mẹ chúng để dỗ dànhvà chăm sóc cho hai đứa trẻ. Sau khi nhà vua Sanjaya chuộc lại hai đứa cháu của mình, ông cùng hoàng hậu Phusati đi đến núi Vamka rước Thái tử Vessantara trở về. Trở lại thành phố Jetutthara, họ được chào đón nồng nhiệt(2).

Với hơn 500 truyện Jataka, mỹ thuật Phật giáo Khmer luôn ưu tiên chọn Vessantara Jataka kể về kiếp đời cuối cùng trước khi thành Phật gọi là truyện Đại kiếp (Maha chiêk) và kế đó, là chín Jataka được coi là chín kiếp cuối kề cận với Đại kiếp để thể hiện thành các tác phẩm nghệ thuật hoặc phù điêu, chạm chìm, tranh vẽ trên ván gỗ, trên vải, trên giấy và phổ biến rộng rãi nhất là bích họa. Bích họa Phật giáo Khmer là một tập thành phong phú không chỉ ở số lượng của từng thể loại nghệ thuật mà còn ở phong cách và thủ pháp nghệ thuật, ở đó, 10Jataka chiếm một số lượng đáng kể và mặt khác, với nhiều tình tiết đa dạng của bộ mườiJataka này đã cung cấp cho nghệ nhân một nội dung rộng lớn với vô vàn đối tượng phản ánh của mình.

HUỲNH THANH BÌNH

Chú thích:

(1)Xem:

- Narada, Phạm Kim Khánh (dịch). Đức Phật và Phật pháp. Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 259-261.

- E.B. Cowell và W.H.M. Rouse dịch. Jataka - tập VI, Nxb Đại học Cambridge, 1907, 305 trang.

- E. B Cowell (biên tập). The Jataka (6 tập), The Pali Text Society Ltd. xb, Oxford, tái bản 1995.

- J.S. Speyer (dịch), F. Max Muller (biên tập). The Gatakamala, Motilal Banarsisidass xb, Delhi, 1990.

- Bruno Dagens. Étude Sur L’Iconographie du Bayon, Arts Asiatique xb, tập XIX, 1969.

- Vittorio Roveda. Bayon: New Perspectives, River Books xb, Bangkok, 2007.

- Vittorio Roveda, Sothon Yem. Buddhist painting in Cambodia. River book xb, 2009, tr. 85-109.

- The last 10 jatakeen uka before the Buddha.

(2) Huỳnh Thanh Bình. Bích họa về Đại kiếp của Đức Phật ở chùa Khmer Nam Bộ. Giác Ngộ nguyệt san, số 249, 12-2016, tr.51-63.

Chú thích hình:

J1: Maha-Ummagga Jataka,chùa Thnot Chum, Ô Lâm, Tri Tôn, An Giang

J2: Mahajanaka Jataka,chùa Giồng Lức, Châu Thành, Trà Vinh

J3: Sama Jataka, chùa Baxi, Càng Long, Trà Vinh

J4: Temiya Jataka,chùa Sóc Xoài, Hòn Đất, Kiên Giang

J5: Nimi Jataka,chùa Sirivansa Suriya, Rạch Sỏi, Rạch Giá

J6: Maha-narada-kassapa Jataka,chùa Candaransi, TP.HCM

J7: Maha-Ummagga Jataka,chùa Phnor Puol, Vĩnh Châu, Sóc Trăng

J8: Candakumara Jataka,chùa Cây Me, Vĩnh Phước, Sóc Trăng

J9: Bhuridatta Jataka,chùa Kran Rot, Tri Tôn, An Giang

J10: Vidhurapandita Jataka,chùa Chót, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu

J11: Maha-Ummagga Jataka, chùa Chót, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle