Nụ cười mùa xuân

nu cuoi mua xuan

Nụ cười mùa xuân

Nguyên Cẩn

 

Đạo Phật và mùa xuân

Đã tự bao giờ, nghĩ đến đạo Phật, người ta thường hay nghĩ đến một tôn giáo dành cho những người thất bại, tuyệt vọng, lánh đời. Cụ thể qua những tác phẩm văn học, âm nhạc, cứ hễ thất tình là tìm về cửa Phật. Những kẻ bất đắc chí, thất bại trong chính trường, thương trường, cuối đời tìm quên nơi cảnh Phật. Và rồi nghi lễ Phật giáo thường chỉ dành cho các buổi cầu an, cầu siêu, sám hối, trai đàn... Thảng hoặc đôi khi mới có một lễ Hằng thuận cho các bạn trẻ làm đám cưới. Điều này không mới vì cách đây 40 năm, Thiền sư Nhất Hạnh đã viết: “Đạo Phật, khi ra đời, vốn nhằm mục đích phục vụ cho sự sống của nhân loại nhưng trong thế kỷ gần đây đã suy đồi cho đến nỗi chỉ biết phục vụ cho sự chết của nhân loại... Cho nên chùa nào đi đám nhiều nhất là chùa đó sung túc nhất, chùa nào có nghĩa địa lớn và đẹp nhất là chùa đó giàu nhất... Số lương tín đồ thuần cẩn nhất là số lượng của những ông bà lớn tuổi, niệm Phật để dọn “đường về Cực lạc... Hướng đi của đạo Phật mà như thế thì thử hỏi sinh khí của đạo Phật còn gì? Đức Phật có ngờ đâu rằng giáo lý siêu việt và thực dụng của mình đã bị hướng về một mục đích quá nghèo nàn và khô héo như thế?” (Thích Nhất Hạnh - Đạo Phật đi vào cuộc đời – Nxb. Lá Bối -1964).

 Vẫn có những người trẻ chợt nghĩ đến Phật khi xuân về, đi lễ chùa, cầu tài, cầu lộc và cả cầu may nữa? Dù sao hình ảnh các bạn trẻ nườm nượp đến chùa đêm giao thừa cũng đáng ghi nhận vì ít ra trong những người trẻ ấy, niềm tin tâm linh, dẫu mong manh, vẫn còn. Chúng ta lại nghe những câu hát “Trên đường đi lễ xuân đầu năm...” (Hoài An), “Đầu mùa xuân cùng mẹ đi lễ...” (Phạm Duy phổ thơ), v.v... và thấy ấm áp một không khí linh thiêng và gần gũi. Chúng ta cần biết dẫu giáo lý nhà Phật dựa trên “Tứ diệu đế “ mà “khổ đế” là nguyên lý đầu tiên thì nhận định ấy là một sự thật (fact) phát biểu về bản chất cuộc đời, chứ không hề là một ý kiến (opinion), vì đó là một chân lý. Nhưng không vì thế mà chúng ta chán nản vì “...cái đạo Phật bi thảm phản chiếu trong các đĩa hát cải lương vọng cổ kia, cái đạo Phật yếu đuối trốn đời phản chiếu trong các cuốn tiều thuyết lãng mạn vô ý thức kia, không thể không lột xác để làm sống dậy một đạo Phật trẻ trung, đầy sinh lực, tiếp nối được dòng sinh hoạt truyền thống của những thế hệ Phật tử huy hoàng trong Phật giáo sử. Phải đem Phật giáo trở về phục vụ sự sống.” (TNH, sđd., tr.111)

Các Thiền sư xưa nay khi nói đến đạo Phật trong mùa xuân thường có cái nhìn an nhiên, tự tại, đầy hỷ lạc.

Tận nhật tầm Xuân bất kiến Xuân

Mang hài đạp biến lũng đầu vân

Quy lai tiếu niệm mai hoa khứu

Xuân tại chi đầu dĩ thập phân. (khuyết danh)

(Tìm suốt ngày xuân chẳng thấy xuân

Non cao giày cỏ giẫm mây ngàn

Trở lại ngắt đoá mai cười, ngửi

 Mới biết trên cành rực rỡ xuân.) (Nguyên Cẩn dịch)

 Có gì khác với suy tư của người đời không? Trong nhân gian, người ta quan niệm đó là mùa vui, mùa rộn rã tiếng cười vì sum họp, đoàn tụ, với hội hè đình đám, cuộc vui bất kể thời gian, say sưa chè chén. Thế nên nhiều nhà thơ viết về mùa xuân ngoài việc ca tụng niềm hoan lạc cũng tỏ ra ngậm ngùi vì tiếc cho mùa xuân qua nhanh: “Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/ Nếu tuổi trẻ hai lần không trở lại” (Xuân Diệu); hay mùa xuân không trọn vẹn vì xa nhà: “Chị ơi Tết đến em mua rượu/ Em uống cho say đến não nùng...” (Nguyễn Bính); hoặc u sầu: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?” (Chế Lan Viên). Sao vậy? Vì họ nhìn quanh thấy người ta vui mà lòng mình thì quạnh vắng nỗi cô đơn. Và họ “đối chiếu” cái vui bên ngoài với nỗi buồn bên trong, cảm thấy cô đơn, không thể cảm nhận cái vui an nhiên được!

Nụ cười thường trụ

Phạm Thiên Thư bắt đầu bài thơ Động Hoa Vàng với 2 câu:

Mười con nhạn trắng về tha

Như Lai thường trụ trên tà áo xuân.

 Đó cũng là cái nhìn của người phương Tây khi học Phật. Họ khám phá nét tích cực trong quan điểm của đạo Phật về cuộc đời. Gary Gach, một học giả nước ngoài khi viết về Đức Phật và Phật pháp đã bắt đầu chương một trong quyển sách của mình: “Những lời thuyết giảng của nụ cười: Cuộc đời Đức Phật” (The Complete Idiot’s Guide to Buddhism - Alpha Books - 2009). Gary Gach nhận định rằng cuộc đời Đức Phật không phải là một huyền thoại như nhiều người ngộ nhận hay như các nhà lãnh đạo tôn giáo khác. Người ta đã tìm thấy những di chỉ, những dấu tích xưa qua những trụ đá từ thời Ashoka, từng nơi Đức Phật đi qua, hành trì, thiền định và đắc đạo hay chỗ Người ngồi thuyết giảng. Gach viết “Đây là một con người mà lịch sử cuộc đời gần gũi với chúng ta trong những chuyện kể dân gian lưu truyền từ đời này qua đời nọ.” Tác giả cho rằng nếu chúng ta phải nghiêng mình chào đón thành tựu của những người “sáng tạo” ra bánh mì, cho phép chúng ta nuôi dưỡng cuộc đời này, hay ghi nhớ công ơn anh em Wright vì đã nghĩ ra máy bay cho nhân loại hôm nay du hành khắp chốn, vậy thì sao bạn không muốn hội ngộ một người đã vạch ra con đường vô giá, hoàn hảo, khả tri, để đưa chúng ta đến bến bờ hạnh phúc? Sự khám phá của Người mang tính phổ quát và luôn sẵn sàng cho bất cứ chúng sanh nào. Con đường ấy ở ngay trước mắt chúng ta. Nhưng vì nó quá bình dị nên không phải ai cũng chịu nhìn thấy. Tại sao không? Vì Đức Phật chỉ dạy những gì người đã thực chứng và mời gọi người khác cố gắng hành trì để nhận ra chân lý như mình. Người là kẻ soi đường nhưng không phải là thần thánh, trong khi người ta chỉ thích mong cầu Thượng Đế hay để cho các tu sĩ chỉ bảo những gì lẽ ra họ có thể tự tìm thấy hay tự trong trực giác họ đã nhận biết. Hơn nữa, người ta luôn tưởng tượng hạnh phúc của mình kéo dài vô tận. Nhưng trong thực tế, có người lại trải qua những thời khắc khó khăn, tích tụ bao nỗi buồn và vết thương tâm hồn đeo đẳng suốt đời, bám lấy sầu khổ như một thứ “nội kết” thay vì để nó nguôi ngoai, quên lãng đi để cảm nhận đời sống nhẹ nhàng hơn. Bạn hãy nhìn bầu trời quang đãng, mặt đất xanh ngát với bao cây cỏ đâm chồi, và tận hưởng phút giây hiện tại thay vì cứ mãi ca cẩm bài hát “Thân phận con người” và rồi chúng ta cứ chạy vòng quanh cái lồng hay cái cũi chuột chật chội mà mình tự tạo ra mặc dù không ai khóa nó lại cả. Và ngày nào chúng ta còn sống như đi trong cơn ác mộng của mình, hay chìm đắm trong giấc mộng ấy thì ngày ấy vẫn còn cơ hội cho sự giác ngộ. Đó là những điều Phật dạy. Về bản chất, người đánh thức ta, không phải về thân xác mà làm ta mở mắt thấy rằng mình đang thức. Ta tỉnh thức trong tâm hồn và trí tuệ. Bạn hãy thử dừng lại, lắng nghe, tập trung tâm trí, nhìn quanh sẽ thấy hay nghe âm thanh hay hình ảnh Phật trước mắt chúng ta: trong mỗi tia nắng, mỗi ngọn gió, mỗi giọt mưa, mỗi tiếng cười trẻ thơ, mọi thứ đều mở ra huy hoàng và kỳ diệu. Đó là ý nghĩa của “Như Lai thường trụ trên tà áo xuân”. Chúng ta nhận ra rằng cuộc đời Đức Phật là một bài thuyết giảng hùng hồn nhất. Đức Phật dạy ta sống không lo âu, sợ hãi, gắn bó với vuộc đời, luôn tỉnh thức, hay nói theo ngôn ngữ Bát Chánh đạo là sống trong “chánh niệm”, dùng hết năng lực ẩn sâu trong tâm hồn và ta sẽ thấy Phật trong mỗi chúng ta. Nó cũng quan trong như sống và chết, và dễ dàng như uống một tách trà! Một hiền giả người Anh tu tập theo hệ phái Theravada, Martin Evans, trong bài viết “Buddha’s smile’, ông muốn chúng ta hãy “vun xới niềm hân hoan (cultivate the joys). Ông viết: “Quý vị hãy nhìn lên gương mặt của Đức Phật xem sao. Quý vị có trông thấy nụ cười của Ngài hay chăng? Nụ cười của Ngài thật là tinh tế. Thế nhưng tại sao Ngài lại mỉm cười? Có phải đấy là một thể dạng hạnh phúc mà Người cảm nhận được trong khi thiền định chăng?... Tôi nghĩ rằng đấy là kinh nghiệm cảm nhận về những giây phút của hiện tại, một sự đình chỉ của cuộc phiêu lưu và tìm kiếm một điều gì đó nằm bên ngoài những giây phút hiện tại. Trong tâm thức tham lam, thèm khát thì sẽ không có một thể dạng kinh nghiệm cảm nhận nào về những giây phút hiện tại có thể hiện hiện ra được... Có gì khác trong nụ cười Đức Phật hay chăng? Đấy là nụ cười của lòng từ bi.... Chỉ khi nào làm cho cảm tính về cái tôi và cái của tôi, tức ảo giác về một cái ngã biến mất thì khi khi đó mới không còn bất cứ thứ gì ngăn chặn được sự biều lộ của lòng từ bi. Thật cũng lạ dù rằng lòng từ bi là một sự cảm nhận về nỗi đớn đau của kẻ khác, thế nhưng lại hiện ra dưới hình thức một nụ cười. Thế nhưng chẳng phải nụ cười ấy cũng thoang thoảng một nét buồn hay sao: một nụ cười chứa cả hạnh phúc lẫn khổ đau... Nụ cười ấy không phản ảnh một sự thoát tục nào cả, mà đúng hơn là sự mở rộng hoàn toàn vào thế giới này”. (http://www.buddhacommunity.net)

Nụ cười ấy là nụ cười thường trụ trên khuôn mặt Phật, nụ cười tràn đầy hỷ lạc và minh triết về khổ đau của kiếp người. Chẳng phải là một điều tuyệt diệu hay sao khi mà nụ cười ấy có sẵn bên trong mỗi con người chúng ta, và nó cũng chỉ hiện ra khi chúng ta lắng tâm sống trong tỉnh thức. Phép tu theo thiền minh sát (vipassana) là một những phương pháp giúp ta hành trì nhằm buông bỏ cái tôi và cái của tôi. Trong kinh Quán Tứ niệm xứ có dạy: “Khi có tham dục, biềt rằng có tham dục; khi không có tham dục, biết rằng không có tham dục.” Tương tự khi có sân hận hay khi có giải thoát, chúng ta đều biết có và khi không có, chúng ta cũng biết không có. Chúng ta hiểu: “Đời đầy khổ đau nhưng đời cũng đầy rẫy những mầu nhiệm. Tất cả đều vận hành theo nguyên lý vô thường vô ngã, như ngoài mùa đông, có mùa xuân, ngoài bóng tối còn có ánh sáng, ngoài tật bệnh còn có sức khỏe, ngoài nắng hạn và bão lụt còn có gió thuận mưa hòa... Chỉ cần mở mắt ta thấy được trời xanh, mây trắng, mưa thuận gió hòa, sự ổn định chính trị, tự do ngôn luận, pháp luật được bảo vệ, trẻ con được đi học, buổi sáng bông hoa đang nở, sức khỏe của chúng ta v.v… Đó là những yếu tố tích cực của bình an và hạnh phúc bên cạnh những yếu tố tiêu cực như bất công xã hội, kỳ thị chủng tộc, trẻ em thiếu ăn, kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí, phóng xạ nguyên tữ v.v... Ý thức về những gì hư xấu và nguy hiểm đang xảy ra là cần thiết, bởi vì do đó mà ta có thể tìm ra phương pháp cứu chữa. (TNH - Con đường chuyển hóa).

Hiểu nguyên lý chuyển hóa ấy, chúng ta không thể cứ mãi lo lắng về những buồn phiền, âu lo đến mức không còn niềm vui và cạn kiệt ước mơ hay sinh lực để vui sống hay phụng sự. Phải tìm lại mùa xuân và nụ cười an nhiên trong chính chúng ta, ngay giây phút này, vì đó là những yếu tố bình yên và tích cực giúp ta tiếp xúc với những mầu nhiệm trên thế gian này và truyền đạt những cảm thọ hỷ lạc ấy sang cộng đồng và tha nhân. Trong hoàn cảnh xấu nhất, chúng ta chợt nhớ lời từ trong Kinh dịch về quẻ Bĩ: “Bĩ chi phỉ nhạn bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai”. (Thời bế tắc trên dưới mâu thuẫn, thiên hạ bất mãn. Tình thế bất lợi bất an, quân tử nên ở ẩn, tuy nhiên nên giữ lòng chính bền, chờ thời cơ hành động). Vì ở Hào 5: “Hưu bĩ, đại nhân cát. Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang”. (Bậc trượng phu có khả năng chuyển Bĩ thành Thái, khai thông bế tắc, ắt thiên hạ được nhờ). Hay như Hào 6: “Khuynh Bĩ, tiên bĩ, hậu hỷ”. (Chuyển được thời thế từ Bĩ qua Thái, trước bế tắc, sau hanh thông).

Đấy chính là tinh thần của “Nhất chi mai” khi Thiền sư Mãn Giác viết:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Cáo tật thị chúng)

Tinh thần thiền lạc ấy thấm nhuần văn hóa Việt Nam, tạo nên sức nội sinh mạnh mẽ trong lòng dân tộc. Thế giới bình yên khi tâm con người bình yên. “Tâm bình, thế giới bình”. Và có lần trên Nguyệt san Giác Ngộ, chúng tôi đã có bài “Tâm xuân, thế giới xuân”. Hãy quán chiếu nụ cười Thích Ca và tìm về nụ cười Di Lặc thì lòng ta sẽ hoan hỷ, bao dung, từ ái, biết chia sẻ và cảm thông. Nói như Thiền sư Nhất Hạnh: “Hạnh phúc nằm ngay nơi mỗi khoảnh khắc: đó là bài học hiện đại quý giá nhất mà Phật giáo đem đến cho người Tây phương.” Tại sao chúng ta không tự tạo mùa xuân trong tâm thức mình, biến cuộc đời chung quanh đáng yêu và đáng sống với nụ cười thường trụ “bây giờ, ở đây” trong tâm trí tình thức và tràn đầy chánh niệm. Và làm cho Đạo Phật đi vào cuộc đời chúng ta và cộng đồng chúng ta đang sống như một tôn giáo phục vụ sự sống: linh hoạt, biến chuyển, sinh động, tràn đầy sinh lực và hạnh phúc trong mỗi phút, mỗi giây, trong từng sát-na. Đấy là lời chúc trước thềm mùa xuân mới!

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác