Công năng diệu dụng của Bồ tát Địa tạng

mo lon

CÔNG NĂNG DIỆU DỤNG CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG

 

Bồ-tát Địa Tạng là một trong bốn vị Bồ-tát chủ yếu trong Phật giáo Đại thừa Đông Á. Những vị Bồ-tát khác là Samantabhadra/Phổ Hiền, Manjusri/Văn Thù Sư Lợi và Avalokiteśvara/Quán Thế Âm.

Bồ-tát Địa Tạng được biết đến với thệ nguyện sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn tất cả chúng sinh trong sáu cõi thế giới trong thời khắc chuyển giao khi Đức Phật Thích Ca viên tịch và trước khi Phật Di Lặc thành tựu, cũng như thệ nguyện không đạt được Phật quả cho đến khi địa ngục không còn bất cứ chúng sinh nào: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật; chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ-đề”. Do đó, Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật Địa Tạng thường được coi là vị Bồ-tát của chúng sinh nơi địa ngục, cũng như người bảo vệ cho trẻ em và vị thần hộ mệnh của những đứa trẻ quá vãng và bào thai bị sẩy trong văn hóa Nhật Bản, ở đó Bồ-tát Địa Tạng được biết đến là Jizō hoặc Ojizō-sama, người bảo hộ cho trẻ con. Do vai trò quan trọng này, những điện thờ Bồ-tát Địa Tạng thường chiếm một vị trí trung tâm trong các chùa, đặc biệt là trong các sảnh tưởng niệm vong linh hoặc những lăng mộ.

I.       Từ nguyên

Kṣitigarbha (Phạn क्षितिगर्भ/Kṣitigarbha), được gọi đầy đủ trong tiếng Trung là Đại Nguyện Địa Tạng Bồ-tát; tiếng Nhật, Rōmaji: Jizō phát âm là Daigan Jizo Bosatsu/ Jizo BosatsuJijang Bosal trong tiếng Hàn; và Sai-snying-po trong tiếng Tạng. Hán âm: Khấy-xoa-để-nghiệt-bà/ Khất-xoa-để-nghiệt-sa /Khí-sa-đế-nghiệp; dịch là Địa Tạng, “Kho Trái đất”, “Kho hàng Trái đất”, “Ma trận Trái Đất” hoặc “Trung tâm/lòng Trái Đất”. 

Trong Mật giáo, Bồ-tát Địa Tạng là tôn vị đứng đầu của viện Địa Tạng thuộc Mạn-đà-la Thai Tạng giới, mật hiệu là Bi Nguyện Kim Cang, Dữ Nguyện Kim Cang.

Trong Mạn-đà-la Kim Cương giới là Kim Cương Trướng Bồ-tát, tức Bảo Sinh Như Lai ở phía Nam. Trong Mạn-đà-la Thai Tạng giới, là Địa Tạng Tát Đỏa, chủ tôn của viện Địa Tạng.

Về  ý nghĩa của danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng có nhiều thuyết: Theo Địa Tạng thập luân kinh thì do vị Bồ-tát này “an nhẫn bất động như đại địa, tĩnh lự thâm mật như bí tạng” (kho kín), nên xưng là Địa Tạng. Ý nói Bồ-tát Địa Tạng có đủ đức tính cao nhất, không những có thể gánh vác khổ nạn của chúng sinh mà còn có thể biết được pháp yếu của tất cả sinh mệnh.

Kinh Đại phương quảng thập luân 1 cho rằng Địa Tạng nghĩa là Phục Tạng (Kho báu được chôn giấu trong lòng đất), nghĩa là tất cả các vật phẩm quý báu ẩn tàng trong đất, đều là “địa tạng”.

Luận cứu cánh nhất thừa bảo tánh 4: dùng kho báu giấu kín trong lòng đất để dụ cho Như Lai Tạng.

Về mặt ý nghĩa hiện tượng cụ thể, “đất” có các đặc trưng như sinh trưởng, vững chắc, là nơi trú ngụ của vạn vật, bất động, tính bao dung của người mẹ. Vì có thể sinh thành vạn vật nên đất có năng lực và sức mạnh tàng chứa vật phẩm quý báu. Vì thế có thể dùng hình tượng cụ thể của đất để tượng trưng, ví von với công đức đặc biệt của Bồ-tát Địa Tạng. Nói một cách chi tiết, “Địa” (đất) có những ý nghĩa sau: (1) Sinh: Mặt đất sinh ra vạn vật, ngụ ý Địa Tạng Bồ-tát có thể sinh ra mọi thiện pháp. (2) Nhiếp nghĩa là có thể thu hút. Mặt đất thu nhiếp vạn vật, đất đai có thể hút tất cả sinh vật, có thể sống an toàn trong tự nhiên, ngụ ý Địa Tạng Bồ-tát thu nhiếp mọi thiện pháp trong tâm đại giác của mình. (3) Tải nghĩa là chuyên chở, mặt đất chuyên chở vạn vật, đất đai chở theo tất cả khoáng vật, thực vật, động vật, khiến chúng yên ổn trong thế giới, giống như Bồ-tát có thể mang theo tất cả chúng sinh, từ bờ bên này đầy rẫy những khổ đau, chuyển sang bờ bên kia an lạc, ngụ ý Địa Tạng Bồ-tát có thể gánh vác tất thảy chúng sinh. (4) Tàng có nghĩa là chứa đựng, đất đai tàng trữ nhiều kho tàng, của cải, vật chất, ngụ ý Địa Tạng Bồ-tát thu tàng rất nhiều diệu pháp. (5) Trì có nghĩa là cầm giữ, đất đai có thể giữ tất cả vạn vật, khiến chúng có thể sinh sôi, ngụ ý Địa Tạng Bồ-tát trì giữ mọi diệu pháp, giúp chúng được tăng trưởng. (6) Y nghĩa là có thể nương tựa, đất đai là nơi tất cả vạn vật có thể dựa vào, như Địa Tạng Bồ-tát là chỗ dựa cho tất thảy chúng sinh. (7) Kiên cố bất động có nghĩa là kiên cố không bị lay động, đất đai vững chắc không thể di chuyển, cũng như diệu tâm Bồ-đề của Địa Tạng Bồ-tát, kiên cố như kim cương, không thể phá vỡ(1).

Ngoài ra, Bồ-tát Địa Tạng là vị Bồ-tát có lòng từ bi và năng lực đáp ứng đại nguyện, vì thế giáo đồ Phật thường gọi ngài là Bồ-tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương, để biểu thị công đức đặc biệt của ngài.

Bên cạnh đó, theo phẩm Tự trong kinh Đại phương quảng thập luân 1, kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo quyển thượng, Bồ-tát Địa Tạng thương xót chúng sanh chịu khổ trong đời ác ngũ trược, cho nên ngài thị hiện vô số thân ở trong loài súc sanh hoặc địa ngục để giáo hóa giúp họ tiêu tai tăng phước và thành tựu thiện căn lành. Do sự hóa hiện vô số thân này mà Bồ-tát Địa Tạng còn được gọi là Thiên Thể Địa Tạng.

II.    Truyền thuyết về đại nguyện của Địa Tạng Bồ-tát

Sự tích về tiền thân của Địa Tạng Bồ-tát rất phong phú, được ghi trong phẩm Đao Lợi thiên cung thần thông và phẩm Diêm-phù chúng sanh nghiệp cảm trong kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện

1.                  Trong quá khứ, Địa Tạng Bồ-tát từng là con trai một vị trưởng giả của bộ lạc. Ngài đã từng phát thệ nguyện trước mặt Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai rằng: Trong tất cả thời gian tương lai mà chưa thể tính ra là dài bao nhiêu, ta muốn vì những chúng sinh tội đồ thống khổ trong lục đạo mà mở rộng lòng hiếu sinh, khiến cho chúng sinh có thể đạt được sự giải thoát, còn bản thân ta thì muốn sau khi tất cả họ đều thành Phật thì ta mới thành Phật(2).

2.      Câu chuyện về Địa Tạng Bồ-tát được miêu tả lần đầu tiên trong kinh Địa Tạng/Kṣitigarbha Bodhisattva Pūrvapraṇidhāna, một trong những kinh điển Đại thừa phổ biến nhất. Kinh này được cho là Đức Phật đã giảng vào lúc cuối cuộc đời của Ngài cho những chúng sinh cõi trời Đao Lợi/ Trayastrimsas như một dấu hiệu về lòng biết ơn và tưởng nhớ đến người mẹ yêu dấu của Ngài là Maya. Kinh Ksitigarbha Bodhisattva Pūrvapraṇidhāna mở đầu: “Như vậy tôi nghe. Khi Đức Phật ngự ở cõi trời Đao Lợi để giảng Pháp cho người mẹ của ngài.”(3)

Kinh Kṣitigarbha Bodhisattva Pūrvapraṇidhāna lần đầu tiên được Śikṣānanda(4), một tu sĩ Phật giáo từ Khotan, dịch từ Phạn ngữ sang tiếng Trung Quốc vào giữa những năm 695-700 TL, dưới triều đại nhà Đường. Śikṣānanda cũng là dịch giả bản dịch mới Avataṃsaka Sūtra/kinh Hoa Nghiêm và Laṅkāvatāra Sūtra/kinh Lăng Già. Tuy nhiên, một số học giả đã nghi ngờ rằng đây không phải là bản dịch mà đó là bản kinh văn có nguồn gốc Trung Quốc, vì không tìm thấy những nguyên bản Phạn ngữ của kinh này. Một phần lý do ngờ vực là kinh tán thành/ủng hộ lòng hiếu thảo, được rập khuôn với chuẩn mực đạo đức quan yếu trong văn hóa Trung Hoa. Câu chuyện kể rằng Ksitigarbha tu tập lòng hiếu thảo như một phàm nhân, mà cuối cùng dẫn đến đại thệ nguyện cứu vớt tất cả chúng sinh. Kể từ đó, các học giả khác như Gregory Schopen đã chỉ ra rằng Phật giáo Ấn Độ cũng có truyền thống hiếu thảo(5). Hiện tại không có bằng chứng cuối cùng chỉ ra nguồn gốc Ấn Độ hoặc Trung Quốc cho bản kinh này.

Trong kinh Kṣitigarbha, Đức Phật nói rằng vào thời đại xa xưa, Kṣitigarbha là một trinh nữ thuộc đẳng cấp Bà-la-môn với tên gọi của Thánh Nữ(6). Người trinh nữ này chìm vào hỗn loạn vì cái chết của mẹ cô - người thường xuyên phỉ báng Tam bảo. Để cứu mẹ mình khỏi sự tra tấn dã man nơi địa ngục, cô bán bất cứ thứ gì mình có và sử dụng tiền để mua lễ vật cúng dường hàng ngày cho Đức Phật trong kiếp đời của mình là Giác Hoa Định Tự Tại Như Lai. Cô cầu nguyện nhiệt thành để mẹ cô được miễn những hình phạt chốn địa ngục và khẩn khoản cầu xin sự giúp đỡ của đức Phật.

Khi cô cầu xin được sự giúp đỡ tại nơi chùa tháp, cô nghe thấy Đức Phật bảo cô trở về nhà, ngồi xuống, và tụng niệm danh hiệu của Ngài nếu cô muốn biết mẹ mình đang ở đâu. Cô đã làm như được bảo và ý thức mình được đưa đến địa ngục, nơi cô đã gặp một người lính gác thông báo cho cô biết rằng nhờ lòng cầu nguyện nhiệt tình và các lễ vật được thành kính cúng dường, mẹ cô đã tích lũy được nhiều công đức và đã đi lên cõi trời. Thánh Nữ nhẹ nhõm và rất hạnh phúc, nhưng cảnh khổ đau mà cô đã nhìn thấy trong Địa ngục đã làm cô thương cảm. Cô phát thệ nguyện sẽ làm hết sức mình để giải thoát chúng sinh khỏi những khổ đau của họ trong cuộc đời tương lai cho những kiếp/kalpa tiếp theo(7).

3.                  Trong quá khứ, Địa Tạng Bồ-tát từng là một vị quốc vương. Khi nhìn thấy muôn dân trong nước phải chịu những khổ nạn của lục đạo luân hồi, ông phát thệ nguyện rằng: nếu như ta không cứu độ những chúng sinh tội đồ thống khổ kia trước, khiến cho họ có được sự an lạc, chứng đắc Bồ-đề thì ta quyết không thành Phật trước họ.

4.                  Trong quá khứ, Địa Tạng Bồ-tát từng là một cô gái tên gọi là “Quang Mục”. Vì muốn cứu độ cho người mẹ đã chết, đang phải chịu khổ ở trong địa ngục, cô một lòng niệm Phật, cung kính cúng dường, và sức mạnh của lòng hiếu thảo đã cứu được cha mẹ thoát khỏi nỗi khổ ở địa ngục. Cô cũng phát thệ nguyện ở trước tượng của Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai rằng: muốn cứu độ cho tất cả những chúng sinh đang chịu khổ, cho đến sau khi họ thành Phật thì tự mình mới thành Phật.

5.                  Theo những bộ sách như Tống cao tăng truyện: Địa Tạng Bồ-tát đã từng giáng sinh làm thái tử ở nước Tân La, họ Kim, tên là Kiều Giác. Vị thái tử này có thân hình to lớn, cốt cách kỳ lạ, sau khi xuống tóc đi tu, lấy đạo hiệu là Tỳ-kheo Địa Tạng. Tỳ-kheo Địa Tạng đến Trung Quốc vào thời Đường Cao Tông, ban đầu thì đi thăm viếng các nơi, giáo hóa chúng sinh vài năm, cho đến khi tới núi Cửu Hoa (huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy), ngọn núi được thế nhân đương thời xưng tụng là “Đông nam đệ nhất sơn”, dừng lại dựng am tu khổ hạnh. Mấy năm sau ngài được những thân sĩ ở địa phương là những người Gia Cát Tiết phát hiện. Ngài ở trong hang núi lấy cỏ mao làm rào che, ăn uống có lẫn cả đất, sinh hoạt rất thanh bạch kham khổ. Sau đó, khi biết ngài vốn là thái tử của nước Tân La, những người này vô cùng kính phục, bởi vậy bèn tự nguyện dựng chùa cho ngài. Đương thời, núi Cửu Hoa thuộc quyền sở hữu của Mẫn Công nên muốn xây chùa phải xin đất của Mẫn Công. Mẫn Công bèn hỏi Tỳ-kheo Địa Tạng muốn lấy bao nhiêu đất, ngài trả lời rằng: “Chỉ cần mảnh đất đủ để chiếc áo cà-sa phủ kín là đủ”. Một chút đất chẳng đáng là bao như vậy, Mẫn Công bèn vui vẻ đồng ý. Nào ngờ khi Tỳ-kheo Địa Tạng vừa mới đem chiếc áo cà-sa tung ra, chiếc áo nhẹ nhàng bay lên, hướng về phía đỉnh núi Cửu Hoa, biến thành một cái lọng che khổng lồ, bóng của nó trùm kín hết cả một quả núi Cửu Hoa. Mẫn Công biết rằng Tỳ-kheo Địa Tạng quả là một vị cao tăng đắc đạo, bèn không nuốt lời, đem toàn bộ quả núi Cửu Hoa cúng dường cho Địa Tạng. Chẳng bao lâu, con trai của Mẫn Công và bản thân ông cũng lần lượt xuất gia theo Địa Tạng Bồ-tát, trở thành các vị hộ pháp cho Địa Tạng Bồ-tát.

Địa Tạng ở trong chùa Hóa Thành núi Cửu Hoa truyền giới thuyết pháp vài chục năm. Năm 99 tuổi, tức là vào ngày 30 tháng 7 âm lịch Khai Nguyên thứ 26 đời vua Huyền Tông nhà Đường (năm 738 sau công nguyên) thì ngài viên tịch. Khi viên tịch, ngài kêu gọi chúng đệ tử để cáo biệt, ngồi kiết già mà hóa. Vẻ mặt ngài như lúc còn sống, tay mềm như bông, những khớp xương trên thân thể kêu lắc rắc như vàng va nhau, da thịt không hề bị thối rữa. Vì vậy, các tín đồ bèn xây tháp để ghi nhớ, đem thi thể ngài an trí trong tháp. Tương truyền, xác phàm của Địa Tạng Vương ngày nay vẫn được thờ cúng ở trong Địa Cung bên dưới Nhục Thân Bảo Điện trên núi Cửu Hoa.

Trong dân gian Trung Quốc có phong tục vào đêm 30 tháng 7 âm lịch, mọi nhà đều thắp nhang “Địa Tạng Hương”, tục truyền là để kỷ niệm ngày đắc đạo của Địa Tạng Bồ-tát. Vào ngày này, các ngôi chùa còn cử hành Địa Tạng Pháp Hội để tưởng nhớ đến ngài(8).

6.                  Quyển 7 của bộ Tam giáo sưu thần đại toàn lại cho rằng kiếp trước của Địa Tạng là Mục Kiền Liên: Ở thành Vương-xá có một người tên là Phó La Bốc, pháp danh là Mục Kiền Liên, đã từng đến học Như Lai, cứu mẫu thân thoát khỏi bầy quỷ đói, lập lễ Vu lan, khi chết được làm Địa Tạng Vương. Ngày sinh của ngài là 30-7 âm lịch, mọi người đến lễ bái. Cũng nói rằng “Cửu Hoa Sơn ở Thanh Dương ngày nay là nơi tu hành của Địa Tạng”.

Ngài Mục Kiền Liên gọi tắt là Mục Liên, là một trong 10 đệ tử lớn của Thích Ca Mâu Ni. Ngài được coi là “thần thông bậc nhất”. Câu chuyện về ngài Mục Liên cứu mẹ ra khỏi địa ngục rất nổi tiếng, nổi tiếng hơn cả câu chuyện cô gái Bà-la-môn cứu mẹ. Nội dung khái quát của hai câu truyện là: “Cả hai người đều vào trong địa ngục. Cả hai người đều cứu mẹ của mình thoát ra khỏi địa ngục nơi họ đang chịu khổ chịu nhục”. Suy rộng ra là “lấy cái già của mình để thông cảm với cái trẻ của người khác”. Cả hai người (tức là ngài Mục Liên và cô gái Bà-la-môn kia) đều được khắc họa thành những giáo chủ của cõi u minh với chí nguyện cứu mọi người thoát khỏi địa ngục khổ đau. Nhưng theo kinh văn Phật giáo, rốt cuộc ngài Mục Liên chỉ tu chứng A-la-hán (tức là thấp hơn Phật hai bậc). Ngài Mục Liên về sau chết đột ngột, thực chất ngài chưa tu tiến lên đến Bồ-tát (tức là thấp hơn Phật một bậc, cao hơn A-la-hán một bậc).

7. Trong quyển 10 của bộ Lịch đại thần tiên thông giám, lại cho Địa Tạng là Kim Thiền Tử. Lão Tử (Thái Thượng Lão Quân) nói với các thần tiên rằng: “Vương Quân (tây thành) thương xót chúng sinh ở cõi u minh, vội đến cõi u minh, muốn cứu chúng sinh ở ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), phát nguyện đại từ đại bi, thân mình đầu thai xuống thập địa, gửi hồn sống ở nước Tân La, gọi là Diệp Thị Tử, ngay từ nhỏ đã xuất gia, đứng vị trí nhất trong các vị thánh, mượn pháp môn của Lão, Phật làm chiếc bè báu xuống dưới âm phủ”. Ngài khoanh tay nói với ngài Địa Tạng rằng: “Muốn biết Vương quân, chỉ thế là được rồi”. Ngài Địa Tạng chắp tay khom lưng. Lão quân lại nói rằng: “Lão quân hiện nay là giáo chủ của cõi u minh, là thủ lĩnh của đông thổ Phật gia, không cần phải khiêm nhường”. Ngài Địa Tạng nói lời cám ơn, chúng tiên lúc đó mới biết ra rằng đó chính là Kim Thiền Tử.

Một điều hiển nhiên, đây chính là giáo thuyết của Đạo giáo nhằm đề cao chính mình mà hạ thấp Phật giáo. Họ muốn nói rằng: Phật Tổ (Thích Ca Mâu Ni) là do Lão Tử “hóa” thành. Ngài Địa Tạng không thể nói được gì hơn nữa, trước mặt Lão Quân đương nhiên chỉ biết cúi đầu lắng nghe(9).

Những đại nguyện này chính là câu nói đã trở thành danh ngôn của Địa Tạng Bồ-tát mà mọi người đều quen thuộc là “Ta không vào địa ngục thì ai chịu vào địa ngục”. Chính vì có được công đức như vậy cho nên Địa Tạng Bồ-tát có được sự tôn sùng tín ngưỡng rất rộng rãi ở Trung Quốc.

III. Trú xứ

- Địa ngục: Vì phát nguyện muốn cứu độ cho tất cả chúng sinh đang chịu khổ dưới địa ngục, Địa Tạng Bồ-tát bèn dốc hết toàn bộ sức lực để cứu độ không ngừng, cho nên đã xuất hiện miền Tĩnh thổ địa ngục của Địa Tạng Bồ-tát nhằm mở đường hiếu sinh cho chúng sinh dưới địa ngục.

Sách Phật thuyết Địa Tạng Bồ-tát phát tâm nhân duyên thập vương kinh đã miêu tả cảnh tượng ở miền Tĩnh thổ địa ngục, đồng thời đặt tên là Tĩnh thổ “Thiện Danh Xưng Viện”. Đoạn kinh văn này nói: “Vương quốc Diêm Ma tên gọi là Thế giới Vô Phật, còn tên gọi là nước Tu Di, Diêm Ma La… có hai viện: viện thứ nhất là viện Quang Minh Vương, viện thứ hai tên là viện Thiện Danh Xưng… Lại nói viện Thiện Danh Xưng, nơi đây cảnh vật rất đẹp, xây dựng riêng miền Tĩnh Thổ ở nơi không có Phật, mặt đất phủ đầy kim sa, vàng bạc ngọc ngà đầy đường… Trong đầm nở rộ sen thất bảo, xanh vàng đỏ trắng; trong sông có sáu loài chim kêu, hòa điệu cùng Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ, trang nghiêm vi diệu, như ở trong cõi trời Đâu Suất vậy. Trong điện Thù Thắng có sắp đặt năm bảo tòa, chính là bảo tòa nhập định của Địa Tạng Bồ-tát”.

Đoạn kinh văn này không những nói miền Tĩnh thổ của Địa Tạng cũng trang nghiêm như cõi trời Đâu Suất, mà quan trọng hơn là còn nói đến việc Địa Tạng Bồ-tát cam tâm vào ở trong địa ngục, hoàn toàn không ghét bỏ những chúng sinh từng làm nên ác nghiệp mà bị đày xuống địa ngục, chỉ cần họ có một ít lòng thiện căn nhỏ bé thì Địa Tạng Bồ-tát cũng sẽ dốc hết sức lực để cứu độ cho những chúng sinh đang trầm luân trong ác đạo này. Họ vẫn có thể đạt được sự an lạc còn Địa Tạng Bồ-tát sẽ là người cuối cùng rời bỏ địa ngục. Cho nên trong tín ngưỡng dân gian, Địa Tạng Bồ-tát được coi là chủ tể tối cao của địa ngục. Người ta gọi ngài là “U Minh giáo chủ”. Quản hạt bên dưới của ngài là Thập Điện Diêm Vương. Khảo cổ học cận đại đã phát hiện ra bức tranh Địa Tạng Thập Vương Đồ trong động Thiên Phật ở Đôn Hoàng, trong tranh có vẽ Địa Tạng Bồ-tát cùng với các quản hạt của ngài là tượng Thập Điện Diêm Vương, đồng thời còn có chữ khắc: “tranh vẽ năm 983(10).

- Núi La-đế-da (Kharadiya): Xưa kia ở chính giữa nước Ma-yết-đà (Magadha) của Ấn Độ có thành Ca-da, cách thành 15 dặm về phía Nam có một ngọn núi là La-đế-da, cao 940 trượng, rộng 730 trượng, được tạo bởi 7 loại châu báu, vốn là trụ xứ của Mâu Ni. Phật Đà đã giảng giải kinh điển Đại phương quảng Phật thập luân kinh của Bồ-tát Địa Tạng ở đây. Trước khi Phật Đà giảng kinh, hội trường xuất hiện nhân duyên thuyết pháp huyền diệu: Khi đó ở phía Nam xuất hiện mây hình hoa và có hương thơm, mây mưa bao quanh núi đó, trong mây mưa lại vang ra các loại pháp âm vô cùng vi diệu. Mọi người đều có thể nhìn thấy sự trang nghiêm của những vẻ đẹp hương hoa đó, tự mình có thể nhìn thấy hai bàn tay có ngọc trai như ý, những viên ngọc trai này chảy ra vô vàn châu báu. Tất cả mọi người bỗng nhiên cảm thấy đại địa như rung chuyển. Từ sự cảm nhận kỳ lạ và tốt lành đó mới khai thị cho đại chúng. Phật Đà mới bắt đầu thuyết giảng về vô vàn nhân duyên từ bi thù thắng của Bồ-tát Địa Tạng.

- Núi Cửu Hoa: là một trong 4 ngọn núi lớn nổi tiếng về Phật giáo Trung Quốc, nằm ở phía Tây Nam huyện Thanh Dương, tỉnh An Huy, từ xưa đến nay núi luôn được coi là tịnh thổ của Bồ-tát Địa Tạng. Sau khi Bồ-tát Địa Tạng nhập Niết-bàn, đã xuất hiện rất nhiều tướng tốt lành, huyền diệu, mọi người cho rằng đó là hóa thân của Bồ-tát Địa Tạng Vương. Vì thế, núi Cửu Hoa đã trở thành đạo tràng ở Trung Quốc, nơi mà Bồ-tát Địa Tạng ứng hóa(11).

Tương truyền, đời Đường có Tăng nhân người Tôn La (Triều Tiên) là Kim Kiều Giác đi thuyền qua biển đến Trung Quốc, thấy đỉnh Cửu Hoa sơn là nơi rất tốt để tu hành bèn chọn nơi trong núi mà ở tu niệm. Sau đó, được chủ ở núi quyên trợ, dựng chùa, lập đạo tràng. Sơn chủ họ Mẫn, cùng con là Đạo Minh theo thầy xuất gia. Sau khi Kim Kiều Giác nhập tịch được gọi là hóa thân của Địa Tạng Bồ-tát. Do đó, Cửu Hoa sơn được coi là đạo tràng của Địa Tạng Bồ-tát, nổi danh cùng với các núi Phổ Đà, Nga Mi, Ngũ Đài, trở thành một trong Tứ đại danh sơn Phật giáo Trung Quốc. Tín ngưỡng Địa Tạng Bồ-tát rất thịnh hành trong dân gian nên hàng năm vào ngày 30 tháng 7 âm lịch, tương truyền là ngày xuất thế của Địa Tạng Bồ-tát, tín đồ Phật giáo nơi nơi kéo nhau đến lễ bái(12).

IV. Hình tượng

Hình tượng của Địa Tạng Bồ-tát có nhiều loại, xin sơ lược như sau:

- Bồ Tát hình:

Theo kinh Đại Nhật 3, ngài có hình tướng của 1 vị Bồ-tát, đầu đội mũ báu, cổ đeo chuỗi anh lạc.

Ngoài ra, nếu thể hiện tướng mạo Đại Sĩ (tức tướng mạo Bồ-tát) thì đội mũ Thiên Quan (tức là mũ có tượng Phật), mặc áo cà-sa, tay trái cầm nhành hoa sen, tay phải làm tư thế Vô úy ấn, ngồi an tọa trên Cửu Liên Đài. Trong Đồ tượng sao – quyển năm, Biệt tôn tạp ký – quyển 28, Giác thiền sao Địa Tạng (quyển thượng), A sa phọc sao – quyển 110… cũng đều nêu lên hình tượng này.

Bồ-tát Địa Tạng, đứng đầu của viện Địa Tạng thuộc Mạn-đồ-la Thai Tạng giới, có hình Bồ-tát ngồi kiết già trên tòa sen, tay trái cầm hoa sen, trên hoa có cây cờ báu Như Ý, tay cầm bảo châu. Ấn tướng là Kỳ ấn (ấn cờ). Còn theo Đa-la-ni tập kinh 6 thì ấn tướng của ngài là Pháp thân ấn hoặc Pháp ấn(13).

Ở Tây Tạng, tượng điêu khắc về Địa Tạng rất hiếm thấy; hầu như ngài chỉ được biểu thị trong các bức tranh và trong các đồ hình mạn-đà-la. Nhưng trong hình tượng Bồ-tát, ngài là biểu tượng mạn-đà-la: ngồi trên một tòa sen, trang phục như Bồ-tát, mũ miện trên đầu, tay phải cầm một đĩa mặt trời hay một cintamani, tay trái cầm một stupa gắn một hiệu kỳ đặt trên hoa sen. Trong Thai tạng giới mạn-đà-la, ngài được vây quanh bởi nhiều vị thần, và được đặt ở phía Bắc của Vairocana. Đôi khi ngài ngồi và cầm một tích trượng (khakkara) trong cả hai tay. Mũ miện của ngài có thể mang những hình tượng của năm vị Jina. Trên các cờ phướn ở Turkestan, ngài chít một khăn tur-ban trên đầu, cầm tích trượng nơi tay phải và ngọc như ý nơi tay trái(14). Bên cạnh đó, trong điêu khắc và hội họa, một vài biểu tượng hiếm về Địa Tạng dự phần vào nhóm tám Đại Bồ-tát: trang phục kiểu Bồ-tát và cầm một bình bát trong tay trái hoặc được biểu thị như một Bồ-tát đội mũ báu, đeo châu ngọc, thân khoác áo trời, ngự trên tòa sen, tay phải cầm bảo châu, tay trái bắt ấn Thí nguyện.

Trong những hang động thời tiền Đường ở Đôn Hoàng và Long Môn, Địa Tạng được miêu tả trong hình thức của một vị Bồ-tát kinh điển. 

- Thanh Văn hình

Trong đồ tượng Phật giáo, ở Đông Á, Địa Tạng Bồ-tát thường được miêu tả dưới dạng Tỳ-kheo/Tăng hình: với đầu trọc, khoác áo đơn giản như chư Tăng (không giống như hầu hết các vị Bồ-tát khác, ăn mặc giống như hoàng tộc Ấn Độ hay hình tượng Bồ-tát trong các chùa viện Phật giáo Trung Quốc thường là đầu đội bảo quan, mình mặc thiên y, trang sức bằng vàng ngọc) với một vầng hào quang quanh đầu và toàn thân màu tử kim. Trong tay trái, Địa Tạng Bồ-tát nắm giữ ngọc cintamani (bảo châu như ý); trong tay phải giữ một quyền trượng (đôi khi trì vật ở các tay được chuyển đổi cho nhau) ngồi hoặc đứng trên hoa sen.

Tích trượng là dịch ý từ tiếng Phạn, còn có ý dịch là “thanh trượng” (gậy âm thanh), “minh trượng” (gậy reo). Dịch âm là “khiết-khí-la”, gọi là shakujo trong tiếng Nhật, là một loại pháp khí tùy thân đi hành hóa của Phật giáo. Chiều cao của tích trượng đến ngang lông mày, phần ngọn có trang trí vòng thiếc, có thể lắc để tạo ra âm thanh. Quyển hạ, bộ sách Đại Tỳ-kheo tam thiên uy nghi kinh có nói, các nhà sư cầm tích trượng có ba cách sử dụng: một là khi đi đường hoặc hóa trai thì làm cho các vòng thiếc của tích trượng rung lên tạo ra âm thanh thu hút sự chú ý của người đi đường hoặc rung vòng thiếc tạo âm thanh thay cho việc gõ cửa xin khất thực; thứ hai là dùng để đánh đuổi rắn độc, bò cạp hoặc làm vũ khí phòng thân, phòng ngừa gia súc chó nuôi tấn công hoặc được dùng xua đuổi côn trùng và các sinh vật nhỏ đến gần, để Địa Tạng Bồ-tát không vô tình làm hại đến chúng; thứ ba là có tác dụng nâng đỡ cho những người cao tuổi, tức là có thể dùng làm gậy chống cho các nhà sư cao tuổi. Đến những đời sau, các Thiền sư rung cây tích trượng để khải thị huyền cơ, chỉ điểm những chỗ thâm diệu, trong những lúc có pháp sự, các vị Pháp sư cầm gậy tích trượng biểu hiện địa vị của bản thân, thể hiện sự uy nghi(15). Truyền thống, chiếc quyền trượng này được mang bởi các tu sĩ Phật giáo. Tương truyền, chiếc quyền trượng này có quyền năng mở những cánh cổng của địa ngục.

Tay cầm ngọc báu như ý, biểu thị việc thỏa mãn những nguyện vọng của chúng sinh, thắp lên ánh sáng trong tăm tối. Trong Phật giáo, ngọc như ý còn bao hàm ý nghĩa cát tường.

Trang phục của Địa Tạng Bồ-tát so với phục sức của những nhà sư thường gặp không khác nhau, điều này thể hiện tinh thần đại nguyện của Địa Tạng là nếu chưa cứu độ hết chúng sinh, thề không thành Phật. Trang phục theo lối Tỳ-kheo có ý nghĩa “ngoài thể hiện tướng Tỳ-kheo, bên trong ẩn giấu đạo hạnh Bồ-tát”, có nghĩa là tùy duyên mà giáo hóa chúng sinh. Theo Địa Tạng Bồ-tát nghi triếp, Địa Tạng Bồ-tát thập luân kinh thì do Địa Tạng Bồ-tát ở trong “Ngũ trược ác thế” không có Phật để tế độ chúng sinh, khiến cho chúng sinh tin vào nhân quả, tôn kính Tam bảo vì thế nên lộ Tăng tướng xuất gia.

Trong truyền thống Trung Quốc, Địa Tạng Bồ-tát đôi khi được miêu tả đội một mũ miện giống như của Đại Nhật Như Lai/Vairocana. Mũ này còn được gọi là mũ Ngũ Phật, mũ Ngũ Như Lai, mũ Phật Ngũ Phương, hay mũ Tỳ-lô-bì-lô-quan. Hình ảnh của ngài cũng tương tự như của nhân vật hư cấu Đường Tam Tạng trong tiểu thuyết kinh điển Tây du ký, do đó mà thế nhân đôi khi nhầm lẫn với Địa Tạng Bồ-tát.

Giống như các Bồ-tát khác, Địa Tạng Bồ Tát thường thấy đang đứng hoặc ngồi trên đài tọa hoa sen, tượng trưng cho sự giải thoát khỏi tái sanh. Khuôn mặt và đầu của Địa Tạng Bồ-tát cũng được lý tưởng hóa với đặc điểm có con mắt thứ ba, đôi tai dài và các đặc trưng tiêu biểu khác của một vị Phật.

Ngoài ra, trong Địa Tạng Bồ-tát nghi quỹ có nói: Khi Địa Tạng Bồ-tát trong hình tượng Thanh Văn thì mặc áo cà-sa ngay ngắn che vai trái, tay trái cầm nhành hoa sen/cây tích trượng, tay phải kiết ấn Vô úy, ngồi trên đài sen.

Biệt tôn tạo ký – quyển 28 và Giác thiền sao Địa Tạng (quyển thượng) đã miêu tả hình tượng Tỳ-kheo: tay trái cầm bảo châu, tay phải bắt ấn Dữ nguyện, chân phải rủ xuống, ngồi lên hoa sen trên mây.

Sau triều đại nhà Đường, Địa Tạng được thể hiện nhiều hơn dưới hình thức của một nhà sư mang theo những vòng chuỗi cầu nguyện của các tín đồ nhà Phật và một tích trượng.

Tướng mạo Địa Tạng Bồ-tát ở núi Cửu Hoa là hình dạng một vị Tỳ-kheo đầu đội mũ Ngũ Như Lai (loại mũ giồng như Đường Tăng), ngồi kiết già trên đài sen, hai lòng bàn tay hướng lên trên thành Thiền định ấn đặt trên đùi xếp bằng tròn. Đây là tướng đắc đạo của Địa Tạng Bồ-tát, cũng chính là hình hài xác thịt của Địa Tạng sau khi viên tịch.

Bên cạnh đó, Địa Tạng Bồ-tát còn thấy thường xuất hiện trong hình tượng đầu đội mũ Tỳ-lô, thân khoác cà-sa, điều này khá hiếm gặp trong số các Bồ-tát, ngồi trên bảo tọa hoa sen trong tư thế vui đùa, dưới bảo tọa là vật cưỡi của ngài – Đề Thính. Pháp khí: tay trái cầm ngọc như ý, tay phải cầm gậy sắt. Con vật mà ngài Địa Tạng thường cưỡi là một con vật kỳ quái trông giống như con sư tử. Con vật Đề Thính này, còn được gọi là Thiện Thính, là một loại quái thú đầu hổ, một sừng, tai vểnh, thân rồng, đuôi sư tử, chân kỳ lân, được coi là tượng trưng cho sự may mắn. Đề Thính có thần thông quảng đại. Trong hồi thứ 58 của Tây du ký có nói rằng: Hóa ra con Đề Thính là một con vật mà Bồ-tát Địa Tạng trong lúc đi kinh an hạ phục được. Nếu như con Đế Thính đó nằm phủ phục xuống dưới đất, thì trong chốc lát tất cả giang sơn xã tắc của Tứ Địa Bộ Châu động thiên phúc địa, các con vật có vỏ, con vật có vẩy, con có lông mao, con có lông vũ, côn trùng, thiên tiên, địa tiên, thần tiên, nhân tiên, quỷ tiên, có thể thấy được quyền thiện và ác, nghe tỉ mỉ được người hiền kẻ ngu. Con khỉ Vương giả mạo mà đến ngay cả Ngọc Hoàng Thượng Đế, Quán Âm đều không có cách nào phân biệt được thì Đề Thính chỉ cần nằm xuống dưới đất và nghe ngóng một hồi, liền nghe được rõ ràng. Do dưới âm tào địa phủ không có sức để bắt được, và không dám kết luận linh tinh, xằng bậy, cuối cùng phải đem con khỉ giả và con khỉ thật đến chỗ của Phật Như Lai thì vụ án mới được kết thúc.(16)

Trong điêu khắc và hội họa Tây Tạng, ngài không mang pháp khí nào, đứng hoặc ngồi, khoác Tăng bào, đầu cạo trọc, tay phải và tay trái trong các tư thế Vô úy và Thí nguyện ấn, đứng hoặc ngồi, hoặc là trong tư thế thoải mái vương giả hoặc trong thế Liên hoa tọa, tay phải bắt Vô úy ấn, tay trái cầm Như ý bảo châu. Khi đứng hoặc ngồi trong thế Liên hoa tọa với hai bàn chân ẩn trong lớp áo ngài cũng có thể được trang điểm với nhiều vòng cổ. Tay phải cầm một như ý châu hoặc một tích trượng sáu vòng (biểu thị sáu nẻo luân hồi) tay trái cầm như ý châu hoặc một tích trượng hoặc cũng có khi cầm hoa sen nhưng hiếm hơn. Hai bàn tay cũng có thể trong tư thế Hiệp chưởng ấn (Anjali mudra).

- Hình tượng khác

Trong Mật Tông, tượng Địa Tạng Bồ-tát còn được tạo hình tượng toàn thân có màu trắng, ngồi kiết già trên đài sen, tay trái cầm hoa sen, trên tòa sen có cờ tràng, cờ phướn như ý, tay phải cầm bảo châu. Cà-sa ngay ngắn che vai trái có nghĩa là khoác cà-sa che một vai trái, vai bên phải để trần, gọi là cà-sa trần vai phải, đây là phương thức mặc cà-sa khi hành lễ. Tràng, phướn là các loại cờ của Phật giáo dùng làm pháp khí. Tràng là loại cờ dạng ống dài, phướn là loại cờ dạng dải lụa dài, ráp nhiều miếng lại. Địa Tạng Bồ-tát tay cầm bông sen có cờ tràng cờ phướn Như ý là thể hiện tiêu chí Đại Bồ-tát tâm.

Trong tranh tượng Phật giáo Nhật Bản, ngài thường được trình bày trong hình tượng một nhà sư đi vào lửa ngục để giải cứu những linh hồn chịu khổ nạn. Tuy nhiên, có lẽ những biểu thị thường thấy nhất về vị Bồ-tát này là những tượng đá Jizo trong các nghĩa trang Phật giáo, được dựng lên như lời cầu nguyện xin vị Bồ-tát này cứu độ linh hồn của những em bé yểu vong và được mặc bằng quần áo của các em bé đó.

Biệt lệ, Địa Tạng Bồ-tát cũng có thể mang hình tướng nữ nhân. Vị Tử An Địa Tạng (Koyasi Jizo) này được kêu cầu như vị thần ban cho con cái. Ở phương diện này, ngài thường được đồng hóa (hay lẫn lộn) với một phương diện tương tự của Chuẩn Đề Quan Âm (Juntei Kannon). Ngài cũng được kêu cầu để bảo vệ trẻ con và giúp sinh nở dễ dàng.

Trong nhiều chùa ở Nhật Bản, có một dãy tượng Địa Tạng bằng đá đẽo thô mộc, gọi là Sentai Jizo (Ngàn thân Địa Tạng), chẳng hạn ở Kyoto, chùa Nembutsu-Ji (Niệm Phật Tự) nơi một bức tượng của ngài được dành để tưởng niệm những hài nhi yểu mệnh(17).

- Hình tượng kết hợp

Trong tín ngưỡng thờ Địa Tạng, dựa theo những truyền thuyết khác nhau mà Địa Tạng được kết hợp với người hầu cận, hoặc kết hợp với chư Phật, hay các thần linh ở cõi dưới.

+ Trong điện Địa Tạng trên núi Cửu Hoa, ở hai bên bức tượng Địa Tạng Bồ-tát đầu đội mũ Ngũ Như Lai, ngồi kiết già trên tòa sen có tượng hai người hầu cận một già một trẻ đứng hai bên. Người già có hình dáng một vị thân sĩ cổ đại Trung Quốc, tay cầm phất trần; người trẻ có hình dạng một Tỳ-kheo, tay trái cầm tích trượng, tay phải cầm bát. Tương truyền hai người này chính là cha con họ Mẫn đã cúng dường núi Cửu Hoa làm đạo tràng cho Địa Tạng Bồ-tát. Người trẻ chính là con trai Mẫn Công, tên gọi Tỳ-kheo Đạo Minh(18).

Trong Phật giáo Nhật Bản, Địa Tạng thường được mô tả có hai đệ tử: Khuyến Thiện (Shozen), mặc tăng bào màu trắng, cầm hoa sen trắng và Thắng Ác (Shoaku), mặc tăng bào màu đỏ, tay cầm kim cương chử. Hai nhân vật này rất ít khi được thể hiện, mà thường được tượng trưng bằng những mảnh vải trắng và đỏ buộc vào cổ các bức tượng của vị Bồ-tát này (19) .

+ Mặt khác, với tư cách là một trong Tứ đại Bồ-tát, đôi khi Địa Tạng cũng tùy giá A Di Đà trong việc tiếp dẫn linh hồn vong nhân vào cõi Cực lạc tịnh thổ.

Ngoài ra, Bồ-tát Kim Cang Tràng trong 4 vị thân cận của Bảo Sanh Như Lai ở phương Nam trong mạn-đà-la Kim Cang giới là đồng thể mà khác tên với Bồ-tát Địa Tạng.

Theo kinh Bát Đại Bồ-tát mạn-đà-la thì Bồ-tát Địa Tạng là 1 trong 8 vị Đại Bồ-tát. Có thuyết cho rằng Đức Phật A Di Đà và 4 vị Bồ-tát đứng hầu bên cạnh Ngài như: Địa Tạng, Quán Âm, Thế Chí, Long Thọ. Bộ tượng được gọi là “A Di Đà Ngũ Phật”. Cũng có thuyết cho rằng Bồ-tát Pháp Tạng tức Đức Phật A Di Đà khi còn ở địa vị tu nhân vốn là đồng thể với Bồ-tát Địa Tạng.

Người Nhật coi Địa Tạng là một bậc thầy “Tôn giả” (Sonja) thân thiết, hơn là một vị thần linh xa xăm: bản tính khoan hòa từ ái của ngài, ngoại hình nhà sư của ngài, khiến ngài có vẻ gần gũi với nhân gian hơn là các thần linh khác, những vị ấy có vẻ xa cách và đáng kiêng dè hơn. Ngài được gắn liền với A Di Đà, và với Quan Thế Âm đại từ đại bi, để thành bộ Tam tôn “Nhất Phật Nhị Bồ-tát”.

+ Là người thống quản địa ngục nên sự gắn bó của Địa Tạng với chư thần vương ở cõi Diêm phủ rất quan trọng. Song cũng lưu ý rằng, mặc dù Địa Tạng sớm được biết đến ở Ấn Độ - ngay thế kỷ thứ tư, nhưng ngài chưa từng là một khuôn mặt thờ phượng phổ biến ở Ấn Độ hay các phái Mật tông vùng Himalaya. Nơi đây cũng không hề liên kết ngài với địa ngục. Tuy nhiên, ở Đông Á, ngài được thờ phượng từ rất sớm, như là một vị phán quan tối cao, tổng quản cả Thập điện Diêm vương. Trong tư cách đó, ngài được tin là có khả năng cứu vớt các linh hồn khỏi những cực hình do các phán quan địa ngục đưa ra. Ngài cũng được các phụ nữ xấu xí thờ phượng với hy vọng kiếp sau sẽ được ngài hóa độ cho xinh đẹp hơn. Ở Nhật Bản, hình ảnh Địa Tạng thường được những bậc cha mẹ có con chết sớm rải dọc theo bờ sông Sai-no-Kawara, tương tự như dòng sông Styx trong thần thoại Hy Lạp, với hy vọng giải thoát cho linh hồn vong nhân không phải chịu hình phạt xếp những đống đá lên cao ngất trời rồi chúng lại đổ xuống và rồi tội nhân lại phải xếp lên lại, cứ như thế đến thiên thu vạn đại. Địa Tạng cũng được tin là giúp cho phụ nữ muốn có thai và người phù hộ cho khách lữ hành(20).

Ở Trung Quốc, nơi ngài được coi là chủ tể của Thập điện Diêm vương, Địa Tạng thường được biểu thị vây quanh bởi Thập diện Diêm vương.

+ Lục đạo Địa Tạng

Theo quyển Ojoyoshu của nhà sư Eshin (Ghenshin, 942-1017) thì Địa Tạng cũng là chủ tể của lục dục thế giới và của lục đạo luân hồi. Khi được nhìn cách riêng như một Bồ-tát an ủi những linh hồn bị đày trong địa ngục, đôi khi ngài bị lẫn lộn với Diêm Vương (Yamaraja).

Căn cứ theo sách Đại phương quảng thập luân kinh: Vì muốn thực hiện thệ nguyện của mình, Địa Tạng Bồ-tát đã từng hiện thân là vua Đại Phạn, Đế Thích, Thanh Văn, Diêm La Vương, sư tử, voi, hổ, sói, bò, ngựa, cho đến cả La-sát và vô vàn hiện thân khác trong địa ngục đạo… để giáo hóa chúng sinh, cho nên ngài được gọi là “Thiên Thể Địa Tạng”. Đôi khi người ta nhầm lẫn Sentai Jizo/Thiên Thể Địa Tạng với 500 vị La-hán. Hình tượng của Địa Tạng nhan nhãn khắp nơi tại Nhật. Để tăng cường tính hiệu quả, đôi khi những hình tượng đó được gộp lại với số lượng lớn.

Trong Mật tông, Địa Tạng Bồ-tát có vị trí ở chính giữa viện Địa Tạng, trong Thai Tạng Giới, cùng với các vị Bồ-tát Bảo Xứ, Bảo Chưởng, Trì Địa, Bảo Ấn, Kiên Cố Ý được gọi chung là Lục Địa Tạng, để hóa độ chúng sinh sáu cõi. Hình tượng thường gặp của Địa Tạng Bồ-tát là: đầu đội mũ trời, thân thể màu hồng nhạt, tay trái cầm hoa sen, bên trên có lọng che, tay phải cầm ngọc quý. Cũng có khi tay phải kiết ấn Vô úy.

Thông thường, người ta vẫn cho rằng Địa Tạng Bồ-tát chỉ ở trong địa ngục để cứu độ chúng sinh nơi đây. Thật ra không phải thế. Địa Tạng Bồ-tát có khả năng giáo hóa, cứu độ cả sáu đường, gọi là Lục Địa Tạng. Tên gọi Lục Địa Tạng cũng là dựa vào sáu đường chúng sinh trong thế giới Ta-bà mà có, thế giới phương khác hay bảy đường, bốn đường khác Địa Tạng cũng theo nhân duyên mà thị hiện để ứng hóa.

Tên gọi Lục đạo Địa Tạng trong ghi chép của các kinh không giống nhau, nhưng về đại thể đều xuất phát từ Đại Nhật kinh sớ – quyển năm. Sáu vị Bồ-tát trong chính vị thuộc Bồ-tát Viện trong cảnh giới Thai Tạng tức chỉ Địa Tạng, Bảo Xứ, Bảo Chưởng, Trì Địa, Bảo Ấn Thủ, và Kiên Cố Ý.

Địa Tạng Bồ-tát độ hóa chúng sinh trong sáu cõi, căn cứ vảo sự cứu độ chúng sinh khác nhau, danh hiệu và pháp khí cũng khác nhau, cụ thể như sau:

1/Đàn Đà Địa Tạng: Tay trái cầm cờ đầu người (tức là đàn đà), tay phải kết ấn Cam lồ, cứu độ chúng sinh cõi địa ngục.

2/Bảo Châu Địa Tạng: Tay trái cầm châu báu/ngọc báu, tay phải kiết ấn Cam lồ, cứu độ chúng sinh cõi quỷ đói.

3/Bảo Ấn Địa Tạng: Tay trái cầm tích trượng, tay trái kết ấn Như ý bảo, cứu độ chúng sinh cõi súc sinh.

4/ Trì Địa Địa Tạng: Tay trái cầm cờ kim cương, tay phải kiết ấn Thí vô úy, cứu độ chúng sinh cõi A-tu-la.

5/ Trừ Cái Chướng Địa Tạng: Tay trái cầm tích trượng, tay phải kiết ấn Thuyết pháp/Dữ Nguyên, cứu độ chúng sinh cõi trời.

6/ Nhật Quang Địa Tạng: Tay trái cầm ngọc Như ý, tay phải kiết ấn Thuyết pháp, ngài chiếu rõ ngũ suy của con người (khi con người sắp chết liền hiện năm dạng suy kiệt) do đó mà tiêu trừ mọi khổ não cho con người, ngài cứu độ chúng sinh cõi trời.(21).

V.    Thờ cúng

Ở Ấn Độ, Địa Tạng Bồ-tát/Ksitigarbha, mặc dầu được biết đến rất sớm trong các tông phái Đại thừa (từ thế kỷ thứ 4), hình như không được công chúng sùng mộ cho lắm, và chẳng có biểu tượng nào về ngài được tìm thấy, dầu tại đó hay tại vùng Đông Nam Á. Trái lại, ở Trung Hoa, người ta biết đến ngài nhiều từ thế kỷ thứ 5, sau khi quyển Thập luân kinh trong đó có nêu những đức tính của ngài, được Hán dịch.

Tín ngưỡng tôn sùng Bồ-tát Địa Tạng rất hưng thịnh tại Trung Quốc, từ đời Tùy, Đường về sau. Như ngài Tín Hạnh đời Tùy dựa vào kinh Địa Tạng thập luân đề xướng ra thuyết “Phổ Phật Phổ Pháp” và “Pháp Lễ sám Bồ-tát Địa Tạng”, đương thời gọi là Tam giai giáo. Còn ở Nhật Bản, tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng bắt đầu từ giữa thời đại Bình An, đến thời đại Liêm Thương thì dung hòa vào tín ngưỡng dân gian và hưng thịnh mãi cho đến ngày nay.

Người Trung Quốc vô cùng tôn kính và có nhiều niềm tin thế giới bên kia. Bồ-tát Địa Tạng lại là vị Bồ-tát đem đến cho họ sự bảo vệ.

Tín ngưỡng đối với Bồ-tát Địa Tạng rất thịnh hành ở Trung Quốc là do hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, do chịu ảnh hưởng của quan niệm thế giới sau khi chết và ảnh hưởng của quan niệm sống yên định, không muốn xa rời tổ tiên của người Trung Quốc. Một nguyên nhân nữa là: Bồ-tát Địa Tạng từng hóa hiện ở Trung Quốc, vì thế Kim Kiều Giác ở núi Cửu Hoa đã trở thành bậc Đại sĩ được rất nhiều người Trung Quốc tôn kính. Hai nguyên nhân này kết hợp khiến cho người Trung Quốc vô cùng sùng bái, kính trọng Bồ-tát Địa Tạng, đặc biệt là vào tháng 7 âm lịch – Trung Quốc gọi tháng này là “Tết quỷ” (xá tội vong nhân).

Địa Tạng bồn, còn gọi là Địa Tạng giảng, Địa Tạng hội, Địa Tạng tế, là pháp hội thiết trai cúng dường và tán thán công đức của Bồ-tát Địa Tạng. Pháp hội này vốn là phong tục của Trung Quốc, về sau phổ biến ở Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, từ thời trung cổ về sau, vào ngày 24 mỗi tháng, có thiết trai cúng dường để cầu cho người sống được tiêu trừ tật bệnh, người chết được siêu thoát. Đến nay, vùng Kansei (Nhật Bản) vẫn còn các hình thức như Địa Tạng giảng, chủ yếu để cầu phước cho trẻ em. Lúc cử hành pháp hội, an trí tượng Bổn Tôn Địa Tạng trên đường phố, dùng hoa, đèn để cúng dường.

Việc thờ phượng ngài còn rất phổ biến tại Nhật Bản, do Thiên Thai và Chân Ngôn tông phổ biến từ thế kỷ thứ 9. Một tục lệ dân gian coi ngài là người nghe xưng tội và rửa tội, mà mọi tội lỗi người ta phạm suốt trong năm sẽ được xưng ra trong cuộc lễ gọi là “lễ rửa tội của Địa Tạng”.

Chùa Tōsen-ji ở Katsushika, Tokyo, thuộc “khuôn khổ Jizō” của Ōoka Tadasuke nổi tiếng, có niên đại từ thời Edo. Khi tín đồ cầu khấn trước Jizō, tín đồ buộc một sợi dây thừng khắp bức tượng. Khi ước muốn được thỏa nguyện, người tín đồ sẽ tháo sợi dây thừng ra. Vào năm mới, những sợi dây thừng không thỏa nguyện ước sẽ bị cắt bởi tu sĩ của ngôi chùa.

Tín ngưỡng đối với Bồ-tát Địa Tạng rất thịnh hành ở Nhật Bản, thậm chí còn trở thành một sinh hoạt tốn nhiều công của, ở tận hang cùng ngõ hẻm chốn thôn quê, lúc nào cũng có thể nhìn thấy tượng điêu khắc Bồ-tát Địa Tạng bằng đá. Hơn nữa, Bồ-tát Địa Tạng cũng trở thành người bảo vệ cho trẻ nhỏ. Ở thôn quê, rất nhiều người khi sắp đến vụ mùa bận rộn, thường đem con nhỏ “gửi” bên cạnh tượng Bồ-tát Địa Tạng để cầu được ngài che chở.

Tại Nhật Bản, Kṣitigarbha có công năng quan trọng khác là bảo hộ trẻ con, được biết đến như Jizō, hay tôn kính như Ojizō-sama, là một trong những vị thần được sùng tín nhất trong tất cả các vị thần Nhật Bản. Tượng thần được thấy phổ biến, đặc biệt là dọc bên đường và trong các nghĩa trang. Theo truyền thống, ngài được coi là người bảo hộ cho trẻ em, và đặc biệt là những đứa trẻ bé chết non. Ngài được tôn thờ như là người bảo hộ cho các linh hồn mizuko, những linh hồn chết trẻ, bị sẩy thai, hoặc phá thai trong nghi lễ mizuko kuyō (thủy tử cúng dường: dâng cúng nước cho trẻ). Trong thần thoại Nhật Bản, người ta cho rằng linh hồn của những đứa trẻ chết non không thể vượt qua con sông Sanzu huyền thoại trên đường để đến với thế giới bên kia bởi vì họ không có cơ hội tích lũy đủ công đức vì không có thời gian để làm những việc tốt và bởi vì họ đã làm cho mẹ cha khổ đau. Người ta tin rằng Jizō cứu rỗi những linh hồn này khỏi việc phải mãi mãi xếp những cột đá ở bên bờ sông như là sự ăn năn/sám hối, bằng cách che giấu họ khỏi những yêu ma trong chiếc áo choàng của ngài và để họ nghe những chú nguyện.

Những bức tượng Jizō đôi khi đi kèm với một cột đá và đá cuội, được người dân đặt ở đó với hy vọng rằng nó sẽ rút ngắn thời gian mà đứa trẻ phải chịu đựng trong thế giới âm ty. (Hành động này bắt nguồn từ truyền thống xây dựng những bảo tháp như một hành động tích lũy công đức). Những bức tượng đôi khi có thể được thấy mặc quần áo hoặc yếm dãi của trẻ nhỏ, hoặc với đồ chơi, do những người cha người mẹ đau buồn đặt ở đó nhằm hỗ trợ cho người thân đã mất và hy vọng rằng Jizō sẽ đặc biệt bảo vệ họ. Đôi khi những vật phẩm này được các bậc phụ huynh dâng cúng để cảm ơn Kṣitigarbha đã cứu giúp cho con cái họ khỏi những trận bạo bệnh. Đặc trưng của ngài thường được tạo tác trông giống những đứa trẻ tương đồng với những đứa trẻ mà ngài bảo vệ.

Ngoài ra, tín ngưỡng dân gian gán cho ngài là vị thần bảo hộ đất đai rất nhiều quyền năng và tin rằng ngài đã làm vô số phép lạ. Chẳng những thế, người Nhật còn tin rằng một vài tượng Địa Tạng có quyền phép làm những việc như di chuyển, bay, nói hoặc nhổ gai khỏi chân những kẻ lữ hành. Từ đó, vô số tín ngưỡng dân gian gắn liền với Địa Tạng: Địa Tạng giúp các trại chủ trồng cây, giúp nhà nông trong việc đồng áng được phong đăng thuận lợi, giúp bảo vệ làng mạc, cầu trời mưa khi hạn hán, bảo vệ nhà cửa, ruộng đồng khỏi thiên tai, hỏa hoạn, bảo vệ người và gia súc khỏi dịch bệnh…Như vậy, Địa Tạng đảm nhận luôn cả vai trò của vị thần Đất bản địa nói chung.

Trên hết, Địa Tạng là vị thần của nông dân, thường được hòa nhập với những vị thần tốt bụng của Thần Đạo, thân thiết và gần gũi với mọi người, kể cả với trẻ con, lúc nào cũng hệch hạc hỉ hả, không bao giờ hù dọa ai…

Hình tượng ngài thường được cắt xẻ từ đá thành nguyên một tảng rồi đục đẽo thô sơ. Tượng thường phô bày nét gần gũi với một biểu tượng sinh thực khí nam, tượng trưng cho sự phong nhiêu phồn mậu. Hình tượng ngài cũng thường được tìm thấy khắc trên đá hoặc các bệ đá dựng ở ven đường hay ở cổng ra vào các làng mạc hoặc thị trấn. Những tượng đá này, vốn lúc đầu gắn với tục thờ dương vật trong Thần Đạo, về sau được Phật giáo Nhật Bản dung hợp và biến chúng thành tượng Địa Tạng. Chúng được dựng lên để bảo vệ làng mạc và khách lữ hành; và người dân quê tin rằng chúng còn có quyền năng làm cho các cuộc hôn nhân trở thành hạnh phúc hoặc bảo vệ khỏi tai ương, dịch bệnh.

Một cách biệt lệ, Địa Tạng Bồ-tát đảm nhận vai trò của vị thần khác và cũng có thể mang hình tướng nữ nhân. Vị Tử An Địa Tạng (Koyasi Jizo) này được kêu cầu như vị thần ban cho con cái. Ở phương diện này, ngài thường được đồng hóa (hay lẫn lộn) với một công năng tương tự của Chuẩn Đề Quan Âm (Juntei Kannon). Ngài cũng được kêu cầu để bảo vệ trẻ con và giúp việc sinh nở dễ dàng.

Trong một vài trường hợp, Địa Tạng Bồ-tát cũng có thể đảm nhiệm một vai trò hòa đồng tôn giáo và được biểu thị như một chiến binh khi được đồng hóa với Atago Gongen, một vị thần được coi là một nhập thể tạm thời của Jizo. Vị thần này là người bảo vệ khỏi bị lửa đốt, được thờ phượng trên núi Atago tỉnh Kyoto, và được biểu thị dưới dạng võ tướng hình Trung Quốc trên mình ngựa, tay cầm cây gậy hành hương và viên ngọc ước. Con vật sứ giả của vị Atago Gongen này là con lợn rừng, biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm và chí kiên trì. Nhiều truyền thuyết kể lại rằng những chiến binh gặp tình huống nguy cấp đã được Atago Jizo hay những con lợn rừng giải cứu.

Địa Tạng cũng đảm nhận vai trò của một vị thần bảo toàn đời sống, gọi là Diên Mệnh Địa Tạng (Enmei Jizo). Nơi các làng quê Nhật Bản, khi cha mẹ làm việc ngoài đồng, họ thường dặn con cái ở nhà chơi quanh quẩn gần một tượng Địa Tạng. Bức tượng được tin là sẽ trông chừng và bảo vệ cho lũ trẻ.

Người ta hầu như có thể nói rằng mỗi ngôi làng ở Nhật Bản đều có một vị Địa Tạng riêng cả làng đó. Điều này cho thấy Địa Tạng đã trở thành người bảo hộ khu vực, tương đương như thần Thành Hoàng của làng xã trong tín ngưỡng Việt Nam ta. Và vị Địa Tạng đó thường được liên kết, trong đầu óc của dân làng với một vị Kami của Thần Đạo (Shinto). Tuy nhiên, họ không để mất dấu chức năng đầu tiên của Địa Tạng Bồ-tát, là an ủi sinh linh nơi thế giới bên kia.

Khi Ksitigarbha được xem như là vị cứu độ các linh hồn phải trải qua khổ đau trong thế giới âm ty, bức tượng của ngài thường thấy phổ biến trong nghĩa trang. Ngài cũng được tin rằng là một trong những vị thần bảo hộ cho các du khách, dōsojin, và các bức tượng Jizō bên đường là hình ảnh thấy phổ biến ở Nhật Bản. Các nhân viên cứu hỏa cũng tin rằng được ngài bảo vệ.(22)

Tại Đông Nam Á, trong Phật giáo Nam tông, câu chuyện về một Tỳ-kheo có tên Phra Malai có những phẩm chất tương tự với Kṣitigarbha nổi tiếng khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở Thái Lan và Lào. Truyền thuyết kể rằng ông là một A-la-hán đến từ Sri Lanka – người đã có được những sức mạnh siêu nhiên vĩ đại thông qua công đức và thiền định của mình. Ông cũng được tôn kính như là người kế vị Mahāmoggallāna/Mục Kiền Liên, môn đệ của Đức Phật trước hết vì những thành tựu siêu nhiên của mình. Trong chuyện, đó là chư Tăng hiếu đạo và từ bi, ngài đã đi xuống địa ngục để thuyết giảng và xoa dịu các chúng sinh khổ đau nơi địa ngục. Ông cũng được biết những chúng sinh cõi địa ngục bị trừng trị theo các tội trạng của họ trong các địa ngục khác nhau(23).

Bồ-tát Địa Tạng là cùng với đại thệ nguyện to lớn nhằm giải thoát hết tất cả chúng sinh sa vào lục đạo của nhà Phật đã tích hợp các vị thần cai quản, liên quan đến đất đai, khu vực của bản địa để trở thành một vị Thần Đất toàn năng không chỉ của Phật giáo mà cả những tín ngưỡng dân gian. Cũng vì tính chất yêu thương bao la như tình cảm người mẹ dành cho con mình của Đất mà thần cũng được gán cho nuôi dưỡng và bảo hộ trẻ nhỏ. Như vậy, công năng của Địa Tạng Bồ-tát là một tập thành đa dạng và không chỉ vị Bồ-tát độ tử mà còn là vị Bồ-tát độ sinh.

HUỲNH THANH BÌNH

Chú thích

(1)      Xem:

-        Đại đức Thích Minh Tông (2010). Phương pháp thờ thần tài Mật tông, Nxb. Tôn Giáo, tr. 172-173.

-        Thích Minh Tuệ (2012). Thần bản tôn, Nxb. Hồng Đức, tr. 226-231.

(2)       Mạc Chấn Lương (2009). Tạc tượng Phật & kiến trúc chùa, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 196-209.

(3)     Chapter 1. The Sutra of Bodhisattva Ksitigarbha's Fundamental Vows”. www.sinc.sunysb.edu.

(4)      Buswell, Robert E., biên tập. (2014). The Princeton Dictionary of Buddhism, Đại học Princeton xb, tr. 448.

(5)     Schopen, Gregory. Filial Piety and the Monk in the Practice of Buddhism: A Question of “Sinicization” Viewed from the Other Side.

(6)     Xem:

-      Frederic, Louis (1995). Buddhism: Flammarion Iconographic Guides, tr. 184-185.

-      Edkins, Joseph (2003). Chinese Buddhism, tr. 225-226.

(7)      Ti Tsang P'usa: Ksitigarbha Bodhisattva”. Buddhanet.net.

(8)     Mạc Chấn Lương (2009). sđd.

(9)     Mã Thư Điền (2002). Các vị thần trong Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Văn hóa Thông tin, tr. 300-320.

(10)    Mạc Chấn Lương (2009). sđd.

(11)    Vũ Thỏa, Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu (dịch) (2011). 1000 vấn đề Mật Tông, Nxb. Thời Đại, tr. 385-387.

(12)    Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Trung Quốc Phật giáo – Đồ tượng giảng thuyết, Nxb. TP.HCM, 2001, tr. 91-94.

(13)     Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tr. 2402-2407.

(14)   Louis Frederic (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 291-298.

(15)    Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). sđd.

(16)    Thích Minh Tuệ (2012). sđd.

(17)    Louis Frederic (2005). sđd.

(18)    Mạc Chấn Lương (2009). sđd.

(19)    Louis Frederic (2005). sđd.

(20)  Meher McArthur (2005). Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 65-67.

(21)    Thích Minh Tuệ (2012). sđd.

(22)    Xem:

-      Louis Frederic (2005). sđd.

-      Meher McArthur (2005). sđd.

-      Bays, Jan Chozen (2003). Jizo Bodhisattva: Guardian of Children, Travelers, and Other Voyagers. Shambhala xb.

-      Moto-Sanchez, Milla Micka (2016). Jizō, Healing Rituals, and Women in Japan, Tạp san Nhật Bản về nghiên cứu tôn giáo/tín ngưỡng số 43 (2), 307-331.

-      Glassman, Hank (2012). The Face of Jizo: Image and Cult in Medieval Japanese Buddhism, Đại học Hawaii xb.

-      Brooks, Anne Page (1981). “Mizuko Kuyō” and Japanese Buddhism, Tạp san Nhật Bản về nghiên cứu tôn giáo/tín ngưỡng số 8 (3/4), tr. 119-147.

-      Visser, Marinus Willem de (1914). The Bodhisattva Ti-Tsang (Jizo) in China and Japan, Oesterheld xb.

-      Shingon Buddhism and Jizo”. Shingon.org.

(23)    Ginsburg, Henry (2000). Thai art and culture : historic manuscripts from western collections, Đại học Hawaii xb, tr. 92. 

Chú thích hình:

A1: Bồ-tát Địa Tạng. Nguồn: Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tr. 2403

A2: Địa Tạng Bồ-tát. Nguồn: Thích Minh Tuệ (2012). Thần bản tôn, Nxb. Hồng Đức, tr. 227

A3: Địa Tạng Bồ-tát/dạng Tăng hình. Nguồn: Thích Minh Tuệ (2012). Thần bản tôn, Nxb. Hồng Đức, tr. 229

A4: : Địa Tạng Bồ-tát. Nguồn: Thích Minh Tông (2012). Chân ngôn thần chú Mật tông, Nxb. Hồng Đức, tr. 110

A5: Địa Tạng ngồi, Tây Tạng. Nguồn: Meher McArthur (2005). Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 66

A6: Địa Tạng cầm trượng và bảo châu, tranh mộc bản, thế kỷ XV, Nhật Bản. Nguồn: Meher McArthur (2005). Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 66

A7: Địa Tạng, tranh khắc chạm Tây Tạng. Nguồn: Louis Frederic (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật, tr. 293

A8: Địa Tạng, tranh khắc chạm Trung Hoa. Nguồn: Louis Frederic (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 293

A9: Địa Tạng dân gian, Tokyo, Nhật Bản. Nguồn: Louis Frederic (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 295

A10: Địa Tạng Bồ-tát. Nguồn: Louis Frederic (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 296

A11: Atago Jizo. Nguồn: Louis Frederic (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 297

A12: Địa Tạng Bồ-tát. Nguồn: Mạc Chấn Lương (2009). Tạc tượng Phật & kiến trúc chùa, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 204

A13: Địa Tạng Bồ-tát và cha con Mẫn Công. Nguồn: Mạc Chấn Lương (2009). Tạc tượng Phật & kiến trúc chùa, Nxb. Mỹ Thuật, tr. 206

A14: Địa Tạng Bồ Tát. Nguồn: Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Trung Quốc Phật giáo – Đồ tượng giảng thuyết, Nxb. TP.HCM, 2001, tr. 94

A15: Tranh vẽ Địa Tạng Bồ-tát chốn Địa ngục

A16: Bồ-tát Địa Tạng, chùa Hsiang-Te, Đài Loan

A17: Jizo Bosatsu, gỗ, thời đại Heian, thế kỷ 9, Horyu-ji, Ikaruga, Nara, Nhật Bản

A18, A19, A20, A21: Bồ-tát Địa Tạng

A22: Tượng Bồ-tát Địa Tạng và mười vị vua, chùa Cheonggoksa, Hàn Quốc, 1689

A23, A24: Jizo Bosatsu, mỹ nghệ đương đại Nhật Bản

A25: Tranh cuộn, vàng kim và màu trên vải, Bồ-tát Địa Tạng, triều đại Goryeo (918-1392), Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle