Tản mạn về Ngã và Thực tính

Tản mạn về Ngã và Thực tính

Tản mạn về Ngã và Thực tính

 

Huy Thành

Mỗi khi đi trên đường, chúng ta thường nhìn thấy những dòng người nối nhau hối hả. Ở đó có đủ cả đàn ông và phụ nữ, người già và người trẻ, nghèo và giàu, sang và hèn... Tất cả dường như đang rất vội vã. Họ đang vội vã vì điều gì? Không ai biết được! Ta có thể nói là họ vội vã để kiếm sống, để sinh tồn. Nhưng nếu chúng ta nhìn sâu hơn chút nữa, chúng ta sẽ thấy rằng cũng có những người vội vã vì danh lợi, quyền lực; có người vội vã để lập mưu, tính kế; có người vội vã để giết người cướp của; có người vội vã để sát hại; có người vội vã để chôn vùi đời mình trong những cuộc tình; có người vội vã vì mê đắm tài sản đến đánh mất cả khả năng tự chủ…

Cuộc đời đầy dẫy những hạng người như vậy. Nhưng khi chúng ta nghĩ xa thêm chút nữa, có thể chúng ta sẽ phân vân là điều gì đứng đằng sau chi phối tất cả những hành vi này. Nếu đi sâu vào quán sát, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, tất cả những hành vi này là kết quả của việc chấp thủ bản ngã. Chính bản ngã là nguyên nhân của tất cả những sự theo đuổi danh vọng, lợi ích, quyền lực và tất cả những cuộc đấu tranh, cuồng loạn…

Cố nhiên, ở đấy cũng có những con người vị tha, những người rộng lượng, hào hiệp và đầy từ tâm, những người không mệt mõi trong việc giảng dạy hay hoan hỷ giúp đỡ những người nghèo túng. Nhìn chung những người này ý niệm về tự ngã nhẹ hơn. Nhưng tuy thế, họ lại có những thứ khái niệm ngã khác ngự trị trong đầu. Những loại quan niệm này thường ở trong hình thức một Thiên Chúa sáng tạo, Bậc Thánh nhân, Đấng Bất tử, hay những cái gì khác không thuộc cái tôi. Một vài người có những quan niệm gần hơn chẳng hạn như chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, đảng phái v.v. Trong khi có thể kiềm chế bản ngã trước sự ảnh hưởng của một trong những quan niệm này, thì tự thân quan niệm này nó trở thành một bản ngã bị biến dạng tiếp tục ngự trị trong đầu, đôi khi nó có thể gây ra sự chấp thủ thậm chí còn mạnh hơn cả bản ngã thông thường!

Nhóm sau có vẻ như trái ngược hoàn toàn với nhóm trước, nhưng thực ra cả hai nhóm đều thật sự giống nhau, bởi vì nhóm này thì chấp thủ một cách kiên cố về một bản ngã biến dạng trong khi nhóm kia bị buộc chặt vào với bản ngã.

Trong một vài thế kỷ lại đây, có một nhóm người thứ ba đã xuất hiện. Những người này có thể được xếp dười tiêu đề là các khoa học gia hàng đầu. Họ đang bắt đầu đặt vấn đề về bản ngã như là đề tài cho việc nghiên cứu của họ.

Cuối cùng, bản ngã là gì?

Theo Albert Einstain, nếu tốc độ của một vật thể vướt qua tốc độ của ánh sáng, thì vật thể đó sẽ biến mất. Nếu thân thể của chúng ta biến mất trong khi vận chuyển ở tốc độ ánh sáng, thì bản ngã của chúng ta có thể tồn tại hay không? Nếu bản ngã của chúng ta biến mất, thì khi vận tốc giảm xuống thấp hơn tốc độ của ánh sáng, thì bản ngã của chúng ta có thể quay trở lại với sự tái xuất hiện của thân thể chúng ta hay không? Và bản ngã của chúng ta ở nơi đâu trong suốt khoảng thời gian đó?

Khi một nhà phẩu thuật đang thực hiện phẩu thuật một người bất tĩnh và sắp chết, ông ta có phân vân là linh hồn của người ấy ở đang ở đâu ngay giữa thời điểm của sống và chết hay không?

Khi một nhà thiên văn học đang chăm chú tập trung vào vũ trụ, ông ta có nảy lên suy nghĩ rằng bản ngã của ông ta thì nhỏ hơn cả một hạt bụi nhỏ nhất trong vũ trụ bao la hay không? Hay ông ta cảm thấy rằng nó to lớn như vũ trụ?

Nhìn chung thì chúng ta đều coi thân thể vật lý của chúng ta được nối kết chặt chẻ với tự ngã của mình. Nhưng từ những gì ta thấy, những nhà khoa học dường như không tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi này: Tự ngã là gì? Họ chỉ đưa ra câu hỏi. Tuy thể chỉ bằng việc đặt câu hỏi thôi, một số nhà khoa học đã có một sự bám víu nhẹ hơn về tự ngã của họ so với những người bình thường.

Việc đề cập trên đây chỉ là một sự phân tích sơ sài về đông đảo những hạng người đông đúc trong cõi đời, và những quan niệm khác nhau về tự ngã. Nhưng có một điều chúng ta cần phải biết rằng là sự thật có rất ít người cố định mãi trong một hạng người nào đó suốt cả cuộc đời của họ. Hầu hết mọi người đều có sự pha trộn về những quan niệm và những thái độ khác nhau: có những tên cướp đôi khi lại nhân từ độ lượng; không thể tìm ra những chính trị gia không tìm mưu tính kế để chống lại những đối thủ của họ; người thường nói về chủ nghĩa vị tha có khi là người đầu tiên nghĩ đến những cuộc thắng ở sòng bạc. Đó là lý do tại sao trong hàng ngàn năm của lịch sử loại người, chỉ có rất ít những nhà lãnh đạo tôn giáo hay những vị lãnh đạo thật sự “vô ngã”.

Vì thế, toàn thể loài người, từ xưa cho đến nay, chỉ một ít người được xem là đã giải thoát bản thân mình ra khỏi sự giam hãm của tự ngã hay tự ngã biến dạng này. Còn hầu hết chỉ biết bận rộn tối ngày, từ đời này đến đời khác, suốt đời vẫn ở mãi trong sự giam hãm này. Trong mười người thì ít nhất có tám người chịu đựng khổ đau nhiều hơn là hưởng thụ niềm vui. Những dẫu thế hầu hết mọi người vẫn cứ tiếp tục theo đuổi niềm vui nhỏ nhoi này giữa nỗi đau lớn lao, họ hoàn toàn hài lòng tiêu phí hầu hết cuộc đời của họ trong sự giam hãm này.

Chúng ta hãy thảo luận đề tài này xa hơn chút nữa. Trong cuộc đời này, có thể có người tâm của họ vắng mặt những tư tưởng về danh lợi. Nhưng có rất ít người - nếu không muốn nói là không có ai - tâm của họ hoàn toàn không có mặt ý niệm về tự ngã, hoàn toàn giải thoát khỏi tự ngã.

Trước hết, “giải thoát” không hàm nghĩa giống như việc di chuyển từ một nơi này đến một nơi khác. Chúng ta không giải thoát chính mình ra khỏi nơi này để vào một thế giới khác. Điều đó cũng không có nghĩa rằng thế giới sẽ biến mất như là một kết quả của việc giải thoát vừa mới tìm thấy này. Thế giới vẫn tồn tại. Núi vẫn là núi và sông vẫn là sông. Mặt trăng vẫn tiếp tục tỏa sáng trên bầu trời. Nhưng nếu chúng ta đã giải thoát ra khỏi sự câu thúc của tự ngã hay một tự ngã biến hình, thì tất cả những dục vọng cám dỗ, được, mất, và những hạn chế ở trong cõi đời này không còn có bất kỳ sức mạnh nào đối với ta. Một người như vậy sẽ giống như một chiếc gương soi, phản chiếu tất cả mọi mặt của cuộc sống mà không bị ảnh hưởng chút nào bởi sự phản chiếu này.

Thứ hai, nếu tâm của chúng ta như một tấm gương sáng, thì thế giới hoàn toàn trống rỗng, không có điều gì ở trong nó cả. Những nhà khoa học, cũng bằng việc quán sát và phân tích một cách cẩn thận như vậy, đã đi đến kết luận rằng vạn vật không có gì khác hơn ngoài năng lượng. Nếu giả thiết những nhà khoa học dùng phương thức tư duy phân tích như vậy trong việc quán sát con người, họ sẽ nhận ra rằng phía sau tất cả những hình thức và dáng dấp khác biệt, thật sự không có điều gì khác ngoài năng lượng. Ánh sáng ngọn đèn, hơi nóng lò sưởi, những âm thanh chúng ta nghe, những chuyển động chúng ta thấy, và những gì chúng ta xúc chạm tất cả đều là năng lượng. Đàn ông là năng lượng, phụ nữ là năng lượng; tôi là năng lượng, bạn là năng lượng; về cơ bản mọi thứ trong thế giới này đều là năng lượng. Tuy nhiên năng lượng không có tự tính, và không thể nhận thấy được. Thế nhưng, người nào tâm sáng rõ như tấm gương thì cũng có thể nhìn thấy những gì mà những nhà khoa học nhìn thấy. Nhưng người ấy khác với các nhà khoa học ở chỗ, vị ấy không cần sử dụng việc phân tích. Vị ấy biết rằng mọi thứ, gồm cả chính mình, là không ngay Nơi Chính Nó. Đây là trạng thái được mô tả trong Tâm kinh: “Sắc chẳng khác không và không chẳng khác sắc. Sắc chính là không và không chính là sắc…”. Bởi vì không có sự khác nhau giữa sắc và không, nên khái niệm về tự ngã có thể sinh khởi bằng cách nào?

Thứ ba, khi một người đã thể nhập vào một trạng thái như vậy, không chỉ quan niệm về tự ngã không có cách phát sinh, mà tất cả vạn vật trong cuộc đời này đều được xem như là hoàn toàn bình đẳng và không sai khác, điều này trong kinh Phật gọi là “bình đẳng và bất nhị”. Dựa vào cấp độ này, chúng ta đều bình đẳng và bất nhị. Sinh tử và Niết-bàn, phiền não và bồ-đề, không và sắc, được và mất, bạn và thù…, tất cả đều bình đẳng và bất nhị.

Sự biểu lộ tính bất nhị được gọi là thực tính. Đây là bộ mặt thật của vũ trụ. Thực ra, ngay cả danh xưng thực tính này cũng không cần thiết. Thực tính và không thực tính cũng bình đẳng và bất nhị. Đặt cho nó một danh xưng thì cũng như giăng một đám mây trên bầu trời; mặt trời sẽ không còn chiếu sáng nữa.

Đến đây có người có thể nói: “Nếu nhìn vạn vật trong thế giới này là bình đẳng và bất nhị, thì sẽ không có đúng và sai, không có tốt và xấu. Loại thế giới mà chúng ta sẽ có là gì? Tôi không nghĩ rằng loại học thuyết này sẽ mang đến cho xã hội và bản thân chúng ta bất cứ một sự lợi ích nào.”

Theo Phật giáo, hạng người nhận thức được một vấn đề như vậy thì rất được kính trọng. Bởi vì những tư tưởng của người ấy đều tập trung vào lợi ích của chúng sinh, vị ấy được xem như là vị Bồ-tát có lòng từ bi rộng lớn.

Thực ra, khi chúng ta nói về thể nhập thực tính là chúng ta đề cập đến một tiến trình dần dần và khá khó khăn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng bằng cách nào chăng nữa nếu nhiều người trong chúng ta có thể thể nhập được với thực tính, thì cuộc đời này sẽ giảm đi những chấp ngã, mà do đó cũng giảm đi vô minh, sân hận, tham ái.

Vì vậy, vấn đề ở đây là làm cách nào để thể nhập với thực tính. Tôi sử dụng từ thể nhập nơi đây để chỉ ra rằng, chỉ hiểu biết về thực tính - xem nhẹ tự ngã, hay xem tự ngã như là một sự huyễn hóa không thôi - thì chưa đủ. Chúng ta phải thật sự nhận chân nó bằng kinh nghiệm bản thân về nó. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể đạt được trạng thái không mà ở đó thậm chí không có một sự giả định nào về ngã hay vô ngã.

Chúng ta chấp thủ lấy tự ngã ngay khi chúng ta vừa mới chào đời. Sự chấp thủ này ngày càng trở nên bám rể sâu hơn khi chúng ta lớn. Điều đó trở thành vấn đề quá khó khăn cho chúng ta thể nhập được với thực tính. Chúng ta nhận thấy rằng nhiều sự giới hạn của chúng ta đã làm cản trở sự thể nhập của chúng ta với thực tính. Nói chung, chúng ta có rất ít trí tuệ.

Như chúng ta biết, mắt của chúng ta hoàn toàn thiếu khả năng để nhìn thấy được mọi vật. Xa hơn nữa, những gì tai của chúng ta có thể nghe được thì ở trong một phạm vi nhỏ hơn phạm vi của một con chó bình thường có thể nghe, và nhỏ hơn nhiều phạm vi của một con cá heo. Có rất nhiều những âm thanh trong vũ trụ mà chúng ta, là những con người, không thể nào nghe được. Chúng ta cũng không thể biết được những tốc độ vượt qua tốc độ của ánh sáng hay của điện, hay không biết được bất cứ nhiệt độ nào thấp hơn dưới zê-rô tuyệt đối.

Tuy vậy, rất khó khăn để thay đổi thói quen của chúng ta. Chúng ta thường đi theo chúng một cách tự động mà không nhận thức được chúng.

Có một câu chuyện thế này. Lúc bắt đầu một khóa thiền định bảy ngày, một Thiền sư đã nói với ba người đệ tử của mình: “Bắt đầu từ giờ phút này, các con sẽ không được nói.” Người đệ tử thứ nhất lập tức thưa: “Vâng, bạch thầy, con sẽ không nói”. Người đệ tử thứ hai nói: “Xem kìa, thầy bảo chúng ta không nói vậy mà huynh đang nói!” Người đệ tử thứ ba nhìn vị Thiền sư và nói: “Bạch thầy, chỉ có con là người biết vâng lời. Con sẽ không nói thêm bất cứ điều gì”. Có lẽ ba người đệ tử này hơi ngớ ngẫn, nhưng giai thoại này chỉ cho chúng ta thấy rằng, thật sự khó khăn để thay đổi thói quen của chúng ta.

Bởi vì con người chúng ta đầy rẫy những sự giới hạn và bởi vì thật quá khó khăn cho chúng ta thay đổi những thói quen của mình, nên hiển nhiên tri kiến của chúng ta rất thiếu chính xác. Tuy nhiên thông thường, chúng ta lại rất cố chấp. Do đó không phải dễ dàng để con người khai mở thực tính của mình, chúng ta có thể bị trói buộc mãi bởi tự ngã hay tự ngã biến dạng của chúng ta. Chừng nào chúng ta còn tham, còn sân, còn si, còn chấp thủ thì chừng đó chúng ta chưa thể khai mở được thực tính rỗng rang của mình. Chúng ta chỉ đạt được trạng thái vô ngã hay khai mở được thực tính rỗng rang của mình chỉ khi tâm ta không còn bám víu chấp thủ, giải thoát ra khỏi những khái niệm “ta, của ta, và tự ngã của ta”./.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle