Muốn mau lành bệnh Phải biết tùy duyên

Muốn mau lành bệnh Phải biết tùy

Muốn mau lành bệnh Phải biết tùy duyên

Chân Hiền Tâm

Bệnh thì gần như ai cũng có, không bệnh nặng thì bệnh nhẹ. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật chi phối thế giới này nên khó tránh được. Đó cũng là một phần khổ mà con người phải chịu. Nên cần có pháp đối trị. Chuyển khổ thành không. Đổi khổ thành vui. Hết bệnh là cái vui khá lớn đối với đa số người. Vì thế, trong kinh Tăng nhất A-hàm II, Phật có bài pháp dạy chư Tỳ-kheo, nếu y đó thực hành thì bệnh chóng khỏi[1]. Tuy dạy cho Tỳ-kheo, nhưng là bài pháp dành cho tất cả chúng sinh, những ai đang bệnh mà muốn lành bệnh.

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu người bệnh thành tựu năm pháp này thì không có lúc lành, nằm liệt giường liệt chiếu. Thế nào là năm? Một, người bệnh không chọn lựa thức ăn uống. Hai, không tùy thời mà ăn. Ba, không gần gũi thầy thuốc. Bốn, nhiều lo ưa giận. Năm, không khởi tâm từ đối với người chăm bệnh. Này Tỳ-kheo! Người bệnh thành tựu năm pháp này không được lành bệnh.

Rồi Thế Tôn dạy tiếp:

- Nếu người bệnh thành tựu năm pháp này thì được lành bệnh. Thế nào là năm? Một, biết chọn lựa thức ăn. Hai, biết tùy thời mà ăn. Ba, chịu thân gần thầy thuốc. Bốn, không ôm sầu lo. Năm, khởi tâm từ đối với người chăm bệnh. Này Tỳ-kheo! Người bệnh thành tựu năm pháp này, sẽ được lành bệnh.

Như thế, này các Tỳ-kheo! Năm pháp trước nên xa lìa, năm pháp sau nên vâng làm. Như thế, này các Tỳ-kheo! Hãy học điều này! 

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Phải biết chọn thức ăn

Chưa có thời nào mà câu “Bệnh từ miệng vào. Họa từ miệng ra” bày rõ như hiện nay. Ngoài việc dùng hóa chất độc hại vô tội vạ, bản thân thức ăn hiện nay cũng đã mang lại mầm bệnh cho con người khi chúng được lạm dụng quá mức, do thói quen và ý thích. Các loại thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, đường, sữa v.v. thường là nguyên nhân đưa đến các bệnh mãn tính hiện nay.

Chưa bệnh mà không biết chọn thức ăn để dùng còn dẫn đến bệnh, huống là khi đã bệnh, thân thể không còn khỏe mạnh để tiếp thu. Vì thế chọn lựa thức ăn là một phần không thể thiếu trong việc muốn lành bệnh.

Trước công nguyên, y học đã xác định vai trò quan trọng của việc ăn uống. Ăn uống phải là một phương tiện để chữa bệnh. Hypocrat, một danh y thời cổ đã nói: “Thức ăn cho người bệnh phải là phương tiện điều trị và các phương tiện điều trị của chúng ta phải là các chất dinh dưỡng”. Đến cuối thế kỷ XVIII, vấn đề ăn-điều-trị càng được các nhà y học chú ý. Sindengai[2] đã nói: “Nhằm mục đích phòng bệnh cũng như điều trị trong nhiều bệnh, chỉ cần cho những thức ăn phù hợp và sống một đời sống có tổ chức hợp lý”. Ông yêu cầu lấy bếp ăn thay phòng điều chế v.v. Các kết quả nghiên cứu gần đây về các gốc tự do, về các rối loạn chuyển hóa do các gốc tự do gây ra khi chúng phá vỡ các màng tế bào, đã xác định vai trò của các chất chống oxy hóa trong việc chống lại các gốc tự do đề phòng bệnh tim mạch, một số thể ung thư và bệnh tiểu đường. Các kết quả nghiên cứu tế bào học này đã đặt ra nhiều vấn đề mới trong ăn-điều-trị[3].   

Ở Việt Nam, Tuệ Tĩnh[4] dù chưa có khái niệm về vai trò của các chất dinh dưỡng, chất đạm, vitamin v.v., nhưng dựa vào kinh nghiệm thực tế của mình, ông đã kê những đơn thuốc ăn-điều-trị như một nhà dinh dưỡng học hiện đại. Ông được coi là người đặt nền móng rất sớm cho việc trị bệnh bằng ăn uống. Ngoài việc bổ dưỡng chung trong các đơn thuốc, Tuệ Tĩnh còn liệt kê các món ăn chữa trị cụ thể cho từng chứng bệnh. Như khi cảm sốt thì nên ăn cháo nóng với hành và tía tô, cho uống nước mía v.v. Hãi Thượng Lãn Ông[5] cũng xác định tầm quan trọng của việc ăn uống so với thuốc men. Ông nói: “Có thuốc mà không ăn uống thì cũng đến chỗ chết”. Vì thế ông rất chú ý đến việc kết hợp và chế biến các món ăn, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong nhân gian. Với ông, vệ sinh thực phẩm là điều quan trọng. Thức ăn phải là chất bổ dưỡng nuôi cơ thể, không được là nguồn gây bệnh. Thức ăn phải được bảo quản sạch sẽ, phòng chống ruồi nhặng, tránh các thực phẩm bị mốc, ôi, thiu, quả xanh, rau sống, nước lã… Cũng cần chú ý đến những chất độc có sẵn trong thực phẩm mà tìm cách loại bỏ. Ông cũng nói đến sự điều độ trong ăn uống, tránh ăn quá no v.v.[6]                     

Tóm lại, chọn thức ăn mà dùng khi bệnh là việc không thể thiếu trong quá trình trị bệnh. Phải biết lựa chọn những loại thức ăn phù hợp với thân bệnh. Phù hợp ở đây đòi hỏi các yếu tố như phù hợp với thể trạng của thân bệnh, đáp ứng đủ dưỡng chất cho thân bệnh mà không khiến thân bệnh phải mệt nhọc, không tạo điều kiện để bệnh phát triển mà có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh, giúp bệnh thuyên giảm. Cuối cùng là ăn sao để không làm giảm tác dụng của thuốc trị liệu.        

1/ Phù hợp với thể trạng thân bệnh. Có bệnh nhân, khi cảm sốt, họ vẫn dùng cơm như bình thường, vì cháo không đủ để họ chống bệnh. Nhưng với người mà thể trạng không cho phép thì họ phải dùng cháo. Cơm khiến họ thấy nặng bụng, không tiêu và mệt mỏi. Cháo dễ nuốt và khiến họ thấy nhẹ nhàng hơn khi đang bệnh. Tuy vậy, nhẹ nhưng phải đáp ứng đủ dưỡng chất cho cơ thể. Nếu không, người bệnh không đủ sức chống chọi với bệnh tật. Hệ miễn dịch yếu là nền tảng khiến bệnh hiện tại khó lành, vừa dễ sinh thêm các bệnh khác v.v. Vì thế, những thức ăn bổ dưỡng không gây nặng bụng cho bệnh nhân thường được lựa chọn nấu chung với cháo, giúp người bệnh có đủ dưỡng chất.

Đã nói phù hợp thì món ăn phải được lựa chọn thích nghi với thân bệnh. Có những thứ, với người này thì lợi nhưng với người kia lại hại, với người này thì nhẹ nhưng với người kia lại nặng v.v. Như khoai lang được y học đánh giá là tốt, nhất là với người bệnh ung thư, nhưng ở thể trạng của một số người, khoai lang chỉ khiến người bệnh thấy mệt. Vì thế khi nói khoai lang tốt, là tốt với đa số, không phải tốt với tất cả. Đây là mặt tùy duyên của pháp. Cần nhớ đến mặt tùy duyên này trong việc chọn lựa thức ăn cho thân bệnh. Tránh tình trạng vì y học bảo tốt mà nhất quyết tốt với tất cả các bệnh nhân, và cho sự chống đối của thân bệnh là sai lầm. Cần một sự lắng nghe đối với thân bệnh để việc chọn lựa thức ăn được tốt nhất.            

2/ Không giúp bệnh tăng thịnh. Như bệnh nhân viêm loét dạ dày thì không nên dùng đồ lạnh, vì chức năng tiêu hóa đã kém. Dùng đồ lạnh khiến đường tiêu hóa dễ bị kích thích khiến bệnh nặng hơn. Một cốc nước lạnh sau khi ăn cũng không nên dùng, vì nó khiến dạ dày phải mở rộng mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan khác, cản trở quá trình tiêu hóa bình thường, còn khiến nhu động đường tiêu hóa tăng nhanh, ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất dinh dưỡng. Với các loại trái cây mang tính hàn như dưa chuột, dưa hấu… cũng không nên dùng, vì người đau dạ dày đa phần tỳ vị bị hư hàn v.v.[7] Người bình thường nếu lớn tuổi, dùng thức ăn lạnh cũng có thể sinh bệnh. Vì thế, biết chọn lựa thức ăn để dùng khi thân đang yếu hay bệnh góp phần không nhỏ trong việc giúp thân khỏe mạnh, chóng lành bệnh. 

3/ Hỗ trợ bệnh thuyên giảm. Không dùng các thức ăn khiến bệnh tăng nặng là đã góp phần không nhỏ cho việc hỗ trợ bệnh được thuyên giảm. Ngoài ra, còn có các loại thức ăn giúp đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Như uống nước ấm đối với bệnh viêm loét dạ dày. Các thứ như linh chi, tảo nâu, nghệ, tỏi đen v.v.  được coi là thành phần có giá trị hỗ trợ cao trong việc điều trị bệnh ung thư, vì chúng giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa ung thư tái phát. Sâm cũng được coi là thành phần hỗ trợ tăng lực cho các bệnh nhân ung thư, nhưng cần lưu tâm đến khuynh hướng làm tăng huyết áp của nó để việc sử dụng được phù hợp với thể trạng của người bệnh qua từng giai đoạn.        

4/ Không làm giảm tác dụng của thuốc. Một số thuốc điều trị ung thư được chú thích là “Hạn chế hết mức có thể các thực phẩm cay nóng và nhiều dầu mỡ. Nói không với các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá v.v.”[8]. Trong quá trình điều trị ung thư, đường và sữa nhiều chất béo bảo hòa được khuyến cáo là dùng càng ít càng tốt, vì nó giúp tăng trưởng các tế bào ung thư v.v.

Nói chung, chọn lựa thức ăn cho thân bệnh giờ không còn là việc lạ đối với nhiều người thời nay, vì nó không chỉ là niềm tin mà còn được y học phân tích rõ ràng. Ăn không chỉ nhằm mục đích phòng bệnh mà còn có thể ngăn chặn sự phát triển của bệnh khi bệnh đang ở giai đoạn phát triển kín đáo. Ăn còn giúp các bệnh cấp tính không trở thành mãn tính, làm giảm sự phát triển của bệnh mãn tính, đề phòng tái phát[9]. Thực tế thì không phải ai cũng thực hiện nghiêm túc việc này dù hiểu rõ điều đó là tốt cho bản thân. Vì sao? Vì thói quen về khẩu vị. Người bệnh bị nghiệp ăn uống trói buộc. Chỉ có thể ăn những thứ quen thuộc và ưa thích, không thể tùy thuận với những thức ăn chưa quen, dù chúng được cho là tốt trong việc trị bệnh.

Một bệnh nhân ung thư, trong quá trình điều trị, được khuyến cáo là không nên dùng quá nhiều cà phê và đường sữa. Nhưng vì mấy thứ đó là món chính nuôi sống chị thường ngày, nên chị uống chúng từ sáng đến tối. Bệnh nhân chung quanh khá khó chịu với việc bất chấp đó. Nhưng nếu hiểu thói quen mang tính trói buộc thế nào thì không ai lấy làm lạ về việc đó. Cà phê và sữa đường đã thành thứ không thể thiếu trong đời sống của chị. Thứ gì là tập nghiệp, thiếu nó ít ai còn sức để sống. Người tu hiểu về Tứ đế, nếu chưa từng hàng phục được tập nghiệp của mình, còn chưa thể làm chủ được thói quen khi tâm yếu, thân bệnh. Huống người đời, chưa một lần biết đến Tứ đế, làm sao ý thức để hàng phục và từ bỏ? Đó là lý do vì sao biết là một việc mà làm được hay không là việc khác.   

Cho nên, ở đời thường, khi chưa bệnh cũng không nên chạy theo mùi vị quá nhiều. Tôi nhận ra trong quá trình điều trị ung thư là, người ăn chay lại là người dễ thích nghi hơn với quá trình hóa và xạ trị. Ngày thường ăn càng đơn giản thì sự thích nghi càng cao, việc chống chỏi với bệnh tật càng dễ, bởi rau, củ, quả, gạo lứt và các loại hạt vốn cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho việc tái tạo các tế bào lành tính, trong khi không nuôi sống các tế bào ác tính. Chỉ là, nuốt những thứ nhạt nhẽo đó không phải là việc dễ với những ai đã quen mùi vị thịt, cá v.v., cũng chẳng phải dễ với những ai không đủ ý chí làm chủ vị giác của mình.

Điểm quan yếu trong việc chọn lựa thức ăn hỗ trợ cho thân bệnh là ăn những thứ giúp thân bệnh mau hồi phục hơn là ăn những thứ ngon miệng. Được cả hai thì tốt.      

Phải biết tùy thời mà ăn

Biết cách lựa chọn thức ăn phù hợp với thân bệnh rồi, còn phải biết dùng nó đúng lúc thì hiệu quả trị bệnh mới cao. Tùy thời là nhấn mạnh đến mặt tùy duyên của pháp ở mặt thời gian ăn uống. Không có một tiêu chuẩn nhất định nào cho việc dùng bữa giữa người này với người kia, giữa bệnh này với bệnh nọ trong suốt quá trình trị bệnh. Tùy thể trạng, tùy loại bệnh mà thời gian ăn uống được ấn định sao để việc ăn uống hỗ trợ tốt nhất cho thân bệnh.

Như với người bình thường thì sáng, trưa, chiều ngày ba bữa. Có khi do công việc, các bữa này không nhất quyết phải đúng giờ. Nhưng với người bệnh tiểu đường, thời gian ăn phải được phân chia hợp lý. Cần ăn đúng giờ giấc. Tuyệt đối không được ăn quá trễ hoặc ăn khi cảm thấy quá đói. Bữa ăn cần được phân nhỏ thành nhiều bữa giúp thức ăn được tiêu hóa dễ dàng. Việc này cũng góp phần ngăn chặn quá trình tích trữ đường trong máu tăng lên. Hạn chế ăn quá no, không ăn quá khuya trước khi đi ngủ và tuyệt đối không được bỏ bữa sáng v.v. Song với người bệnh ung thư đang trong quá trình hóa trị, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, việc ăn đúng bữa không được đặt nặng trong quá trình điều trị. Chỉ là làm sao đưa được dưỡng chất vào cơ thể, giúp ngăn chặn các cơn mệt của thân bệnh, giúp đạt các tiêu chuẩn máu đã đề ra để phục vụ tốt cho đợt hóa trị kế tiếp. Cho nên, việc tùy thời dùng thức ăn không có tiêu chuẩn nhất định trong quá trình hóa trị này. Những ngày đầu, có thể bạn sẽ phải dùng các thức ăn nhẹ liên tục cả ngày và đêm, cách nhau từ một đến hai tiếng, cho đến khi mức đòi hỏi của thân bệnh không còn nặng, việc ăn uống có thể trở lại bình thường như người không bệnh. 

Bài pháp này được dạy cho hàng Tỳ-kheo, chư vị có tiêu chuẩn thời gian nhất định trong việc dùng bữa, nhưng Phật nói tùy thời, thì biết khi thân bệnh, những tiêu chuẩn đó phải được tháo bỏ để việc ăn uống trở thành lương dược đáp ứng tốt nhất cho việc trị bệnh. Nếu thân bệnh cần ăn uống liên tục bệnh mới thuyên giảm thì việc ăn uống phải được thực hiện liên tục cho đến khi thân lành bệnh. Tùy thời ăn uống là như thế. Mọi thứ đều không ra ngoài tính tùy duyên của vạn pháp, như Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà từng có kệ: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền…”.                           

Cần thân cận thầy thuốc   

Những bệnh thông thường như cảm sốt thì không cần đến y bác sĩ, bệnh cũng có thể tự chữa, dù có khi lần đầu vẫn cần đến bác sĩ. Nhưng với các bệnh thuộc về mãn tính như tiểu đường, ung thư v.v. thì nhất định phải có thầy thuốc bên cạnh, phải thân cận với chư vị; thân cận là để hỏi han, trình bày, để bệnh tình được theo dõi kỹ càng, thì bệnh mới trị lành. Đó là lý do vì sao muốn lành bệnh, phải có thêm tiêu chí thân cận thầy thuốc.

Tuy vậy, thân cận được thầy thuốc giỏi đòi hỏi phải có nhiều phước báu. Bởi thời nay, thầy thuốc thì nhiều, thầy thuốc giỏi cũng không ít, nhưng gặp thầy thuốc có lương tâm và phù hợp với cơ duyên của mình thì đòi hỏi phải có phần phước báu của mình trong đó. Nếu trong trường hợp phước báu mình đủ, gặp được thầy thuốc giỏi lại có lương tâm, nhưng do tính cách mình nhút nhát hoặc coi thường việc thân cận, trình bày, hỏi han… thì ở đây Phật dạy: “Cần thân gần thầy thuốc”.

Vừa rồi, khoa ung bướu phụ khoa ở một bệnh viện đã xảy ra trường hợp: Do không nắm rõ việc vào hóa chất phụ thuộc vào chỉ số cân nặng của thân, một bệnh nhân đã khai không đúng về số cân nặng của mình. Vì thế, thay vì chỉ truyền ba lọ hóa chất, bà đã được truyền đến bốn lọ. Việc lẫn lộn này kéo qua đợt hai, dù lượng hóa chất có giảm xuống. Đến đợt ba, sự việc mới được khám phá, do câu hỏi vô tình của một bệnh nhân trẻ tuổi: “Có phải thuốc đánh vào tùy thuộc vào số cân nặng của người bệnh không cô?” Bà mang câu hỏi, hỏi vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình. Bác sĩ gật đầu. Và bà được căn dặn: “Nên dùng cân của bệnh viện cân ngay khi được hỏi và báo cáo chỉ số đó với các điều dưỡng, để thuốc đánh vào không bị quá liều hoặc mất liều”. Hóa chất điều trị ung thư tuy giúp phá bỏ các tế bào ác tính nhưng đồng thời cũng phá hủy luôn các tế bào lành tính. Ba lọ và bốn lọ, đương nhiên sự phá hủy không thể như nhau, tác dụng phụ do thuốc gây ra cũng không như nhau. Còn được thân mạng sau việc lẫn lộn như thế phải nói là nhờ phước báu. Vì thế, thân cận thầy thuốc, trình bày, hỏi han là việc mà người bệnh hay thân nhân người bệnh nên làm, để tránh những rủi ro đáng tiếc trong quá trình trị bệnh.  

Thực tế là, không phải muốn hỏi, muốn trình bày… là có được cơ duyên để làm việc đó. Thầy thuốc dù có nhiệt tình nhưng nếu bệnh nhân đông quá, bạn cũng không có thời gian để hỏi. Chẳng may, gặp phải những vị thầy thuốc, bệnh nhân chưa kịp nói hết ý đã bị mắng như tát nước vào mặt, thì không ai còn ý tưởng gì để trình bày nữa. Nghĩa là, ngoài những hạn chế chủ quan mà bản thân người bệnh phải vượt qua, còn xuất hiện những hạn chế khách quan khiến người bệnh không còn muốn thân gần thầy thuốc. Tuy vậy, theo lý nhân quả, tất cả đều xuất phát từ bản thân người bệnh, chỉ là nhân quả khác thời nên chúng ta không nhận ra. Vì thế trong đời thường, nhiệt tình với ai được thì cố gắng nhiệt tình, nhiệt tình trong sự hiểu biết, không phải trong sự ngu si để thành phá hoại. Giúp đỡ được ai thì cố gắng giúp đỡ, giúp đỡ cho hết lòng. Dù mệt bao nhiêu, nhưng vì nỗi đau của người khác, bạn vẫn kiên nhẫn lắng nghe không chút xao lãng, sẵn sàng giúp đỡ một ai đó dù đang rất bận v.v., thì bạn sẽ nhận được những việc tương tự như thế từ một lương y không chút sai lệch.

Một điểm cần thân cận thầy thuốc nữa là, bệnh nhân thường không sống một mình, nên việc tiếp xúc với những thông tin hữu ích hoặc bất lợi là điều khó tránh khỏi. Có những việc, bản chất của nó vốn hữu ích nhưng qua sự hiểu biết nông cạn cộng với vọng tưởng liên thông của người đời mà trở thành bất lợi đối với bệnh nhân. Những lúc ấy, vai trò của thầy thuốc rất quan trọng, giúp đính chính những sai lệch không cần thiết.

Người phụ nữ được chỉ định gắn một buồng tiêm bên ngực phải để tránh những rủi ro trong việc truyền hóa chất vào cơ thể. Bà tuân thủ lời bác sĩ. Trong khoảng thời gian chờ lịch mổ, bà tìm hiểu thêm thông tin trên mạng và nghe thêm ý kiến của những bệnh nhân bên cạnh, lý do vì sao họ không gắn buồng tiêm khi nó được khuyến cáo là lợi ích cho bệnh nhân, tránh việc bể tĩnh mạch thường xảy ra ở người lớn tuổi. Sau khi tham khảo xong, bà không muốn gắn buồng tiêm nữa. Bà mang ý kiến đó nói với vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho mình. Ông giải thích và bà được trấn an. Mọi việc lại được tiếp tục. Bà phải thừa nhận là việc truyền thuốc trở nên tốt hơn khi hóa chất được truyền qua một buồng tiêm: Không đau đớn, không vướng víu, máu không chảy ngược lên như khi truyền thuốc qua tĩnh mạch tay. Vì thế thân cận được một lương y là việc khá cần thiết trong quá trình điều trị bệnh.                                  

Không ôm buồn lo, sầu giận

Bệnh thuộc dạng nặng hay bệnh khó trị thì đối với người không biết đạo, khó mà không sầu, không lo, bởi ai cũng sợ mất thân này. Người biết đạo mà chưa sống được với đạo thì có thể chết không sợ, nhưng khi đối diện với những mệt mỏi, khó chịu hay đau đớn do bệnh gây ra, có khi không làm chủ được bản thân, đụng đâu bực đó, sinh sân giận gắt gỏng là chuyện bình thường. Người sống được với đạo thì an định được tâm không phải khó, dù hoàn cảnh có thế nào. 

Trong các loại bệnh hiện nay, ung thư vẫn được cho là một trong những căn bệnh mà các bác sĩ sợ phải thông báo với bệnh nhân; vì trong suy nghĩ của hầu hết người đời, ung thư có liên quan đến tình trạng đau đớn, biến dạng, suy giảm chất lượng cuộc sống và những tiên lượng xấu. Ngay cả khi điều trị thành công, vẫn tồn tại nỗi lo lắng và sợ hãi về việc tái phát ở tương lai v.v. Chưa kể các phương pháp điều trị ung thư còn là nỗi sợ hãi của nhiều người. Việc đầu tiên là phẩu thuật. Với nhiều người, đây là một can thiệp nặng nề vì nó có thể làm biến dạng ngoại hình và người bệnh có nguy cơ đối diện với những rủi ro được gọi là biến chứng sau khi mổ. Hóa trị và xạ trị thường đưa đến tình trạng buồn nôn, nôn, mệt mỏi, rụng tóc và chân tay tê bì, tạo sự căng thẳng cho bệnh nhân. Một số thuốc hóa trị có thể gây trầm cảm, hưng cảm, rối loạn cảm xúc. Chính vì vậy, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần ở bệnh nhân ung thư rất cao[10]. Việc này ảnh hưởng không ít đến kết quả điều trị. Vì thế, việc can thiệp giúp giảm bớt gánh nặng về tâm lý, hầu mang lại những hiệu quả tích cực cho việc điều trị cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân là việc cần thiết. Đó là lý do vì sao Phật dạy bệnh nhân cần ổn định tâm lý nếu muốn lành bệnh.

Ổn định tâm lý cho bệnh nhân cũng được coi là vai trò không thể thiếu của y bác sĩ, từ việc giúp bệnh nhân chấp nhận sự thật, không chối bỏ cũng không phóng đại bệnh tật của mình, đến việc giúp bệnh nhân tin tưởng vào các phương pháp điều trị, giảm lo âu, thất vọng, chán chường v.v. Có khi bằng cách giải thích, động viên, xoa dịu. Có khi bằng các liệu pháp tâm lý[11]. Có khi phải nhờ đến sự can thiệp của thuốc men hay các chuyên gia tâm lý.        

Việc nương vào y bác sĩ để ổn định tâm lý của mình là việc người bệnh nên làm. Vì bệnh tật là môi trường hoàn toàn mới đối với người bệnh, một cái nhìn đúng đắn về những gì cần biết và cần làm sẽ khiến tâm lý bệnh nhân được ổn định hơn. Như việc học đạo, tin tưởng và nương nhờ vào sự hiểu biết của bậc đạo sư có thể giúp khai mở trí tuệ của thiền sinh, giúp họ cảm thấy yên tâm và định tĩnh hơn khi phải đối diện với những bất như ý. Là một lương y chân chánh, chư vị cũng có năng lực như một vị đạo sư, trở thành chỗ dựa tinh thần của bệnh nhân, giúp bệnh nhân vượt qua những chướng ngại của bệnh tật. Một người bệnh đã nói với tôi, bà thật sự thấy suy sụp khi khám phá ra mình bị ung thư. Bà nghĩ đến cái chết nhiều hơn và bắt đầu mất ăn, mất ngủ. Tuy vậy, mọi thứ thay đổi nhanh chóng khi bà gặp được vị bác sĩ đầu ngành. Ông khiến bà thấy tin tưởng và hưng phấn. Điều trị không còn là việc khó với bà.

Ngoài việc nương tựa vào y bác sĩ, việc đặt niềm tin vào một đấng tối cao cũng là chỗ dựa tinh thần của khá nhiều người, giúp giảm lo âu, sầu muộn. Tình thương đối với gia đình con cái cũng là duyên giúp người bệnh vượt qua những khó khăn. Tuy vậy, dù nương tựa vào ai thì việc ổn định tâm lý cũng là việc của bệnh nhân. Bản thân mỗi người phải tự điều chỉnh và ổn định tâm lý của mình sao cho thăng bằng. Nhân là ở chính mình. Y bác sĩ, Đức Phật, Đức Chúa hay người thân và con cái v.v. chỉ là duyên hỗ trợ bên ngoài. Nhân duyên đầy đủ, quả dễ tựu thành.

Thực tế thì không ai muốn mình trở thành kẻ mất định tĩnh trước bệnh tật, nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Là do sức nhẫn của bản thân yếu. Cho nên, có khi những người ngày thường thiếu thốn, phải đối diện với nghịch cảnh nhiều…, lại có sức chịu đựng và chống chọi với bệnh tật giỏi hơn các hoàng tử, công chúa.

Nhẫn là năng lực khá tốt để ổn định tâm, nhưng trong đó vẫn còn sự chịu đựng tạo ra căng thẳng mệt mỏi cho bản thân. Nếu có thể sống hồn nhiên như trẻ thơ, không nhớ gì về quá khứ đã qua, cũng không quan tâm tương lai sắp tới thì phiền muộn lo âu chẳng xuất hiện. Đến lúc phải ăn thì ăn. Ăn rồi thì nuốt. Nuốt không được thi nhai thành nước mà nuốt. Cứ vậy mà làm không thắc mắc, cũng không suy nghĩ vọng tưởng xa hơn. Ăn không ngon, biết ăn không ngon, nhưng phải ăn, không được dừng lại. Ăn ngon, biết ăn ngon và cứ thế mà ăn rồi ngừng. Vậy thì mọi thứ đều xong. Mệt thì biết mệt, rên mà khiến bớt mệt thì cứ rên, chẳng ai cấm. Còn rên mà thấy mất sức hay mất thể diện thì ngừng lại, không nên rên.

Hồi khỏe, mình phục vụ mọi người. Giờ bệnh, mọi người phục vụ mình. Đó là lẽ tất nhiên! Hưởng được gì cứ hưởng. Chớ nắm giữ duyên trước rồi bực bội với duyên sau, cho là trói chân trói tay chẳng làm được việc gì, khởi tư tưởng làm phiền mọi người quá v.v. Cái đó gọi là tự mình làm khổ mình. Phải biết, nuôi bệnh có phước báu của nuôi bệnh. Làm được gì bớt việc cho thiên hạ thì làm, không thì cứ nằm đó mà hưởng rồi niệm Phật hồi hướng. Vụ này người yếu cỡ nào cũng làm được. Chỉ cần bình thường quen với việc niệm Phật thì bệnh cỡ nào vẫn niệm được. Niệm rồi hồi hướng... Chẳng có gì mất đi, chẳng phải là kẻ bỏ đi dù đang nằm một chỗ và hành thiên hạ đủ điều. Thiền mà đến được chỗ tâm yên, còn khoẻ hơn nữa. 

Với sức khỏe cũng vậy. Không bệnh, sức khỏe tốt là đương nhiên. Bệnh, sức khỏe không tốt cũng đương nhiên. Không nắm giữ sức khỏe quá khứ rồi bực bội với sức khỏe hiện tại. Tuyệt đối không! Thân bệnh hiện tại đủ để làm nhiễu tâm, chớ so sánh quá khứ và hiện tại mà tạo thêm khổ cho mình. Khi tôi bệnh, mọi người hỏi tôi khỏe không? Tôi nói “Bình thường, ngoại trừ những ngày đầu vào thuốc”. Đó là những gì tôi cảm nhận được khi chưa bệnh và khi đang bệnh. Dù sức lực khi chưa bệnh và khi đang bệnh hoàn toàn khác nhau. Khi chưa bệnh, tôi có thể khiêng đá, lát nền và chặt cây suốt ngày. Khi đang bệnh tôi chỉ có thể đi loang quanh trong phòng, lên vài bậc thang cũng không làm nổi. Nhưng “bình thường” vẫn là trạng thái thường xuyên tôi cảm nhận được dù không bệnh hay đang bệnh. Là do tôi sống đúng với cái duyên mình đang có. Duyên khi không bệnh thì lát đá, chặt cây. Duyên khi đang bệnh thì chỉ đi loanh quanh trong phòng, không làm gì khác. Cứ giữ đúng cái duyên mình đang có, giúp sức khỏe luôn ở trạng thái bình thường và thấy an vui với việc đó. Tổ Trúc Lâm dạy: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên…”. Tận dụng được duyên, có duyên để tận dụng thì thân có bệnh cũng không khổ não.

Tận dụng được duyên là an lòng với những gì mình đang có trong hiện tại. Không khó chịu, bực bội khi duyên đã thay đổi. Nhiều người làm quen rồi, đến khi phải ở yên một chỗ, không làm được nữa, liền thấy ngứa chân, ngứa tay, bức xúc, khó chịu, và để cho thói quen dẫn chạy, rồi tự biện minh bằng những ý tưởng cao đẹp, người ngoài nhìn vào cũng thấy thán phục. Không nhận ra rằng, duyên tuy thay đổi nhưng do tâm tương tục không thể dừng nên thân cứ bươn chãi với những cố gắng không cần thiết. Sức khỏe không cho phép mà cứ làm thì mệt. Mệt thì thân nhọc, bệnh tăng, dễ sinh cáu gắt… Duyên khởi trùng trùng, từ cái này đến cái khác, khiến tâm không thể an định. Cho nên, trong đời sống hàng ngày, hãy chịu khó niệm Phật, trì chú, thiền quán… để dừng bớt dòng vọng tưởng. Vọng tưởng không lực, mới có thể tùy duyên mà sống. Thói quen mất lực, duyên đến mới có thể tận dụng được duyên.  

Tuy vậy, cũng có người không có duyên để tận dụng. Tức hoàn cảnh không cho phép để có thể tự an ổn bản thân. Bệnh, thân không thể làm mà không có người lo, mọi thứ đều phải tự túc thì giờ muốn yên cũng không yên được. Không tự lèo lái, lấy gì nuôi thân. Đó là có tiền để lèo lái. Không tiền còn khổ não hơn. Cho nên, muốn có duyên để tận dụng thì bình thường khi còn khỏe hãy cố gắng tạo phước nghiệp cho mình. Khi còn khỏe phục vụ người thì khi bệnh mới có người phục vụ mình. Bình thường luôn có tâm giúp đỡ người thì khi bệnh tự có người giúp đỡ mình v.v. Thành ra khi đang có phước chớ hưởng hết, nhớ san sẻ công sức và vật chất, phòng cho tương lai cơ nhỡ.        

Khởi tâm từ đối với người chăm bệnh

Chăm bệnh mà có lương tâm thì rất nhọc. Không chỉ nhọc về thể xác mà còn nhọc về tinh thần, vì suốt ngày phải đối diện với sự mệt nhọc của người bệnh. 

Bệnh càng nặng thì việc chăm bệnh càng nhọc.

Chỉ mỗi việc người bệnh ăn liên tục mà không thể tự lo là người chăm bệnh đã rất nhọc rồi, chưa nói là người bệnh không thể tự đi vệ sinh v.v.; tuy nhiên vẫn xảy ra trường hợp người bệnh gắt gỏng dễ dàng với người chăm bệnh. Có khi không hẳn họ gắt gỏng với người chăm bệnh mà chính là do không làm chủ được tâm khi thân đang đối diện với đau đớn hay mệt mỏi. Nếu bực bội càm ràm là thói quen thường ngày của người bệnh thì việc đó càng dễ xảy ra, bởi thứ gì đã là thói quen, nó thường hiện khởi hết các thời, khó có thể tùy duyên mà thay đổi cho tương ưng, dù vẫn có thể thay đổi nếu giác ngộ hiện khởi kịp thời.  

Trường hợp hai là do không vừa ý với những gì người chăm bệnh làm cho mình nên sinh gắt gỏng, bực bội. Những người mà ngày thường mọi việc đều tự mình quản lý, mọi việc mình làm đều đâu ra đó, thì khi bị bệnh nằm một chỗ, gặp phải người chăm bệnh không biết gì, nói đâu quên đó, dặn gì trật đó… dễ xảy ra trường hợp này. Thực tế thì có gắt gỏng hay bực bội, sai trật vẫn hoàn sai trật, vì khả năng đương sự chỉ tới đó. Thành ra bình tâm cho xong. Khỏe mình khỏe người.    

Ở đây Đức Phật dạy khởi tâm từ với người chăm bệnh là khởi tâm xót thương, khởi tâm ban vui cho người. Nói ban vui là nói theo ý nghĩa của chữ “từ”. “Từ” là “ban vui”. Ban vui là đừng làm cho người ta buồn, hãy nói những gì khiến người ta vui. Vui và hưng phấn tinh thần sẽ giúp việc phục vụ được tốt hơn. Song chẳng phải vì để việc phục vụ được tốt hơn mà chúng ta khởi từ tâm với người chăm bệnh. Tất cả là do lòng biết ơn. Một khi lòng biết ơn tràn ngập tâm trí bạn, từ tâm liền xuất hiện. Khó có thể gắt gỏng với người mình đang biết ơn.

Với cái nhìn của riêng tôi, trạng thái tâm thức của mình, ngoài việc quyết định an vui cho chính mình trong hiện tại, nó còn đóng vai trò khá quan trọng đối với tương lai kế tiếp của mình. Một trạng thái tâm thức chất đầy sân hận bực bội trong hiện tại là hiệu báo cho những ngày không may sắp tới. Một trạng thái tâm thức với chất liệu an hòa, định tĩnh, dễ tha thứ… là điềm báo cho một hoàn cảnh tươi sáng trong tương lai. Dù hoàn cảnh tươi sáng ấy là một dấu chấm hết thì việc chấm hết ấy cũng mang tính an hòa, rất tốt cho đời sống kế tiếp. Vì thế hãy tự an định tâm của mình, không phải chỉ khi bị bệnh mà ngay từ bây giờ, khi chưa có bệnh, để việc an định tự tâm khi có bệnh không trở thành khó khăn.  

     

                   

              

 


 

[1] Phần 8, phẩm Thiện tụ, kinh Tăng nhất A-hàm II. HT.Thích Thanh Từ dịch. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (PL 2541 - TL 1997)    

[2] Người Anh. Ông được coi là người kế thừa di chúc của Hypocrat.   

[3] Tầm quan trọng và vai trò của ăn điều trị - Dinh dưỡng lâm sàng. Viện dinh dưỡng.vn

[4] Tuệ Tĩnh (1330 - 1400) là một nhà sư, tuy đậu đệ nhị giáp tiến sĩ nhưng không ra làm quan mà tiếp tục chuyên tâm nghiên cứu về y học cổ truyền, làm thuốc cứu người, được coi là ông tổ của nghề thuốc nam.   

[5] Lê Hữu Trác (1720 - 1790).

[6] Tầm quan trọng và vai trò của ăn điều trị - Dinh dưỡng lâm sàng. Viện dinh dưỡng.vn

[7] Tám lời khuyên “sống khoẻ” cho người đau dạ dày. Nguồn: suckhoedoisong.vn.  

[8] https://nhathuocngocanh.com.

[9]Tầm quan trọng và vai trò của ăn điều trị - Dinh dưỡng lâm sàng. Viện dinh dưỡng.vn.  

[10] Trích Điều trị tâm lý ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư như thế nào? - BS Phạm Thành Luân / vinmec.com   

[11] https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/cac-lieu-phap-tam-ly-cho-benh-nhan-ung-thu/?link_type=related_posts&fbclid=IwAR3KjfNw5ZKUesmzzQCJ_C63FTckQOSRqD_R1pmRT8V06wcQRNLp-JMxZls

Chia sẻ: facebooktwittergoogle