Xây dựng những con người chân thực

XÂY DỰNG NHỮNG CON NGƯỜI CHÂN TH

XÂY DỰNG
NHỮNG CON NGƯỜI CHÂN THỰC

(Nguyên Cẩn)

 

Từ hàng giả đến… người giả

Đọc tin trên các báo thấy bao nhiêu vụ làm hàng giả từ pha bột ngọt hay bột giặt chất lượng thấp vào hàng có thương hiệu rồi bán. Có lần người viết tính mua mấy nải chuối chí n vàng của một anh bán dạo thì được tư vấn “Đừng mua, họ ngâm thuốc nên chuối mới vàng ươm như thế!”. Rồi còn những con tôm, trái mít nghe nói đều bị bơm thêm hóa chất hay thậm chí yến sào mà nghe nói toàn bằng… mủ trôm. Nghe riết rồi đâm ra hoang mang quá đỗi! Có những thứ gỉả không đến nỗi hại người ngay tức khắc nhưng đến thuốc tây giả thì đúng là… tội ác!

Vụ án VN Pharma xử mấy năm chưa xong dù kết quả thế nào nghe nói cũng chỉ là một trong nhiều vụ chưa được phanh phui hết. Rồi bây giờ đến những con người… giả.

Chỉ đọc một tờ “Pháp luật” đã thấy mấy tin sau:

Giả bác sĩ, lừa gần 150 triệu đồng.

Giả bệnh nhân vào bệnh viện để trộm tài sản.

Giả bác sĩ, công an vào bệnh viện lừa đảo.

Nghĩa là không ít kẻ lợi dụng sự dễ tin, lòng thương người của thân nhân người bệnh để tìm cách moi tiền. Đề cập đến câu chuyện giả dạng trên, Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết bệnh viện của ông từng phát hiện những trường hợp người xấu giả dạng bác sĩ.

Người nhà bệnh nhân kể vị bác sĩ đó độ 40 tuổi, đến tận giường ân cần hỏi han tình hình bệnh tật. Sau đó vị này hứa sẽ giúp người bệnh được mổ sớm để mau xuất viện. Vị bác sĩ cũng yêu cầu bà này đưa trước ít tiền để lo trên khoa. Cầm tiền trong tay, vị bác sĩ này biến mất”.

Nhưng còn tình trạng “bác sĩ giả” trong cơ sở y tế thì sao? Theo bài viết “Bác sĩ giả và những thứ khác” của Bác sĩ Võ Xuân Sơn (Kinh tế Sài gòn, 2/7/2020) thì “… có những người tự xưng là bác sĩ đến khám chữa bệnh hoặc đi theo nhóm bán hàng giá rẻ, trong đó bao gồm cả bán thuốc… qua những gì họ kể về cách khám và giải thích, tôi tin chắc rằng những người đó không phải là bác sĩ, mà còn chưa được đào tạo y khoa ở mức cơ bản… bác sĩ gỉả trong các cơ sở y tế là những mối nguy tiềm tàng. Sự nguy hiểm không chỉ ở uy tín về y hiệu của cơ sở y tế mà còn là sự an toàn tính mạng của người bệnh”.

Bác sĩ Sơn nhấn mạnh “… Chúng ta kêu gọi người dân hãy là khách hàng thông minh. Ngành y thì bảo họ là những bệnh nhân thông minh… bằng cách không vào nhà thuốc tây khai bệnh cho… người bán thuốc kê toa điều trị như bác sĩ… Thế nhưng còn những cơ sở hoạt động bất chấp quy định chuyên môn như những phòng khám của người nước ngoài, mà khi đoàn kiểm tra đến thì bác sĩ tháo chạy, thì liệu có bao nhiêu bác sĩ gỉả trong đó?” (bđd).

Đã xảy ra bao nhiêu vụ giải phẫu thẫm mỹ gây tai biến? Bao nhiêu ca cấp cứu mà người chết không biết tại sao? Theo BS Sơn thì “Việc các bác sĩ giả bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng. Những nhóm bán hàng, trong đó có thuốc chữa bệnh, đang xâm nhập vào các địa phương, đôi khi có sự giúp sức của chính quyền sở tại, sự mập mờ giữa thuốc và thực phẩm chức năng, có sự hỗ trợ của truyền thônghoạt động bán thuốc tại các cơ sở kinh doanh thuốc hợp pháp… đều có thể gặp những thứ giả còn nguy hiểm hơn cả những bác sĩ giả bị phát hiện”.

Còn bao nhiêu cái “giả” nữa trên đời này chưa phát hiện hết?

Gần đây, vụ máy bay rơi tại Karachi hồi tháng 5 khiến Cơ quan Quản lý Hàng không Pakistan hoài nghi năng lực phi công và họ phát hiện có tình trạng bằng giả. Ngay lập tức, theo Reuters, Cơ quan Hàng không dân dụng Malaysia (CAAM) và nhiều hãng quốc tế như Kuwait Air, Qatar Airways hay Oman Air, kể cả Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, cũng đã đình chỉ bay đối với phi công Pakistan trước khi khẳng định được tính xác thực về bằng cấp của họ. Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) cũng đã ban bố lệnh cấm Hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) bay tới các quốc gia thành viên của khối trong sáu tháng kể từ ngày 1/7/2020. Như vậy hàng trăm phi công Pakistan phải chịu cùng cảnh ngộ.

Những quy trình thật và giá trị giả

Thế nhưng còn những quy trình thật nhưng lại cho ra những giá trị ảo thì sao? Những trường đại học cam kết thi “bao đậu” hay “chống trượt” sẽ cho ra những lứa sinh viên có bằng thật nhưng chất lượng đáng băn khoăn! Có lần chúng tôi đã trích câu nói của Nelson Mandela về hậu quả của việc trên:

Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân sẽ chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đó. Các tòa nhà sẽ sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đó. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đó và nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục đó. Công lý bị mất trong tay của các thẩm phán của nền giáo dục đó. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia.

Hãy thử xem những con đường làm chưa bao lâu đã hỏng và hỏi tại sao như thế? Vì kỹ sư giả hay quy trình giả? Sự giả dối đã len lỏi khắp nơi nên có người đã phải kêu lên: bây giờ bác sĩ giả, chuyên viên giả, học..giả thậm chí tu sĩ cũng có thể giả!

Nên chăng chúng ta cần rà soát lại xem khi mở ra nhiều trường, nhiều hệ đào tạo từ liên thông đến văn bằng hai, hay vừa học vừa làm … nhưng liệu có đảm bảo chất lượng đào tạo khi một số trường còn thiếu và yếu về cơ sở vật chất và cả đội ngũ giảng dạy?

 
 

Làm sao xây dựng những con người chân thực?

Chúng ta thấy có những quốc gia dù rất lớn nhưng hàng hóa hay con người nơi ấy không nhận được sự tôn trọng vì họ làm hàng kém chất lượng, con người của họ ứng xử thô lỗ, thiếu văn minh khi ra nước ngoài, khó hội nhập. Chúng ta phải đi vào thực chất của vấn đề “giả” hiện nay. Ngày xưa cha ông cũng đã từng kêu gọi xây dựng một nền thực học, không cần chạy theo những văn bằng, danh xưng “ảo” như Tiến sĩ, Bảng nhãn, Thám hoa hay như ngày nay như các thứ danh hiệu “ưu tú” mà thiếu thực học, thực tài!

 

Để có một xã hội và những giá trị thực, hãy học tiền nhân xưa, cụ thể là cụ Phan Chu Trinh khi ông hô hào:

“Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, dạy kiến thức khoa học thực dụngbài trừ hủ tục xa hoa;

Chấn dân khíthức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi và nghĩa vụ của mình;

Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa…”.

Chúng ta có thể học nước Mỹ, trong giai đoạn ban đầu được coi là “Thời đại Phục hưng của người Mỹ” (American Renaissance). Chủ nghĩa Siêu nghiệm (Transcendentalism) do Ralph W. Emerson – triết gia đầu tiên của Hoa Kỳ, đồng thời cũng là nhà thơ, nhà văn – khởi xướng, trong bài phát biểu nổi tiếng Học giả Mỹ (The American Scholar) năm 1837 hay là bản “Tuyên ngôn độc lập của trí thức Mỹ” này, kêu gọi các học giả Mỹ “… phải suy nghĩ độc lập, tự trang bị cho mình kiến thức, không những bằng nghiên cứu sách vở mà còn bằng nghiên cứu cuộc sống. ‘Hãy tự biết chính mình’ thì câu châm ngôn mới ngày nay ‘Hãy học tập tự nhiên’ suy cho cùng, cũng cùng một ý nghĩa” (Emerson,1979)*.

Thứ hai là phải biết kế thừa truyền thống bằng bất cứ hình thức nào, cách tốt nhất là học tập, nghiên cứu trong sách vở những tri thức trước đây của nhân loại. Thế nhưng, theo ông trí thức không phải là những con mọt sách (bookworm) chỉ vùi đầu vào sách vở mà không biết hành động. Điều thứ ba Emerson nhấn mạnh là trí thức Mỹ phải là những người hoạt động thực tiễn (practical men). Cuối cùng, Emerson đã sáng suốt khẳng định thực tiễn hoàn toàn không tách rời tư duy. “Tư duy là một phần của hành động. Không có hành động, tư duy không bao giờ có thể đủ chín chắn để đi tới chân lý”.

Chúng ta cũng có thể học hỏi người Nhật khi họ đưa vào chương trình những bài học đạo đức giảng dạy cho học sinh có tinh thần trách nhiệm trong việc làmtôn trọng giá trị cần lao, phát triển khả năng sáng tạo trong công việc không chỉ thu nhỏ trong môi trường học đường mà còn liên tục và cần thiết cho học sinh bước vào việc làm tại các hãng xưởng trong xã hội, hướng dẫn cho học sinh những đức tính để hoà nhập vào sinh hoạt của tập thể là một bài học luôn luôn được đề cao, thể hiện rất rõ trong trường lớp, trong công sở, đoàn nhóm ngay cả trong giải trí, vui chơi…

Phải biết căm ghét cái giả dối trong công việc, học tập từ khi còn đi học, chống quay cóp, xin điểm, mua bằng… rèn luyện tâm hồn trong sáng và hướng thiện.

Hệ thống giáo dục phải cải tổ, lấy sự trung thực làm nền tảng, không chạy theo thi đua, chỉ tiêu, giáo dục sự chính xác trong phát ngôn, nghiêm túc trong thi cử, khắt khe khi đánh giá bản thân và luôn tu dưỡng đạo đức cá nhân.

Dù có theo Phật pháp hay không, phương pháp phát triển tâm hồn trong sánglý tưởng là giúp đỡ học sinh ngoài việc đến thăm hay tiếp cận cơ sở từ thiện (cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi, tật nguyền…), nhằm khơi gợi lòng thương yêu người khác,vì khi ấy, anh ta không thể táng tận lương tâm làm hàng gian, hàng giả ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồngngoài rahọc sinh được khuyến khích tham dự những môn giải trí có tính nghệ thuật nhằm nâng cao trình độ văn hoá, nhân bản. Để chuẩn bị cho học sinh, nhất là khi chuẩn bị rời ghế nhà trường bước vào đời, giáo viên phải hướng dẫn học sinh phân tích và phán xét sự kiện một cách chính xác nhờ kiến thức đã thu được và biết lắng nghe phê phán của người khác một cách khách quan và cầu thị, tự tin nhận lấy trách nhiệm.

Cuối cùngcon người phải biết định vị “thương hiệu cá nhân” và “quốc gia” của mình qua sự trung thực và giá trị thực trong đời sống chứ không phải những gíá trị ảo, những tấm bằng khen vô nghĩa.

Chúng ta cần những con người chân chính, có văn hóa, tự trọng. Nhãn hiệu hay Thương hiệu Việt phải chăng bao gồm:

– Tầm nhìn khách quan về thế giới và xã hội.

– Thật thà, chân thành, và chính trực.

– Tinh thần tự lực tự cường, tư duy độc lập.

– Lối sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình.

– Lối sống có trách nhiệm với xã hộicộng đồng, tổ quốc.

– Trọng danh dự.

– Thái độ cùng với kỹ năng sống, có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, nghị lực dựa trên nền tảng giáo dục.

Thương hiệu quốc gia sẽ được xác lập và định hình qua những công dân mang bản sắc Việt mà ba thành tố Triết học (tầm nhìn, niềm tin…), Tôn giáo (đời sống tâm linh…) và Mỹ học (ứng xử trong cuộc sống, ước mơ, năng khiếu…) tạo nên để người Việt khác với người Nhật hay người Singapore nhưng những phẩm tính căn bản như liêm chính, tự trọng, tinh thần cộng đồng và trọng chân lý thì không khác được.

Mong thay!

Chú thích:

(*)Toàn văn “The American Scholar” của R.W. Emerson, xin truy cập: http://digitalemerson.wsulibs.wsu.edu/exhibits/show/ text/the-american-scholar.

Nguyên Cẩn | TC. Văn Hóa Phật Giáo Số 348

Chia sẻ: facebooktwittergoogle