Lòng tịnh tín của cư sĩ Cấp Cô Độc

long tinh tin

LÒNG TỊNH TÍN CỦA CƯ SĨ CẤP CÔ ĐỘC

Đức Phật, trong cuộc hành trình hoằng pháp suốt 45 năm (theo Nam truyền Phật giáo) hay 49 năm ( theo Bắc truyền Phật giáo), trên những nẻo đường của xứ Trung Ấn, những nơi lưu lại bước chân của Bậc Đại Giác, bên cạnh Ngài ngoài các Thánh đệ tử xuất gia làm công việc tuyên dương giáo pháp còn có các Thánh đệ tử tại gia hộ trì đắc lực giúp cho Phật giáo ngày càng hưng thịnh. Trong những vị cư sĩ tại gia hộ trì đắc lực nhất không thể không kể đến đại trưởng giả Anāthapidika. Ông là người tận tụy đóng góp cho Phật giáo đầy đủ về cả hai phương diện đạo và đời. Về mặt đời, ông đóng góp tích cực vào đời sống của những người nghèo khó, neo đơn. Về mặt đạo, ông là vị hộ pháp đắc lực, có lòng tịnh tín bất động đối với Đức Phật và Tăng đoàn, bậc thiện hữu trí thức.

Sudatta Anāthapidika theo giới thiệu của Dictionary of Pāli Proper names: “Sudatta là một trưởng giả giàu có tại thành Sāvatthi. Ông trở nên nổi tiếng nhờ sự rộng lượng không gì bằng đối với Đức Phật”[1]. Trưởng giả giàu có như ông không chỉ biết hưởng thụ cá nhân cho riêng mình. Không phải sau khi tìm hiểu Phật pháp ông mới biết bố thí hay giúp đỡ, việc này có thể được chứng minh qua mỹ hiệu của ông do người dân đặt ra là Anāthapidika. Biệt danh là ngoài tên riêng, người dân thường dựa vào đặc điểm, tính cách, điểm nhấn trong cuộc đời của mỗi người mà gọi tên. Như tên Tôn giả Sariputta có nghĩa người con của bà Sari. Tên thật của ngài là Upatissa. Angulimāla có nghĩa là người đeo tràng chuỗi bằng ngón tay. Tên thật của ông là Ahimsaka. Còn tên thật của trưởng giả là Sudatta nhưng ông thường được người dân gọi với mỹ hiệu là Anāthapidika (Cấp Cô Ðộc), có nghĩa là người nuôi dưỡng những người nghèo khổ [2]. Từ đây có thể thấy tên ông gắn liền với công hạnh bố thí, giàu lòng từ ái. Ngoài làm công việc kinh doanh trên thương trường, ông còn rất quan tâm đến bố thí, hay làm việc giúp đỡ mọi người, đã cứu giúp vô số người nghèo khó, danh tiếng vang xa nên người dân mới đặt mỹ hiệu cho ông như vậy.

Nhân duyên gặp Bậc Đại Giác

Nhân duyên Sudatta biết đến Phật pháp là nhân chuyến thăm người anh rễ Santāna sống tại thủ đô Rājagaha xây dựng các trú xá, thỉnh Đức Phật và Tăng đoàn cúng dường trai tăng tại tư gia. Khi được giới thiệu về Đức Phật, Sudatta đã sung sướng thốt lên: “Này hiền giả, quả thật hy hữu thay trong thế gian này được nghe tiếng Đức Phật”[3]. Sudatta là người đã có sẵn thiện tâm rất lớn, nên khi nghe nói qua về danh từ Đức Phật, trong đêm đó ông đã thức giấc đến hai lần, lòng nôn nao và mong mỏi được gặp Đấng Giác ngộ. Bóng đêm, nỗi sợ hãi đã không làm chùn bước chân ông và được sự động viên của quỷ Dạ-xoa Sīvaka, ông đã tiến lên. Khi thấy Sudatta sợ hãi, hoảng hốt trước bóng đêm, Đức Phật đã lên tiếng trấn an: “Hãy đến đây, Sudatta!”[4]. Trong lần gặp đầu tiên này, Đức Phật đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi Ngài biết được tâm của gia chủ Anāthapidika đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, Ngài đã giảng bài pháp Tứ diệu đế. Tâm ông lúc này trong sáng, tĩnh lặng, một lòng hướng về Chánh pháp, cho nên ông đã thấy được pháp, giải quyết được mọi hoài nghi và lưỡng lự, thành tựu niềm tin về pháp của Bậc Đạo sư và ông phát nguyện quy y Đức Phật từ đó cho đến trọn đời[5].

Giới thương gia như ông có thể rất hiếm khi được nghe giáo lý vi diệu như vậy và chỉ biết tìm cách bảo đảm công việc kinh doanh của mình được thuận lợi qua các hình thức yêu cầu cử hành các tế lễ theo Vệ-đà rất tốn kém. Sẵn có thiện tâm đã huân tập, chỉ qua một đêm dưới sự chỉ bày của Đức Phật, ông đã thấy rõ chân lý, không còn hoài nghi và đã nói lên sự vui mừng chứng ngộ của mình: “Bạch Ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): những người có mắt sẽ nhìn thấy được hình dáng; tương tự như thế Pháp đã được Đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện.”[6] Có lẽ đây cũng là một trong nhiều lý do ông tìm đến Đức Phật để giải quyết các mối nghi ngờ trong tâm thức. Trong dịp ở tại Rājagaha, ông đã thiết cúng bữa trai phạn cho Đức Phật và hội chúng, cũng nhân sự kiện này, ông cung thỉnh Đức Phật và hội chúng Tỷ-kheo về an cư mùa mưa tại quê nhà Savatthi.

Xây dựng tinh xá Jetavana

Sau khi trở về Savatthi, lời nói và uy tín đã thuyết phục nhiều bạn bè cùng các cộng sự của ông cúng dường và tin theo Phật. Tiếp theo ông nhanh chóng tìm nơi để xây dựng tinh xá theo lời của Đức Phật: “Này gia chủ, các Đức Như Lai chỉ thỏa thích ở trú xứ thanh vắng”[7]. Ông thấy được khu vườn của thái tử Jeta là thích hợp nhất vì nơi đây có đầy đủ các yếu tố không xa làng mạc, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh. Sau vài lần thỏa thuận với thái tử Jeta, cuối cùng thái tử cũng đồng ý để ông mua khu vườn với giá 10 triệu tiền vàng[8]. Điều kiện thái tử đặt ra không làm ông Sudatta sợ hãi dù đây là một số tiền không hề nhỏ. Có thể thái tử cũng đã cảm nhận được sự vi diệu của giáo pháp Đức Phật nên mới khiến vị trưởng giả này hết lòng như thế và từ lâu đã nghe danh Đức Phật, nhờ vậy đã thúc đẩy thái tử hiến tặng các cây còn lại trong khu vườn mà sau này người đời thường gọi là Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên.

Khu vườn được mua hoàn thành, Sudatta đã bắt đầu xây nên các trú xá, các căn phòng, cổng ra vào, phòng hội họp, nhà để đốt lửa, nhà vệ sinh, đường kinh hành, giếng nước và nhiều công trình thiết yếu khác. Với thái độ cung kính Đức Phật, Tăng đoàn và hơn hết ông không muốn để người đời suy nghĩ Sudatta là người đã xây nên tinh xá này nên có thể làm những gì mình muốn, ông đã thưa thỉnh Phật về cách làm thế nào để dâng cúng tinh xá cho đúng pháp. Đức Phật đã dạy ông: “Này gia chủ, chính vì điều ấy ngươi hãy cho thiết lập Jetavana dành cho hội chúng bốn phương hiện tại và vị lai”[9].

Đức Phật đã tán thán công đức của ông bằng bài kệ:

Từ nơi ấy, chúng (các trú xá) ngăn ngừa sự nóng, sự lạnh, và các loài thú dữ, các loài rắn, và các muỗi mòng, và luôn cả luôn các cơn mưa lạnh. Từ nơi ấy, cơn gió nóng dữ dội đã sanh lên bị dội lại. Với mục đích hướng về sự nương náu, với mục đích về sự an lạc, để thiền định, và để hành minh sát. Sự bố thí trú xá đến hội chúng đã được Đức Phật ngợi khen là tối thắng.[10]

Con người thường có đời sống sung túc về vật chất thì sẽ sa đọa vào các thú vui chơi bất thiện, ít khi quan tâm đến những thứ xung quanh, ngay cả đạo lý làm người. Nhưng Sudatta thì khác, ông tuy là một thương gia giàu có, phải chu toàn các mối quan hệ trong gia đình và bên ngoài xã hội, không phải vì vậy mà ông quên đi trách nhiệm của mình đối với đời sống xã hội và trách nhiệm của người cư sĩ đối với Tam bảo. Ngoài đời sống đầy đủ tiện nghi về mặt vật chất, đem của cải đi cứu giúp mọi người, ông cũng rất quan tâm đến đời sống tâm linh. Qua việc ông đã dốc hết công sức và của cải để thuyết phục mua lại khu vườn của thái tử Jeta bằng bất cứ giá nào để xây nên tinh xá Jetavana làm nơi cư trú cho Đức Phật và Tăng đoàn. Ông muốn lan tỏa giáo Pháp của Phật đến toàn xã hội nói chung và nơi ông sinh sống là Savatthi nói riêng. Giúp cho người dân được gần gũi với Đức Phật là giúp họ học hỏi tư cách, đức độ, trí tuệ siêu việt của Ngài và học hỏi từ chư Tăng giáo lý, đời sống thanh cao, phạm hạnh của Tăng đoàn, từ đây họ thấy được bản chất của sự thật, hiểu đúng, làm đúng, không còn bị mê mờ bởi các học thuyết sai lầm, nhờ vậy cư dân tại Savatthi và ngay chính bản thân ông cũng hưởng được quả ngọt của Chánh pháp trong cuộc đời. Chính vì điều này nên mỗi khi Đức Phật vắng mặt tại tinh xá Jetavana, dân chúng Savatthi vẫn thường đến đây đặt vòng hoa trước hương thất của Phật để tỏ lòng tôn kính, và qua việc này Đức Phật gợi ý nên trồng một cây bồ-đề tại tinh xá Jetavana để cho dân chúng khi đến đây đảnh lễ cây bồ-đề có cảm nghĩ như đảnh lễ Đức Phật trong khi Ngài vắng mặt, và cây bồ-đề này do chính Sudatta trồng[11].

Hộ trì Tăng đoàn

Từ khi thỉnh Phật và chư Tăng về Savatthi an cư thuyết pháp, hằng ngày trong nhà ông lúc nào cũng đầy đủ thức ăn cúng dường cho 500 vị Tỷ-kheo. Nhà ông giống như cái giếng trong xanh ở ngã tư đường cho chúng Tỷ-kheo, như ngôi nhà cha mẹ đối với tất cả đại chúng. Trong khi Đức Phật còn ở Jetavana, mỗi ngày vị trưởng giả đi đến tinh xá ba lần để cúng dường: một vào buổi sáng, một vào buổi trưa, và một vào buổi chiều. Ngoài ra, ông còn thực hiện nhiều sự hộ trì khác. Trong Tăng đoàn, ông đều cúng dường bình đẳng hết thảy. Buổi sáng ông đem theo cháo, sau buổi ăn sáng đem theo bơ chín, bơ tươi, mật ong, đường mật. Buổi chiều ông đem theo hương liệu, vòng hoa, vải may y. Ngày này qua ngày khác, ông đều làm như vậy, không biết mệt mỏi[12]. Học theo trưởng giả Sudatta, vua Pasenadi cũng cúng dường trai tăng cho các Tỷ-kheo, tuy vậy trong cung vua không ai tỏ ra thân thiết với Tăng chúng[13]. Các quan quân thực hiện việc cúng dường giống như một mệnh lệnh, chỉ có hình thức vật chất mà không có giá trị tinh thần; họ không có một niềm kính ngưỡng xứng đáng nào đến chư Tăng. Vì vậy, chư Tăng dù nhận thức ăn trong cung nhưng bỏ đi nơi khác để thọ thực. Ngược lại, cách cúng dường của Sudatta đã thể hiện sự cung kính đối với Đức Phật và chư Tăng; ông trông nom chăm lo Tăng đoàn giống như bậc phụ mẫu[14]. Sudatta đã tận tâm tận lực mà không nghĩ đến châu báu nào khác ngoài ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.

Lòng tịnh tín bất động

Do bố thí không ngừng nghỉ, tiền thâu vào ít dần, tài sản của ông dần cạn kiệt. Ông rơi vào cảnh nghèo thiếu, gia sản, áo quần, sàng tọa, thực phẩm không còn được như xưa. Dầu ở trong tình trạng như vậy, Sudatta vẫn cúng dường chúng Tăng, tuy rằng không thể cúng dường các món tốt đẹp. Kinh sách thuật lại rằng trong nhà ông có một vị nữ thần có tà kiến thường trú. Nhà ông có bảy tầng lầu và có bảy cửa gác, và nữ thần sống trên cửa gác thứ tư. Khi Đức Phật và các vị Đại Trưởng lão đến nhà ông thọ trai, thần nữ ấy không ở được trong lầu của mình, đã đem theo mấy đứa con nhỏ xuống ở tại tầng cuối cùng. Bà suy nghĩ: "Khi Sa-môn Gotama và các đệ tử vào nhà này, ta không được an lạc; ta không thể luôn luôn xuống tầng trệt được. Ta phải làm thế nào để những người ấy không đến nhà này nữa". Bà đã đi nói với người tổng quản, con trai của ông và chính ông, khuyên đừng nên cúng dường Tăng đoàn nữa. Nhưng lòng tin của ông như núi Tu-di bất động, vững tin vào giáo pháp của Đức Phật. Về sau bà hối lỗi, đã giúp ông lấy lại tài sản những người đã thiếu nợ ông, của cải trôi ra biển, và sau đó ông lại giàu có như trước[15]. Câu chuyện này cho thấy rằng, dù lúc ông giàu có hay khi gia sản khánh kiệt, ông đều một lòng vững tin vào Đức Phật và giáo pháp của Ngài. Đây chính là lòng tịnh tín bất động của ông đối với Đức Phật và Tăng đoàn, không ai có thể thay đổi được lòng tịnh tín ấy. Vì những công đức ông đã làm đối với Tăng đoàn và xã hội đương thời, Đức Phật đã tán thán việc làm của ông: “Trong các vị đệ tử nam cư sĩ của Ta đã bố thí, này các Tỷ-kheo, tối thắng là gia chủ Sudatta Anāthapidika[16].

Đối đáp với ngoại đạo

Qua nhiều năm được gần gũi và học hỏi giáo lý trực tiếp từ Đức Phật, ông không còn là một trưởng giả chỉ biết cúng dường, giúp đỡ người nghèo khó như trước nữa, mà đã trở thành một người cư sĩ thông thạo giáo pháp của Phật. Trong một cuộc tranh luận với ngoại đạo, Sudatta đã trả lời một cách thông minh, thiết thực, rõ ràng những câu hỏi của các du sĩ ngoại đạo về các quan kiến của Sa-môn Gotama, của các Tỷ-kheo và của chính mình:“Phàm cái gì được sinh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường, cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy là: Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi…”. Câu trả lời không những chứng minh biện tài ứng khẩu đối đáp của ông, mà còn nêu rõ ông đã hiểu giáo lý của Phật một cách sâu sắc. Ông đã trình bày kiến giải của mình theo giáo lý của Đức Phật, đánh bại những luận điểm sai trái của ngoại đạo. Lời giải đáp ấy của Sudatta đã làm cho các du sĩ ngoại đạo ngồi im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sững sờ không nói nên lời. Sau câu chuyện đó, Đức Phật đã nói pháp khích lệ, làm cho ông phấn khởi sinh tâm hoan hỷ, và tán thán ông trước hội chúng rằng: “Tỷ-kheo nào, dù đã được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với sự khéo léo bác bỏ nhờ Chánh pháp, như gia chủ Anāthapidika đã khéo léo bác bỏ” [17]. Qua đây có thể thấy ông không chỉ là một người cư sĩ biết làm phước, bố thí, cúng dường một cách đơn thuần mà ông còn là một người cư sĩ trí thức, hiểu sâu và hiểu đúng những lời Bậc Đạo sư đã dạy.


 
 

 

Vì là một trưởng giả giàu có nổi tiếng tại Savatthi, phải va chạm nhiều trong kinh doanh và xã hội, cho nên ông khó buông xả và giải thoát mọi sự ràng buộc. Nhưng bằng cách cố gắng học hỏi giáo lý từ Đức Phật và Tăng đoàn trong suốt 25 năm cùng với việc tạo nhiều phước đức từ việc giúp đỡ người khó khăn, xây dựng tăng xá, cúng dường chư Tăng cũng như tự thân nỗ lực tu tập, ông cũng đạt được giải thoát. Điều này được xác nhận trong nhiều bản kinh, như kinh Tăng chi bộ 2: “Thành tựu pháp này, này các Tỷ-kheo, gia chủ Sudatta Anāthapidika đi đến cứu cánh Như Lai, sống thấy được bất tử, chứng ngộ bất tử. Thế nào là sáu. Với lòng tịnh tín bất động đối với Phật, với lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, với lòng tịnh tín bất động đối với Tăng, với Thánh giới, với Thánh trí, với Thánh giải thoát. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, gia chủ Sudatta Anāthapidika đi đến cứu cánh Như Lai, sống thấy được bất tử, chứng ngộ bất tử.”[18]

Sudatta đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa: làm vơi khổ đau của nhiều người, đóng góp lớn cho việc hoằng truyền đạo giác ngộ, sống đúng theo Chánh pháp, tạo được hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho nhiều người trong xã hội. Ông dùng hạnh bố thí để cảm hóa mọi người, đại diện cho bố thí nhiếp trong tứ nhiếp pháp. Dù khi đang là một đại trưởng giả giàu có hay khi tài sản khánh kiệt, ông đều làm tròn bổn phận của một vị hộ pháp. Hình ảnh của ông luôn được nhắc đến như một vị đại tín chủ, đại hộ pháp trong thời Phật còn tại thế, và là tấm gương sáng để cho giới cư sĩ tại gia noi theo.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                  Thích Minh Châu (2016), Kinh Trường bộ, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

2.                  Thích Minh Châu (2016), Kinh Trung bộ, tập II, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

3.                  Thích Minh Châu (2016), Kinh Tương ưng bộ, tập II, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

4.                  Thích Minh Châu (2016), Kinh Tăng chi bộ, tập I, tập II, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

5.                  Thích Minh Châu (2017), Kinh Tiểu bộ, tập I, tập II, tập III, tập IV, tập V, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

6.                  Indacanda dịch (2016), Tiểu phẩm, tập hai, Vinaya Pitaka, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

7.                  Tỳ-kheo Minh Huệ dịch (2019), Đại Phật sử, tập 1.A, NXB.Hồng Đức, Hà Nội.

8.                  G.P. Malalasekera (1974), Dictionary of Pāli Proper names, vol I, NXB.London.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1] Dictionary of Pali Proper names, tr.67.

[2] Sđd, tr.67

[3] Đại Phật sử, tập 1.A, tr.23

[4] Kinh Tương ưng bộ, tập I, chương 10, tr.325-326.

[5] Tiểu phẩm, tập II, chương sàng tọa, tr.112-116

[6] Sđd, tr.116.

[7] Sđd, tr.118.

[8] Sđd, tr.131.

[9] Sđd, tr.131.

[10]Sđd, tr.132.

[11] Kinh Tiểu bộ, tập V, tr.247

[12] Kinh Tiểu bộ, tập III, tr.168.

[13] Kinh Tiểu bộ, tập V, tr.161.

[14] Kinh Tiểu bộ, tập IV, tr.390.

[15] Kinh Tiểu bộ, tập III, tr.168-173.

[16] Kinh Tăng chi bộ I, tr.62.

[17] Kinh Tăng chi bộ, tập II, tr.663-666.

[18] Kinh Tăng chi bộ, tập II, chương 6, tr.171.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle