Tìm hiểu nguyên nhân tạm dừng chức vụ Tăng cang của thiền sư Tiên Giác = Hải Tịnh

tim hieu nguyen nhan

TÌM HIỂU NGUYÊN NHÂN TẠM DỪNG CHỨC VỤ TĂNG CANG

CỦA THIỀN SƯ TIÊN GIÁC - HẢI TỊNH

Thích Tâm Giác

          Tiểu sử Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh

Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh, thế danh Nguyễn Tâm Đoan, sinh ngày 30 tháng 5 năm Mậu Thân (1788), tại huyện Kiến An Thuận Đạo, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Thân phụ họ Nguyễn, tên gọi là Cẩm, làm quan dưới triều Nguyễn được vua sắc phong tước Hầu, gọi là Nguyễn Hầu Cẩm, mất năm 64 tuổi; thân mẫu là Nguyễn Thị Hiền, mất năm 84 tuổi. Cả hai ông bà đều quy y Phật, là cư sĩ của chùa Từ Ân ở Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh (Tế Giác - Quảng Châu) đệ tử của Thiền sư Tổ Tông - Viên Quang (chùa Giác Lâm). Ngài một danh tăng uyên thâm Phật pháp. Năm 1822, ngài được phong làm Tăng cang tại chùa Thiên Mụ. Sau khi giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ một thời gian thì ngài bị tạm cách chức. Đến năm 1841 (Tân Sửu), tức niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất, khi vua Thiệu Trị lên ngôi ông mới cho xét lại nguyên nhân vụ án, sau đó phục hồi chức Tăng cang cho ngài và giao trụ trì chùa Long Quang và chùa Giác Hoàng đến năm 1842. Cũng trong năm này, ngài trở về Nam Bộ ở chùa Từ Ân và đã khai mở nhiều trường Hương và trường Kỳ, đồng thời chn chỉnh lại nghi lễ ứng phú tại Nam Bộ.

Vào những năm cuối đời, ngài đã biên tập bộ sách chữ Hán lần đầu tiên được khắc lại nguyên văn với tiêu đề “Ngũ gia tông phái ký toàn tập”. Ngày mùng 8 tháng 11 năm Ất Hợi, Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh viên tịch, thọ 88 tuổi, nhục thân của ngài được nhập tháp trong khuôn viên chùa Giác Lâm. Bia tháp ghi: Lâm Tế gia phổ hiển Tịnh công Tiên Giác chi tháp (臨濟家譜䣭淨公先覺之㙮); long vị trên bàn thờ Tổ ghi: Giác Lâm đường thượng Lâm Tế gia phổ tam thập thất thế thượng Hải hạ Tịnh huý Tiên Giác đại lão tổ Hòa thượng giác linh nghê tòa chi vị; sinh ư Mậu Thân niên ngũ ngoạt tam thập nhật chú sinh; vãng ư Ất Hợi niên thập nhất ngoạt sơ bát nhật thị tịch. (覺林堂上臨濟家普三十七世上海下淨諱先覺大老祖和上覺靈貎座之位; 生於戊申年五月三十日註生; 往於乙亥年十一月初八日示寂). Đặc biệt tại chùa Giác Viên và chùa Tây An (An Giang) có khắc tượng ngài bằng gỗ quý để tôn thờ.

Những đệ tử xuất gia và cầu pháp với ngài Tiên Giác - Hải Tịnh gồm có những vị như: Minh Vi - Mật Hạnh, Minh Khiêm - Hoằng Ân (hiệu Diệu Nghĩa), Minh Phương - Chơn Hương, Minh Mai - Phương Danh, Minh Chức - Huệ Thức, Minh Huyền - Chơn Giác, Minh Giám - Bửu Chơn, Minh Thông - Hải Huệ, Minh Trữ - Quảng Huệ, Minh Hòa - Hoan Hỷ, Minh Thành - Phước Thạnh, Minh Trị - Thiện Bảo, Liễu Ngọc - Phổ Minh, Minh Huyên - Pháp Tạng (Phật Thầy Tây An), Minh Võ - Nhất Thừa…

Nguyên nhân cách chức Tăng cang của ngài Tiên Giác - Hải Tịnh

Ngài Tiên Giác - Hải Tịnh là vị Tăng sĩ ở Nam Bộ được triều đình mời ra làm Tăng cang tại chùa Thiên Mụ (Huế) để thuyết pháp cho hoàng gia. Đây là một vinh dự dành cho Tăng sĩ ở vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên trong quá trình hoằng pháp tại chùa Thiên Mụ, ngài đã gặp nhiều biến cố, trong đó biến cố có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời cũng như sự nghiệp hoằng pháp của ngài liên đới trách nhiệm trong việc quản lý Tăng sĩ không nghiêm khiến xảy ra án mạng trong khuôn viên chùa Thiên Mụ, dẫn đến việc triều đình nhà Nguyễn cách chức Tăng cang vào khoảng năm 1833-1835. Trước khi bàn về nguyên nhân cách chức Tăng cang của ngài, chúng ta cần tìm hiểu về khái niệm Tăng cang.

- Khái niệm Tăng cang

Thuật ngữ Tăng cang (cương) hay Tăng quan có sự khác nhau về tên gọi, nhưng nội hàm khái niệm tương đồng nhau và đó là một chức quan do nhà nước thiết lập. Tại Ấn Độ cổ đại, dưới thời vua Āsoka (272-236 tr.TL), triều đình đã thành lập Một cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo gọi là Dharma Māhamātra. Quan chức Dharma Māhamātra có thể là người thế tục và cũng có khả năng là người đại diện của các tôn giáo”[1]. Cơ quan này có chức năng bảo hộ việc phát triển tôn giáo và ngăn ngừa những xung đột giữa các tôn giáo. Tại các nước tại châu Á, chẳng hạn như ở Trung Quốc, chế độ Tăng quan bắt đầu khá sớm: Chế độ Tăng quan được bắt đầu từ thời đại Nguỵ, Tấn thuộc Nam Bắc triều, về sau, trải qua bao triều đại đều thừa kế chế độ này, chỉ có tên gọi các chức vị Tăng quan thì tùy triều đại mà có thay đổi”[2]. Chức vụ này có khi được gọi là Tăng thống: “Tăng thống/僧統 (chức vị), tên quan chức trong giới Tăng Ni do triều đình phong tặng cho nhà sư thống lĩnh Phật giáo, thống lĩnh mối đạo trong cả nước”[3]. Phật giáo vào đời Diêu Tần phát triển mạnh, số lượng Tăng sĩ khá đông. Đại Tống Tăng sử lược có chép:殆姚秦之世。出家者十室而半[4] (Đãi Diêu Tần chi thế, xuất gia thập thất nhi bán. Dịch: Vào đời Diêu Tần, mười nhà thì có đến năm nhà có người xuất gia). Vì số lượng Tăng sĩ nhiều nên bắt đầu phát sinh những tệ trạng trong sinh hoạt.

Tại Hàn Quốc, chế độ Tăng quan “bắt đầu vào năm thứ 11 (550) đời vua Chân Hưng xứ Tân-la, bấy giờ lập một vị Đại thư tỉnh, do Pháp sư An-tang đảm nhiệm”[5]. Còn ở Nhật Bản, “Tăng quan cũng gọi là Tăng cương, chế độ này bắt đầu vào năm Suy Cổ thiên hoàng 32 (624), ngài Quán Lặc làm Tăng chính, ngài An B Đức Tích làm Tăng đô, ngài Hà Đàm Liên làm Pháp đầu”[6].

Ở Việt Nam, vào“năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, lúc ban định tước cấp cho các quan cũng định luôn giai phẩm cho hàng Tăng đạo có công giúp nước. Đứng đầu có chức Tăng thống trao cho Ngô Chân Lưu và ban hiệu là Đại sư Khuông Việt”[7]. Như vậy, Tăng thống là chức quan do triều đình sắc phong, có vai trò trách nhiệm quản lý tất cả Tăng sĩ trong cả nước, nhưng đến thời nhà Nguyễn không thấy đề cập đến Tăng thống mà chỉ còn Tăng cang. Tăng cang ở triều Nguyễn được hưởng lương, cùng nhiều ân điển khác. Tuy nhiên lại bó hẹp trong khuôn khổ quản lý chư Tăng tại một ngôi chùa do nhà vua hoặc quan lại xây dựng chứ không còn trách nhiệm quản lý tất cả Tăng sĩ trên cả nước.

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Tăng cang có nghĩa như sau: “Tăng Cương (僧網) những vị Tăng do triều đình bổ nhiệm để thống lãnh Tăng Ni trong toàn quốc hoặc một phủ, châu, huyện... để hộ trì giáo pháp và giúp đỡ cho triều đình về mặt quản lý tự viện. Vị Tăng quan này có trách nhiệm kiểm soát xem Tăng Ni có phạm giới hoặc có làm tròn phận sự hay không, đồng thời xem xét công việc trong các tự viện”[8].

Theo Phật Quang đại từ điển: “Tăng Cương (僧綱) cũng gọi là Tăng quan (僧官). Nghĩa gốc là giềng mối của Tăng Ni, từ đó chuyển thành tên chức quan tăng do nhà nước bổ nhiệm thống lãnh Tăng Ni trên toàn quốc để hộ trì đạo pháp và giúp đỡ nhà nước về mặt quản lý các chùa viện. Nhiệm vụ của vị quan tăng này là kiểm xét xem Tăng Ni có phạm giới hoặc có làm tròn phận sự hay không, đồng thời giám sát công việc của các chùa viện”[9].

Theo tác giả Lê Xuân Thông thì “Tăng cang là chức phẩm cao cấp nhất trong hàng giáo phẩm của Phật giáo Việt Nam thời Nguyễn (1802 - 1945). Đó không phải là một sự tôn xưng của dân gian hay trong nội bộ bản thân Phật giáo, mà là sự sắc chuẩn ban phong của triều đình như một sự ghi nhận, đánh giá về đạo hạnh của một thiền tăng trên con đường giác ngộ chân lý giải thoát của Đức Như Lai. Người được phong Tăng cang, bởi vậy, là một thiền sư đạo cao đức dày, là bậc long tượng chốn thiền lâm”[10].

Như vậy, Tăng cang (cương) hay Tăng quan được hiểu là một chức quan do triều đình lập ra với mục đích quản lý hàng ngũ Tăng sĩ trong cả nước. Vị Tăng sĩ được sắc phong là người có đạo hạnh tu tập cao, có uy tín trong thiền gia và là vị nghiêm trì giới luật.

- Về nguyên nhân cách chức Tăng cang của ngài Tiên Giác - Hải Tịnh

Việc cách chức Tăng cang của ngài Tiên Giác - Hải Tịnh xảy ra vào thời điểm nào, nguyên nhân là gì, nội hàm sự việc như thế nào thì cho đến nay vẫn chưa được làm rõ. Theo nhận định của Trần Hồng Liên trong tác phẩm Ngũ gia tông ký toàn tập Chư tiền bối Tổ sư truyền thừa tại tổ đình Giác Lâm thì: “Cho đến nay, chúng ta chưa có đủ tài liệu để khẳng định về việc cách chức này”[11]. Về việc này, chúng ta cần dựa vào tư liệu hiện có từ thời nhà Nguyễn để làm rõ nguyên nhân.

Trước hết, về thời gian cách chức thì chưa rõ năm nào, nhưng sự kiện này được ghi lại trong Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn vào thời vua Minh Mạng (tức năm Kỷ Hợi thứ 20 [1839]). Như vậy chúng ta có thể suy ra rằng sự kiện này có thể xảy ra trước năm 1839 hoặc trong năm 1839. Theo tác giả Trần Hồng Liên, vấn đề cách chức Tăng cang nằm trong giai đoạn biến cố chính trị ở Gia Định: Việc bị cách chức Tăng cang và sau đó được phục hồi lại vào năm Thiệu Trị nguyên niên, thuộc giai đoạn có biến cố chính trị lớn ở Gia Định, do Lê văn Khôi khởi binh chống lại triều đình Huế”[12]. Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng cho rằng: “Năm 1833, con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi nổi loạn, chiếm thành Phiên An (Saigon), chống lại triều đình Huế. Ngài Tăng cang Tế Giác là người ở Gia Định nên bị nghi ngờ có liên hệ với loạn quân; vì vậy, triều đình đã cách chức ngài”[13]. Như vậy, theo những tác giả này, việc cách chức Tăng cang của ngài Tiên Giác - Hải Tịnh là do bối cảnh chính trị xã hội ở Gia Định gây nên. Ngoài hai nhận định trên còn ý kiến cho rằng ngài phạm vào giới luật nhà Phật nên bị cách chức.

Để rõ hơn về vấn đề cách chức Tăng cang của ngài Tiên Giác - Hải Tịnh, chúng ta cần dựa vào những thông tin được ghi chép trong Quốc sử quán triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Châu bản triều Nguyễn, Hoàng Việt luật lệ...

Trong Đại Nam thực lục đệ nhị kỷ - Quyển CCVII - Thực lục về Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế có ghi như sau: “Sư chùa Thiên Mụ có tên Nguyễn Văn Huấn vì ghen giết người. Bộ Hình và viện Đô sát xét hỏi qua một năm không khám phá ra manh mối. Đến nay Khoa đạo là Nguyễn Sĩ Đăng, Lê Tập bí mật đi dò xét tìm được tình trạng, đều thưởng cho mỗi người 10 lạng bạc và gia một cấp. Khi án giao xuống đình thần xét, Huấn bị xử trảm hậu; sư trưởng Nguyễn Tâm Đoan, cách bỏ chức trụ trì chuẩn bắt phải làm việc nặng nhọc tại chùa ấy”[14]. Vấn đề xảy ra án mạng này cũng được ghi trong Châu bản triều Nguyễn: Vào ngày 04 tháng 4 năm Tự Đức thứ 2, các ngự sử công kích đạo Phật, xin đuổi sư tăng về tục do Thự Lạng Bằng đạo giám sát ngự sử thần Trần Văn Ý, Thự Nam Ngãi đạo giám sát ngự sử thần Nguyễn Văn Tố đẳng cẩn tấu: “…Tức như Minh Mạng niên gian, phát xuất Thiên Mụ tự tăng Nguyễn Văn Huấn hướng nhân nữ tử điều hý, nhân nhi đố sát Nguyễn Văn Ưng tễ mạng nhất án thù khả ố dã...”[15] (Dịch: Như khoảng năm Minh Mạng đã xảy ra vụ án sư chùa Thiên Mụ là Nguyễn Văn Huấn giỡn cợt chọc ghẹo con gái nhà người khiến ghen tuông giết chết Nguyễn Văn Ưng thật là khả ố)[16].

Theo Châu bản triều Nguyễn, những nhà Nho công kích Phật giáo đã lấy vụ án ở chùa Thiên Mụ (năm Minh Mạng) làm cớ tấu trình lên vua nhằm đề nghị đuổi Tăng sĩ về tục để giảm bớt chi phí chu cấp hàng tháng. Họ cho rằng làm như vậy là “Trừng trị được bọn biếng nhác, nhờ đó đồng nhất đạo đức phong tục”[17].

Qua những trích dẫn trên, chúng ta có thể thấy việc cách chức Tăng cang của ngài Tiên Giác - Hải Tịnh là do bị liên đới trách nhiệm trong vụ án mạng tại chùa Thiên Mụ (Huế). Nguyên nhân do Nguyễn Văn Huấn, một vị tu, vì ghen tuông đã phạm tội sát nhân. Vào thời điểm xảy ra án mạng Tổ Tiên Giác - Hải Tịnh là người chịu trách nhiệm quản lý việc sinh hoạt của chư Tăng tại chùa Thiên Mụ. Cũng theo tư liệu có được thì vụ án xảy ra trong khuôn viên chùa, nhưng Hình Bộ[18]Viện Đô sát[19] không làm sáng tỏ, sau một năm thì Khoa đạo Nguyễn Sĩ Đăng và Lê Tập mới tìm ra được nguyên nhân. Sau đó Nguyễn Văn Huấn bị xử trảm hậu còn sư trưởng Nguyễn Tâm Đoan (tức ngài Tiên Giác - Hải Tịnh) bị cách chức Tăng cang và bắt làm việc nặng tại chùa.

Ở đây chúng ta cần tìm hiểu thêm những nguyên nhân có thể đưa đến việc cách chức Tăng cang. Và về điều này, chúng ta cần dựa vào Hoàng việt luật lệ (Luật Gia Long).

Vào thời nhà Nguyễn, triều đình đã ban hành một bộ luật dựa trên quan điểm của Nho giáo và ở đó nhiều quy định áp dụng cho Tăng sĩ được đưa ra, trong đó có những luật lệ về hình phạt áp dụng cho Tăng sĩ khi phạm tội. Ví dụ, trong Hoàng Việt Luật lệ có ghi rằng nếu Tăng sĩ phạm tội thì hình phạt nặng hơn dân thường: “Phàm để tang cha mẹ và chồng chết, nếu Tăng sĩ, Đạo sĩ, nữ quan phạm gian thì tăng hai bậc tội người thường phạm gian, xử tội ấy theo người thường phạm gian”[20]. Và nếu Tăng cưới thê thiếp hay đoạn tuyệt cha mẹ cũng bị xử phạt nặng: “Phàm Tăng, Đạo cưới thê thiếp thì phạt 80 trượng, hồi tục… Trụ trì chùa chiền biết mà không báo lên thì cùng tội, liên lụy vì người Tăng, Đạo phạm gian, tăng hai tội”[21]. Bộ luật còn quy định thêm: “Tăng đạo quan, Tăng nhân, Đạo sĩ phạm vào k nữ, rượu thịt thì đều phạt trăm trượng, trả về làm dân”[22].

Trong Hoàng Việt luật lệ, quyển 14 nói về Hình luật, phần Nhân mạng điều thứ 09 - Đấu ẩu cập cố sát nhân (Đánh lộn và cố ý giết người) ghi: “Phàm đánh lộn giết người thì không cần biết bằng tay chân, vật gì khác như dao mác… đều xử treo cổ giam chờ”[23]. Đây là luật lệ giành cho tất cả người dân trong cả nước, nhưng riêng đối với Tăng sĩ thì triều đình xử tội nặng hơn dân thường, do vậy khi Nguyễn Văn Huấn phạm vào tội sát thì bị xử trảm hậu. Còn đối với Nguyễn Tâm Đoan (tức ngài Tiên Giác - Hải Tịnh) thì chịu trách nhiệm Trụ trì chùa chiền biết mà không báo lên thì cùng tội, liên lụy vì người”, nên triều đình đã cách chức Tăng cang của ngài.

Những hình phạt dành cho Tăng sĩ không chỉ có ở nước ta. Tại Trung Quốc vào thời Bắc Ngụy, triều vua Tuyên Vũ Đế (483-515), cũng đã quy định hình phạt dành cho Tăng sĩ phạm tội sát nhân, như được ghi trong Phật Tổ thống kỷ, quyển 38: “景明二年。詔僧犯殺人依俗格斷。餘犯悉付昭玄都統。以內律僧制判之[24]. (Dịch: Niên hiệu Cảnh Minh thứ 2 (501) ban chiếu Tăng nhân phạm tội giết người, thì y cứ theo luật của thế tục mà xét xử. Ngoài ra phạm tội khác thì giao cho Đô Thống Chiêu Huyền, dùng giới luật của Tăng đã chế định mà phân xử cho phù hợp).

Dựa vào Hoàng Việt luật lệ của Triều Nguyễn, chúng ta cũng có thể bác bỏ ý kiến cho rằng ngài Tiên Giác - Hải Tịnh đã phạm giới luật nhà Phật nên bị cách chức. Giả thuyết được đặt ra là, nếu như ngài Tiên Giác - Hải Tịnh phạm giới luật nhà Phật như kỹ nữ, rượu thịt… thì chắc chắn sau khi bị cách chức ngài sẽ bị đuổi về làm dân thường như luật đã định, thế nhưng ở đây ngài chỉ bị tạm thời dừng chức vụ Tăng cang. Điều này như vậy cho thấy rằng bản thân ngài không phạm những tội như trên. Cũng dựa vào những ghi chép trong Châu bản triều Nguyễn, ta thấy rằng ngài là một vị tinh trì giới luật, như trong Td ngày 16 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 2 ghi: “Tư cứ Nguyễn Văn Thường bẩm khai thừa dĩ hội đồng chư sơn tự tăng tái tam lân tuyển, duy hữu hiện sung Long Quang tự tăng cang Nguyễn Tâm Đoan, am tường kinh giáo, giới luật tinh trì, thị thiền gia mẫn cán để nhân, khả sung Giác Hoàng tự Tăng can”[25]. (Dịch: Nay theo khai bẩm của Nguyễn Văn Thường thì hội đồng chư sơn các chùa đã tuyển chọn hai ba lần nhưng chỉ có Nguyễn Tâm Đoan hiện sung chức Tăng cang chùa Long Quang là người am tường kinh giáo, giới luật tinh trì, quả là người mẫn cán trong thiền gia, có thể chọn sung làm Tăng cang chùa Giác Hoàng)[26].

Qua những luận cứ và luận chứng đã được trình bày, chúng ta thấy rằng ngài Tiên Giác - Hải Tịnh bị cách chức là vì liên đới trách nhiệm do không quản lý nghiêm Tăng sĩ trong tự viện dẫn đến xảy ra án mạng tại chùa. Còn về thời điểm phục hồi chức Tăng cang cho ngài, các tác giả đều có chung ý kiến là sau khi vua Thiệu Trị lên ngôi. Theo Td ngày 16 tháng 3 năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) thì: “Nguyên Thiên Mụ tự trụ trì Nguyễn Tâm Đoan tiền nhân can án hoạch cữu cách khứ Tăng cang, chuẩn vu cai tự lực dịch bổ quá. Cận lai sảo tri úy hối thống cải tiền phi, Nguyễn Tâm Đoan trước gia ân khoan miễn, do Lễ bộ cấp hoàn Tăng cang văn bằng nhất thông, nhưng chuẩn vu cai tự ứng vụ, sĩ hữu chư quan tự trụ trì chi khuyết tức hành sung bổ. Khâm thử”[27]. (Dịch: Nguyên trụ trì chùa Thiên Mụ là Nguyễn Tâm Đoan, trước nhân can án phạm lỗi bị cách chức Tăng cang nhưng chuẩn cho ở chùa ấy làm công việc nặng nhọc để chuộc tội, gần đây đã biết xấu h ăn năn lỗi trước, truyền gia ân khoan miễn cho Nguyễn Tâm Đoan. Bộ Lễ hãy cấp hoàn một văn bằng Tăng cang và vẫn chuẩn cho ở tại chùa này làm việc chờ khi có chùa quan nào khuyết trụ trì sẽ bổ sung. Khâm thử)[28].


 

[1] Chúc Phú (2015), Luận về vấn đề Tăng quan [online], viewed 20/7/2020, from: https://giacngo.vn/nguyetsan/tulieu/2015/06/06/366202/.

[2] Sa-môn Thích Quảng Độ (dịch) (2014), Phật Quang đại từ điển (佛光佛辭典), tập 4, NXB.Phương Đông, tr.5617.

[3] Phân viện Nghiên cứu Phật học (2004), Từ điển Phật học Hán Việt, NXB.Khoa học Xã hội, tr.1155.

[4] 《大宋僧史略》卷2 (Đại Tống tăng sử lược, quyển 2). CBETA, T54, no. 2126, p.242c8.

[5] Sa-môn Thích Quảng Độ (dịch) (2014), Phật Quang đại từ điển (佛光佛辭典), tập 4, NXB.Phương Đông, tr.5620.

[6] Sa-môn Thích Quảng Độ (dịch) (2014), Phật Quang đại từ điển (佛光佛辭典), tập 4, NXB.Phương Đông, tr.5620.

[7] Nguyễn Đỗng Chi (1993), Việt Nam cổ Văn học sử, NXB.Trẻ, tr. 97.

[8] Thích Minh Cảnh (2007), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập V, NXB.Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.4277.

[9] Sa-môn Thích Quảng Độ (dịch) (2014), Phật Quang đại từ điển (佛光佛辭典), tập 4, NXB.Phương Đông, tr.5587-5588.

[10] Lê Xuân Thông (2014), “Thiền sư đầu tiên của Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng được vua triều Nguyễn phong Tăng cang”, số 207, tập 102, tr.42.

[11] Ngũ gia tông phái ký toàn tập và Hành trạng Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh (2002), Hòa thượng Thích Huệ Sanh (dịch), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.108.

[12] Sđd, tr.108.

[13] Hòa thượng Thích Trí Quảng, Tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức - TP.Hồ Chí Minh) và Tổ sư Tế Giác - Quảng Châu, Hội thảo Khoa học 300 năm Phật giáo Gia Định - Sài Gòn TP.Hồ Chí Minh (2002), NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.22.

[14] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập năm, Bản dịch của Viện Sử học, tái bản lần thứ nhất, NXB.Giáo Dục, tr.611.

[15] Tự Đức 2 tháng 3-4, Chư Nha Q. 13, tờ 255a - 261a: …即如明命年間發出天姥寺僧阮文訓向人女子調戲因而妒殺阮文膺斃命一案殊可惡也...

[16] Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn - Tư liệu Phật giáo, NXB.Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.230.

[17] Sđd, tr.231.

[18] Theo bản dịch Đại Nam điển lệ toát yếu của Nguyễn Sĩ Giác: Thảo luận nguyên lý và pháp luật, tấu đối và xét xử những tội nặng (tử tội), phúc thẩm các nghi án, xếp đặt các lao ngục, các phương pháp đối với tù phạm (cơm áo, thuốc men v.v.) đều là chưởng của Bộ Hình.

[19] Theo bản dịch Đại Nam điển lệ toát yếu của Nguyễn Sĩ Giác: Những sự tâu đối điều hay, hay can gián điều dở, đàn hặc (vạch tỏ) các tội lỗi các quan, đều giao cho viện này. Các chức Cấp sự trung ở các Khoa (tên sở: Cấp sự trung Khoa), chức Giám sát ngự sử ở các Đạo, đều thuộc quyền Viện Đô sát.

[20] Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập V, Nxb. Văn hoá - Thông Tin, tr. 914.

[21] Sđd, tr.340.

[22] Sđd, tr.915.

[23] Sđd, tr.695.

[24]佛祖統紀38, Phật Tổ thống kỷ, quyển 38, CBETA, T49, no. 2035, p.355b15-16. (Phiên âm: Cảnh Minh nhị niên. Chiếu tăng phạm sát nhân y tục cách đoạn. Dư phạm tất phó Chiêu Huyền Đô Thống. Dĩ nội luật tăng chế phán chi).

[25] Thiệu Trị 2 tháng 1-12, Cư Bộ Nha Q.22, HTCB No. 319, tờ 161ab. 茲拋阮文常稟開承以會同諸山寺僧再三遴選惟有現充隆光寺僧綱阮心端諳詳經教戒律精持是僧家敏幹底人可充覺皇寺僧綱.

[26] Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn - Tư liệu Phật giáo, NXB.Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.109.

[27] Thiệu Trị nguyên niên tháng 3 nhuận- 6, Thượng dụ Q.8, HTCB No. 260, tờ 41ab. 原天姥寺住持阮心端前因于案獲咎革去僧綱準于該寺力役補過近來稍知畏悔痛改前非阮心端著加恩寬免由禮部給還僧綱文憑一通仍準于該寺應務竢有諸官寺住持之缺即行充補欽此.

[28] Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn - Tư liệu Phật giáo, NXB.Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.91.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác