Bồ tát kinh Kim cang

bo tat kinh kim cang

BỒ-TÁT KINH KIM CANG (tt)

Chân Hiền Tâm

Phần trước đã nói về việc hàng phục tâm. Phần này nói tiếp, nói thêm về việc an trụ tâm.

Tống Thị Lương là con một nhà giàu ở Hà Liên[1]. Giàu nữ hạnh. Giỏi nữ công.

Khi được mười sáu tuổi, nhiều nhà nhờ mai mối nhưng cô một mực từ chối với lý do “Nhân duyên của con phải nhờ Đức Phật chỉ giáo”.

Ngày nọ có một vị sư lạ vào nhà cô thuyết pháp. Người nhà cho gì sư cũng không lấy, chỉ nằng nặc đòi xin chiếc áo lót đang phơi ngoài sân. Áo ấy của Tống Thị Lương. Cha mẹ cho đó là việc bất nhã nên lớn tiếng đuổi đi. Cô chạy ra can ngăn, còn vị sư thì cười rồi đi thẳng.

Sau đó cô lúc nào cũng thấy như có Đức Phật hiện bên mình, bèn xin cha mẹ cho đi tu. Dù không muốn ông bà cũng phải chấp thuận, xây am Quan Âm bên trái núi Đại Kim cho cô tụng niệm tu hành.

Thánh nhân độ người bằng nhiều cách mà cái nhìn của người đời khó thấu.

Hiện các tướng thuận với sở tri của người thì được người ca tụng. Hiện các tướng không thuận với sở tri của người thì lập tức có sự phản kháng. Nhưng tâm chúng sinh đa dạng, tướng thuận có khi không độ được mà tướng nghịch mới độ được, nên phải dùng tướng nghịch mà độ.

Cậu bạn nhỏ của tôi, chưa vợ con, tâm nguyện của cậu là đi tu, cũng thích thiền, nhưng dứt bỏ để vào chùa thì không có tâm dứt khoát. Bẵng một thời gian nghe tin cậu có vợ. Rồi cậu xuất hiện… để giải bầu tâm sự.

Người phụ nữ cậu thương không được bình thường như bao người. Muốn lấy được cô, cậu phải trả một khoản nợ khá lớn để chuộc cô ra. Lấy về, cô viện đủ lý do không cho cậu gần, cũng không thích gặp mặt cậu. Suốt ngày cứ nhắn tin cho ai đó, hình như người cô yêu mà không có tiền chuộc cô ra. Bỗng dưng, bỏ tiền ra rước một cây cột về nhà mà còn chuốc phiền não vào thân. Khổ quá, cậu hỏi giờ phải làm gì cho hết khổ. Đi tu! Ra đời đâu phải để lấy vợ mà để đi tu, không chịu tu mà cứ lấy vợ thì có Bồ-tát xuất hiện giúp mình vào chùa còn gì! Thế là cậu đi tu. Bởi trước, có nhà mà không ở thì có thể lang thang vui chơi từ chỗ này đến chỗ khác. Giờ, chỉ có chốn thanh tịnh mới có thể giải nổi cái mớ lòng tong đầy ắp trong người, nên chỉ còn cách vào chùa. Hóa thân, có khi phải phàm tục như thế mới khiến chúng sinh quay đầu. Hình tượng nhà sư xin áo lót vẫn chưa phải là lớn trong vấn đề độ sinh.

Luận Đại thừa khởi tín nói: “Người ấy, trong khoảng thời gian từ khi mới phát tâm cầu đạo cho đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và các vị Bồ-tát. Khoảng ấy, hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc, hoặc làm cha mẹ, hoặc làm người thân, hoặc làm người giúp việc, hoặc làm bạn hữu, hoặc làm oan gia, hoặc khởi tứ nhiếp…, cho đến tất cả việc làm với vô lượng duyên hạnh. Bởi do lực huân tập đại bi phát khởi nên hay khiến chúng sinh tăng trưởng thiện căn, nếu thấy, nếu nghe đều được lợi ích[2].

Từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật là khoảng thời gian từ Thập tín đến Thập địa rồi lên Đẳng giác và Diệu giác, năm mươi mấy giai vị nói trong kinh Lăng nghiêm. Chưa vào Thập địa, tức chưa chứng được pháp thân, để có thể tùy cơ ứng hiện báo hóa thân, thì sẽ được chư Phật và Bồ-tát hỗ trợ theo cách hóa làm người thân hay oan gia v.v. giúp mình tiến tu, như trường hợp cậu bạn tôi. Chứng nhập được pháp thân, có ý sinh thân rồi, cũng nương cách đó mà làm lợi ích cho chúng sinh, như ba mươi hai ứng hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện, Phẩm Phân thân tập hội, đầu phẩm ghi: Hóa thân cùng quyến thuộc. Và được giải thích như sau: Phân thân của Bồ-tát Địa Tạng đến từ địa ngục và các thế giới, số phân thân này có đến trăm nghìn muôn ức chẳng thể suy, chẳng thể bàn, chẳng thể nói, chẳng thể lường. Nhờ thần lực của Như Lai, các phân thân này hiệp với những chúng đã được giải thoát, đồng cầm hương hoa đến cúng Phật. Chúng này thảy đều nhờ Bồ-tát Địa Tạng giáo hóa khiến trụ nơi đạo Vô thượng Chánh giác, số cũng đến muôn ngàn ức na-do-tha. Như vậy, phân thân chính là các hóa thân của Bồ-tát Địa Tạng, còn chúng được giáo hóa chính là quyến thuộc của Bồ-tát.

Phân thân hay báo hóa thân là phần đặc trưng của giáo lý Đại và Nhất thừa. Chỉ khi sống lại được với tánh Phật của mình, mới có thể sử dụng được phần báo hóa này. Thân phàm phu cũng là hóa thân mà là hóa thân từ nghiệp hữu lậu và phiền não chướng, sản phẩm của vô minh, không phải là diệu dụng của pháp thân. Vì bị trói buộc bởi nghiệp phàm phu nên không thể một lúc hóa hiện ra nhiều thân làm lợi ích chúng sinh, chỉ y thân đó mà chịu khổ vui không mấy tự tại.

Chư Phật và các Đại Bồ-tát đều nhờ vào phần báo hóa thân này mới có thể độ rộng chúng sinh ở mười phương pháp giới. Cho nên, hàng Bồ-tát hậu sinh cũng y đây mà học và tu để độ tận chúng sinh và thành tựu quả Phật.

Trong phần trụ tâm và hàng phục tâm này, đã phân tích để hiểu vì sao chư Bồ-tát phải hàng phục tâm, phải điều phục chúng sinh tâm của mình. Giờ phân tích đến phần trụ tâm.

Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Bồ-tát đối với pháp, nên không chỗ trụ mà hành bố thí. Đó là không trụ sắc mà bố thí, không trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao? Nếu Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí thì phước đức ấy không thể suy lường[3].

Hỏi trụ tâm thế nào? Trả lời nên không chỗ trụ mà hành bố thí.

Trụ tâm, hiểu nôm na là đặt tâm vào đó. Làm bất cứ việc gì nếu không đặt tâm vào đó thì việc khó thành tựu. Học mà không thể tập trung thì không học được. Viết bài mà không đặt tâm vào đó, cũng không viết được. Trụ tâm rất cần thiết cho mọi việc làm. Tuy vậy, tâm có tính huân tập. Tính huân tập có cả mặt lợi và hại. Lợi là nương vào sư huân tập này, Bồ-tát có thể dùng thói quen tốt phá bỏ một thói quen xấu. Hại vì nó đưa đến thói quen, hình thành nên tập nghiệp và tập khí, tạo ra sự dính mắc. Dính mắc là một cách hiểu khác của chấp trước. Thứ gì thuộc tập nghiệp thứ đó sẽ sinh chấp trước. Có chấp trước vì có tập nghiệp. Chấp trước tạo ra dính mắc. Và vì thế, một khi nói đến chấp trước hay dính mắc là nói đến thói quen, đến tập nghiệp và tập khí. Chính là phần Tập nói trong Tứ đế. Tập là nhân đưa đến khổ, là Khổ nói trong Tứ đế. Nhị thừa còn phải dứt Tập mới có Niết-bàn huống là Bồ-tát, không thể không dứt Tập mà được quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác. Vì thế, Bồ-tát trụ tâm mà nên không chỗ trụ. Làm việc hết mình mà không được chấp trước hay dính mắc vào đó.

Lý do thứ hai trong việc “Trụ tâm mà nên không chỗ trụ” là tự tánh chân như vốn vô trụ. Còn trụ vào bất cứ gì thì còn chưa thể nhập được tánh vô trụ. Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục[4] ghi:

Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:

- Chỉ như giữ gìn giới hạnh trong sạch không chút xao lãng thì thế nào?

Tuệ Trung cười không đáp. Trần Nhân Tông lại thỉnh cầu. Tuệ Trung nói kệ:

Giữ giới cùng nhẫn nhục

Chiêu tội chẳng chiêu phước

Muốn biết không tội phước

Chẳng giữ giới nhẫn nhục.

Nói rồi dặn nhỏ Trần Nhân Tông: “Chớ bảo cho người không ra gì biết”.

Không tội phước là chỗ không tội cũng không phước, là một dạng của Bát bất nói trong Trung luận. Kinh Lăng-già dùng bốn từ vô, bất, phi, ly để trả lời 108 câu hỏi của ngài Đại Huệ để diễn tả chỗ này. Như vậy, “Muốn biết không tội phước” là muốn thấu được tánh thể vô trụ, cội nguồn chân thật nhất tâm của tất cả pháp thì “Chẳng giữ giới cùng nhẫn nhục”. Không chấp vào tướng của pháp thì mới có thể thấu được tánh không của vạn pháp. Không phải giữ giới cùng nhẫn nhục là không đúng mà nói “Chẳng giữ giới cùng nhẫn nhục”. Kinh luận đều dạy người giữ giới và nhẫn nhục. Nhưng giữ giới và nhẫn nhục mà chấp vào đó, nói cách khác là an trụ luôn đó thì không khác kẻ đã đến bờ mà ngồi luôn ở thuyền, hoặc muốn lên bờ mà không chịu bỏ thuyền. Vì thế, Tuệ Trung trả lời Trần Nhân Tông: “Chẳng giữ giới cùng nhẫn nhục”, như cách Đức Phật dùng bốn từ vô, bất, phi, ly trả lời các câu hỏi của ngài Đại Huệ. Đó là nói trong cái duyên của Trần Nhân Tông, người đã giữ giới và nhẫn nhục không còn xao lãng, không phải là pháp phổ quát cho toàn thể chúng sinh, nên nói “Chớ bảo cho người không ra gì biết”. Người không ra gì là chỉ cho hạng phàm phu còn đầy tham, sân, si. 

Bố thí là độ đầu trong Lục độ Ba-la-mật, cũng là chi đầu trong Tứ nhiếp pháp. Lục độ và Tứ nhiếp pháp là hai pháp không thể thiếu trong hành trang của một vị Bồ-tát.

Trong kinh Phật dạy bố-thí mà nên không chỗ trụ là không trụ nơi sắc mà bố thí, không trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí.  

Không trụ nơi sắc mà bố thí là khi bố thí đừng để tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh chi phối. Không nói đến tướng thọ mạng, vì khi đã có thân tâm, thế giới và chúng hữu tình thì tướng thọ mạng đã có tác dụng. Tướng này không tổn hại việc lợi ích chúng sinh nếu ba tướng kia đã điều phục. Chỉ trong trường hợp muốn kiến tánh hay thể nhập Phật quả thì tướng thọ mạng cũng phải dứt mới ngộ nhập được.

Bố thí mà nên không chỗ trụ, không có nghĩa là không thấy tất cả tướng khi bố thí mà là không chấp trước hay dính mắc vào các tướng có liên quan. Bởi bố thí cho ai, bố thí cái gì thảy đều có nhân duyên. Việc bố thí này tùy thuộc khá lớn vào phước báu của người được bố thí. Người không đủ duyên, muốn cho cũng không cho được. Cho nên, bố thí không trụ tướng là bố thí rồi thì đừng có dính mắc vào đó. Không dính mắc được biểu hiện qua các dạng: Không thấy hối tiếc khi đã bố thí, lỡ khởi tâm hối tiếc thì sám hối buông bỏ. Hoặc bố thí rồi thì không nghĩ ngợi loay hoay tới nó nữa, lỡ khởi tâm thì buông bỏ v.v. 

Dạng dính mắc thô hơn là bố thí vì danh lợi, do mục đích danh lợi mà bố thí. Hoặc bố thí để tìm cầu quả báo cõi trời người. Hoặc do thích hay thương mà bố thí, không thích thương thì không bố thí. Hoặc do sợ hãi mà bố thí. Hoặc do ăn ngon mà bố thí. Hoặc do được ca tụng mà bố thí. Hoặc do đắm sắc mà bố thí. Hoặc do thân được xúc chạm thỏa mãn mà bố thí. Bố thí như thế là trụ vào tướng lục trần mà bố thí. Bồ-tát khi hành bố thí không trụ vào các tướng như thế mà bố thí. 

Tới đây vẫn chưa xong, vì còn một câu để chúng ta chú ý là hỏi “Vì sao?”, tức vì sao bố thí mà không nên trụ tướng? Vì “Nếu Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí thì phước đức ấy không thể suy lường”. Đó là câu trả lời. Bồ-tát đã không trụ tướng bố thí mà còn nói đến việc phước đức không thể suy lường? Vậy là còn trụ vào tướng phước đức? Không.

Kinh Kim cang nói:

- Này Tu-bồ-đề, ý ông thế nào? Có thể dùng thân tướng để thấy Như Lai chăng?

- Thưa không, bạch Thế Tôn! Không thể dùng thân tướng mà thấy được Như Lai. Vì sao? Vì Như Lai đã nói thân tướng tức không phải thân tướng.

Phật nói với Tu-bồ-đề:

- Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng là thấy Như Lai.

Đây là lý do chính để chư Bồ-tát bố thí, nhẫn nhục v.v. mà không trụ tướng. Không trụ tướng vì các tướng vốn hư vọng. Hư vọng nhưng do chấp trước (trụ tướng) mà tất cả trở thành thật như hiện nay. Không trụ tướng mà hành Bồ-tát đạo thì dần dà sẽ nhận ra được cái hư vọng của vạn pháp. Nói chính xác, một khi tâm không còn chấp trước hay dính mắc vào vạn pháp thì vạn pháp sẽ hiện đúng bản chất hư vọng của chúng. Điều đó cũng có nghĩa, Bồ-tát đã trụ được chỗ vô trụ của mình.

Nói phước đức không thể suy lường chính là nói đến loại phước đức mà kinh Pháp bảo đàn gọi là công đức. Tổ Đạ Ma dạy: “Võ Đế tâm tà, không biết Chánh pháp, cất chùa, độ Tăng, bố thí, thiết trai, gọi là cầu phước. Không thể mang phước đổi thành công đức. Công đức ở trong pháp thân, không ở tại tu phước. Kiến tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm không kẹt, thường thấy bản tánh, diệu dụng chân thật, gọi là công đức. Trong, tâm khiêm hạ là công. Ngoài, hạnh lễ phép là đức. Tự tánh kiến lập vạn pháp là công, tâm thể ly niệm là đức. Không lìa tánh mình là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức pháp thân, chỉ y đó mà làm là chân công đức. Nếu người tu công đức, tâm chẳng khinh khi, thường hành cung kính khắp cả. Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt thì tự mình không công. Tự tánh hư vọng không thật, là tự mình không đức. Vì ngô ngã tự đại thường khinh tất cả…[5]. Đó là lý do Như Lai nói đến phước đức không thể suy lường.  

TỔNG KẾT

Xin mượn đoạn kinh Kim cang sau làm đoạn kết cho toàn bài.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có chúng sinh nào nghe được ngôn thuyết chương cú này mà sinh lòng tin chân thật chăng?

Phật nói với Tu-bồ-đề:

- Chớ nói như thế! Sau khi Như Lai diệt độ, khoảng 500 năm sau, có người trì giới tu phước, đối với chương cú này có thể sinh tín tâm cho là thật. Phải biết, người này chẳng phải ở nơi một Đức Phật, hai Đức Phật, ba bốn năm Đức Phật mà gieo thiện căn, đã từ vô lượng ngàn vạn Phật gieo các thiện căn, nghe chương cú này… cho đến sinh một niệm tịnh tín. Này Tu-bồ-đề, Như Lai tất biết, tất thấy các chúng sinh đó được vô lượng phước đức như vậy. Vì sao? Vì các chúng sinh đó không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, không pháp tướng cũng không phải không có pháp tướng.

Chỉ có hiện tướng là trì giới và tu phước, nhưng nếu đối với chỗ nói này của Như Lai có thể sinh niềm tin thì biết quá khứ đã có quá trính tu hành sâu dày. Đều là hạng Bồ-tát nói trong kinh Kim cang.

Nguyện đem công đức này, xin chúc nguyện cho tất cả chúng sinh đều nhớ lại con đường vô thượng của mình.

 

 

    

   

  

 

 

 


 

[1] Thiền sư Việt Nam - HT Thích Thanh Từ biên soạn.

[2] Luận Đại thừa khởi tín - Bồ-tát Mã Minh tạo luận - Chân Hiền Tâm Việt dịch và giải thích.

[3] Kinh Kim cang. 

[4] HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng.

[5] Kinh Pháp bảo đàn - Phẩm Nghi vấn.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác