Bất Không Thành Tựu Như Lai
bat khong
BẤT KHÔNG THÀNH TỰU NHƯ LAI
Huỳnh Ngọc Chiến
Bất Không Thành Tựu Như Lai hay
Bất Không Thành Tựu Phật là danh hiệu của một trong năm vị Ngũ Trí Như Lai của
Phật giáo Tây Tạng. Điều đó có lẽ Phật tử nào cũng biết. Nhưng ý nghĩa của từ “Bất
Không
不空”
thì dường như chưa có tài liệu nào giải thích rõ ràng. Trong kinh điển Phật giáo,
nói đến Không là tự nhiên ta luôn liên tưởng đến “Tính không” (śūnyatā),
cho nên “Bất Không” trong Bất Không Thành Tựu Như Lai thường bị ngộ nhận
là đối lập với “Không”. Còn nói đến hai chữ “Bất Không” thì ta
thường lên tưởng đến Tam tạng pháp sư Bất Không Kim Cương (705-774) trong lịch
sử Phật giáo Trung Quốc và Tây Tạng. Trong các từ điển tiếng Trung hoặc Hán ngữ
cổ cũng không mục nào giải thích ý nghĩa của từ “Bất Không” này. Do đó,
có người còn cho rằng “Bất Không Thành Tựu” có nghĩa là siêu quá Tính
không, lý Duyên khởi v.v. để đạt đến thành tựu trong cảnh giới tối cao! Đó chỉ
là cách suy diễn quá đà theo mặt chữ. Tư liệu về Ngũ trí Như Lai và Bất Không
Thành Tựu Như Lai có khá nhiều. Ở đây, người viết chỉ mạn phép trình bày ý nghĩa
của từ “Bất Không” và những minh họa cho ý nghĩa đó.
Danh hiệu của vị Phật này trong
Phạn ngữ là Amoghasiddhi chẳng có gì liên quan đến Tính Không cả. Amogha có
nghĩa là “không thất bại”, “luôn hướng đến đích” (https://www.babycenter.in/babyname/1154385/amogha).
Nên “Bất Không”, tức Amogha, có nghĩa là “chẳng có gì là trống rỗng, là
vô ích”. Học giả phương Tây dịch sát nghĩa Bất Không Thành Tựu Như Lai là “He
Whose Accomplishment Is Not in Vain”, có nghĩa là một “Vị Phật mà không có
sự Thành Tựu nào là vô nghĩa, vô ích.” “Không” ở đây đọc là “kōng”,
có nghĩa là “suông”, “vô ích”, “không có
nội dung”, “không có kết quả”. Nếu viết
là “Bất Không-Thành-Tựu” ta có thể sẽ dễ hiểu hơn. “Không” bổ
nghĩa có “thành tựu”, cho nên “Không Thành Tựu” có nghĩa là “những thành
tựu vô ích” hay “những thành tựu không có nội dung”, từ đó, ta dễ nhận ra nghĩa
của Bất Không Thành Tựu là “không có những thành tựu vô ích”, tức “nhất
thiết thành tựu” (thành tựu tất cả), với trí tuệ đại biểu là “thành sở
tác trí” (Trí tuệ thành tựu những điều sở tác). Hiểu được Bất Không
theo nghĩa đó, ta sẽ dễ hiểu tất cả những thành tựu của Ngài.
Sau đây là những đặc trưng của
Bất Không Thành Tựu Như Lai:
·
Đại biểu cho
THÀNH SỞ TÁC TRÍ
·
Màu mặt Phật:
xanh lục
·
Ý nghĩ: NHẤT
THIẾT THÀNH TỰU
·
Danh hiệu tịnh
độ: THẮNG NGHIỆP TỊNH ĐỘ
·
Phiền não được
chuyển hóa: ĐỐ KỴ
·
Uẩn được chuyển
hóa: HÀNH UẨN
·
Phật trí thành
tựu: THÀNH SỞ TÁC TRÍ
Bất Không Thành Tựu Như Lai có
nghĩa là “trí tuệ thành tựu mọi sự”, thống ngự nghiệp bộ (hay Yết-ma bộ), tượng
trưng cho “thành sở tác trí” trong ngũ trí, làm sáng tỏ ý nghĩa tinh tấn tu học
để chứng nhập Niết-bàn, chứng đắc thân Kim cương.
Cõi Phật của Bất Không Thành Tựu
Như Lai là cõi Phật thứ năm, có tên là Thắng nghiệp tịnh độ (cõi tịnh độ vượt
thắng được nghiệp), nơi mà các hành đều dễ dàng được thành tựu viên mãn.
Phiền não được chuyển hóa bởi
cõi Phật này là lòng đố kỵ, và hành uẩn sẽ được tịnh hóa. Sau khi chuyển hóa,
lòng đố kỵ biến thành thành sở tác trí, và Phật tính tượng trưng cho loại thành
tựu này là Bất Không Thành Tựu Như Lai, tức trí tuệ thành tựu tất cả. Bảo tòa
hay vật cưỡi của Bất Không Thành Tựu Như Lai thay đổi tùy theo các nghi lễ khác
nhau. Một loại biểu trưng cho phiền não, loại khác biểu trưng cho thành tựu. Đôi
khi, bảo tòa của Ngài được kéo bởi một con vật gọi là Chucuog. Loài vật
này giống như con trâu, rất thích đi đầu, tượng trưng cho lòng đố kỵ, gây nên
phiền não vì cứ luôn muốn hơn người. Đôi khi bảo tòa của ngài được mang bởi một
con chim tên là Tangtang trong thần thoại. Loài chim này mang thân người,
có cánh và sừng. Thời xa xưa, những người Tây Tạng đi biển để săn tìm kho báu
đều tin rằng chỉ cần nghe thấy tiếng hót của chim Tangtang, mà không cần nhìn
thấy nó, thì họ vẫn có thể làm được bất cứ điều gì họ muốn. Dù chưa lộ diện
nhưng tiếng hót của chim Tangtang vẫn có sức ảnh hưởng vô cùng lớn. Đương nhiên,
đây là đặc điểm của Bất Không Thành Tựu Như Lai, vì Ngài có khả năng thành tựu
mọi việc.
Gương mặt của Bất Không Thành
Tựu Như Lai có màu xanh lục. Người Tây Tạng cho rằng màu xanh lục là sự pha trộn
của nhiều màu, giống như màu trắng là sự tổng hợp của dãi quang phổ bảy màu
trong vật lý hiện đại, nên Ngài có thể thực hiện nhiều hoạt động và thành tựu
được nhiều mục đích.
Ngài cầm hai ngọn chùy Kim Cương,
còn gọi là Yết-ma chữ, hướng về bốn hướng, hàm ý vô luận là ở nơi nào, không có
việc gì là Ngài không thể thành tựu. Ngài cầm một chiếc chuông trong tay trái,
tượng trưng cho lòng từ bi và niềm vui mà những lời dạy của Ngài đem lại cho
chúng sinh.
Bất Không Thành Tựu Như Lai ở
phương Bắc là một trong năm ngũ trí Như Lai ở mạn-đà-la của Kim Cương giới. Ngài
dùng công đức để lập thành danh hiệu, dùng đại bi làm phương tiện để giúp chúng
sinh từ bỏ biếng nhác, tham dục mà tinh tấn tu tu tập để thành tựu bồ-đề. Trong
ngũ trí thì Bất Không Thành Tựu Như Lai tượng trưng cho thành sở tác trí. Theo
Phật giáo, khi đã giác ngộ Bồ-đề, thì những mê lầm về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
v.v. được chuyển hóa thành trí tuệ thanh tịnh, không phiền não. Vô úy là một
trong những đức tính cực kỳ quan trọng trong tư tưởng Phật giáo. Vô úy ấn là ấn
quyết mà Đức Phật Thích Ca sử dụng ngay sau khi đắc đạo. Đức Phật
Bất Không Thành Tựu cũng thường được trình bày với ấn quyết này, nên
có lẽ đó là lý do vị Phật này có một vị trí vô cùng quan trọng trong Ngũ Trí
Như Lai.
Bất Không Thành Tựu Như Lai
chứng đắc thành sở tác trí, ánh sáng trí tuệ phóng chiếu khắp mười phương thế
giới bằng tinh thần vô úy, khiến cho tất cả chúng sinh tinh tấn tu học để thành
tựu tất cả các loại thiện pháp. Đó là ý nghĩa của “Bất Không-Thành-Tựu”.