Về vụ án có liên quan đến vị Hòa thượng và con bò trong tác phẩm Nho Lâm Ngoại Sử của Ngô Kính Tử

ve vu an

Về vụ án có liên quan đến vị Hòa thượng và con bò trong tác phẩm Nho Lâm Ngoại Sử của Ngô Kính Tử

 

Ông Trần Xuân Đề, tác giả sách Lịch Sử Văn Học Trung Quốc nơi Chương XIV, giới thiệu tác phẩm Nho Lâm Ngoại Sử của Ngô Kính Tử (1701-1754), Phần 2: Bàn Về Nội Dung, Mục a: “Thái độ của tác giả đối với chế độ khoa cử và lễ giáo phong kiến”, đoạn cuối của Mục này, trên Luận điểm có tính chất nền tảng, cho: “Một khi chế độ phong kiến suy đồi thì đạo đức, phẩm chất, kể cả quan hệ bà con họ hàng thân thích cũng bị phá sản nốt. Trong Nho Lâm Ngoại Sử, vô luận là Địa chủ, Quan lại, Tú tài, Cử nhân, Nha dịch, Văn sĩ, Danh nhân, Hiệp khách, Hòa thượng, Đạo sĩ, thậm chí Nghệ nhân cũng đều chạy theo quyền lợi cá nhân. Đồng tiền và thế lực đã trở thành thước đo quan hệ giữa người và người”, đã phê phán về vị Hòa thượng ở huyện An Đông như sau: “Hoặc lão Hòa thượng ở huyện An Đông, cũng vì đồng tiền mà bán rẻ thanh danh phẩm chất, làm điều bỉ ổi. Lão ta đang ở trên núi kiếm củi thì thấy người ta lùa một đàn bò đến. Trong đàn bò, có một con bò thấy Hòa thượng thì nó rơi nước mắt. Hòa thượng đến trước mặt quỳ xuống. Bò kia lè lưỡi liếm đầu, vừa liếm vừa rơi nước mắt, càng liếm thì nước mắt càng trào ra. Hòa thượng cho biết con bò này là cha mình hóa thân (đầu thai), bèn khóc nói với chủ đưa nó cho mình nuôi. Thật ra đó là thủ đoạn làm tiền của lão Hòa thượng. Mấy năm nay lão ta thường cạo trọc đầu và bôi muối lên đầu. Thấy bò nhà ai béo nhất, lão ta liền quỳ xuống để cho nó liếm lên đầu. Bò liếm phải muối cố nhiên rơi nước mắt. Sau khi xin được bò, lão đem bán cho người khác làm thịt”. (Lịch Sử Văn Học Trung Quốc. Sđd. NXB.Giáo Dục. 2002. Trang 226-227).

Bài viết ngắn này gồm có 3 phần: * Thứ 1: Chúng tôi xin ghi nhận và có một ít góp ý biện biệt về sự phê phán cùng nêu thuật vụ án rất đặc biệt kia của ông Trần Xuân Đề như đã dẫn. * Thứ 2: Chúng tôi xin dẫn lại toàn đoạn văn nói về vụ án có liên quan đến vị Hòa thượng và con bò nơi Hồi thứ 24 trong tác phẩm Nho Lâm Ngoại Sử, để chúng ta cùng thấy rõ hơn về cung cách nêu thuật sự việc của tác giả sách Lịch Sử Văn Học Trung Quốc. * Thứ 3: Chúng tôi xin nêu rõ về xuất xứ…

* Thứ 1: Nêu dẫn và phê phán về vị Hòa thượng ở huyện An Đông như ông Trần Xuân Đề (TXĐ) đã làm là đúng nhưng chưa rõ và nhất là chưa đủ.

Nói chưa rõ là vì sự việc này là thuộc về Hồi thứ 24 - trong tổng số 55 Hồi - của tiểu thuyết Nho Lâm Ngoại Sử. Và sự việc đó là một vụ trong ba vụ kiện mà quan huyện An Đông đã xử vào buổi sáng hôm ấy, chứ không phải như ông Trần Xuân Đề đã nêu thuật một cách chung chung! Lại nói “và nhất là chưa đủ” nên có thể trở thành phiến diện theo hướng “đoạn chương thủ nghĩa” nhằm xuyên tạc. Vì sao? Là vì nhân vật lão Hòa thượng ở huyện An Đông đã được ông TXĐ nêu dẫn cùng phê phán ấy, không phải là nhân vật Nhà Sư duy nhất có mặt trong Nho Lâm Ngoại Sử. Nói cách khác, trong tiểu thuyết Nho Lâm Ngoại Sử, tuyến nhân vật là các Nhà Sư, chư vị Hòa thượng v.v. cùng với những ngôi chùa, những tự viện lớn nhỏ, các tín đồ Phật giáo, những tập tục, những lễ hội mang đậm màu sắc Phật giáo v.v. tuy không phải là tuyến nhân vật chính, nhưng cũng đã xuất hiện khá đông, với nhiều nét cá biệt đặc thù, trong số đó có những kẻ xấu mà cũng có những người tốt, chứ không phải chỉ có mỗi lão Hòa thượng ở huyện An Đông kia “vì đồng tiền mà bán rẻ thanh danh, phẩm chất, làm điều bỉ ổi” như cách nêu dẫn và phê phán của ông TXĐ. Chúng tôi đã đọc kỹ và ghi nhận: Hình ảnh của các nhân vật là Nhà Sư, Hòa thượng v.v… cùng với những ngôi chùa, những tự viện lớn nhỏ, các tín đồ Phật giáo, những tập tục, lễ nghi mang đậm màu sắc Phật giáo… đã có mặt nơi nhiều Hồi trong Nho Lâm Ngoại Sử, cụ thể là ở các Hồi: 1, 2, 4, 7, 8, 14, 16, 17, 18, 20, 21, 22, 23, 24, 28, 29, 30, 31, 34, 35, 38, 39, 41, 42, 48, 53, 54, 55 (Xem: Nho Lâm Ngoại Sử. Phan Võ và Nhữ Thành dịch. NXB.Văn Học. In lần thứ 3. 2001. 2 Tập. Tập 1: Từ Hồi 1 đến Hồi thứ 27. Tập 2: Từ Hồi thứ 28 đến Hồi thứ 55). Như vậy, tất phải có một cái nhìn tổng quát, thâu tóm và nối kết để ghi nhận về dấu ấn của Phật giáo đã in khá đậm trong tác phẩm Nho Lâm Ngoại Sử của Ngô Kính Tử. Và đấy là phần việc của chúng tôi sẽ làm vào một dịp khác.

* Thứ 2: Chúng tôi xin dẫn lại toàn đoạn văn nói về vụ án… như sau: “Hôm ấy, quan huyện ra công đường xét ba vụ kiện.

Vụ thứ nhất: Vụ kiện giết cha. Bên nguyên là một vị Hòa thượng. Hòa thượng này đang ở trong núi kiếm củi thì thấy người ta lùa một đàn bò đến. Ở trong đàn, có một con bò thấy Hòa thượng thì hai con mắt nhìn trừng trừng. Hòa thượng động tâm nên chạy đến trước mặt con bò. Thấy Hòa thượng, con bò liền rơi nước mắt. Hòa thượng tới trước mặt con bò và quỳ xuống. Bò kia lè lưỡi ra liếm trên đầu. Vừa liếm vừa rơi nước mắt, càng liếm nước mắt càng trào ra. Hòa thượng biết con bò này là cha mình hóa thân, bèn khóc và nói với chủ đưa nó cho mình để mình nuôi. Không ngờ người hàng xóm lấy con bò đi giết mất. Cho nên Hòa thượng đến đây kiện đem theo người chủ bò để làm chứng.

Hướng tri huyện nghe lời cung của Hòa thượng, bèn quay sang hỏi người láng giềng.

Người này nói: Ba, bốn hôm trước đây, Hòa thượng này có đem một con bò đến bán cho con. Con mua xong là giết ngay. Hòa thượng hôm qua lại đến nói với con rằng, con bò này là hóa thân của cha ông ta, cho nên phải trả thêm hai lạng bạc nữa. Số tiền hôm trước như vậy là không đủ. Con không chịu, ông ta liền mắng con. Con nghe người ta nói: Con bò kia không phải là hóa thân của cha ông ta đâu. Hòa thượng này, mấy năm nay thường cạo trọc và bôi muối lên đầu. Thấy bò nhà ai béo nhất là ông ta quỳ xuống để cho nó liếm lên đầu. Bò liếm phải muối cố nhiên là rơi nước mắt. Ông ta bèn nói đó là hóa thân của cha mình, và khóc xin với người ta. Sau khi nhận bò rồi, ông ta đem bán để lấy tiền. Sự việc này không phải xảy ra một lần. Xin quan xét cho!

Hướng tri huyện bèn hỏi người chủ bò: Có phải ông đã cho Hòa thượng này một con bò mà không lấy tiền chăng?

Người kia thưa: Quả thực con không, không lấy một đồng!

Hướng tri huyện nói: Chuyện luân hồi là chuyện hoang đường, làm gì có (1).

Vả chăng, nếu là cha hóa thành bò thì cũng không ai đem bán bò lấy tiền tiêu bao giờ. Lão trọc này chính là một gã lường gạt!

Tri huyện bèn ra lệnh đánh Hòa thượng hai mươi roi và không xét nữa”. (Dẫn theo Nho Lâm Ngoại Sử. Phan Võ và Nhữ Thành dịch. NXB.Văn Học. In lần 3. 2001. Tập 1. Trang 439-440).

Đọc qua đoạn văn vừa được dẫn, rồi đối chiếu với phần nêu thuật của ông TXĐ như đã trích, tất chúng ta sẽ thấy rõ, đấy không chỉ là, như chúng tôi đã viết ở trước: “Là đúng nhưng chưa rõ và nhất là chưa đủ!” mà còn bộc lộ đó là một sự nêu thuật thiếu nghiêm túc, thiếu trung thực, rất không nên có trong những công trình nghiên cứu, biện luận vốn là Giáo trình, một thời đã được đem ra giảng dạy cho đông đảo sinh viên nơi các trường Cao Đẳng, Đại Học (2). Có thể chúng tôi sẽ bàn rộng về vấn đề này và những liên hệ với nó vào một dịp khác. Ở đây, chúng tôi chỉ xin biện thêm về một điểm, là sự phê phán của ông TXĐ đối với vị Hòa thượng ở huyện An Đông.

Phê phán như thế tức cho thấy tác giả của sách Lịch Sử Văn Học Trung Quốc đã đồng nhất hiện thực trong tác phẩm văn học với hiện thực của cuộc sống. Chúng ta hẳn đều nhận biết rằng, từ hiện thực của cuộc sống đến hiện thực trong tác phẩm văn học, đều phải trải qua một quá trình sáng tạo, hư cấu của nhà văn và cái hiện thực sau luôn luôn được tô đậm hơn, tập trung và khắc họa hơn. Do đó, khi bàn về mối tương quan của chúng, các nhà nghiên cứu, phê bình thường dùng các khái niệm như phản ánh, tái hiện, tái tạo… bởi lẽ sáng tác không phải chỉ là sao chép lại hiện thực. Nói cách khác, vị Hòa thượng ở huyện An Đông kia là một nhân vật trong rất nhiều nhân vật đã lần lượt có mặt nơi tiểu thuyết Nho Lâm Ngoại Sử của nhà văn Ngô Kính Tử (1701-1754). Để tạo nên nhân vật Hòa thượng ở huyện An Đông đã có những hành xử theo tà nghiệp như vậy, nhà văn Ngô Kính Tử tất phải quan sát, thâu nhận, hư cấu tổng quát từ một hoặc nhiều hình tượng người thực việc thực ở ngoài đời. Do đó, vị Hòa thượng ở huyện An Đông ấy chỉ là một nhân vật hư cấu, mang tính chất phản ánh, điển hình, chứ không phải là một nhân vật có thực. Vì không có những hiểu biết cơ bản về lý luận văn học để phân biệt sự tương quan giữa hiện thực của cuộc sống và hiện thực trong tác phẩm văn học, tiêu biểu là tiểu thuyết, nên hầu hết những ghi nhận, phê phán của ông TXĐ đối với các nhân vật trong Nho Lâm Ngoại Sử của nhà văn Ngô Kính Tử, hoặc trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh (1640-1715)… đều thiếu giá trị phổ quát, tức chỉ đúng một phần hoặc một nửa, nên dễ trở thành phiến diện (3).

* Thứ 3: Chúng tôi xin trích dẫn một đoạn trong Quyển thứ 114 thuộc Bộ Luận đồ sộ A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa (No 1545. Tập 27. 200 quyển. 1000 trang Hán Tạng. Pháp sư Huyền Tráng: 602-664 Hán dịch vào đầu đời Đường: 618-906), nói về một đám người do đói khát bức bách, đã dùng thủ thuật lấy muối xoa lên mồm mũi của đàn bò, khiến chúng đều lè lưỡi ra liếm lấy muối và đám người kia đã dùng dao bén cắt lưỡi của lũ bò ấy, đem thui nướng để ăn… Đây có thể xem là xuất xứ mà nhà văn Ngô Kính Tử đã tham khảo để tạo nên một kiểu hành xử quái quỷ của nhân vật là vị Hòa thượng ở huyện An Đông, như chúng ta đã đọc. Đoạn văn ấy như sau: “… Ngày xưa có người chuyên giết mổ bò để bán thịt, đang lùa bò đi qua quãng đường vắng. Khi ấy, có đám đông người đang bị đói khát bức bách, bèn họp nhau bàn: Đàn bò này không phải là của ai trong đám mình, vậy hãy cắt lưỡi chúng xào nấu ăn cho đỡ đói. Bàn xong, liền lấy muối xoa vào mũi miệng bò, bò tham vị mặn nên thè lưỡi ra liếm, cả đám bèn dùng dao bén cắt hết lưỡi rồi lén dùng lửa thui nướng chia nhau ăn. Ăn xong, cùng dùng nước súc miệng xỉa răng, khi vừa chạm đến lưỡi, thì do sức của nghiệp ác ứng nghiệm, nên lưỡi của những người ấy đều rơi ra, như quả chín muồi bị rụng đồng loạt…”. (Dẫn theo: Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa. Cư sĩ Nguyên Huệ Việt dịch. NXB.Hồng Đức. 2014. Tập 5. Trang 505).

Sài Gòn tháng 12 năm 2020.

Nguyên Huệ

 

* Phần ghi chú:

(1) Câu nói mang tính nhận xét phê phán của viên tri huyện An Đông (Chúng tôi cho in nghiêng) thật đã phản ánh đúng quan điểm của một bộ phận Nho sĩ ngày trước đối với thuyết luân hồi, nghiệp báo của Phật giáo. Xin tham khảo những dòng biện chính của nhà Bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) trong sách Vân Đài Loại Ngữ: “Kinh Phật nói thuyết luân hồi, nhà Nho thường không tin, nhưng xưa nay những sự việc mà người ta tai nghe mắt thấy, ghi chép cũng nhiều, không thể kể hết được, thực ra không phải là không có lý ấy”. Khổng Tử nói: “Đức của quỷ thần thịnh thay, trông không thấy, lắng cũng không nghe, mà rờn rợn như ở trên, như ở bên tả bên hữu. Thuyết âm ty địa giới tựa như hoang đường, nhưng tóm lại là do ở sự huyền bí của tạo hóa, sự chia cách giữa âm dương, làm cho người ta không trông thấy không nghe thấy đó thôi. Lúc tế lễ quỷ thần giáng lâm, thể phách tuy tàn nhưng thần thức vẫn tụ. Những chuyện bẩm thụ hình thể đầu thai làm người, nói trong kinh Phật cũng là thần thức đó thôi. Tính mặt trời mặt trăng giáng xuống thành nước lửa, khí nước lửa bốc lên thành sấm gió, diệu dụng biến hóa của trời đất đi đi lại lại không lường được huống chi là người”. (Vân Đài Loại Ngữ. Phạm Vũ, Lê Hiền dịch và chú giải. NXB.Miền Nam. S. 1973. Trang 61).

(2) Theo như Lời Nói Đầu do tác giả Trần Xuân Đề viết (Tháng 6 năm 2000), thì sách Lịch Sử Văn Học Trung Quốc này “hy vọng sẽ giúp cho sinh viên khoa Ngữ Văn các trường Đại Học và Cao Đẳng…”.

(3) Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Góp ý, biện chính về những nhận định đánh giá của một số nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam đối với giá trị của tác phẩm Liêu Trai Chí Dị. Nguyệt san Giác Ngộ số 263, 264, 265, tháng 2, 3, 4 năm 2018.

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác