Chánh kiến là gì?

Chánh kiến là gì

Chánh kiến là gì?

Krishnan Venkatesh – Vô Ưu dịch

 

Khi Đức Phật xác định các quan điểm là “sai” hay “đúng”, Ngài không đưa ra một cách nhìn giáo điều hay đạo đức đối với cuộc đời, mà đúng hơn chỉ ra rằng có một số cách nhìn có thể đưa đến chấm dứt khổ đau.

Chánh kiến là gì, và tại sao Đức Phật đặt nó ở đầu trong Bát Chánh đạo?

Thoạt nhìn, rõ ràng là sự thực hành tâm linh đúng đắn cần bắt nguồn từ sự hiểu biết đúng đắn về cuộc đời. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể đạt được loại trí tuệ này?

Chừng mực nào đó, Đức Phật yêu cầu chúng ta cần có tinh thần “triết học” đối với những ý kiến mà chúng ta nắm giữ, biết rõ những gì chúng ta nghĩ, và sau đó tìm hiểu sâu hơn về lý do tại sao chúng ta nghĩ những gì chúng ta nghĩ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể biết được suy nghĩ của mình là đúng, sai, hay nhầm lẫn.

Các triết gia Hy Lạp và Ấn Độ đã yêu cầu chúng ta làm công việc này từ hai nghìn năm trước, nhưng có vẻ như ngày nay ít người chịu khó đưa ra những giả định nghiêm túc nhất của họ trước những câu hỏi khắt khe. Ví dụ, tại sao chúng ta nghĩ tình thương thì tốt còn chiến tranh lại xấu? Tại sao chúng ta đoan chắc rằng tất cả mọi người đều bình đẳng? Tại sao chúng ta nghĩ rằng chúng ta có hoặc không có linh hồn? Những nguyên tắc đạo đức của chúng ta thực sự dựa trên điều gì?

Suy nghĩ của chúng ta về những điều này ảnh hưởng sâu sắc đến các quyết định hàng ngày và các mối quan hệ của chúng ta, và chúng ta sẽ đưa ra quyết định tốt hơn trong mọi khía cạnh cuộc sống của mình nếu chúng ta hiểu rõ hơn về nền tảng suy nghĩ của chính mình. Nhưng loại thấy biết rõ ràng này khó có thể đạt được nếu không có bạn bè, thầy cô và đôi khi là kẻ thù - chẳng hạn như một cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra có thể khiến chúng ta nói rõ những suy nghĩ thực sự của mình về những gì xã hội nên làm hoặc lãnh đạo thực sự là gì.

Cụm từ “Chánh kiến” được dịch từ cụm từ Pāli “Samma ditthi”. Ở đây, “Chánh kiến” không có nghĩa là chỉ có một cách thức đúng đắn duy nhất để nhìn mọi thứ. Samma có nghĩa là “hoàn thành, hoàn mãn, thành tựu” - tương tự như summa trong tiếng Latinh. Ditthi có nghĩa “cái nhìn” hay “tầm nhìn” của một người - quan điểm mà chúng ta đưa ra về một điều gì đó, cũng như cách chúng ta nhận thức. Ở nghĩa “quan điểm”, ditthi tương tự như từ quan kiến, xuất phát từ từ Hy Lạp theaw, có nghĩa là “nhìn thấy”. Do đó, “quan kiến về cuộc sống” của chúng ta là ditthi của chúng ta, là quan điểm mà từ đó chúng ta hiểu về mọi thứ, là “quan điểm” hướng dẫn các quyết định và phán đoán hàng ngày của chúng ta.

Tất cả chúng ta đều có các ditthi, mặc dù hầu hết chúng ta không nhận thức đầy đủ được quan điểm mà chúng ta nắm giữ cho đến khi một số tình huống nào đó khiến chúng ta thể hiện chúng. Thông thường, quan điểm của chúng ta là những quan điểm chưa được xem xét, hoặc những giả định mà chúng ta thừa hưởng từ người khác hoặc từ nền văn hóa của chúng ta. Sau khi chúng ta nhận biết những quan điểm này, chúng ta có thể xem chúng là đúng, hoặc sửa đổi chúng, hoặc bác bỏ chúng. Nếu những quan điểm mà chúng ta bám vào là nhầm lẫn hoặc sai lầm, chúng chắc chắn sẽ hủy hoại chúng ta trong mọi khía cạnh thực tiễn của chúng ta. Ví dụ, nếu chúng ta tin tưởng mạnh mẽ vào sự tồn tại của những linh hồn cá nhân vĩnh hằng, làm cách nào chúng ta có thể hiểu sâu sắc về sự vô thường và nhìn nhận nó trong mọi khía cạnh kinh nghiệm của chúng ta? Hoặc nếu chúng ta tin chắc về tính ưu việt chủng tộc hay sắc tộc của chúng ta đến mức nhiệt thành biện minh cho chiến tranh để tăng thêm lợi ích của nhóm chúng ta, làm cách nào chúng ta thực sự lĩnh hội được những lời dạy về lòng từ bi hoặc lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh?

Đức Phật đã nhiều lần chỉ ra rằng chúng ta cần phải quán chiếu về những gì chúng ta nghĩ, bởi vì suy nghĩ dẫn đến hành động. Ví dụ, trong một bài kinh có tên là “Hạt giống” trong Tăng chi bộ (Anguttara Nikaya 10.104), Đức Phật nhắc nhở chúng ta rằng quan điểm sai lầm dẫn đến quyết định sai lầm, và quyết định sai lầm dẫn đến lời nói và hành động sai lầm, v.v., mãi cho đến khi chúng ta đạt được “sự giải thoát sai lầm”. Bằng việc đề cập đến “giải thoát sai lầm”, Đức Phật đang ám chỉ đến những mục đích mà các tôn giáo hoặc triết thuyết khác nhằm đến: một nơi an toàn trên cõi trời, hòa nhập vào một linh hồn vũ trụ vĩnh hằng (hay Atman, theo triết học Vedanta của Ấn Độ giáo), và sự chấm dứt đau khổ bằng tự sát. Đối nghịch lại là những điều được Đức Phật xem là Chánh kiến. Những quan niệm của chúng ta về cuộc sống thì giống như hạt giống và được nuôi dưỡng bằng sự thực hành. Nếu chúng đúng, tất cả các yếu tố khác trong quá trình thực hành của chúng ta sẽ nuôi dưỡng chúng thành trí tuệ: “Giống như khi hạt mía, hạt gạo hay hạt nho được gieo vào đất ẩm, bất kể chất dinh dưỡng nó lấy từ đất và nước là gì, tất cả đều góp phần cho vị ngon ngọt không thể trộn lẫn của nó. ”

Một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất của Phật giáo đối với người đương thời là rằng Đức Phật yêu cầu chúng ta chớ bao giờ có niềm tin mù quáng. Chánh niệm đòi hỏi nỗ lực tinh thần có kỷ luật và tìm hiểu cặn kẻ bằng thực nghiệm. Trong kinh Chánh tri kiến (Majjhima Nikaya 9), Đức Phật bao gồm vào trong “chánh kiến” một cái nhìn tổng quan cô đọng về chuỗi nhân quả dẫn đến khổ đau; tại mỗi điểm trong chuỗi nhân quả này, Ngài nhấn mạnh rằng các đệ tử phải “hiểu” hoặc “thấy rõ”. Chỉ nói thôi thì không đủ. Chúng ta phải tự mình nhìn thấy - thông qua thiền định và thông qua kinh nghiệm, bao gồm cả hành động suy nghĩ. Ví dụ, để hiểu về nghiệp, hay quy luật của các hành động và hậu quả của chúng, chúng ta không chỉ phải hiểu nghiệp là gì mà còn hiểu cả các loại thiện và bất thiện, cũng như nguồn gốc của chúng. Đây là công việc lâu dài, khó khăn; có thể mất nhiều thập kỷ, nếu không phải là cả đời, mới có được sự thấy biết rõ ràng về một số điều nào đó.

Khi chúng ta nỗ lực để hiểu, có phải chúng ta sẽ dừng lại mọi thứ trong cuộc sống của mình vì sợ rằng nếu chúng ta hành động không rõ ràng, chúng ta có 50-50 cơ hội phạm phải những hành động sai trái? Ở đây, sẽ rất hữu ích nếu có một khung sườn các học thuyết hợp lý từ một vị thầy mà chúng ta tin tưởng - không phải từ niềm tin mù quáng, mà là từ sự tin tưởng vào một người thầy trước đây đã cho chúng ta lý do để tin tưởng họ. Nó giống như việc làm theo lời khuyên của một bác sĩ đã thành công trong việc chữa bệnh cho chúng ta trước đây. Trong khi đang làm theo hướng dẫn của bác sĩ, chúng ta không cần phải khóa chặt trí thông minh quan trọng của mình - chúng ta tiếp tục kiểm tra và điều tra cho bản thân mình. Trong trường hợp này, các học thuyết của Đức Phật có chức năng giống như các hướng dẫn. Chúng ta nắm giữ và thực hành chúng một cách có ý thức, và khi chúng ta thực hành, chúng ta liên tục kiểm tra chúng và hiểu chúng sâu sắc hơn. Giá trị tuyệt vời của điều này nằm ở nơi suy nghĩ, lời nói và hành động phát ra từ đó; chúng ta luôn ý thức được mình đến từ đâu, về những nguyên tắc khởi đầu của mình. Điều này đã được tiểu thuyết gia Terry Pratchett đưa vào trong cuốn tiểu thuyết Tôi sẽ mặc lúc nửa đêm (I Shall Wear Midnight) một cách thuyết phục:

Điều quan trọng là chúng ta phải biết chúng ta đến từ đâu, bởi vì nếu bạn không biết bạn đến từ đâu, thì bạn không biết bạn đang ở đâu, và nếu bạn không biết bạn ở đâu, bạn không biết bạn đang đi đâu. Và nếu bạn không biết mình đang đi đâu thì có thể bạn đang đi sai.

Ngược lại, xu hướng của hầu hết mọi người là sống phiêu bạt trong một đại dương gồm những ý kiến và giả định được nắm giữ một cách vô thức. Ở phương diện này, chúng ta có được Chánh kiến khi chúng ta biết rõ suy nghĩ của chúng ta là gì - và do đó lời nói, quyết định và hành động của chúng ta - dựa vào và phát triển từ đó. Điều này sẽ đưa đến việc Chánh kiến được dịch là một thứ gì đó giống như “sự hiểu biết hoàn chỉnh”. Nhưng có một khía cạnh khác đối với thuật ngữ ditthi, đó là nghĩa “tầm nhìn”.

Trong bản kinh ngắn Kaccayanagotta (Tương ưng bộ 12.15), Đức Phật mô tả Chánh kiến không phải là một lý thuyết hướng dẫn, mà là sự chuyển đổi nhận thức có được từ việc sống theo giáo pháp (dharma). Khi nói với Kaccayāna, một đệ tử nổi tiếng thông hiểu kinh điển, người về sau trở thành một trong những vị thầy tinh thông giáo pháp bậc nhất, Đức Phật nói:

Này Kaccāyana, phần lớn thế giới này chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc. Và ai với tâm không trú trước, không chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không trú trước, vị ấy không có nghĩ: “Ðây là tự ngã của tôi”. Khi khổ sinh thời xem là sinh, khi khổ diệt thời xem là diệt; vị ấy không có nghi ngờ, không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đây là của vị ấy. Cho đến như vậy, này Kaccāyana, là Chánh tri kiến.

Nói cách khác, khi vị hành giả hiểu chấp trước theo cách như vậy thì những suy nghĩ và cảm xúc xuất hiện không bao giờ có thể gây nên sự chấp trước. Kiến thức không còn là lý thuyết, mà là tri giác. Việc thực hành của chúng ta biến chúng ta thành những người không còn nhìn mọi thứ theo cách tạo nên dính mắc và gây ra đau khổ. Theo nghĩa này, Chánh kiến có nghĩa là “cái nhìn đúng đắn”; đó là “tầm nhìn được hoàn thiện”.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác