Kiên nhẫn: áo giáp bảo hộ thân tâm

Kiên nhẫn

Kiên nhẫn: áo giáp bảo hộ thân tâm

Trương Bối Canh - Nhã Tuệ dịch

 

Ở trong thuận cảnh cần phải cẩn trọng, ở trong nghịch cảnh cần phải nhẫn nại. Chỉ cần kiên nhẫn không sờn lòng, kiên trì tới cùng, thì bến bờ của đêm tối sẽ là ánh bình minh rực rỡ, sau mùa đông giá băng sẽ là mùa xuân ấm áp tươi đẹp.

Người có trí tuệ cũng có thể gặp những vấn đề khó khăn, người có dũng khí cũng có thể rơi vào gian nan và nguy hiểm. Chỉ có kiên nhẫn vững vàng mới có thể hóa giải tất cả vấn đề khó khăn, phá vỡ trùng vây. Danh tướng đời nhà Thanh Hồ Lâm Dực nói: “Có thể nhẫn được những điều mà người khác không thể nhẫn được, mới có thể làm được những việc mà người khác không thể làm được” (Năng nhẫn nhân chi sở bất năng nhẫn, phương năng vi nhân chi sở bất năng vi). Kiên nhẫn có thể nói là một đặc chất tinh thần mà bất k người thành công nào cũng cần phải có.

Xã hội không ngừng tiến bộ, mối quan hệ qua lại trong giao tế ngày càng trở nên rối rắm, phức tạp, giữa người với người khó tránh khỏi những phát sinh sai lầm và xung đột. Tiểu nhân đụng chuyện ấy thì liền trợn mắt, trừng mày, “gươm tuốt vỏ, nỏ giương dây”; quân tử rơi vào trường hợp ấy thì “dùng nhẫn nhục để kiềm chế nóng nảy, lấy điềm tĩnh để chế ngự manh động”, ung dung không vội vàng, hóa giải vấn đề trong thảo luận nhẹ nhàng và cởi mở.

Ngạn ngữ phương Tây nói rằng: “Nhẫn nại có thể chinh phục tất cả khó khăn”. Rất nhiều ví dụ về việc sắp thành lại bại, nó không phải vì không có tri thức, cũng không phải không có dũng khí, mà phần lớn chỉ vì không thể kiên nhẫn. Cho nên người xưa nói: “Nhẫn một lúc, gió yên sóng lặng; lùi một bước, biển rộng trời cao” (Nhẫn nhất thời, phong bình lãng tĩnh; thoái nhất bộ, hải khoát thiên không). Nhẫn nại, có thể rèn luyện ý chí, có thể chống lại tai vạ, càng có thể nuôi dưỡng cho đến mở rộng phong thái khoáng đạt và tấm lòng bao dung.    

Câu chuyện lưu truyền trong nhân gian về ông lão Hoàng Thạch và Trương Lương là một ví dụ. Sau những cuộc hẹn bất thành, những điều mà lão Hoàng Thạch muốn thử thách Trương Lương chính là khả năng của sự nhẫn nhục, những điều muốn truyền dạy là trí tuệ của năng nhẫn. Về sau, khi phụ tá Lưu Bang tranh bá thiên hạ, những mưu lược mà Trương Lương áp dụng không có cái nào mà không lấy kiên nhẫn làm chính yếu. Ấy là lý do Trương Lương chỉ cần “ngồi trong quân trướng vận dụng kế sách, có thể quyết định thắng lợi ngoài vạn dặm”. Ngoài những chiến lược và quyết sách được suy tính k lưỡng ra, những điều được khai triển chính là trí tuệ và sức mạnh của kiên nhẫn.

Đối nhân xử thế, nhẫn nại chính là lấy hòa làm quý, lấy lễ làm đầu, lấy tĩnh chế động, lấy định chế loạn, hoặc có thể nói là lấy trí đạt được thắng lợi. Chỉ cần kiên nhẫn, bền lòng, tất cả mọi xung đột cuối cùng sẽ có con đường hóa giải, mọi tranh chấp cuối cùng cũng sẽ có cách giải quyết. Hai quân giao tranh, đối đầu nhau, không những hơn nhau chiến pháp (sách lược và phương pháp tác chiến), mà cần xem bên nào anh dũng kiên nhẫn, vững vàng hơn; ai có thể kiên trì đến lúc mà bên đối phương không thể kiên trì được nữa, thì người đó chính là người thắng lợi cuối cùng. 

Nhưng khi tổ quốc bị xâm lăng thì không thể nhường nhịn thỏa hiệp cho qua chuyện, nhất định phải anh dũng xông lên chống lại sự xâm lược của quân địch, gánh vác gian khổ bằng kiên nhẫn, mới có thể biến gian khổ thành sức mạnh. Lúc thiên tai cận kề không thể tùy tiện vâng theo sự an bài của mệnh trời, mà cần trên dưới một lòng tiếp nhận thách thức của thiên nhiên ấy, không khuất phục, không nao núng, không sờn lòng, quyết không dễ dàng đầu hàng số mệnh.

Sự cạnh tranh giữa con người và bản thân cũng thế, phải kiên trì nhẫn nại, mới có thể làm cho ngày hôm nay của ta hơn hẳn hôm qua, tương lai vượt qua hiện tại. Không thể nhẫn nhục kiên trì thì khát vọng chỉ có thể là những lời nói viển vông, mộng m, lý tưởng do đó cũng chỉ là chuyện hoang đường, mộng tưởng, không thiết thực.

Còn như khi chung sống với người khác thì nên có qua có lại, hòa thuận tương kính, độ lượng bao dung, nhường nhịn quan tâm. Cổ đức nói: “Trên trán tướng quân có thể phi ngựa, trong bụng tể tướng có thể giương thuyền” (Tướng quân đầu thượng năng bào mã, tể tướng đỗ nội hảo xanh thuyền). Mỗi khi bạn có thể nhẫn người khác, nhường người, nhịn người khác, thì khi đó trí tuệ và phong thái của bạn đã đạt được một tầm mức cao.  

Kìm nén được cơn giận dữ trong chốc lát, có thể tránh được nỗi ưu sầu dài lâu” (Năng nhẫn nhất thời chi khí, khả miễn bách nhật chi ưu). Kiên nhẫn là chiếc nón giáp sắt, nó có thể giữ gìn thân tâm bạn yên tĩnh và sức mạnh không bị phân tán. Kiên nhẫn cũng giống như bậc thềm đá vững chắc, giúp đỡ và hỗ trợ cho bạn leo lên đỉnh cao nhất của thành công.

Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ Tế Văn hóa Chí nghiệp, thành phố Đài Bắc, tr.30-35.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle