Những đóng góp của Tâm Minh Trần Tuấn Khải đối với nền Phật học Việt Nam thế kỷ XX

nhung dong gop

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA TÂM MINH TRẦN TUẤN KHẢI

ĐỐI VỚI NỀN PHẬT HỌC VIỆT NAM THẾ KỶ XX

 

Phan Thạnh

Trần Tuấn Khải (1895-1983) là một trí thức giao thời. Cuộc đời và thơ ca của ông là một trang viết mang tâm trạng đau đáu về đất nước và dân tộc. Ông luôn nỗ lực để góp phần hưng quốc, đuổi giặc xâm lược. Từ trong nhận thức và hành động, Trần Tuấn Khải cũng như những trí thức thời đại đã chung tay bảo vệ dân tộc Việt. Một trong những hành động đó chính là cùng với giới Tăng sĩ Phật giáo thực hiện công cuộc chấn hưng Phật giáo, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị phương Tây. Ông đã sáng tác và dịch thuật nhiều tác phẩm Phật giáo, góp phần làm phong phú nền văn học Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại.

1.      Mối lương duyên của trí thức với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX

Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế XX có nhiều biến động lớn và sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, xã hội và văn hóa, tôn giáo. Phật giáo Việt Nam đứng trước những thay đổi của xã hội, dân tộc bị áp bức đã dấy lên phong trào chấn hưng Phật giáo. Mục đích là khơi dậy tinh thần dân tộc Việt, tinh thần dấn thân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam gắn liền với văn hóa dân tộc Việt, góp phần tạo nên sức mạnh dân tộc, cùng vượt qua nhiều cuộc xâm lược ngoại bang. Sau khi phong trào Cần Vương bị trấn áp, những nhà lãnh đạo đã “lui về tìm cơ sở trong quần chúng, họ phải dựa vào những cơ sở đạo Phật”[1]. “Những người trí thức yêu nước lúc bấy giờ khám phá ra được một sự thực: muốn đánh đuổi những kẻ xâm lăng phương Tây, phải vận động duy tân xứ sở và phải thay thế cuộc kháng chiến Cần Vương của Nho sĩ thành một cuộc vận động toàn dân”[2]. Nhận thức được vai trò của Phật giáo trong thời đại mới, trí thức Việt đầu thế kỷ XX đã tìm đến Phật giáo, chung tay cùng Tăng sĩ Phật giáo chấn hưng lại Phật giáo. Các chùa chiền trở thành các cơ sở kháng chiến và giới Tăng sĩ đã không ngần ngại góp phần vào công cuộc cứu nước.

Trí thức, chí sĩ yêu nước đã nhận thấy vai trò bảo vệ dân tộc của Phật giáo nên ra sức ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo. Bởi lẽ, chấn hưng Phật giáo cũng chính là vực dậy tinh thần mạnh mẽ chống lại ách đô hộ của ngoại bang nên giới trí thức đã tìm đến đạo Phật. Phan Chu Trinh “là người tin tưởng nhiều nhất ở sự đóng góp của một nền Phật giáo phục hưng. Ông thường hô hào việc chấn hưng đạo Phật để hỗ trợ cho cách mạng”[3]. Huỳnh Thúc Kháng trong bài báo đăng trên Viên Âm (số 3 ra ngày 1.2.1934) cũng cho rằng: “Người ta nói khoa học với tôn giáo không cùng đi với nhau, là nói ở xứ văn minh nào kia, chớ ở xứ khai thông chậm trễ dân trí mơ mù như xứ ta, tôn giáo còn là phương thuốc chữa bệnh chung cho người mình có hiệu nghiệm. Huống là cái thuyết từ bi cứu khổ, độ tha, giác tha và nhân quả luân hồi của Phật giáo thông cả các giai cấp trong xã hội, mà ai thực hành theo có bổ ích cho chúng sanh không phải là ít, chưa nói đến “Niết-bàn” là chỗ thượng thừa cao xa kia”[4]. Ông ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo bởi đây là một việc làm có lợi ích cho quốc dân. Còn Phan Khôi, một trí thức tiêu biểu thông thạo cả Hán học và Tân học lúc ấy cũng nhiều lần lên tiếng ủng hộ Phật giáo và việc chấn hưng Phật giáo. Ông nói: “Chúng tôi không chuyên một tôn giáo nào hết. Có người lo nếu Phật giáo thịnh thì Việt Nam sẽ trở nên lười, cho nên Pierre Pasquier, toàn quyền là nhà chính trị nham hiểm ký tên cho phép mấy cái hội Phật ở Đông Dương, làm mê họ bằng Phật giáo. Chúng tôi không phải quan cố toàn quyền P. Pasquier, chúng tôi đâu biết được dụng ý của ngài. Chúng tôi tưởng khi Phật giáo thịnh hành, cũng chẳng có cái hiệu quả như thế. Vì chúng tôi lấy lịch sử để làm chứng... Phật giáo sang Tàu từ thời Đông Hán mà suốt trong đời ấy quốc gia của nhà Hán rất là cường thịnh. Đến nỗi Hung Nô ngày trước cứ xâm lăng mãi mà bây giờ phải vào chầu. Rồi đến đời Đường Thái Tôn, đời mà đạo Phật thịnh nhất ở Trung Quốc, thì thế nước lại lừng lẫy vững vàng, tứ di đều thần phục. Xưa nay bên Tàu, quốc thế có hai lần hèn yếu nhất, bị lũ mọi rợ ở phương Bắc đè đầu: lần trước vào thời kỳ Tấn Lục Triều, thì là cái kết quả của sự sùng thượng Lão Trang; lần sau vào thời kỳ Tống Minh thì là cái kết quả của cuộc vận động Lý Học. Còn Phật giáo theo lịch sử chẳng có khi nào gây ra sự hèn yếu cả. Ở nước ta cũng vậy: vào thuở nhà Lý, nhà Trần, đạo Phật tràn ngập cả nước, chùa chiền khắp nơi, thầy tu làm dân tráng, nhưng nước nhà chưa hề có cái vẻ tích nhược như hồi Lê trung hưng hay Nguyễn thống nhất là cái thời đại Nho học thịnh hành. Trái lại, nhà Lý, nhà Trần mạnh lắm, dân khí còn hăng lắm: mấy phen giặc Tàu sang chúng ta đuổi đi như đuổi vịt. Lịch sử là cái chứng mạnh lắm. Không ai cãi được. Nó đã làm bằng chứng cho Phật giáo; không phải là một thứ như thuốc phiện làm mòn yếu con người”[5]. Qua đó cho thấy, tầng lớp trí thức đương thời đã nhìn nhận Phật giáo với thái độ rất tích cực. Công cuộc chấn hưng Phật giáo đã nhận được sự ủng hộ của các trí thức, sĩ phu yêu nước có tên tuổi, có sự ảnh hưởng lớn đến xã hội lúc ấy.

Trong Phật giáo, giới Tăng sĩ cũng đã nhận thấy rằng, để chấn hưng Phật giáo thì cần phải có sự giúp đỡ từ bản thân giới trí thức Nho học. Điều này được thể hiện rõ trong các chương trình chấn hưng Phật giáo của giới Tăng Ni. Thiền sư Thiện Chiếu cho rằng, để chấn hưng Phật giáo thì có 3 cách: “1. Lập Phật học báo quán cho dễ truyền bá Phật lý ra, được vãn hồi lấy tinh thần và trừ khử những điều mê tín; 2. Lập Phật gia công học để đào tạo những bậc có tư cách đứng đầu để truyền giáo về sau; 3. Dịch kinh Phật ra tiếng ta, để cho Phật giáo ở nước ta sau này khỏi sợ đến thất nguyên”[6]. Thiền sư Quảng Hưng ở Trung Kỳ cũng cho rằng chấn hưng Phật giáo nên tập trung vào 3 việc: “1) Làm trường học tại chùa, rước thầy giáo đến dạy các đạo nhỏ. 2) Nuôi kẻ nghèo khổ ăn học cho biết hai thứ chữ Tàu và chữ Quốc ngữ. 3) Dịch kinh Phật ra Quốc ngữ”[7]. Cùng quan điểm đó, chương trình chấn hưng Phật giáo của nhà sư Thích Tâm Lai ở Bắc Kỳ cũng cho rằng, cần phải: “Một là, lập đàn giảng thiện trong các chùa vào các buổi tối và mời các bậc thông Nho biết chữ Quốc ngữ hiệp với nhà chùa cùng dịch kinh Phật chữ Nho ra chữ Quốc ngữ, lại cũng mời các nhà thông tiếng Pháp dịch các sách Phật bằng chữ Pháp ra quốc ngữ để phổ tống cho đồng nhân; hai là, mở Trường Sơ học yếu lược và Trường Sơ đẳng tiểu học bên cạnh các chùa; ba là, lập nhà nuôi kẻ khó và nhà bảo cô bên cạnh các chùa”[8]. Nguyễn Mạnh Bổng là một cư sĩ yêu mến đạo Phật cũng đã đề xuất hai việc: “Thứ nhất lập Phật giáo tổng hội và phiên dịch, xuất bản kinh sách, lập nhà in; hai là coi trọng việc tuyên truyền, cổ động”[9]. Các đề xuất chấn hưng Phật giáo đều quan tâm đến việc dịch kinh Phật ra chữ Việt để không chỉ Tăng sĩ mà quần chúng hiểu rõ giáo lý nhà Phật để thực hành cho đúng. Chính vì vậy mà Thiền sư Thích Trí Hải trong quá trình vận động chấn hưng Phật giáo đã nhận ra được sự cần thiết phải có sự cộng tác của các trí thức nên ông đã liên hệ với hàng loạt các nhân sĩ, trí thức thông thạo Hán học và cả Tây học để vận động họ cùng tham gia chấn hưng Phật giáo.

Có thể nói rằng, tự thân các nhà trí thức Việt Nam đang có nhu cầu vươn lên để xây dựng một xã hội mới với văn hóa mới, nhận thức tiến bộ, trình độ cao hơn để từ đó chống lại chế độ thực dân đang dày xéo quê hương. Trong khi đó, chính quyền thực dân luôn ngăn trở, tiêu diệt các tổ chức yêu nước, đồng thời trình độ dân trí của quần chúng còn thấp, để đạt được mục đích, tiếp cận được với đông đảo quần chúng thì không đâu tốt bằng cơ sở tôn giáo - cửa Phật. Còn đối với giới Tăng Ni chân chính thì đây là lúc để trùng chính đạo Phật, khẳng định lại giá trị chân tủy, loại bỏ yếu tố tà mê ra khỏi Phật giáo. Bởi họ cho rằng, sự thất học, thiếu hiểu biết là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy vi, lụi tàn của Phật giáo. Theo Nguyễn Lang thì: “Sự phục hưng Phật học cũng như ý hướng xây dựng ‘quốc học’ đã được sự hỗ trợ nồng nhiệt của quần chúng. Phục hưng Phật học và xây dựng quốc học là những việc làm chính đáng, hợp pháp, không phải là những việc quốc cấm, cho nên không sợ bị đàn áp. Nơi đây hai giới tân học và cựu học có thể gặp nhau để cùng hoạt động: cả trong hai lĩnh vực tôn giáo và văn hóa, chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Tây đều được sử dụng”[10].

Qua đó cho thấy mối lương duyên giữa phong trào chấn hưng Phật giáo với các trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX, cả trí thức Nho học và Tân học. Chính vì mối lương duyên này mà trí thức đã cùng với giới Tăng sĩ làm nên công cuộc chấn hưng Phật giáo mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu rực rỡ. Hàng loạt các tổ chức chấn hưng Phật giáo ra đời với sự có mặt của các trí thức lớn, có uy tín. Đồng thời tầng lớp cư sĩ trí thức đã đóng góp trí lực, bút lực cho các tờ báo, tạp chí - cơ quan ngôn luận của các hội chấn hưng. Ở Nam Kỳ có Tạp chí Từ Bi Âm của hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, ra số đầu tiên ngày 1.3.1932 do Thiền sư Khánh Hòa làm chủ nhiệm cùng các cây bút như Ngô Văn Chương, Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Cần, Trần Nguyên Chấn... Ở Trung Kỳ có Tạp chí Viên Âm của Hội An Nam Phật học, ra số đầu tiên ngày 1.12.1933 do Tâm Minh Lê Đình Thám làm chủ bút. Ở Bắc Kỳ có Tạp chí Đuốc Tuệ của hội Phật giáo Bắc Kỳ, ra số đầu tiên ngày 10.12.1935 với các gương mặt tiêu biểu như Nguyễn Trọng Thuật, Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Thiều Chửu... Cùng các tạp chí Phật học khác như Pháp Âm, Quan Âm, Tam Bảo, Tiếng Chuông Sớm, Duy Tâm, Tiến Hóa… Tạp chí Vạn Hạnh, là tờ “tạp chí nghiên cứu phát huy văn hóa Phật giáo và dân tộc, không phải cơ quan của riêng ai để làm lợi cho riêng ai”, do “một số học giả và nhân sĩ” chủ trương, ra số đầu tiên ngày 1.5.1965. Gương mặt trí thức Tâm Minh Trần Tuấn Khải xuất hiện và gắn bó với tạp chí này. Trần Tuấn Khải sống trong không khí của công cuộc chấn hưng Phật giáo, không khí của một sự đổi mới để giải phóng dân tộc, ông đã tiếp bước những thế hệ đàn anh để phục vụ cho Phật giáo, cũng là phục vụ cho dân tộc.

2.      Cảm quan của Trần Tuấn Khải về Phật giáo

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, làn sóng Âu hóa đã khiến cho các giá trị của Nho học cũng như Phật học trở nên mờ nhạt. Nền Nho học không còn hợp thời và không có khả năng chống lại sự xâm lược của đế quốc thực dân. Các thế hệ Nho sĩ bắt đầu tiếp thu nền Tân học, tìm phương cách cứu dân tộc ra khỏi ách cai trị của thực dân. Các cuộc khởi nghĩa diễn ra, tiêu biểu có phong trào Cần Vương. Đồng thời, một phong trào Duy Tân và Đông Du được thực hiện.

Trần Tuấn Khải là một Nho sĩ chứng kiến sự suy tàn của Nho học. Ở cương vị của một Nho sĩ bất lực trước cảnh quê hương bị giằng xéo, nhân dân bị áp bức và chịu cảnh sưu cao thuế nặng, Trần Tuấn Khải trách bản thân, trách những kẻ tham lợi mà tiếp tay hại dân hại nước. Điều này ta thấy rõ trong nhiều sáng tác của ông. Thơ văn của ông biểu hiện một tinh thần yêu nước tha thiết. Trần Tuấn Khải cũng là người chứng kiến một phong trào chấn hưng Phật giáo rầm rộ, diễn ra khắp nơi. Điều này đã tác động đến cảm quan Phật giáo của ông. Ông đã tìm đến giáo lý nhà Phật như một sự cứu cánh, mong muốn chung tay góp phần chấn hưng Phật giáo cũng là cách giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ. Trong thơ văn của Trần Tuấn Khải ta thấy ông rất có cảm tình với Phật giáo:

“Thấy sông lại nhớ đến đò

Thấy cảnh thấy chùa lại nhớ đến sư

Tam quan còn đó trơ trơ

Hỏi người mở cánh cửa từ nay đâu?

Bước chân lên đến cửa chiền

Thắp nén hương nguyền lạy đức từ bi

Có thương trần khách mê ly

Xin cho giọt nước dương chi rửa lòng”. (Với Sơn Hà cuốn thứ 1)

Đứng trước thực tại dân chúng bị nhiễu nhương, dân tộc đang bế tắc, ông đã mong nguyện ở cửa Phật sự từ bi cứu độ. Ở đây, không phải ông mong một sự thoát ly mà mong thức tỉnh cơn mê của kiếp người.

“Lòng thành thắp một tuần nhang

Chắp tay vái lạy bốn phương Phật trời

Nam-mô xin niệm mấy lời

Từ bi mong cứu cho đời trầm luân”. (Điệu nội)

Nhận thấy cuộc đời biến ảo, mê lầm, cố chấp, tham vọng, ông đã than:

“Tuồng ảo hóa: “ngao ngán nhẽ: bóng trăng trên mặt nước”

Mảnh hình hài đeo đẳng nữa mà chi

Tẩy trần mượn nước dương chi…” (Lời xám [sám] hối)

Hình ảnh “nước dương chi” - dòng nước tươi mát của lòng từ bi trở thành hình ảnh đẹp trong thơ của ông. Đó là khát vọng cho sự thanh tẩy, sự gột rửa những ưu phiền, uế trược của kiếp người.

“Khắp kiền khôn không khác ngục ưu phiền

Làng mê, quán tục, khách đảo điên trong giấc mộng trần”.

(Đêm hôm qua)

Dưới nhãn quan của ông, tất cả chỉ là ảo hóa và kiếp người chìm trong giấc mộng điên đảo. Để rồi:

“Trong bể khổ rắp đưa người qua bến giác.” (Thuyền gặp sóng)

Ông toan tính mong cứu người qua bến giác, thoát khỏi ưu phiền khổ não. Nhưng rồi, tầm nhận thức của ông đã thay đổi lên tầng ý nghĩa cao hơn, có thể nói đã đạt đến sự sâu thẳm của triết lý nhà Phật.

“Kiền khôn một giấc mộng dài

Mộng trong giấc mộng vui cười được bao

Ngàn mê bến giác, bên nào?” (Đi thuyền bể)

Đâu là mộng, đâu là thực? Đâu là bến giác, đâu là bến mê? Bên này hay bên kia, phiền não hay Niết-bàn cuối cùng chỉ là sự cố chấp nhị nguyên. Trần Tuấn Khải đã đạt đến tầm nhận thức triết lý Tánh không nhà Phật.

Trong bài Đường tu, Trần Tuấn Khải đã khẳng khái nói rằng con đường tu Phật là sự tinh tấn, là sự dấn thân vượt qua những chướng ngại. Với quan niệm đường tu “không phân biệt giống nòi hay tuổi tác” đã cho thấy Phật giáo đối với Trần Tuấn Khải không phải là con đường yếm thế mà chính là con đường dấn thân cứu đời:

“Khách lên đường không ngại vướng chông gai

Đường tu bao quát cả muôn loài.” (Đường tu)

Nhận thức về Phật giáo như thế, Trần Tuấn Khải đã quay trở lại với những giá trị văn hóa của dân tộc. Ông nhận thấy các bậc tiền bối đã tạo ra một Phật giáo đầy mạnh mẽ, uy lực, đem đến lợi lạc cho quần chúng nhân dân. Trong lời giới thiệu khi dịch cuốn Tam Tổ hành trạng, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm, Á Nam Trần Tuấn Khải đã nói: “Ta có thể nói pho sách này thật là một bộ Tâm kinh do các bậc Nho Thích uyên thâm của đất Việt tinh hoa đã thảo soạn ra, hầu để dẫn dắt chúng sinh theo đó dần dần giác ngộ, để cùng men vào khuôn cửa quảng đại từ bi, cùng hưởng thụ chân thú cuộc sống ở đời, vĩnh viễn xa lìa ác trọc tham sân mà thoát khỏi A-tỳ địa ngục”[11].

Trần Tuấn Khải đã thấy được những giá trị của Phật giáo thời Lý - Trần, sự dấn thân của các bậc cao Tăng, đặc biệt là phong trào chấn hưng đang diễn ra khắp nước đã nung nấu tinh thần phục vụ của ông. Ông đã góp phần trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX.

Ở đây, khi khảo sát các tác phẩm của Trần Tuấn Khải trên Tạp chí Vạn Hạnh, chúng tôi đã đặt ra một nghi vấn: phải chăng Trần Tuấn Khải đã quy y Tam bảo? Các bài đăng trên Tạp chí Vạn Hạnh, Trần Tuấn Khải đều để bút danh là Tâm Minh Trần Tuấn Khải (7 bài). Trong cuốn Kim sinh lụy (tái bản lần thứ nhất, NXB.Văn hóa Văn nghệ Tp.Hồ Chí Minh, 2019), Lan Hinh Trần Thị Lan cho rằng Tâm Minh là bút danh của Trần Tuấn Khải. Chúng tôi nghĩ Tâm Minh không đơn giản chỉ là bút danh mà nó còn là Pháp danh của Trần Tuấn Khải. Bởi, 1) Gọi pháp danh trước tên là cách gọi thường dùng trong nhà Phật nhằm mục đích phân biệt dòng thiền và thế hệ truyền thừa trong Phật giáo. Chẳng hạn khi đọc Trừng Thông Viên Thành thì Trừng Thông là pháp danh của Thiền sư Viên Thành thuộc đời thứ 42 dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán. 2) Trần Quang Khải viết và dịch nhiều bài cho Tạp chí Vạn Hạnh - là một tạp chí Phật giáo nên ảnh hưởng cách gọi pháp danh trước tên thế tục là một điều khả dĩ. Nếu đó là pháp danh của ông thì ông quy y với một vị bổn sư thuộc Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán đời 42 và ông thuộc đời 43.

3.      Đóng góp của Trần Tuấn Khải đối với Phật học Việt Nam thế kỷ XX

Có thể xem bài Cùng bạn văn học là quan niệm hành đạo của Trần Tuấn Khải:

“Muốn dắt nhau lên bước phú cường

Trước từ học thuật với văn chương

Góp tinh anh lại nung khuôn óc

Thu cổ kim vào đúc tấm gương”.

Hành đạo ở đây không còn là “trí quân trạch dân”, “kinh bang tế thế” mà chính là vực dậy cái tinh thần tự tôn dân tộc, nâng cao nhận thức của quần chúng, hiểu rõ giá trị của cha ông. Để từ đó đứng dậy đấu tranh, thoát khỏi những xiềng xích của thực dân xâm lược.

Trong thời gian ở miền Bắc, ông đã theo các Hội viên trong hội Phật giáo Bắc Kỳ tham dự các buổi thành lập chi hội Phật giáo ở miền Bắc. Chẳng hạn “Ngày 29 tháng 10 năm 1936 (16-10 Bính Tý), khánh thành Chi hội Phật giáo Gia Lộc, Hải Dương. Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, Tổ Bằng Sở (HT.Thích Trung Thứ), các ông Lê Dư, Bùi Kỷ, Trần Tuấn Khải về dự. Ngày 13 tháng 4 năm 1937 (Đinh Sửu), khánh thành Ban Đại lý Phật giáo chùa Kính Chủ, phủ Kinh Môn, Hải Dương. Hội quán tại chùa Kính Chủ (Thạch Sơn động), trương ban bên Tăng là sư cụ trụ trì bản tự, trưởng ban tại gia là ông Nguyễn Tử Tư. Chánh Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc, sư cụ Tế Cát, các ông Á Nam Trần Tuấn Khải, Lê Dư, Nguyễn Trọng Thuật về dự”[12].

Không chỉ tham dự các hội chấn hưng Phật giáo mà ông còn bắt tay vào việc dịch thuật các trước tác trong nước cũng như ngoài nước, góp phần truyền bá giáo lý Phật giáo rộng rãi đến quần chúng người Việt.

Dịch thuật các tư liệu Phật giáo Việt Nam ra tiếng Việt

Nhận thức được những giá trị triết lý thực tiễn của các thế hệ Tổ sư, các bậc túc Nho tiền bối, Trần Tuấn Khải đã bỏ công dịch lại các tác phẩm đó ra chữ Quốc ngữ. Ông đã dịch cuốn Tam Tổ hành trạng và xuất bản vào năm 1971. Trong cuốn này, Trần Tuấn Khải chia ra hai phần: phần một dịch về Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; phần hai dịch 24 thanh trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Hải Lượng Thiền sư Ngô Thì Nhậm. Hiện tại, bản dịch của Trần Tuấn Khải là một trong bốn bản dịch về cuốn Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Đây được xem là “bản dịch chữ Việt hoàn thành sớm nhất của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh[13] của Ngô Thì Nhậm. Theo nhà nghiên cứu Hà Thúc Minh, sở dĩ tựa đề là Tam Tổ hành trạng trong khi nội dung chính của cuốn sách là dịch cuốn Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là “do văn bản sách gốc khi Á Nam Trần Tuấn Khải sử dụng để dịch thì cuốn sách này bị rách mất tờ đầu, mà phần Tam Tổ hành trạng trên cùng, nên người đóng ghi phần đầu làm tên sách”[14]. Trần Tuấn Khải đã mong mỏi: “Dẫn dắt chúng sinh theo đó dần dần giác ngộ, để cùng men vào khuôn cửa quảng đại từ bi, cùng hưởng thụ chân thú cuộc sống ở đời, vĩnh viễn xa lìa ác trọc tham sân mà thoát khỏi A-tỳ địa ngục”[15]. Bên cạnh đó, Trần Tuấn Khải còn dịch Thiền tông chỉ nam tự (bài tựa tập Thiền tông chỉ nam của vua Thái Tông nhà Trần), in trên Tạp chí Vạn Hạnh, số 23, 24, tr.60-65.

Các tác phẩm mà Trần Tuấn Khải dịch mang tầm triết học sâu sắc, chứa đựng tư tưởng không chỉ Phật học mà cả Nho học lẫn Đạo học. Qua các bản dịch cho thấy ông đã có một sự hiểu biết nhất định về Phật học. Bản dịch của Trần Tuấn Khải cho in và phổ biến đã góp phần cho nền Phật học Việt Nam lúc bấy giờ.

Dịch các tài liệu Phật giáo từ nước ngoài

Trong phạm vi bao quát tư liệu, chúng tôi xin được giới thiệu các dịch phẩm của Trần Tuấn Khải trên Tạp chí Vạn Hạnh. Tạp chí Vạn Hạnh là “tạp chí nghiên cứu phát huy văn hóa Phật giáo và dân tộc”, chủ trương “một đạo Phật sinh động trong một dân tộc Việt Nam phục hưng”. Trần Tuấn Khải là một cây bút đóng góp nhiều bài dịch cho tạp chí này.

Khương Hữu Vi và Lương Khải Siêu là những nhà tư tưởng mới của Trung Quốc, có sức ảnh hưởng lớn đến phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Quốc, đấu tranh chống xâm lược cho dân tộc Trung Quốc. Giới trí thức Việt Nam đã bị cuốn hút vào những tư tưởng tân thời của các nhà tư tưởng trên thế giới. Họ đã có chủ trương dịch những tác phẩm của các nhà tư tưởng này ra chữ Việt để phổ biến cho quần chúng, nhằm thay đổi nhận thức trong thời đại mới, bối cảnh mới. Lương Khải Siêu là một trong những người có uy tín, có nhiều nhận định về Phật giáo nên bài của ông được giới trí thức Việt Nam chọn để dịch ra tiếng Việt. Giống như Đỗ Chân Bảo dịch bài “Phật giáo đối với Nhân sự” đăng trên Tạp chí Đuốc Tuệ số 32 năm 1936, Trần Tuấn Khải cũng đã dịch bài “Phật giáo với việc trị an quần chúng” đăng trên Tạp chí Vạn Hạnh số 14, năm 1965; “Một vài nhận xét về Phật giáo ở Ấn Độ”, số 17, năm 1965. Ngoài ra còn có các bài dịch như: “Một vài nét về nguyên thủy và giáo lý nhà Phật”, số 19, tr.19-28; số 22, tr.20-26; “Sơ khảo về Phật giáo”, số 20-21, tr.80-90.

Đặc biệt, Trần Tuấn Khải đã dịch kinh Pháp cú ra chữ Việt. Đây là một đóng góp rất lớn cho kho tàng Kinh tạng Việt Nam. Kinh Pháp cú nằm trong kinh Tiểu bộ (Khuddaka - Nikāya), là một trong 5 bộ Nikāya của Phật giáo Nam truyền. Trong Hán tạng, kinh Pháp cú đã được dịch từ đời Ðông Ngô (222-280) do Ðại sư Duy Kỳ Nan thực hiện (Đại tạng kinh Đại chính tân tu, số 210, tập 4). Kinh Pháp cú do Á Nam Trần Tuấn Khải dịch từ bản Pháp cú kinh Hán Anh đối chiếu hòa dịch (Bản dịch tiếng Nhật kinh Pháp cú có Hán Anh đối chiếu) của soạn giả Thường Bàn Đại Định. Dịch giả chủ yếu dựa vào phần Hán văn dịch ra Việt ngữ, có in chữ Hán đối chiếu và lời giải thích sơ lược ý nghĩa bài kệ. Bản này được Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản vào năm 1962.

Thực hiện tôn chỉ của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Tâm Minh Trần Tuấn Khải đã chuyên tâm dịch các tác phẩm của chư vị bậc tiền bối ra chữ Việt. Đây chính là cách để nâng cao dân trí, vực dậy tinh thần dân tộc, xây dựng nền tảng cho một nền văn hóa dân tộc vừa tiến bộ vừa không mất gốc. Đây cũng là tinh thần mà các thế hệ nhà Nho như ông mong muốn - tinh thần duy tân. Trần Tuấn Khải cùng với trí thức đương thời đã góp phần đáng kể cho phong trào phục hưng Phật giáo. Có thể nói rằng một trong những yếu tố tạo nên thành công của cuộc chấn hưng Phật giáo chính là sự góp sức của tầng lớp trí thức. Và ngược lại, phong trào chấn hưng Phật giáo là nơi quy tụ giữa thế hệ trí thức cựu học và tân học, tạo nên tiếng nói chung cho dân tộc Việt Nam.  

4.      Kết luận

Mặc dù không hoạt động Phật sự nhiều như những nhà chấn hưng Phật giáo khác nhưng những gì mà Tâm Minh Trần Tuấn Khải làm đã góp phần không nhỏ cho Phật giáo Việt Nam. Với cảm quan của một Nho sĩ trước thời cuộc, trước sự giằng xéo của thực dân, trước một phong trào chấn hưng rầm rộ diễn ra khắp cả nước đã tạo nên những nhận thức mới của Trần Tuấn Khải đối với Phật giáo. Chỉ tiếc là ông đã không tham gia ngay từ đầu công cuộc chấn hưng nên tiếng nói của ông đối với Phật giáo vẫn còn hạn chế. Khi sống ở miền Nam vào những thập niên cuối đời, Trần Tuấn Khải mới có những đóng góp cụ thể cho Phật học Việt Nam. Tiếp nối những hoạt động của lớp trí thức đàn anh trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Trần Tuấn Khải đã góp phần phổ biến Phật giáo bằng báo chí, lược dịch kinh sách, đóng góp cho nền văn học Phật giáo Việt Nam cận hiện đại.

 


 

Chú thích:

[1] Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận (toàn tập), NXB.Văn Học, Hà Nội, tr.750.

[2] Nguyễn Lang (2014), Sđd, tr.749.

[3] Nguyễn Lang (2014), Sđd, tr.750.

[4] Nguyễn Lang (2014), Sđd, tr.764.

[5] Dẫn theo Nguyễn Lang (2014), Sđd, tr.763.

[6] Nguyễn Đại Đồng - Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn (2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo - Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.16.

[7] Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, NXB.Tôn giáo, Hà Nội, tr.284.

[8] Nguyễn Đại Đồng - Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn (2008), Sđd, tr.22-23.

[9] Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ - trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), NXB.Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.69.

[10] Nguyễn Lang (2014), Sđ d, tr.755.

[11] Á Nam Trần Tuấn Khải (1971), Tam Tổ hành trạng, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, tr.6.

[12] Nguyễn Đại Đồng, “Phong trào chấn hưng Phật giáo tỉnh Hải Dương từ 1934 đến 1945”, http://chuaxaloi.vn/thong-tin/phong-trao-chan-hung-phat-giao-tinh-hai-duong-tu-1934-den-1945/1999.html.

[13] Thích Hạnh Tuệ (2018), Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.66.

[14] Thích Hạnh Tuệ (2018), Sđd, tr.63.

[15] Á Nam Trần Tuấn Khải (1971), Sđd, tr.6.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác