Nguồn gốc và sự phát triển tín niệm và hình tượng của Bồ-tát Phổ Hiền

NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN TÍN N

NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN TÍN NIỆM VÀ HÌNH TƯỚNG

CỦA BỒ-TÁT PHỔ HIỀN

Bồ-tát Phổ Hiền là đối tượng thờ tự phổ biến ở nhiều quốc gia, mỗi nơi đều có một hay nhiều tôn danh khác nhau. Nguyên trong Phạn ngữ, Ngài được gọi là Samantabhadra, Visuabhadra; Nhật: Fugen Bosatsu; Hàn: Bohyun Bosal/ Pohyon; Tây Tạng: Kun-Tubzang-po; Thái Lan: Prak-Sả-Măn-Taphach-phô-thi-sạch; Trung Quốc: Puxian, Hán âm: Tam Muội Đa Bạt Đà La, Tam Mạn Đà Bạt Đà, Bật Thâu Bạt Đà, Tam Mạn Đa Bạt Đà Ni, Tam Mạn Đa Bạt Đà La, Tam Mạn Đà Bạt Đà La hoặc Tam Mãn Đa Bạt Nại La, Tam Mạn Đà Đài Đà…[1] Còn gọi: Biến Cát Bồ-tát. Dịch ý là điều tốt lành, vui vẻ ở khắp mọi nơi, có hạnh lượng vô hạn, phổ khắp và hiển hiện ở tất cả Bồ-tát cõi Phật, phổ hóa hiền lương khắp nơi, là một tôn Bồ-tát thường gặp trong Phật giới, vị Bồ-tát có đầy đủ hạnh nguyện vô lượng, hiển hiện tại tất cả các ngôi chùa Phật.

I. Tín niệm về Bồ-tát Phổ Hiền

1. Tín niệm phổ quát: Cả hai truyền thống Nam, Bắc tông Phật giáo đều thờ Phổ Hiền, nhưng ít khi Ngài được thờ riêng. Một vài phái Mật tông ở vùng Hy Mã Lạp Sơn cho rằng chính vị Bồ-tát này, chứ không phải Đại Nhật Phật, là đấng sáng lập ra Mật tông Phật giáo, trong đó tín đồ tìm cách hội thông và hợp nhất với thần linh.

Ở Trung Quốc, Bồ-tát Phổ Hiền hầu như luôn được thờ chung với Phật Thích Ca và Bồ-tát Văn Thù, và được tin là Ngài đã cỡi voi trắng từ Ấn Độ sang Trung Quốc, ngự ở núi Nga My, tỉnh Tứ Xuyên.

Bồ-tát Phổ Hiền là một vị thần trung tâm của kinh Hoa nghiêm và cũng xuất hiện trong kinh Pháp hoa, là một trong những bộ kinh quan trọng nhất của Phật giáo Đại thừa khắp châu Á.

Bồ-tát Phổ Hiền có lẽ đã đến Nhật Bản vào khoảng thế kỷ VIII hoặc IX, vì Ngài đã là một vị thần chính trong nửa cuối của thời kỳ Heian (794-1192 sau TL). Theo một nguồn dữ liệu: “Vào thời Heian, những phụ nữ trong triều đình Nhật Bản đã chấp nhận một hình thức của Phật giáo dựa trên việc tôn thờ kinh Pháp hoa và Bồ-tát Phổ Hiền. Kinh Pháp hoa là văn bản chính của Phật giáo liên quan đến việc cứu độ phụ nữ, và Phổ Hiền là vị Bồ-tát bảo hộ của các tín đồ của kinh Pháp hoa. Vì vậy, các phụ nữ thời đó đã nhận Bồ-tát Phổ Hiền là người bảo trợ cho họ”.

Thật vậy, trong chương thứ 12 (Devadatta) của kinh Pháp hoa, người con gái của Long Vương là Long Nữ/Sagara đạt được giác ngộ khi mới tám tuổi, biểu thị cho khả năng thành Phật phổ quát cho cả nam và nữ. Ở Nhật Bản, Phổ Hiền cũng là một trong mười ba vị thần, người chủ trì lễ tưởng niệm được tổ chức vào ngày thứ 28 sau khi một người qua đời. [2]

Vị Bồ-tát này chủ yếu được Thiên Thai tông, Chân Ngôn tông và Nhật Liên tông thờ phụng. Ngài được đặc biệt tôn sùng bởi các môn đồ thực hành việc quán niệm kinh Pháp hoa, vì với họ, Phổ Hiền tiêu biểu cho lý thuyết và thực hành quán niệm.

Bên cạnh đó, Ngài là vị đầu tiên trong Ngũ Thiền Bồ-tát, tương ứng với Ngũ Thiền Phật của Bắc tông. Ở Tây Tạng, có thời gian người ta thờ Ngài như là Nhiên Đăng Cổ Phật (Adi Buddha), nhưng hiện nay chỉ còn những tín đồ của tông Ninh Mã (Nyingma) giữ tín ngưỡng đó.

Theo kinh Pháp hoa, Ngài là vị Bồ-tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta-bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp hoa liền lãnh đạo năm trăm vị đại Bồ-tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.

Phổ Hiền Bồ-tát là đại diện cho Phật giáo Đại thừa. Danh hiệu của Ngài bắt nguồn từ Tam Mạn Đà La Bồ-tát kinh, sau này được thấy trong rất nhiều kinh Phật. Ví như trong Đại Nhật kinh sớ có nói, “phổ” có nghĩa là phổ biến, trải khắp mọi nơi, “hiền” có nghĩa là thuần nhất thiện khéo, diệu thiện tài giỏi nhất. Phổ Hiền Bồ-tát phát tâm Bồ-đề, nguyện hạnh của Ngài phổ biến khắp thân, khẩu, ý, có đủ các loại công đức, đại diện cho tất cả các việc làm đại từ đại bi của Bồ-tát. Ở đây có ý nói tất cả những biểu hiện về Hạnh nguyện, Thân hình, Khẩu thuyết, Ý niệm… của Phổ Hiền Bồ-tát đều đã đạt đến cảnh giới toàn diện nhất, tốt nhất, có đủ muôn đức tốt, là điển hình mô phạm của Phật pháp thực tiễn cho nên gọi là “Đại Hạnh Phổ Hiền” [3].

Cuốn Đệ nhị Bồ-tát kinh tích nói rằng: “Bồ-tát Phổ Hiền chứng hết mọi pháp giới lậu thành chính giá. Để trợ giúp cho Phật Thích Ca phổ độ chúng sinh, Ngài giấu hết mọi tung tích hiện lên tướng Bồ-tát. Công đức của Ngài vô lượng vô biên, không thể bàn hết được, ngày nay rút gọn còn hai chữ “Phổ Hiền”, để nói rõ khí phách của Ngài [4]. Vị Bồ-tát này, từ tên gọi cho đến công năng đều thể hiện sự từ bi hết mức cho hạnh nguyện của Ngài. Đây là vị Bồ-tát với thiện tâm vô sở bất tại: Ngài tiêu biểu cho Phật pháp và Từ bi tâm.

Trong kinh Diệu pháp liên hoa, Bồ-tát Phổ Hiền được mô tả trong phần kết, được gọi là kinh Quán Phổ Hiền, với những chi tiết đặc biệt về sự quán tưởng của Bồ-tát và đức hạnh của lòng sùng kính đối với Ngài. [5]

2. Vị Phật nguyên thủy: Điều rất phổ biến là vị Bồ-tát của truyền thống Đại thừa mang tên Phổ Hiền được cố kết thành một vị Phật cùng tên hiện diện như vị Phật nguyên thủy, trong một số truyền thống Tây Tạng. Điều này xuất phát từ thực tế là cả hai đều có cùng tên gọi nhưng ý nghĩa của hai đối tượng thờ tự này trong những truyền thống tương ứng rất khác biệt. Đây không phải là trường hợp vị Bồ-tát của Đại thừa đã phát triển hay biến đổi khi hòa nhập vào truyền thống Tây Tạng bởi trong truyền thống đó, Bồ-tát Phổ Hiền hiện diện và Phổ Hiền Pháp thân (Samantabhadra Dharmakaya) cũng là hai thực thể riêng rẽ và khác biệt.

Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt là trường phái Ninh Mã, Phổ Hiền Pháp thân (không phải là vị Bồ-tát của Đại thừa) được coi là Đức Phật nguyên thủy/A-đề Phật. Phổ Hiền xuất hiện trong kinh Kunjed Gyalpo Tantra của Mật tông Kim Cương thừa, như Đức Phật nguyên thủy, các “hiện thân” (Phạn: kaya) hoặc “lĩnh vực/phạm vi” (Phạn: ksetra) của “nhận thức, sự ngộ đạo vượt thời gian” (Phạn: jñāna) đánh thức từ trước khi bắt đầu. Do đó, trong Phật giáo Tây Tạng, Ninh Mã phái, các trường phái Sakya và Bön giáo xem Phổ Hiền là Đức Phật nguyên thủy. 

Trong Kim Cương thừa, tên Phổ Hiền được sử dụng chỉ Bản Sơ Phật (Phạn: Ādi Buddha), hiện thân của Pháp thân (Phạn: dharmakāya). Phổ Hiền này (không phải vị Đại Bồ-tát) được vẽ với màu xanh đậm, tượng trung cho Tính không. Tranh tượng cũng vẽ Phổ Hiền hợp nhất với nữ thần sắc trắng, tượng trưng cho sự nhất thể. Trong phép Đại thủ ấn (Phạn: mahāmudrā), thân của Phổ Hiền là Báo thân (Phạn: sabhogakāya) và đóng một vai trò trung tâm.

Trong trường phái Ninh Mã của Phật giáo Kim Cương thừa Tây Tạng, Phổ Hiền được coi là một vị Phật nguyên thủy trong hợp nhất yab-yum không thể chia tách với người phối ngẫu Samantabhadra/ Samantabhadrī.

II. Công đức

Pháp môn Bồ-tát Phổ Hiền, ứng theo căn cơ chúng sinh mà thuyết pháp, đó cũng là duyên khởi nhân phần trong giáo nghĩa Hoa nghiêm. Ngược lại, cảnh giới Phật đoạn tuyệt tất cả ngôn ngữ suy nghĩ là Tánh hải quả phần, tức pháp môn Tỳ Lô Giá Na Phật.

Bồ-tát Phổ Hiền về mặt nhân cách là Bồ-tát Đẳng giác. Theo lý thì vị Bồ-tát này tượng trưng cho lý, định, hạnh, là cội nguồn của chư Phật, cũng là thể tánh của tất cả các pháp; nếu nhập vào quả vị gọi là Tánh hải; nên tất cả pháp Tín, Giải, Hạnh, Chứng, chẳng kể phàm thánh, đều gọi là Phổ Hiền. Thể ngộ cảnh giới đại cơ của nhất thừa Phổ Hiền này, gọi là cảnh giới Phổ Hiền.

Hoa nghiêm khổng mục chương 4 nêu ra 2 loại: Tam thừa Phổ Hiền và Nhất thừa Phổ Hiền, mỗi loại lại có 3 lớp Nhân, Giải, Hạnh nên gọi là Lục chủng Phổ Hiền.

Trong Tam thừa Phổ Hiền, Nhân là Bồ-tát Phổ Hiền, Giải là giải ngộ được lý Hội tam quy nhất… thú hướng Nhất thừa, Hạnh là hạnh Phổ Hiền, tất cả đều được nói trong phẩm Phổ Hiền, kinh Pháp hoa.

Trong Nhất thừa Phổ Hiền, Nhân là Bồ-tát Phổ Hiền nói trong phẩm Nhập pháp giới, Giải là Phổ biến và Thâm nhập nói trong 60 hạnh môn thuộc phẩm Phổ Hiền, là cảnh giới hỗ tương dung nhiếp bất khả tư nghì; Hạnh là chỉ 10 tâm Phổ Hiền và 10 hạnh nguyện Phổ Hiền trong phẩm Ly thế gian, kinh Hoa nghiêm. Hạnh nguyện Phổ Hiền chỉ cho 10 đại nguyện:

1.                  Lễ kính chư Phật: Thường lễ kính tất cả Phật.

2.                  Xưng tán Như Lai: Thường xưng tụng công đức của Như Lai.

3.                  Quảng tu cúng dường: Thường thờ phụng và cúng dường tất cả Phật.

4.                  Sám hối nghiệp chướng: Thường sám hối các nghiệp từ vô thủy đến nay và tuân giữ tịnh giới.

5.                  Tùy hỷ công đức: Thường tùy hỷ công đức của tất cả Phật, Bồ-tát cho đến 6 loài, 4 sanh…

6.                  Thỉnh chuyển pháp luân: Thường lễ thỉnh tất cả Phật giảng nói giáo pháp.

7.                  Thỉnh Phật trụ thế: Thỉnh cầu Phật, Bồ-tát chớ nhập Niết-bàn, mà trụ ở thế gian để nói pháp.

8.                  Thường tùy Phật học: Thường theo Phật Tỳ Lô Giá Na mà học giáo pháp.

9.                  Hằng thuận chúng sinh: Ứng theo sự khác biệt của các loài chúng sinh mà làm các việc cúng dường.

10.               Phổ giai hồi hướng: Hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh, để nguyện thành tựu quả Phật.

Mười lời thề nguyện đã trở thành một thực hành phổ biến trong Phật giáo Đông Á, đặc biệt là lời thề thứ mười, với nhiều Phật tử là truyền thống cống hiến công đức và những việc làm tốt cho tất cả chúng sinh trong các nghi lễ Phật giáo.

Nếu tinh tấn thực hành 10 hạnh nguyện trên không gián đoạn, thì có thể hoàn thành các hạnh nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền. Nếu người nào có lòng tin sâu xa mà thọ trì các đại nguyện, hoặc đọc tụng, biên chép, cũng có thể đạt được các công đức [6].

Tất cả những điều này, đều như lời Phổ Hiền Bồ-tát từng nói: “Phổ nguyện trầm nịch chư chúng sinh, tốc vãng vô lương quang Phật sát” (nghĩa là: Nguyện khắp các chúng sinh còn trầm mê u tối, nhanh chóng đi về nơi Vô Lượng Quang Phật [tức Phật A Di Đà]).

Mười đại hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát đã đại biểu cho hạnh nguyện của tất cả các Bồ-tát, cho nên Mười đại hạnh nguyện còn được gọi là Phổ Hiền nguyện hải (Biển nguyện của Phổ Hiền). Vì Ngài có hạnh nguyện rộng lớn, nên còn được tôn xưng Bồ-tát Đại Hạnh Phổ Hiền. Phổ Hiền là chủ nguyện của 10 đại nguyện, nên Ngài phối với tâm Bồ-đề và được coi là cùng thể với Kim Cương Tát Đỏa, vì thế cũng được liệt vào trong 2 bộ Kim, Thai mạn-đà-la.

Bất kỳ một chúng sinh nào thực hiện Bồ-tát hạnh viên mãn thì chúng sinh ấy cũng chính là Bồ-tát Phổ Hiền, quả vị của viên mãn Phổ Hiền chính là Tỳ Lô Giá Na Như Lai, vì thế chúng sinh có Phổ Hiền viên mãn thì cũng là tính Phật Tỳ Lô Giá Na.

Thai tông nhị bách đề 10, lập Hữu tướng Phổ Hiền luận đề, cho rằng nếu y theo các hạnh hữu tướng: lễ sám, tụng kinh… thì sẽ cảm ứng thấy Ngài Phổ Hiền.

Theo kinh Hoa nghiêm, đặc biệt là chương cuối, Gaṇḍavyūha-sūtra, có đề cập Thiện Tài đồng tử phát đại tâm, nhất tâm cầu Bồ-tát đạo, về sau được Văn Thù Bồ-tát khải thị, đi về phía Nam tham vấn Đại thiện tri thức. Sau cùng đến nơi của Phổ Hiền Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát dạy cho Thiện Tài rằng trí tuệ chỉ tốt đẹp khi nó có lợi ích cho tất cả chúng sinh và giảng dạy phương pháp “Lễ kính chư Phật”, “Quảng tu cung dưỡng”, “Sám hối nghiệp chướng”, “Thường tùy Phật học” gồm 10 đại hạnh nguyện; do đó Phổ Hiền lại còn được gọi là “Thập đại nguyện chủ” (hoặc Thập đại nguyện vương)[7].

Theo Mật tông, Phổ Hiền Bồ-tát có mật hiệu là Chân Như Kim Cương/Phổ Nhiếp Kim Cương. Phổ Hiền Bồ-tát đại diện cho tất cả Bồ-tát hạnh, có những công đức như kéo dài tuổi thọ, tăng thêm trí tuệ, phá tai diệt tội.

Trong Phật giáo Tây Tạng, Ngài là chủ tôn duy nhất tiêu nghiệp diệt tội. Hành giả tu Bản tôn pháp của Ngài có thể giành được lợi ích tiêu nghiệp diệt tội một cách nhanh chóng nhất, thành tựu Bồ-đề vô thượng.

Mật tông coi Phổ Hiền Bồ-tát đại diện cho tâm Bồ-đề, coi Ngài và Kim Cương Thủ Bồ-tát, Kim Cương Tát Đỏa, Nhất Thiết Nghĩa Thành Tựu Bồ-tát là một[8].

Bồ-tát Phổ Hiền được xếp vào mạn-đà-la của 2 bộ Kim cang và Thai tạng. Ngài là 1 trong 16 tôn vị thuộc Hiền kiếp được tôn trí ở phương Bắc trong mạn-đà-la Kim cang giới.

Theo Diệu pháp liên hoa kinh - Phổ Hiền khuyến phát phẩm, sau khi Phật nhập diệt, nếu có người tin thờ, tụng niệm kinh Pháp hoa thì Phổ Hiền Bồ-tát cùng chư Đại Bồ-tát sẽ xuất hiện trước mặt người ấy bảo hộ họ, khiến cho thân tâm an ổn, không bị phiền não ma chướng quấy nhiễu[9].

III. Hình tướng Bồ-tát Phổ Hiền

Hình tướng của Bồ-tát Phổ Hiền rất đa dạng, tùy theo từng nơi và từng tông phái.

1.      Phổ Hiền cưỡi voi

Trong hình tướng cưỡi voi, Phổ Hiền Bồ-tát thường được thể hiện với thân màu vàng kim, trên đầu đội mũ Ngũ Phật, vẻ mặt yên bình, khoác áo cà-sa, tay phải cầm bảo bối như ý hay hoa sen, ngồi kiết già trên đài sen đặt bên trên lưng voi trắng sáu ngà, vòi to cong rũ xuống đất, bốn chân của voi đứng trên bốn bông hoa sen; hay tay trái cầm kinh Phật, tay phải kết ấn Thí nguyện/Thí vô úy, có tư thế ngồi du hý trên voi trắng sáu ngà; hoặc tùy khí của Ngài chính là viên bảo châu mà Ngài thường cầm nơi tay trái hoặc tay phải cầm hoa sen, trên hoa là viên bảo châu. Trong nhiều biểu thị, một trong hai bàn tay Ngài bắt ấn giáo hóa, với ngón cái và ngón trỏ chạm nhau thành hình tam giác. Trong những dạng khác, Ngài cầm cuộn kinh hay một kim cương chử nơi tay trái[10].

Con vật mà Phổ Hiền cưỡi, voi trắng có sáu ngà, hoàn toàn không giống với những con voi trong tự nhiên, đó cũng là một dạng tượng trưng. Kinh Quán Phổ Hiền Bồ-tát hành pháp có nói: Phổ Hiền Bồ-tát “dùng trí lực giáo hóa con voi trắng để cưỡi, con voi đó có sáu ngà”[11]. Ngoài ra, con voi trắng 6 ngà trong Phật giáo nguyên là Bồ-tát hóa nên để biểu thị uy linh. Kinh Phổ diệu nói rằng: “Từ trên trời Đâu Suất, Bồ-tát liền thả uy linh xuống, hóa thành con voi trắng, miệng có 6 ngà”. Con voi trắng 6 ngà mà Ngài Phổ Hiền đã từng cưỡi là để biểu hiện lòng đại từ[12].

Voi là một loại động vật lớn, có sức mạnh vô địch, đi lại vững vàng mạnh mẽ, tính tình ôn hòa cho nên trong Phật giáo, voi biểu thị sự uy nghi của Phật, biểu thị tâm Bồ-tát vốn là thiện lương nhu hòa nhưng cũng có sức mạnh rất lớn. Phổ Hiền Bồ-tát cưỡi voi là bởi vì “Phổ Hiền chi học đắc vu hạnh, hạnh chi cẩn thẩm tĩnh trọng mạc nhược tượng, cố hiếu tương”. (Cái học của Phổ Hiền tâm đắc ở chỗ hạnh nguyện, mà cái tính cẩn trọng an tĩnh không gì bằng voi, cho nên thích voi).

Con voi trắng có sáu ngà. Quyển 2 bộ Ma-ha chỉ quán có nói: Voi trắng sáu ngà biểu thị Bồ-tát không để sót sáu phép thần thông. Voi có sức mạnh rất lớn, biểu thị pháp thân Bồ-tát có thể kham được những việc nặng nề; vì không có phiền não, nhiễm tạp cho nên là màu trắng. Cũng có thể nói sáu chiếc ngà của con voi trắng biểu thị Lục độ, bốn chân biểu thị Tứ như ý túc. Phổ Hiền Bồ-tát cưỡi voi trắng sáu ngà là để ví với đại lực từ bi của Ngài[13].

Một số người tin rằng con voi trắng của Bồ-tát Phổ Hiền cũng là con voi đã xuất hiện trong giấc mơ của hoàng hậu Maya, mẹ của Đức Phật, để báo điềm sự ra đời của Đức Phật.

Bên cạnh đó, quyển 2 của Thử quán nói rằng con voi trắng 6 ngà, đó chính là 6 thần thông vô lậu của Bồ-tát. Ngà voi nhanh và mạnh như thần thông, voi có sức mạnh, biểu hiện tự gánh vác pháp thân, vô lậu vô nhiễm nên là trắng[14].

Theo Đại trí độ luận thì Bồ-tát có thể đạt được Ngũ thông, Phật có thể đạt được Lục thông. Phổ Hiền cưỡi trên voi trắng sáu ngà biểu thị Ngài đã đạt đến cảnh giới của Phật[15].

Kinh Phổ Hiền quán nói rằng: “Sáu ngà voi biểu hiện Lục độ (còn gọi là “Lục ba-la-mật, tức là 6 phương pháp đến bờ bên kia để giải thoát luân hồi sinh tử, gồm có: 1- bố thí; 2- trì giới; 3- nhẫn nhục; 4- tinh tấn; 5- thiền định; 6- trí tuệ). Bốn chân voi biểu hiện cho bốn điều như ý (tức là bốn dạng thiền định, gồm có: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền)[16].

“Tứ như ý” tức là “Tứ như ý túc”, cũng gọi là “Tứ thần túc”. Ý nghĩa của “Như ý túc” là dựa vào sức mạnh của Lục thần thông đạt được để tạo nên cơ sở hoặc chỗ nương tựa. “Tứ như ý túc” là có thể đạt đến trạng thái Thiền định thần thông, tức là 1. Dục như ý túc, 2. Niệm như ý túc, 3. Tinh tiến như ý túc, 4. Huệ như ý túc. Phật giáo cho rằng tu hành những loại thiền định này có thể có được năng lực tự tại như ý, đủ loại biến hóa thần thông.

Một dạng hình tượng khác của Phổ Hiền Bồ-tát là ngồi kiết già trên đài sen được đặt ở trên lưng con voi trắng, hai bàn tay để trước ngực tạo thành Liên hoa hợp chưởng ấn (bốn ngón của hai bàn tay cùng với lòng bàn tay hơi cong khum lại, hai ngón tay cái tách rời nhau, giống như kiểu hai bàn tay đang khum lại để múc nước. Tức là hai tay đang tưới nước đại bi đại trí, bố thí cho tất cả chúng sinh) [17].

2.      Phổ Hiền diên mệnh Bồ-tát [18]

Ngoài ra, Phổ Hiền Bồ-tát có đức kéo dài tuổi thọ, do đó mà xuất hiện hình tượng “Phổ Hiền diên mệnh Bồ-tát” để cầu sống lâu. Theo Phổ Hiền Diên Mệnh kinh kỳ thì Phổ Hiền có diện mạo đồng tử, tròn như mặt trăng đầy, đầu đội Ngũ Phật kim quan, tay phải cầm chày kim cang, tay trái cầm kim cang lệnh, ngồi trên thiên diệp bảo hoa (hoa báu ngàn cánh), đặt trên lưng một voi trắng ba đầu, chân voi đạp lên một bánh xe kim cang lớn  (kim cang luân), dưới có bầy voi năm ngàn con, thân vàng phóng sắc báu.

Riêng ở Nhật Bản, Phổ Hiền Diên Mệnh Bồ-tát được thể hiện trong hai hình tướng chính: ngồi trên một cái đôn vuông, với hai mươi/ba mươi cánh tay, hoặc ngồi trên voi trắng bốn đầu hoặc trên bốn voi trắng.

Thiên Thai tông thờ phụng một dạng biến thể, Phổ Hiền Diên Mệnh Bồ-tát, trong một lễ nghi đặc biệt để trường thọ được gọi là Phổ Hiền Diên Mệnh pháp. Trong vai trò này, Phổ Hiền có thể xuất hiện dưới hai hình thức khác nhau - như một vị thần hai tay cầm một kim cương chử năm ngạnh ở tay phải và một chiếc chuông ở bên trái khi ngồi trên tòa sen được đỡ bởi ba con voi (hoặc bởi một con voi ba đầu); hoặc như một vị thần 20 tay ngồi trên đài sen, đôi khi được hỗ trợ bởi bốn con voi. Dạng thứ hai này xuất hiện trong phần Biến tri viện/Henchi-in của mạn-đà-la Thai tạng giới.

Khi được biểu thị như một thiếu nhi (Nhi Phổ Hiền - Chigo Fugen) với một mũ miện cao, trang hoàng với hình tượng năm vị Ngũ Thiền Phật/Ngũ Trí Như Lai/Jinas, Ngài được coi là chí tôn. Ngài ngự trên một đóa sen, trên lưng con voi sáu ngà. Hoặc đứng trên hai đóa sen (mỗi chân trên một đóa), tay phải bắt Vô úy ấn, lòng bàn tay trái hướng xuống đất, các ngón tay hơi cong lại. Trong tư thế đứng này, khi họp thành nhóm tám Bồ-tát, Ngài có màu vàng và cầm một hoa sen trong tay phải và một kim cương chử trong tay trái.

Trong kinh Liên hoa, Ngài có 10 nữ đệ tử hộ vệ, vốn là 10 nữ dạ-xoa (rakshasi) vốn thích ăn thịt đàn ông, được ngài cảm hóa quy y Phật Pháp. Những đệ tử đặc biệt này ít khi được biểu thị ngoại trừ trên các mạn-đà-la.

Ở Trung Quốc, hiếm khi Ngài được biểu thị riêng biệt, mà thường hợp thành bộ Thích Ca Tam Tôn. Trước đời Đường, Ngài Phổ Hiền phần lớn là thể hiện “người nam tướng nữ”, từ sau đời Tống, Ngài thường thể hiện là “nữ thân nữ tướng”.

Ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Java, trong các tháp mạn-đà-la của Borobudur, Phổ Hiền có lẽ được biểu thị ở trên đỉnh của hàng lan can thứ năm. Tất cả 64 tượng của Ngài nhìn về các hướng chân trời. Tay phải Ngài bắt giáo hóa ấn, còn tay trái để trong lòng. Vị Bồ-tát này được biểu thị như một Jina nhưng các vật trang trí có lẽ đã được vẽ trước đó trên đá. Ngài biểu thị vị Bồ-tát đang trao truyền trí huệ tối thượng cho hành giả đã tiến lên năm bước trí tuệ (Pancajnana: ngũ trí), giúp họ nhìn thấy những hình tượng của Vairocana (Đại Nhật Phật) nửa ẩn nửa hiện trong các bảo tháp mở nơi ba tầng cuối cùng của Vô sắc giới (Arupad-hatu).

3.      Phổ Hiền trong mạn-đà-la

Trong Mật giáo, các loại hình tượng Phổ Hiền không giống nhau. Ngài được thể hiện bằng màu xanh lục hay màu vàng. Trong Kim cang giới mạn-đà-la đại sao có nói “Phổ Hiền Bồ-tát tay trái nắm lại, tay phải cầm sen, trên có kiếm, mật hiệu là Chân Như Kim Cang”. Thai tạng giới mạn-đà-la đại sao nói: “Phổ Hiền đầu đội ngũ Phật kim quan, tay trái cầm sen, trên có kiếm, tay phải duỗi thẳng đứng”.[19]

Trong mạn-đà-la Kim cương giới, Phổ Hiền Bồ-tát là một trong 16 vị hiền kiếp, nằm ở vị trí thấp nhất trong bốn vị Bồ-tát ở hướng Bắc, mật hiệu là Phổ Nhiếp Kim Cương, hình tam muội da là thanh kiếm. Hình tượng của Ngài thì tùy theo mỗi hội mà có sự sai khác: trong bức vẽ chi tiết, hội Vi tế, nắm tay trái đặt ở vị trí thắt lưng, tay phải cầm cây kiếm sắc bén[20]. Hình ảnh trong hội Cúng dường là hai tay cầm hoa sen, giơ lên trước ngực, trên hoa sen có thanh kiếm. Hình tượng trong hội Hàng tam thế yết ma và hình tượng trong hội Cung kiếm về cơ bản là giống nhau, chỉ là xung quanh thanh kiếm có nhiều tia lửa.

Trong mạn-đà-la Thai tạng giới, Phổ Hiền Bồ-tát được liệt vào trong viện Trung đài bát diệp và viện Văn Thù. Trong viện Trung đài bát diệp, vị trí của Ngài ở trên hoa sen phía Đông nam, thân màu trắng hay hồng nhạt, đội mũ Ngũ Phật, tay trái dùng ngón cái và ngón trỏ cầm hoa sen, trên hoa sen có ngọn lửa bao quanh thanh kiếm, tay phải duỗi ra, ngửa lòng bàn tay, gập ngón áp út và ngón út, hình tam muội da là thanh kiếm trên hoa sen, mật hiệu là Chân Như Kim Cương.

Trong viện Văn Thù, Phổ Hiền Bồ-tát ở vị trí sau phía bên phải của Văn Thù, tay trái cầm hoa sen xanh, bên trên có chùy ba nhánh; tay phải duỗi thẳng năm ngón tay, lòng bàn tay hướng ra ngoài, đầu ngón tay cái chạm vào đầu ngón trỏ và ngón giữa, ngón áp út duỗi ra, ngón út ở trước ngực. Hình tam muội da là chùy ba nhánh trên hoa sen, mật hiệu là Chân Như Kim Cương[21].

Trong Thai tạng giới mạn-đà-la, Ngài được đặt ở hướng Đông nam của Đại Nhật Như Lai (Vairocana) và biểu thị nguyên nhân của lối sống khổ hạnh mà Bảo Tàng Như Lai (Ratnaketu) biểu thị hậu quả. Nên Ngài là tinh thần của Bồ-đề tâm và là nguyên nhân ưu việt của “Đại viên kính trí” (Adarsajnana). Trong Kim cương giới mạn-đà-la, Ngài được biểu thị với một thanh kiếm còn nằm trong bao và một kim cương chử ba mũi[22].

Trong những ảnh tượng của tông Ninh Mã Tây Tạng, Phổ Hiền được miêu tả trong tư thế yab-yum ở trung tâm của mạn-đà-la Shi-tro. Tuy nhiên có khi vị Bồ-tát này cũng được biểu thị trong hình tướng phẫn nộ được gọi là Chemchok Heruka. Trong hình tướng này, Ngài là một vị thần có cánh với thân màu nâu đỏ sẫm, có ba mặt, sáu tay và bốn chân; thường được miêu tả trong tư thế ôm ghì lấy người phối ngẫu màu đỏ tươi.

4.      Phổ Hiền - Văn Thù

Phổ Hiền thường xuất hiện trong bộ ba cùng với Phật Thích Ca và Văn Thù, gọi là Thích Ca Tam Tôn. Ngài đứng bên phải còn Văn Thù đứng bên trái, và có khi họ được vây quanh bởi mười sáu thiên thần bảo vệ cho kinh Bát-nhã.

Bồ-tát Phổ Hiền biểu thị Lý, Định, Hạnh, cùng nói lên sự viên mãn về lý trí, định huệ, hạnh chứng của Như Lai. Bồ-tát Phổ Hiền đại diện cho lý đức và định đức của tất cả chư Phật, sánh ngang với trí tuệ, chứng đức của Bồ-tát Văn Thù, hay Văn Thù Bồ-tát tượng trưng cho trí tuệ, Phổ Hiền Bồ-tát tượng trưng cho chân lý; hai vị Bồ-tát này cùng thị giả bên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài Văn Thù và Phổ Hiền là thượng thủ của tất cả Bồ-tát, thường giúp Phật tuyên dương giáo pháp để thành tựu việc lợi ích chúng sinh. Bồ-tát Văn Thù cưỡi sư tử, Bồ-tát Phổ Hiền cưỡi voi, thể hiện lý trí ngang bằng, chứng ngộ tương ưng. Bồ-tát Phổ Hiền cũng là một trong bốn Đại Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa.

Trong kinh Hoa nghiêm, tất cả Phật pháp đều quy thuộc về Tỳ Lô Giá Na Như Lai và hai vị Đại sư là Bồ-tát Văn Thù và Bồ-tát Phổ Hiền. Ba vị này được gọi là Hoa nghiêm tam thánh, trong đó Bồ-tát Phổ Hiền đại diện cho đức hạnh chính của tất cả Bồ-tát[23].

Hai vị Bồ-tát Phổ Hiền, Văn Thù là chủ quản 2 pháp môn, Bồ-tát Phổ Hiền chủ về Tam muội, Bồ-tát Văn Thù chủ về Bát-nhã. Hai vị trợ giúp Đức Phật giáo hóa, vì đối lại với Văn Thù Bát-nhã mà gọi là Phổ Hiền Tam muội.

Hoa nghiêm kinh thám huyền ký 18 (Đại 35, 441 hạ) ghi: “Phổ Hiền tam muội tự tại, Văn Thù bát-nhã tự tại”[24].

IV. Thân thế [25]

Về thân thế Bồ-tát Phổ Hiền, có nhiều thuyết khác nhau.

1.      Phổ Hiền là con của chư Phật

Kinh Hoa nghiêm nói rằng: “Nhất Thiết Như Lai đều có con trưởng, tên của vị đó là Phổ Hiền”. Ở đây, Phổ Hiền là con của chư Phật.

2.      Người con trai thứ tám của Phật A Di Đà

Bên cạnh đó, Đệ nhị Bồ-tát kinh tích và kinh Bi hoa đều nói rằng Phổ Hiền là con trai thứ tám của Phật A Di Đà.

 “Có một vị Thánh Vương chuyển luân tên là Vô Tránh Niệm (tức Phật A Di Đà, Ngài vốn có tên là Vô Tránh Niệm). Thánh Vương có 1.000 con trai, người con trai lớn tên là Bất Diến, tức là Bồ-tát Quan Thế Âm; người con trai thứ hai tên là Ni Ma, tức Bồ-tát Đại Thế Chí; người con trai thứ ba tên là Tượng Vương, tức Bồ-tát Văn Thù; người con trai thứ tám tên là Mẫn Đồ, tức là Bồ-tát Phổ Hiền”.

Còn trong kinh Bi hoa chép rằng Phổ Hiền Bồ-tát là con thứ tám của A Di Đà Phật. Khi chưa chứng ngộ, Ngài có tên là Mẫn Đồ. Ngài đã phát nguyện trước Phật Bảo Tạng rằng Ngài muốn ở trong quốc độ không thanh tịnh như thế giới Ta-bà, tu Bồ-đề hành để cứu độ chúng sinh, trị lý trang nghiêm một vạn thế giới không thanh tịnh, khiến cho chúng trở nên trang nghiêm thanh tịnh như “thế giới ánh sáng không bụi bẩn ngát hương thơm”. Đồng thời còn giáo hóa vô lượng Bồ-tát, khiến tâm địa của họ thanh tịnh, đều có thể hướng về Phật pháp Đại thừa, khiến họ tràn đầy những thế giới đã được hóa độ. Phật Bảo Tạng do đó đổi danh hiệu cho Ngài là “Phổ Hiền”, đồng thời thụ ký trong tương lai viên mãn thành tựu vô thượng chính đẳng chính giác tại thế giới “Trí Thủy Thiện Tịnh Công Đức” ở phương Bắc, Phật hiệu là “Trí Cương Hống Tự Tại Tướng Vương Như Lai”.

Phổ Hiền Bồ-tát đã tự thuật rằng, Ngài từng cùng với vô số Như Lai là pháp vương tử. Chư Phật mười phương đều coi Phổ Hiền là tấm gương, dạy các Bồ-tát tu Bồ-đề hành, đề xướng tu hành cảnh giới viên giác thanh tịnh. Căn cứ theo những ghi chép trong Đại phương quảng viên giác tu-đa-la liễu nghĩa kinh, trong pháp hội Linh Sơn, Phổ Hiền Bồ-tát cùng với các vị Đại Bồ-tát trong hội đưa ra bốn câu hỏi cho Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca lần lượt trả lời, đoạn đối thoại giữa hai Ngài đã trở thành kinh điển cho đệ tử Phật học tập nghiên cứu trong hàng nghìn năm nay.

Ngoài ra, Phổ Hiền không chỉ là Thập Đại Nguyện Vương. Trong kinh Pháp hoa, phẩm Thập nhẫn, còn đề cập đến “Thập nhẫn” (mười điều nhẫn) dành cho người tu hành: (1) Âm thanh nhẫn: Tất cả giáo pháp mà Bồ-tát nói với Phật, không kinh động, không sợ hãi, không lo ngại, cần tin tưởng lĩnh ngộ, yêu mến đi theo, chuyên tâm ức niệm, tu tập an trụ. (2) Thuận nhẫn: Bồ-tát có thể quan sát tư duy các pháp, bình đẳng không làm trái, thuận theo và hiểu rõ, khiến tâm thanh tịnh, chính trụ tu tập, đi đến thành tựu. (3) Vô sinh pháp nhẫn: Bồ-tát coi các pháp là vô sinh vô diệt. (4) Như hoan nhẫn: Bồ-tát biết rõ tất cả các pháp, hiểu rõ mọi thứ như giấc mộng, từ nhân duyên sinh ra. (5) Như diệm nhẫn: Bồ-tát biết tất cả thế gian như ánh lửa mặt trời. (6) Như mộng nhẫn: Bồ-tát biết rõ thế gian như mộng. (7) Như hưởng nhẫn: Bồ-tát quán âm thanh của Như Lai thuyết pháp, hiểu rõ và hòa cùng âm thanh. (8) Như ảnh nhẫn: Bồ-tát không sinh ra ở thế gian, không diệt ở thế gian; không phải là thế gian, không phải xuất thế gian; không tu Bồ-tát hạnh, không bỏ đại nguyện; tuy thực hiện tất cả Phật pháp nhưng có thể thực hiện tất cả sự việc thế gian; không thuận theo dòng chảy của thế gian, cũng không ở dòng chảy của pháp. (9) Như hóa nhẫn: Bồ-tát quán pháp thế gian và xuất thế gian, tất cả như hóa. (10) Không nhẫn: Bồ-tát biết rõ tất cả pháp giới, tất cả thế gian giới.

3.      Người con thứ hai của Diệu Trang Vương

Ngoài ra, kinh văn Phật giáo cũng có nói rằng Ngài là con thứ hai của Diệu Trang Vương: “Diệu Trang Vương có ba người con gái, người con gái lớn là Văn Thù, người thứ hai là Phổ Hiền, người thứ ba là Quan Âm, người con trai là Địa Tạng”.

V. Tín ngưỡng thờ tự

1. Ở Sri Lanka. Người Sri Lanka tôn kính Bồ-tát Phổ Hiền như là Saman (còn gọi là Sumana, Samantha, Sumana Saman). Saman có nghĩa là “mặt trời mọc buổi sáng”. Đặc tính của vị thần này có ý nghĩa lịch sử đối với người dân Sri Lanka và sự sùng kính đặc biệt đối với tất cả các Phật tử. Vị thần Maha Sumana Saman được miêu tả với mũ miện/vòng hoa, tô điểm ngọc ngà châu báu, cầm một bông hoa sen ở tay phải hoặc tay trái của mình và đi cùng với một con voi trắng. 

Theo Mahavamsa, biên niên sử buổi đầu của Sri Lanka, Saman được coi là một trong những vị thần bảo hộ cho hòn đảo và Phật giáo ở đất nước này. Natha, Upulvan, Vibhishana và Kataragama là những vị thần bảo hộ khác. Triều đại Nayakkar từ miền Nam Ấn Độ đưa Nữ thần Pattini thay thế thần Saman, trong suốt thời kỳ của vương quốc Kandyan. Saman là vị thần bảo hộ (vị thần bảo trợ) hoặc vị thần chịu trách nhiệm vùng Sabaragamuwa và núi Sri Pada. Theo đó, ngôi đền chính hay devalaya là tại Ratnapura, nơi hằng năm có một lễ hội được tổ chức để vinh danh thần. Một ngôi đền lớn dành riêng cho Thần Saman nằm ở Mahiyangana thuộc tỉnh Uva của Sri Lanka. 

Theo tín niệm chung, Saman có thể là một vị vua hoặc một người cai trị một tỉnh (Maha Sumana) của Sabaragamuwa từ thị tộc Deva, một trong bốn thị tộc chính ở Sri Lanka cổ đại. Theo truyền thống của Sammuti Deva (được coi là một vị thần bởi sự thừa nhận chung), Saman được tôn kính như một vị thần. Sau khi qua đời, Sumana Saman trở thành một vị thần, với tên của vị Thần Maha Sumana Saman. Saman cũng được cho là đã được sinh ra như một Deva (chư thiên) của cõi trời sau khi người qua đời do công đức vĩ đại trong quá khứ, người cũng trở thành vị thần chịu trách nhiệm về vùng đất Sri Pada. Một số điều cũng gắn liền người với Bồ-tát Phổ Hiền của Đại thừa.

Trong lịch sử truyền thuyết, Sumana Saman đã mời Đức Phật đến Samanala Kanda và theo thỉnh cầu, Đức Phật Gautama đã để lại dấu chân của Ngài trên tảng đá ở đỉnh núi như một biểu hiện của sự thờ phượng tượng trưng, khi không có Đức Phật. Thần Sumana Saman đã ở đây khi Đức Phật đến viếng thăm hòn đảo này lần đầu tiên. Thần Saman đã chứng quả Dự lưu (Sotapanna) sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp. Ngài đã ban cho thần một nhúm tóc mà bảo tháp ở Mahiyangana đã được thần dựng lên lưu giữ và tôn kính. 

Cũng theo Mahavansa, biên niên sử vĩ đại của Sri Lanka, ngọn núi Sri Pada (còn được gọi là Sumanakuta, Samangira, Samantha Kuta và Samanala Kanda) mang dấu hằn bàn chân trái của Đức Phật mà Ngài đã để lại trong lần thứ ba đến viếng thăm hòn đảo này. Một số người nói rằng cái tên Samantha Kuta có nghĩa là “Đỉnh của Thần Saman”. Nói chung, Phật tử Sri Lanka tin rằng dấu chân trên đỉnh núi Sri Pada là của Đức Phật, trong chuyến viếng thăm lần thứ ba đến Kelaniya, cách đây 2.580 năm trước.

Người ta tin rằng người đầu tiên phát hiện ra dấu chân thiêng liêng là nhà vua Walagamba (104-76 trước TL) trong khi ông tha hương trong vùng núi hoang dã này. Theo truyền thuyết địa phương, ông đã được dẫn đến đỉnh núi bởi một vị thần trong lốt của một con hươu. Sau đó, không chỉ những người hành hương thông thường mà cả hoàng tộc cũng tỏ lòng tôn kính đến dấu chân của Đức Phật từ thời cổ đại. Bắt đầu hàng năm vào ngày trăng rằm poya trong tháng mười hai và kết thúc vào ngày Vesak poya của tháng năm là thời gian thích hợp để hành hương đến Sri Pada. Trong suốt thời gian sáu tháng này, hàng ngàn tín đồ Phật giáo hành hương lên núi không những để thể hiện sự tôn kính đối với vị Thần Sumana Saman là người bảo hộ nhân từ của họ, mà còn để chiêm bái và tôn thờ dấu chân thiêng liêng của Đức Phật trên đỉnh núi này.

Saman là vị thần giám hộ của vùng núi hoang dã. Thần sở hữu con mắt thiêng liêng được cho là sẽ nhìn đến Deraniyagala, Boltumbe, Ellakkala, Nivithigala và núi Benasamanalagala. Người được coi là vị thần chính của khu vực xung quanh ngọn núi thiêng liêng cũng như của đất nước Sabaragamuwa nói chung.

Các tín đồ Phật giáo Theravada của Sri Lanka sau đó đã biến Thần Saman trở thành người bảo hộ đất đai và tôn giáo của họ. Với sự gia tăng của Phật giáo Đại thừa, Saman được nhận biết như là Phổ Hiền, một trong bốn vị Bồ-tát chính của Đại thừa. Giống Phổ Hiền, Saman thường được miêu tả với mũ miện/vòng hoa và tô điểm châu báu ngọc ngà, cầm một bông sen trong tay phải và đi cùng một con voi trắng. Tại Weligama, một bến cảng cổ bên bờ biển phía Nam của Sri Lanka, có một bức tượng cao khoảng 3.7 mét được một số người tin rằng đó là hình tượng của Phổ Hiền được chạm khắc rõ nét từ một hòn đá rêu phủ khổng lồ. Bức tượng này giờ đây được gọi là Kushta Rajagala.

Thần Maha Sumana Saman được thể hiện ở dạng thức nhân hình đi cùng một con voi trắng, con vật ủi đất xa xưa của Sri Lanka, con thú cao quý của hoàng gia và có ý nghĩa trong Phật giáo, trong nền tảng của Sri Pada (đỉnh Adam). Vị thần chói lọi, một sự thần thánh/thiêng liêng trong mọi ý nghĩa của từ ngữ, nằm giữ một bông sen đỏ, bông hoa ý nghĩa của Phật giáo Sri Lanka. Và con voi cao quý của Người cũng nắm giữ một bông sen đỏ[26].


 

2. Ở Trung Quốc. Tương tự như Sri Lanka, Trung Quốc cũng có thuyết Bồ-tát Phổ Hiền thị hiện dưới dạng một con nai. Vào năm Vĩnh Bình thứ 6 của thời Đông Hán (năm 63 TL), có một ẩn sĩ ở núi Nga Mi tên là Bồ Công lên núi hái thuốc. Ông nhìn thấy một con nai rừng, dấu chân của nó như hình hoa sen. Đuổi đến cùng đường mà không thấy con nai đâu, ẩn sĩ Bồ Công bèn tham vấn việc này với một Tăng sĩ Ấn Độ tên là Bảo Trưởng. Ngài Bảo Trưởng đã giảng: đó chính là điềm lành của Ngài Phổ Hiền, ở thời mạt Pháp bảo hộ Như Lai, tướng hiện lên như thế là để hóa lợi chúng sinh. Về sau ẩn sĩ Bồ Công quay lại núi xây nên điện Phổ Quang. Điều này có nói trong Dịch nga lại - Tông kính ký Nga Mi sơn chí của Hồ Thế An thời nhà Minh.

Núi Nga Mi, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc lại trở thành đạo tràng của Ngài Phổ Hiền. Ghi chép này thấy trong các kinh sách như kinh Hoa nghiêm, phẩm Bồ-tát Trú Xứ: “Phía Tây nam có một quả núi tên là Quang Minh, từ xưa đến nay chư Bồ-tát đều đến đó để trú ngụ. Hiện giờ có một vị Bồ-tát tên là Hiền Thắng (tức Phổ Hiền) cùng với ba ngàn quyến thuộc thường xuyên tổ chức thuyết pháp ở đó”.

Kinh Tạp hoa cũng nói rằng: “Vì ta là đồ đệ của Thế Tôn Đẳng Chính Giác nên có được cái mà Phật có, khi thuyết kinh phải có đạo tràng. Ngài Phổ Hiền ở đạo tràng này nhập vào chúng sinh, hiện tướng mênh mông như biển ở ngay núi Nga Mi để âm thầm dẫn dắt người đời, do đó mà thông thạo Bồ-đề giác tính”.

Cuốn kinh quan trọng Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh (gọi tắt là kinh Hoa nghiêm) giới thiệu về Phổ Hiền Bồ-tát có nói: Phổ Hiền Bồ-tát ở trên núi Quang Minh, thường thuyết pháp cho 3.000 đệ tử. Những tín đồ Phật giáo Trung Quốc đồng nhất núi Quang Minh với núi Đại Quang Minh Sơn ở trong kinh Phật, nên đem núi Nga Mi làm đạo tràng của Phổ Hiền Bồ-tát.

Theo ghi chép trong cuốn Nga Mi sơn chí của thời Thanh, thì trong những quãng thời gian hơn 1.600 năm từ thời nhà Tấn đến thời nhà Thanh, ở núi Nga Mi được xây dựng tổng cộng 170 ngôi am, tự, điện đường, lầu, các, đình. Vào thời nhà Minh, toàn núi Nga Mi có khoảng hơn 3.000 vị Tăng, ngày nào cũng sáng chuông chiều trống, tiếng binh boong, lốc cốc, trầm bổng ngân vang không lúc nào ngừng[27].

Bồ-tát Phổ Hiền còn thấy trong câu chuyện Khang Hy tìm Phổ Hiền để cầu xin thuốc trường sinh…,[28] hay xuất hiện trong một số chương hồi trong tác phẩm Tây du ký. Trong hồi 24: Tứ thành thử lòng thiền, Phổ Hiền đã hóa phép thành một trong ba giai nhân thử lòng thầy trò Đường Tam Tạng. Và Phổ Hiền Bồ-tát cũng chính là Phổ Hiền chân nhân trong Phong thần diễn nghĩa.

Như vậy, Bồ-tát Phổ Hiền ngoài việc thờ tự phổ biến ở chùa chiền, tự viện thì hai trường hợp trên là tập tục tín ngưỡng trội bật có quy mô và hình thức đặc dị.

HUỲNH THANH BÌNH

Chú thích:


 

[1] Theo:

- Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 6: NGH, NH, O, PH; tr.5608.

- Louis Frederic (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo, NXB.Mỹ Thuật, tr.307-310.

[2] https://www.onmarkproductions.com/html/fugen.shtml

[3] Theo:

- Mạc Chấn Lương (2009), Tạc tượng Phật & kiến trúc chùa, NXB.Mỹ Thuật, tr.187-196.

- Mã Thư Điền (2002), Các vị thần trong Phật giáo Trung Quốc, NXB.Văn hóa Thông tin, tr.193-209.

[4] Mã Thư Điền (2002). Sđd.

[5] Katō Bunno, Tamura Yoshirō, Miyasaka Kōjirō (1975). The Threefold Lotus Sutra: The Sutra of Innumerable Meanings; The Sutra of the Lotus Flower of the Wonderful Law; The Sutra of Meditation on the Bodhisattva Universal Virtue. New York & Tōkyō: Weatherhill & Kōsei xb.

[6] Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 6: NGH, NH, O, PH; tr.5607.

[7] Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2000). Lý Kim Tường và nhóm cộng sự biên dịch. Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.73-75.

[8] Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

[9] Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2000). Sđd.

[10] Xem:

- Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

- Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

- Meher McArthur (2005). Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, NXB.Mỹ Thuật, tr.71-72.

[11] Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

[12] Mã Thư Điền (2002). Sđd.

[13] Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

[14] Mã Thư Điền (2002). Sđd.

[15] Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

[16] Mã Thư Điền (2002). Sđd.

[17] Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

[18] Xem:

- Meher McArthur (2005). Sđd.

- Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

- Louis Frederic (2005). Sđd.

- Mã Thư Điền (2002). Sđd.

[19] Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2000). Sđd.

[20] Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 6: NGH, NH, O, PH; tr.5608.

[21] Thích Minh Tuệ (2012), Thần bản tôn, NXB.Hồng Đức, tr.210-215.

[22] Louis Frederic (2005). Sđd.

[23] Vũ Thỏa, Nguyên Ninh Cống Bố; Sen Thu (dịch). 1000 vấn đề về Mật Tông, NXB.Thời Đại, 2011, tr.384.

[24] Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 6: NGH, NH, O, PH; tr.5610

[25] Mã Thư Điền (2002). Sđd.

[26] Theo:

Dhammika, Venerable S. “Sri Pada - Buddhism's Most Sacred Mountain”. http://www.buddhanet.net/e-learning/buddhistworld/sri-pada.htm

- Palihapitiya, P.G.G. “Siri Pada: an historical account”. The Daily News.

- The Gods & Deity Worship in Sri Lanka. 28/6/2010. http://www.lankalibrary.com/

- Mahiyangana Cetiya - the first of its kind in Sri Lanka. 28/6/2010.

- Witane, Godwin (13/02/2003). “Sri Lankan monarchs who climbed Holy Sri Pada”. Daily News online. http://archives.dailynews.lk/2003/02/13/fea08.html

- Ratnasinghe, Ariyadasa. “Shrouded in legend and history”. http://sripada.org/ratnasinghe.htm

- Sri Pada Mountain (Adam's Peak)”. https://www.angelfire.com/in4/visitsl/cities/sri_pada/sri_pada.htm

- Hemachandra, Damitha. “Misty past of Saman Devale”. Daily Mirror.      

[27] Mã Thư Điền (2002), Các vị thần trong Phật giáo Trung Quốc, NXB.Văn hóa Thông tin, tr.193-209.

[28] Dương Thu Ái, Nguyễn Kim Hanh (dịch), Nguyễn Tất Hòa (chú thích) (2003). Bồ-tát ngoại truyện. NXB.Văn hóa Thông tin, tr.86-92.

 

Chú thích hình:

S1: Bồ-tát Phổ Hiền, Trung Quốc, thế kỷ XVII.

S2: Bồ-tát Phổ Hiền, Nhật Bản, khoảng thế kỷ 13-15.

S3: Bồ-tát Phổ Hiền, Trung Quốc, khoảng những năm 1505. Hiện vật triển lãm mỹ thuật miền Nam nước Úc.

S4: Bồ-tát Phổ Hiền, thế kỷ XVII.

S5: Bồ-tát Phổ Hiền.

S6: Chemchok Heruka.

S7: Phổ Hiền Pháp thân/Samantabhadra Dharmakaya trong hình thức yab-yum, Samantabhadra-Samantabhadri.

S8: Phổ Hiền Diên Mệnh Bồ-tát

S9: Bồ-tát Phổ Hiền (Nguồn: Thích Minh Tuệ (2012). Thần bản tôn, NXB.Hồng Đức, tr.210-215)

S10: Bồ-tát Phổ Hiền (Nguồn: Thích Minh Tuệ (2012), Thần bản tôn, NXB.Hồng Đức, phần ảnh mở đầu sách)

S11: Bồ-tát Phổ Hiền (Nguồn: Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2000). Lý Kim Tường và nhóm cộng sự biên dịch. Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.73-75)

S12: Bồ-tát Phổ Hiền, mạn-đà-la Thai tạng giới (Nguồn: Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 6: NGH, NH, O, PH; tr.5608)

S13: Bồ-tát Phổ Hiền, mỹ thuật đương đại.

S14: Bồ-tát Phổ Hiền, tranh thangka Tây Tạng.

S15: Thần Saman, Sri Lanka.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác